Hiện tượng thời tiết tiếp tục biến đổi khó lường trong 2024

Những ngày qua, thế giới chứng kiến hàng loạt các hình thái thời tiết cực đoan trái ngược nhau. Theo Liên hợp quốc, trong năm 2024, cùng với ảnh hưởng của El Nino, các hiện tượng thời tiết sẽ tiếp tục biến đổi khó lường và có phần khắc nghiệt hơn.

Năm 2024 sẽ thiết lập kỷ lục mới về nắng nóng 

Năm 2024 không chỉ được cho là sẽ phá kỷ lục năm nóng nhất lịch sử của năm 2023, mà những gì diễn ra trong năm vừa qua còn được xem là lời dự báo về “tương lai khó khăn” sắp tới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây đã chính thức xác nhận năm 2023 là năm nóng nhất lịch sử. Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm vừa qua tăng 1,45 độ C so với mức nhiệt độ giai đoạn tiền công nghiệp. Tuy nhiên, năm 2024 nhiệt độ thậm chí còn cao hơn.

Bà Celeste Saulo - Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết: “Năm 2024 có thể còn nóng hơn nữa. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt, đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất.”

Biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng về cường độ và mức độ, và điều này rõ ràng là do các hoạt động của con người. Cuộc khủng hoảng khí hậu đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng bất bình đẳng. Nó ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của sự phát triển bền vững và làm suy yếu các nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói, bệnh tật và suy thoái môi trường.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu: "Hành động của loài người đang thiêu đốt Trái Đất. Năm 2023 chỉ là một bản xem trước về tương lai thảm khốc đang chờ đợi nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ."

Năm 2024 sẽ thiết lập kỷ lục mới về nắng nóng.

Kể từ những năm 1980, nhiệt độ trung bình của mỗi thập kỷ sau đều cao hơn thập kỷ trước. Chín năm qua đã thiết lập kỷ lục về thời tiết nắng nóng nhất. Năm 2016 xảy ra hiện tượng El Nino mạnh và năm 2020 cũng được xếp vào năm nóng kỷ lục, với mức nhiệt tăng tương ứng là 1,29 độ C và 1,27 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, thời tiết khắc nghiệt đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người và gây thiệt hại kinh tế 4,3 nghìn tỷ USD trong nửa thế kỷ qua. Nếu không có giải pháp kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu, những thay đổi lâu dài về khí hậu ước tính sẽ gây ra 3,4 triệu ca tử vong mỗi năm vào cuối thế kỷ này.

Các tác động lan rộng

Liên hợp quốc ước tính, khoảng 1,84 tỷ người trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán vào năm 2022 và 2023. Phần lớn là các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong năm 2024, cùng với những ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng và hạn hán dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn ở cả những nước giàu có. Điều này không chỉ đe dọa làm đảo lộn cuộc sống của người dân, làm mất cân bằng hệ sinh thái, mà còn có tác động không nhỏ đến sản lượng lương thực và các hoạt động kinh doanh.

Tại khu vực châu Âu, Tây Ban Nha đang trải qua những ngày mùa xuân ấm bất thường, với nền nhiệt nhiều nơi lên tới 28 độ C. Đây vốn là những mức nhiệt thường thấy vào tháng 6 hàng năm.

Tình trạng nắng nóng và hạn hán dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Nền nhiệt cao xảy ra trong bối cảnh hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến phần lớn Tây Ban Nha, đặc biệt là vùng Catalan ở miền Đông Bắc. Theo tờ Le Monde, khu vực Đông Bắc của quốc gia Nam Âu này đã phải chịu tình trạng thiếu hụt lượng mưa lên tới 25% trong ba năm qua. Riêng vùng Catalan đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán vào cuối năm ngoái, và thực hiện các biện pháp quyết liệt để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, như tăng cường khử muối để biến nước biển thành nước uống, cắt nước của các vòi tắm công cộng, hay khuyến khích tái sử dụng nước để tưới cây.

Italia cũng cùng chung cảnh ngộ, khi thời tiết ấm áp khiến những bộ quần áo chống rét nằm trên kệ không bán được và các hoạt động kinh doanh mùa đông “điêu đứng” vì thiếu tuyết.

Ông Antonio Pangallo, người dân Rome, Italy chia sẻ: “Quần áo mùa đông chẳng có ích gì trừ khi bạn lên núi. Ở Rome, bạn không cần chúng vì thời tiết không lạnh. Nếu thời tiết tiếp tục thế này, việc bán quần áo ấm của các chủ cửa hàng sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn."

Colombia đang “đau đầu” với hàng loạt vụ cháy rừng lớn liên tiếp.

Tại Australia, nhiều khu vực rộng lớn ở miền Tây nước này đang phải chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng, với nhiệt độ trung bình hàng ngày lên tới 40 độ C. Thậm chí, tại thị trấn khai thác mỏ Pilbara thuộc bang Tây Australia, mức nhiệt lên đến gần 48 độ C, cao hơn 6 độ so với cùng kì năm ngoái.

Trong khi đó, Colombia đang “đau đầu” với hàng loạt vụ  cháy rừng lớn liên tiếp, sau khi phải hứng chịu nhiệt độ cao kỷ lục và tình trạng hạn hán trong nhiều tháng. Theo Bộ Môi trường Colombia, ít nhất 21 vụ cháy rừng đang hoành hành ở nước này. Hơn một nửa số tỉnh và thành phố ở Colombia được đặt trong tình trạng báo động đỏ do nguy cơ hỏa hoạn. Giới chức Colombia nhận định, cháy rừng sẽ còn tiếp diễn phức tạp ở quốc gia Nam Mỹ, vì hiện tượng El Nino nhiều khả năng sẽ kéo dài trong vài tháng tới. Được biết, nhiệt độ trên khắp Colombia đã cao hơn bình thường từ 5 đến 10 độ C trong những tuần gần đây.

Rừng nhiệt đới Amazon – “lá phổi xanh” của Trái Đất cũng là một trong các “nạn nhân” của biến đổi khí hậu, khi đang phải đối mặt với đợt hạn hán kỷ lục. Theo các nhà khoa học thuộc tổ chức World Weather Attribution, tình trạng nóng lên toàn cầu khiến nguy cơ xảy ra hạn hán ở rừng Amazon tăng gấp 30 lần, dẫn đến nền nhiệt tăng cực cao và làm giảm lượng mưa. Hạn hán không chỉ khiến mực nước ở các nhánh chính của sông Amazon xuống mức thấp kỷ lục, mà còn làm trầm trọng thêm các vụ cháy rừng. Kết hợp với biến đổi khí hậu và nạn phá rừng, hạn hán có thể đẩy rừng Amazon đến điểm không thể phục hồi.

Rừng nhiệt đới Amazon cũng là một trong các “nạn nhân” của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia lo ngại, các đợt hạn hán nếu cứ kéo dài và lặp đi lặp lại có thể khiến các con sông nhỏ ở Amazon sớm bị xóa sổ. Việc thiếu nước có thể ảnh hưởng đến nửa triệu người ở khu vực này, đẩy nhiều quần thể động thực vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tại Brazil, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra quá trình sa mạc hóa ngày càng nhanh ở các vùng đất nông nghiệp của nước này. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn hán sẽ tăng gấp ba lần từ 5.000 km2 lên 15.000 km2 trong những năm tới.

Theo các dự báo, Brazil – một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới gần như chắc chắn sẽ thu hoạch ít ngô và đậu tương hơn, do hình thái thời tiết El Nino dự kiến sẽ kéo dài cho đến ít nhất là tháng 4 và tháng 5 năm nay. Trong khi đó, tại khu vực châu Á, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tiếp tục gây khô hạn trong nửa đầu năm 2024, gây bất lợi cho nguồn cung gạo, lúa mì, dầu cọ và các nông sản khác.

Tại Brazil, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang gây ra quá trình sa mạc hóa ngày càng nhanh.

Vụ lúa mì tiếp theo của Ấn Độ cũng đang bị đe dọa do thiếu nước. Thực trạng này có thể buộc nước tiêu thụ lúa mì lớn thứ hai thế giới phải nhập khẩu loại nông sản này lần đầu tiên sau 6 năm do lượng lúa mì dự trữ tại các kho nhà nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm. Sản lượng dầu cọ toàn cầu cũng có khả năng giảm trong năm 2024 do thời tiết El Nino khô hạn. Sản lượng dầu cọ sụt giảm trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu sản xuất dầu diesel sinh học và dầu cọ sử dụng trong chế biến, nấu ăn tăng cao.

Biến đổi khí hậu đe dọa Nam Cực

Nam Cực chứa khoảng 90% lượng băng trên thế giới, với dải băng dày tới 4,8km và rộng 13,7 triệu km2. Dù là châu lục lạnh nhất thế giới, nhưng Nam Cực cũng không thể “miễn dịch” trước tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo các số liệu thống kê hồi tháng 9 năm ngoái, băng biển ở Nam Cực đang tan nhanh và ở mức thấp nhất mọi thời đại. Lượng băng biển bị mất đi tương đương gấp gần 10 lần diện tích lãnh thổ New Zealand, khiến vùng Nam Cực càng dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu, với hậu quả được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Băng biển ở Nam Cực đang tan nhanh và ở mức thấp nhất mọi thời đại.

Nam Cực ghi nhận bốn vùng băng biển có phạm vi bị thu hẹp nhiều nhất kể từ năm 2016. Trong đó, ở một số khu vực như biển Bellingshausen nằm ở phía Tây bán đảo Nam Cực, băng biển gần như biến mất hoàn toàn. Cùng với đó, khối lượng của 40% thềm băng Nam Cực đã bị thu hẹp đáng kể từ năm 1997, trong đó gần một nửa không có dấu hiệu phục hồi. Mới đây nhất, tảng băng lớn nhất thế giới với diện tích khổng lồ 4.000 km2, gấp gần ba lần diện tích của thành phố New York (Mỹ) đã lần đầu tiên di chuyển và trôi nhanh khỏi Nam Cực dưới ảnh hưởng của gió và dòng chảy mạnh. Các nhà khoa học nhận định, theo thời gian, tảng băng nặng một tỷ tấn này có thể mỏng đi, và theo các dòng hải lưu tới đảo Nam Georgia - nơi được ví von là “Quần đảo Galapagos của Địa Cực” và gây rắc rối cho động vật hoang dã ở đây.

Sự suy giảm băng biển cũng kéo theo sự biến mất hoặc thu hẹp quy mô quần thể của nhiều loài động vật đặc hữu ở Nam Cực. Điển hình là chim cánh cụt hoàng đế. Trung bình mỗi năm, chim cánh cụt hoàng đế phải đi quãng đường dài khoảng 50 - 120 km trên băng để tới khu vực sinh sản. Dẫu vậy trong mùa hè vừa qua, có tới 4 trong số 5 quần thể chim cánh cụt ở biển Bellingshausen sinh sản thất bại. Nguyên nhân là bởi biến đổi khí hậu dẫn tới giảm lượng lớn băng biển ngay đầu mùa sinh sản, khiến chúng sẽ không thể đẻ trứng. Ngoài ra, sự biến mất của băng cũng ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của chúng.

Chim cánh cụt hoàng đế đứng trước nguy cơ tiệt chủng.

Hiện tại, các nhà khoa học ước tính số cá thể của giống chim cánh cụt hoàng đế vào khoảng 600.000 con. Nếu tình trạng mất băng biển do biến đổi khí hậu tiếp diễn, các nhà khoa học cảnh báo rằng, hơn 90% quần thể chim cánh cụt hoàng đế sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ 21.

Biến đổi khí hậu luôn là vấn đề nóng của thế giới sau khi trải qua một năm 2023 với những kỷ lục mới về hạn hán, cháy rừng... Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự “khởi sắc” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong năm 2024. Hãng tin CNN (Mỹ) đã chỉ ra một số lý do cho những lạc quan về tương lai khí hậu toàn cầu. Thứ nhất là công suất năng lượng tái tạo đang trên đà tăng lên mức lớn nhất từ trước đến nay và dự báo sẽ tiếp tục tăng. Thứ hai, năm nay thế giới sẽ từng bước thực thi các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, sau khi gần 200 quốc gia đạt thỏa thuận về vấn đề này hồi tháng 12 năm ngoái. Thứ ba, tầng ozone đang trên đà phục hồi hoàn toàn trong nhiều thập kỷ khi các hóa chất gây hại cho “tấm khiên” của Trái Đất được loại bỏ dần.  Đúng như lời kêu gọi mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong thông điệp năm 2024 sẽ là năm để xây dựng lại niềm tin và khôi phục lại hy vọng, cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, vì mục tiêu chung là bảo đảm một tương lai bền vững cho cả hành tinh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.

Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.