Giao thông 'xanh', xu thế tất yếu của tương lai

Phát triển giao thông “xanh” đang là xu thế tất yếu ở các đô thị trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, để hướng tới giao thông “xanh”, cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch. Nhiều hãng sản xuất cũng đang thúc đẩy việc chế tạo các phương tiện thân thiện với môi trường, giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, từ đó giảm thiểu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Giao thông “xanh” tại Dubai, UAE

Cơ quan Đường bộ và Giao thông của Dubai đang khởi động các chiến dịch để thúc đẩy và phát triển các phương tiện giao thông xanh, nhằm đáp ứng yêu cầu cũng như vấn đề trọng tâm của Hội nghị COP28, đó là giảm thiểu nhiên liệu hóa thạch, hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Để điều phối giao thông với trọng tâm là năng lượng sạch thân thiện môi trường, Dubai đã đưa vào sử dụng 10.000 xe hybrid (xe lai giữa xăng và điện), 1.000 taxi điện, 67 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sinh học, nhiều xe buýt điện. Các phương tiện này được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của các du khách tới thành phố Expo City.

UAE đang đẩy mạnh nỗ lực đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua chiến lược xanh trên phạm vi rộng tập trung vào việc chuyển sang năng lượng tái tạo và tập trung vào công nghệ mới, giúp giảm mức phát thải carbon.

Để đạt mục tiêu này, UAE đang thúc đẩy giao thông thông minh và bền vững. Quốc gia này đã đặt mục tiêu ít nhất 10% tổng số phương tiện lưu thông trên đường là xe chạy điện vào năm 2030. Chính phủ đưa ra các ưu đãi như đăng ký miễn phí, đỗ xe miễn phí và giảm phí đường bộ cho xe điện. Dubai đã chuyển đổi thành công 50% lượng taxi của thành phố sang xe hybrid và đặt mục tiêu sử dụng hoàn toàn taxi hybrid và điện vào năm 2027. Dubai đang có kế hoạch nâng số lượng trạm sạc xe điện tại thành phố này lên 170%, với tổng số lượng 1.000. Mốc thời gian được họ nhắm tới để hoàn tất kế hoạch là trước năm 2025. Những mục tiêu đầy tham vọng này có thể sẽ giúp Dubai trở thành trung tâm giao thông bền vững trên toàn cầu.

Việc các nước tham dự Hội nghị COP28 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã thông qua một thỏa thuận về khí hậu, trong đó lần đầu tiên từ trước đến nay kêu gọi thế giới tiến tới từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đây được xem là bước ngoặt đối với thế giới trong công cuộc cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Sau 2 tuần đàm phán khó khăn, dự thảo thỏa thuận này đã nhận được sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự COP28. Việc hội nghị đạt được thỏa thuận quan trọng này được cho là sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách rằng thế giới giờ đây đã đoàn kết trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch - điều mà các nhà khoa học cho rằng là cơ may tốt nhất cuối cùng để ngăn chặn các thảm họa khí hậu.

Các hãng xe Nhật Bản chuyển hướng sang xe điện

Cho đến nay, Nhật Bản và các nhà sản xuất ô tô của họ đang bị tụt lại trong cuộc đua hướng tới xe điện, lĩnh vực sản phẩm phát triển nhanh nhất của ngành. Các công ty đang dẫn đầu trong cuộc đua xe điện bao gồm những công ty mới, như Tesla và BYD của Trung Quốc, cùng những gã khổng lồ lâu đời như Volkswagen của Đức. Trước tình hình này, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hiện đang tăng tốc để bắt kịp tốc độ. Các hãng xe Nhật Bản đang thúc đẩy những kế hoạch chuyển đổi sang xe điện, bắt đầu từ các thị trường quốc tế..

Ông lớn Nissan đã thông báo kế hoạch sản xuất xe điện tại Anh. Dự kiến, hãng sẽ đầu tư tới 1,4 tỷ USD vào dây chuyền sản xuất 3 mẫu xe điện tại nhà máy ở Sunderland. Dự án này cũng sẽ tạo ra nhu cầu xây dựng một nhà máy pin xe điện thứ 3 tại Anh cùng nhiều đầu tư khác về cơ sở hạ tầng được xem là bước đi quan trọng của Nissan trong chiến lược xe điện tại châu Âu.

Ông Makoto Uchida, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nissan cho biết: "Từ lần trước tới đây, tôi đã công bố kế hoạch sẽ sản xuất 100% các mẫu xe mới đều là xe điện. Tới năm 2030, toàn bộ xe mới bán ra của chúng tôi ở châu Âu đều sẽ chạy điện. Và kế hoạch này sẽ góp phần lớn đưa tầm nhìn đó trở thành hiện thực".

Trong khi đó, Toyota cũng đã cam kết mục tiêu bán 1 triệu xe điện mới mỗi năm vào năm 2026 và từ năm 2030 là 3,5 triệu xe. Tập đoàn này đã đầu tư khá mạnh vào công nghệ pin và cũng đang có kế hoạch lập một liên minh chia sẻ công nghệ về xe điện với các nhà sản xuất khác như Mazda và Subaru.

Các nhà sản xuất Nhật Bản cũng đang muốn thúc đẩy chuyển đổi xe điện ngay tại thị trường nội địa. Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét đưa ra hệ thống trợ cấp tiêu dùng dành cho người mua ô tô điện và các phương tiện thân thiện với môi trường khác. Động thái này nhằm bắt kịp xu hướng phát triển xe điện của các quốc gia khác như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, cùng với đó là hỗ trợ cho các các doanh nghiệp có dịch vụ liên quan như xây dựng, nâng cấp, bảo trì thiết bị sạc hay tái chế pin xe. Với các chính sách hỗ trợ mới, Nhật Bản kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà sản xuất phát triển thị trường xe điện và hỗ trợ sự phát triển của ngành ô tô nội địa.

Xe bán tải điện của Tesla

Hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk vẫn thường đưa ra những ý tưởng táo bạo, vượt tầm thời đại. Có thể kể đến là mạng lưới trạm sạc siêu nhanh chạy bằng năng lượng mặt trời hay hệ thống đổi pin cho xe điện, du lịch từ thành phố này sang thành phố khác bằng tên lửa. Thậm chí, Tesla còn có tham vọng triệu hồi 1 chiếc xe cho dù nó có đậu ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ đất nước. Mới đây, Tesla đã tiến hành bàn giao chiếc xe bán tải điện Cybertruck đầu tiên tới tay khách hàng, sau gần 4 năm kể từ khi mẫu xe được trưng bày trước công chúng.

Chiếc Cybertruck được chờ đợi từ lâu của Tesla có giá khởi điểm từ 60.990 USD, cao hơn 50% so với mức giá Giám đốc Điều hành (CEO) Elon Musk chào hàng vào năm 2019..

Phiên bản cao cấp nhất của Tesla Cybertruck được cho là có khả năng tăng tốc 0-96 km/h chỉ trong 2,6 giây, nhờ thế quãng đường 400m trên có thể được chinh phục chỉ trong 11 giây.

Điểm nhấn kế tiếp của Tesla Cybertruck tới từ thiết kế. Chiếc xe bán tải được làm bằng thép không gỉ sáng bóng và được tạo hình thành những mặt phẳng, một phần được lấy cảm hứng từ những chiếc máy bay tàng hình như B2 hay những chiếc xe lội nước kiêm tàu ngầm trong các bộ phim viễn tưởng. Phần thân vỏ có khả năng chống đạn. Phần kính chắn gió được quảng cáo có khả năng chống đá ném vào.

Các chuyên gia cho biết, chất liệu thân xe mới và kiểu dáng tương lai, độc đáo của nó đã làm tăng thêm độ phức tạp và chi phí cho quá trình sản xuất, có nguy cơ khiến những người mua xe bán tải truyền thống vốn tập trung vào tính tiện ích xa lánh. Tuy nhiên, trong sự kiện ra mắt, ông Musk tự tin Cybertruck sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Giám đốc điều hành của Tesla  Elon Musk khẳng định: “Cyberrtuck là chiếc xe tải tốt hơn các dòng xe tải khác, nhưng cũng là chiếc xe thể thao tốt hơn các dòng xe thể thao khác. Đây là một dòng xe bán tải cực kỳ hữu ích và độc nhất chạy trên đường.”

Cybertruck là mẫu xe mới đầu tiên của Tesla trong gần bốn năm. Mẫu xe này rất quan trọng đối với danh tiếng của hãng với tư cách là nhà sản xuất các phương tiện cải tiến. Việc ra mắt Cybertruck cũng đánh dấu bước thâm nhập của Tesla vào thị trường xe bán tải Mỹ vốn có tính cạnh tranh rất cao. Năng lực sản xuất dòng xe này là 125.000 chiếc/năm, và được kỳ vọng sẽ nâng lên con số 250.000 chiếc/năm sau năm 2025.

Chuyến bay sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hàng không bền vững

Hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh vừa hoàn thành chuyến bay thử nghiệm sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ thủ đô London - Anh đến thành phố New York - Mỹ. SAF là cách gọi chung cho những dòng nhiên liệu hàng không phát thải carbon ít hơn xăng máy bay thông thường. Sự kiện này ghi nhận dấu mốc mới trong bối cảnh ngành hàng không thế giới đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon trong tương lai thông qua sử dụng nhiên liệu thay thế.

Nhà sáng lập hãng hàng không Virgin Atlantic, tỷ phú Richard Branson cùng Giám đốc Điều hành Shai Weiss và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anh Mark Harper đã đi trên chuyến bay này. Chuyến bay được Virgin Atlantic đặt tên là Flight100.

Ông Richard Branson, nhà sáng lập Hãng hàng không Virgin Atlantic: "Một năm trước, người ta cho rằng, một máy bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững không thể bay chặng dài, ví dụ như từ London đến New York. Và chúng tôi muốn chứng minh rằng điều đó không đúng. Chuyến bay ngày hôm qua rất tuyệt vời, mọi thứ suôn sẻ từ cất cánh đến hạ cánh".

Theo hãng hàng không Virgin Atlantic, nhiên liệu hàng không bền vững sử dụng cho chuyến bay Flight100 được chế tạo phần lớn từ dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật không sử dụng, pha thêm một lượng nhỏ dầu hỏa thơm tổng hợp từ rác thải ngũ cốc. Do vậy, có lượng phát thải carbon ít hơn 70% so với xăng máy bay tổng hợp từ dầu mỏ.

Sau những thử nghiệm thành công trên mặt đất, hãng hàng không Virgin Atlantic cùng với các đối tác gồm Rolls-Royce, Boeing, BP và các đơn vị khác đã được cấp phép để thực hiện chuyến bay sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững.

Ông Andrew Chen, người đứng đầu lĩnh vực giảm phát thải carbon cho ngành hàng không tại Viện nghiên cứu năng lượng sạch Rocky Mountain, cho biết nhiên liệu hàng không bền vững SAF là yếu tố lớn trong quá trình chuyển đổi sang trạng thái không phát thải carbon của ngành hàng không. Nó cực kỳ quan trọng trong thập kỷ này.

Tuy nhiên ông Chen nhấn mạnh, lượng SAF được sản xuất vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo ước tính, ngành vận tải hàng không gây ra 2-3% lượng khí thải carbon toàn cầu. Trong khi đó, việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững trong ngành này có thể giúp cắt giảm lượng khí carbon, mặc dù chi phí sản xuất loại nhiên liệu này khá cao. Hiện, loại nhiên liệu này chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng nhiên liệu sử dụng cho máy bay trên phạm vi toàn cầu hiện nay.

Ngoài Virgin Atlantic, nhiều hãng hàng không khác của châu Âu cho biết sẽ sử dụng 10% nhiên liệu hàng không bền vững trong các chuyến bay của họ từ nay đến năm 2030. Đây là một phần nỗ lực của ngành hàng không thế giới nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Phà điện, phương tiện công cộng tiên tiến của tương lai

Thủ đô Stockholm - Thuỵ Điển đã chứng kiến sự xuất hiện của chiếc phà điện mang tên P-12, được mô tả là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực giao thông thủy bền vững tại nước này. Theo đó, chiếc phà P-12 được công ty Candela chế tạo, đã lướt trên mặt nước ở tốc độ 45km/h, mà không tạo ra tiếng ồn nào đáng kể. Đây là một bước đột phá trong việc áp dụng công nghệ điện cho phương tiện giao thông trên mặt nước.

Mẫu phà chở khách này được trang bị động cơ điện kéo và có thiết kế 3 cánh, giúp phương tiện nâng lên khỏi mặt nước và đạt được tốc độ tối đa 55km/h trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Với khả năng chở tới 30 hành khách, P-12 vượt trội về tốc độ so với các loại phà điện khác trên thế giới.

Chiếc phà được thiết kế để điều khiển bởi một người lái và sử dụng hai động cơ dẫn động điện C-Pod. Nguyên mẫu tiền sản xuất với tên là gọi Zero của P-12 có khả năng tăng tốc từ 30 lên 55km/h trong vòng 16 giây sau khi khởi động.

Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…chính là tham gia giao thông xanh, bảo vệ môi trường. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban ngày 22/11 cho biết ông sẽ mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm đất nước mình và sẽ đảm bảo rằng lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Thủ tướng Israel sẽ "không được thực hiện".

Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.

Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.