Đánh bại Kamala Harris, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Chiến thắng xuất sắc của Trump-Vance
Trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 5/11, ông Donald Trump đã có chiến thắng vượt trội trước bà Harris. Ông đã giành hàng loạt chiến thắng vang dội tại 7 bang chiến trường có ý nghĩa quyết định gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Wisconsin và Pennsylvania. Ứng cử viên này đã giành trọn 93 phiếu đại cử tri tại những bang nói trên.
Đúng như Liên hợp quốc đã khẳng định, năm 2024 là “năm bầu cử lớn nhất trong lịch sử loài người” với một nửa dân số thế giới - khoảng 3,7 tỷ người ở 72 quốc gia - đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, một số cuộc bầu cử có nhiều tác động lớn hơn những cuộc bầu cử khác, trong đó có cuộc bầu cử Mỹ. Bởi lẽ, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là cường quốc quân sự lớn nhất, là trụ cột của nhiều liên minh chiến lược quốc tế, hệ thống kinh tế và tài chính cũng như nhiều thể chế của thế giới. Vì vậy chính phủ và người dân nhiều quốc gia đã dồn sự quan tâm theo dõi cuộc bầu cử chọn người chèo lái nước Mỹ trong 4 năm tới. Và quyền lực, trách nhiệm lớn này một lần nữa sẽ được trao cho ông Donald Trump.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính tới 13h30’ giờ Việt Nam, ông Trump đã giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, vượt qua ngưỡng 270 phiếu theo quy định và đánh bại ứng cử viên Kamala Harris đại diện đảng Dân chủ để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Trận đấu quyết định diễn ra tại bang chiến trường Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ hai ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020.
“Ông ấy đã làm rất tốt. Ông ấy rất dũng cảm và đã quan tâm đến Pennsylvania. Điều đó sẽ được đền đáp tối nay. Mọi người đã nhìn thấy ông ấy suýt bị sát hại. Ông ấy sẽ giành chiến thắng lịch sử tại đây”.
Bà Sofie Villalta - người ủng hộ ông Trump
Ngay sau khi kết quả được công bố, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có bài diễn văn ăn mừng trước đông đảo người ủng hộ tại Palm Beach, bang Florida.
“Tôi đã điều hành một chiến dịch tuyệt vời. Tôi nghĩ đó có lẽ là chiến dịch hay nhất trong số ba chiến dịch. Chúng tôi đã làm rất tốt trong lần đầu tiên. Chúng tôi đã làm tốt hơn nhiều trong lần thứ hai và cuối cùng đây là chiến dịch tốt nhất, tôi có thể nói, đây là chiến dịch tranh cử tốt nhất mà chúng tôi đã thực hiện".
Ông Donald Trump
Dự kiến, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Ông Trump đã đánh bại Phó Tổng thống Harris trong một cuộc bầu cử nhiều diễn biến bất ngờ: Trước thềm bầu cử, một phiên tòa hình sự liên quan đến ông Trump trong chiến dịch tranh cử, ba vụ ám sát không thành nhằm vào cựu tổng thống. Tổng thống Biden bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng và đảng Dân chủ đề cử bà Harris thay thế.
Cựu Tổng thống cuối cùng đã giành được chiến thắng thuyết phục, giành lại được bang Georgia, cầm chân Bắc Carolina và phá vỡ “bức tường xanh”. Ông được dự đoán sẽ giành chiến thắng sít sao trong số phiếu phổ thông, điều mà ông đã không làm được vào năm 2016 và đảng Cộng hòa chỉ làm được một lần kể từ năm 1992.
Cựu Tổng thống và người đồng hành cùng ông, Thượng nghị sĩ. JD Vance (R-Ohio), lợi dụng sự bất mãn của cử tri với chi phí cao hơn, làn sóng di cư gia tăng ở biên giới phía Nam và sự bất ổn ở nước ngoài dưới thời chính quyền Tổng thống Biden để thuyết phục cử tri quay trở lại với các chính sách của ông.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, ông Trump đã giành được sự ủng hộ của các cử tri gốc Latinh, củng cố chênh lệch của ông ở các vùng nông thôn và được giới nam thanh niên ủng hộ gần ngang bằng với bà Harris. Ông Trump đã rất tích cực vận động nhóm cử tri này.
Ông Trump đã tuyên bố thực hiện cuộc trục xuất lớn nhất trong lịch sử quốc gia, gia hạn cắt giảm thuế mà ông đã ký thành luật năm 2017, áp đặt thuế quan phổ quát đối với hàng nhập khẩu nước ngoài, hủy bỏ các biện pháp bảo vệ đối với thanh niên chuyển giới, đóng cửa Bộ Giáo dục và hạn chế các quy định về môi trường.
Thắng lợi này có thể mang lại cho Tổng thống đảng Cộng hòa cơ hội củng cố sự kiểm soát của phe bảo thủ tại tòa án tối cao, khi đảng Cộng hòa giành lại đa số tại Thượng viện.
Ở tuổi 78, ông Trump là người lớn tuổi nhất trong lịch sử đất nước được bầu làm tổng thống, lớn hơn một chút so với ông Biden khi được bầu vào năm 2020. Ông Trump sẽ trở thành Tổng thống thứ hai trong lịch sử quốc gia phục vụ hai nhiệm kỳ không liên tiếp, nhưng theo Tu chính án thứ 22, ông không thể tái tranh cử lần nữa vào năm 2028.
Các kế hoạch kinh tế của ông Trump
Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã hứa sẽ thay đổi lớn về chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ 2. Trong số các đề xuất của ông có mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu, loại bỏ thuế đối với tiền tip và phúc lợi an sinh xã hội cũng như giảm thuế suất doanh nghiệp. Nhiệm kỳ trước của ông đã áp dụng thuế quan đối với thép và nhôm, điều mà ông biện minh là vì lý do an ninh quốc gia.
Theo tờ The Time, ông Trump đang cân nhắc áp dụng mức thuế quan từ 10% đến 20% với tất cả hàng hoá nhập khẩu và mức thuế lên đến 60% với hàng hoá Trung Quốc. Ông lập luận rằng, các mức thuế này sẽ bảo vệ việc làm của người Mỹ và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu từ nước ngoài
Ông cũng cho biết, những chính sách này sẽ không khiến giá cả tăng cao, khẳng định chi phí đó sẽ do các nhà sản xuất nước ngoài phải chịu.
Ông cũng đưa ra nhiều mức thuế mới - áp thuế mới lên tới 20% đối với các đối tác thương mại của Mỹ và gần đây đe dọa áp thuế lên tới 100% đối với Mexico, đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ vào năm 2024.
“Chúng ta đang mất đi 300.000 người mỗi năm do ma túy nhập từ Mexico. Mọi người rất ngạc nhiên khi biết điều này, Mexico là đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta. Và nếu chúng tôi áp dụng một mức thuế nhỏ, chẳng hạn như 10% - 15%, thì số tiền sẽ là hàng chục tỷ đô la. Họ có thể ngăn chặn điều đó nếu muốn. Chúng tôi sẽ áp thuế đối với Mexico nếu họ không ngừng ngay lập tức gửi những thứ khủng khiếp đó vào đất nước này”.
Ông Donald Trump
Chính sách bảo hộ thương mại của ông có thể sẽ gây tổn hại nhanh nhất cho người Mỹ; đề xuất tăng thuế của ông sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu và đẩy giá cả lên cao đối với người tiêu dùng Mỹ.
"Chúng tôi đang theo dõi cuộc tranh luận trong nước ở Mỹ và tất nhiên chúng tôi biết rằng một số người đang xem xét thuế quan. Một cuộc tranh cãi thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ không có người chiến thắng mà chỉ có kẻ thua cuộc. Và vì vậy, chúng tôi đang đi đầu trong kỷ nguyên mới của ngoại giao xuyên Đại Tây Dương để thuyết phục các đối tác Mỹ rằng chúng tôi ít nhiều cần một thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ và Liên minh châu Âu thay vì áp dụng thuế quan".
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner
Ngoài ra, ông Trump cũng đề xuất gia hạn việc cắt giảm thuế đã được thông qua vào năm 2017, cũng như giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%. Ông muốn điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm và đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Chi phí năng lượng là một trong các vấn đề trọng tâm của chiến dịch của ông Trump. Ông cam kết cắt giảm một nửa chi phí năng lượng đối với người dân Mỹ trong vòng một năm, coi sản xuất năng lượng là yếu tố thiết yếu để hạ nhiệt lạm phát.
Ông cũng đề xuất mở rộng hoạt động khoan dầu khí, đồng thời nới lỏng hạn chế với các nhà máy điện, nhằm giảm giá nhiên liệu và giúp giá xăng xuống dưới 2 USD/gallon khi nguồn cung trong nước tăng lên.
Đối với vấn đề nợ sinh viên, ông Trump vẫn giữ lập trường là không ủng hộ việc xoá bỏ nợ quy mô lớn vì động thái này sẽ là không công bằng với nhóm người đi vay đã thanh toán xong nợ.
Thay đổi đáng kể hoặc gây khó khăn cho các thỏa thuận quốc tế
Theo giới quan sát, nếu lên nắm quyền, ông Trump có thể có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và định hình lại nền chính trị quốc tế. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump theo đuổi chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết”, trong đó ông rút khỏi các hiệp định quốc tế lớn, phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, gây mất lòng các đồng minh và tham gia vào các cuộc đàm phán phức tạp với một số đối thủ của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử này, ông đã hứa sẽ tiếp tục nỗ lực thay đổi đáng kể hoặc gây khó khăn cho các thỏa thuận quốc tế, bao gồm cả khối đồng minh NATO.
Về lâu dài, ý tưởng của ông về vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế có thể xói mòn chính sách ngoại giao của Mỹ và làm suy yếu các tổ chức như NATO và Liên hợp quốc. Điều đó có thể có tác động lâu dài đến bối cảnh địa chính trị, giống như các quyết định chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã làm.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, từ 2017 đến 2021, ông Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế, bao gồm Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), thường được gọi là thỏa thuận Iran. Thỏa thuận đó, được đàm phán vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Barack Obama, về cơ bản đã nới lỏng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran để đổi lấy việc cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này và cho phép quốc tế giám sát chặt chẽ hơn đối với chương trình này.
Năm 2018, ông Trump từng nói: “Thỏa thuận Iran là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất và phiến diện nhất mà Mỹ từng tham gia,”. Kể từ đó, Iran đã xây dựng kho dự trữ uranium đã làm giàu và tăng cường nguồn cung cấp tên lửa, được cho là đã đưa chương trình này đến gần hơn với việc phát triển năng lực hạt nhân.
Ông Trump cũng rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris về giảm phát thải khí nhà kính. Chính quyền ông Trump cũng phá vỡ các thỏa thuận khác, bao gồm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Nga nhằm hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân tầm ngắn và tầm trung; Hiệp ước Bầu trời Mở về các chuyến bay trinh sát quân sự; và hai hiệp định di cư quốc tế.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã cam kết một lần nữa rút khỏi các hiệp định và tổ chức quốc tế. Ông sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris một lần nữa, sau khi Mỹ tái gia nhập thỏa thuận này dưới thời Tổng thống Joe Biden. Và ông Trump có thể hạn chế sự hợp tác của Mỹ với các tổ chức của Liên hợp quốc mà chính quyền của ông chỉ trích, như Tổ chức Y tế Thế giới.
Có thể ông Trump sẽ tìm cách để rút Mỹ khỏi NATO dù vấp phải sự phản đối của giới ngoại giao và quốc phòng của nước này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính trị đánh giá, đây dường như chỉ là "chiến thuật đàm phán" nhằm thúc đẩy đồng minh của Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng và giảm bớt gánh nặng cho Washington. Hơn nữa, một số người tin rằng, những phát biểu gần đây cho thấy, ông Trump ngày càng có xu hướng ít đề cập đến việc rút Mỹ khỏi NATO như thời gian trước. Ông đã phát biểu rằng, Mỹ sẽ "100% ở lại NATO dưới sự lãnh đạo của ông miễn là các nước châu Âu "chơi công bằng".
Theo James Lindsay, một thành viên cấp cao về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, điều này phụ thuộc nhiều vào các thành viên nội các như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, hoặc cố vấn an ninh quốc gia. Những người nắm giữ các vị trí đó có thể có tác động lớn đến tất cả các định về chính sách đối ngoại.
Trong trường hợp không có một bộ máy ngoại giao mạnh mẽ và giàu kinh nghiệm, ông Trump có thể cố gắng tự mình đàm phán chính sách đối ngoại như ông đã từng làm trong quá khứ, như đàm phán của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc vào năm 2019, đàm phán với Taliban.
Đối với nhiều người Ukraine, việc ông Trump giành chiến thắng là điều vô cùng đáng lo ngại, bởi khi ông nhậm chức có thể rút lại sự hỗ trợ quân sự của Mỹ và gây áp lực lên các đồng minh NATO. Kế hoạch hòa bình của ông Trump được cho là liên quan đến việc gây áp lực để Ukraine từ bỏ lãnh thổ hoặc từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO.
Một số người cho rằng ở cương vị Tổng thống từ năm 2017 đến 2021, ông Trump đã có thể đạt được một số thành công chính sách đối ngoại đáng chú ý, bao gồm Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ được hồi sinh, Hiệp định Abraham, chia sẻ chi phí công bằng hơn giữa các thành viên NATO và liên minh an ninh mới và mạnh mẽ hơn ở châu Á. Bối cảnh địa chính trị đầy thách thức và biến động hơn đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ cao hơn nhiều so với năm 2017 khi ông Trump mới nhậm chức. Ngoài ra, với những nét tính cách của ông Trump, trong nhiệm kỳ thứ hai, có thể ông còn đưa ra những chính sách đối ngoại cực đoan, gây bất ngờ và khó lường hơn đáng kể so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Theo thông tin từ Reuters, ít nhất 40 trường học tại thủ đô Delhi của Ấn Độ đã nhận được thư điện tử đe dọa đánh bom cùng với yêu cầu 30.000 USD.
Trong quý 3 năm 2024, nền kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 1,2% theo dữ liệu hằng năm, vượt qua mức 0,9% được báo cáo trước đó.
Ngày 9/12, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jerusalem, Ngoại trưởng Israel Gideon Saar tuyên bố cuộc đàm phán gián tiếp đang diễn ra về việc trao trả khoảng 100 con tin và triển vọng đạt được thỏa thuận đã được cải thiện.
Hãng Reuters ngày 9/12 đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nêu ý tưởng triển khai quân đội nước ngoài tới quốc gia này cho đến khi Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hãng tin Yonhap ngày 9/12 cho biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị cấm xuất cảnh trong thời gian chờ điều tra về các cáo buộc phản quốc và các tội danh khác liên quan đến việc áp đặt thiết quân luật hồi tuần trước.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 8/12 đã kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và tiến hành đối thoại.
0