Cú hích cho tăng trưởng của Trung Quốc ở kỳ Xuân vận

Dự báo tổng lưu lượng người về quê đón Tết trong dịp Xuân vận năm 2024 tại Trung Quốc sẽ đạt mức cao chưa từng thấy với khoảng 9 tỷ lượt di chuyển. Đây cũng là con số kỷ lục trong bốn năm trở lại đây ở đất nước tỷ dân, cho thấy sức sống sôi động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Xuân vận nhộn nhịp chưa từng có tại Trung Quốc

Trong hơn một tuần qua, các nhà ga, sân bay ở Trung Quốc luôn trong tình trạng đông kín hành khách về quê đón Tết Nguyên đán. Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, bận rộn nhất là ngành đường sắt. Mạng lưới đường sắt Trung Quốc dự kiến vận chuyển 480 triệu lượt hành khách trong kỳ Xuân vận năm nay, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, ngành đường sắt Trung Quốc đã đơn giản hóa nhiều thủ tục trên mạng để giúp hành khách đặt vé dễ dàng. Các nhà ga trên cả nước đều bổ sung các thiết bị thông minh, cung cấp thông tin và hỗ trợ dịch vụ để nâng cao hiệu quả vận chuyển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách. Ngoài đặt cụ thể ngày đi thì hành khách có thể đặt ở chế độ chờ với thời gian mong muốn để ngành đường sắt điều chỉnh công suất phù hợp.

Sân bay ở Trung Quốc luôn trong tình trạng đông kín hành khách.

Ông Gao Chuan, Cục đường sắt Tế Nam Trung Quốc chia sẻ: “Chúng tôi đã lắp hệ thống cảm biến AI, cho phép nắm bắt vị trí chính xác của các đoàn tàu trong thời gian thực tế cũng như đưa ra cảnh báo sớm để kịp xử lý các vấn đề phát sinh. Nó hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến lịch trình của các chuyến tàu, nhất là trong giai đoạn này.”

Theo Tập đoàn Đường sắt nhà nước Trung Quốc, hệ thống đường sắt của nước này đã đạt mức cao nhất về doanh số bán vé trước đợt Xuân vận với 61,08 triệu vé được bán kể từ ngày 12/1, tăng 159% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành đường sắt Trung Quốc đã bố trí tới 12.700 chuyến tàu mỗi ngày trong dịp trước Tết và 12.800 chuyến vào sau Tết, tăng từ 12,6% - 14,4% so với năm 2019.

Hệ thống đường sắt của nước này đã đạt mức cao nhất về doanh số bán vé.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Hàng không Trung Quốc dự kiến số lượt hành khách trong đợt Xuân vận năm nay sẽ tăng lên 80 triệu lượt, cao hơn 9,8% so với năm 2019. Riêng hai sân bay chính tại Thủ đô Bắc Kinh có thể ghi nhận kỷ lục 76.000 chuyến cất cánh và hạ cánh trong giai đoạn này, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 2.500 chuyến bay sẽ được tăng cường trong vòng 40 ngày Xuân vận. Đặc biệt, dòng máy bay C919 do Trung Quốc chế tạo cũng vừa được Hãng hàng không China Eastern Airlines đưa vào khai thác tuyến bay nhộn nhịp nhất Thượng Hải, Bắc Kinh trước thềm Tết Nguyên đán.

Dự kiến số lượt hành khách di chuyển bằng máy bay trong đợt Xuân vận năm nay cũng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, trong hàng tỷ người trở về sum họp bên gia đình trong dịp Xuân vận năm nay, có khoảng 7,2 tỷ lượt di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Đây cũng là tỷ lệ cao chưa từng có. Con số trên cao gần gấp đôi so với 4,7 tỷ lượt di chuyển ghi nhận trong kỳ Xuân vận năm 2023.

Theo các chuyên gia, các con số dự báo kể trên cho thấy sự tăng trưởng đáng kể trong lưu lượng di chuyển của đợt Xuân vận năm nay tại Trung Quốc. Điều này thể hiện sự phục hồi của ngành hàng không và các phương tiện vận chuyển khác sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Không chỉ tăng cường tối đa các phương tiện giao thông để phục vụ cho dịp cao điểm đi lại, các cơ quan chức năng của Trung Quốc còn thực hiện chính sách miễn phí đường bộ trong những ngày Tết, hướng dẫn người dân lái xe an toàn, tăng cường công tác đảm bảo an ninh tại các khu vực công cộng như bến xe, bến tàu và sân bay, nhằm đảm bảo một kỳ Xuân vận an toàn và suôn sẻ.

Du lịch đón Tết trở thành xu hướng mới tại Trung Quốc

Năm nay, người dân Trung Quốc đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn từ ngày 10/2 đến 17/2, dài hơn một ngày so với năm 2023. Dịp nghỉ Tết dài ngày như thế này được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của du lịch nội địa và làn sóng đi du lịch nước ngoài. Theo dữ liệu của nền tảng du lịch hàng đầu Trung Quốc Trip.com, lượng đặt chỗ du lịch nước ngoài của Trung Quốc trong dịp Tết năm nay cao hơn 10 lần so với năm 2023. Công ty công nghệ Trung Quốc Baidu thậm chí còn nhận định, “du lịch đón Tết” đang trở thành xu hướng mới tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Baidu, số lượng người dân Trung Quốc du lịch nước ngoài năm nay nhiều khả năng tăng so với năm ngoái khi các Hãng hàng không Trung Quốc bổ sung hàng nghìn chuyến bay quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán. Số lượng đặt vé trên các chuyến bay đi nước ngoài đã tăng gấp 7 lần.

Dịp nghỉ Tết dài ngày như thế này được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của du lịch.

Bà Liu Ting, Nhà nghiên cứu, Viện nghiên cứu dữ liệu lớn Trung Quốc cho biết: “Air China vừa mở đường bay thẳng từ Bắc Kinh đến Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, và đang chuẩn bị mở đường bay mới đến Dhaka (Bangladesh) và Riyadh (Ả Rập Xê Út). China Eastern Airlines đã liên tiếp mở các đường bay mới đến Auckland, Amsterdam, Budapest, Istanbul trong số các điểm đến khác. Qua lượng đặt vé máy bay đi cho kỳ nghỉ Tết năm 2024, có thể thấy châu Âu là một điểm đến hấp dẫn.”

Giá vé máy bay hợp lý làm tăng sức hút đối với nhóm du khách trẻ Trung Quốc tới các điểm đến đường dài như Ai Cập, Ma-rốc, Kenya cùng các quốc gia châu Phi khác. Ngoài ra, nhu cầu du lịch quốc tế tăng một phần là nhờ một loạt thỏa thuận miễn thị thực giữa Trung Quốc và các nước khác, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo từ Baidu cho biết, Thái Lan vẫn là điểm đến yêu thích của người dân nước này. Dữ liệu từ Ctrip, công ty du lịch trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc cho thấy, lượng tìm kiếm trên các trang web liên quan đến du lịch Thái Lan đã cao gấp 7 lần. Số lượt tìm kiếm chuyến bay và khách sạn tới các điểm đến ở Thái Lan như Bangkok, Phuket cũng cao hơn tới 6 lần.

Trung Quốc và Singapore cũng thông qua miễn thị thực song phương hôm 25/1 và chính sách sẽ có hiệu lực từ 9/2 - ngay trước Tết Nguyên đán. Theo nền tảng du lịch trực tuyến Qunar, lượt tìm kiếm khách sạn ở Singapore đã tăng bốn lần sau quyết định này. Trong khi đó, Tong Cheng Travel cũng xác nhận lượt tìm kiếm về Singapore trên nền tảng của họ đã tăng 340% chỉ một giờ sau khi chính sách miễn thị thực được công bố.

Lượt tìm kiếm khách sạn ở Singapore đã tăng bốn lần.

Với du lịch nội địa, các điểm đến mùa đông đang là lựa chọn hàng đầu với du khách Trung Quốc. Số liệu của nền tảng Trip.com chỉ ra lượt tìm kiếm cho các sản phẩm du lịch mùa đông đã tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nổi bật là Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang.

Ngân hàng Bank of America Securities cho biết, thế hệ trẻ và Gen Z sẽ là động lực lớn nhất cho sự phục hồi du lịch tại Trung Quốc, chiếm 2/3 tổng số khách du lịch trong dịp Xuân vận năm nay. Nguyên nhân là do những du khách trẻ tuổi quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động trải nghiệm ngoài trời, đồng thời bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội nhiều hơn so với cha mẹ của họ. Với các tín hiệu tích cực này, các chuyên gia đều tin tưởng, cả du lịch trong nước và quốc tế tại Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi hơn nữa trong năm nay và sẽ vẫn là một điểm sáng cho nền kinh tế số hai thế giới. Cục hàng không Dân dụng Trung Quốc ước tính đến cuối năm nay, số chuyến bay chở khách quốc tế có thể tăng lên đến 6.000 chuyến/tuần. Con số này sẽ tăng từ mức 4.600 chuyến vào cuối năm 2023 và tương đương với 62,8% so với con số đạt được trong giai đoạn trước dịch.

Du lịch nội địa Trung Quốc cũng tăng lên.

Nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, mùa mua sắm trực tuyến dịp Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 18/1, và kéo dài trong suốt kỳ nghỉ lễ đến ngày 17/2. Là hoạt động trực tuyến lớn đầu tiên nhằm thúc đẩy tiêu dùng của cả nước trong năm nay, mùa mua sắm này sẽ tích hợp các hoạt động khuyến mại trực tuyến từ nhiều địa phương, các nền tảng thương mại điện tử và cửa hàng, đồng thời cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng liên quan đến năm mới Giáp Thìn. Theo dữ liệu từ Vipshop - nhà bán lẻ giảm giá trực tuyến lớn của Trung Quốc, doanh số bán quần áo có hoạ tiết con Rồng – “linh vật” của năm 2024 đã tăng 120% trong tuần đầu tiên sau khi mùa mua sắm bắt đầu. Đồ trang trí xe, decal dán điện thoại, sản phẩm thêu tay và nhiều mặt hàng truyền thống khác có trang trí hình rồng cũng ghi nhận doanh số tăng vọt.

Trên các chuyến tàu khởi hành từ thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ ở phía Đông Bắc Trung Quốc, trà và các đặc sản địa phương đã được cung cấp cho hành khách như một phần trong chính sách quảng bá sản phẩm, khuyến khích tiêu dùng dịp Tết.

Nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao.

Ngoài tiêu dùng hàng hóa, tiêu dùng dịch vụ cũng được chú trọng. Các nhà hàng tại Trung Quốc hầu hết đã kín chỗ đặt cho bữa ăn tất niên vào ngày 9/2 sắp tới, khi hàng trăm triệu người đổ xô đặt bàn ăn tối ở nhà hàng hoặc lựa chọn gọi món về nhà để ăn mừng Tết Nguyên đán. Theo các số liệu thống kê, tính đến ngày 21/1, lượng đặt chỗ vào đêm giao thừa tại các nhà hàng đã tăng hơn ba lần so với năm 2023. Trên các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc như Taobao và Jingdong, các lựa chọn cho “bữa tối tất niên” cũng rất đa dạng, với nhiều món ăn truyền thống. Giá bữa ăn chế biến sẵn dịp Tết Nguyên đán dao động từ 200 nhân dân tệ (30 USD) đến hàng nghìn nhân dân tệ.

Năm Mới Giáp Thìn đang đến gần. Sự bùng nổ nhu cầu đi lại, du lịch và mua sắm vào dịp Tết Nguyên đán này là dấu hiệu quan trọng cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đang được phục hồi, tiếp sức cho đà tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024. Theo “Báo cáo Triển vọng kinh tế và tài chính Trung Quốc năm 2024” do Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc công bố mới đây, năm 2024, môi trường bên ngoài được cải thiện, tác dụng của các chính sách ổn định tăng trưởng tiếp tục rõ nét, nhu cầu trong nước được kỳ vọng sẽ liên tục phục hồi. Dưới tác động của chính sách và thị trường, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lấy lại đà tăng trưởng tiềm năng. Dự kiến GDP của Trung Quốc sẽ tăng ở mức khoảng 5% trong năm 2024.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.

Trong gần ba năm diễn ra xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã cung cấp hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine và luôn khẳng định rằng sẽ sát cánh cùng Kiev cho đến chừng nào có thể. Tuy nhiên, sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi ông sẽ giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine như thế nào?

Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên ở nước ngoài của Tổng thống Indonesia kể từ khi nhậm chức cách đây ba tuần. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, ông cam kết duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Du lịch được xác định là ngành mũi nhọn, đóng góp lớn cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch mà không làm ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và cuộc sống của người dân địa phương là điều cần được chú trọng. Nhiều quốc gia đã nhận thấy rằng, gắn phát triển du lịch với bảo tồn và hài hòa lợi ích của người dân là yêu cầu cấp thiết hiện nay để có thể phát triển một nền du lịch bền vững.

Thủ tướng Israel Netanyahu mới đây đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, cho thấy mức độ chia rẽ nghiêm trọng trong nội các Israel. Động thái này cũng khiến cho những hy vọng về việc đạt được một lệnh ngừng bắn với Hamas và đưa các con tin trở về nhà ngày càng xa vời.

Chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhóm họp tại Budapest, Hungary, để bàn về đối sách với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.