Đừng mang thứ văn hóa xấu xí tới bảo tàng

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa miễn phí vào đầu tháng 11/2024, thu hút đông đảo khách tham quan. Tuy nhiên, một bộ phận người dân thiếu ý thức đã thể hiện nhiều hành vi xấu xí, phản cảm ở nơi là không gian văn hóa.

Những ngày qua, mọi người đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam up ảnh lên mạng xã hội rất nhiều, chia sẻ cho nhau những thông tin cần thiết khi đến tham quan bảo tàng, như đi đường nào vào nhanh nhất, đỡ tắc nhất, nên mang theo xe đẩy cho trẻ nhỏ, hay nên đi giày bệt vì khuôn viên bảo tàng rất rộng... Và cũng không ít người phải than thở về ý thức của một số người đến tham quan.

Cảnh tượng đông đảo người dân nô nức đi tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy mong muốn được tìm hiểu về lịch sử để thêm hiểu và trân trọng lịch sử của dân tộc. Thế nhưng, có một bộ phận người dân lại không tuân thủ các biển báo cấm sờ, cấm chạm vào hiện vật, mà ngang nhiên leo trèo để chụp ảnh checkin. Có nhóm gia đình ý thức rất kém, cho con trẻ thản nhiên trèo lên xe tăng, leo lên pháo rồi đứng, ngồi chụp ảnh. Khi có người tới nhắc nhở thì họ giả vờ không nghe thấy, cố chụp nốt mấy tấm nữa rồi mới chịu rời khỏi hiện vật. Nhân viên bảo tàng vừa đi khuất thì họ lại cho con trèo lên.

Từ sa bàn, xe tăng đến các khẩu pháo bên trong, không chỗ nào là không có dấu giày, dép của trẻ con. Nhiều người phải thốt lên không hiểu những kẻ vô ý thức có biết đây là Bảo tàng Lịch sử quân sự hay là khu vui chơi của trẻ con!

Một nơi trưng bày toàn bảo vật quốc gia mà một bộ phận người tham quan ý thức kém đến vậy. Không chỉ là trẻ con, ngay cả một số người lớn không chỉ trèo lên để chụp ảnh mà thậm chí còn phơi quần áo ở sảnh ra vào, khu vực chờ thì la liệt khách ngồi ăn uống.

Bên cạnh những người có nhu cầu tham quan, khám phá, học hỏi, tìm hiểu sâu kiến thức lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trong bảo tàng thì một số người lại đến vì tò mò hoặc để chụp ảnh. Nhiều người cứ biện minh rằng là "trẻ con không biết gì" nên leo trèo như vậy, thế nhưng người lớn không bảo ban con, thậm chí hành động phản cảm hơn cả trẻ con.

Đáng chú ý nhất vào ngày 11/11, một clip 8 giây lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một cô gái trèo lên nóc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tạo dáng quay phim, chụp ảnh. Nhiều người lên tiếng bức xúc, chỉ trích hành vi thiếu ý thức của cô gái, đồng thời đặt câu hỏi về vấn đề quản lý an ninh, trật tự tại bảo tàng.

Ngay sau đó, ngày 12/11, lại thêm một thanh niên leo lên nóc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam quay clip bản thân rồi tung lên mạng kèm theo lời bình: "Khi cả biển người chen chân bên dưới, còn mình tận hưởng góc nhìn độc đáo từ trên cao. Trải nghiệm góc nhìn có 1 không 2. Thoát khỏi đám đông tìm kiếm sự khác biệt. Có ai thử chưa ?".

Người này có giải thích rằng anh ta đi xuyên qua khu vực trưng bày chính bảo tàng để đi lên lối có biển báo "Khu nhà làm việc nhân viên. Không vào". Sau đó, khi bảo tàng liên hệ thì anh này đã gỡ clip và xin lỗi.

Không chỉ riêng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, mà nhiều điểm tham quan, di tích, bảo tàng trên khắp cả nước cũng thường xuyên bị đón khách tham quan ăn mặc phản cảm, có hành vi đụng chạm, sờ nắn, trèo lên hiện vật, cổ vật khi tham quan. Đây không chỉ là vấn đề về văn hóa ứng xử mà còn liên quan trực tiếp đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.

Bảo tàng là không gian văn hóa cần được ứng xử văn minh

Trong khi nội quy bảo tàng đã nêu rõ những quy định như không tì tay lên kính, không chạm tay hay trèo lên hiện vật, thì thời gian qua, liên tục xuất hiện những hình ảnh người dân đi tham quan bảo tàng có những hành vi kém văn minh, thiếu chuẩn mực.  Thậm chí, ngay cả khi có lực lượng an ninh túc trực để nhắc nhở, vẫn không ít khách tham quan thực hiện những hành vi xấu ngay trong khuôn viên bảo tàng.

Bạn Lê Phương Mai (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) phản ứng: "Mình khá là bức xúc và chắc chắn không đồng tình với những hành vi như thế".

"Tôi cảm thấy khá là buồn khi thấy nhiều người thiếu ý thức lại có những hành vi không đẹp như vậy, vì tôi nghĩ khi mình tham quan bảo tàng - 1 nơi công cộng, mình cần phải giữ cách ứng xử văn minh", Trần Đức Tâm (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) bày tỏ.

Mặc dù nhiều bảo tàng đã có những quy định khắt khe để bảo vệ hiện vật, ngăn chặn những hành vi xấu có thể xảy ra, nhưng cũng chỉ có thể giảm được phần nào nếu người dân không có ý thức chấp hành nội quy.

Theo bạn Trần Đức Tâm: "Tôi nghĩ nên tuyên truyền nhiều hơn để mọi người có ý thức tốt nhất khi đến những địa điểm công cộng, ví dụ như bảo tàng, thì chúng ta có thể giữ được những nguyên tắc". Nguyễn Thị Minh Ánh đề nghị: "Mình nghĩ có thể có nhiều biện pháp răn đe hơn nữa để xử phạt, như thế mới có thể nâng cao ý thức của mọi người khi đi tham quan".

Ý thức của người dân khi tiếp cận với di tích

Bảo tàng không chỉ là không gian trưng bày hiện vật, mà còn là nơi giáo dục, truyền cảm hứng và là nơi bảo tồn hiện vật, di sản văn hóa. Khi đến bảo tàng, người dân không chỉ đơn thuần là người tham quan, thụ hưởng, mà còn có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ những hiện vật, di sản có giá trị biểu tượng.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết: "Qua những hoạt động công cộng, thường không thể tránh khỏi những hành vi không đẹp và  không văn hóa. Tôi nghĩ chúng ta chưa tạo ra được môi trường nghiêm khắc để mọi người có thể nhìn vào những hành động đó và chỉ rõ à, anh hành động như thế là không văn minh. Đơn cử như việc anh đi thăm bảo tàng mà làm hỏng hiện vật, thì anh phải bồi thường, đó là điều chắc chắn. Hay những hành động mất trật tự, phá quấy thì lực lượng an ninh của bảo tàng có quyền đưa anh ra ngoài chứ không chỉ nhắc nhở suông. Chỉ khi những hành vi đó được xử phạt thích đáng thì tự khắc những người xung quanh sẽ phải biết hành xử văn minh, lịch sự nơi công cộng".

Ý thức của người dân khi đến bảo tàng không chỉ là sự tôn trọng đối với hiện vật mà còn là sự nhận thức về vai trò của mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Chính từ ý thức cộng đồng này, bảo tàng mới trở thành nơi không chỉ trưng bày quá khứ, mà còn là nơi kết nối, giáo dục và truyền tải các giá trị văn hóa cho các thế hệ tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chiều 21-11, lãnh đạo UBND phường Quang Trung, quận Đống Đa xác nhận, trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn, các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt nằm tại nơi có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các ông: Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Văn Vọng.

Sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 19 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Đề án 06 do Chính phủ giao.

Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, nhằm tạo cơ chế khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó nghiêm cấm hành vi bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn.

Tây Hồ là địa bàn đông dân cư và có nhiều địa điểm vui chơi giải trí thu hút đông đảo du khách gần xa tìm đến tham quan trải nghiệm, do vậy công tác đảm bảo vệ sinh môi trường luôn là nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện.