Điện đàm Nga - Mỹ: Lời mở đầu của hòa bình

Dư luận quốc tế kỳ vọng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ ngày 18/3 sẽ là bước khởi đầu cho nỗ lực chấm dứt hơn ba năm chiến sự tại Ukraine.

Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức hồi tháng 1. Cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều đánh giá đây là một cuộc trao đổi tích cực, mang lại những bước tiến quan trọng tiến trình hòa bình. Trong khi đó, dư luận quốc tế kỳ vọng đây là bước khởi đầu cho nỗ lực chấm dứt hơn ba năm chiến sự tại Ukraine.

Theo thông tin từ hãng thông tấn RIA Novosti (Nga) và kênh CNN (Mỹ), nội dung quan trọng nhất của cuộc điện đàm là Nga đồng ý tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong vòng 30 ngày. Đây là đề xuất từ Tổng thống Trump và nhận được phản hồi tích cực từ phía Tổng thống Putin.

Dù chưa đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện, nhưng Nhà Trắng cho biết, hai bên cũng nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán kỹ thuật để thực hiện lệnh ngừng bắn trên Biển Đen.

Một kết quả quan trọng khác là Nga và Ukraine sẽ tiến hành trao đổi tù binh, với 175 tù binh từ mỗi phía. Ngoài ra, Moscow sẽ trao trả 23 quân nhân Ukraine bị thương nặng như một cử chỉ thiện chí. Bên cạnh đó, hai bên cũng đồng ý thành lập nhóm chuyên gia để tìm kiếm giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Mặc dù có những tiến triển tích cực, song vẫn còn những bất đồng đáng kể. Nga tiếp tục yêu cầu chấm dứt viện trợ quân sự nước ngoài và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine, trong khi Mỹ không đề cập đến vấn đề này trong tuyên bố chính thức. Ngoài ra, các bên vẫn chưa bàn đến nhượng bộ lãnh thổ, dù trước đó ông Trump từng đề cập đến khả năng đàm phán liên quan đến một số khu vực.

Bên cạnh vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về quan hệ song phương, trong đó Tổng thống Trump nhấn mạnh tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước sau khi chiến sự kết thúc, đặc biệt trong lĩnh vực tài nguyên và kim loại đất hiếm. Cả hai cũng trao đổi về tình hình Trung Đông và khu vực Biển Đỏ.

Phản ứng sau cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Nga - Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, Kiev sẽ tuân theo đề xuất của Mỹ về việc chấm dứt các cuộc tấn công vào hạ tầng năng lượng của Nga nhưng mọi chi tiết thỏa thuận cần được công khai.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: “Chúng tôi ủng hộ mọi bước đi hướng đến mục tiêu chấm dứt xung đột. Nhưng để ủng hộ, chúng tôi cần hiểu rõ điều đó sẽ được thực hiện như thế nào”.

Về phản ứng quốc tế, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, cuộc điện đàm Mỹ - Nga đang đi đúng hướng. Ông nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn rõ ràng, với mức độ cam kết cao và kèm theo những đảm bảo thực tế.

Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Anh hoan nghênh kết quả cuộc trao đổi giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump, còn Thủ tướng Đức kỳ vọng việc chấm dứt các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng có thể là bước khởi đầu cho một nền hòa bình bền vững.

Dù cuộc điện đàm được xem là một tín hiệu tích cực, giới chuyên gia vẫn bày tỏ quan điểm thận trọng, cho rằng việc ngừng bắn vào cơ sở hạ tầng năng lượng không đồng nghĩa với việc chấm dứt giao tranh ở tiền tuyến.

Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế cho rằng: “Điểm đáng mừng là các bên đã đối thoại trong một cuộc thảo luận kéo dài mà không có dấu hiệu căng thẳng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là lệnh ngừng bắn 30 ngày vẫn chưa được thực hiện, dù trước đó nó đã được đưa ra thảo luận và Ukraine đã đồng ý. Hiện tại, thỏa thuận chỉ giới hạn ở các mục tiêu năng lượng và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, hai bên đang xem xét khả năng đình chiến trên Biển Đen - đây có thể là tiền đề cho một lệnh ngừng bắn dài hạn hơn. Tuy nhiên, trên thực địa, giao tranh có thể vẫn tiếp diễn”.

Về kết quả điện đàm Nga - Mỹ, một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Putin đã giành được thắng lợi về mặt chiến thuật. Nga dường như không nhượng bộ đáng kể trong các mục tiêu quân sự nhưng vẫn duy trì quan hệ ổn định với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lệnh ngừng bắn đối với các mục tiêu năng lượng, trên lý thuyết nhằm giúp Ukraine củng cố hệ thống điện vốn bị Nga tấn công suốt nhiều năm, nhưng thực tế cũng mang lại lợi ích cho Điện Kremlin. Bên cạnh đó, với việc mùa hè sắp đến và nhu cầu sưởi ấm của Ukraine không còn quá cấp thiết, việc Nga ngừng tấn công có thể chỉ là bước đi chiến thuật, không phải nhượng bộ thực sự.

Nhà Trắng cho biết, Mỹ và Nga sẽ tiếp tục đàm phán để mở rộng lệnh ngừng bắn. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 23/3 tại Jeddah, Ả rập Xê út, với nội dung sẽ xoay quanh khả năng đình chiến trên Biển Đen và tiến tới một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Hiện chưa rõ Ukraine có tham gia đàm phán hay không. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn trên Biển Đen, nếu được thực thi, có thể giúp giảm áp lực đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và giảm nguy cơ đối đầu quân sự trên biển.

Trong khi đó, bình luận về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, ông Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs nhận định, điểm đáng chú ý nhất ở sự kiện này là các cuộc đàm phán thực chất đã quay trở lại. Trong nhiều năm, ngoại giao quốc tế chủ yếu xoay quanh những tuyên bố đơn phương, trong đó các bên đưa ra yêu cầu mà không có sự nhượng bộ.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cho thấy một sự thay đổi quan trọng: Washington và Moscow đang đối thoại trên cơ sở bình đẳng, cùng tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán thực chất. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình đang dần trở nên khả thi - bởi vì lần đầu tiên, những cuộc thảo luận nghiêm túc đã thực sự diễn ra.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định tầm quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với châu Âu, đồng thời nhấn mạnh liên minh này sẽ không "mạnh mẽ" nếu thiếu sự tham gia của Washington.

Iran và Pháp cùng phát đi tín hiệu sẵn sàng nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân, trong bối cảnh Mỹ và Iran chuẩn bị bước vào vòng thương lượng gián tiếp tại Oman vào ngày 26/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch công bố một thỏa thuận vũ khí trị giá hơn 100 tỷ USD với Saudi Arabia trong chuyến thăm vào tháng 5/2025. Đây là một phần trong chiến lược hợp tác quốc phòng dài hạn giữa hai quốc gia.

Với cáo buộc phía Pakistan có liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý xảy ra ngày 22/4 vừa qua, Ấn Độ đã quyết định hạ thấp cấp độ quan hệ ngoại giao chính thức với Pakistan, trục xuất 25 trong tổng số 55 nhân viên ngoại giao và lãnh sự của Pakistan ở Ấn Độ.

Hơn bao giờ hết, vấn đề thương mại quốc tế trở nên đầy kịch tính khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trở lại chính trường. Ông nhanh chóng ban hành hàng loạt sắc lệnh quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng, nhờ sự hậu thuẫn của cử tri cộng thêm kinh nghiệm tích lũy từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Những quyết định liên quan đến thuế đối ứng không những gây sốc, gây biến động thị trường Mỹ mà còn tạo ra các phản ứng khác nhau từ các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra vào sáng thứ Năm (giờ địa phương) tại trường ngữ pháp Notre-Dame de Toutes-Aides ở thành phố Nantes, miền Tây Pháp. Vụ việc đã khiến một bé gái thiệt mạng và ba học sinh khác bị thương nặng.