Giải pháp giảm phát thải cho phương tiện giao thông

Giảm khí thải từ phương tiện giao thông đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách trên toàn cầu, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Tàu cánh ngầm điện - Du lịch đường thủy bền vững

Tại Thụy Điển, một chiếc tàu cánh ngầm chạy bằng điện lần đầu tiên đã tham gia mạng lưới giao thông công cộng ở thủ đô Stockholm. Với tốc độ 25 hải lý/giờ và thời gian hoạt động hơn 2 giờ, đây là tàu chở khách chạy điện nhanh nhất và có tầm hoạt động xa nhất hiện nay.

Tàu cánh ngầm Candela P-12 do hãng Candela phát triển đã tham gia hành trình chở khách từ đảo Ekero trên hồ Malaren tới Tòa thị chính ở trung tâm thành phố Stockhom với chiều dài khoảng 15 km. Tàu được cung cấp năng lượng bằng pin điện có thể hoạt động trong 2 giờ. Tàu được trang bị ba cánh bằng sợi carbon để dễ dàng lướt trên mặt nước, nhờ đó có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng so với các tàu thủy cao tốc thông thường khác.

“Nói chung các tàu thuyền chở khách thường sử dụng nhiều nhiên liệu, vì thế chi phí rất tốn kém. Còn với công nghệ tàu cánh ngầm kết hợp với tàu truyền động điện, chúng tôi giảm mức tiêu thụ năng lượng tới 80%. Hơn nữa tàu cánh ngầm của chúng tôi có thể chạy nhanh hơn ở rất nhiều đoạn đường quanh thành phố. Vì vậy, thời gian đi lại được rút ngắn và điều đó tốt cho môi trường và cũng giúp giảm giá vé” 

Ông Gustav Hasselskog, Giám đốc điều hành Công ty Candela

Một phân tích do Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Stockholm thực hiện đã kết luận rằng chiếc P-12 sẽ thải ra lượng CO2 ít hơn 97,5% trong suốt vòng đời của nó so với một chiếc tàu diesel có cùng kích thước. Với tốc độ 25 hải lý/giờ, P-12 có thể bay trên sóng nhờ các cánh ngầm dưới nước được điều khiển bằng máy tính. Hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số của P-12 giữ thăng bằng cho tàu 100 lần/giây giúp tàu ổn định ngay cả khi có gió và sóng.

“Một chuyến đi thông thường mất khoảng 50 phút thì tàu Candela P-12 chỉ mất có 25 phút, tức là giảm một nửa thời gian đi lại, điều này tất nhiên có ý nghĩa rất lớn đối với những người đi trên phương tiện này”

Ông Gustav Hasselskog, Giám đốc điều hành Công ty Candela

Tàu Candela P-12 có không gian cho tối đa 25 hành khách, trong đó có 1 chỗ dành cho xe lăn, 2 ghế ưu tiên và có thể để 3 đến 4 xe đạp bên trong khoang.

Công ty Candela cho rằng loại tàu này có tiềm năng rất lớn. Đường thủy là tuyến đường giao thông lâu đời nhất, nhưng không được sử dụng nhiều vì chạy tàu thuyền gây tiếng ồn và ô nhiễm lớn. Tàu cánh ngầm chạy bằng điện có thể giúp khai thác tiềm năng tuyệt vời của đường thủy trong khi giao thông đường bộ ở nhiều thành phố thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn.

Năng lượng gió - Tương lai của vận tải đường thủy

Con người từ cách đây hàng ngàn năm đã biết sử dụng cánh buồm và sức gió để đưa tàu thuyền đi vòng quanh các đại dương. Kết hợp kỹ thuật thuyền buồm và khoa học hiện đại, các nhà khoa học đại học Southampton và công ty Smart Green Shipping đã phát triển tàu chở hàng cỡ lớn vận hành nhờ cánh buồm thông minh được điều khiển bằng hệ thống máy tính. Hệ thống này giúp kiểm soát hiệu suất của con tàu trong các điều kiện khác nhau ở vùng biển. Dự án này do Chính phủ Anh tài trợ, như một phần trong kế hoạch biến nước Anh thành quốc gia dẫn đầu thế giới về hàng hải sạch và vận tải xanh.

Tàu Pacific Grebe chở hàng thử nghiệm chạy bằng sức gió đã đến Southampton để trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển.

Đây là một con tàu chở nhiên liệu hạt nhân và chất thải, dài hơn 100m và nặng gần 5000 tấn. Pacific Grebe được trang bị cánh buồm FastRig dài 20 mét, có thể thu lại hoặc dựng lên bằng hệ thống điều khiển thông minh, cho phép tàu chạy bằng sức gió.

“Cánh buồm giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải, giúp vận tải hàng hải xanh hơn và giảm chi phí nhiên liệu”.

Tiến sĩ Joe Banks, Đại học Southampton

Theo tiến sĩ Joseph Banks, viện Hàng hải của trường Đại học Southampton  thì cánh buồm FastRig được làm bằng nhôm do công ty Smart Green Shipping phát triển. Nó giống cánh của máy bay hơn là cột buồm truyền thống. Hệ thống cánh buồm nặng 20 tấn với chiều cao 20 mét. Nó được nâng lên và hạ xuống trong khoảng 15 phút chỉ bằng cách nhấn nút đã cài đặt sẵn, khi nâng cao nó sẽ đạt chiều cao tối đa 34 m.

Theo bà Diane Gilpin, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Smart Green Shipping thì hệ thống này được tự động hóa thông minh bằng các cảm biến. Cánh buồm sẽ dựng lên, quay và mở theo điều kiện gió nhờ hệ thống cảm biến.

Nhóm nghiên cứu cho biết thiết kế này có thể làm cho các tàu lớn ít gây hại cho môi trường hơn bằng cách cắt giảm tới 1/3 lượng khí thải carbon.

Tiến sĩ Joseph Banks cho biết công nghệ này có thể là “thành phần quan trọng” trong quá trình chuyển đổi sang vận chuyển không carbon.

Vận chuyển quốc tế được ước tính là nguyên nhân gây ra 837 triệu tấn CO2 hàng năm - tương đương 2,1% tổng lượng khí thải toàn cầu. Việc trang bị những cánh buồm tự động của thế kỷ 21 trên các tàu thương mại có thể giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, lượng khí thải CO2 và chi phí.

"Điều quan trọng của dự án này là chúng tôi đang thực hiện các thử nghiệm trên biển có cấu trúc với tàu. Điều đó cho phép chúng tôi kiểm tra hiệu suất của tàu có và không có cánh trong cùng điều kiện và đo lường sự thay đổi tốc độ của tàu và sự thay đổi sức mạnh trên các trục" 

Tiến sĩ Joe Banks, Đại học Southampton

Chính phủ Anh ước tính có tới 40.000 tàu có thể sử dụng năng lượng gió, chủ yếu là tàu chở dầu và tàu chở hàng rời, những loại tàu thường bị che khuất khỏi tầm nhìn của công chúng nhưng lại rất quan trọng trong việc vận chuyển kim loại, ngũ cốc và vật liệu xây dựng.

Đức: Máy kéo chạy bằng pin điện 

Mặc dù cho đến nay, các nhà sản xuất máy kéo lớn hầu như không bán bất kỳ chiếc máy kéo chạy bằng điện nào, tuy nhiên, để hướng tới một nền nông nghiệp bền vững không khí thải, thì những máy móc trong nông nghiệp cũng phải tính đến việc sử dụng năng lượng sạch. Và những chiếc máy kéo chạy bằng pin điện hoạt động trên cách đồng sẽ không còn là điều mới mẻ trong tương lai. Công ty khởi nghiệp Tadus của Đức mới đây đã cho ra đời chiếc máy kéo điện chạy bằng pin lithium-ion công suất tối đa 160 mã lực giúp người dùng có thể cắt giảm đáng kể chi phí vận hành.

Chiếc máy kéo Tadus chạy bằng pin hiện đang được thử nghiệm tại một trang trại ở bang Bavaria, Đức. Máy kéo được trang bị pin lithium-ion 130 kWh. Trọng lượng của nó là 5 tấn. Hai động cơ điện dẫn động các trục, cho phép máy đạt tốc độ tối đa 40 km/h.

Ông Obereisenbuchner đã sử dụng nguyên mẫu máy kéo điện, hiện chưa có mặt trên thị trường, để làm việc tại trang trại bò sữa của mình gần một năm nay.

“Theo quan điểm của tôi, máy kéo điện có ưu điểm nhiều hơn nhược điểm. Thứ nhất, tiết kiệm chi phí vì chúng tôi không còn phải mua dầu diesel nữa, và chúng tôi có thể tạo ra lượng điện cần thiết bằng hệ thống quang điện của mình". 

Ông Franz Obereisenbuchner, người thử nghiệm máy kéo Tadus

Nhà phát triển máy kéo điện, ông Thaddaeus Baier nảy ra ý tưởng này khi ông nhìn thấy nhiều hệ thống quang điện trên mái của nhiều trang trại khác nhau. Máy kéo điện được thiết kế thân thiện với môi trường hơn, cũng hiệu quả hơn về mặt kinh tế.

"Chúng tôi có thể sạc hoặc cung cấp năng lượng ở đây. Theo cách truyền thống thông qua giao diện điện áp xoay chiều với 22 KW hoặc nhanh hơn tương ứng - tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng sẵn có - thông qua giao diện điện áp DC với đầu ra cao hơn. Có thể lên tới 100 KW từ phía xe. Xe có hai cục pin ở dưới này”.

Ông Thaddaeus Baier, nhà sáng lập Công ty Tadus

Ông Thaddaeus Baier giải thích thêm rằng chi phí vận hành một chiếc máy kéo điện sẽ ít hơn nhiều so với một chiếc máy kéo chạy bằng dầu diesel.

Theo bà Johanna Baier, người chịu trách nhiệm tiếp thị và phát triển máy kéo điện thì từ góc độ quản lý kinh doanh, máy kéo điện sẽ đắt hơn khoảng 35% so với máy kéo diesel tương đương – có giá khoảng 200.000 euro. Việc tính giá cho máy kéo điện đã bao gồm các khoản trợ cấp từ chương trình của chính phủ liên bang. Tuy nhiên chi phí vận hành máy kéo điện thấp đến mức những chi phí bổ sung này sẽ được thu hồi sau 2.000 đến 3.000 giờ hoạt động.

Tùy theo công việc, máy kéo điện có thể sử dụng được từ 5 đến 10 giờ cho một lần sạc. Hầu hết các công việc hàng ngày có thể được thực hiện tốt với nó. Tùy thuộc vào công suất của trạm sạc, việc sạc pin có thể mất tới tám giờ. Tuy nhiên, nếu máy kéo có công việc khẩn cấp cần thực hiện, pin có thể được tháo ra và thay thế bằng pin dự phòng. Tổng cộng có hai cục pin được lắp trong máy kéo điện. Khi không sử dụng máy kéo, chúng có thể được sử dụng làm thiết bị lưu trữ có công suất 200 kilowatt giờ cho nguồn điện tự sản xuất. Sau đó, nó có thể được sử dụng cho máy vắt sữa hoặc các thiết bị nông nghiệp khác. Công ty cho biết nếu mọi việc diễn ra như dự tính, máy kéo điện sẽ được sản xuất với số lượng nhỏ vào cuối năm 2025.

Hàn Quốc phát minh xe đẩy hàng trên không

Các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Robot di động tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, đã phát triển một loại xe đẩy hàng trên không có tên là 'Palletrone'. Với loại xe đẩy này, hàng hóa có thể được đặt lên trên kệ hàng và di chuyển bằng cách tác dụng lực nhẹ, ngay cả khi đang đi trên cầu thang - điều không thể thực hiện được với các loại xe đẩy thông thường.

Đúng như tên gọi, Palletrone là sự kết hợp giữa kệ chở hàng và 'máy bay không người lái' đa cánh quạt. Nó được phát triển để khắc phục những hạn chế của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thông thường.

“Đây là một động cơ đa cánh quạt thông thường, trong đó các cánh quạt đều được cố định. Vì vậy, nếu muốn sang trái thì cần phải nghiêng sang trái. Muốn sang phải thì phải nghiêng sang phải. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đây là nền tảng Palletrone V3. Mỗi cánh quạt chứa một cơ cấu servo có thể điều khiển hướng của lực đẩy. Vì vậy, chúng ta có thể di chuyển toàn bộ nền tảng từ trái sang phải mà không cần xoay chuyển tư thế của toàn bộ nền tảng”.

Giáo sư Lee Seung-Jae, Trưởng nhóm nghiên cứu

Để tránh làm vỡ hàng hóa, nhóm nghiên cứu đã đặt máy bay không người lái bên trong một bộ khung ngoài, giúp nó có thể chở hàng hóa trên kệ hàng bất kể kích thước hay kiểu dáng nào, trong khi vẫn giữ được an toàn trong suốt quá trình di chuyển. Họ đã sử dụng kỹ thuật 'tương tác vật lý giữa con người và robot' trong việc điều khiển máy bay không người lái, vì vậy một người có thể đẩy hoặc kéo tay cầm gắn phía sau để điều khiển máy trực tiếp.

Để bay ổn định, nhóm nghiên cứu đã phát triển một thuật toán để tính toán trọng tâm của máy bay không người lái, giúp duy trì tư thế nằm ngang ngay cả khi chở hàng hóa không xác định ở những vị trí không mong muốn.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm Palletrone bằng cách vận chuyển 3 kg hàng hóa. Cho dù với trọng lượng như vậy không đáp ứng đủ cho nhu cầu của một cửa hàng tạp hóa trung bình hàng tuần, nhưng Palletrone không chỉ giới hạn ở lĩnh vực vận tải, nó cũng có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ trên không bằng cánh tay robot hoặc kết nối với các máy bay không người lái khác.

Ngành giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải khí CO2 lớn nhất, chiếm khoảng 23% tổng lượng khí thải toàn cầu. Việc giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải là vô cùng cấp bách để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Vì vậy những phát minh sáng chế thân thiện với môi trường đóng vai trò quan trọng để hướng tới một nền giao thông vận tải bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 22/12 tuyên bố, chính quyền mới của ông sẽ cố gắng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama. Bình luận của ông đã bị Tổng thống Panama José Raul Mulino lên án.

Hai gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô Nhật Bản, Honda và Nissan đã chính thức đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán trong 6 tháng tới về khả năng sáp nhập - một bước ngoặt lịch sử đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Việc sáp nhập này sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới và cung cấp cho họ nhiều nguồn lực hơn để cạnh tranh với mối đe dọa ngày càng tăng từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Tesla của Mỹ.

Bộ Giao thông vận tải Kazakhstan tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra đặc biệt về vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines tại sân bay Aktau ở phía tây Kazakhstan.

Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Vladikavkaz, miền Nam nước Nga, sau khi khu vực này ghi nhận một vụ nổ lớn xảy ra bên trong, làm rung chuyển toàn bộ tòa nhà.

Đài RT đưa tin, giới chức Nga đã bắt giữ 7 người, bao gồm ba trẻ vị thành niên, với cáo buộc tham gia vào âm mưu ám sát giám đốc điều hành của một công ty quốc phòng có trụ sở tại thủ đô Moscow.

Sáng nay (25/12), một vụ nổ đã xảy ra tại Trung tâm thương mại Alania ở thành phố Vladikavkaz của Nga. Chính quyền dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết sự cố khiến một người thiệt mạng, có thể do máy bay không người lái gây ra.