Chính trường Hàn Quốc về đâu sau 'địa chấn' thiết quân luật?

Ngày 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ban hành lệnh thiết quân luật sau 45 năm. Sắc lệnh thiết quân luật của ông chỉ kéo dài trong vài giờ, nhưng ông đang phải trả giá đắt vì tính toán sai lầm này. Uy tín của ông Yoon đã giảm mạnh, trong đó nổi lên sự phân cực chính trị sâu sắc, các vụ bê bối liên quan đến vợ ông và xung đột gần như liên tục giữa Chính phủ của ông và Quốc hội do phe đối lập áp đảo.

Đỉnh điểm của những sai lầm 

Việc Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật ngắn ngủi tuần trước không chỉ là một tính toán sai lầm thảm khốc mà là đỉnh điểm của một nhiệm kỳ Tổng thống đầy rắc rối. Khi giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2022, ông Yoon đã là một nhân vật gây chia rẽ. Cựu công tố viên chuyển sang làm chính trị gia đã định vị mình là một người cực kỳ bảo thủ, giành được sự ủng hộ đặc biệt từ các cử tri nam trẻ tuổi bằng cách hứa sẽ bãi bỏ Bộ bình đẳng giới, tuyên bố phụ nữ Hàn Quốc không phải đối mặt với sự phân biệt đối xử có hệ thống.

Nhưng nhiệm kỳ Tổng thống của ông nhanh chóng bị bao vây bởi bê bối, với tỷ lệ ủng hộ ông dao động ở mức khoảng 35% trong hai năm qua. Vợ ông, bà Kim Keon-hee, lại là gánh nặng chính trị lớn nhất của ông, phải đối mặt với cáo buộc nhận quà tặng bất hợp pháp bao gồm một chiếc túi Dior trị giá 3 triệu won (1.655 bảng Anh) từ một mục sư và cáo buộc thao túng cổ phiếu.

Có lẽ thất bại lớn nhất phải kể đến là cách chính quyền của ông xử lý vụ giẫm đạp ở Itaewon khiến 159 người thiệt mạng vào tháng 10/2022. Gia đình các nạn nhân cáo buộc chính quyền trốn tránh trách nhiệm bằng cách ám chỉ việc các nạn nhân sử dụng ma túy, đồng thời cản trở lời kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập.

Điều đáng chú ý là rất nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ, đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối lệnh thiết quân luật, tay cầm gậy phát sáng K-pop đã trở thành hiện tượng không thể ngờ tới. Nhiều người thuộc thế hệ trẻ sau khi trải qua những sự kiện chấn động toàn quốc như thảm họa phà Sewol và vụ chen lấn ở Itaewon đã vỡ mộng và mất hy vọng vào chính quyền. Hình ảnh lực lượng đặc nhiệm phá cửa sổ để vào tòa nhà quốc hội khiến công chúng phẫn nộ.

Với tỷ lệ ủng hộ giảm xuống thấp kỷ lục chỉ còn 11%, ngay cả giới truyền thông bảo thủ cũng quay lưng lại với ông Yoon. Đã đến lúc ông phải ra đi. Khi quốc hội bỏ phiếu lại vào thứ Bảy, 12 thành viên trong chính đảng của ông đã tham gia phe đối lập, đạt được số phiếu đa số hai phần ba cần thiết để luận tội.

Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc

Dù Tổng thống Yoon đã bị đình chỉ chức vụ và bị điều tra luận tội, nhưng tình hình chính trị hỗn loạn và bất ổn do tuyên bố thiết quân luật của ông gây ra vẫn chưa kết thúc. Phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Yoon đã kiên quyết sẽ đấu tranh tại tòa để giành lại quyền lực của mình, ngay cả khi cảnh sát và công tố viên có thể cáo buộc ông tội nổi loạn. Số phận của ông Yoon, một nhà lãnh đạo không được lòng dân, hiện nằm trong tay Tòa án Hiến pháp của đất nước. Trong vòng 6 tháng tới, tòa sẽ quyết định nên phục chức hay chính thức bãi nhiệm ông. Nếu ông bị bãi nhiệm chính thức, Hàn Quốc sẽ phải bầu một nhà lãnh đạo mới trong vòng hai tháng.

Ông Yoon tỏ ý rằng, ông không có ý định ra đi trong im lặng. Trong một bài phát biểu được ghi âm phát hành ngay sau khi bị luận tội, ông đã nêu ra những gì ông coi là thành tựu của mình ở cương vị Tổng thống, bao gồm cả những nỗ lực của ông nhằm đưa đất nước xích lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự. Nay những nỗ lực của ông đã bị dừng lại.

"Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi sẽ làm hết sức mình vì đất nước cho đến phút cuối cùng, luôn ghi nhớ sự khiển trách, động viên và ủng hộ dành cho tôi. Tôi thất vọng vì mọi nỗ lực cho đến nay đều vô ích".

Ông Yoon Suk Yeol - Tổng thống bị luận tội của Hàn Quốc

Ông Yoon có thể không được đánh giá cao trong nước, nhưng về mặt đối ngoại ông đạt được một số thành tích như tham gia Liên minh Chips 4 của Mỹ liên quan đến xuất khẩu chất bán dẫn, đầu tư hàng chục tỷ USD vào Mỹ để phát triển pin xe điện, có mặt trên các diễn đàn toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh G7, tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO.

Ông Yoon vẫn khẳng định rằng, Hiến pháp cho phép Tổng thống được quyền tuyên bố thiết quân luật. Tuy nhiên, hiện ông có nguy cơ trở thành Tổng thống đầu tiên bị bắt trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Các công tố viên đã cấm ông rời khỏi đất nước và đã bắt giữ cựu Bộ trưởng quốc phòng Kim Yong-hyun và hai cựu cảnh sát trưởng với cáo buộc giúp thực hiện cuộc nổi loạn. Theo luật pháp Hàn Quốc, nổi loạn là một tội mà kẻ chủ mưu có thể bị trừng phạt bằng án tử hình hoặc tù chung thân.

Rạn nứt chính trị sâu sắc hơn

Hiện tại, việc luận tội ông Yoon giúp giảm căng thẳng trong đám đông biểu tình tụ tập gần tòa nhà Quốc hội trong những ngày gần đây để kêu gọi lật đổ ông. Vài giờ trước khi Quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu, hàng ngàn người bắt đầu tụ tập tại tòa nhà Quốc hội. Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra trên khắp các thành phố lớn. Người biểu tình kêu gọi ông Yoon từ chức ngay lập tức và kêu gọi các nhà lập pháp đảng Sức mạnh Nhân dân (PPP) cầm quyền ủng hộ đề xuất luận tội của phe đối lập. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc chứng kiến người dân trên khắp cả nước đồng loạt xuống đường biểu tình như thế này kể từ năm 2016, khi cựu Tổng thống Park Geun Hye bị luận tội.

Người dân Seoul có những ý kiến khác nhau về việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị luận tội trong cuộc bỏ phiếu lần thứ hai vào đêm thứ Bảy (ngày 14/12).

“Tôi thực sự không thể chịu đựng được khi thấy những nhà lập pháp bất hợp pháp được bầu lên thông qua các cuộc bầu cử gian lận này ban hành những luật lệ độc ác và giờ đây đảng đối lập lớn này lại tự tung tự tác".

Bà Yim Joung-Sook, cư dân Seoul 55 Tuổi

Các nhóm đối lập đã chiến thắng nhưng thận trọng. Park Chan-dae, lãnh đạo của Đảng Dân chủ đối lập chính, gọi cuộc luận tội là "một chiến thắng cho người dân Hàn Quốc và nền dân chủ". Tuy nhiên, việc lật đổ ông Yoon vẫn chưa kết thúc, Lee Jae-myung, lãnh đạo phe đối lập chính, cho rằng những khó khăn lớn hơn đang ở phía trước.

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị tan rã.

Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hôm  14/12 cho thấy đã có ít nhất 12 nghị sĩ của PPP bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội Tổng thống, đi ngược lại lập trường chính thức của đảng này. Sau khi diễn ra phiên bỏ phiếu, 5 thành viên Hội đồng Tối cao của PPP đã để ngỏ ý định từ chức để chịu trách nhiệm cho việc kiến nghị luận tội được thông qua. Đáng chú ý, chính trị Hàn Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng khi ông Han Dong Hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã tuyên bố từ chức sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol đối mặt với thủ tục luận tội tại Tòa án Hiến pháp.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc là ai?

Sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội, Thủ tướng Han Duck-Soo, đảm nhiệm vai trò quyền Tổng thống. Ông có hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực công, là người có chuyên môn kinh tế, thương mại và các vấn đề công. Ông Han được dư luận đánh giá là một nhân vật ổn định, là người phù hợp để đảm đương các công việc chính phủ trong thời kỳ bất ổn chính trị chưa từng có tại Hàn Quốc.

Sinh năm 1946 tại Jeonju, Tỉnh Bắc Jeolla, ông Han tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul và sau đó lấy bằng Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard. Ông bắt đầu sự nghiệp trở thành một nhân viên hải quan sau khi vượt qua kỳ thi công chức năm 1970 và kể từ đó đã nắm giữ hầu hết mọi vị trí quan trọng của chính phủ.

Ông Han có khả năng làm việc hiệu quả, phục vụ dưới cả chính quyền tự do và bảo thủ. Trong chính quyền tự do của tổng thống Kim Dae-jung (1998-2003), ông giữ chức Bộ trưởng thương mại tại Bộ Ngoại giao và Thương mại trước đây vào năm 1998. Trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Kim Dae-jung, ông Han giữ chức thư ký cấp cao của Tổng thống phụ trách các vấn đề kinh tế.

Trong chính quyền Tổng thống Roh Moo-Hyun 2003-2008, ông đóng vai trò chủ chốt trong việc đàm phán quan hệ Hàn Quốc - Mỹ. Hiệp định thương mại tự do năm 2006 và sau đó được bổ nhiệm làm Thủ tướng năm 2007.

Ông Han tiếp tục chứng minh chuyên môn của mình dưới thời chính quyền bảo thủ Lee Myung-bak, giữ chức đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ và sau đó là Chủ tịch Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc.

Năm 2022, ông trở lại vai trò Thủ tướng dưới thời Tổng thống Yoon, trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất kể từ năm 1987.

Trong suốt nhiệm kỳ gần đây nhất của mình, ông Han được ghi nhận là tập trung vào các vấn đề trong nước, cân bằng với sự chú trọng của Tổng thống Yoon vào chính sách đối ngoại. Khả năng lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của ông đặc biệt thể hiện rõ trong các cuộc khủng hoảng quốc gia, chẳng hạn như việc ông giải quyết các tranh cãi xung quanh Đại hội Hướng đạo Thế giới năm 2023 và việc xả nước bị ô nhiễm từ Fukushima.

Sau khi tổng thống Yoon chính thức bị đình chỉ chức vụ vào lúc 7:24 tối thứ Bảy (ngày 14/12 ), ông Han đã nắm toàn bộ quyền lực của tổng thống, bao gồm chỉ huy Lực lượng vũ trang, phê chuẩn các hiệp ước và thực hiện quyền phủ quyết của cơ quan lập pháp. Các nhà quan sát chính trị kỳ vọng ông sẽ vận dụng nhiều thập kỷ kinh nghiệm của mình để giải quyết các vấn đề cấp bách về quốc phòng, ngoại giao và kinh tế.

"Điều quan trọng nhất hiện nay là không được để có khoảng trống trong các vấn đề nhà nước. Chúng tôi sẽ thiết lập một thế trận an ninh vững chắc và quản lý lòng tin trong các vấn đề đối ngoại một cách ổn định. Toàn bộ nội các sẽ cố gắng hết sức để duy trì lòng tin giữa Hàn Quốc và Mỹ và giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, và các đồng minh khác. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo thị trường tài chính và ngoại hối hoạt động trơn tru bằng cách tăng cường hệ thống ứng phó kinh tế khẩn cấp".

Ông Han Duck-Soo, quyền Tổng thống của Hàn Quốc

Vì ông Han không phải là Tổng thống được bầu, ông lại phải lãnh đạo Hàn Quốc vào thời điểm đất nước này phải đối mặt với những thách thức trong và ngoài nước, chẳng hạn như quan hệ căng thẳng với Triều Tiên và ông Donald J. Trump trở lại Nhà trắng.

"Ông Trump chuẩn bị nhậm chức, và chúng ta cần phải đối phó với nhà lãnh đạo mới này trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ, vì tất cả các quốc gia khác đang chuẩn bị cho chính phủ tiếp theo ở Mỹ. Chúng tôi hy vọng rằng quá trình luận tội này có thể diễn ra rất nhanh chóng và chúng ta có một Tổng thống mới, để chúng ta có thể khôi phục mối quan hệ ngoại giao với tất cả các nhà lãnh đạo toàn cầu".

Haesun Kim, Chủ tịch Suntrans Global Asia

Hiện tại, Thủ tướng đang đảm nhận trách nhiệm quyền Tổng thống, nhưng khả năng ông trở thành Tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc là rất thấp. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Canada, Nhật Bản, các nước khác, tất cả đều sẽ cố gắng gặp ông Trump để có mối quan hệ ổn định ngay từ đầu. Hàn Quốc sẽ phải chịu bất lợi lớn.

Việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeon không phải là hồi kết cho tình hình chính trị hỗn loạn ở Hàn Quốc, mà chỉ kết thúc của một cuộc đối đầu giữa hành pháp và lập pháp xung quanh lệnh thiết quân luật. Tiếp theo là việc bào chữa cho ông Yoon trước Tòa án Hiến pháp và có khả năng ông bị truy tố vì tội nổi loạn. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra không chỉ là phép thử cho tương lai chính trị của ông Yoon hay tương lai của đảng cầm quyền PPP, mà còn là thời điểm quan trọng đối với Hàn Quốc. Sự gia tăng các cuộc điều tra cũng phơi bày những rạn nứt chính trị và thể chế sâu sắc và có thể dẫn đến hậu quả là đẩy nền chính trị Hàn Quốc vào chính sự bế tắc và phân cực sâu sắc hơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã chính thức yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol phải có văn bản giải trình liên quan đến vụ luận tội nhằm vào ông.

Phát biểu với báo giới ngày 16/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết, ông không mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự lễ nhậm chức của mình vào tháng tới.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 16/12 đã yêu cầu Quốc hội nước này bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ thiểu số do ông lãnh đạo, mở đường cho cuộc bầu cử liên bang mới.

Tại phiên họp mở rộng của hội đồng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov tuyên bố, Nga chuẩn bị thành lập một nhánh mới của lực lượng vũ trang chuyên về hệ thống không người lái.

Ngày 16/12, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã đột ngột từ chức chỉ vài giờ trước khi dự kiến trình bày báo cáo kinh tế mùa Thu của Chính phủ.

Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra tại một trường học ở bang Wisconsin, Mỹ, vào ngày 16/12. Tay súng sau đó đã tự sát.