Hậu quả khôn lường của xung đột Israel - Hamas

'Lò lửa' Trung Đông đã bị thổi bùng bằng đợt tấn công hiếm có của phong trào Hồi giáo Hamas ngày 07/10 và tiếp đó là đợt trả đũa cũng chưa từng có của Israel nhằm vào Dải Gaza. Trong một động thái chưa từng có, Tel Aviv còn quyết định phong tỏa toàn diện vùng lãnh thổ này và điều động 300.000 quân dự bị tới gần biên giới. Đây là những dấu hiệu cho thấy có thể Israel đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza. Theo giới quan sát, điều này – nếu xảy ra – sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

Đến nay, Israel mới chỉ đáp trả Hamas bằng các cuộc không kích. Quân đội Israel cho biết đã dội 6.000 quả bom xuống khoảng 3.600 mục tiêu ở Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng nổ. Tuy nhiên, khả năng về một cuộc tấn công trên bộ cũng đã được nhắc đến.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Yoav Gallant tuyên bố: “Chúng tôi bắt đầu chiến dịch tấn công từ trên không, sau này chúng tôi cũng sẽ tấn công từ mặt đất. Chúng tôi đã kiểm soát khu vực kể từ ngày thứ 2 của chiến dịch và cuộc tấn công sẽ được tăng cường hơn mỗi ngày."

Mặc dù vậy, một cuộc tấn công trên bộ nếu xảy ra sẽ đẩy xung đột lên một nấc thang mới, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Những hậu quả chính trị rộng lớn hơn có thể xảy ra, nếu không muốn nói là không thể tránh khỏi, đối với cả Israel và Palestine cũng như toàn bộ Trung Đông.

“Một cuộc tấn công trên bộ bài bản, tốn kém và tốn thời gian vào dải Gaza, có khả năng sẽ cướp đi sinh mạng của rất nhiều người ở cả hai bên”, Giáo sư John Blaxland - Đại học Quốc gia Australia nhận định.

Thương vong của người Palestine khi đó sẽ còn tăng cao hơn nữa, vì Hamas có thể trà trộn vào cộng đồng người dân Gaza, khiến việc giảm thiểu thương vong cho dân thường trở nên khó khăn. 

Trong khi đó, Lawrence Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College London cho rằng, Hamas sẽ chuẩn bị tốt cho một cuộc chiến trên bộ và trận chiến sẽ diễn ra đầy cam go. Quân đội Israel sẽ gặp rủi ro lớn hơn nhiều so với khi tiến hành các cuộc oanh tạc trên không. Bởi không giống như các cuộc xung đột trước đây, Hamas hiện giờ đã được trang bị máy bay không người lái giá rẻ có khả năng sát thương cao.

Một nguy cơ nữa là, hiện quân đội Israel mới chỉ đang giao chiến với Hamas. Nhưng Gaza là nơi có vô số nhóm vũ trang của người Palestine. Những tổ chức này không có nhân lực hay vũ khí hạng nặng như Hamas, nhưng họ đủ đông để gây ra sự phản kháng nghiêm trọng trên đường phố.

Hơn nữa, vấn đề giải cứu hơn 100 con tin đang bị lực lượng Hamas bắt giữ, cũng đặt Israel vào thế khó. Giải cứu những người bị bắt cóc là lý do để Tel Aviv đưa quân vào Gaza, nhưng làm như vậy cũng có nguy cơ kích động các chiến binh Hamas hành quyết con tin trong các cuộc tấn công trả thù. Hamas từng đe dọa sẽ giết con tin nếu Israel tấn công không báo trước vào người dân ở Dải Gaza. Các con tin được cho là đang bị giam giữ rải rác trên khắp Gaza, và có thể họ đang ở những khu vực khó tiếp cận nhất như trong các trại tị nạn đông đúc. Do vậy, kế hoạch đổ bộ vào Gaza và đánh bại Hamas mà các nhà lãnh đạo Israel đang muốn tiến hành, nhiều khả năng sẽ không phải là một chiến dịch dễ dàng và có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt. 

Xung đột không chỉ cướp đi mạng sống của nhiều người vô tội, mà còn khiến cả những người còn sống rơi vào cảnh khốn cùng. Israel kiểm soát hầu hết nguồn cung cấp điện và nước cho Gaza cũng như việc xuất nhập khẩu nhiên liệu, hàng hóa, thuốc men và việc đi lại của người dân trong và ngoài khu vực. Quyết định phong toả toàn diện dải Gaza của Israel khiến 2,3 triệu cư dân tại Gaza đối mặt với tình cảnh thiếu những loại hàng hoá thiết yếu nhất phục vụ cuộc sống. Nhiều người sau khi trở thành vô gia cư vì mất nhà cửa, đã phải tìm kiếm thực phẩm từ các đống đổ nát.

Liên hợp quốc cho biết, kể từ khi xung đột xảy ra, hơn 330.000 người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa chạy nạn. Các quan chức Chương trình Lương thực Thế giới ngày 12/10 đã mô tả tình hình nhân đạo ở dải Gaza là 'thảm khốc', và cho biết đang tiến hành đàm phán với tất cả các bên để mở một hành lang nhân đạo. Tuy vậy, Israel tuyên bố sẽ không có trường hợp ngoại lệ nhân đạo nào đối với cuộc bao vây dải Gaza cho đến khi tất cả các con tin nước này đang bị Hamas bắt giữ được giải thoát. Liên hợp quốc khẳng định, việc Israel bao vây hoàn toàn Dải Gaza, chặn nguồn hàng hóa thiết yếu để sinh tồn của dân thường, bị cấm theo luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, đêm 10/10 đã xảy ra một cuộc tấn công bằng súng cối vào lãnh thổ Israel xuất phát từ biên giới Syria. Quân đội Israel đã ngay lập tức đáp trả bằng một cuộc pháo kích vào các vị trí của nhóm vũ trang không xác định trên Cao nguyên Golan. Tình hình tại chảo lửa Trung Đông tiếp tục nóng lên khi ngày 12/10, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cho biết Israel đã tiến hành đồng thời các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào 2 sân bay chính ở thủ đô Damascus và thành phố Aleppo ở miền Bắc nước này. Syria đã triển khai lực lượng phòng không để đáp trả cuộc tấn công. 

Những biến cố xảy ra liên tiếp chỉ trong vài ngày đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn tại khu vực. 

“Chúng ta cần tránh không để xung đột lan rộng. Tôi lo ngại về các cuộc tấn công gần đây từ Nam Li-băng. Tôi kêu gọi tất cả các bên và những người có ảnh hưởng đối với các bên đó, tránh bất kỳ sự leo thang nào nữa.”, Ông Antonio Guterres- Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas diễn ra trong bối cảnh khu vực Trung Đông vẫn đang đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng dai dẳng chưa được giải quyết tại Yemen, Syria, Libya... Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, nếu các nỗ lực của cộng đồng quốc tế không đạt được thành công và xung đột tiếp tục kéo dài với sự tham gia của một bên thứ ba, Trung Đông có nguy cơ đối diện với một cuộc xung đột lớn hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và ổn định tại khu vực vốn vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những hệ lụy của làn sóng nổi dậy Mùa Xuân Arab năm 2011. Một khi xung đột và bạo lực lan rộng, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề mà Trung Đông đã từng phải hứng chịu trong thập niên trước, như bất ổn, làn sóng di cư, sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố và thảm họa nhân đạo.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa có chuyến thăm Trung Đông nhằm thể hiện tình đoàn kết với Israel, đồng thời ngăn xung đột leo thang tại khu vực.

“Thông điệp mà tôi mang đến cho Israel là: bạn có thể đủ mạnh mẽ để tự bảo vệ mình, nhưng chừng nào nước Mỹ còn tồn tại, bạn sẽ không bao giờ phải làm vậy. Chúng tôi sẽ luôn ở bên cạnh bạn”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đang đặt ra cho tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều thách thức đối ngoại khi Washington vừa muốn hỗ trợ đồng minh, song cũng phải tìm cách cân bằng hành động để tránh nguy cơ sa lầy ở Trung Đông, trong bối cảnh ông Biden đang tăng cường chiến dịch tái tranh cử của mình. 

Sau cuộc tấn công của Hamas, Mỹ đã tăng cường cung cấp trang thiết bị phòng không và đạn dược cho Israel, đồng thời đề nghị hỗ trợ thông tin tình báo cho các hoạt động giải cứu con tin. Để thể hiện sự hỗ trợ và răn đe đối với các đối thủ của Israel tại khu vực, Washington cũng đang điều động một nhóm tàu sân bay tới phía đông Địa Trung Hải. 

Tuy vậy, theo các nhà phân tích, khi số người chết tăng lên, cùng với tình hình con tin căng thẳng, giá dầu leo thang làm tăng lạm phát và gây tổn hại kinh tế có tác động đáng kể đến nền chính trị Mỹ, đặt ra những thách thức không nhỏ đối với ông chủ Nhà trắng.

Bà Carolyn Kissane – Trung tâm các vấn đề toàn cầu, Đại học NewYork, Mỹ cho biết: “Hiện chúng ta chỉ mới bắt đầu cuộc chiến rất, vẫn còn rất sớm, nhưng một câu hỏi lớn đặt ra là khi chiến tranh tiếp diễn và số người Palestine thiệt mạng tăng lên, sự phản đối ở trong nước sẽ ngày càng gia tăng ở khắp các quốc gia đang ủng hộ Israel.” 

Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas cũng có thể tác động tiêu cực đến di sản của Tổng thống Biden, khiến nỗ lực của ông nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, qua đó cải thiện địa chính trị ở Trung Đông bị đình trệ. Saudi Arabia sẽ không còn dư địa chính trị để đàm phán với Israel khi hàng trăm người Palestine đang thiệt mạng trong các cuộc tấn công trả đũa của Israel ở Gaza. Xung đột cũng sẽ làm giảm động lực của Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu trong việc đưa ra những nhượng bộ về lãnh thổ đối với người Palestine ở Bờ Tây mà thỏa thuận này có thể sẽ yêu cầu.

Tình hình tại chảo lửa Trung Đông cũng có thể tác động tiêu cực đến một ưu tiên khác của Mỹ – đó là cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bối cảnh Mỹ sẽ dành cho Israel các loại vũ khí công nghệ cao hơn so với Ukraine, một cuộc chiến tranh khu vực kéo dài có thể gây thêm căng thẳng cho kho vũ khí dự trữ của Mỹ vốn đã cạn kiệt do viện trợ cho Kiev. Các thành viên Đảng Cộng hòa phản đối việc viện trợ nhiều hơn cho Kiev, khi đó sẽ có thể lập luận rằng Washington nên ưu tiên người bạn cũ của mình và không đủ khả năng để giúp đỡ cả hai.

Cuộc xung đột giữa Israel và các lực lượng ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Mặc dù các nỗ lực tìm kiếm hòa bình vẫn đang được tiến hành, nhưng những vấn đề phức tạp giữa 2 bên vẫn chưa được giải quyết, bao gồm cách đối xử đối với người tị nạn Palestine, sự tồn tại của các khu định cư của người Do Thái tại khu vực Bờ Tây, sự chia cắt của Jerusalem, và sự tồn tại một nhà nước Palestine bên cạnh nhà nước Israel, vẫn sẽ là rào cản chính. Trong bối cảnh ấy, triển vọng hòa bình Trung Đông dường như vẫn còn rất xa vời./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghzi đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran trong bối cảnh diễn biến quốc tế bị chi phối bởi việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.