Hương vị Hà Nội - di sản qua thời gian

Lễ hội ẩm thực Hà Nội 2024 đang diễn ra đã khéo léo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một trải nghiệm ẩm thực độc đáo. Bên cạnh việc tôn vinh những món ăn truyền thống, giá trị tiếp nối của những làng nghề ẩm thực, Lễ hội còn giới thiệu những xu hướng ẩm thực mới, ứng dụng công nghệ vào chế biến, qua đó khẳng định vị thế của Hà Nội như một điểm đến ẩm thực hấp dẫn và năng động.

Tinh hoa ẩm thực Thủ đô: Hương vị trăm năm

Bún Ốc Bà Ngoại - một gian hàng rất đông thực khách tại Lễ hội ẩm thực. Nếm một bát bún ốc thơm ngon nóng hổi, xuýt xoa trong không khí lạnh ngày đông, nhiều du khách rất thích thú. Bún ốc là sự gợi nhớ những thứ thân thuộc ở quanh ta, là rất nhiều miền quê kí ức. Đó là con ốc mò dưới ao, là ngọn hành trồng ở ngoài vườn, những thứ mà nhà nông dân nào cũng có, những thứ không chỉ gợi hương vị mà còn gây thương nhớ.

Trầm trồ là cảm xúc của nhiều người khi đến với gian hàng của làng nghề giò chả Ước Lễ. Công đoạn giã thịt thu hút người xem vì tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân. Mỗi chày giã xuống đều chắc, đúng nhịp và thỉnh thoảng, các nghệ nhân lại hô đồng thanh, đem đến khung cảnh như trong một hội làng. Người làng Ước Lễ quan niệm giã thịt phải liên tục và đều tay để giữ độ dẻo cũng như kết cấu của thịt. Thực tế, các công đoạn thủ công biểu diễn tại lễ hội để người xem hiểu về cách nghệ nhân làng nghề làm giò chả khi xưa.

Không chỉ là món ăn nổi tiếng với người dân Hà Nội, bánh cuốn còn là món ăn được lòng rất nhiều khách du lịch. Bánh cuốn Thanh Trì được làm từ gạo tẻ, xay thành bột nước. Một nồi hấp với nước sôi sùng sục, vài miếng mỏng căng đều trên miệng nồi. Mỗi lần hấp là một muôi bột nước vừa đủ, đổ lên trên mảnh vải đã căng rồi lấy muôi xoa nhẹ. Mỗi lá bánh cuốn trắng muốt, dai, mềm ra đời là niềm tự hào của người làm nghề tráng bánh tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Với 80 gian hàng, mỗi không gian tại Lễ hội ẩm thực Hà Nội 2024 là một không gian văn hóa ẩm thực đặc sắc như: bánh tôm Hồ Tây, bún Phú Đô, cốm Làng Vòng, cốm Mễ Trì, xôi, chè Phú Thượng, bánh chưng Tranh Khúc, nem Phùng, bánh dày quán Gánh, bánh tẻ Phú Nhi, cháo gõ Quảng Phú Cầu, cháo se Hạ Mỗ, miến làng So...

"Phở số" - bản giao hưởng giữa truyền thống và hiện đại

Phở - linh hồn ẩm thực Hà Nội đã có một màn "lột xác" ngoạn mục tại "Phở số Hà thành 2024", sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực 2024. Hình ảnh những bát phở nghi ngút khói, với nước dùng trong veo, sợi phở dai mềm cùng những lát thịt thơm ngon đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội và du khách. Phở Thìn Bờ Hồ là một trong nhiều cái tên bảo chứng cho hương vị truyền thống đặc trưng của Hà Thành.

Bên cạnh hương vị truyền thống, nhiều người dân đã rất tò mò khi được nghe giới thiệu đến sự góp mặt của "Phở số". Phở số Hà Thành 2024 là sự hòa quyện độc đáo giữa truyền thống và hiện đại. Du khách không chỉ được thưởng thức phở Hà Nội do robot thông minh chế biến, mà còn khám phá công nghệ và chuyển đổi số trong nghệ thuật ẩm thực.

Khác với những quầy bán phở truyền thống, tại quầy "Phở số", các công đoạn chế biến chuẩn bị cho tới phục vụ tận tay khách hàng đều được vận hành bởi robot thông minh. Cánh tay robot được lập trình thực hiện các bước như chần bánh phở, thêm thắt gia vị, thái thịt bò, cùng sự hỗ trợ của một số nhân viên để tạo ra được một bát phở ngon trọn vị.

Trải nghiệm tại "Phở số 2024", thực khách không chỉ được tận thấy công nghệ đồng hành cùng phở, mà còn được đắm chìm trong hương vị phở truyền thống - một biểu tượng văn hóa đang hướng đến danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Ẩm thực Hà Nội 2024 không chỉ là dịp tôn vinh tinh hoa ẩm thực mà còn mở ra cơ hội phát triển di sản trong bối cảnh hiện đại. Việc kết hợp số hóa như "Phở số" hay các không gian trình diễn công nghệ mang đến diện mạo mới cho những giá trị truyền thống, giúp di sản tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ và du khách quốc tế. Quan trọng hơn, lễ hội là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, tạo nền tảng để ẩm thực Hà Nội không chỉ là niềm tự hào của người dân Thủ đô, mà còn vươn xa trên bản đồ văn hóa thế giới, trở thành tài sản quý báu cho ngành du lịch và cộng đồng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.

Là một trong những nhà thiết kế theo đuổi con đường nhung, lụa thêu tay, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ đã dành nhiều tâm huyết để đưa chất liệu nhung, lụa Việt Nam lên một nấc thang mới. Hành trình ghi dấu phong cách riêng của mình trong làng thời trang Việt của cô gái trẻ là cả một sự nỗ lực để hồi sinh, đưa những sản phẩm nhung lụa thêu tay truyền thống đến gần với đời sống đương đại.

Jack Soloman, một người Anh mang trong mình nửa dòng máu Việt Nam, đã kể lại câu chuyện của mình như một minh chứng cho xu hướng ngày càng nhiều người ngoại quốc đến Hà Nội và chọn nơi đây làm nơi gắn bó lâu dài.

Ngôi làng Tri Trung vốn là nơi nổi tiếng với những buổi biểu diễn chèo, đặc biệt hơn, các diễn viên chính đều là những người dân trong làng. Dù bận rộn với công việc hàng ngày, người dân trong làng vẫn đam mê những làn điệu chèo, coi đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống yên bình của họ.

Mặt trời đã ngủ, nhưng thành phố thì vẫn thức. Khi ánh đèn thay thế ánh mặt trời, cũng là lúc cuộc sống ở Hà Nội bước vào một nhịp điệu khác, với đa dạng lựa chọn sống của những người dân đô thị. Tất cả đều góp phần tạo nên nhịp điệu không ngừng nghỉ của một thủ đô đầy sức sống.

Chuyên trang ẩm thực nổi tiếng TasteAtlas bình chọn bún riêu cua là món ăn nổi tiếng của Việt Nam vào danh sách 100 món ăn từ động vật giáp xác ngon nhất thế giới.