Châu Âu trước làn sóng biểu tình phản đối khách du lịch

Mặc cho lạm phát và nắng nóng, ngành du lịch của nhiều nước ở châu Âu đang tăng trưởng mạnh mẽ trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, chính sách du lịch không bền vững đang khiến người dân châu Âu cảm thấy bị đẩy ra khỏi cộng đồng của mình và không nhận được lợi ích nào từ du lịch.

Bất chấp giá cả đắt đỏ, du khách từ Mỹ, Anh và Canada tới Châu Âu ngày càng tăng cao. Nhưng bên cạnh bội thu du lịch, những ngày hè này, các cuộc biểu tình phản đối du lịch lại đang lan rộng khắp châu Âu từ Hà Lan, tới Hy Lạp và Tây Ban Nha. Lý do là bởi, khi khách du lịch đến quá đông, giá nhà đất tại nhiều nước Châu Âu tăng vọt, cùng với đó là nhiều loại chi phí tăng cao, môi trường bị ảnh hướng… Chính sách du lịch không bền vững đang khiến người dân châu Âu cảm thấy bị đẩy ra khỏi cộng đồng của mình và không nhận được lợi ích nào từ du lịch.

Lượng khách tới đảo Santorini, Hy Lạp tăng gấp 20 lần

Những chiếc tàu vẫn đều đặn chở khách du lịch đến đảo Santorini - hòn đảo nổi tiếng nhất của Hy Lạp.  Theo số liệu thống kê, lượng khách tới Santorini những ngày hè này tăng gấp 20 lần so với bình thường. Là địa điểm ngắm cảnh hoàng hôn, bình minh tuyệt đẹp, dễ hiểu vì sao Santorini lại trở thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua.

Những chiếc tàu vẫn đều đặn chở khách du lịch đến đảo Santorini - hòn đảo nổi tiếng nhất của Hy Lạp.

Khách du lịch sẵn sàng hứng chịu cái nắng nóng buổi chiều để tìm một địa điểm đẹp giữa những ngôi nhà quét vôi trắng và những nhà thờ mái vòm xanh. Họ có thể chờ đợi hàng giờ để ngắm hoàng hôn.

Khách du lịch sẵn sàng chờ đợi hàng giờ để ngắm hoàng hôn.

Tất cả du khách đều dường như không bận tâm khi đi qua một biển báo có dòng chữ "HÃY TÔN TRỌNG! Đây là kỳ nghỉ của bạn, nhưng đây là nhà của chúng tôi".

Đối với nhiều người trong số 20.000 cư dân của Santorini, hòn đảo từng là chốn bình yên với những ngôi làng cổ kính và những bãi biển nguyên sơ. Giờ đây tất cả dường như đã bị hủy hoại bởi du lịch.

Đối với nhiều người trong số 20.000 cư dân của Santorini, hòn đảo từng là chốn bình yên với những ngôi làng cổ kính và những bãi biển nguyên sơ.

Ngay cả những chủ doanh nghiệp được hưởng lợi từ du lịch cũng lo lắng. Ông Georgios Damigos, chủ một khách sạn có 14 phòng do cha mẹ ông mở vào những năm 1980 cho biết sẽ rất khó để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết đáp ứng cho lượng du khách không ngừng tăng lên.

Ông Georgios Damigos, chủ một khách sạn có 14 phòng trên đảo đảo Santorini cho biết: "Tôi biết chắc rằng mức sống của chúng tôi đã giảm xuống. Santorini chỉ là một hòn đảo nhỏ, diện tích chỉ 70 km vuông thôi. Bạn thử tưởng tượng số lượng du khách tăng lên gấp 20 lần như thế, cơ sở hạ tầng nào chịu nổi. Nhiều người không có chỗ ở để nhường chỗ cho khách du lịch. Santorini là một kỳ quan thiên nhiên cần được bảo tồn cho các thế hệ tương lai nhưng lại đang bị đe dọa bởi việc cấp giấy phép xây dựng mà không cân nhắc".

Các nhà chức trách trên đảo cũng đã kêu gọi hạn chế lượng du khách, đề xuất hạn chế số lượng du khách xuống còn 8.000 người một ngày thay vì khoảng 17.000 người như hiện nay. Doanh thu từ du lịch là điều không thể bỏ qua với một hòn đảo du lịch như Santorini.

Các nhà chức trách trên đảo cũng đã kêu gọi hạn chế lượng du khách, đề xuất hạn chế số lượng du khách xuống còn 8.000 người một ngày thay vì khoảng 17.000 người như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Alexandros Pelekanos, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại đảo Santorini lại cho hay: "Chúng ta có muốn thu nhập hay không? Chúng ta có muốn có việc làm và doanh thu hay không? Bạn không thể vừa có được sự yên tĩnh vừa kiếm được tiền".

Dữ liệu doanh thu du lịch quốc gia của Hy Lạp đã tăng 16% trong những tháng đầu năm nay và dự kiến năm 2024 sẽ vượt qua kỷ lục 33 triệu lượt khách của năm ngoái.

Và mỗi ngày, khi hoàng hôn buông xuống, du khách đổ xô đến Santorini, chen chúc dọc theo vách đá, mọi con phố xung quanh lâu đài hoặc lên các ban công và sân thượng. Tất cả đều hướng về phía tây với máy ảnh luôn sẵn sàng. Họ hò reo hò khi tia nắng cuối cùng biến mất ở đường chân trời.

Biểu tình phản đối khách du lịch lan rộng khắp châu Âu

Không chỉ ở Hy Lạp, tại hòn đảo nghỉ dưỡng Mallorca của Tây Ban Nha, nhiều người dân địa phương thậm chí phải sống trong trong xe caravan vì quá tải du lịch khiến giá thuê nhà đắt đỏ. Các cuộc biểu tình phản đối du lịch diễn ra khắp nơi đã gây nên hiện tượng "Ám ảnh du lịch" khắp châu Âu. Nhiều người còn lo ngại rằng tình hình có thể trở nên bất ổn nếu chính quyền châu Âu không giải quyết được tác động tiêu cực của tình hình hiện nay.

Tại hòn đảo nghỉ dưỡng Mallorca của Tây Ban Nha, nhiều người dân địa phương thậm chí phải sống trong trong xe caravan vì quá tải du lịch khiến giá thuê nhà đắt đỏ.

Hàng nghìn người dân đã biểu tình chống lại quá tải du lịch trên đảo Mallorca. Các nhóm tổ chức biểu tình yêu cầu chấm dứt mô hình du lịch hiện tại trên đảo Mallorca bởi "làm nghèo người dân và chỉ làm giàu cho một số ít người". Người biểu tình yêu cầu một mô hình du lịch thay thế cùng với các quyền lợi như cho người dân được quyền tiếp cận nhà ở đàng hoàng, cải thiện dịch vụ công, và bảo tồn và phục hồi các khu vực tự nhiên.

Hàng nghìn người dân đã biểu tình chống lại quá tải du lịch trên đảo Mallorca.

Nhiều nhóm biểu tình thậm chí đã phun nước vào du khách và hô vang: "Du khách hãy về nhà".

Ông Alvaro Sanchez, một tài xế taxi cho hay: "Chúng tôi không chống lại khách du lịch, chúng tôi chống lại mô hình du lịch. Vì vậy, đó là một phần của mô hình tư bản chủ nghĩa. Chúng tôi đang phải gánh chịu hậu quả của mô hình này vì chúng tôi không đủ khả năng sống ở đây. Đó là vì khách du lịch có mức sống cao hơn đến đây và họ cũng nâng cao mức sống của chúng tôi".

Về vấn đề hàng nghìn cư dân biểu tình phản đối khách du lịch, ông Biel Gonzales, Chủ tịch Hiệp hội cộng đồng Mallorca cho biết: "Phải thay đổi, chúng ta không thể tiếp tục như thế này. Khi du lịch bắt đầu tăng mạnh, nó ảnh hưởng trực tiếp đến từng người. Mọi người  như chúng tôi không còn cơ hội sống trong thành phố nữa. Không có căn hộ nào vì chúng dành cho khách du lịch thuê, cả hợp pháp và bất hợp pháp".

Bà Pilar Hernando, cư dân Mallorca 45 tuổi đã phải sống trong một chiếc xe caravan ở ngoại ô 5 năm nay vì không đủ khả năng chi trả cho giá thuê nhà đang tăng rất cao do sự bùng nổ du lịch trên hòn đảo nghỉ dưỡng của Tây Ban Nha.

"Mọi thứ đều tăng, giá cả tăng, tiền thuê nhà tăng, mọi thứ đều tăng, mọi thứ đều tăng... trừ tiền lương", - Bà Pilar Hernando buồn rầu.

Nhiều người dân Mallorca khác cũng đang phải sống trong những chiếc xe gia đình caravan vì giá nhà bị đẩy lên quá cao. Bà Aina Anamaria, 48 tuổi, đã vay tiền để mua một chiếc xe caravan và chấp nhận trả góp hàng tháng với số tiền là 323 euro (khoảng 350 đô la), bằng khoảng một nửa mức lương 700 euro mà bà nhận được hàng tháng.

Nhiều người dân Mallorca khác cũng đang phải sống trong những chiếc xe gia đình caravan vì giá nhà bị đẩy lên quá cao.

Bà Aina Anamaria, người dân Mallorca, Tây Ban Nha chia sẻ: "Giá thuê một phòng trên hòn đảo này phải mất khoảng 400-500 euro, vì vậy mua một chiếc xe như thế này là giải pháp khả thi nhất. Không có cách nào để mô tả cách chúng tôi phải sống theo cách này trên chính hòn đảo của mình".

Mallorca có ba khu như vậy dành cho những người dân sống trong xe caravan. Cảnh sát đã đe dọa sẽ phạt tiền họ, trong khi đó chính quyền địa phương cho biết sẽ không thể có giúp thêm gì.

Nhiều du khách thích thuê nhà nghỉ khi đi du lịch, đó là lý do tại sao số lượng khách du lịch nước ngoài thuê nhà ngắn hạn tăng 24% trong quý II.

Nhiều du khách thích thuê nhà nghỉ khi đi du lịch, đó là lý do tại sao số lượng khách du lịch nước ngoài thuê nhà ngắn hạn tăng 24% trong quý II, trong khi nhu cầu về khách sạn chỉ tăng 11%. Và thế là giá thuê nhà bị đẩy lên cao. Theo trang web niêm yết bất động sản Fotocasa, giá thuê nhà tại các đảo của Tây Ban Nha đã tăng 158% trong một thập kỷ qua.

Kiến tạo một môi trường du lịch bền vững và công bằng

Nhiều chuyên gia về du lịch cho rằng những cuộc biểu tình như thế này có thể ảnh hưởng đến quyết định của khách du lịch. Nhưng nhìn chung, giới phân tích cho rằng đây không phải là xung đột giữa khách du lịch và người dân địa phương mà cuộc khủng hoảng du lịch tại Châu Âu đang phản ánh về việc du lịch không được chính quyền quản lý bền vững. Điều quan trọng là chính phủ các quốc gia cần thay đổi chính sách quản lý để người dân địa phương không cảm thấy bị đẩy ra khỏi cộng đồng của mình.

Tại một số thành phố châu Âu, chính quyền địa phương đã có hành động nhằm kiểm soát lượng khách du lịch đến quá đông.

Tại một số thành phố châu Âu, chính quyền địa phương đã có hành động nhằm kiểm soát lượng khách du lịch đến quá đông. Thành phố Venice của Italy là một ví dụ. Cách đây hai tháng, nhiều người còn nghi ngờ về việc áp dụng thu phí này của Venice. Nhưng giờ đây, các thành phố khác trên khắp châu Âu đang học tập Venice và một số thậm chí còn muốn tăng phí du lịch.

Việc thử nghiệm việc thu phí vào cửa ở Venice đã thu về hơn 2,4 triệu euro cho thành phố.

Thị trưởng Barcelona Jaume Collboni gần đây đã tuyên bố rằng ông muốn tăng thuế du lịch đối với một số hành khách đi du thuyền. Thị trưởng Barcelona cũng muốn chấm dứt giấy phép cho khoảng 10.000 căn hộ hiện đang cho thuê ngắn hạn.

Còn tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch - nơi được mệnh danh là Thủ đô xanh nhất thế giới, để bảo vệ môi trường sống, Copenhagen đã thực hiện chiến dịch: du khách đến đây nếu hoàn thành các nhiệm vụ thân thiện với môi trường sẽ được địa phương ghi nhận và tặng thưởng những phần đồ ăn hấp dẫn và vé tham dự nhiều hoạt động thú vị.

Để bảo vệ môi trường sống, Copenhagen đã thực hiện chiến dịch: du khách đến đây nếu hoàn thành các nhiệm vụ thân thiện với môi trường sẽ được địa phương ghi nhận và tặng thưởng.

Giới chức địa phương hy vọng sáng kiến này không chỉ giúp thúc đẩy hành vi du lịch có trách nhiệm, mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm văn hóa của thành phố.

Bà Rikke Holm Petersen, Giám đốc truyền thông tại Wonderful Copenhagen, Đan Mạch cho biết: "Copenpay là một dự án thí điểm kéo dài trong bốn tuần. Và chúng tôi có 24 điểm tham quan tham gia vào chiến dịch này. Mỗi điểm tham quan đều xác định rõ về một hành động được quy định là thân thiện với khí hậu mà khách du lịch và người dân có thể tham gia và được nhận phần thưởng. Nó sẽ có hiệu ứng lan tỏa vì khi mọi người thực hiện những hành động vì sự phát triển bền vững với môi trường, họ sẽ thực hành nó khi họ trở về nhà".

Việc tham gia chương trình rất dễ dàng, không cần đăng ký hay cài đặt ứng dụng nào. Du khách chỉ cần lựa chọn đi xe đạp, tham gia dọn dẹp thành phố hoặc làm tình nguyện tại các trang trại trong nội đô...

Những hoạt động này được dự báo có thể thu hút du khách tham gia, để nhận phần thưởng.

Theo hội đồng du lịch thành phố, du khách sẽ nhận được thẻ CopenPay nạp sẵn tiền để trả cho các loại phí tham quan ở bảo tàng, thuê thuyền kayak, mua đồ ăn... nếu thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, thân thiện với môi trường.

Ngay sau khi được phát động, nhiều du khách còn thu gom rác thải nhựa và đến Phòng trưng bày quốc gia Đan Mạch để biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Đồi Copen, vốn là một điểm đến thu hút ở thủ đô Đan Mạch, đã trở thành nơi du khách thực hiện các nhiệm vụ xanh và thưởng thức những phần thức ăn miễn phí.

Nổi tiếng với danh hiệu "Thành phố xanh nhất thế giới" được trao tặng năm 2015, Copenhagen đón khoảng 12 triệu du khách đến thăm mỗi năm.

Có nhiều cách mà các quốc gia đang áp dụng để có một nền du lịch bền vững. Điều quan trọng là chính quyền và quản lý của các điểm du lịch cần nhận thức rằng tăng trưởng du lịch phải có những giới hạn nhất định, quan tâm đến lợi ích của cư dân địa phương.

Có ý kiến đề xuất rằng, cần đầu tư số tiền thu được từ du lịch vào các dự án cộng đồng và thị trường việc làm. Việc tạo ra một môi trường du lịch bền vững và công bằng là vô cùng quan trọng. Đây được xem là giải pháp tốt nhất để làm dịu đi căng thẳng giữa du khách và người dân địa phương trong bối cảnh du khách lựa chọn đi du lịch Châu Âu vẫn sẽ không ngừng tăng cao.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi ong của Tunisia. Nhiệt độ tăng cao và hạn hán kéo dài đang đe dọa quần thể ong và sản lượng mật ong của nước này.

Hãng công nghệ SpaceX (Mỹ) vừa phóng thành công tên lửa Falcon 9 từ Trung tâm Không gian Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Tên lửa mang theo sứ mệnh Galileo L13 của Ủy ban châu Âu lên không gian.

Ngày 18/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hàn - Trung, Kim Tae-nyeon tại thủ đô Bắc Kinh.

Nhà sản xuất thiết bị vô tuyến của Nhật Bản Icom ngày 19/9 cho biết, họ đang điều tra thông tin liên quan đến các bộ đàm mang logo của hãng này phát nổ ở Liban.

Chính quyền Nigeria đã cảnh báo về khả năng xảy ra lũ lụt ở 11 tiểu bang sau khi nước láng giềng Cameroon cho biết sẽ bắt đầu xả lũ theo quy định từ đập Lagdo.

Các nhà phân tích cho biết Israel đã lập bản đồ toàn bộ khu vực hoạt động của Hezbollah từ năm 2010 bằng trí tuệ nhân tạo AI, tạo thuận lợi cho việc tiến hành kích nổ hàng loạt thiết bị liên lạc của Hezbollah. Trước đây, Israel cũng đã từng thực hiện nhiều cuộc tấn công ám sát đối thủ bằng những cách tương tự như vụ nổ máy nhắn tin hàng loạt tại Liban.