Cuộc khủng bố gây nhiều thương vong ở Thổ Nhĩ Kỳ
Diễn biến vụ tấn công
Gần 4 giờ chiều (13:00 GMT) ngày 23/10, tiếng súng cùng tiếng nổ đã vang lên tại trụ sở của TUSAS. Một đoạn video từ hiện trường do phương tiện truyền thông địa phương phát sóng cho thấy, những đám khói và một đám cháy lớn bốc lên, trong khi cơ quan dịch vụ khẩn cấp đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
Đoạn phim được camera an ninh ghi lại cho thấy, ba người trên một chiếc taxi màu vàng đến một trong những lối vào của khu phức hợp. Một người đàn ông mặc thường phục mang theo ba lô và cầm một khẩu súng trường tấn công, cùng một người phụ nữ cũng mang theo một khẩu súng trường tấn công. Một trong những kẻ tấn công đã xâm nhập vào tòa nhà và nổ súng, trong khi một vụ nổ xảy ra bên cạnh một bốt an ninh.
Vụ tấn công khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, gồm 4 nhân viên của TUSAS và tài xế taxi - người đã bị những kẻ tấn công sát hại sau khi chúng lên xe của anh tại một trạm taxi rồi giấu xác anh trong cốp xe.
“Thật không may, chúng tôi có 5 người tử vì đạo và 22 người bị thương trong vụ việc này. Hầu hết những người bị thương đều trong tình trạng không nghiêm trọng”.
Ông Cevdet Yilmaz - Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya trước đó xác nhận rằng cả hai kẻ tấn công đều đã bị tiêu diệt. Các nhân chứng cho biết hung thủ đã quen với cách bố trí của tòa nhà và các vụ nổ có thể xảy ra ở các lối ra khác nhau khi nhân viên đang rời khỏi nơi làm việc trong ngày.
Phóng viên Sinem Koseoglu của Al Jazeera đưa tin từ Ankara cho biết: “nhiều chuyên gia cho rằng đây là một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch chiến lược”.
Vụ tấn công xảy ra tại trụ sở của TUSAS ở Kahramankazan, khu vực phía Bắc Thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Được được sáp nhập vào Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1973 nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của ngành công nghiệp quốc phòng vào các đối tác nước ngoài, TUSAS là một trong những công ty quốc phòng lớn nhất cả nước. Công ty này đã phát triển Kaan, máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ cùng một loạt các loại máy bay không người lái, vệ tinh và trực thăng phục vụ cả mục đích dân sự và quân sự. Với khoảng 15.000 lao động, công ty này thuộc quyền quản lý của Lực lượng vũ trang và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghi ngờ tổ chức đứng sau vụ tấn công
Đến nay, chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nhưng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiêng về giả thuyết Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đứng sau vụ việc này. Dù PKK vẫn chưa lên tiếng xác nhận nhưng chỉ vài giờ sau vụ tấn công, Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích hàng loạt mục tiêu của Đảng Công nhân Người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq và miền Bắc Syria, phá hủy 32 mục tiêu và khiến nhiều thành viên PKK thiệt mạng. Những gì diễn ra gợi nhắc đến cuộc xung đột đẫm máu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK, bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc cùng tham vọng thành lập nhà nước riêng, vấn đề đã trở thành nỗi nhức nhối kéo dài ở Thổ Nhĩ Kỳ suốt một thế kỷ qua.
“Khi so sánh với các cuộc tấn công tương tự trước đây, chúng tôi có quan điểm mạnh mẽ rằng đó là tổ chức khủng bố PKK. Nhưng, như tôi đã nói, điều đó sẽ trở nên chắc chắn khi danh tính của những kẻ tấn công được xác định, điều mà chúng tôi sẽ công bố với công chúng”.
Ông Ali Yerlikaya - Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ
Theo phóng viên Sinem Koseoglu của Al Jazeera, đảng Giải phóng Nhân dân Cách mạng cực tả (DHKP-C) cũng đang nằm trong tầm ngắm của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, trong một động thái nhằm đáp trả Đảng Công nhân Người Kurd, ngay trong ngày 23/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các mục tiêu của PKK ở miền Bắc Iraq và miền Bắc Syria, phá hủy 32 mục tiêu và khiến nhiều thành viên PKK thiệt mạng.
Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo (SDF), hoạt động ở đông bắc Syria, cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã pháo kích vào thành phố Kobani và thành phố Tal Rifa'at, phía bắc Aleppo, khiến 2 thường dân thiệt mạng và 6 người khác bị thương.
Trong khi đó, tại Iraq, thị trưởng quận Mawat ở tỉnh Sulaymaniyah, ông Kamiran Hassan, nói với CNN rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hai cuộc không kích vào khu vực Núi Asos.
Cộng đồng người Kurd hiện có khoảng 30 triệu người, sinh sống ở khu vực rộng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armina. Họ có cùng văn hóa và nói một trong hai phương ngữ chính của tiếng Kurd. Dù số lượng lớn, nhưng người Kurd là một trong những dân tộc lớn nhất thế giới không có nhà nước.
Suốt từ năm 1923 tới nay, người Kurd luôn đấu tranh để thành lập nhà nước của riêng mình và phải đối mặt với những cuộc trấn áp từ các chính phủ. Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1924 còn không cho phép sử dụng ngôn ngữ của người Kurd ở những nơi công cộng và thậm chí các từ “Kurd” và “Kurdistan” cũng bị cấm.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd chiếm gần 1/5 dân số gồm 79 triệu người, cư trú chủ yếu ở vùng núi Đông Nam. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd luôn ở thế đối đầu căng thẳng. Ankara coi các lực lượng người Kurd là một mối đe dọa, khi PKK đặt đại bản doanh ở miền Bắc Iraq và đã sử dụng vùng lãnh thổ này để tiếp sức cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara xung đột với PKK kể từ sau khi lực lượng này phát động một phong trào ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1980, chiến đấu vì mục tiêu giành độc lập cho một quốc gia mới mang tên Kurdistan. Năm 1984, xung đột vũ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã biến thành cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và phương Tây đều coi PKK là tổ chức khủng bố. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên mở chiến dịch chống nổi dậy và càn quét, tấn công căn cứ của PKK ở Iraq và Syria.
Tiến trình hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK đã đổ vỡ vào năm 2015, và nhóm này cùng các chi nhánh đã thực hiện một số vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm tiếp theo, khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng an ninh tiến hành các hoạt động chống lại PKK ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ở Iraq và Syria.
Mặc dù vậy, số vụ tấn công ở các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh kể từ năm 2017. Trong nửa đầu năm 2023, tỷ lệ tử vong do xung đột ở Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ vào năm 2015. Bạo lực lắng dịu phần lớn là do lệnh ngừng bắn do PKK tuyên bố vào đầu năm 2023 sau các trận động đất tàn khốc tại nước này. Tuy nhiên, PKK đã chấm dứt lệnh ngừng bắn vào tháng 6.
Vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ
Theo giới quan sát, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về vụ tấn công nhằm vào trụ sở Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi trong quá khứ, không chỉ có PKK mà cả các chiến binh thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng những phần tử cực đoan cánh tả cũng đã từng thực hiện nhiều vụ tấn công ở nước này. Đặc biệt, cũng cần lưu ý rằng vụ việc xảy ra khi tại Thổ Nhĩ Kỳ chưa từng trải qua loại bạo lực này trong nhiều năm và nhất là vào thời điểm chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu “khám phá ý tưởng về một tiến trình hòa bình” với PKK.
“Một vụ tấn công vào một nhà thầu quốc phòng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, một công ty đại chúng, nhưng cũng là viên ngọc quý của ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ là một chấn thương lớn. Nó cũng sẽ đặt ra nhiều câu hỏi và nghi ngờ ở Thổ Nhĩ Kỳ về động cơ, ai có thể đứng sau vụ việc”.
Bà Asli Aydintasbas, Chuyên gia của Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu
Cũng theo bà Asli, sẽ có rất nhiều giả thuyết và sự nhầm lẫn cho đến khi chúng ta biết ai thực sự đã lên kế hoạch và thực hiện vụ việc này. Đặc biệt, khi đây là vụ tấn công đầu tiên thuộc kiểu này tại Thổ Nhĩ Kỳ trong “nhiều năm” và diễn ra chỉ một ngày sau khi lãnh đạo Đảng Phong trào Dân tộc, một đồng minh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ông Devlet Bahceli, đưa ra một tuyên bố chưa từng có, theo đó gợi ý rằng thủ lĩnh PKK Abdullah Ocalan, người đang bị cầm tù từ năm 1999, có thể được phép phát biểu tại quốc hội nếu ông này chấm dứt cuộc nổi loạn và giải tán tổ chức của mình - một dấu hiệu cho thấy tiến trình hòa bình có thể được phục hồi.
“Nếu lệnh cô lập thủ lĩnh PKK Abdullah Ocalan được dỡ bỏ, hãy để ông ta đến phát biểu trong cuộc họp nhóm của Đảng chúng tôi tại Đại hội đồng Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy để ông ta nói rằng chủ nghĩa khủng bố đã hoàn toàn chấm dứt và tổ chức Đảng Công nhân người Kurd đã hoàn toàn bị giải tán. Nếu ông ta thể hiện được năng lực và quyết tâm này, hãy để vấn đề khủng bố nặng nề và mang tính lịch sử này được loại khỏi chương trình nghị sự của đất nước”.
Ông Devlet Bahceli - Lãnh đạo Đảng phong trào dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ
Phát biểu của ông Bahceli đã làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK sau nhiều thập kỷ xung đột. Theo một số chuyên gia, vụ tấn công ngày 23/10 có thể là một thông điệp cho thấy PKK không muốn hạ vũ khí và bình thường hóa quan hệ với chính phủ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cuộc tấn công không được phép cản trở các nỗ lực hòa bình mới.
Vụ tấn công khủng bố nhằm vào trụ sở Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ khiến dư luận trong nước mà cả thế giới chấn động. Lãnh đạo nhiều quốc gia đã lên án vụ việc và bày tỏ chia sẻ với mất mát của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan, người hiện đang tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại thành phố Kazan của Nga, gọi vụ việc này là một “cuộc tấn công khủng bố tàn bạo”.
Trong cuộc hội đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công và gọi đây là hành động khủng bố.
“Tôi muốn bày tỏ lời chia buồn về vụ tấn công khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bạn biết đấy chúng tôi cảm thấy thế nào về điều này: chúng tôi lên án mọi biểu hiện như thế này, bất kể động cơ của chúng là gì”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin
Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng lên án vụ tấn công và cho biết ông đã nói chuyện với Erodgan trong khi cam kết rằng liên minh quân sự này sẽ sát cánh cùng đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng “mạnh mẽ” lên án vụ việc.
“Tôi muốn bắt đầu bằng cách bày tỏ sự chia buồn của chúng tôi tới các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Và mặc dù chúng tôi vẫn chưa biết động cơ hoặc chính xác là ai đứng sau vụ việc, chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động bạo lực này”.
Ông John Kirby - Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ
Cả phái đoàn Liên minh châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và đều lên án mạnh mẽ vụ tấn công.
Phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế sau vụ tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy dù cho ai là người đứng sau và động cơ là gì thì bạo lực gây thương vong cho dân thường vẫn là điều đáng bị lên án. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần thận trọng trong bất kỳ phản ứng đáp trả nào, nhằm tránh làm tăng mức độ phản kháng, đặc biệt là có thể bỏ lỡ cơ hội về “một tiến trình hòa bình” giúp chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người tại quốc gia này.
Ngày 23/12 theo giờ địa phương, tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou đã chính thức thành lập nội các của mình. Điện Elysee, dinh Tổng thống Pháp, công bố danh sách thành viên nội các mới nhất.
Ngày 23/12, lực lượng cảnh sát quốc gia Pháp cho biết số lượng các hành vi bài Do Thái ở quốc gia này đã tăng ở mức kỷ lục 270% trong 10 tháng năm nay, so với cùng kỳ năm 2022.
Ngày 23/12, nhà chức trách Nhật Bản thông báo sẽ ra lệnh ngừng và hủy bỏ đối với Google, với cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản đưa ra động thái pháp lý đối với công ty công nghệ của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei ngày 23/12 ra tuyên bố khẳng định Tehran ủng hộ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Trả lời phỏng vấn, Đại sứ Nga tại Đức, ông Sergey Nechayev cho biết nước này một lần nữa cảnh báo Đức không nên tiến hành bất kỳ hành động thù địch nào nhằm vào nước Nga nếu không muốn bị đáp trả, trong đó có việc cung cấp tên lửa hành trình cho Ukraine và cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Đức.
Quân đội Nga ngày 22/12 kiểm soát hai khu định cư ở khu vực Donbass và Vùng Kharkov; trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine thừa nhận tình hình căng thẳng trên toàn bộ tiền tuyến.
0