Châu Á triền miên bão lũ

Hiện tượng thời tiết La Nina đang có dấu hiệu quay trở lại, khiến tần suất mưa lớn, bão, lũ gia tăng ở nhiều nước châu Á trong năm nay.

Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và Bangladesh đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Siêu bão Shanshan, cơn bão mạnh nhất trong năm nay đã đổ bộ vào đảo Kyushu, miền Nam Nhật Bản hôm 29/8, khiến ít nhất 5 người đã thiệt mạng, hơn 80 người bị thương.

Cơn bão có thể thổi bay một xe tải đang di chuyển, gây ra mưa lớn, gió giật và lũ lụt khiến hàng triệu người phải đi sơ tán. Sau một ngày bão đổ bộ, mưa xối xả vẫn tiếp tục trút xuống phần lớn đất nước khiến nhiều hãng hàng không tiếp tục ngừng các chuyến bay và các nhà máy lớn kéo dài thời gian đóng cửa.

Nhật Bản hứng chịu cơn bão mạnh nhất trong năm

Siêu bão Shanshan là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ Nhật Bản kể từ năm 1960. Bão được phân loại "rất mạnh", mức cao thứ hai đối với bão được cơ quan thời tiết Nhật Bản áp dụng.

Trước khi đổ bộ vào đảo Kyushu, bão đã gây mưa lớn làm lở đất khiến ba thành viên trong cùng một gia đình tại tỉnh Aichi tử vong sau khi bị đất đá chôn vùi.

Trước khi đổ bộ vào đảo Kyushu, bão Shanshan đã gây mưa lớn làm lở đất.

Hai người nữa được cho là đã thiệt mạng, trong đó có một người đàn ông được nhìn thấy lần cuối trên một chiếc thuyền nhỏ ở Kyushu và một người khác bị kẹt trong ngôi nhà hai tầng bị sập một phần, ở quận Tokushima, trên đảo Shikoku lân cận.

Ít nhất 81 người khác bị thương, trong đó có nhiều người bị thương do kính vỡ sau khi cơn bão đập vỡ cửa sổ và xé toạc mái nhà.

Khoảng 250.000 hộ gia đình ở Kyushu phải sống trong cảnh mất điện. Các nhà chức trách cho biết họ đã sơ tán hơn 5,2 triệu người chủ yếu ở Kyushu và một số khu vực ở miền trung Nhật Bản, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lớn và lở đất. Đêm trước khi bão đổ bộ, hãng Toyota đã thông báo tạm dừng sản xuất tại tất cả 14 nhà máy của mình.

Ít nhất 81 người khác bị thương, trong đó có nhiều người bị thương do kính vỡ sau khi cơn bão đập vỡ cửa sổ và xé toạc mái nhà.

Nhiều dịch vụ giao thông như phà, tàu cao tốc Shinkansen cũng đã bị đình chỉ trên toàn bộ đảo Kyushu vì mưa lớn. Các tuyến tàu nối các thành phố lớn ở miền Tây Nhật Bản, bao gồm Osaka, Kyoto và Hiroshima, cũng ngừng hoạt động. Nhiều người đi làm hoặc đi học phải loay hoay tìm cách về nhà.

Hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways đã hủy hơn 1.000 chuyến bay nội địa và 4 chuyến bay quốc tế vào ngày 29/8 và 30/8, ảnh hưởng đến hơn 44.000 hành khách. Singapore Airlines đã hoãn 2 chuyến bay đến và đi từ sân bay Fukuoka.

Hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways đã hủy hơn 1.000 chuyến bay nội địa và 4 chuyến bay quốc tế vào ngày 29/8 và 30/8.

Bà Lin Yue-Hua, một du khách 60 tuổi đến từ Đài Loan, đã bị hủy chuyến bay từ Fukuoka về nước vào ngày 29/8. Bà được yêu cầu đặt chuyến bay khác nhưng không biết khi nào mới có thể trở về nhà.

“Chúng tôi được thông báo phải hoàn vé và đặt chuyến khác nên chúng tôi rất lo lắng vì không biết phải làm sao. Chúng tôi ở lại Nhật Bản thêm một ngày. Chúng tôi đọc tin tức và biết rằng máy bay từ Đài Loan không thể hạ cánh xuống Nhật Bản sau khi bay vòng quanh khu vực này khoảng 40 phút và nó đã bay trở lại Đài Loan. Vì vậy, chúng tôi đang vội tìm đường về nhà”, bà Lin Yue-Hua cho hay.

Bão đã hạ cấp nhưng cơn bão di chuyển chậm này dự kiến sẽ tiếp cận các khu vực miền Trung và miền Đông Nhật Bản - bao gồm cả Tokyo - vào khoảng cuối tuần này. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã ban hành cảnh báo bão khẩn cấp mức cao nhất, khi dự kiến xảy ra thảm họa do bão có quy mô chỉ diễn ra hàng chục năm một lần.

Bão đã hạ cấp nhưng cơn bão di chuyển chậm này dự kiến sẽ tiếp cận các khu vực miền Trung và miền Đông Nhật Bản.

Không giống như cảnh báo mưa lớn, cảnh báo khẩn cấp về bão thường được công bố khoảng 12 giờ trước khi tâm bão dự kiến sẽ đến, giúp người dân có thời gian sơ tán. Đối với bão Shanshan, cảnh báo khẩn cấp đã được ban hành vào ngày 29/8 khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản khuyến báo về lũ lụt, lở đất và gió mạnh có thể thổi bay một số ngôi nhà.

Lũ lụt nghiêm trọng tại Ấn Độ

Mưa lớn đã tấn công các khu vực ven biển của Ấn Độ và Pakistan dọc theo Biển Ả Rập. Ít nhất 28 người đã thiệt mạng và hơn 24.000 người phải sơ tán ở bang Gujarat phía Tây Ấn Độ kể từ hôm 25/8. Thủ đô New Delhi của nước này cũng xảy ra ách tắc giao thông nghiêm trọng vì mưa lớn. Một số con sông và hồ chứa đang tràn bờ do mực nước đã vượt mức nguy hiểm.

Quân đội Ấn Độ và các đội ứng phó thảm họa quốc gia đang thực hiện các hoạt động cứu trợ và cứu hộ tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dự báo mưa lớn vẫn có thể tiếp diễn trong những ngày tới.

Những đợt mưa với lượng nước nhiều hơn 40% so với hàng năm đã nhấn chìm nhiều khu vực tại bang Gujarats phía tây Ấn Độ.

Những đợt mưa với lượng nước nhiều hơn 40% so với hàng năm đã nhấn chìm nhiều khu vực tại bang Gujarats phía tây Ấn Độ, làm ngập lụt các thành phố và buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Nước ngập đến thắt lưng, thiếu điện, thiếu lương thực, những người bị mắc kẹt chỉ còn biết chờ đợi vào sự hỗ trợ của chính phủ.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, các hoạt động cứu hộ đang được tiến hành. Họ sử dụng thuyền bơm hơi chở người dân đến nơi trú ẩn và phân phát nước đóng chai, thực phẩm cho các khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng nhất.

Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, các hoạt động cứu hộ đang được tiến hành.

Bà Chetna Tiwari, Chủ tịch thành phố Porbandar, bang Gujarat,  cho hay: "Chúng tôi sử dụng thuyền để giải cứu người dân, đưa họ tới nơi trú ẩn. Vẫn còn một số người bị mắc kẹt, vì vậy chúng tôi đang khẩn trương huy động lực lượng giải cứu họ, đưa họ tới nơi an toàn".

Dịch vụ vận tải đã bị gián đoạn ở một số nơi. Có tới 48 chuyến tàu tại bang này đã bị hủy bỏ. Gujarat thường xuyên chịu lũ lụt nghiêm trọng trong mùa gió mùa năm 2017, hơn 200 người thiệt mạng do mưa lũ kéo dài. Theo báo cáo của chính phủ Ấn Độ, nhiều vùng ở Gujarat dễ bị lũ lụt vì các con sông lớn chảy qua một vùng đất rộng và rất bằng phẳng trước khi đổ ra biển.

Dịch vụ vận tải đã bị gián đoạn ở một số nơi.

Mưa lớn cũng gây ra tình trạng lũ lụt ở bang Delhi, phía tây bắc Ấn Độ khiến giao thông gần như bế tắc ở một số khu vực thủ đô  New Delhi. Các công nhân được huy động bơm nước để thông đường hầm, nơi nước ngập sâu nhất và gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Ấn Độ đã chứng kiến những cơn mưa xối xả và những đợt nắng nóng khắc nghiệt tại các thành phố trên khắp đất nước trong vài tháng qua. Vào tháng 6, mưa đã gây sập mái nhà, chết người ở New Delhi, làm ngập các đường hầm, ùn tắc giao thông cũng như mất điện và nước. Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần đào thêm hồ, ao để tích trữ lượng mưa lớn và có thể ngăn chặn tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô

Bangladesh: hàng triệu người bị mắc kẹt do lũ lụt

Bangladesh có hệ thống sông ngòi lớn bậc nhất thế giới với khoảng 700 sông chính và sông nhánh. Người dân nước này cũng đã quen với lũ lụt. Nhưng những năm gần đây, mưa lớn gây lũ quét bất ngờ khiến người dân khó chống chịu.

Đã có 23 người thiệt mạng, gần 6 triệu người bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua. Nước lũ rút chậm, nhiều người trong số 5,7 triệu người bị ảnh hưởng vẫn bị cô lập và cần được cấp lương thực, nước sạch, thuốc men và quần áo khô.

Đã có 23 người thiệt mạng, gần 6 triệu người bị ảnh hưởng trong đợt lũ vừa qua tại Bangladesh.

Lội qua dòng nước lũ ngập ngang ngực, hàng trăm người từ từ tìm đường đến nơi an toàn, đồ đạc được giơ cao trên đầu để khô ráo. Thành phố Feni ở phía đông nam Bangladesh được mô tả giống như tâm chấn của một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất đất nước.

Lũ lụt đã tràn vào 11 quận và phần lớn thành phố với gần 1,5 triệu dân hiện đang chìm trong nước. Cách duy nhất để ra hoặc vào vùng lũ là bằng thuyền - tất cả các con đường chính đều bị cắt đứt hoàn toàn. Các nỗ lực cứu hộ bị chậm lại do thiếu điện và gần như toàn bộ hệ thống liên lạc trong thành phố bị mất điện.

Bà Sufia Begum, người dân địa phương, cho biết: “Chúng tôi không thể lấy lại bất cứ thứ gì từ nhà của mình. Khi lũ bắt đầu tràn vào lúc 23h, chúng tôi đang ngủ nên không biết lũ nguy hiểm đến thế. Sáng ra khỏi nhà, tôi thấy nước ngập tới đầu gối, nước dọc hai bên đường đã ngập gần đến cổ chúng tôi”.

Lũ lụt đã tràn vào 11 quận và phần lớn thành phố với gần 1,5 triệu dân hiện đang chìm trong nước.

Các quan chức nước này hôm 26/8 cho biết số người thiệt mạng vì lũ lụt đã tăng lên 23 người, khoảng 1,24 triệu gia đình bị mắc kẹtn. Cơ quan chức năng Bangladesh thông báo khoảng 470.000 người đã sơ tán tới 3.500 nơi trú ẩn. Khoảng 650 đội y tế có mặt tại hiện trường để điều trị cho những người bị thương. Lực lượng quân đội, không quân, hải quân và biên phòng đã tham gia hỗ trợ cứu hộ và cứu trợ.

Các quan chức Bộ Nông nghiệp nước này cho biết nhiều vùng đất rộng lớn bị ngập nước, gây ra mối đe dọa đáng kể cho mùa màng nếu lũ  tiếp diễn.

Một phân tích năm 2015 của Viện Ngân hàng Thế giới ước tính rằng 3,5 triệu người ở Bangladesh, một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu trên thế giới, có nguy cơ bị lũ sông hàng năm. Các nhà khoa học cho rằng những sự kiện thảm khốc như vậy trầm trọng thêm là do biến đổi khí hậu.

Thái Lan công bố gói gỗ trợ cho vùng ngập lụt 

Thái Lan mới đây đã công bố 14 biện pháp tài chính, bao gồm hoãn nợ, nhằm giúp người dân và doanh nghiệp ở những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Đợt lũ và lở đất nghiêm trọng do mưa lớn bắt đầu từ ngày 16/8 tại Thái Lan đã khiến 22 người thiệt mạng và 19 người khác bị thương.

Theo Bộ Tài chính Thái Lan, các biện pháp hỗ trợ tài chính bao gồm chương trình hoãn nợ của Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ cho khách hàng, với hạn mức tín dụng lên tới 294.000 USD.

Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp nước này cũng đang cung cấp các gói hỗ trợ thanh khoản cùng các biện pháp hỗ trợ khách hàng với tổng ngân sách là hơn 580 triệu USD. Người dân được cung cấp khoản vay trị giá 14.700 USD/người,  giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Lũ lụt lan rộng ở khoảng 10 tỉnh của Thái Lan kể từ giữa tháng 8.

Lũ lụt lan rộng ở khoảng 10 tỉnh của Thái Lan kể từ giữa tháng 8 đã ảnh hưởng đến khoảng 30.000 hộ gia đình và làm hơn 22 người thiệt mạng, đây được coi là thử thách lớn đầu tiên đối với tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra.

Những lo ngại về tác động đối với du lịch và nông nghiệp đang bắt đầu gia tăng. Lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh của Thái Lan ước tính đã gây ra thiệt hại cho ngành du lịch nước này khoảng 14,4 triệu USD, trong khi chi tiêu cho du lịch dự kiến sẽ giảm 5,8 triệu USD.

Các nhà chức trách Thái Lan cho biết các số liệu trên được đưa ra bởi một ủy ban mới được thành lập để theo dõi tác động của lũ lụt, đặc biệt là ở các tỉnh Phayao, Nan, Phrae, Sukhothai và Uttaradit, những địa phương đều phải đối mặt với tình trạng lũ lụt kết hợp lở đất.

Thái Lan mới đây đã công bố 14 biện pháp tài chính, bao gồm hoãn nợ nhằm giúp người dân và doanh nghiệp ở những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Bộ Du lịch và Thể thao, cùng với Tổng cục Du lịch Thái Lan đang chuẩn bị một kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch tại vùng bị ảnh hưởng ngay khi tình hình trở nên tốt hơn. Các hoạt động và lễ hội liên quan đến du lịch sẽ được điều chỉnh lại thời gian, chẳng hạn như Giải chạy Marathon Amazing Nan, đã được hoãn lại đến ngày 20/10 thay vì diễn ra từ ngày 25/8 như lịch trình được đưa ra trước đó.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO, biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng khí hậu cực đoan xảy ra nhiều hơn với tần suất lớn hơn. Nước biển ấm hơn và nhiệt độ bề mặt nước biển là một trong những nguyên nhân khiến các cơn bão và lốc xoáy nhiệt đới tăng cường. Các đợt nắng nóng đã tăng gấp đôi tần suất kể từ năm 1980, vừa dữ dội hơn vừa kéo dài hơn. Do đó, các quốc gia cần hợp tác hơn nữa trong chống biến đổi khí hậu. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Năm 2024 được đánh dấu là một năm biến đổi khí hậu khắc nghiệt khi có thêm sự tác động từ El Nino và sắp tới đây sẽ là La Nina, với nhiều trận bão lớn hoành hành ở khắp các châu lục.

Chỉ huy lực lượng đặc biệt Akhmat của Nga, Thiếu tướng Apti Alaudinov vừa thông báo đã giành lại được hai ngôi làng ở phía Tây tỉnh Kursk.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin an ninh phương Tây cho hay quân đội Israel đã tham gia vào giai đoạn lên kế hoạch cho chiến dịch tấn công nhằm vào Hezbollah kéo dài hơn một năm.

Sản lượng những vườn nho ở miền Tây nước nước Pháp sụt giảm đã tác động không nhỏ tới ngành sản xuất rượu vang, một ngành kinh tế quan trọng của nước này.

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi ong của Tunisia. Nhiệt độ tăng cao và hạn hán kéo dài đang đe dọa quần thể ong và sản lượng mật ong của nước này.

Phạm Trường Sơn là tiến sĩ hóa dược Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Hungary công nhận. Sinh năm 1980, anh nổi tiếng với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học.