Chính phủ Anh nỗ lực 'vượt khó' về kinh tế

Thủ tướng Anh Keir Starmer thuộc đảng Lao động, sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 đã đưa ra một chương trình nghị sự nhiều tham vọng cả về đối nội và đối ngoại, nhằm đưa nước Anh thoát khỏi tình trạng hỗn loạn và trì trệ dưới thời chính phủ đảng Bảo thủ, thúc đẩy nền kinh tế của Anh tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng nhậm chức, kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.

Kinh tế tiếp tục trì trệ

Dữ liệu chính thức của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy, nền kinh tế Anh đã suy giảm vào tháng 9 và tháng 10 trước khi ngân sách được công bố. Đây là lần đầu tiên GDP giảm liên tiếp kể từ năm 2020. Trong quý III, GDP của Anh chỉ tăng 0,1%, thấp hơn cả quý trước và kỳ vọng của thị trường.

"Những con số về GDP thật đáng thất vọng, nhưng không thể đảo ngược hơn một thập kỷ tăng trưởng kinh tế kém và mức sống trì trệ chỉ trong vài tháng. Nhưng bạn sẽ thấy từ các kế hoạch mà chúng tôi đã công bố, từ cải cách năng lượng, cải cách xây dựng 1,5 triệu ngôi nhà, cải cách lương hưu, thành lập quỹ tài sản quốc gia. Chính phủ đang tiếp tục công việc và cải thiện tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống".

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves

Trong khi đó, nợ công của Anh lên tới 88,9 % GDP trong năm tài chính 2023-2024, đạt 97,8 % khi tính cả Ngân hàng Anh. Đây là khoản nợ cao nhất mà chính phủ Anh phải gánh chịu kể từ đầu những năm 1960.

Ngày 18/12, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, lạm phát tại nước này trong tháng 11 đã tăng 2,6%, đạt mức cao nhất trong 8 tháng qua. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3 năm nay.

Nhà ở và dịch vụ hộ gia đình là những yếu tố chính góp phần làm tăng giá cả. CPI cốt lõi (không bao gồm các mặt hàng biến động như năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) đã tăng 3,3 % vào tháng 10.

“Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn đang tiếp diễn. Đó là lý do tại sao trong ngân sách, chúng tôi đã tăng mức lương tối thiểu quốc gia, tăng lương cho 3 triệu công nhân, chúng tôi đóng băng thuế nhiên liệu để người lái xe không phải trả nhiều tiền hơn tại các trạm xăng. Chúng tôi nhận ra những thách thức mà các gia đình vẫn đang phải gánh chịu và đang hành động để giải quyết thách thức về chi phí sinh hoạt.

Bộ trưởng Tài chính Anh, Rachel Reeves

Ngoài ra, các công ty cắt giảm việc làm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trì trệ trên thị trường lao động, khi dữ liệu tuần này cho thấy, các doanh nghiệp đang cắt giảm nhân sự với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021.

Ngân hàng Anh dự báo, lạm phát có thể tăng thêm và đạt đỉnh ở mức 2,7% vào cuối năm 2025. Ngân hàng này kỳ vọng, lạm phát sẽ dần giảm xuống dưới mục tiêu 2% trong khoảng thời gian dự báo 3 năm.

Ngân hàng Trung ương Anh BOE ngày 19/12 đã quyết định giữ nguyên lãi suất đi vay ở mức 4,75%, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ tiếp tục giảm lãi suất vào năm sau.

“Tăng trưởng chậm chạp và thị trường lao động yếu đi có khả năng sẽ khởi động lại chu kỳ nới lỏng trong năm mới, với tháng 2 là thời điểm có khả năng xảy ra đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Đến cuối năm 2025, chúng tôi dự kiến lãi suất của Anh sẽ ở mức khoảng 4,0%”.

Ông Ian Stewart - Nhà kinh tế trưởng, Công ty kế toán Deloitte

Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) của ngân hàng trung ương cho biết đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Anh trong ba tháng cuối năm, với dự đoán tăng trưởng kinh tế bằng 0. Trước đó, ngân hàng này đã dự đoán mức tăng trưởng 0,3% vào tháng 11.

Những kế hoạch thúc đẩy kinh tế

Hiệu suất yếu ớt của nền kinh tế đặt ra thách thức to lớn cho chính phủ của Thủ tướng Starmer. Để bù đắp thâm hụt ngân sách, Bộ trưởng tài chính Rachel Reeves đã công bố mức tăng thuế lớn nhất trong ba thập kỷ trong bản kế hoạch ngân sách đầu tiên đưa ra vào tháng 10. Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính sẽ tăng thuế 40 tỷ bảng Anh/1 năm (tương đương 52 tỷ USD). Ngoài ra, chính phủ Anh cũng đưa ra các kế hoạch như xây dựng 1,5 triệu ngôi nhà mới hay chuyển đổi năng lượng sạch để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Theo kế hoạch, tăng thuế 40 tỷ bảng Anh chủ yếu nhằm vào các doanh nghiệp và người giàu. Ngoài ra Bộ Tài chính Anh cũng công bố một loạt các động thái tăng doanh thu khác bao gồm thay đổi các quy tắc thuế đối với thu nhập từ vốn, thừa kế và thuế do các giám đốc điều hành vốn tư nhân, cư dân không cư trú phải trả. Với kế hoạch này, Bộ Tài chính cam kết thu thêm 25 tỷ bảng Anh (32,5 tỷ USD) mỗi năm trong thời gian 5 năm cho Dịch vụ Y tế Quốc gia đang trải qua khủng hoảng của nước này.

Các doanh nghiệp đã cảnh báo rằng, việc tăng thuế đối với họ, kết hợp với các biện pháp bảo vệ mới cho người lao động và mức lương tối thiểu tăng, có thể khiến chính phủ không thể thực hiện mục tiêu biến nước Anh thành nền kinh tế G7 tăng trưởng nhanh nhất.

Hơn 2 tháng qua, hàng ngàn nông dân tại Anh đã xuống đường tiến hành các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch đánh thuế thừa kế tài sản nông nghiệp. Nhiều người tham gia biểu tình trên những chiếc máy kéo. Nông dân cho rằng, việc đánh thuế thừa kế đối với các trang trại sẽ buộc các gia đình nông dân phải bán trang trại để trả thuế, điều này sẽ làm giảm sản lượng.

"Đối với tôi, vấn đề không phải là thuế thừa kế, mà thực tế là trong suốt bao nhiêu năm qua, chỉ có Chúa mới biết họ đã khiến chúng tôi ngày càng khó khăn hơn trong việc chăn nuôi. Chúng tôi sản xuất thực phẩm cho mọi người, nếu không có chúng tôi, mọi thứ sẽ đắt hơn rất nhiều khi mua từ một quốc gia khác. Nhưng họ dường như không hiểu, năm này qua năm khác, chúng tôi lại có thêm luật, thêm thuế và lợi nhuận càng ngày càng ít đi".

Russell Granby, nông dân tham gia biểu tình

Nông dân Anh cho biết, thu nhập của họ đã giảm sút trong nhiều năm qua do sự cạnh tranh của ngành siêu thị tại Anh, hàng nhập khẩu giá rẻ từ nước ngoài và việc cắt giảm trợ cấp sau Brexit.

Một kế hoạch gây tranh cãi khác của Bộ trưởng Tài chính Reeves là thúc đẩy cải cách lương hưu lớn nhất trong nhiều thập kỷ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Anh đặt mục tiêu hợp nhất 86 chương trình lương hưu của chính quyền địa phương hiện tại thành một số "quỹ siêu cấp", hy vọng sẽ giải ngân khoảng 80 tỷ bảng Anh để đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, các công ty khởi nghiệp công nghệ và các dịch vụ công của Anh.

Kế hoạch này mặc dù đầy tham vọng nhưng vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Cơ quan giám sát cho biết, đầu tư công cao hơn có khả năng thúc đẩy tăng trưởng nhưng chủ yếu là về lâu dài.

Chính phủ Anh cũng đặt mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch vào năm 2030. Bộ trưởng năng lượng Anh Ed Miliband cho biết, chính phủ nước này đang có kế hoạch cải cải thiện kết nối với mạng lưới cơ sở hạ tầng điện, tăng các dự án năng lượng tái tạo và ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng trong hệ thống quy hoạch của đất nước. Mục tiêu của kế hoạch là giảm sự phụ thuộc của Anh vào nguồn năng lượng từ bên ngoài và giảm chi phí năng lượng cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi hiện đang chịu sự chi phối của thị trường nhiên liệu hóa thạch, giá khí đốt, bất kể chúng ta lấy khí đốt từ đâu, phụ thuộc vào quyết định của các quốc gia, điều đó thể hiện rõ trong hóa đơn năng lượng. Đã đến lúc cần có năng lượng sạch trong nước mà chúng tôi có thể kiểm soát. Đó là tất cả những gì mà kế hoạch của chúng tôi hướng đến. Đó là điều đúng đắn cho đất nước, cho các hóa đơn, cho an ninh.”

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Anh, ED Miliband

Trước mắt, những kế hoạch của Chính phủ Thủ tướng Starmer vẫn chưa thể ngay lập tức giải quyết được các cuộc khủng hoảng trong nước, bao gồm nợ công và giá cả hàng hóa tăng cao. Thủ tướng Starmer cho biết, kế hoạch này phải được đánh giá bằng cách sử dụng dữ liệu về thu nhập khả dụng của hộ gia đình và GDP bình quân đầu người trong nhiệm kỳ quốc hội kéo dài năm năm. Còn trước mắt, chính phủ của ông Starmer chấp nhận rủi ro.

“Kế hoạch thay đổi của chúng tôi là chương trình tham vọng và đáng tin cậy nhất đối với chính phủ trong một thế hệ, và chúng tôi chấp nhận rủi ro đi kèm với nó”.

Thủ tướng Anh, Keir Starmer

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Anh dành cho Thủ tướng Starmer đã giảm mạnh, trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng Lao động nhỉnh hơn không đáng kể so với tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ.

Kết quả cuộc khảo sát của YouGov cho thấy, khoảng 59% người dân không tán thành với chính sách của đảng Lao động của Thủ tướng Starmer, trong khi chỉ 18% ủng hộ. Bên cạnh đó, khoảng 39% người dân Anh nói rằng tình hình đất nước hiện tệ hơn so với chính phủ do đảng Bảo thủ lãnh đạo.

Hàn gắn quan hệ rạn nứt với EU

Bên cạnh ưu tiên đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại, từ sau khi trở thành Thủ tướng Anh, ông Starmer cũng đã thực hiện hàng loạt chuyến công du tới các quốc gia EU, nhằm khẳng định cam kết "nước Anh đã trở lại" sau nhiều năm tranh cãi nội bộ về Brexit. Nỗ lực này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của chính phủ Thủ tướng Starmer nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và duy trì an ninh khu vực trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn chưa kết thúc và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng với những chính sách có thể gây bất lợi cho châu Âu.

Trong gần 2 tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Starmner đã gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz 5 lần và Tổng thống Pháp Macron 3 lần. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc hợp tác với Đức, Pháp nhằm bảo đảm những vấn đề lợi ích cốt lõi của Anh, nhất là kích thích tăng trưởng kinh tế trong nước và giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp. Điều này cũng tạo ra sự khác biệt rõ ràng giữa Đảng Lao động của Thủ tướng Starmer và các thủ tướng tiền nhiệm của đảng Bảo thủ.

Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Olaf Scholz có quan điểm gần gũi hơn với ông Starmer. Hiện Nhóm đàm phán của hai bên đang tiến tới thống nhất một thỏa thuận mới với mong muốn đạt được quan hệ đối tác mới vào đầu năm 2025. Thỏa thuận đầy tham vọng này dự kiến sẽ bao gồm các lĩnh vực quan trọng cần tăng cường hợp tác như: kinh doanh và thương mại, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đồng thời tăng cường hành động chung về vấn đề di cư bất hợp pháp.

Thực tế, vấn đề “lật ngược tình thế Brexit và hàn gắn mối quan hệ Anh - châu Âu” đã được các bên đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu lần thứ tư mà Anh đăng cai tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Sau đó hai bên đã tiến hành hàng loạt cuộc gặp gỡ nhằm thúc đẩy quá trình hàn gắn. Ngày 9/12, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves đã có cuộc gặp với những người đồng cấp khu vực đồng euro lần đầu tiên, nhằm thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác.

"Hôm nay không phải là bắt đầu đàm phán. Hôm nay là bước sơ bộ cần thiết để xây dựng lại lòng tin và xây dựng mối quan hệ sau vài năm rất căng thẳng và đối kháng giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu. Chúng tôi muốn vạch ra ranh giới cho những mối quan hệ đó và chuyển sang trang mới của sự hợp tác và thừa nhận rằng có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta muốn và cần phải hợp tác nếu chúng ta muốn cải thiện mức sống cho công dân của mình"

Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, Rachel Reeves

Ngày 12/12, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng đã tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Antonio Costa, tại số Phố Downing. Chuyến thăm Anh của ông Costa diễn ra chỉ 12 ngày sau khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 1 tháng 12.

Theo truyền thông Anh đưa tin, ông Starmer sẽ chấp nhận lời mời tham gia cùng các nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào tháng 2 năm sau để thảo luận về an ninh châu Âu khi Brussels tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh.

Thủ tướng Starmer đã cam kết xây dựng lại niềm tin với các đồng minh châu Âu bị tổn hại vì Brexit. Tuy nhiên, ông đã loại trừ khả năng Anh tái gia nhập thị trường chung châu Âu, liên minh thuế quan hoặc quyền tự do đi lại trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Trong khi đó, EU yêu cầu cải thiện chương trình tự do đi lại. Cả hai bên đều thừa nhận rằng các cuộc đàm phán dự kiến bắt đầu vào năm tới sẽ không dễ dàng.

Hiện tại, kinh tế Anh vẫn bị coi là một mớ hỗn độn phức tạp của các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội. Những quyết định sai lầm trong nhiều năm qua, hậu quả từ Brexit và đại dịch COVID -19, khủng hoảng năng lượng và thị trường lao động bất ổn... đang tạo ra gánh nặng lớn cho nước Anh. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực cải thiện nền kinh tế của Thủ tướng Starmer sẽ khó có thể đem lại hiệu quả tức thời, thậm chí còn gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế trước mắt. Thủ tướng Starmer từng tuyên bố mục tiêu của chính phủ mới là đem lại sự ổn định, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra sự thịnh vượng trên khắp đất nước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Anh Keir Starmer thuộc đảng Lao động, sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 đã đưa ra một chương trình nghị sự nhiều tham vọng cả về đối nội và đối ngoại, nhằm đưa nước Anh thoát khỏi tình trạng hỗn loạn và trì trệ dưới thời chính phủ đảng Bảo thủ, thúc đẩy nền kinh tế của Anh tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng nhậm chức, kết quả thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo tấn công loạt mục tiêu ở thủ đô Kiev để đáp trả vụ Ukraine phóng tên lửa ATACMS và Storm Shadow vào tỉnh Rostov của Nga

Một dự luật chi tiêu của đảng Cộng hòa được Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ đã không được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 19/12, khiến Chính phủ Mỹ đối mặt khả năng đóng cửa một phần.

Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou cho biết sẽ công bố nội các mới trước kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh và khẳng định ưu tiên hàng đầu là thông qua Dự luật ngân sách năm 2025.

Tòa án ở thủ đô Moscow của Nga thông báo Ahamd Kurbanov, nghi phạm trong vụ nổ khiến một trung tướng quân đội Nga thiệt mạng, đã bị buộc tội có hành động khủng bố.

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.