Đằng sau cuộc khủng hoảng chính trị Hàn Quốc

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc. Người dân Hàn Quốc tự hỏi ai sẽ là người điều hành chính phủ và cả quân đội vào thời điểm Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên và hoạt động ngoại giao tế nhị cần thiết với đồng minh Mỹ khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần.

Khó khăn bủa vây Tổng thống Hàn Quốc

Một động thái kịch tính đã xảy ra ngày 10/12, khi Quốc hội Hàn Quốc do đảng Dân chủ đối lập chiếm số ghế nhiều nhất đã thông qua nghị quyết yêu cầu bắt giữ khẩn cấp Tổng thống Yoon Suk Yeol và 7 nhân vật chủ chốt khác bị tình nghi liên quan việc ban bố tình trạng thiết quân luật.

Quốc hội cũng thông qua dự luật cùng ngày, yêu cầu bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt thường trực điều tra các cáo buộc nổi loạn đối với Tổng thống Yoon. Thủ tướng Han Duck Soo, Chỉ huy phản gián quốc phòng Yeo In Hyung và cựu lãnh đạo đảng Quyền lực nhân dân (PPP) Choo Kyung Ho cũng nằm trong danh sách những người phải bị điều tra.

Những diễn biến mới nhất làm dấy lên câu hỏi liệu Tổng thống Yoon có bị bắt giữ để điều tra hay không?

Trong lịch sử Hàn Quốc, chưa từng có tổng thống nào bị bắt khi đương chức. Một trong các lý do là bởi tổng thống được bảo vệ bởi điều 84 trong Hiến pháp (sửa đổi năm 1987). Theo đó quy định: "Tổng thống không bị buộc tội hình sự trong thời gian tại nhiệm, ngoại trừ tội nổi loạn hoặc phản quốc".

Tuy nhiên, ông Yoon đang đối mặt với ít nhất ba cuộc điều tra của ba cơ quan lớn, liên quan lệnh thiết quân luật ông ban bố. Ông bị cáo buộc tội nổi loạn và đã bị cấm xuất cảnh, điều chưa từng xảy ra với một tổng thống tại vị.

Theo điều 200 của Đạo luật Tố tụng hình sự Hàn Quốc, có thể bắt giữ "bất kỳ nghi phạm hình sự nào phạm các tội có thể bị phạt tử hình; tù có lao động không xác định thời hạn; tù có hoặc không có lao động trên ba năm" và trong trường hợp nghi phạm có khả năng tiêu hủy bằng chứng, trốn chạy. Còn theo điều 87 của Đạo luật Hình sự, các hình phạt cho hành vi lãnh đạo, tham gia hoặc chỉ huy nổi loạn bao gồm tử hình và tù chung thân. Chiếu theo các điều trên, về lý thuyết, một tổng thống đương nhiệm bị tình nghi nổi loạn có thể bị bắt để điều tra nếu áp dụng nghiêm ngặt các bộ luật đang có hiệu lực.

Các cơ quan thực thi pháp luật của Hàn Quốc đang tập trung vào việc tìm hiểu xem Tổng thống Yoon, Bộ trưởng Quốc phòng Kim và những người khác liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật có phạm tội nổi loạn hay không. Nếu có thì bản án cao nhất là tử hình.

Các đảng đối lập và nhiều chuyên gia cho rằng, sắc lệnh thiết quân luật là vi hiến. Theo luật, tổng thống chỉ được phép ban bố thiết quân luật trong "thời chiến, tình huống giống chiến tranh hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia tương đương khác". Tuy nhiên, Tổng thống Yoon ban bố lệnh này khi Hàn Quốc đang không ở trong tình huống như vậy. Họ lập luận rằng việc triển khai quân đội để phong tỏa Quốc hội nhằm đình chỉ các hoạt động chính trị của Quốc hội đồng nghĩa với việc nổi loạn vì Hiến pháp Hàn Quốc không cho phép tổng thống sử dụng quân đội để đình chỉ hoạt động Quốc hội trong bất kỳ tình huống nào.

Chúng tôi đều là nạn nhân, bị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun lợi dụng. Các thành viên của nhóm (Đặc nhiệm 707) không có tội. Tội lỗi duy nhất của họ là họ đã tuân theo lệnh của chỉ huy. Khi tôi nhận được cuộc gọi từ một chỉ huy và được triển khai đến Quốc hội, tôi cũng không biết gì về thiết quân luật. Tôi không biết rằng các hoạt động của Quốc hội phải được đảm bảo ngay cả khi có thiết quân luật. Tại hiện trường, khi nhiều người cố gắng ngăn cản tôi, tôi đã giải thích rằng tôi ở đây theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh phải áp đặt thiết quân luật.

Đại tá Hàn Quốc Kim Hyun Tae.

Cảnh sát Hàn Quốc cho biết, họ đã cử các sĩ quan đến khám xét văn phòng của Tổng thống Yoon để tìm kiếm bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến việc ban hành thiết quân luật. Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, cuộc khám xét đang được tiến hành, nhưng cảnh sát và văn phòng tổng thống không thể xác nhận ngay các báo cáo. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, cơ quan an ninh tổng thống có thể sẽ không cho phép khám xét văn phòng của ông Yoon, với lý do luật cấm khám xét các địa điểm có bí mật Nhà nước mà không có sự chấp thuận của những người phụ trách khu vực đó.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tự tử bất thành

Ông Kim Yong Hyun, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã bị bắt giữ vào sáng Chủ nhật khi các công tố viên điều tra vai trò của ông trong vụ việc Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật ngắn ngủi vào tuần trước. Sự kiện đó đã gây ra sự biến động chính trị ở Hàn Quốc, bao gồm nỗ lực do phe đối lập lãnh đạo nhằm luận tội tổng thống và các cuộc biểu tình lớn.

Ông Kim là người đầu tiên bị bắt giữ sau khi các công tố viên bắt đầu điều tra các cáo buộc do những đối thủ chính trị của Tổng thống Yoon đưa ra. Phe đối lập khẳng định rằng, ông Yoon và những người theo ông trong chính phủ và quân đội đã phạm tội nổi loạn và các tội danh khác khi họ điều binh lính và cảnh sát vào Quốc hội để chiếm giữ cơ quan lập pháp ngay sau khi tổng thống ban bố thiết quân luật vào đêm thứ Ba.

Ông Kim ra đầu thú điều tra viên vào sáng Chủ nhật và đã bị bắt mà không có lệnh của tòa án. Cảnh sát và công tố viên có thể sử dụng lệnh "bắt giữ khẩn cấp" khi họ có căn cứ để nghi ngờ một người đã phạm tội nghiêm trọng và có nguy cơ họ sẽ bỏ trốn hoặc tiêu hủy bằng chứng. Họ phải nộp đơn xin lệnh của tòa án trong vòng hai ngày để chính thức bắt giữ nghi phạm. Ông Kim, là người ủng hộ chính cho lệnh thiết quân luật của ông Yoon, đã từ chức sau khi động thái bất thường này thất bại.

Hôm nay, ngày 11/12, Yonhap đưa tin rằng, ông Kim đã cố gắng tự sát ngay trước khi bị bắt. Cho Ji Ho, Tổng ủy viên của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc và Kim Bong Sik, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Thủ đô Seoul, cũng đã bị bắt vào sáng sớm thứ Tư.

Bộ Quốc phòng đã đình chỉ công tác của ba trung tướng Lục quân, trong khi các công tố viên điều tra vai trò có thể có của họ trong tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon. Một trong số họ, Trung tướng Kwak Jong Geun cho biết, ông Kim đã ra lệnh cho ông điều động lực lượng đặc nhiệm vào Quốc hội vào đêm thứ Ba và đưa các nhà lập pháp ra khỏi hội trường Quốc hội, nhằm giải tán cuộc bỏ phiếu chống lại lệnh thiết quân luật của ông Yoon, nhưng ông đã không tuân theo lệnh. Bộ Quốc phòng cho biết, họ cũng đã yêu cầu Bộ Tư pháp cấm ba vị tướng và bảy sĩ quan quân đội khác rời khỏi đất nước.

Ai đang lãnh đạo Hàn Quốc?

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bị cấm rời khỏi đất nước và đang bị điều tra chính thức về tội phản quốc sau khi lệnh thiết quân luật bất thành vào tuần trước. Nhưng ông vẫn tại vị, khiến các nhà phân tích và nhà ngoại giao bối rối, người ta đặt câu hỏi ai đang điều hành đất nước Hàn Quốc?. Các nhà lập pháp của đảng cầm quyền đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu luận tội ông Yoon vào thứ Bảy, giữ ông tại vị. Các nhà lãnh đạo đảng đã nhấn mạnh rằng, ông sẽ từ chức thông qua việc đàm phán về việc rời đi của mình.

Lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ cầm quyền của Yoon, Han Dong Hoon, và Thủ tướng Han Duck Soo, một người được ông Yoon bổ nhiệm và là chuyên gia kỹ trị, đã tuyên bố vào Chủ nhật rằng Tổng thống Yoon sẽ "không tham gia vào việc giải quyết các vấn đề Nhà nước, bao gồm cả ngoại giao" khi nội các của ông tìm cách đàm phán một "lối thoát có trật tự".

Các học giả pháp lý nghi ngờ tính hợp hiến của quyết định trên. Các nhà đầu tư lo lắng về quyền quản lý nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, trong khi các nhà ngoại giao nước ngoài đặt câu hỏi về việc ai có thẩm quyền đối với lực lượng vũ trang của Hàn Quốc vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Bình Nhưỡng.

Kim Seon Taek, một giáo sư luật tại Đại học Hàn Quốc cho biết, không có cơ sở nào trong hiến pháp để chuyển giao chính thức quyền lực tổng thống cho bất kỳ ai khác trừ khi tổng thống bị mất khả năng làm việc vĩnh viễn hoặc Quốc hội chấp thuận một cuộc bỏ phiếu luận tội.

Ông Kim Seon Taek cho rằng: "Không ai lắng nghe Tổng thống Yoon nhưng về mặt pháp lý, ông ấy vẫn là tổng thống, nhưng ông vẫn là người có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng trong các vấn đề Nhà nước và không thể làm gì nếu không có chữ ký của ông ấy. Đây là một tình hình rất bất ổn và không chắc chắn.”

Tại Hàn Quốc, quyền miễn trừ truy tố của tổng thống không áp dụng trong các trường hợp liên quan đến cáo buộc phản quốc hoặc nổi loạn. Nhưng một số học giả pháp lý đã lập luận rằng, ngay cả khi ông Yoon bị bắt và giam giữ, hiến pháp vẫn có thể cho phép ông tiếp tục tại vị. Cả thủ tướng và lãnh đạo đảng đều không có thẩm quyền pháp lý để thực hiện quyền hạn của tổng thống thay mặt ông.

Nhiều nhà quan sát đặc biệt quan tâm đến câu hỏi ai đang thực hiện quyền chỉ huy lực lượng vũ trang của Hàn Quốc, một phần vì lo ngại ông Yoon có thể áp đặt thiết quân luật lần thứ hai và một phần vì những câu hỏi xung quanh khả năng ứng phó của Hàn Quốc nếu Triều Tiên có động thái khác thường.

Một nhà ngoại giao châu Âu cho rằng: “Đây là một tình huống nguy hiểm, đặc biệt là khi xét đến môi trường an ninh trên bán đảo Triều Tiên”.

Một số sĩ quan quân đội cấp cao đã công khai tuyên bố rằng, họ sẽ từ chối tuân thủ bất kỳ lệnh nào của ông Yoon về việc áp đặt thiết quân luật lần thứ hai. Nhưng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác nhận với các phóng viên vào thứ Hai rằng, Yoon vẫn là tổng tư lệnh của đất nước.

Một cựu sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang Hàn Quốc nghi ngờ rằng bất kỳ “sĩ quan Hàn Quốc nào sẽ tuân theo hoặc thậm chí nghe theo lệnh của tổng thống”. “Họ sẽ nhận lệnh từ Thủ tướng”, viên sĩ quan đã nghỉ hưu này cho biết. “Đây không phải là tình huống lý tưởng, nhưng chuỗi chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn”.

Hàn Quốc cũng không có Bộ trưởng Quốc phòng sau khi ông Kim Yong Hyun từ chức sau các sự kiện kịch tính tuần trước. Thủ tướng đã đề cử đại sứ Hàn Quốc tại Ả rập Xê út làm người thay thế ông Kim, nhưng tổng thống vẫn cần phê duyệt việc bổ nhiệm ông.

Sẽ rất đáng lo ngại nếu một cuộc khủng hoảng liên Triều nổ ra trong khi chúng ta vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn chính trị ở Seoul và những cuộc khủng hoảng như vậy không phải là hiếm.

Ông Andrew Gilholm, Giám đốc phân tích về Trung Quốc và Hàn Quốc tại Control Risks.

Một số nhà đầu tư lo ngại về tác động của tình trạng hỗn loạn chính trị kéo dài đối với nền kinh tế Hàn Quốc vào thời điểm các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đang chạy đua để chuẩn bị cho tác động của chính sách thương mại bảo hộ của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Một quan chức kinh tế cấp cao của Hàn Quốc nói rằng, "quyền lãnh đạo kinh tế của đất nước rất an toàn" trong tay phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Choi Sang Mok. "Không có sự gián đoạn nào trong quá trình ra quyết định kinh tế".

Các nhà phân tích cho rằng, ban lãnh đạo Đảng PPP dường như hy vọng rằng, việc trì hoãn từ chức của ông Yoon trong vài tháng sẽ có lợi cho họ trong cuộc bầu cử tiếp theo. Lãnh đạo phe đối lập Lee Jae Myung, ứng cử viên hàng đầu để kế nhiệm Yoon làm tổng thống, đã bị buộc tội trong năm nay vì bị cáo buộc liên quan đến một âm mưu chuyển hàng triệu đô la cho Triều Tiên thông qua một nhà sản xuất của Hàn Quốc. Vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử và ông Lee đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Một cựu quan chức trong chính quyền Tổng thống Yoon cho biết, sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng về vai trò của PPP trong việc giúp ông Yoon tiếp tục giữ chức đã gây ra "sự hoảng loạn" trong nhóm nghị sĩ của đảng này.

Các nhóm đối lập tranh thủ buộc tội ông Han đã lạm quyền, cố gắng lợi dụng khoảng trống quyền lực do lệnh thiết quân luật bất thành của ông Yoon và tình hình hỗn loạn sau đó để khẳng định mình là nhà lãnh đạo cao nhất trong phe cầm quyền.

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc. Người dân Hàn Quốc tự hỏi ai là người điều hành chính phủ và cả quân đội vào thời điểm Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên và hoạt động ngoại giao tế nhị cần thiết với đồng minh Mỹ khi lễ nhậm chức của Donald Trump đang đến gần. Trong nước, hàng nghìn bác sĩ trẻ đã đình công trong gần một năm để phản đối những thay đổi theo kế hoạch của ông Yoon đối với chính sách chăm sóc sức khỏe. Các công đoàn lao động đã tuyên bố sẽ tiếp tục đình công cho đến khi ông Yoon bị luận tội. Tốc độ phát triển kinh tế đất nước này cũng chậm lại, nợ hộ gia đình tăng cao, tỷ lệ sinh thấp, giá nhà không đủ khả năng chi trả và vô số vấn đề nan giải khác.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các đơn vị thuộc Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga tiếp tục cuộc tấn công, kiểm soát các khu định cư Daryino và Plyokhovo ở Khu vực Kursk, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin. Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 200 quân ở khu vực Kursk trong ngày qua.

Giới chức Sudan cho biết đã có ít nhất 176 người thiệt mạng trong 2 ngày giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự trên khắp lãnh thổ nước này.

Các quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ với NBC News rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc xóa tên tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) khỏi danh sách các tổ chức khủng bố.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa nêu nhận định về thời điểm các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể diễn ra, khi Warsaw chuẩn bị đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào tháng 1/2025.

Bất ổn chính trị ở Hàn Quốc ngày càng sâu sắc. Người dân Hàn Quốc tự hỏi ai sẽ là người điều hành chính phủ và cả quân đội vào thời điểm Hàn Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Những thách thức đó bao gồm căng thẳng ngày càng tăng với Triều Tiên và hoạt động ngoại giao tế nhị cần thiết với đồng minh Mỹ khi lễ nhậm chức của ông Donald Trump đang đến gần.

Cơ quan quản lý cải tạo Hàn Quốc cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun đã cố gắng tự tử tại cơ sở giam giữ ở phía đông Seoul nhưng bất thành.