Chính trường Pháp trải qua 'cơn địa chấn' mới

Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, gây choáng váng cho cả chính trường Pháp và châu Âu.

Nước Pháp trước cú sốc của chủ nghĩa cực hữu

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp vừa qua, 32 % cử tri nước này đã bỏ phiếu cho phe cực hữu, cao gấp hơn hai lần so với số cử tri ủng hộ Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron.

Không có đa số tuyệt đối ở Quốc hội khi bắt đầu nhiệm kỳ hai vào năm 2022, Tổng thống Emmanuel Macron liên tục bị cản trở trong việc điều hành đất nước. Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu được coi là giọt nước làm tràn ly, thôi thúc Tổng thống Macron phải có bước đi táo bạo khi tuyên bố giải tán Quốc hội để bầu lại vào ngày 30/6 và vòng thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 7/7.

Các đảng cực hữu đang trỗi dậy ở mọi nơi tại châu lục. Tôi không thể khoanh tay đứng nhìn trước tình hình này. Tôi không thể hành xử như mọi chuyện vẫn bình thường. Tôi quyết định sẽ trao cho người dân quyền lựa chọn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu Pháp, hoan nghênh lời kêu gọi tổ chức bầu cử sớm từ Tổng thống Macron. Bà tuyên bố Đảng Mặt trận Quốc gia sẵn sàng thực thi quyền lực nếu được nhân dân Pháp tín nhiệm.

Vẫn chưa ai hiểu hết toan tính của Tổng thống Pháp khi đưa ra quyết định “được ăn cả, ngã về không” này. Nếu đảng của ông Macron thất bại một lần nữa, không những đảng này mất thế thượng phong tại Quốc hội Pháp mà ông Macron còn buộc phải bổ nhiệm lãnh đạo phe cực hữu làm Thủ tướng, đồng thời mở ra viễn cảnh thuận lợi hơn nhiều cho phe cực hữu trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp tiếp theo.

Báo chí Pháp cho rằng dù Tổng thống Macron muốn tạo sự công bằng và dựa vào ý nguyện cử tri trong thời điểm hiện tại, song điều này lại đang tạo ra một tình thế nguy hiểm cho sự ổn định chính trị Pháp và cả chính trị châu Âu do vai trò quan trọng của nước Pháp trong EU.

Nhiều nhà phân tích nhận định việc Tổng thống Pháp chọn ngày bầu cử quá gần, ứng viên và cử tri chỉ có ba tuần chuẩn bị có thể là dụng ý gây khó khăn cho phe cực hữu.

Nếu chiến dịch tranh cử được bắt đầu trong một tuần nữa là quá gấp, Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu khó có thể sắp xếp đủ ứng cử viên và tranh cử trong thời gian ngắn như vậy.

Bà Marine Le Pen đang đứng trước cơ hội lớn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2027 để trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, một số ý kiến suy luận Tổng thống Emmanuel Macron có thể đang tính toán rằng bầu cử Quốc hội Pháp có hai vòng và đảng của ông có thể chiến thắng trong vòng sau, khi các ứng viên ít phiếu đã bị loại trong vòng đầu.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ mọi khía cạnh, giải tán Quốc hội là một quyết định mạo hiểm đối với Tổng thống Pháp. Về phía phe cực hữu, đây là một cơ hội tuyệt vời vì tình hình chỉ có thể tốt hơn hoặc vẫn có lợi thế như hiện nay và phe này sẽ không mất gì cả.

Lần gần nhất Pháp tổ chức bầu cử Quốc hội là vào năm 2022, khi đó Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron giữ 169 ghế trên tổng số 577 ghế, trong khi Đảng Mặt trận Quốc gia giữ 88 ghế.

Nếu Đảng Mặt trận Quốc gia giành đa số ở Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử sớm, ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ đánh mất quyền quyết định chính sách trong nước, gồm cả chính sách kinh tế và an ninh quốc gia.

Hơn hết, với sự trỗi dậy của các đảng cực hữu ở bầu cử Nghị viện châu Âu và có thể là ở Pháp sắp tới, giới quan sát thậm chí đánh giá lãnh đạo đảng cực hữu - bà Marine Le Pen đang đứng trước cơ hội lớn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2027 để trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Pháp.

Nguy cơ bất ổn leo thang ở Pháp

Thành công hay thất bại của Tổng thống Macron trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ phụ thuộc một phần vào việc Đảng Phục hưng cầm quyền của ông có thể huy động được sự ủng hộ của cử tri bằng những lập luận về mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc và sự tồn vong của châu Âu hay không.

Nhưng thực tế cho thấy, những lập luận đó đã không phát huy tác dụng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cuối tuần qua. Do đó, giới quan sát cảnh báo nhiều khả năng sẽ xảy ra một kịch bản chia sẻ quyền lực giữa Tổng thống và Thủ tướng của hai đảng đối lập tại Quốc hội Pháp. Điều này chắc chắn tiềm ẩn nhiều thách thức, nguy cơ tê liệt chính trị cũng như cản trở chương trình nghị sự.

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của đảng cực hữu, các đảng cánh tả đã kêu gọi thành lập một liên minh ngăn chặn Đảng Mặt trận Quốc gia lên nắm quyền. Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình lớn cũng đã diễn ra ở Thủ đô Paris và một số thành phố của Pháp để phản đối đà tiến của đảng cực hữu.

Nhiều cuộc biểu tình lớn  đã diễn ra ở thủ đô Paris và một số thành phố của Pháp để phản đối đà tiến của đảng cực hữu.

Cảnh sát Paris cho biết 3.000 người đã tập trung tại thủ đô nước Pháp vào tối ngày 10/6 phản đối phe cực hữu, sau khi Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp giành được những thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Nhiều người biểu tình đã ném đuốc, đập phá, khiến cảnh sát Pháp buộc phải vào cuộc để ổn định trật tự.

Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại thành phố Toulouse. Theo cảnh sát địa phương, cuộc biểu tình có sự tham gia của 6.200 người. Một số đối tượng đã đập vỡ cửa sổ các cửa hàng và đốt thùng rác. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông và bắt giữ một số người quá khích.

Tại Marseille, thành phố lớn thứ hai nước Pháp, khoảng 2.200 người đã kéo tới tập trung trước trụ sở cảnh sát khu vực, đồng loạt giương cao những khẩu hiểu được viết vội trên các tấm biển. Một số người biểu tình cho biết viễn cảnh có một Thủ tướng cực hữu trong ba tuần nữa khiến họ lo lắng.

Tôi ở đây vì tôi nghĩ điều quan trọng đối với những người trẻ như chúng tôi là được đại diện. Chúng tôi đang tập hợp lại để chống lại phe cực hữu, cho dù đó là ở Pháp hay ở châu Âu.

Anh Nawer Kezal - người dân Pháp.

Bên cạnh các cuộc biểu tình, các đảng cánh tả đối lập ở Pháp đang tìm cách hợp tác và đề cử các ứng cử viên chung trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.

Dù hiện còn quá sớm để đưa ra dự đoán kết quả của cuộc bỏ phiếu nhưng giới quan sát tin rằng liên minh cánh tả sẽ khó có khả năng giành được đa số phiếu. Nhưng bù lại, liên minh này vẫn có thể tập hợp đủ số phiếu bầu để ngăn chặn một trong hai phe lớn hơn, trong đó có đảng cực hữu đề cử vị trí Thủ tướng.

Giữa bối cảnh hỗn loạn ở Pháp, tờ Politico cho biết đã xuất hiện các thông tin lan truyền rằng Tổng thống Emmanuel Macron đang cân nhắc khả năng từ chức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố sẽ không rời Điện Elysee, bất luận sự trỗi dậy của đảng cực hữu hay kết quả cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ra sao.

Kinh tế Pháp gặp nhiều khó khăn 

Cơn địa chấn trên chính trường Pháp diễn ra vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) gặp nhiều khó khăn, từ các vấn đề thiếu hụt nguồn lao động, sự đình trệ trong hoạt động sản xuất, lạm phát cao cho đến chi phí đi vay tăng mạnh.

Cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings mới đây đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với “đất nước hình lục lăng” do vấn đề thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dẫn số liệu từ báo cáo triển vọng toàn cầu cảnh báo Pháp đang phải đối mặt với nguy cơ bị loại ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ) dự kiến tỷ trọng của Pháp trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ giảm từ mức 2,2% ghi nhận vào năm 2023 xuống 1,98% vào năm 2029. Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ duy trì ở mức trên 4% cho đến năm 2029, với nợ công dự kiến sẽ vượt quá 115% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trước các dự báo đáng lo ngại về tình hình ngân sách của Pháp, Cơ quan xếp hạng S&P Global Ratings mới đây đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia châu Âu này từ AA xuống còn AA-.

Pháp đang phải đối mặt với nguy cơ bị loại ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới.

S&P nêu rõ thâm hụt ngân sách của Pháp trong năm 2023 chiếm khoảng 5,5% GDP, cao hơn dự báo trước đó. Theo giới phân tích, việc Pháp bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm có thể khiến các nhà đầu tư không còn hứng thú, dẫn tới việc trả nợ của nước này càng trở nên khó khăn hơn.

Trong một tuyên bố trấn an thị trường, Bộ Kinh tế Pháp tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ là cắt giảm thâm hụt công xuống dưới 3% GDP vào năm 2027. Trước mắt, Chính phủ Pháp sẽ triển khai kế hoạch giảm 10 tỷ Euro ngân sách, trong đó bao gồm việc cắt giảm các khoản an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn thâm hụt ngân sách và cải thiện nền kinh tế được dự báo sẽ không dễ dàng, bởi sau quyết định tổ chức bầu cử Quốc hội sớm của Tổng thống Macron, nhiều nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy khỏi thị trường do lo ngại bất ổn chính trị.

Chi phí đi vay của Chính phủ Pháp đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Chính phủ Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 từ 1,4% xuống 1%. Ủy ban châu Âu (EC) hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2024 của Pháp từ 1,2% xuống còn 0,9%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cập nhật dự báo tăng trưởng GDP của Pháp năm 2024 xuống còn 0,6%.

Kể từ khi thành lập nền Cộng hòa đệ Ngũ vào năm 1958, Pháp đã trải qua ba thời kỳ Tổng thống và Thủ tướng không thuộc cùng một đảng. Tuy lợi thế hiện nay đang nghiêng về phe cánh hữu của bà Le Pen nhưng các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để dự báo kết quả chính xác.

Kết quả cuối cùng có thể phụ thuộc vào mức độ kiên quyết của các cử tri phe trung dung và cánh tả trong việc kìm hãm phạm vi quyền lực của phe cánh hữu. Các chuyên gia cho rằng xác suất Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu giành được đa số phiếu bầu là rất thấp. Dự báo “Quốc hội treo” là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.

Trong trường hợp cuộc bầu cử sớm không diễn ra suôn sẻ như mong đợi của Tổng thống Macron, theo quy định Hiến pháp, nhà lãnh đạo 46 tuổi này sẽ không thể giải tán Quốc hội một lần nữa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.

Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.

Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.

Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.