Đức đứng trước nguy cơ bất ổn do chia rẽ chính trị
Bất ổn chính trị ở Đức
Liên minh cầm quyền tại Đức đã chính thức tan vỡ, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính do bất đồng quan điểm về quản trị ngân sách. Việc liên minh cầm quyền Đức tan rã là sự kiện “chấn động” với châu Âu, nhưng thực chất là “giọt nước tràn ly” sau những tranh cãi dai dẳng trong nội bộ Berlin. Những diễn biến này cũng là dấu hiệu cho thấy chính trường Đức đang bước vào giai đoạn bất ổn, kéo theo nhiều rủi ro với chính nước Đức và với châu Âu.
Quan điểm xây dựng ngân sách cho năm 2025 quá khác biệt là nguyên nhân khiến liên minh cầm quyền gồm ba đảng tại Đức tan vỡ. Đảng Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz muốn dùng 15 tỷ Euro công quỹ hỗ trợ công nghiệp Đức vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính – lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do lại muốn giảm thuế cho doanh nghiệp, đồng thời cắt giảm phúc lợi xã hội. Mâu thuẫn âm ỉ đã diễn ra từ vài tháng nay.
Chúng ta cần một chính phủ hiệu quả, có đủ sức mạnh để đưa ra những quyết định cần thiết. Đó là điều tôi trăn trở suốt ba năm qua và đó vẫn điều quan trọng đối với tôi trong lúc này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Trong một động thái đánh dấu căng thẳng lên đến đỉnh điểm, Thủ tướng Olaf Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, cáo buộc Bộ trưởng này đặt Đảng Dân chủ tự do lên trên đất nước và ngăn cản luật pháp với lý do sai trái. Sau khi ông Christian Lindner bị bãi nhiệm, các Bộ trưởng từ Đảng Dân chủ tự do cũng đồng loạt từ chức, Đảng Dân chủ tự do rời bỏ chính phủ.
Ông Olaf Scholz hiện tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng của một liên minh giữa Đảng Xã hội trung tả và Đảng Xanh - một liên minh còn thiếu tới 42 ghế Quốc hội mới đủ đa số, chuyện chưa từng có ở Đức từ 40 năm nay.
Nếu bầu cử sớm, nước Đức có thể sẽ có một chính phủ mới do Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu dẫn dắt. Nhưng bầu cử sớm cũng sẽ có lợi cho Đảng Dân túy cánh tả và cả Đảng Cực hữu. Điều đó sẽ có tác động bất lợi cho vị thế của nước Đức trong Liên minh châu Âu.
Bà Jassmin Riedl - Giáo sư chính trị học tại Đại học Munich, Đức.
Nhận định về vấn đề này, nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin cho biết thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm. Xem xét đến quy định thông thường cần thiết để thành lập một chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Puglieri dự đoán rằng Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau.
Theo Hiến pháp Đức, quyết định tổ chức bầu cử liên bang sớm không thể do các thành viên Quốc hội, hay Thủ tướng đưa ra. Việc giải tán Quốc hội sớm chỉ có thể xảy ra theo một trong hai cách. Trong trường hợp đầu tiên, nếu một ứng cử viên Thủ tướng không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội - tức ít nhất 367 ghế trong Hạ viện gồm 733 ghế - thì Tổng thống Đức có thể giải tán Quốc hội. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Đức. Trong trường hợp thứ hai, Thủ tướng có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội để xác nhận liệu có còn nhận được đủ sự ủng hộ của Quốc hội hay không. Nếu Thủ tướng không giành được đa số thì có thể chính thức yêu cầu Tổng thống giải tán Quốc hội trong vòng 21 ngày.
Sau khi giải tán Quốc hội, cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày và quy trình tổ chức giống như các cuộc tổng tuyển cử thông thường. Cho đến nay, ba cuộc bầu cử Quốc hội sớm đã được tổ chức tại Đức, vào các năm 1972, 1983 và 2005.
Trước sự sụp đổ của chính phủ, người đứng đầu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo đã kêu gọi Chính phủ Đức cần tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần tới, thay vì vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự trỗi dậy của cả các Đảng Dân túy cánh tả và cánh hữu ở Đức cũng như ở những nơi khác ở châu Âu cho thấy ngay cả một cuộc bầu cử mới cũng không dễ dàng tạo ra một liên minh mới có tính thống nhất với đa số phiếu rõ ràng. Nếu các cuộc đàm phán liên minh kéo dài, có thể đến tận đầu tháng 6, tiến trình ra quyết định của Đức sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế và an ninh đang diễn ra.
Bế tắc chính trị tại Đức cũng là một dấu hiệu xấu với Liên minh châu Âu (EU), đe dọa làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Berlin trong khối và có nguy cơ làm chậm lại các sáng kiến kinh tế và quốc phòng quan trọng.
Các đối tác của Đức trong EU cũng như trong NATO không nên mong đợi nhiều từ Đức trong ít nhất là những tháng tới. Chúng ta sẽ không thấy vai trò chủ động của Đức khi nói đến một số vấn đề chính sách hoặc vấn đề Ukraine. Đức là một nhân tố chủ chốt trong EU. Nếu nhân tố lớn này bị suy yếu, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình xây dựng EU.
Ông Stefan Marschall, nhà phân tích chính trị.
Nhiều nước châu Âu đang theo dõi chặt chẽ diễn biến chính trị tại Đức, đồng thời bày tỏ hy vọng Berlin sớm ổn định liên minh cầm quyền. Tổng thống Đức Frank - Walter Steinmeier tuyên bố đang xem xét kế hoạch giải tán Quốc hội để mở đường cho các cuộc bầu cử mới.
Kinh tế Đức trước ngưỡng cửa suy thoái
Cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra vào đúng thời điểm Đức đang phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ, cơ sở hạ tầng xuống cấp. Từng là cường quốc sản xuất của châu Âu nhưng Đức đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua, nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 0,2%, so với mức tăng trưởng 4,6% ở 20 quốc gia sử dụng đồng Euro, 4,1% ở Pháp và 5,5% ở Italy. Tình hình được dự báo sẽ càng trở nên căng thẳng sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và các căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến ngày 4/11/2024, Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người hơn 55.000 USD, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Đức đã tránh được suy thoái kỹ thuật một cách bất ngờ và trong gang tấc trong quý III/2024, với dữ liệu sơ bộ cho thấy GDP của nước này tăng 0,2% sau khi giảm 0,3% trong quý trước. Dù tránh được suy thoái, nhưng bức tranh kinh tế Đức vẫn ảm đạm.
Báo cáo của Viện Kinh tế Đức cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đức đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ, trong đó khoảng 90 tỷ Euro đầu tư nước ngoài của các công ty Đức đã chuyển hướng sang các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác, đặc biệt là Pháp. Việc đẩy nhanh dòng vốn chảy ra và thu hẹp dòng vốn chảy vào đang làm xấu đi bức tranh kinh doanh của Đức, đồng thời làm suy yếu sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Không chỉ đối mặt với thách thức trong nước, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ đang làm dấy lên lo ngại về hàng rào thuế quan đối với các nhà sản xuất châu Âu. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất mức thuế 20% đối với hàng hóa châu Âu. Theo một báo cáo của Viện Kinh tế Đức, mức thuế này có thể khiến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức giảm tới 1,5% trong năm 2027 và 2028. Trong đó, ô tô và hóa chất là hai trong số những ngành dễ bị ảnh hưởng nhất.
Bên cạnh đó, Đức còn đối diện với căng thẳng leo thang giữa châu Âu và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Đức, khi hai bên áp thuế trả đũa nhau. Các nhà sản xuất ô tô đang trở thành một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bất ổn địa chính trị.
Sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp lớn ở châu Âu và đặc biệt là ở Đức. Chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì Audi, Mercedes Benz, Porsche đặt tại Đức và họ xuất khẩu toàn bộ sang Trung Quốc. Vẫn còn nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra và tôi vẫn lạc quan tin tưởng rằng chúng ta sẽ tìm được một giải pháp tốt cho cả hai bên, cả các hãng xe Trung Quốc hoạt động tại châu Âu và cho các hãng xe châu Âu hoạt động tại Trung Quốc.
Ông Christian Ach, Giám đốc điều hành BMW Group Sales tại Đức.
Các số liệu thống kế cho thấy lợi nhuận của các công ty Đức trong quý III có thể giảm 2,8%, thấp hơn so với các đối thủ ở Tây Ban Nha và Anh, trong khi các công ty châu Âu khác dự báo sẽ tăng trưởng hơn 8%. Dù tình hình chính trị hiện tại khá u ám, một số chuyên gia vẫn nuôi hy vọng về cơ hội để Đức vượt qua khủng hoảng và trở lại con đường phát triển.
Volkswagen – Biểu tượng của ô tô Đức lâm nguy
Không có ngành công nghiệp nào quan trọng đối với nền kinh tế Đức hơn ngành ô tô; và cũng không có nhà sản xuất ô tô nào ở Đức quan trọng hơn Volkswagen. Volkswagen từ lâu được biết đến như một ngọn hải đăng về kỹ thuật và sản xuất của Đức, góp phần tạo nên phép màu kinh tế Đức sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở Volkswagen là một bằng chứng rõ ràng cho những khó khăn đang bao trùm nền kinh tế Đức. Lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm, Volkswagen có thể sẽ phải đóng cửa các nhà máy ở quê nhà và sa thải hàng nghìn nhân sự trong bối cảnh lợi nhuận giảm mạnh. Vậy lối ra nào cho Volkswagen nói riêng và kinh tế Đức nói chung?
Có trụ sở tại Wolfsburg ở miền Bắc nước Đức, Volkswagen được thành lập vào năm 1937, đã tạo ra mẫu xe Beetle mang tính biểu tượng và xe buýt Volkswagen giúp mọi người di chuyển khắp thế giới. Ngày nay, Tập đoàn Volkswagen bao gồm 10 thương hiệu như Audi, Bentley, Porsche và Skoda, cùng nhiều thương hiệu khác. Theo doanh số bán hàng, đây là nhà sản xuất xe lớn nhất thế giới từ năm 2016 đến năm 2019. Hiện tại, đây vẫn là nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu. Volkswagen có 114 cơ sở sản xuất và 684.000 nhân viên trên toàn thế giới. Nhiều hoạt động sản xuất địa phương phụ thuộc vào Volkswagen, đồng thời là nhà tuyển dụng lao động lớn nhất đất nước. Sự chậm lại của Volkswagen sẽ có tác động lan tỏa đến các nhà cung cấp, đại lý và cả mức độ tiêu dùng.
Trong một báo cáo mới đây, Volkswagen cho biết lợi nhuận 9 tháng đầu năm của công ty giảm 21% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 12,9 tỷ Euro (14 tỷ USD), chủ yếu do kết quả kinh doanh yếu kém của nhãn hàng chủ chốt và chi phí tái cấu trúc. Doanh số ô tô của công ty giảm 4% so nhu cầu giảm mạnh ở Trung Quốc – nơi hãng đang đánh mất thị phần vào tay các công ty xe điện nội địa.
Tình hình khó khăn hiện tại của Volkswagen là kết quả tích tụ của nhiều năm, có thể bắt nguồn từ vụ gian lận khí thải xe chạy bằng dầu diesel cách đây hơn 10 năm. Vào thời điểm đó, Volkswagen đã phải đối mặt với các vấn đề tái cấu trúc nghiêm trọng. Môi trường kinh doanh hiện tại của Đức, liên quan đến chi phí năng lượng tăng cao và nhiều loại thuế khác nhau, đang gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất và vận hành của Volkswagen.
Ông Michael Bose, Hiệp hội ô tô Berlin, Đức.
Nhằm ứng phó với khó khăn, Volkswagen cho biết sẽ phải giảm 10% lương của nhân viên để bảo vệ việc làm cho họ cũng như tương lai của công ty. Ngoài ra, tập đoàn này cũng tổ chức các vòng đàm phán với liên đoàn lao động và đại diện doanh nghiệp để sa thải lao động và đóng cửa các nhà máy tại Đức dự kiến diễn ra ngày 21/11 tới. Theo các dự báo, có thể xảy ra các cuộc đình công từ ngày 1/12 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Khó khăn của Volkswagen được cho là sẽ lan ra khắp ngành công nghiệp ô tô, cũng là ngành đóng góp lớn nhất cho GDP của Đức và sử dụng gần 800.000 lao động.
Trước viễn cảnh này, các chính trị gia Đức đang cân nhắc can thiệp để hỗ trợ Volkswagen, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt. Berlin tuyên bố sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể cho ngành công nghiệp Đức để đảm bảo không tụt dốc, trong đó có thể bao gồm một gói biện pháp toàn diện, từ trợ cấp đến giảm thuế và giá phí sạc cho xe điện để tăng tính cạnh tranh cho xe ô tô Đức.
Sau nhiều thập kỷ tương đối ổn định, nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cả về chính trị và kinh tế. Liệu Berlin có chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng cực hữu với quan điểm bài nhập cư trong cuộc bầu cử sắp tới hay không? Liệu nền kinh tế đầu tàu châu Âu có đủ sức mạnh để vượt qua chông gai và vươn lên như cách đây hơn 70 năm hay không? Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, và môi trường kinh tế có nhiều thay đổi, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách Đức cần đầu tư và cải cách để phát triển đất nước, thích ứng với tình hình mới.
Chỉ một ngày sau khi chính quyền Bashar Al Assad bị lật đổ, Thủ tướng Mohammed al-Jalali đã đồng ý trao quyền lực cho "chính phủ cứu nguy" do lực lượng đối lập lãnh đạo. Một số nhà phân tích cho rằng việc chấm dứt nội chiến sẽ mở ra một chương mới tốt đẹp hơn cho người dân Syria, tuy nhiên, trước mắt chính quyền mới của Syria sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.
Căng thẳng dọc biên giới Israel và Syria đã bất ngờ thu hút chú ý của dư luận quốc tế, khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tiếp tục kiểm soát Cao nguyên Golan, khu vực lãnh thổ được Liên hợp quốc xác định là thuộc về Syria.
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dẫn các nguồn tin cho biết lực lượng Hamas đã nhất trí về nguyên tắc với đề xuất của Ai Cập liên quan một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trong tối đa 30 ngày và phóng thích một số con tin Israel.
Cộng hòa Haiti vừa trải qua một trong những vụ thảm sát liên quan đến băng đảng đẫm máu nhất trong lịch sử, khiến khoảng 184 người, chủ yếu là người cao tuổi thiệt mạng. Sự kiện gây chấn động không chỉ đối với người dân Haiti mà cả cộng đồng quốc tế.
Quốc hội Hàn Quốc hôm nay đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết “bắt giữ khẩn cấp” Tổng thống Yoon Suk-yeol và 7 quan chức cấp cao khác liên quan sự kiện thiết quân luật hôm 3/12.
Trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi lực lượng đối lập mở lại các cuộc tấn công quy mô lớn, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sụp đổ chóng vánh.
0