Hàng không dân dụng Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ

Hàng không dân dụng là ngành chiến lược quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc. Sau thời gian khó khăn do đại dịch, ngành hàng không dân dụng của Trung Quốc đã chứng minh khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong năm 2024, với kỷ lục hơn 700 triệu chuyến bay chở khách tính đến ngày 15/12.

Phục hồi mạnh mẽ 

Trung Quốc đã sản xuất máy bay trong nước để tăng sức cạnh tranh với các hãng máy bay nước ngoài. Nước này cũng chuyển sang sử dụng nhiên liệu hàng không sạch để hướng tới sự phát triển bền vững. Theo dự báo, thị trường dịch vụ hàng không dân dụng của Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất toàn cầu trong hai thập kỷ tới, với giá trị thị trường sẽ tăng gần gấp ba lần.

Trong những năm qua, quy mô, hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải hàng không dân dụng của Trung Quốc đã liên tục được cải thiện nhanh chóng và ổn định, với thị phần trong hệ thống vận tải chung tăng lên qua từng năm. Trong nhiều năm liên tiếp, đóng góp của vận tải hàng không Trung Quốc vào sự tăng trưởng của vận tải hàng không toàn cầu đã vượt quá 20%.

Năm 2024, chỉ số chính về tổng doanh thu vận tải hàng không dân dụng, sản lượng vận chuyển hành khách và sản lượng vận chuyển hàng hóa, thư tín đều đạt mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc, các hãng hàng không Trung Quốc đã ghi nhận 700,48 triệu chuyến bay chở khách tính từ đầu năm đến giữa tháng 12, đánh dấu mức cao kỷ lục trong lịch sử phát triển của hàng không dân dụng Trung Quốc. Con số này trong năm 2023 là 620 triệu chuyến.

Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không vào năm 2024 chủ yếu được thúc đẩy bởi các tuyến bay nội địa, ghi nhận khoảng 640 triệu chuyến bay chở khách, tăng 13 % so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 14 % so với cùng kỳ năm 2019.

"Năm nay, các sân bay chính trong nước đã liên tục mở rộng mạng lưới xương sống của mình, trong khi các sân bay nhánh cũng mở rộng thêm mạng lưới cơ bản như một phần trong nỗ lực cải thiện các dịch vụ dựa vào nguồn lực du lịch địa phương. Một số khu vực, chẳng hạn như Tân Cương, Vân Nam và Nội Mông, đã kết nối với cả các tuyến chính và tuyến nhánh để tạo ra các hình thức kinh doanh mới tích hợp hàng không dân dụng và du lịch, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trong nước". 

Bà Zhong Shan, Viện Khoa học và Công nghệ Hàng không dân dụng Trung Quốc

Các tuyến bay quốc tế cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể với hơn 60 triệu lượt hành khách, phản ánh mức tăng đột biến theo năm là hơn 130 % và đạt khoảng 88% mức trước đại dịch vào năm 2019, khi các hạn chế đi lại toàn cầu được nới lỏng và nhu cầu đi lại phục hồi.

Kể từ đầu năm nay, các hãng hàng không lớn của Trung Quốc đã nối lại và triển khai các đường bay quốc tế mới, đồng thời tăng cường chuyến bay trên các đường bay phổ biến. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết đã phê duyệt đơn đăng ký lịch trình bay chở khách và hàng hóa quốc tế của 178 hãng hàng không trong và ngoài nước.

Điều đáng chú ý là vận tải hành khách hàng không đã đạt đến những đỉnh cao mới trong các đợt cao điểm đi lại như Tết Nguyên đán và nghỉ hè, với số lượng hành khách trung bình hàng ngày hơn 2 triệu lượt.

Theo số liệu từ Cục hàng không dân dụng Trung Quốc, tính đến cuối tháng 10/2024, Trung Quốc có tổng cộng 262 sân bay vận tải hàng không và đội bay gồm 4.365 máy bay vận tải.

"Các hãng hàng không của Trung Quốc đã mở 697 tuyến bay quốc tế thường lệ, phục vụ 140 điểm đến tại 74 quốc gia".

Ông Wang Ruoyuan, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC)

Về vận tải hàng hóa, vào tháng 11, Trung Quốc tiếp tục tăng cường năng lực vận tải hàng không quốc tế bằng cách khai trương 11 tuyến vận tải hàng hóa mới.

Tính đến tháng 11/2024, Trung Quốc đã mở tổng cộng 156 tuyến vận tải hàng không quốc tế trong năm nay, với sự bổ sung ấn tượng hơn 430 chuyến bay khứ hồi mỗi tuần. Sự phân bổ các tuyến này cho thấy, Trung Quốc đang tập trung mạnh mẽ vào châu Á, chiếm 78 tuyến, tiếp theo là châu Âu với 50 tuyến và Bắc Mỹ với 23 tuyến. Các loại hàng hóa chính được vận chuyển bao gồm hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, nông sản tươi sống, sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô.

Dự báo mới nhất của Airbus về giá trị của thị trường dịch vụ hàng không của Trung Quốc tăng từ 18,6 tỷ USD vào năm 2023 lên 23 tỷ USD vào năm 2024, tăng 24%.

"Trong những năm gần đây, chúng tôi đã quan sát thấy bốn xu hướng trong thị trường dịch vụ tại Trung Quốc. Nhu cầu về vật liệu tăng mạnh, do lưu lượng hàng không tăng và sự phát triển của đội bay. Xu hướng thứ hai là chuyển đổi, đặc biệt là đối với các dịch vụ đào tạo. Xu hướng thứ ba mà chúng tôi quan sát thấy là về việc số hóa và kết nối. Xu hướng cuối cùng là về tính bền vững. Cả bốn xu hướng đều rất tích cực vì chúng liên quan đến tính an toàn, hiệu quả và tính bền vững."

Ông Hu Yongdong, Phó Chủ tịch dịch vụ khách hàng Airbus tại Trung Quốc

Tiềm năng tăng trưởng to lớn của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự mở rộng của thị trường dịch vụ hàng không. Theo dự báo của Airbus, Trung Quốc sẽ có 11.160 máy bay hoạt động vào năm 2043. Trong số đó, có 9.520 máy bay chở khách và chở hàng mới, chiếm hơn 20% nhu cầu toàn cầu trong giai đoạn đó. Khoảng 26% máy bay mới sẽ phục vụ để thay thế đội bay hiện có.

Tự sản xuất máy bay để tăng sức cạnh tranh

Để tăng sức cạnh tranh với các nhà sản xuất máy bay Airbus và Boeing ở ngay chính thị trường trong nước, Trung Quốc đã tự nghiên cứu phát triển các dòng máy bay chở khách thân hẹp. Trong đó nổi bật là máy bay ARJ21, C919. Trung Quốc đã mất nhiều năm nghiên cứu và ra mắt những mẫu máy bay này. Đến nay, C919 và ARJ21 đã đạt được một cột mốc quan trọng khi phục vụ các chuyến bay đến 10 thành phố trong nước, đánh dấu sự hiện diện ngày càng tăng của loại máy bay Trung Quốc trên thị trường hàng không dân dụng nội địa.

Máy bay C919 là máy bay chở khách loại phản lực đầu tiên do Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) tự phát triển theo các tiêu chuẩn bay quốc tế và sở hữu quyền sở hữu trí tuệ độc lập. C919 dài 38,6m có thiết kế từ 158 đến 192 ghế ngồi và phạm vi bay từ 4.075 đến 5.555 km. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, C919 sử dụng nhiều kỹ thuật tân tiến, như bố cục khí động tiên tiến, động cơ tốn ít nhiên liệu và tiếng ồn thấp.

Với dòng máy bay C919, Trung Quốc đã trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể tự thiết kế và sản xuất máy bay chở khách. Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng máy bay C919 sẽ giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Nước này cũng đặt mục tiêu máy bay C919 sẽ chiếm 10% thị phần nội địa năm 2025.

Theo truyền thông Trung Quốc, hãng Comac năm nay đã nhận được đơn hàng sản xuất 100 chiếc C919 với tổng giá trị 10,8 tỷ USD cho hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China. Dự kiến số máy bay này sẽ được giao trong giai đoạn 2024-2031, giúp tăng công suất vận chuyển của Air China thêm 7,5%.

Kể từ khi ra mắt thương mại vào ngày 28/5/2023, đội bay C919 đã khai thác hơn 5.500 chuyến bay thương mại và chuyên chở hơn 750.000 hành khách tính đến ngày 21/11/2024.

"Kể từ đầu năm nay, các máy bay nội địa đã phục vụ các tuyến bay từ Vũ Hán đến các thành phố Trùng Khánh, Quảng Châu, Hohhot và Sán Đầu, với lưu lượng hành khách tăng đều đặn theo từng tháng. Trong tương lai, chúng tôi sẽ hợp tác với các hãng hàng không để mở các tuyến bay khu vực đến các thành phố hạng hai và hạng ba, làm phong phú thêm mạng lưới tuyến bay của chúng tôi".

Bà Qu Xiaoni, Phó Giám đốc Phòng tiếp thị tại sân bay quốc tế Thiên Hà, Vũ Hán

Một sản phẩm máy bay nội địa khác của Trung Quốc là ARJ21. Đây là máy bay phản lực đầu tiên cũng do hãng COMAC tự nghiên cứu và sản xuất, hoạt động thương mại từ năm 2016. ARJ21 sử dụng động cơ của Mỹ và các thiết bị khác của Đức, có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km, với sức chứa từ 78 đến 97 chỗ.

Tập đoàn COMAC vừa đổi tên ARJ21 thành C909 và đổi màu sơn từ đỏ trắng sang xanh trắng. Việc đổi màu sơn và đổi tên giúp C909 thống nhất về độ nhận diện với các sản phẩm khác của COMAC, là máy bay thân hẹp C919 (đã hoạt động thương mại) và máy bay thân rộng C929 (đang phát triển). Nó cũng cho thấy tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trong việc cạnh tranh với hai gã khổng lồ Airbus và Boeing.

Hiện tại có 124 chiếc C909 đang phục vụ cho các chuyến bay nội địa Trung Quốc.  Theo Comac, tính đến nay, C909 đã phục vụ 13 triệu lượt hành khách nội địa.

Hướng tới hàng không bền vững

Trong xu thế phát triển hàng không xanh, bền vững, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã bắt đầu chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch, để giảm khí thải carbon và giảm chi phí. Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các công ty tại nước này đã thúc đẩy tái sử dụng dầu ăn đã qua sử dụng thành nhiên liệu hàng không bền vững. Mới đây, Trung Quốc đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững sản xuất trong nước.

So với nhiên liệu máy bay phản lực truyền thống, nhiên liệu hàng không bền vững có thể giảm lượng khí thải carbon tới 80%, khiến nó trở thành một sáng kiến mang tính đột phá trong hàng không bền vững.

Một chiếc máy bay C909, tên gọi khác của ARJ21, do Trung Quốc tự sản xuất chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững, đã hoàn thành chuyến bay chính thức đầu tiên hôm 18/12. Máy bay khởi hành từ Sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải và hạ cánh thành công tại Sân bay quốc tế Giang Bắc, Trùng Khánh.

"Bây giờ, chúng tôi cảm thấy việc ăn lẩu không chỉ là thưởng thức những món ăn ngon - mà còn mang ý thức trách nhiệm xã hội về việc góp phần giảm lượng carbon trong ngành hàng không dân dụng". 

Ông Chen Yu, Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng mới Tianzhou

Ngoài dầu thừa của món lẩu, các công ty hóa chất như Tianzhou cũng đang biến dầu ăn qua sử dụng từ các nhà hàng và hộ gia đình thành một chất sẽ thúc đẩy tương lai của ngành hàng không bền vững.

Nhiên liệu hàng không bền vững đã được đưa vào sử dụng. Giai đoạn đầu tiên hiện tại bao gồm 12 chuyến bay từ bốn sân bay. Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu vào năm tới và sẽ chứng kiến chương trình mở rộng dần dần để thu hút nhiều hãng hàng không sử dụng nhiên liệu này hơn.

"Nhiên liệu hàng không bền vững có thể được pha trộn với nhiên liệu hóa thạch truyền thống mà không cần bất kỳ thay đổi nào đối với thiết kế máy bay hoặc động cơ. Điều này khiến nó trở thành lựa chọn tối ưu để giảm lượng carbon hiện nay. Và chúng tôi ủng hộ việc thành lập một tổ chức hàng không xanh quốc tế để dẫn đầu các nỗ lực chung trong việc giảm lượng khí thải trong toàn ngành hàng không". 

Ông Yao Junchen, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng không và Du hành vũ trụ Trung Quốc

Giống như hầu hết các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, SAF có giá thành cao. Hiện tại, ước tính nhiên liệu này đắt hơn từ ba đến năm lần so với nhiên liệu phản lực truyền thống làm từ dầu mỏ, chủ yếu là do chi phí sản xuất cao và quy mô còn hạn chế.

Năng lực sản xuất nhiên liệu bền vững hiện tại của Trung Quốc là khoảng 350.000 tấn mỗi năm, với kế hoạch tăng gấp mười lần trong những năm tới.

Liên quan đến việc khử cacbon cho ngành hàng không, vào tháng 10/2023, Trung Quốc đã ban hành "Đề cương phát triển sản xuất hàng không xanh (2023-2035)", trong đó đề xuất rằng, đến năm 2025, các máy bay dân dụng nội địa sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, máy bay tổng hợp chạy điện được đưa vào sử dụng thương mại, máy bay cất hạ cánh thẳng đứng chạy điện (eVTOL) được đưa vào vận hành thử nghiệm, máy bay năng lượng hydro hoàn thành thử nghiệm.

Với việc tăng khả năng “tự cung tự cấp”, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, ngành hàng không Trung Quốc đang ngày càng hướng tới xu hướng xanh và bền vững. Cùng với đó, ngành hàng không dân dụng Trung Quốc cũng đang liên tục đẩy nhanh việc ứng dụng các công nghệ mới như 5G và dẫn đường, góp phần cải thiện liên tục hiệu quả của các dịch vụ dẫn đường hàng không, từ đó tăng cường năng lực hàng không trong tương lai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngay trong ngày đầu năm mới nước Mỹ choáng váng bởi hai vụ khủng bố, và lý lịch của cả hai nghi can khiến người ta lo ngại hơn. Tất cả các vụ tấn công đều do các thành viên đã xuất ngũ hoặc đang tại ngũ của lực lượng vũ trang gây ra.

Bộ Y tế Kazakhstan cho biết nước này đã ghi nhận các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV) gây bệnh đường hô hấp, loại virus đang lây lan rộng ở Trung Quốc.

Sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp do virus Metapneumovirus (HMPV) tại Trung Quốc đại lục đã thu hút sự chú ý lớn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận. Hiện cả Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia đều báo cáo về nhiều trường hợp mắc bệnh. Vậy chính xác HMPV là gì? Những nhóm người nào cần phải cẩn thận trước virus này?

Theo nguồn tin Reuters, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo không xác định về biển Nhật Bản trong ngày hôm nay, 6/1.

Tại Hàn Quốc, tuyết rơi dày đặc từ ngày 5/1 đến sáng 6/1 đã bao phủ hầu hết các tỉnh phía Bắc, trong đó có thủ đô Seoul và các tỉnh lân cận như Gyeonggi và Gangwon.

Truyền thông Canada mới đây đưa tin Thủ tướng nước này Justin Trudeau có thể tuyên bố từ chức, sớm nhất là vào ngày hôm nay, 6/1.