Hai phim Việt ra rạp cùng ngày: Doanh thu khiêm tốn
Sau ngày cuối tuần công chiếu, phim “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân thu về hơn 350 triệu đồng, trong khi “Giải cứu anh thầy” của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh là hơn 120 triệu đồng, theo số liệu từ Box Office Vietnam.
Giành giải thưởng “Phim đầu tay xuất sắc nhất” tại Liên hoan Phim quốc tế Berlin 2024 - một trong ba liên hoan phim đình đám nhất thế giới, “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân có một khởi đầu rực rỡ. Tiếp đến, phim còn đi nhiều liên hoan phim, đạt thêm giải thưởng “Phim châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) hồi hè. Giới phê bình tán dương “Cu li không bao giờ khóc” hết lời nhưng khi ra rạp, phim vẫn không chạm được tới đại chúng.
Nhân vật chính của phim là bà Nguyện (NSND Minh Châu thủ vai) trở về Hà Nội sau chuyến đi châu Âu để nhận hài cốt của chồng và thừa kế con culi - thú nuôi của chồng bà. Ở thủ đô, bà sống cùng cháu gái tên Vân (người mẫu Hà Phương đóng) trong một con phố nhỏ, ngõ nhỏ. Thời điểm bà Nguyện trở về cũng là lúc Vân phát hiện mình mang bầu với Quang, thanh niên lông bông, không rõ nghề nghiệp. Cùng lúc ấy, bà Nguyện bị thu hút bởi một cậu bồi bàn ở phòng trà nơi bà thường lui tới…
Phim mang màu sắc đen - trắng, có ngôn ngữ điện ảnh độc đáo với một không gian mơ hồ, đan xen thực tại - quá khứ, người già - người trẻ để nói về sự cô độc của tuổi già, sự mất phương hướng của tuổi trẻ. Phim khai thác những dấu tích của quá khứ, thời gian một cách tinh tế để gợi lên nỗi u sầu về những gì đã mất. Mạch phim chầm chậm, ít cao trào nhưng tính thơ và tính điện ảnh cao, thể hiện qua nhiều hình ảnh giàu cảm xúc và diễn xuất của NSND Minh Châu cũng như thế hệ diễn viên trẻ như Hoàng Hà, Hà Phương, Xuân An.
Dù có cách truyền thông tạo sự khác biệt so với những phim arthouse trước đây, nhưng “Cu li không bao giờ khóc” vẫn không chạm được tới đại chúng. Hình thức thể hiện phim đen trắng vốn đã rất khó bán vé với những khán giả quen xem phim giải trí, thêm nhịp phim chậm và mang không khí hoài niệm quá khứ lại còn khiến đối tượng xem của “Cu li không bao giờ khóc” là “ngách của ngách”. Chính vì thế, dù nhận vô số lời khen từ giới chuyên môn trong nước và quốc tế, “Cu li không bao giờ khóc” vẫn không tạo ra sự khác biệt về thương mại cho các phim arthouse Việt Nam từ trước đến nay - được giải quốc tế nhưng chiếu trong nước khán giả lèo tèo.
Trong khi “Cu li không bao giờ khóc” còn chưa chạm tới cột mốc 500 triệu đồng trong 3 ngày chiếu quan trọng nhất, số phận phòng vé của “Giải cứu anh thầy” còn khiêm tốn hơn khi chưa đạt được con số 200 triệu đồng.
Nguyễn Phi Phi Anh là một đạo diễn trẻ từng tạo cơn sốt với ba vở nhạc kịch “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố danh vọng” và “Mộng ước không xa vời” cách đây vài năm. Khi ấy, hơn 20 đêm diễn đều “cháy vé” và biến Nguyễn Phi Phi Anh trở thành một cái tên gây chú ý với giới nghệ thuật. “Giải cứu anh thầy” là phim đầu tay của nam đạo diễn thế hệ mới này.
Sáng tạo và hài hước từng là các yếu tố tạo điểm nhấn trong những vở nhạc kịch trước đây, nay được Phi Anh đưa lên phim điện ảnh. Phim bắt đầu với việc nhân vật Minh Thấu, một “bậc thầy phong cách sống”, thở ra là đạo lý, đi khuyên bảo người khác phải sống thế nào. Nhưng vì một lý do bí ẩn, Minh Thấu mắc nợ một khoản tiền lớn, bất đắc dĩ phải tìm cách bỏ trốn. Êkip sáng tạo mạng xã hội của “thầy” tan đàn xẻ nghé, buộc phải đi tìm công việc mới. Lúc này, cô em gái kiêm trợ lý là Minh Tinh quyết tâm đi tìm anh trai và tìm cách giải quyết mọi vấn đề đang mắc phải.
“Giải cứu anh thầy” thuộc để loại Dark Comedy (Hài giễu nhại). Phim khai thác nhiều yếu tố thời sự trên mạng xã hội như việc nói đạo lý, bán hàng online, livestream, “phông bạt”… với nhiều ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, ngôn ngữ điện ảnh của phim lại bộc lộ sự non nớt ở một tác phẩm đầu tay, khi nhiều cảnh hài không gây cười được, tính kịch nặng hơn tính điện ảnh. Nguyễn Phi Phi Anh cũng liều lĩnh khi chọn dàn diễn mới hoàn toàn, chưa từng có kinh nghiệm đóng điện ảnh và đều là những tên tuổi không có tính thương mại. Chính vì lẽ đó, “Giải cứu anh thầy” không có yếu tố câu khán giả bỏ tiền ra rạp xem, dù trước đấy, phim có một chiến dịch PR khá lạ là “Blind Movie” (Bộ phim bí ẩn) – chiếu sớm vài suất và bí mật toàn bộ thông tin về bộ phim để khán giả tò mò.
Qua tuần công chiếu, được coi là thời điểm quan trọng để kích cầu doanh thu, cả “Cu li không bao giờ khóc” và “Giải cứu anh thầy” đều không tạo được đột phá nào về thương mại và khả năng tạo cú hích doanh thu là rất khó.
Trong lịch sử các phim indie cũng như arthouse Việt từng giành giải thưởng quốc tế mà vẫn có doanh thu tốt chỉ có trường hợp của “Ròm” vào năm 2020. Bộ phim đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy đã chiến thắng hạng mục “New Currents” (được coi là quan trọng nhất) ở Liên hoan Phim Busan 2019 và sau đó khi chiếu trong nước đã thu về gần 70 tỷ đồng - con số không tưởng và là mơ ước của nhiều nhà làm phim độc lập Việt Nam.
Từ trường hợp doanh thu của “Cu li không bao giờ khóc” và “Giải cứu anh thầy”, có lẽ các nhà làm phim Việt Nam lại tiếp tục phải đi tìm lời giải cho bài toán cân bằng, làm sao để một phim Việt Nam mang dấu ấn tác giả rõ rệt nhưng vẫn phải có những điểm chạm để khán giả đại chúng chú ý và bỏ tiền ra rạp xem.
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là dự án phim hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày hoà bình thống nhất đất nước, đang nhận được nhiều sự chú ý từ khán giả.
Tối 22/12, Chương trình chính luận nghệ thuật “Khúc quân hành vang mãi non sông” được tổ chức tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tái hiện hành trình đầy tự hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng thời là món quà âm nhạc tri ân những người lính Cụ Hồ đã và đang ngày đêm gìn giữ hòa bình đất nước, lan tảo niềm tự hào, ý chí và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Chương trình chính luận nghệ thuật “Khúc quân hành vang mãi non sông” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đã mang tới cho khán giả Thủ đô cảm xúc hào hùng, lắng đọng.
Chỉ còn hai ngày nữa là diễn ra đêm Chung kết Cuộc thi 'Tiếng hát Hà Nội 2024'. Các thí sinh bước vào giai đoạn luyện tập quan trọng với dàn nhạc, mong có được phần trình diễn hoàn hảo nhất.
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tối 22/12, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Đài Hà Nội tổ chức Chương trình chính luận nghệ thuật “Khúc quân hành vang mãi non sông”.
Tối 22/12, chương trình chính luận nghệ thuật “Khúc quân hành vang mãi non sông” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024) đã diễn ra tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), tái hiện hành trình đầy tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam.
0