Hà Nội mùa sen trăm cánh
Hà Nội mùa sen trăm cánh
Sen có ở nhiều làng quê, nhưng sen đại đóa bách diệp ở Tây hồ mang nét riêng.
Sen bách diệp bông to, thơm đượm, như một đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho hồ Tây, Hà Nội, và vẻ như chỉ có nước Tây hồ mới làm sen ngát thơm và tươi sắc đến thế.
Sen hồ Tây hay còn gọi là sen bách diệp có đặc điểm dễ nhận biết với cánh hoa kép, màu hồng thắm, hương thơm lâu, gạo sen to và căng mọng. Đây là loại sen đặc biệt, đã được công nhận sở hữu trí tuệ.
Theo kinh nghiệm của những người trồng sen, với sen bách diệp, không phải bông hoa nào cũng có 100 trăm cánh. Số cánh hoa phụ thuộc vào cách chăm sóc. Với những bông hoa đầu mùa, khỏe, to thì mới được hơn 100 cánh, còn bình thường chỉ khoảng 80 - 90 cánh/bông.
Quanh hồ Tây có 18 hồ nhỏ với khoảng trên 20ha diện tích mặt nước có thể trồng sen. Đầm Đông và Thủy Sứ là 2 hồ rộng khoảng 7,5 héc ta nằm trong chương trình thí điểm bảo tồn sen Bách Diệp của quận Tây Hồ.
Những năm gần đây giống sen Bách Diệp dần bị thoái hóa, một số cây chỉ ra lá, ít ra hoa, ngoài nguyên nhân nguồn nước bị ô nhiễm còn do sen bị thối nhân và thối ngó.
Để bảo tồn giống sen quý, hơn 2.000 cây sen Bách Diệp đầu tiên được đem về trồng tại hồ Đầm Đông rộng khoảng 3,7ha. Mỗi cây được trồng cách nhau khoảng 2m. Trước đó chủ đầm đã sử dụng nhiều giải pháp để cải tạo nước, đất trong hồ, phun thuốc sinh học để xử lý vấn đề sâu mục, cây héo ngọn.
Còn tại hồ Thủy Sứ, sau thời gian hút cạn nước, rắc vôi và phơi khô đất, các chủ đầm cũng đã trồng thử nghiệm sen tại một số vị trí và trong chậu. Kết quả cho thấy 90% mầm sen sinh trưởng tốt. Dự kiến sẽ trồng đại trà phủ kín hồ khoảng 5.000 đến 8.000 gốc sen.
Những công dụng của sen
Sen đã khiến cho mùa hè Hà Nội thêm nhiều thương nhớ. Mùa hoa chỉ kéo dài chưa đầy 2 tháng từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7, nhưng những người yêu sen Hà Nội vẫn có thể tìm hương sen trên những sản phẩm được làm từ loài hoa này như trà sen, ẩm thực sen, hay lụa được dệt từ sợi sen.
Ở Hà Nội, từ xa xưa, người dân các làng Quảng Bá, Tây Hồ và Nghi Tàm đã lưu truyền nghề ướp trà sen, đưa hương sen Tây Hồ vào nghệ thuật thưởng trà. Trà sen Bách Diệp giá bán lên đến chục triệu đồng/kg.
Trà sen không lạ, nhưng lạ là phải đúng sen Bách Diệp được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo.
Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, là lúc những người trồng sen ở Quảng An, Tây Hồ, đi hái sen để ướp trà. Đây là thời điểm hoa có độ tươi và hương thơm thanh khiết nhất.
Từng bông hoa được tách lấy gạo - thứ được ví như túi hương của bông sen. Khó nhất khi lấy gạo là làm sao gạo sen không bị nát. Hương vị tinh túy của chén trà sen qua 7 lần ủ gạo và sấy. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu.
Không biết có phải vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ và nhẹ nhàng hay không mà những người làm công đoạn này ở Quảng An chủ yếu là phụ nữ. Người Quảng An thường dùng trà Tân Cương, Thái Nguyên để làm trà vì sự đậm đà và mùi thơm riêng có của nó.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận ở làng lụa Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lại có cách làm ra sản phẩm khác từ cây sen. Năm 2019, bà đã dệt thành công lụa từ tơ sen, trở thành nghệ nhân dệt lụa đầu tiên ở Việt Nam làm được điều này.
Sản phẩm lụa từ tơ sen bền, mát và có thể làm thành túi, vỏ bọc sổ sách, đồ trang trí trong nhà, đóng khung treo tường... Trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Bà Thuận cho biết phải cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7 m, giá thành hơn 8 triệu đồng.
Tình yêu của người Hà Nội với hoa sen cộng hưởng với sự khéo léo của những bàn tay lành nghề đã lưu giữ và lan tỏa hương sen Tây hồ đến công chúng trong và ngoài nước. Bởi thế, dù mùa sen có ngắn ngủi thì hương thanh khiết của loài hoa được nhiều người tôn là quốc hoa sẽ vẫn được lưu lại lâu dài.
Nhằm quảng bá sen Bách Diệp, quận Tây Hồ đang tích cực chuẩn bị để tổ chức lễ hội sen vào tháng 7 tới.
Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.
Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.
Với mục tiêu thay đổi diện mạo của Thủ đô, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị và cải tạo cảnh quan môi trường, mang đến cho người dân một không gian sống chất lượng.
Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 vừa qua, hoa giấy ở làng nghề Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đã khoe sắc trở lại. Thời điểm này, người trồng hoa đang tất bận chuẩn bị cho Lễ hội 'Sắc hoa trên miền di sản' được tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm.
Mỗi khi chiều buông nắng, nếu có dịp đến ngã ba sông Hồng - sông Đuống, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
0