Đừng để có bệnh mới đi khám

Tại Việt Nam, cứ 10 người chết có 8 trường hợp do bệnh không lây nhiễm. Đa phần người bệnh đi khám khi đã ở giai đoạn muộn.

Nguy cơ tử vong cao từ các bệnh không lây nhiễm 

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư.

Ước tính mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Năm 2023, Hà Nội có gần 32.000 ca tử vong, trong đó có đến 60% là số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm.

Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Bệnh tăng huyết áp - "kẻ giết người thầm lặng"

Theo chuyên gia y tế, một trong năm nhóm bệnh không lây nhiễm được coi là “kẻ giết người thầm lặng” là bệnh tăng huyết áp, bởi đa phần người bệnh thường không có triệu chứng, không có dấu hiệu cảnh báo trước hoặc những dấu hiệu thể hiện bệnh tăng huyết áp không có gì khác biệt so với người bình thường.

Việc không biểu hiện triệu chứng làm cho bệnh không được chẩn đoán và điều trị sớm, đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc khi biến chứng đã âm thầm diễn ra mà người bệnh vẫn không hay biết gì.

Các biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, như các biến chứng tim mạch (nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, suy tim…); biến chứng về não (tai biến mạch não bao gồm cả xuất huyết não và nhũn não, bệnh não do tăng huyết áp).

Điều trị các biến chứng thường khó khăn và lâu dài, chi phí rất lớn do phải điều trị dài ngày (hầu như suốt quãng đời còn lại), phải sử dụng thuốc và phương tiện kỹ thuật đắt tiền, ngoài ra còn phải kể đến chi phí gián tiếp do người nhà phải chăm nuôi…

Như vậy, bên cạnh việc ảnh hưởng tới sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống thì thiệt hại về kinh tế do bệnh không lây nhiễm nói chung và các bệnh tim mạch nói riêng, trong đó có tăng huyết áp là rất lớn cho cả bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Các biến chứng của tăng huyết áp thường rất nặng nề, để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh.

Ung thư - nguy cơ tử vong cao

Tại Việt Nam, ước tính có trên 182 nghìn ca mắc mới và gần 123 nghìn ca tử vong do ung thư mỗi năm. Đa số các ca này đến bệnh viện khám khi đã ở giai đoạn muộn, trong khi hoàn toàn có thể điều trị tích cực nếu phát hiện sớm hơn.

Các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tiền liệt tuyến và khoang miệng. Ở nữ giới, các loại ung thư phổ biến nhất là vú, đại trực tràng, phế quản phổi, cổ tử cung, dạ dày, giáp trạng, gan, buồng trứng, hạch và máu.

Nhiều người bệnh ung thư không biết mình bị mắc bệnh. Có một số định kiến sai lệch về bệnh ung thư, phổ biến nhất là mắc bệnh ung thư thì đương nhiên là mang bản án tử hình, nếu có điều trị thì cũng chỉ có thể vớt vát, kéo dài sống thêm một thời gian ngắn. Hệ lụy của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị.

Các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài thời gian sống thêm đáng kể tuỳ loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại bệnh ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng...

Tại Việt Nam, ước tính có trên 182 nghìn ca mắc mới và gần 123 nghìn ca tử vong do ung thư mỗi năm.

Đừng ngại đi khám bệnh

Tỷ lệ người tử vong do các bệnh không lây nhiễm có chiều hướng trẻ hóa, đến 44% là những người dưới 70 tuổi.

Một trong bốn mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025 là nâng cao năng lực, hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện và điều trị các bệnh không lây nhiễm. Ở nước ta đã phân cấp việc khám chữa bệnh, để người dân có thể đến ngay các cơ sở khám bệnh của xã, phường, thị trấn. Các tuyến y tế cơ sở chính là bước đầu giúp sàng lọc và phát hiện sớm bệnh cho người dân.

Thế mạnh khi điều trị ở tuyến cơ sở là theo dõi sát sao tiền sử cũng như diễn tiến bệnh của những người đã tới khám. Từ đó, có các tư vấn đề người bệnh thấy khi nào cần thiết phải lên tuyến trên, vừa đỡ mất thời gian, công sức đi lại, vừa giảm tải cho hệ thống y tế.

Các tuyến y tế cơ sở giúp sàng lọc và phát hiện sớm bệnh cho người dân.

Quốc gia nào chăm kiểm tra sức khỏe định kỳ nhất?

Ở các quốc gia có thu nhập cao, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ là một phần trong hệ thống chăm sóc sức khỏe. Khái niệm về kiểm tra sức khỏe tổng quát đã được thúc đẩy trong nhiều thập kỷ qua ở nhiều quốc gia nhằm xác định các loại bệnh ở giai đoạn có thể can thiệp sớm hiệu quả. Nhờ đó, người dân ở các nước này từ lâu đã hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Theo kết quả khảo sát do Statista Consumer Insights tiến hành năm 2023 về thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ tại nhiều quốc gia, tỷ lệ khám định kỳ ở Hàn Quốc đứng đầu thế giới, chiếm 61%, đứng thứ hai là Brazil với 52%. Ở Đức, khoảng 48% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ở Mỹ, con số này là 44%. Tỷ lệ người dân Vương quốc Anh và Hà Lan đi khám sức khỏe định kỳ chỉ chiếm 28%.  Khảo sát này thực hiện đối với từ 2.000 đến 10.000 người từ 18 đến 64 tuổi ở mỗi quốc gia trong cả năm 2023.

Ở các quốc gia có thu nhập cao, kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ là một phần trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ở Đức, bất kỳ ai có bảo hiểm y tế đều có quyền được khám sàng lọc phòng ngừa. Bên cạnh các dịch vụ phát hiện sớm ung thư, còn có kiểm tra sức khỏe tổng quát, có thể thực hiện một lần từ 18 tuổi trở lên và cứ 3 năm một lần từ 35 tuổi trở lên.

Tại Hàn Quốc, từ năm 1980, chính phủ đã triển khai chương trình sàng lọc sức khỏe trên toàn quốc và mở rộng danh sách bệnh sàng lọc. Theo số liệu ước tính, có khoảng 74,1-78,6% dân số đủ điều kiện tại Hàn Quốc đã tham gia chương trình sàng lọc sức khỏe trong 4 năm từ 2016-2019.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm giảm việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe phòng ngừa tại Hàn Quốc, nhưng tỉ lệ người dân tham gia chương trình khám định kỳ và sàng lọc sức khỏe tổng quát từ năm 2000 đến nay vẫn chiếm hơn 60%.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Việt Nam có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật, cùng 75 loại khoáng vật có công dụng trong y dược, trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm và đặc hữu, nhưng việc khai thác và ứng dụng nguồn dược liệu còn nhiều hạn chế.

Hôm nay 21/12, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ trẻ Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh "Tiếp cận y tế toàn diện - Vì một Việt Nam khỏe mạnh", với sự tham gia của hơn 3.000 thanh niên và người dân Thủ đô.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ 12 năm 2024” do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sáng 20/12.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).

Bốn nạn nhân nặng trong vụ phóng hoả vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ đang tiến triển tốt.

Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện Thanh Nhàn vừa ký kết hợp tác toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.