Dấu ấn kiến trúc Đông Dương giữa lòng Hà Nội

Hà Nội - thành phố của những kiến tạo văn hóa - có sự kết hợp tinh tế, lặng lẽ nhưng bền bỉ, in đậm dấu ấn của phong cách kiến trúc Đông Dương trong lòng đô thị.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trước là Viện Viễn Đông Bác Cổ, là điển hình của kiến trúc Đông Dương mang sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu phương Tây và hình thức phương Đông. Mái ngói cong, chóp mái lấy cảm hứng từ kiến trúc đình chùa Việt hay những cửa cuốn hình bán nguyệt, ô gạch gió trang trí, đường phào chỉ tinh tế… Tất cả đã biến kiến trúc nơi đây như một ngôi đền lưu giữ tri thức lịch sử, văn hóa… mang phong cách hiện đại.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ: "Đây là một phát hiện theo chủ thuyết đến phương Đông làm giàu kho tàng văn hoá phương Tây. Nhưng thực tế lại tìm thấy sức mạnh văn hoá phương Tây kết hợp với truyền thống văn hoá phương Đông, tạo nên bản sắc văn hoá mới ngay trên đất nước Việt Nam".

Kiến trúc Đông Dương không đơn thuần là pha trộn ngẫu hứng. Nó là sự nghiên cứu kỹ lưỡng, kết hợp kỹ thuật phương Tây với mỹ thuật, khí hậu Á Đông như: làm mái dốc để thoát nước mùa mưa; mở cửa sổ lớn để đón gió; dùng gạch thông gió để làm mát tự nhiên. Tất cả mang tinh thần của phương Đông, từ đường nét, hoa văn, đến tỷ lệ không gian.

Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Trương Quý cho rằng: "Công trình không phải một lâu đài kiểu Tây, hay một công trình phóng to của một đình làng, ngôi chùa nào lên. Đây là một loại ngôn ngữ kết hợp với nhau làm gần gũi con người, thuyết phục người bản địa chấp nhận đó là một công trình của họ".

Ở Hà Nội, những công trình kiến trúc Đông Dương không chỉ là di sản kiến trúc đô thị, chúng từng là biểu tượng một thời của thành phố từng mang tên Viên ngọc Đông Dương. Từ những con phố trung tâm đến các công sở, trường học, bệnh viện… kiến trúc Đông Dương hiện diện lặng lẽ mà bền bỉ.

"Công trình bảo tàng lịch sử cũng có những tình cảm của người phương Tây khi đến phương Đông, có rất nhiều những yếu tố phương Đông lấn át đi cấu trúc của phương Tây, tạo ra một tác phẩm thấm đẫm kiến trúc văn hoá - lịch sử Đông Tây nhuần nhuyễn", Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ thêm.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn đánh giá, kiến trúc Đông Dương đã để lại dấu ấn sâu đậm đến tận ngày nay. Ra đời ở giai đoạn bản lề của sự giao thoa văn hoá Đông - Tây, thời điểm vàng để kiến trúc và mỹ thuật, thiết kế tạo ra phong cách giữ được trọn vẹn giá trị của lịch sử.

Đại học Đông Dương, được xây dựng năm 1926, là trường đại học đầu tiên ở Đông Dương. Công trình có cấu trúc đối xứng, mặt đứng đơn giản nhưng mạnh mẽ. Điểm nhấn là những hành lang mái vòm cao, cửa sổ lớn mở ra đón gió, hành lang dài. Mái ngói dốc, cửa gỗ nâu sậm, hàng cột vững chãi vừa mang tinh thần cổ điển châu Âu, vừa dung hòa với khí hậu nhiệt đới Á Đông.

Trải qua trăm năm, nhiều công trình Đông Dương ở Hà Nội đã xuống cấp, biến đổi công năng, thậm chí biến mất. Giữa tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, những di sản ấy đứng trước câu hỏi: giữ lại thế nào, cho ai, và vì điều gì?

Gìn giữ bảo tồn kiến trúc Đông Dương không chỉ là giữ hình thức. Mà là giữ một tinh thần tái thiết kiến trúc của đô thị Hà Nội, một mạch cảm hứng tiếp biến văn hóa, là nhân chứng của lịch sử, là ký ức của đô thị Hà Nội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Triển lãm chuyên đề ngành gốm sứ - sơn son thếp vàng năm 2025 giới thiệu trên 320 mẫu sản phẩm sáng tạo và độc đáo từ các nghệ nhân, nhà thiết kế trẻ của Hà Nội.

Doodle art (nghệ thuật Doodle) đã vươn mình từ những nét “nguệch ngoạc” thành phong cách nghệ thuật độc đáo, được ưa chuộng bởi cả người mới lẫn các họa sĩ chuyên nghiệp.

Tạp chí Người Hà Nội tối 16/6 đã tổ chức Lễ tổng kết, trao giải và công diễn Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Nghề báo - Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025”.

Dự án "Bước chân trở về - Vì một màu xanh Việt Nam" nhằm bảo vệ môi trường thiên nhiên và kết nối những người con xa xứ với quê hương thông qua âm nhạc và các loại hình nghệ thuật.

“Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025” có gần 300 tác phẩm tham gia, góp phần lan tỏa hình tượng người làm báo qua văn học nghệ thuật.

Lễ trao giải cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về "Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025" diễn ra vào tối 16/6 tại Hà Nội.