Giao tranh leo thang ở Syria

Những ngày gần đây, cuộc xung đột tại Syria đã bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý sau khi lực lượng phiến quân đối lập phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng và giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Aleppo - thủ phủ kinh tế của quốc gia Trung Đông này, đồng thời mở rộng tấn công nhiều thành phố lớn ở phía Tây.

Chuyện gì đang xảy ra ở Syria?

Trong những ngày gần đây, miền bắc Syria đã chứng kiến giao tranh dữ dội, đánh dấu những cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ tháng 3/2020 - thời điểm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp thành công một lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này.

Sáng ngày 27/11, các nhóm phiến quân chống chính phủ đã phát động một cuộc tấn công vào các tỉnh Aleppo và Idlib. Theo các báo cáo, chiến dịch này có sự tham gia của các phe phái Hồi giáo, bao gồm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có liên hệ mật thiết với nhóm khủng bố khét tiếng al-Qaeda, cũng như các lực lượng đối lập có vũ trang như Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hậu thuẫn.

Trong ba ngày, lực lượng phiến quân đã kiểm soát ít nhất 70 khu định cư, trải dài khoảng 400 km² trên cả hai tỉnh. Đến ngày 30/11, quân nổi dậy đã chiếm được hầu hết thành phố và đô thị lớn ở tỉnh Aleppo, trong đó có thành phố cùng tên, đồng thời mở rộng kiểm soát một vùng rộng lớn trên khắp các tỉnh Hama, Idlib ở phía Tây và Tây Bắc Syria. Hiện lực lượng phiến quân đang tiến về phía Nam, hướng tới thủ đô Damascus.

Theo các phiến quân, cuộc tấn công của họ là để đáp trả các cuộc không kích gia tăng gần đây của lực lượng Nga và Syria vào các khu vực dân sự ở miền nam Idlib, cũng như dự đoán về các cuộc tấn công tiềm tàng của quân đội Syria. Theo thống kê của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), các cuộc giao tranh trong những ngày qua ở Syria đã khiến hơn 310 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 100 binh sỹ quân đội Syria, hơn 180 chiến binh nổi dậy và gần 30 dân thường. Đáng chú ý, Iran xác nhận Chuẩn tướng Kioumars Pourhashemi của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cố vấn cho lực lượng Syria, đã thiệt mạng vào ngày đầu tiên của cuộc tấn công.

“Có vẻ như cho đến nay, thủ lĩnh của các nhóm phiến quân, đứng đầu là nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đã ra chỉ thị cho các chiến binh của mình chỉ cần cố gắng kiểm soát thành phố bằng quân sự. Tôi nghĩ rằng họ lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của lực lượng Taliban ở Afghanistan, vì vậy họ đang cố gắng sao chép mô hình đó.”

Ông Ibrahim Hamidi, Nhà đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu Syria tại Đại học ST Andrews ở Scotland

Theo giới phân tích, chiến thắng bất ngờ của nhóm phiến quân ở Aleppo cho thấy cho sự thay đổi mạnh mẽ trong quyền kiểm soát các trung tâm đô thị chiến lược ở Syria. Đây cũng là thách thức khó lường đối với nhà lãnh đạo nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận mọi sự liên quan đến cuộc tấn công của phe nổi dậy Syria ở Aleppo, khẳng định Ankara sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây ra làn sóng di cư.

Mỹ cũng tuyên bố không liên quan tới lực lượng phiến quân Syria tại Aleppo. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett kêu gọi các bên có các biện pháp giảm căng thẳng, bảo vệ người dân để chấm dứt nội chiến.

Thành công chóng vánh của phe nổi dậy khiến một số chuyên gia quân sự đặt ra câu hỏi về khả năng của phe này trong việc duy trì việc kiểm soát lãnh thổ, cũng như liệu một “vương quốc mở rộng” dưới sự lãnh đạo của ông Abu Mohammad al-Jolani, thủ lĩnh nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), sẽ như thế nào. Ông Jolani đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ liệt vào danh sách khủng bố từ năm 2013 và treo giải thưởng 10 triệu USD cho ai bắt được ông, nhưng trên thực tế ông Jolani đã cai trị tỉnh Idlib trong những năm qua.  Ông Sam Heller, nhà phân tích của Century Foundation cho rằng, khả năng quân nổi dậy giữ được lãnh thổ phụ thuộc vào việc liệu Damascus và các đồng minh như Nga và Iran có thể tiến hành một cuộc phản công hay không.

“Chắc chắn nhóm Hayat Tahrir al-Sham và các nhóm phiến quân khác sẽ gặp khó khăn để giữ vững một số khu vực ở vùng nông thôn Aleppo nếu họ bị không kích hay pháo kích mạnh mẽ. Tuy nhiên, về lâu dài, việc phe nổi dậy giành quyền kiểm soát Aleppo sẽ khiến Tổng thống al Assad và các đồng minh khó đẩy lùi lực lượng này hơn”.

Ông Sam Heller, nhà phân tích của Century Foundation

Hiện tại, máy bay chiến đấu của Syria và Nga đang tăng cường không kích vào lực lượng đối lập ở miền Bắc Syria để đáp trả cuộc tấn công bất ngờ. Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn tin chưa xác minh cho rằng, Tổng thống Syria al Assad và gia đình đã bay tới Moscow, Nga để tị nạn.

Tại sao nhóm phiến quân dễ dàng nổi dậy?

Trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc xung đột ở Syria gần một thập kỷ trước, Aleppo bị chia cắt thành các khu vực do chính phủ và phiến quân kiểm soát, nhưng với sự giúp đỡ của không quân Nga, cố vấn quân sự từ Iran và lực lượng Hezbollah ở Liban, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ thành phố vào cuối năm 2016. Kể từ thời điểm đó, xung đột ở Syria vẫn âm thầm diễn ra với các cuộc giao tranh nhỏ lẻ, trong đó lực lượng phiến quân chủ yếu bị giới hạn hoạt động ở tỉnh Idlib, nằm cạnh tỉnh Aleppo. Vậy điều gì giúp lực lượng phiến quân đối lập giành được quyền kiểm soát thành phố lớn thứ hai của Syria sau 8 năm ẩn mình? Và diễn biến này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh chính trị hiện nay?

Syria rơi vào nội chiến năm 2011. Năm 2014, với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, chính phủ Syria mất phần lớn lãnh thổ vào tay các nhóm phiến quân và khủng bố Hồi giáo cực đoan. Khi đó, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu khởi động chiến dịch chống IS ở Syria, đồng thời hậu thuẫn dân quân người Kurd chiến đấu chống Chính phủ Syria. Đến tháng 9/2015, Nga mở chiến dịch tấn công khủng bố tại Syria theo lời đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad và ủng hộ ông tìm kiếm giải pháp chính trị với các nhóm dân quân đối lập. Ngoài Nga, Damascus cũng nhận trợ giúp từ Iran và các nhóm dân quân đồng minh, bao gồm lực lượng Hezbollah ở Liban. Cuối năm 2017, IS và các nhóm khủng bố cơ bản bị đẩy lùi khỏi Syria. Chính quyền của Tổng thống al-Assad giành lại quyền kiểm soát phần lãnh thổ rộng lớn ở bờ Đông sông Euphrates; dân quân thân Mỹ chiếm giữ khu vực bờ Tây gần biên giới Iraq. Các nhóm phiến quân, bao gồm nhóm Hayat Tahrir al-Sham, nắm giữ một nửa tỉnh Idlib gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và một phần nhỏ các tỉnh Aleppo, Latakia và Hama lân cận.

Sau những diễn biến mới nhất ở Aleppo, giới quan sát đánh giá, các nhóm phiến quân đã tái tập hợp lực lượng sau nhiều năm và đang trên đà trỗi dậy, trong bối cảnh Trung Đông gần đây ghi nhận nhiều diễn biến không thuận về an ninh. Trên tờ New York Times, chuyên gia Natasha Hall của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, việc Hezbollah gần đây lao vào xung đột với Israel khiến tiềm lực của nhóm này phần nào suy giảm. Hezbollah đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quân đội Syria trấn áp các nhóm phiến quân. Trong năm qua, lực lượng Hezbollah đã rút bớt quân từ Syria về Liban, để dồn sức giao tranh với Israel.

Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, cho hay nhiều tháng Israel không kích vào mục tiêu của Syria và Hezbollah trong khu vực, cùng với lệnh ngừng bắn với Hezbollah tuần qua là những yếu tố tạo cơ hội cho quân nổi dậy ở Syria hành động. Cùng với đó, Nga, bên bảo trợ quan trọng của quân đội chính phủ Syria, cũng đang phải dồn nguồn lực cho chiến sự Ukraine. Điều này khiến quân đội Nga khó có thể tập trung lực lượng yểm trợ Syria khi họ bị tấn công.

Theo các nhà phân tích, một Hezbollah bị suy yếu và một nước Nga bị phân tâm bởi xung đột ở Ukraine có thể khiến việc hỗ trợ chính quyền tổng thống al Assad trở nên khó khăn hơn. Dù rằng điều này không có nghĩa là Nga hay lực lượng Hezbollah sẽ từ bỏ Damacus. Cả hai đều đầu tư sâu vào Syria, nhưng họ không có nguồn lực và sự quan tâm mạnh mẽ như năm 2015 - 2016 để dập tắt cuộc nổi loạn của các nhóm phiến quân. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo với Tổng thống Assad về việc dựa dẫm quá nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, mà không tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài.

Ai hưởng lợi từ leo thang xung đột Syria?

Mặc dù Syria không trực tiếp tham gia vào các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông trong năm qua, nhưng lãnh thổ của nước này từ lâu đã trở thành chiến trường ủy nhiệm cho các cường quốc quốc tế. Do đó, chiến sự leo thang ở Syria với nhiều lớp lợi ích chính trị dày đặc sẽ tiềm ẩn nhiều tác động sâu rộng. Bên cạnh đó, xung đột ở Syria nóng trở lại vào thời điểm vô cùng nhạy cảm, từ thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực giữa Israel và Hezbollah, nguy cơ đáp trả hạt nhân trong xung đột Ukraine cho đến giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Mỹ. Do đó, vấn đề được đặt ra là bên nào được hưởng lợi từ giai đoạn mới trong cuộc xung đột ở Syria?

Có nhiều suy đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi từ sự leo thang gần đây ở Syria, nhưng cho đến nay lập trường chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn mơ hồ. Một mặt, Ankara dường như duy trì ủng hộ lực lượng đối lập chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad; mặt khác, họ lại tỏ ra “miễn cưỡng” chịu trách nhiệm về những sự kiện đang diễn ra và bày tỏ thất vọng với các hành động của “phe đối lập” có trụ sở tại Idlib.

Cũng có những suy đoán rằng sự leo thang hiện tại là do các tác nhân bên ngoài như Israel và Mỹ thúc đẩy. Sự bùng nổ bắt đầu ngay sau lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah và một tuần sau các báo cáo về việc tên lửa tầm xa của phương Tây được sử dụng trong các cuộc tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, cùng với cuộc thử nghiệm trả đũa của Nga đối với hệ thống tên lửa Oreshnik.

Chuyên gia Murad Sadygzade, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, Trường Đại học tổng hợp nghiên cứu quốc gia Nga cho rằng, có khả năng Mỹ và Israel tận dụng tình hình ở Ukraine, căng thẳng với Iran, lập trường chống Israel của Ankara và từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, đã kích động tình hình bất ổn ở Syria để đạt được một số mục tiêu.

Một mục tiêu như vậy có thể là mở ra một “mặt trận” mới chống lại Tehran và gieo rắc bất hòa giữa Tehran và Ankara. Ngoài ra, nó có thể nhằm mục đích tăng thêm sức ép lên Lực lượng Không gian Vũ trụ của Nga hỗ trợ Damascus, qua đó chuyển hướng nguồn lực của Nga trong bối cảnh nước này tham gia vào Ukraine. Phương Tây có thể đã tìm cách làm suy yếu thêm vị thế của Nga, hy vọng mở ra một “mặt trận thứ hai” chống lại Moscow với kỳ vọng đạt được lợi ích ở Syria.

Trong khi đó, theo phân tích của Hội đồng quan hệ Đối ngoại có trụ sở ở Washington, Mỹ, việc phá vỡ trục Iran-Syria chắc chắn sẽ có lợi cho an ninh của Israel, vì điều này sẽ làm suy yếu khả năng cung cấp vũ khí cho Hezbollah. Được biết, Syria là tuyến hậu cần quan trọng để Hezbollah tiếp nhận vũ khí từ Iran, củng cố năng lực tại Liban. Mặt khác, Iran đầu tư mạnh vào Syria với hàng chục căn cứ quân sự, các cơ sở sản xuất vũ khí và sở chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Sự suy yếu của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sẽ khiến vị thế chiến lược của Iran trong khu vực xấu đi. Bằng chứng là trước diễn biến leo thang, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngay lập tức đã bay đến Damascus để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ Syria.

Với Mỹ, Washington hiện có 900 binh sỹ đồn trú ở Syria tập trung quanh một căn cứ ở al-Tanf. Nhiệm vụ của lực lượng này là giúp Lực lượng Dân chủ Syria kiềm chế Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc lực lượng phiến quân tiếp quản Aleppo và các khu vực khác không thay đổi nhiệm vụ này; nhưng trên thực tế, các phần tử cực đoan trong phe nổi loạn có thể khiến nhiệm vụ này trở nên cấp bách hơn. Một câu hỏi bỏ ngỏ khác là tương lai lực lượng này có còn ở lại Syria sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới hay không. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã hai lần tuyên bố sẽ rút lực lượng Mỹ ở Syria về nước.

Tình hình leo thang xung đột ở Syria vượt ra ngoài ranh giới của một cuộc xung đột cục bộ, đóng vai trò như một lời cảnh báo nghiêm khắc về sự bất ổn toàn cầu. Vùng Tây Bắc Syria đã trở thành một chiến trường nơi lợi ích của các cường quốc hội tụ và bạo lực gia tăng phản ánh những rạn nứt sâu sắc trong trật tự thế giới hiện tại. Sự tham gia của các bên với những tính toán riêng đã biến khu vực này thành một thế giới thu nhỏ của những mâu thuẫn địa chính trị, có khả năng báo trước một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn. Để tránh kịch bản này, cộng đồng quốc tế phải hợp tác để thiết lập một trật tự thế giới mới, kiên cường hơn có khả năng giải quyết các thách thức hiện đại. Điều này đòi hỏi đối thoại, thỏa hiệp và sẵn sàng vượt qua những chia rẽ cũ vì một tương lai chung.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với dịch cúm mùa đông khi nhiều người đi lại, tụ họp trong dịp lễ cuối năm và đón năm mới. Hàng chục nghìn ca mắc đã được ghi nhận, phổ biến nhất là chủng virus cúm B.

Trung Quốc đang đối mặt với số ca nhiễm các bệnh hô hấp liên quan đến virus HMPV gia tăng, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Đợt bùng phát xảy ra 5 năm sau khi thế giới lần đầu phát hiện dịch Covid-19, khiến nhiều người lo lắng viễn cảnh về đại dịch khác.

Trung Quốc mới đây đã ra mắt chiếc ô tô điện vừa chạy vừa bay đầu tiên mang tên "Dongda Kunpeng-1" do nhóm nghiên cứu của Đại học Đông Nam phát triển.

Ngày 4/1, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - Israel Katz xác nhận các cuộc đàm phán gián tiếp với Hamas đã nối lại tại Qatar về việc thả các con tin bị bắt trong các vụ tấn công tháng 10/2023.

Cụ bà Tomiko Itooka người Nhật Bản, được Sách Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là người sống lâu nhất thế giới, đã qua đời tại nước này, thọ 116 tuổi.

Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết cơ quan này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 tới.