Chính phủ Pháp sụp đổ, vòng xoáy khủng hoảng tiếp diễn

6 tháng sau khi chính phủ tiền nhiệm bị giải tán, chính phủ non trẻ mới được thành lập được 3 tháng của Thủ tướng Michel Barnier tiếp tục nối gót, sụp đổ sau khi không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 4/12 do liên minh cánh tả đề xuất.

Kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm là 'điều tất yếu'

Các nghị sĩ của đảng Tập hợp quốc gia (RN) cánh hữu và đảng Mặt trận bình dân mới (NPF) cánh tả đã liên minh ủng hộ bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier cùng nội các thiểu số do Tổng thống Emmanuel Macron áp đặt, với đa số phiếu ủng hộ.

Ngay sau khi có thông báo về kết quả của cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, lãnh đạo các đảng đối lập cho rằng điều này không phải là một chiến thắng mà là một giải pháp tất yếu.

“Chúng tôi đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ và thông qua đó, bất tín nhiệm đối với ngân sách. Để bảo vệ người dân Pháp, không có giải pháp nào khác ngoài giải pháp đó”.

Bà Marine Le Pen - Lãnh đạo đảng RN tại Quốc hội

"Chúng tôi đã thực hiện cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này một cách có ý thức và nghiêm túc. Chúng tôi đã nhận thức được hậu quả của nó và nếu chúng tôi làm vậy, thì đó là vì chúng tôi biết rằng chúng tôi có thể đề xuất một con đường khác”.

Bà Cyrielle Chatelain - Thành viên đảng Xanh

Ông Jean - Luc- Melenchon, Lãnh đạo đảng NPF cho biết trên X rằng, kết quả này là “không thể tránh khỏi”.

Theo Hiến pháp Pháp, Thủ tướng Michel Barnier cùng với toàn bộ chính phủ giờ đây cần phải nộp đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron và việc từ chức sẽ tự động được chấp nhận. Theo kế hoạch, ông Barnier nộp đơn từ chức vào 10h sáng ngày 5/12 (theo giờ địa phương). Điều này khiến ông Barnier trở thành Thủ tướng tại vị thời gian ngắn nhất trong lịch sử nước Pháp và là thủ tướng Pháp đầu tiên bị quốc hội bãi nhiệm kể từ năm 1962.

Trong lịch sử nước Pháp đã có gần 150 động thái bất tín nhiệm kể từ khi nền Cộng hòa thứ năm được thành lập vào năm 1958. Lần bỏ phiếu bất tín nhiệm gần đây nhất là vào tháng 10/1962, trong đó chính phủ của Thủ tướng Georges Pompidou đã bị lật đổ.

Còn lần bỏ phiếu bất tín nhiệm này là kết quả của một vòng xoáy khủng hoảng chính trị bùng phát sau khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi một cuộc bầu cử sớm vào tháng 6, dẫn đến một Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc.

Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Tổng thống Macron đã bổ nhiệm Thủ tướng Michel Barnier vào tháng 9, nhằm chấm dứt 2 tháng bế tắc sau cuộc bầu cử quốc hội bất ngờ dẫn đến quốc hội treo. Tuy nhiên, điều này khiến Liên minh cánh tả NPF tức giận. Liên minh cánh tả này đã giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6, như một phần của thỏa thuận với tổng thống nhằm loại bỏ đảng cực hữu RN của bà Le Pen. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Macron đã quay lưng với NPF, không trao ghế thủ tướng cho liên minh này mà lựa chọn ông Michel Barnier thuộc đảng LR vốn chỉ đứng ở vị trí thứ 5 trong cuộc bầu cử Quốc hội, đồng thời Tổng thống Pháp cũng ủng hộ thành lập một nội các thiểu số mà ông Barnier đưa ra. Động thái này của ông Macron bị cho là coi thường kết quả bầu cử.

'Giọt nước tràn ly'

Thủ tướng Bariner từ khi nhậm chức vào cuối tháng 9 đã có một khởi đầu khó khăn khi vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập và đông đảo người dân. Sự phản đối đối với ông Barnier tăng lên sau khi ông đề xuất ngân sách an sinh xã hội, trong đó cố gắng cắt giảm chi tiêu 40 tỉ euro (41,87 tỉ USD) và tăng 20 tỉ euro tiền thuế để giải quyết thâm hụt lớn của nước này. Trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang ngày càng suy thoái, đề xuất “thắt lưng buộc bụng” và tăng thuế của ông Barnier gây thất vọng lớn cho người dân và chính là giọt nước tràn ly, thúc đẩy động thái bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông.

Thủ tướng Michel Barnier đã kích hoạt Điều khoản 49.3 trong Hiến pháp của Pháp để thông qua dự luật mới về ngân sách an sinh xã hội mà không cần đợi Quốc hội biểu quyết. Thủ tướng Pháp đặt mục tiêu rót thêm 60 tỷ euro vào ngân sách thông qua các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để giải quyết tình trạng thâm hụt ngày càng tăng trong nước.

Thủ tướng Barnier nhấn mạnh đây là “những nỗ lực cần thiết” để hướng tới các mục tiêu “công bằng” và “cân bằng”.

Ông Barnier từng hy vọng dự luật của mình sẽ sớm được Quốc hội Pháp thông qua sau khi nhượng bộ yêu sách từ các chính đảng. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ thuộc hai phe tả-hữu vẫn phản đối dữ dội, đồng thời cáo buộc Chính phủ Pháp đang lạm dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Jordan Bardella - lãnh đạo đảng RN, chỉ trích dự luật ngân sách của Thủ tướng Barnier khi cho rằng, nó sẽ “gây đau khổ” trên toàn nước Pháp.

“Chúng ta không thể thông qua một ngân sách dự kiến sẽ tăng thêm 20 tỷ euro thuế, ở một quốc gia đã có mức thuế bắt buộc kỷ lục, dự kiến sẽ đánh vào sức mua của những người dân đồng bào của chúng ta, những người dễ bị tổn thương nhất, bằng cách thu hồi các khoản hoàn trả y tế, bằng cách tăng thuế điện. Những điều này sẽ làm suy yếu tăng trưởng và hoạt động kinh tế trong nước”.

Ông  Jordan Bardella - Lãnh đạo đảng RN

Chính đề xuất về tăng thuế này của Thủ tướng Barnier đã khiến giọt nước tràn ly. Sau khi đề xuất này được đưa ra, bà Marine Le Pen - lãnh đạo khối các nghị sĩ đảng RN tại Quốc hội Pháp tuyên bố đệ trình việc tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Barnier. Các nghị sĩ phe cánh tả cũng lên tiếng ủng hộ bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Với việc thủ tướng bị lật đổ, tổng thống bị suy yếu, nước Pháp hiện đang kết thúc năm mà không có chính phủ ổn định và chưa đưa ra được ngân sách cho năm 2025, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Pháp đã đạt hơn 6% GDP trong năm nay. Việc không thông qua ngân sách không chỉ khiến thâm hụt tiếp tục tăng mà còn có thể đẩy Pháp rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Tuy nhiên, các đảng đối lập tại Pháp hy vọng rằng sẽ sớm bổ nhiệm Thủ tướng mới và đưa ra một đề xuất ngân sách mới trong thời gian tới.

Thế khó của Tổng thống Macron

Ngay cả khi Thủ tướng Barnier và nội các của ông bị sụp đổ thì Tổng thống Pháp Macron vẫn tiếp tục tại nhiệm đến đầu năm 2027. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Tổng thống Emmanuel Macron, vốn đã suy giảm nghiêm trọng sau các cuộc bầu cử mùa hè vừa qua. Giờ đây, ông Macron sẽ phải tìm kiếm một vị thủ tướng mới dung hòa được lợi ích chung. Ông Macron có thể yêu cầu các đảng phái chính trị tìm kiếm một chính phủ liên minh mới hoặc chỉ định một chính phủ kỹ trị cho đến khi cuộc bầu cử lập pháp mới có thể được tổ chức vào năm sau.

Tổng thống Macron sẽ không thể triệu tập một cuộc bầu cử Quốc hội mới trước mùa hè năm sau vì ông đã kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất ngờ vào tháng 6 năm nay. Điều này báo hiệu sự bất ổn và biến động chính trị tại Pháp có thể kéo dài trong nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng.

Giờ đây, Tổng thống Macron chỉ có thể tạm thời bổ nhiệm thủ tướng và chính phủ mới. Tuy nhiên, thủ tướng mới chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức giống như ông Barnier khi trình các dự luật trong bối cảnh quốc hội tiếp tục chia rẽ.

“Tổng thống Macron có thể bổ nhiệm một thủ tướng cánh hữu khác, giống như ông Barnier, người sẽ có sự ủng hộ của phe trung dung và phe bảo thủ. Nhưng thủ tướng mới này có thể sẽ phải nhượng bộ đáng kể với bà Lepen - lãnh đạo đảng cực hữu RN, để có thể tồn tại”.

Ông Benjamin Morel, nhà khoa học chính trị tại Đại học Paris Panthéon-Assas

Vị thế của Tổng thống Macron đã lao dốc không phanh trong nhiều tháng qua. Sự trỗi dậy của tư tưởng chính trị cánh hữu, cũng như thất bại lớn của phe trung dung do ông lãnh đạo trong cuộc bầu cử lập pháp bất ngờ hồi tháng 6 khiến sự ủng hộ của ông ngày một tụt giảm. Sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, các đảng đối lập đã kêu gọi ông Macron từ chức.

"Hôm nay, với động thái bất tín nhiệm đối với chính phủ này, toàn bộ nền chính trị của ông Emmanuel Macron đã bị đánh bại, một chính trị gia đã bị đánh bại ba lần trong kết quả bầu cử. Để thoát khỏi thế bế tắc mà tổng thống đã đặt đất nước vào, chỉ có một giải pháp, chúng tôi yêu cầu ông Emmanuel Macron từ chức".

Bà Mathilde Panot, đảng LFI cực tả

Trong khi đó, nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen không yêu cầu Tổng thống Macron từ chức nhưng cho rằng, “chỉ có ông ấy mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện tại bằng đơn từ chức của ông ấy”.

Bất chấp những chỉ trích và kêu gọi từ chức, đến nay ông Macron vẫn nêu rõ quyết tâm phục vụ hết nhiệm kỳ của mình vào năm 2027. Theo truyền thông Pháp, Tổng thống Macron sẽ có bài phát biều trước toàn quốc vào tối 5/12 theo giờ địa phương.

Viễn cảnh lo ngại đối với EU

Việc bãi nhiệm Thủ tướng Michel Barnier được dự báo không chỉ gây hệ lụy đối với nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực đồng Euro, mà tình trạng bất ổn chính trị của Pháp sẽ càng làm suy yếu Liên minh châu Âu vốn đã lao đao bởi sự tan rã của chính phủ liên minh ở Đức, trong bối cảnh chỉ còn vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng với những chính sách có thể gây bất lợi cho an ninh và kinh tế của liên minh này.

Cuộc khủng hoảng trên chính trường Pháp còn khiến tình hình Liên minh châu Âu (EU) trở nên căng thẳng, bởi không chỉ riêng Pháp, một “cường quốc” khác của EU là Đức cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đứng trước nguy cơ giải thể, buộc nhà lãnh đạo Đức phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử bất thường vào đầu năm tới.

Sự phân tâm bởi những vấn đề trong nước của cả Đức lẫn Pháp, hai quốc gia lớn và có tầm ảnh hưởng nhất của EU, sẽ đẩy tương lai của liên minh này vào viễn cảnh bi quan, nhất là khi EU vẫn phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng có khả năng ảnh hưởng đến vận mệnh của cả khối: xung đột quân sự Nga-Ukraine và nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một số nhà quan sát và các đồng minh của Thủ tướng Barnier từng nhiều lần cảnh báo bất ổn chính trị ở Pháp có thể biến thành một cuộc khủng hoảng mới của khu vực đồng euro, tương tự những gì từng xảy ra với Hy Lạp năm 2009.

Thời gian gần đây, đồng euro đã chịu áp lực giảm giá, không chỉ vì tình hình tại Pháp mà còn do các bất ổn chính trị tương tự ở Đức. Thị trường tài chính khu vực đồng euro đang đối mặt với rủi ro lớn hơn, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế chuyển hướng sang các thị trường an toàn hơn như Mỹ.

Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cũng đã đưa ra cảnh báo về việc nếu Pháp không giải quyết được vấn đề thâm hụt ngân sách, tình trạng bất ổn tài chính sẽ kéo dài. Điều này không chỉ làm tăng chi phí vay của Pháp mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng huy động vốn của cả khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, giới đầu tư nhận định Pháp vẫn chưa bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính. Khi xác nhận xếp hạng tín dụng của Pháp vào tuần trước, cơ quan xếp hạng S&P cho biết, "nền kinh tế nước này vẫn đứng vững bất chấp bất ổn chính trị".

Nếu tình trạng bế tắc chính trị tiếp diễn, Pháp có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng hơn, với tăng trưởng trì trệ, nợ công gia tăng và lòng tin thị trường suy giảm. Việc trước mắt là phải nhanh chóng đạt được sự đồng thuận và ổn định chính trị để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nếu không muốn đối mặt với nguy cơ mất ổn định kinh tế và suy giảm vị thế trong khu vực đồng euro, gây ra những tác động tiêu cực lâu dài cho toàn bộ khu vực. Tuy nhiên, việc này sẽ không dễ dàng khi sự chia rẽ trong Quốc hội vẫn là rào cản lớn và bất kỳ chính sách nào cũng có nguy cơ vấp phải phản đối từ cả các phe cánh tả lẫn cánh hữu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cơ quan điều tra Nga cho biết lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ một nghi phạm liên quan đến vụ ám sát Trung tướng Igor Kirillov ở thủ đô Moscow. Theo điều tra ban đầu, nghi phạm là một công dân Uzbekistan sinh năm 1995.

Sân bay bận rộn nhất thế giới Hartsfield-Jackson ở Atlanta, Mỹ, đã tổ chức sự kiện chào đón Giáng sinh với việc thắp sáng cây thông và biểu diễn hòa nhạc để lan tỏa niềm vui kỳ nghỉ tới hàng triệu hành khách trong mùa lễ này.

Thủ đô Paris của nước Pháp đã mở cửa trở lại sân băng trong nhà khổng lồ để những người yêu thích trượt băng có thể vui chơi trong mùa Giáng sinh này. Với diện tích 3.000m², đây là sân băng trong nhà tạm thời lớn nhất thế giới.

Tài xế, người đang đợi để đưa Trung tướng Kirillov đến cuộc họp, đã thoát chết trong vụ nổ khiến vị tướng và phụ tá của ông thiệt mạng ở Moscow, Nga,

Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng Ukraine - hiện đang cố thủ tại một vùng đất biệt lập ở khu vực Kursk của Nga, đồng thời gia tăng áp lực ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine.

Amazon đã hoàn thành việc thử nghiệm máy bay không người lái giao hàng ở Italia - quốc gia châu Âu đầu tiên nơi gã khổng lồ thương mại điện tử có kế hoạch giới thiệu loại hình dịch vụ này.