Căng thẳng thương mại giữa EU và Trung Quốc

Căng thẳng thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang, khi hai bên những ngày qua liên tiếp mở các cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào các sản phẩm của nhau.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại EU - Trung Quốc

Tuần qua, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU, tập trung vào sản phẩm và phụ phẩm cho người, bao gồm cả thịt nguyên con tươi, khô, hun khói, thịt lạnh và đông lạnh, thịt chế biến cũng như các phần nội tạng.

Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc điều tra được tiến hành sau khi Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc nộp đơn khiếu nại, nói rằng ngành thịt lợn nội địa nước này bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bán phá giá. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thêm cuộc điều tra sẽ hoàn tất trong vòng một năm nhưng có thể gia hạn thêm 6 tháng nếu cần thiết.

Các ngành công nghiệp nội địa của Trung Quốc có quyền nộp đơn yêu cầu điều tra để bảo vệ trật tự cạnh tranh trên thị trường và quyền lợi hợp pháp của mình theo luật pháp và các quy định liên quan của Trung Quốc cũng như các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cơ quan điều tra sẽ tiến hành xem xét, triển khai các thủ tục và công bố các kết luận theo quy định của pháp luật.

Ông Hà Á Đông - Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc.

Nếu cuộc điều tra dẫn tới việc Trung Quốc áp mức thuế quan mới, kết quả này sẽ gây tổn thất không nhỏ đối với các nhà xuất khẩu thịt lợn châu Âu, do nhu cầu giảm từ đất nước tỷ dân. Hiện tại, Trung Quốc đánh thuế 12% đối với thịt nhập khẩu của EU. Nếu mức thuế tăng lên 20%, các chuyên gia cho rằng nhiều nhà xuất khẩu châu Âu sẽ cảm nhận được sức nóng của cuộc chiến thương mại.

Thống kê cho thấy, Trung Quốc tiêu thụ tổng cộng 57,94 triệu tấn thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn vào năm 2023, trong khi nước này chỉ nhập khẩu 1,55 triệu tấn. Do đó, theo Cailianpress.com, một trang web tin tức tài chính Trung Quốc, thịt lợn nhập khẩu từ EU về cơ bản chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc, vậy nên nguồn cung từ khu vực này sụt giảm sẽ không ảnh hưởng lớn đến giá thịt lợn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngược lại, trang web này cho rằng, nhiều trang trại lợn ở EU sẽ gặp khó khăn vì họ sẽ không thể tìm được khách mua mới cho các sản phẩm nội tạng lợn, chân, đuôi và tai lợn - những thứ thường không được sử dụng trong các món ăn châu Âu. Các nhà xuất khẩu thịt lợn ở EU cũng khó có thể bù đắp tổn thất ở Trung Quốc, ngay cả khi họ tìm kiếm các thị trường mới như Philippines.

EU còn đang điều tra trợ cấp nhà nước của Trung Quốc dành cho các công ty sản xuất turbine gió và tấm pin năng lượng mặt trời.

Ngoài cuộc điều tra nhằm vào thịt lợn châu Âu, Trung Quốc hồi tháng 1 vừa qua đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với đối với rượu brandy nhập khẩu từ EU và xem xét áp thuế quan lên rượu cognac Pháp. Theo giới quan sát, các động thái đáp trả của Bắc Kinh không gây bất ngờ. Mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập đến thuế xe điện khi thông báo về cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn châu Âu, nhưng đây được coi phản ứng trước động thái của EU đối với ô tô điện, đồng thời mang lại cho Trung Quốc lợi thế thương lượng trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào.

Mặt khác, ngành nông nghiệp châu Âu trước đó đã được dự đoán là lĩnh vực hứng chịu nhiều biện pháp trả đũa nhất bởi đây là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm chính trị với một số nước EU. Ngoài ra, các sản phẩm khác như: hàng tiêu dùng xa xỉ, rượu vang, socola, đồ nội thất cao cấp, ô tô chạy bằng xăng của châu Âu cũng có thể rơi vào tầm ngắm. Trong khi đó, ngoài xe điện, EU còn đang điều tra trợ cấp nhà nước của Trung Quốc dành cho các công ty sản xuất turbine gió và tấm pin năng lượng mặt trời, trong bối cảnh có những lo ngại rằng tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc đang khiến thế giới tràn ngập trong hàng xuất khẩu giá rẻ từ nước này.

Giải pháp ứng phó với bất đồng thương mại 

Các động thái áp đặt rào cản kinh tế giữa EU - Trung Quốc đang làm gia tăng bất ổn trong hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn. Với Trung Quốc, việc EU áp mức thuế mới đối với xe điện nhập khẩu, sẽ hạn chế đáng kể sức cạnh tranh của xe điện Trung Quốc tại thị trường châu Âu, vốn là thị trường nước ngoài quan trọng nhất và đang tăng trưởng mạnh của đất nước tỷ dân.

Về phía EU, việc Trung Quốc điều tra chống bán phá giá và xem xét tăng thuế đối với các sản phẩm thịt lợn của khối này, được dự báo sẽ gây tổn hại cho ngành nông nghiệp châu Âu, trong bối cảnh nông dân ở nhiều nước thành viên từ Tây Ban Nha, Đức, Pháp cho đến Bỉ thời gian gần đây đồng loạt xuống đường biểu tình kêu gọi chính phủ và các cơ quan quản lý châu Âu giúp họ vượt qua khó khăn. Trước nguy cơ căng thẳng thương mại lan rộng, các doanh nghiệp cùng các nhà quản lý ở cả châu Âu và Trung Quốc đều thận trọng theo dõi diễn biến và chuẩn bị các phương án ứng phó để giảm thiểu rủi ro.

Việc EU áp mức thuế mới đối với xe điện nhập khẩu, sẽ hạn chế đáng kể sức cạnh tranh của xe điện Trung Quốc tại thị trường châu Âu.

Sau nhiều tháng điều tra, EU đã quyết định đánh thuế lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ tháng 7 tới và được đánh giá sẽ có những tác động rộng lớn với ngành xe điện Trung Quốc và buộc các hãng xe Trung Quốc đưa ra các biện pháp ứng phó. Theo đó, tất cả các xe ô tô chạy bằng pin điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp thuế bổ sung từ 17,4 đến 38,1%, cộng với mức thuế 10% hiện hành, khiến tổng thuế cho bất kỳ chiếc xe điện nào mà các thương hiệu Trung Quốc đưa vào khối lên tới gần 50%.

Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ quan điểm về cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của Trung Quốc. Điều tôi muốn nói là bản chất của cuộc điều tra này là chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Trung Quốc kêu gọi EU chấm dứt cuộc điều tra càng sớm càng tốt để tránh gây tổn hại cho hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc - EU cũng như đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp.

Bà Mao Ninh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, mức thuế mới sẽ tạo gánh nặng chi phí rất lớn lên các nhà xuất khẩu xe điện Trung Quốc, cũng như khách hàng, nhà phân phối và các đại lý bán xe tại EU.

Để giảm thiểu tác động, các hãng xe điện Trung Quốc sẽ buộc phải cắt giảm chi phí hơn nữa, hoặc xây dựng các nhà máy sản xuất xe điện ngay tại EU để tránh bị áp thuế nhập khẩu nguyên chiếc. Những hãng xe có tiềm lực tài chính mạnh như BYD có thể thích ứng được với chính sách thuế mới của EU, do từ năm ngoái công ty này đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy đầu tiên ở Hungary và sẽ xây tiếp một nhà máy nữa vào năm 2025.

Bên cạnh các chiến lược cắt giảm giá và dịch chuyển sản xuất sang châu Âu, các hãng xe Trung Quốc cũng sẽ tìm cách chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác, trong đó có Đông Nam Á và Nam Mỹ. Đây là các thị trường mà các công ty xe điện Trung Quốc đang chứng kiến đà tăng trưởng doanh số rất mạnh qua mỗi năm.

Các hãng xe Trung Quốc cũng sẽ tìm cách chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác.

Các nhà phân tích dự báo, mặc dù có các tác động đáng kể, nhưng kế hoạch đánh thuế này của EU được cho là không thể trở thành dấu chấm hết cho sự hiện diện của xe điện Trung Quốc tại châu Âu, bởi giá bán của các hãng xe điện Trung Quốc vốn đã rất thấp so với các đối thủ cạnh tranh.

Về phía EU, Tây Ban Nha - nhà xuất khẩu thịt lợn hàng đầu châu Âu cho biết họ đang làm việc với các quan chức Liên minh châu Âu để tránh thiệt hại về thuế quan sau khi Trung Quốc mở cuộc điều tra chống bán phá giá.

Các doanh nghiệp công nghiệp tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đang theo dõi sát tình hình. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng ô tô lớn của Đức coi Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Hiện nhiều doanh nghiệp Đức hoạt động tại Trung Quốc cho biết vẫn chưa điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh của mình để thích ứng với việc EU áp thuế lên xe điện Trung Quốc và các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh. Các công ty này hy vọng, các cuộc đàm phán thuế quan giữa EU và Trung Quốc có thể tìm ra được giải pháp, qua đó tránh được những xáo trộn trong hoạt động kinh tế và thương mại.

Ai được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại EU - Trung Quốc?

Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng là đối tác quan trọng thứ hai của EU chỉ sau Mỹ. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai bên là khoảng 739 tỷ Euro. Do đó, các đòn áp thuế trả đũa lẫn nhau, nếu tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng, chắc chắn sẽ gây ra những tác động lớn, với thiệt hại không nhỏ cho cả hai bên. Trong khi các doanh nghiệp châu Âu và Trung Quốc “đứng ngồi không yên”, vì nguy cơ mất thị trường tiêu thụ và giảm lợi nhuận, thì các đối thủ ở khu vực Nam Mỹ hay Ấn Độ được cho là sẽ hưởng lợi từ bất kỳ gián đoạn thương mại nào giữa Bắc Kinh và Brussels.

Các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế đều cho rằng các nhà cung cấp thịt lợn từ Nam Mỹ và Mỹ có thể giành được thêm thị phần tại Trung Quốc nếu Bắc Kinh hạn chế nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).

Nga, đối tác thương mại ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng có thể sẽ tăng lượng xuất khẩu thịt lợn sang nền kinh tế thứ hai thế giới. Nga hiện đã ký các thỏa thuận về an toàn thực phẩm với Trung Quốc.

Nga cũng có thể sẽ tăng lượng xuất khẩu thịt lợn sang nền kinh tế thứ hai thế giới.

Trong khi đó, việc EU quyết định đánh thuế xe điện nhập từ Trung Quốc được đánh giá là sẽ đem lại cơ hội cho Ấn Độ. Theo Công ty tư vấn Bexley Advisors, căng thẳng thương mại giữa EU và Trung Quốc hiện nay sẽ thúc đẩy hình thành các trung tâm sản xuất mới, mà trong đó Ấn Độ là một lựa chọn. Các liên doanh hợp tác với các đối tác Trung Quốc không chỉ giúp quốc gia Nam Á phát triển năng lực sản xuất nội địa, mà còn vươn tầm trở thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực. Bên cạnh đó, các nguồn vốn và dự án hợp tác nước ngoài còn góp phần giúp New Delhi giải quyết loạt vấn đề hiện tại về tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.

Cho đến nay, đa số các nhà phân tích đều nhận định cả EU và Trung Quốc đều không thực sự mong muốn xảy ra cuộc chiến thương mại, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay. Nếu như Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn suy thoái của thị trường bất động sản, thì các nhà hoạch định chính sách châu Âu cũng đang loay hoay tìm cách tăng cường sự năng động cho nền kinh tế. Do đó, các biện pháp và đề xuất áp thuế mà Trung Quốc và EU đưa ra lẫn nhau vẫn tồn tại những điểm “giới hạn”, cho phép hai bên giảm leo thang, kiểm soát tình hình và tránh đẩy quan hệ song phương đi vào ngõ cụt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được dư luận quốc tế nhìn nhận như một thách thức mới cho quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã trải qua nhiều sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.