Du khách mệt nhoài khi du lịch châu Âu vì nắng nóng

Nhiệt độ tại nhiều quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục chạm các mốc cao kỷ lục, nắng nóng và cháy rừng đang hoành hành nhiều nơi khiến du khách mệt nhoài.

Du khách tới châu Âu mệt nhoài vì nắng nóng

Thủ đô Rome của Italia nằm trong top những thành phố đẹp nhất thế giới và là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất tại Italia. Mùa hè năm nay, để có thể đến thăm những di tích nổi tiếng nhất của thành phố vĩnh cửu khi nhiệt độ tới 40 độ C, có hai thứ du khách cần chuẩn bị: nước và sự kiên nhẫn.

Hôm nay là một ngày rất nóng và nóng đã như vậy gần như cả tuần. Trên thực tế, hàng ngàn khách du lịch đã dừng chân tại đài phun nước này.

Ông Paolo Nicolosi, người dân thành phố Rome.

Chính quyền thành phố Rome đã phải lắp quạt phun hơi nước ở nhiều địa điểm để hạ nhiệt cho người dân.

Một nhà hàng ở trung tâm Rome, Italia dùng quạt hơi nước làm mát cho khách hàng.

Du khách đến đảo Sicily của Italia cũng mệt nhoài trong oi bức. 17 thành phố, trong đó có Catania và Palermo của Silicy đã phải ban hành cảnh báo đỏ trong nhiều ngày vì nắng nóng.

Đài quan sát Trái đất của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết các quốc gia quanh Địa Trung Hải đã phải chịu đựng thời kỳ nhiệt độ cao khủng khiếp, góp phần gây ra cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển phía bắc châu Phi ở Algeria.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt đám cháy rừng ở Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP.

Sóng nhiệt thiêu đốt nhiều nước vùng Balcan. Ở thủ đô Belgrade của Serbia, người dân và du khách tìm cách trú ẩn trong các quán cà phê, quán giải khát ven hồ hoặc tìm tới đài phun nước.

Cơ quan y tế ban bố cảnh báo thời tiết đỏ, khuyến cáo người dân không nên mạo hiểm ra ngoài. Dịch vụ cấp cứu của Belgrade cho biết các bác sĩ của họ đã can thiệp 109 lần chỉ trong một đêm, chủ yếu điều trị cho những người mắc bệnh tim và bệnh mãn tính.

Ở nước láng giềng Montenegro, khách du lịch thư giãn và bơi lội trên các bãi biển dọc bờ biển Adriatic, bao gồm cả khu nghỉ dưỡng Ada Bojana. Cơ quan y tế Montenegro cảnh báo người dân nên ở trong bóng râm cho đến chiều muộn.

Trẻ em giải nhiệt tránh nóng tại một đài phun nước tại Serbia. Ảnh: THX.

Nhưng mệt mỏi nhất là các khách du lịch trên đảo Kos của Hy Lạp. Hàng trăm du khách đã phải sơ tán đến một sân vận động và các địa điểm khác khi đám cháy rừng xảy ra lan đến ngôi làng ven biển Kardamaina. Sau một đêm phải di dời, họ mới được trở về khách sạn.

Nắng nóng khiến hàng chục đám cháy đã bùng phát trên khắp Hy Lạp, trong đó hai vụ cháy gần thủ đô Athens vào cuối tuần qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch nước này.

Vụ cháy rừng mới bùng phát ở vùng Keratea - cách thủ đô Hy Lạp khoảng 20 km về phía Nam, ngày 30/6 Ảnh: AFP.

Cuộc khủng hoảng khí hậu mà cả thế giới lo ngại sẽ xảy ra sau 10 - 15 năm nữa, thực tế đã bắt đầu xuất hiện ở một số nơi trên thế giới. Các chuyên gia cho biết ngày càng nhiều du khách buộc phải quan tâm đến nhiệt độ nắng nóng của các quốc gia châu Âu để đưa ra quyết định cho kỳ nghỉ.

Theo Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC), sau đợt nắng nóng mùa hè 2023 ở châu Âu, mức độ quan tâm đến các điểm nghỉ dưỡng phía nam Địa Trung Hải giảm sút và du khách quan tâm nhiều hơn đến các địa điểm ít nóng như Cộng hòa Czech, Bulgaria, Đan Mạch. Trong tương lai du khách sẽ ghé thăm Nam Âu vào mùa xuân và thu thay vì những tháng hè nóng bức.

Hy Lạp: Khủng hoảng nước trong mùa du lịch cao điểm

Tại Hy Lạp, du lịch đóng góp gần 41 tỷ USD, chiếm gần 20% nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên nhiều hòn đảo du lịch nổi tiếng của nước này gần đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về nước do thiếu mưa và lượng du khách tăng chóng mặt. Người dân địa phương sôi sục vì thiếu nước sinh hoạt, còn các khách sạn thì loay hoay tìm cách thích ứng.

Đảo Naxos của Hy Lạp là một trong những hòn đảo nổi tiếng nhất ở Biển Aegean. Đây là nơi đất đai màu mỡ nhất trong quần đảo Cycladic và nổi tiếng về các sản phẩm nông nghiệp và sữa. Vào mùa hè, hòn đảo có 20.000 dân đón hàng chục nghìn du khách đổ về bờ biển mỗi ngày, khiến hòn đảo này lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.

Đảo Naxos của Hy Lạp vào mùa hè đón hàng chục nghìn du khách mỗi ngày khiến hòn đảo lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Ảnh: Reuters.

Phần lớn các vùng của Hy Lạp có ít hoặc không có mưa trong nhiều tháng. Vào mùa hè, khi các hòn đảo đón số lượng du khách kỷ lục thì gánh nặng đối với mạng lưới cung cấp nước sinh hoạt càng trở nên nặng nề hơn. Khi hồ chứa lớn nhất trên hòn đảo cạn kiệt, nước biển tràn vào các giếng thủy lợi khiến các doanh nghiệp du lịch và nông dân lo ngại.

Chủ khách sạn Vangelis Katsaras cho biết đã xảy ra vấn đề thiếu nước trong những năm qua, nhưng năm nay tình trạng nghiêm trọng buộc ông phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước và tận dụng giếng nước cổ của gia đình để cung cấp nước cho hồ bơi và khu vườn.

Trong những năm qua, chúng tôi đã quan tâm đến việc tiết kiệm nước bằng nhiều phương pháp khác nhau, với hệ thống tưới cây, hệ thống tiết kiệm nước trong phòng tắm và nhà vệ sinh. Nói cách khác, chúng tôi đã thực hiện mọi cách để giảm việc sử dụng nước. 

Ông Vangelis Katsaras, chủ khách sạn trên đảo Naxos.

Hai hồ chứa nước chính ở đảo Naxos hiện nay chỉ còn 1/3 lượng nước so với năm ngoái. Thị trưởng Naxos, ông Dimitris Lianos cho biết lượng nước thiếu hụt ở hai hồ chứa vào năm 2024 là khoảng 650.000 mét khối.

Các nhà chức trách đã phải thuê ba đơn vị khử muối di động để xử lý nước biển thành nước uống an toàn và sẽ tìm cách bù đắp sự thiếu hụt cho nhà ở, khách sạn và hồ bơi.

Hòn đảo không chỉ nổi tiếng với cảnh quan mà còn được du khách biết đến với các sản phẩm nông nghiệp. Nhưng thiếu mưa, nhiều nguồn nước bị nhiễm mặn, cộng với số lượng du khách đông đúc đang khiến sản lượng phô mai và khoai tây của đảo giảm hơn một nửa trong năm nay.

Đập thủy lợi Eggares trên đảo Naxos, Hy Lạp. Ảnh: Reuters.

Xa hơn về phía nam, trên đảo Karpathos, chính quyền đã áp đặt các hạn chế đối với việc cung cấp nước cho các bể bơi, trong khi ở đảo Thasos phía bắc, các quan chức đang tìm kiếm một đơn vị khử muối biến nước biển thành nước uống.

Không chỉ Hy Lạp mà nhiều quốc gia Địa Trung Hải, trong đó có Tây Ban Nha, Italia cũng đang nỗ lực tìm cách tăng cường trữ lượng nước thông qua quá trình khử muối. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các thiết bị do nhu cầu tăng vọt và những thách thức về hậu cần đã làm phức tạp thêm tình hình này.

Tây Ban Nha: tuần hành phản đối du lịch đại chúng

Mùa du lịch năm nay tại châu Âu nóng hơn bao giờ hết bởi phong trào phản đối du lịch quá mức. Cho dù du lịch mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế địa phương, các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng, nhưng việc quá tải du lịch diễn ra thường xuyên và quanh năm cũng đi kèm với những vấn đề như chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tiếng ồn, ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và căng thẳng về tài nguyên.

Nhiều cuộc tuần hành phản đối du lịch đại chúng đã lan ra các thành phố vốn được ví như thỏi nam châm thu hút khách du lịch như Barcelona hay Magala của Tây Ban Nha.

Nhiều cuộc tuần hành phản đối du lịch đại chúng đã lan ra các thành phố. Ảnh: Jordi Borràs.

Hàng nghìn người dân Tây Ban Nha đã tuần hành tại Trung tâm Barcelona để phản đối hoạt động du lịch đại chúng ở thành phố. Những người biểu tình mang theo những tấm biển ghi “Barcelona không phải để bán” và “Du khách hãy về nhà”.

Số liệu từ chính quyền Tây Ban Nha cho thấy gần 26 triệu du khách đã chi gần 14 tỷ USD nghỉ đêm ở Barcelona năm 2023. Lượng khách đến ngày càng đông khiến đường phố càng ồn ào; chi phí cho nhà ở, thực phẩm, đồ thiết yếu, giá nhân công trở nên đắt đỏ.

Trong 10 năm qua, giá thuê nhà ở Barcelona tăng 68%, giá mua nhà tăng 38%. Trang web bất động sản Idealista mới đây cho biết giá nhà đã tăng 18% trong tháng 6 so với một năm trước đó tại các thành phố du lịch như Barcelona và Madrid.

Tôi có mặt ở đây vì hai lý do. Thứ nhất là chống lại mô hình kinh tế dựa trên du lịch đại chúng vì mô hình này khiến chúng ta nghèo hơn và phụ thuộc hơn. Thứ hai, nó làm giá nhà ở tăng lên. Đây là vấn đề đáng báo động và đáng lo ngại đối với người dân.

Bà Nuria Suarez, người tuần hành.

Để ngăn chặn tình trạng quá tải, Barcelona đã áp dụng hai biện pháp mới nhất là tăng thuế du lịch hàng đêm, tính vào tiền thuê phòng lên 4 euro và hạn chế lượng khách đi tàu du lịch nhập cảnh.

Cuối tháng 6, Barcelona cũng tuyên bố dừng cấp phép cho các căn hộ được đón khách du lịch lưu trú từ năm 2028. Động thái này cũng nhằm điều chỉnh giá cả nhà ở tại địa phương, giúp bình ổn giá thuê nhà cho những người sống lâu dài trong thành phố.

Hàng nghìn người biểu tình ở quần đảo Balearic ngày 25/5. Ảnh: Reuters.

Trước đó, tại thành phố cổ Magala, nơi được mệnh danh là thiên đường biển, hàng trăm cư dân đã tuần hành với khẩu hiệu '"Malaga để sống chứ không phải để tồn tại”. Họ phản đối hoạt động du lịch đại chúng và yêu cầu chính quyền bảo vệ người dân.

Theo tờ The Local Spain, năm 2023, 14 triệu khách du lịch cả trong và ngoài nước đã đến thăm Malaga. Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho biết 8/10 cư dân mới chuyển đến Malaga hiện là người nước ngoài. Thực tế này khiến người dân địa phương ở Malaga chợt thức tỉnh. Họ tin rằng mình đang phải trả cái giá quá đắt và bị xua khỏi chính thành phố quê hương mình.

Các thành phố lớn khác ở châu Âu như Roma, Amsterdam cũng phải đối mặt với lượng du khách khổng lồ. Để “hạ nhiệt” làn sóng này, chính quyền các thành phố này đang tìm cách dung hòa lợi ích của người dân địa phương và khu vực sinh lợi từ du lịch.

Nhiều nước đã áp dụng biện pháp hạn chế du khách, đánh thuế du lịch, thu vé vào cửa, hạn chế tàu du lịch và chấm dứt chi tiêu công cho quảng bá du lịch.

Du khách đổ về Bắc Âu tránh nắng

Xu hướng du lịch ở lục địa châu Âu có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu và tác động của điều này thể hiện rõ trong đợt nắng nóng gần đây, làm thay đổi bản đồ du lịch ở các quốc gia trong lục địa, nơi lượng đặt chỗ du lịch giảm ở khu Nam Âu và tăng bất thường ở vùng Bắc Âu.

Nhiều quốc gia Bắc Âu như Na Uy và Thụy Điển hiện đang tận dụng cơ hội này để thu hút du khách đến với vùng khí hậu ôn hòa của họ. Nhiều khách du lịch chọn đến vùng Bắc Âu “để trốn tránh cái nóng”.

Theo thống kê chính thức năm 2023, số lượt du khách nước ngoài lưu trú qua đêm ở Na Uy đã tăng 22% và tại Thụy Điển là 11%. Nguyên nhân chủ yếu là do việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 vào năm 2022 và sự sụt giảm của đồng nội tệ của các nước này.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát ở Đức dành cho tổ chức du lịch Visit Thụy Điển cho kết quả, cứ năm người được hỏi thì có hai người muốn thay đổi thói quen du lịch do nắng nóng gay gắt ở Nam Âu. Họ sẽ thay đổi cách chọn mùa du lịch khác hoặc những điểm đến mát mẻ hơn.

Nhiều khách du lịch chọn đến vùng Bắc Âu “để trốn tránh cái nóng”. Ảnh: CNN.

Đối với một số người, những bãi biển Địa Trung Hải đông đúc và các đợt nắng nóng gây ra cháy rừng khiến họ băn khoăn. Ngày nay, nhiều người thích ngâm mình trong hồ hoặc vịnh hẹp ở Bắc Âu, hít thở không khí trong lành trong chuyến leo núi hơn là phơi mình trong nắng gắt.

Theo các chuyên gia khí hậu của Liên hợp quốc, tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng cực độ cũng như thời gian kéo dài của chúng chắc chắn đã tăng lên kể từ năm 1950 và sẽ tiếp tục lên dốc cùng với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Đến năm 2050, một nửa dân số châu Âu có thể phải đối mặt với nguy cơ sốc nhiệt vào mùa hè, với số ca tử vong liên quan đến nhiệt có khả năng tăng gấp đôi hoặc gấp ba nếu nhiệt độ tăng từ 1,5 độ C đến 3 độ C. Vì vậy, bảo vệ hành tinh sẽ giảm những tác động tiêu cực tới ngành du lịch.

Nắng nóng kỷ lục, thiếu nước sinh hoạt, giá cả đắt đỏ và tình trạng huyên náo trên các đường phố là cảnh tượng không mấy dễ chịu đối với du lịch châu Âu năm nay. Theo các chuyên gia, chìa khóa cho tương lai của du lịch là du lịch tái tạo nhằm mục đích thúc đẩy cách làm du lịch bền vững hơn, đảm bảo di sản văn hóa, truyền thống địa phương và môi trường được bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hàn Quốc - một trong những nền dân chủ ổn định nhất châu Á, đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có. Liệu quốc gia này có thể nhanh chóng vượt qua được hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Năm 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP thế giới đạt 3,2%, tương đồng với dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Thách thức dự kiến sẽ vẫn tồn tại trong năm 2025, với hai sự kiện toàn cầu quan trọng đóng vai trò then chốt: nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Trump và quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Cùng nhìn lại những khoảnh khắc ấn tượng của thế giới năm 2024, một trạng huống bất định, đối lập và xung đột tại nhiều khu vực; những lát cắt của các sự kiện diễn ra trên toàn cầu năm 2024 qua ống kính các nhà báo.

Thảm họa hàng không tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Hàn Quốc vừa xảy ra hôm 29/12. Máy bay phản lực Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air chở 175 hành khách và sáu thành viên phi hành đoàn khởi hành từ Bangkok, Thái Lan đã phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay ở quận Muan. Do càng máy bay trục trặc nên máy bay không thể dừng lại mà đâm vào bức tường ở cuối đường băng. Chỉ có hai người may mắn sống sót, 179 người thiệt mạng.

Nga và Ukraine đều tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt vũ khí “khủng” nhất, nhằm đáp trả lẫn nhau khiến cuộc xung đột cứ leo thang từng ngày.

Sự phát triển của khoa học trí tuệ nhân tạo đang góp phần to lớn trong trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Những robot AI trợ giúp giảng dạy hay robot trợ giúp người khuyết tật ngày càng được hoàn thiện mang đến những trải nghiệm tích cực cho con người.