G20 và nhiệm kỳ chống đói nghèo, bất bình đẳng

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

G20 khởi động liên minh chống đói nghèo toàn cầu

Chống đói nghèo là vấn đề ưu tiên và là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Brazil trên cương vị Chủ tịch G20 năm 2024. Được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva bảo trợ, Brazil đã ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro. Liên minh cho đến nay đã thu hút được 81 nước thành viên tham gia, cam kết đưa 500 triệu người thoát khỏi đói nghèo và hy vọng đạt mục tiêu 100 quốc gia gia nhập trong những tháng tới

"Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, các đại biểu có mặt ở đây là chấm dứt nạn đói của nhân loại. Đó là lý do tại sao chúng tôi đặt mục tiêu trọng tâm trong năm chủ tịch G20 của Brazil là khởi động một Liên minh toàn cầu chống lại nạn đói nghèo. Liên minh này ra đời tại G20, nhưng sứ mệnh của nó là toàn cầu”.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula Da Silva

Liên minh toàn cầu chống đói nghèo tập hợp các quỹ, nguồn lực và kinh nghiệm để cùng nhau hỗ trợ cho mục tiêu giảm nghèo toàn cầu. Mục tiêu của sáng kiến này là quy tụ các quốc gia phát triển, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tài chính huy động nguồn lực và chuyên môn hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn. Theo kế hoạch, liên minh sẽ giúp xóa đói nghèo cho tất cả các quốc gia trong “bản đồ đói nghèo” của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vào năm 2030.

“Chúng tôi đặt mục tiêu tiếp cận 500 triệu người thông qua các chương trình hỗ trợ tiền mặt và hệ thống bảo trợ xã hội ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030. Chúng tôi cũng sẽ mở rộng các bữa ăn học đường chất lượng cao cho hơn 150 triệu trẻ em ở các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng đói nghèo”.

Ông Wellington Dias, Bộ trưởng Phát triển xã hội Brazil

Đáng chú ý, ngân hàng phát triển Liên Mỹ tuyên bố, họ sẽ cung cấp tới 25 USD để hỗ trợ liên minh, trong đó 50% sẽ được phân bổ cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nghèo đói, chẳng hạn như phụ nữ và cộng đồng người bản địa và người gốc Phi.

Sáng kiến tập hợp sức mạnh toàn cầu trong nỗ lực xóa đói nghèo được đưa ra trong bối cảnh tình trạng đói nghèo ngày càng nghiêm trọng, khi thế giới chịu tác động từ các yếu tố như thiên tai, xung đột. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đói đa chiều - do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Sáng kiến phát triển con người và nghèo đói Oxford công bố, hơn 1 tỷ người trên thế giới đang sống trong tình cảnh nghèo cùng cực, với hơn một nửa trong số đó là trẻ em.

“'Những gì chúng tôi muốn nói, đây là một cuộc khủng hoảng trong một cuộc khủng hoảng. Ngoài tình trạng mất an ninh lương thực, còn có xung đột, di cư và với biến đổi khí hậu. Điều này thực sự đã đẩy mọi người đến bờ vực khủng hoảng và nạn đói trầm trọng''.

Ông Trust Mlambo, Quan chức Chương trình lương thực thế giới

Trong Báo cáo về Nghèo đói, Thịnh vượng và Hành tinh công bố vào tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo đói nghèo đã gia tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ và mục tiêu toàn cầu nhằm cắt giảm tỷ lệ đói nghèo cùng cực xuống còn 3% vào năm 2030 đã vượt khỏi tầm với. Theo WB, với tốc độ hiện tại, mục tiêu này sẽ khó lòng đạt được trong ba thập kỷ tới.

Theo giới quan sát, đói nghèo không chỉ tước đoạt các quyền cơ bản của con người mà còn làm suy yếu sức mạnh và khả năng cạnh tranh của các quốc gia, làm trầm trọng thêm sự chênh lệch trong phát triển toàn cầu. Do đó, xóa đói giảm nghèo không chỉ là vấn đề của một quốc gia hay khu vực riêng lẻ mà còn là trách nhiệm chung của toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực chung của các quốc gia trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, việc ra mắt Liên minh toàn cầu chống đói nghèo được dư luận đánh giá là một phản ứng dũng cảm và đáng khen ngợi trước thách thức cấp bách này, tạo cơ sở nền tảng để xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

G20 nỗ lực đánh thuế giới siêu giàu

Bên cạnh cuộc chiến chống đói nghèo, đánh thuế giới siêu giàu cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Brazil trong vai trò Chủ tịch G20 năm 2024. Tại Hội nghị năm nay, tổng thống Brazil Lula da Silva đã đưa ra một đề xuất mạnh mẽ về việc đánh thuế đối với những người siêu giàu để giảm thiểu bất bình đẳng xã hội và tạo nguồn tài chính cho các sáng kiến phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và năng lượng tái tạo. Dù vẫn chưa thể tiến tới được một thỏa thuận cụ thể về thuế tỷ phú, nhưng các nước thành viên G20 đã nhất trí hợp tác về vấn đề này, hướng tới một hệ thống thuế quốc tế toàn diện, ổn định và hiệu quả, phù hợp với thế kỷ 21.

Brazil đã đề xuất đánh thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với khoảng 3.000 người giàu nhất thế giới có tài sản vượt quá 1 tỷ USD nhằm thu hẹp bất bình đẳng. Đề xuất trên được Brazil đưa ra sau các nghiên cứu cho thấy giới siêu giàu ở các nước lớn đóng thuế ít hơn nhiều so với người bình thường. Tài sản của họ hầu như không bị đánh thuế, với mức thuế suất thực tế chỉ dao động ở mức 0-0,5%.

“Hợp tác thuế quốc tế là rất quan trọng để giảm bất bình đẳng. Mức thuế 2% đối với tài sản của những cá nhân siêu giàu, có thể tạo ra nguồn lực khoảng 250 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào việc đối phó với những thách thức về xã hội và môi trường”.

Tổng thống Brazil, Luiz Inacio Lula Da Silva

Trước đề xuất của Brazil, G20 lần đầu tiên nhất trí hợp tác trên phạm vi quốc tế để đảm bảo rằng những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao phải chịu mức thuế phù hợp. Tuyên bố chung của G20 nêu rõ thuế lũy tiến “là một trong những công cụ chính để giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc”.

“Đến một thời điểm mà bạn phải dũng cảm và làm những điều mà bạn tin là đúng. Có một thực tế về việc tái phân phối của cải ở đây, nếu chúng ta lắng nghe kỹ kết quả của nhiều cuộc bầu cử diễn ra trong những năm trở lại đây, thì đó chính là yêu cầu của người dân chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải phản ứng bằng cách nào đó”.

Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha, Carlos Cuerpo

Dù nhất trí hợp tác, nhưng các nước thành viên đã không thể đạt được đồng thuận về việc áp dụng mức thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với giới siêu giàu như lời kêu gọi của Brazil. Trong khi Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia và Liên minh châu Phi (AU) ủng hộ mạnh mẽ đề xuất này, thì Mỹ, Đức và Argentina phản đối.

“Rất khó phối hợp chính sách thuế trên bình diện thế giới, và Mỹ chưa thấy nhu cầu rằng cần phải đàm phán để đạt được thỏa thuận toàn cầu về vấn đề này.”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen

Bất chấp những tranh cãi, phần đông giới chuyên gia và các nhà lãnh đạo G20 cho rằng, đánh thuế và ngăn chặn trốn thuế của giới siêu giàu là việc cần làm, bởi điều này không chỉ giúp thu hẹp bất bình đẳng giàu nghèo, mà còn huy động thêm nguồn lực hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo tại các nước đang phát triển; đồng thời giảm thiểu rủi ro “của cải vào tay một nhóm ít người”. Theo các chuyên gia, trước mắt các nước có thể không cần phải áp dụng mức thuế tối thiểu 2% đối với các tỷ phú, nhưng thay vào đó cần tạo ra cơ sở dữ liệu về thu nhập và tài sản của những cá nhân siêu giàu, từ đó xây dựng một bộ quy nhằm tăng cường đánh thuế đối với nhóm này. Hiện nhiều nước, dẫn dầu là Pháp đã tiến hành sửa đổi dự luật ngân sách để áp dụng thuế tỷ phú đối với những người giàu nhất đất nước.

Song song với việc đánh thuế cá nhân tỷ phú, mức thuế tối thiểu 15% áp dụng cho các công ty đa quốc gia kể từ năm nay, hiện đã được hơn 50 quốc gia thực thi. Nếu các tỷ phú chuyển tài sản đến “thiên đường thuế”, quốc gia nơi họ sinh ra có thể thu thuế xuất cảnh.

Theo các nhà phân tích, trong quá khứ, nhiều sáng kiến về thuế quan tương tự đã bị cản trở bởi các rào cản pháp lý và sự thiếu hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, hội nghị G20 lần này đã cho thấy tín hiệu tích cực về khả năng xây dựng cơ chế chống lách thuế hiệu quả hơn đối với những người có tài sản lớn. Đây là một động thái quan trọng, phản ánh xu hướng toàn cầu nhằm giảm bất bình đẳng và tái phân phối tài nguyên.

G20 có đủ quyết tâm ứng phó khủng hoảng khí hậu?

Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với toàn cầu. Các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, bão lớn và lũ lụt đã gây thiệt hại lớn cho cả các nước giàu và nghèo. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, 20 nền kinh tế lớn đã đạt được sự đồng thuận mong manh về tài chính khí hậu, phá vỡ các vướng mắc tại hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc (COP29) trước đó. Tuy nhiên, đáng chú ý, sự đồng thuận này sau đó lại không được đưa vào tuyên bố chung cuối cùng của hội nghị. Điều này khiến nhiều tổ chức bảo vệ môi trường bày tỏ hoài nghi về quyết tâm của G20 trong việc đối phó với khủng hoảng khí hậu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay, các quốc gia tham gia một lần nữa khẳng định cam kết sẽ cùng nhau hành động để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, như đã thỏa thuận trong Hiệp định Paris. Theo đó, G20 cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 và phê duyệt tài liệu đa phương đầu tiên về kinh tế sinh học.

“Biến đổi khí hậu là cuộc khủng hoảng toàn cầu, đòi hỏi mọi quốc gia phải chung tay. Chúng ta không thể để bất kỳ quốc gia nào đứng ngoài cuộc”. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Một điểm đáng chú ý trong tuyên bố chung của G20 là kêu gọi giảm dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch - một yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu trung hòa carbon - vẫn chưa được đưa vào nghị trình cụ thể của G20. Điều này khiến các tổ chức môi trường chỉ trích rằng các cam kết mà G20 đưa ra vẫn thiếu sức nặng.

“Thế giới không thể chờ đợi các nhà lãnh đạo về khí hậu tiếp tục bước lên bàn đàm phán. Điều mà chúng ta cần là quá trình chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế năng lượng sạch để giúp mọi người trên khắp thế giới phát triển thịnh vượng”.

Ông Andrew Nazdin, Tổ chức khí hậu Glasgow Actions Team

Tài chính khí hậu cũng là một trong những chủ đề nóng tại hội nghị G20 và cả hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc (COP29) đang diễn ra tại Azebaijan, khi mức cam kết ban đầu là 100 tỷ USD mỗi năm không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Số tiền huy động từ các nước phát triển, các định chế cho vay và khu vực tư nhân dự kiến nâng lên 1.000 tỷ USD hàng năm nhằm giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng với khí hậu cực đoan.

Tuy nhiên, trong suốt các cuộc thảo luận, các quốc gia phát triển yêu cầu các nền kinh tế đang phát triển với thu nhập cao hơn tăng cường đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển lại cho rằng những quốc gia giàu có, những nơi đã gây ra phần lớn lượng khí thải từ những năm công nghiệp hóa, phải gánh vác phần lớn chi phí này. Vấn đề nan giải này đã khiến các cuộc đàm phán trở nên căng thẳng. Các nhà lãnh đạo G20 cuối cùng đã đi đến thống nhất bằng một văn bản đề cập đến các khoản đóng góp tự nguyện của các quốc gia đang phát triển vào tài chính khí hậu. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng sự đồng thuận này sẽ bị thay đổi khi Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền. Ông Trump được cho là chuẩn bị rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Việc ông đắc cử làm dấy lên nghi ngại khoản tài chính khí hậu của toàn cầu có thể thiếu hụt sự hỗ trợ từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dù vẫn còn những bất đồng, nhưng hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil, đã khép lại với một tuyên bố chung chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không. Thế giới không cần thêm những lời nói hoa mỹ, mà cần hành động cụ thể. Nếu các quốc gia thành viên G20 không chuyển hóa cam kết thành giải pháp, những tuyên bố chung này sẽ chỉ là những kết luận suông trong một thế giới đầy biến động. Một thế giới công bằng và bền vững chỉ có thể được xây dựng thông qua sự hợp tác toàn cầu. Sự đoàn kết và hành động mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo G20 sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để định hình tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các quốc gia đang nỗ lực phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào mọi lĩnh vực, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp... là những quốc gia hàng đầu.

Phong trào Hồi giáo Hamas cho biết một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza “đang ở gần hơn bao giờ hết” nếu Israel không đưa ra thêm điều kiện mới.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cảnh báo sẽ yêu cầu đồng minh giao lại kênh đào này nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được.

Đảng Dân chủ đối lập ở Hàn Quốc đã kêu gọi quyền Tổng thống Han Duck Soo nhanh chóng ký ban hành dự luật bổ nhiệm cố vấn đặc biệt để điều tra Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee.

Không giống như truyền thống, năm nay, một nhóm ông già Noel tại thủ đô Argentina đã đổi xe trượt tuyết của họ lấy một đoàn xe máy đi phát quà, nhằm mang lại niềm vui và không khí lễ hội cho trẻ em tại các bệnh viện trên khắp thành phố.

Lễ hội Băng Tuyết Cáp Nhĩ Tân lần thứ 26 chính thức khai mạc vào cuối tuần qua tại thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, mở ra một thế giới trải nghiệm kỳ diệu như trong mơ dành cho du khách trong nước và quốc tế.