Hoa đĩa ngày rằm
Buổi sớm đầu mùa, con phố quanh chợ Đồng Xuân vẫn còn yên ắng và thưa thớt người qua lại. Những gánh hàng hoa dạo từ ven đô tranh thủ tụ họp chớp nhoáng trên mặt phố Hàng Giấy, khi những cửa hàng, cửa hiệu còn chưa mở cửa.
6h sáng, khi những gánh hàng hoa bắt đầu lục đục dọn hàng lên mẹt, chất sau xe đạp để đi rong, thì phía đầu Hàng Giấy, dưới gốc cây xà cừ cổ thụ, chị Nguyễn Thị Hồng (phố Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm) mới bày hoa ra bán.
"Nghề hoa gói này có từ thời chống Pháp, nên nhà tôi theo nghề từ xưa rồi. Ba bốn đời rồi. Tôi bán phải hơn 30 năm nay", chị Hồng chia sẻ.
Dăm loại hoa thảo thơm thanh khiết, mỗi loại chỉ vài bông, gói trong tấm lá dong xanh, buộc bằng lạt mềm, thế là thành hoa gói, thanh thuần giản dị biết bao. Không biết từ bao giờ, người Hà Nội đã có thói quen mua hoa gói về bày biện ban thờ vào ngày rằm, mùng 1 hoặc trưng trong phòng khách.
Năm đổi tháng dời, cái thú bày biện hoa gói một thời chỉ còn thấp thoáng, giờ đã bồi hồi trở lại với nhiều dáng vẻ khác nhau. Những gánh hoa gói nối nghiệp gia đình như chị Hồng lại được nhiều người tìm đến. "Tôi muốn làm đẹp hơn nữa so với gói hoa cổ, nên tôi làm các mẹt hoa để mọi người tiện dâng lễ", chị Hồng nói.
Anh Nguyễn Hoài Nam (Ba Đình) chia sẻ: "Ngày xưa mẹ tôi cũng hay mua hoa đĩa trên phố cổ. Hôm nay là ngày giỗ mẹ tôi, nên tôi ra mua hoa. Còn hằng tháng tôi cũng hay ra đây mua hoa của chị. Chị làm rất đẹp, hoa rất tươi".
Nhiều người trên phố cổ vẫn giữ nếp cũ được bà, được mẹ truyền lại, đi tìm mua hoa gói để bày đĩa những ngày tuần tiết trong năm. Những loài hoa được đem cúng lễ đều là những loài hoa tinh khiết thanh nhã và dường như loài nào cũng có hương thơm. Khi mua hoa, cả người bán và người mua đều khẽ khàng, nhẹ tay để hoa không giập nát.
Dưới gốc xà cừ tỏa bóng mát, gánh hoa đĩa đơm hương vào gió, thoang thoảng nỗi hoài mong xao xuyến của những ngày tháng cũ. Gánh hoa gợi nhớ về bà, về mẹ, về những người phụ nữ Kinh kỳ thường tự tay bày biện một đĩa hoa. Có những người lui tới gánh hoa vì nhớ hoa đĩa, nhớ tuổi thơ và nhớ mẹ, nhớ những thảo thơm thanh nhã ngày tháng cũ.
Trong nghề đã lâu nên chị Hồng biết rõ thời gian khách hàng tới mua hoa: "Mọi người thường mua hoa vào sáng sớm để thắp hương. Chiều đến cứ 4,5 giờ thì tôi về, nhưng hoa nào cần lấy sớm thì đã có người lấy. Bận rộn nhất là ngày rằm, mùng một, vì số lượng khách nhiều hơn bình thường", chị cho biết thêm.
Thành phố bây giờ, may chăng chỉ còn lại đôi ba hàng hoa đĩa. Để tìm gom đủ các loại hoa theo nếp cũ, chị Hồng cũng phải rất kỳ công.
Hoa đĩa, dường như vẫn thuộc về một đời sống bình dân, bình dị, mùa nào hoa nấy đan xen, điểm xuyết. Ngang qua hàng hoa đĩa, ai cũng không khỏi xao xuyến, nhớ nhung không khí của một thời mà vào bất cứ nhà nào ngày lễ Tết, ngày rằm, mùng Một đều bày hoa đĩa, vẫn quyến luyến cái đĩa hoa khô se sắt trong gió mùa nơi cửa sổ.


Phở Khôi trên phố Hàng Vải vẫn giữ nguyên công thức đã có từ thời Mậu Dịch và vẫn luôn có hương vị rất riêng.
Cà bát dầm là món không thể thiếu trong mâm cơm của mỗi gia đình Hà Nội trong những ngày hè nóng nực.
Những người nông dân ở ngoại thành đang bắt kịp cuộc sống hiện đại bằng cách kết hợp làm nông nghiệp với du lịch.
Khi tiếng gọi khẩn cấp về những giọt máu quý giá vang lên, mệnh lệnh từ trái tim đã mách bảo Đại úy Nguyễn Huy Hoàng hành động.
Bánh cuốn Thanh Trì là một trong những món ăn dân dã, trở thành thương hiệu của Thủ đô Hà Nội.
Bò nướng ống tre là một món ăn lạ miệng, được nhiều nhà hàng tại Hà Nội đưa vào thực đơn để đáp ứng nhu cầu thưởng thức món mới, độc đáo của thực khách.
0