Ukraine không đạt được mục tiêu ở Hội nghị thượng đỉnh
Nỗ lực cô lập Nga không thành
Ẩn mình trên những ngọn núi cao của Thụy Sĩ, khu nghỉ dưỡng Bürgenstock không còn xa lạ với việc làm nên lịch sử. Nơi đây từng đón tiếp các ngôi sao điện ảnh và những nhà hoà giải trong suốt thế kỷ XX, và vào năm 2002, chính phủ Sudan và quân nổi dậy đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại đây.
Tuy nhiên, lần này khi các nhà lãnh đạo, bộ trưởng và đặc phái viên của hơn 90 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine, các mục tiêu lại khiêm tốn hơn.
Chương trình nghị sự của hội nghị được Thụy Sĩ phát triển dựa theo kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine, nhưng giảm xuống chỉ còn ba vấn đề nhỏ không gây tranh cãi, đó là tự do hàng hải, liên quan đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng cảng ở Biển Đen; an ninh lương thực - an ninh hạt nhân, cũng như vấn đề nhân đạo, trong đó có việc trao đổi tù binh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kỳ vọng hội nghị sẽ trở thành bước đệm quan trọng trên con đường dài và quanh co hướng tới hòa bình ở nước này.
Quan điểm, ý tưởng và sự lãnh đạo của mỗi quốc gia đều quan trọng như nhau đối với chúng tôi. Và mọi thứ được thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một phần của tiến trình kiến tạo hòa bình mà tất cả chúng ta đều cần.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenky.
Hội nghị đã mang đến cho Kiev cơ hội để thể hiện sự ủng hộ của phương Tây với nước này. Sau hai ngày họp, hội nghị về hòa bình Ukraine kết thúc với lời kêu gọi hòa bình mới. Tuy nhiên, việc đạt được sự đồng thuận về tuyên bố chung của hội nghị - tức tất cả các quốc gia tham dự đều cùng ký vào tuyên bố chung – đã bị đổ vỡ.
Nhiều quốc gia và tổ chức đã không ký vào bản tuyên bố này, trong đó Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia, Nam Phi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - các nước thành viên BRICS có mối quan hệ thương mại quan trọng với Nga - nằm trong số các quốc gia không ký tuyên bố, cũng như 4 tổ chức, bao gồm Liên hợp quốc cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng cách diễn đạt của tuyên bố chung là nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu đồng thuận. Các nguồn tin cho biết tuyên bố chung là kết quả của việc phải cân bằng giữa hai luồng quan điểm thẳng thắn lên án Nga và những lời lẽ mềm dẻo, chung chung hơn để thông điệp của hội nghị nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể.
Tuy nhiên, ông Nehammer cho biết còn quá sớm để nói hội nghị thứ hai có thể diễn ra với sự tham dự của Nga hay không.
Hội nghị hoà bình Ukraine có thể phản tác dụng với Kiev
Kể từ khi Tổng thống Ukraine Zelensky bắt đầu thúc đẩy công thức hoà bình gồm 10 điểm, yếu tố không thể thiếu là việc tổ chức hội nghị hòa bình với sự tham gia của càng nhiều lãnh đạo các quốc gia trên khắp thế giới càng tốt.
Ukraine muốn có sự tham gia rộng rãi nhất có thể để chứng tỏ sự ủng hộ của họ đối với việc giải quyết xung đột theo các điều kiện của Kiev. Trong bối cảnh ấy, từ trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình Ukraine diễn ra tại Thuỵ Sĩ, giới chuyên gia đã không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của sự kiện này. Bởi việc thiếu sự tham gia của nguyên thủ một số nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Nga khiến cho hội nghị ngay từ đầu đã không đạt được mục tiêu đề ra, thậm chí còn phản tác dụng với Kiev.
Ngoài những thách thức trên chiến trường, Ukraine còn đang gặp khó khăn lớn trong nỗ lực thuyết phục thế giới ủng hộ tầm nhìn của mình về xung đột với Nga. Trong hai tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về hoà bình Ukraine tại Thuỵ Sĩ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tới Singapore, Philippines, Arab Saudi, Qatar và Italy nhằm thuyết phục lãnh đạo các quốc gia tham dự hội nghị.
Nhưng nỗ lực ngoại giao đó, thay vì hàn gắn những rạn nứt trong nền tảng ủng hộ Ukraine, thì lại đang phơi bày chúng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy tuần qua, các nhà lãnh đạo của nhóm đã công bố những gói hỗ trợ tài chính hào phóng và bày tỏ sự ủng hộ cho Ukraine, song chúng chưa thực sự đáp ứng được những yêu cầu về đảm bảo an ninh mà ông Zelensky tìm kiếm.
Còn tại hội nghị hòa bình ở Thuỵ Sĩ, số quốc gia tham dự cũng không đạt như kỳ vọng của Tổng thống Ukraine. Hồi đầu tháng này, Thuỵ Sĩ cho biết 160 nước đã được mời dự hội nghị, nhưng chỉ có hơn 90 nước đăng ký, trong đó số nguyên thủ quốc gia tham dự là 57.
Không nằm trong danh sách tham dự hội nghị, Nga tuyên bố một hội nghị về cuộc xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của Moscow chỉ là sự lãng phí thời gian và sẽ không thể đạt được kết quả.
Việc thảo luận về Ukraine mà không có sự tham gia của Nga là một mục tiêu hoàn toàn vô lý. Rõ ràng cuộc thảo luận này không phải là một hoạt động hướng tới kết quả. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia không muốn lãng phí thời gian.
Ông Dmitry Peskov – Người phát ngôn Điện Kremlin.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này sẽ không tham dự hội nghị vì Bắc Kinh cho rằng cần có sự tham gia bình đẳng của Nga và Ukraine. Theo bộ trên, Trung Quốc luôn khẳng định rằng, một hội nghị hòa bình quốc tế phải được tổ chức với ba yếu tố quan trọng, đó là đại diện của cả Nga và Ukraine phải có mặt, sự tham gia của tất cả các bên phải bình đẳng và mọi kế hoạch hòa bình phải được xem xét công bằng. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh tại Thuỵ Sĩ lần này, cả ba yếu tố do Trung Quốc đề xuất đều khó được thực hiện. Vẫn còn một khoảng cách rõ ràng giữa việc sắp xếp hội nghị và yêu cầu cũng như kỳ vọng của Trung Quốc.
Theo giới quan sát, danh sách các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ thực sự là một nỗi thất vọng đối với Ukraine khi nhiều lãnh đạo thế giới đã từ chối tham dự sự kiện. Trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự, cũng không cử quan chức đại diện. Việc Trung Quốc không tham dự đã dự báo trước một thực tế rằng hội nghị thượng đỉnh tại Thuỵ Sĩ sẽ không đạt được mục tiêu của Ukraine là thuyết phục các nước lớn từ “phía Nam bán cầu” tham gia nỗ lực cô lập Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bay qua Thụy Sĩ trên đường từ Italy trở về nước để tham dự sự kiện gây quỹ bầu cử. Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông tham dự sự kiện. Arab Saudi, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cũng đều chỉ cử phái đoàn cấp cao tham dự hội nghị.
Trong bối cảnh ấy, chính đảng lớn nhất của nước chủ nhà Thuỵ Sĩ đã phản đối hội nghị lần này. Thậm chí, một số nước tham dự còn thúc ép Ukraine nới lỏng các điều kiện và tìm cách đàm phán trực tiếp với Điện Kremlin.
Mỹ và các đồng minh châu Âu không tin tưởng rằng hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ, có thể khiến Nga từ bỏ các mục tiêu chiến sự họ theo đuổi. Giới phân tích cho rằng hội nghị còn có nguy cơ làm suy yếu vị thế của Ukraine, cũng như quân đội nước này, khi họ đang nỗ lực đảo ngược tình thế cam go trên chiến trường.
Hồi kết cho xung đột bị bỏ ngỏ
Thông cáo báo chí của Thụy Sĩ về hội nghị thượng đỉnh về hoà bình Ukraine nhấn mạnh, mục đích của sự kiện này là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong tương lai và xác định các yếu tố thực tế, cũng như các bước có thể giúp hiện thực hóa tiến trình như vậy.
Thụy Sĩ cũng thừa nhận hoà bình cho Ukraine sẽ là một con đường dài và vẫn còn lắm gian nan. Hội nghị lần này không những không thể thuyết phục các nước lớn không liên kết tham gia vào tuyên bố cuối cùng, mà cũng chưa có quốc gia nào sẵn sàng đăng cai một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về hoà bình cho Ukraine. Tiến trình hoà bình cho Ukraine, do đó, đến nay vẫn còn là điều chưa chắc chắn.
Trước thềm hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thực hiện một bước đi mới nhằm tách Ukraine khỏi các quốc gia trung lập. Ông cho biết Moscow sẵn sàng ngừng bắn ngồi vào bàn đàm phán nếu Kiev đồng ý giữ vị thế trung lập và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Ông đồng thời yêu cầu Ukraine rút lực lượng khỏi bốn khu vực mà Nga đã sáp nhập, trong đó có một số thành phố lớn hiện do Kiev kiểm soát. Thêm vào đó, phương Tây sẽ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế chống Nga, điều vốn đã đẩy giá lương thực và hàng hóa toàn cầu tăng cao.
Hôm nay chúng tôi đang đưa ra một đề xuất hòa bình thực sự cụ thể khác. Nếu Kiev và các nước phương Tây từ chối nó theo cách tương tự như trước đây, thì xét cho cùng, đó là việc của họ, họ phải chịu trách nhiệm chính trị và đạo đức khi tình trạng đổ máu tiếp diễn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuyên bố của Tổng thống Putin được đưa ra một tuần sau khi ông nói rằng Nga đang nỗ lực giành thắng lợi trên chiến trường. Lực lượng Nga đang dần tiến về phía Đông Ukraine và tiếp tục củng cố các tuyến phòng thủ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Kiev hiểu rất rõ rằng đến một lúc nào đó họ cũng sẽ cần phải đàm phán với Nga, song khẳng định không chấp nhận điều mà nước này gọi là “tối hậu thư” của Nga.
Đại diện Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia – hai nước từng đăng cai những hội nghị hòa bình Ukraine trước đó, nhưng ở cấp độ thấp hơn, cho rằng, một tiến trình hòa bình có ý nghĩa cần có sự tham gia của Nga.
Trong thông cáo báo chí, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cũng đánh giá việc xây dựng một giải pháp lâu dài cuối cùng cần có sự tham gia của cả hai bên liên quan.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau hội nghị ngày 16/6, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd thừa nhận câu hỏi làm thế nào để đưa Nga ngồi cùng bàn với Ukraine vẫn còn để ngỏ.
Hiện Ả Rập Xê Út đang là quốc gia được nhắc đến như một địa điểm có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo về hoà bình Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Ả Rập Xê Út đến nay vẫn giữ im lặng trước ý tưởng trên. Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Faisal bin Farhan Al Saud cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ tiến trình hòa bình nhưng một giải pháp khả thi sẽ phụ thuộc vào “sự thỏa hiệp khó khăn”.
Kể từ sau cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên diễn ra ngay sau khi xung đột nổ ra vào tháng 2 năm 2022, Ukraine đã liên tục yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Trong khi đó, Moscow khẳng định Nga không bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine, nhưng Kiev cần chấp nhận “thực tế mới về lãnh thổ”. Trong bối cảnh cả hai bên vẫn giữ quan điểm không thể hòa giải, hiện không có triển vọng ngay lập tức về một lệnh ngừng bắn và một kế hoạch hòa bình cuối cùng. Hoà bình do đó vẫn còn là điều xa vời.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0