Iran vững vàng vượt qua thảm kịch bất ngờ
Thảm kịch bất ngờ
Ngày 19/5, chiếc trực thăng chở Tổng thống Raisi và phái đoàn tháp tùng đã gặp sự cố và phải “hạ cánh cứng” ở tỉnh Đông Azarbaijan.
Đoàn máy bay trực thăng hộ tống Tổng thống Iran Raisi đang trên đường di chuyển từ Khoda Afarin đến thủ phủ tỉnh Tabriz để dự lễ khánh thành một khu liên hợp hóa dầu. Theo IRIB TV, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azarbaijan Malek Rahmati cũng có mặt trên trực thăng chở Tổng thống Raisi. Tổng cộng có 9 người trên chiếc trực thăng gặp nạn.
Phái đoàn tháp tùng ông Raisi di chuyển trên ba chiếc trực thăng. Khoảng 30 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay chở ông Raisi mất liên lạc với hai chiếc còn lại. Các máy bay trực thăng ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm xung quanh khu vực trong khoảng 20 phút, nhưng buộc phải hạ cánh khẩn cấp do điều kiện thời tiết xấu và sương mù dày đặc.
Theo giới truyền thông, Tổng thống Raisi di chuyển trên chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất. Lực lượng cứu hộ cuối cùng đã xác định được vị trí hiện trường vụ tai nạn vào sáng thứ Hai với sự trợ giúp của máy bay không người lái giám sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Xác máy bay được phát hiện ở khu vực rừng trên sườn núi. Chiếc máy bay bị hư hỏng nặng và cháy rụi.
Paul Beaver, một chuyên gia hàng không và cựu phi công trực thăng, cho rằng mây che phủ, sương mù và nhiệt độ thấp chắc chắn đã góp phần gây ra vụ tai nạn máy bay của Tổng thống Iran. Ông nói thêm rằng không giống như máy bay có cánh cố định, trực thăng không thể dễ dàng bay khi thời tiết quá xấu.
Kyle Bailey, một nhà phân tích hàng không, cho biết các phi công lái máy bay chở tổng thống thường có kỹ năng và kinh nghiệm rất tốt, nhưng trực thăng là một "cỗ máy rất phức tạp". Khi cất cánh, thời tiết quang đãng, nhưng khi đến địa hình miền núi hiểm trở, sương mù bất ngờ hình thành nhanh chóng ngoài dự kiến.
“Những tình huống như vậy không có trong dự báo thời tiết, không có trên bản đồ hay trên radar. Sương mù có thể xuất hiện khá nhanh ở bất cứ đâu và bám vào trực thăng”, Kyle Bailey nói.
Các quan chức Iran cho biết địa hình đồi núi, bùn lầy, rừng rậm và sương mù dày đặc đã cản trở hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Iran cho biết 73 đội tìm kiếm đã có mặt tại khu vực này bất chấp “điều kiện thời tiết khó khăn”. Theo IRNA, các đội chỉ tìm kiếm trên mặt đất vì “điều kiện thời tiết khiến việc tìm kiếm trên không không thể thực hiện được”.
Đây là mất mát to lớn đối với nhân dân và Chính phủ Iran, trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với rất nhiều thử thách về an ninh và kinh tế.
Lãnh đạo nhiều nước gửi lời chia buồn
Việc Tổng thống Raisi và các quan chức cấp cao Iran qua đời trong tai nạn máy bay không chỉ là sự mất mát to lớn đối với người dân Iran. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi lời chia buồn, đồng thời khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Iran trong thời khắc khó khăn này.
Nghe tin về vụ tai nạn, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc họp với quan chức an ninh và quốc phòng hàng đầu của Nga và Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali. Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov, Thư ký Hội đồng An ninh Sergei Shoigu, Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, Người đứng đầu Bộ Tình trạng khẩn cấp Alexander Kurenkov và Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Igor Levitin.
Ông Putin vô cùng đau buồn trước vụ rơi trực thăng của Tổng thống Iran, cho biết phía Nga sẽ làm mọi việc cần thiết để giúp đỡ. Hai máy bay với 50 chuyên gia sẵn sàng tham gia hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Một số quốc gia vùng Vịnh đã bày tỏ “sẵn sàng cung cấp mọi hình thức hỗ trợ”. UAE “chân thành mong muốn hoạt động tìm kiếm cứu nạn thành công” và cho biết đại sứ quán của họ ở Tehran sẵn sàng trợ giúp.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước tin tức về vụ tai nạn trực thăng liên quan đến Tổng thống Iran Raisi.
Phong trào Hamas ở Palestine cho hay: “Trong vụ việc đau đớn này, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết hoàn toàn với Cộng hòa Hồi giáo Iran, với ban lãnh đạo, chính phủ và người dân”.
Người phát ngôn của Houthi, Mohammed Abdulsalam phát biểu: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc vì những gì đã xảy ra với máy bay của Tổng thống Iran trong sự cố đau thương này. Trái tim của chúng tôi hướng về người dân Iran thân yêu trong cuộc khủng hoảng này”.
Tổng thống Venezuela đã bày tỏ lời chia buồn tới Iran và lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, nói rằng ông Raisi là “người bạn vô điều kiện” của Venezuela. Tổng thống Maduro viết trên mạng xã hội: “Xin gửi tình cảm chân thành từ Cộng hòa Bolivar Venezuela. Các bạn, Iran, là một tấm gương về phẩm giá, đạo đức và sự phản kháng”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bàng hoàng trước tai nạn bi thảm của Tổng thống Raisi, nói rằng cố Tổng thống Iran đã góp phần “tăng cường mối quan hệ song phương Ấn Độ - Iran”. Ông Modi viết trong một bài đăng trên mạng xã hội: “Tôi gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình ông ấy và người dân Iran. Ấn Độ sát cánh cùng Iran trong thời điểm đau buồn này”.
Cùng ngày, một quan chức Israel tuyên bố nước này không liên quan tới cái chết của Tổng thống Raisi trong vụ tai nạn trực thăng.
Kênh Press TV đưa tin, các buổi cầu nguyện được tổ chức tại thánh đường Hồi giáo và đền thờ trên khắp Iran. Các cuộc tụ họp tại thành phố linh thiêng Mashhad, nguyên quán của Tổng thống Raisi, đã thu hút hàng nghìn người.
Tại đền Imam Reza, nơi Tổng thống Raisi trước đây từng là người trông coi trong ba năm từ 2016, đám đông đã cầu nguyện cho ông. Trên Quảng trường Valiasr ở trung tâm Tehran, một nhóm lớn đã cầu nguyện trong khi cập nhật những tin tức mới nhất qua điện thoại di động.
Nhà thờ Thiên chúa giáo ở Tehran và các thành phố khác cũng khuyến khích giáo dân cầu nguyện cho Tổng thống Raisi, thể hiện sự ủng hộ thống nhất.
Công lao của cố Tổng thống Raisi
Tổng thống Raisi được coi là học trò và người kế nhiệm lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong tương lai. Sau khi tin tức về chiếc trực thăng của Tổng thống Raisi mất tích được xác nhận, người dân Iran đã cầu nguyện cho sự an toàn của ông và những người đi cùng ông trên trực thăng.
Ông Raisi giành thiện cảm với người dân thường và sẵn lòng giúp đỡ họ trong hoàn cảnh khó khăn. Công việc của ông Raisi trong quỹ từ thiện Hồi giáo mang tên ông đã giúp xác lập vị trí đó trong lòng dân. Dưới sự lãnh đạo của Raisi, Iran vượt qua các cuộc bạo loạn bạo lực của phe đối lập cực đoan vào năm 2022 - 2023 cũng như nhiều khó khăn khác.
Ông Raisi sinh ra trong một gia đình giáo sĩ Hồi giáo Shiite ở thành phố Mashhad (thành phố lớn thứ hai ở Iran) vào ngày 14 tháng 12 năm 1960. Khi còn trẻ, ông là người ủng hộ Cách mạng Hồi giáo 1978 - 79 và được cho là tham gia vào cuộc nổi dậy của sinh viên.
Ông Raisi bắt đầu theo học tại chủng viện tôn giáo Qom nổi tiếng khi mới 15 tuổi với một số giáo sĩ hàng đầu. Khi mới ngoài 20 tuổi, ông được bổ nhiệm làm công tố viên ở nhiều thành phố liên tiếp, sau đó đến Thủ đô Tehran để làm phó công tố viên.
Năm 1983, ông kết hôn với bà Jamileh Alamolhoda, con gái của Imam Ahmad Alamolhoda. Họ có hai cô con gái. Năm 1989, ông được bổ nhiệm làm công tố viên Tehran sau khi lãnh đạo tối cao đầu tiên của Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini qua đời.
Ông Raisi lần đầu tiên tranh cử tổng thống vào năm 2017 cùng đối thủ Hassan Rouhani, nhưng không thành công. Ông Raisi bắt đầu lên kế hoạch cho chiến dịch tranh cử tổng thống tiếp theo của mình. Vào tháng 6 năm 2021, ông giành được 62% số phiếu bầu.
Uy tín của ông Raisi trong các tổ chức tôn giáo rất lớn, ông có quan hệ vững chắc với lãnh tụ Khomeini quá cố cũng như với lãnh tụ Khamenei, người đã bổ nhiệm ông vào một số chức vụ cấp cao. Ông cũng đã duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nhánh của chính phủ, quân đội và lập pháp cũng như giai cấp lãnh đạo thần quyền đầy quyền lực.
Ông Ebrahim Raisi là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí lãnh tụ tối cao. Bây giờ, câu hỏi lớn ở Iran là điều gì sẽ xảy ra khi lãnh tụ Ayatollah Khamenei, hiện 85 tuổi, qua đời? Ai sẽ là nhà lãnh tụ tối cao tiếp theo? Một ứng cử viên chính cho chức vụ này là Tổng thống Ebrahim Raisi. Và vì vậy, nếu ông ấy không còn, thì sẽ có tác động lớn.
Nhà phân tích chính trị Arash Azizi.
Về chính sách đối ngoại, phản đối lập trường của Mỹ đối với thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn gọi là kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), và việc các bên ký kết khác không thể cứu vãn hiệp ước, Tổng thống Iran Raisi đã tuyên bố rằng Iran đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình.
Gần đây hơn, Iran lâm vào tình thế đối đầu với Israel liên quan đến cuộc tấn công không ngừng của Israel vào Gaza, hiện đã bước sang tháng thứ tám. Iran đã thẳng thắn lên án các cuộc tấn công tàn bạo của Israel nhằm vào dân thường Palestine. Đầu tháng 4, tòa nhà lãnh sự Iran ở Damascus, Syria đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công được cho là do Israel thực hiện, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có một chỉ huy cấp cao.
Vào ngày 15 tháng 4, Iran đã tiến hành một cuộc tấn công mà người phát ngôn quân sự của Israel, Daniel Hagari, cho rằng có sử dụng hơn 120 tên lửa đạn đạo, 170 máy bay không người lái và hơn 30 tên lửa hành trình, hầu hết đều bị đánh chặn bên ngoài biên giới Israel. Thiệt hại nhỏ đã được báo cáo ở một số khu vực của Israel. Và Israel tấn công đáp trả một cách hình thức.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Raisi, mọi việc đã kết thúc mà không gây tác động quá lớn đến tình hình vốn đã phức tạp trong khu vực và trên thế giới.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Raisi ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc, đồng thời tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Arab Saudi do người Sunni lãnh đạo, thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Riyad. Dưới sự lãnh đạo của ông, Iran đã tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình bằng cả ngoại giao và cả sức mạnh quân sự.
Một mất mát lớn nữa của Iran trong thảm kịch này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian. Ông là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Iran, có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chính sách đối ngoại mới của nước này, chuyển từ hợp tác với phương Tây sang cải thiện quan hệ với các nước láng giềng ở Trung Đông, đặc biệt là các nước Ả-rập trong vùng Vịnh.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào năm 2021, ông Amir-Abdollahian đã có hơn 20 năm làm việc và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Bộ Ngoại giao, bao gồm Đại sứ tại Bahrain, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề khu vực Ả-rập và châu Phi.
Xuyên suốt nhiệm kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Amir-Abdollahian đã nỗ lực khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Arab Saudi và đã đến thăm vương quốc này vào năm 2023, khôi phục quan hệ hai nước sau 7 năm “đóng băng”.
Ông Mohammad - Tổng thống mới tạm thời của Iran
Theo Hiến pháp Iran, nếu tổng thống qua đời, phó tổng thống thứ nhất của đất nước, Mohammad Mokhber, sẽ trở thành tổng thống. Bầu cử phải được tổ chức trong vòng không quá 50 ngày.
Sinh ngày 1/9/1955, ông Mokhber được coi là người thân cận với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ông Mokhber trở thành phó tổng thống thứ nhất vào năm 2021, khi ông Raisi được bầu làm tổng thống.
Tại Iran, chức vụ phó tổng thống thứ nhất là một vị trí được bổ nhiệm chứ không phải do dân bầu. Phó tổng thống đảm nhận một số quyền hạn của thủ tướng sau khi chức thủ tướng bị bãi bỏ vào năm 1989. Iran có một số phó tổng thống được bổ nhiệm đồng thời và các phó tổng thống chủ yếu làm thành viên nội các.
Người có vai trò quan trọng nhất trong số các phó tổng thống Iran là ông Mohammad Mokhber. Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Raisi đã bổ nhiệm ông Mokhber làm phó tổng thống thứ nhất vào tháng 8/2021. Ông Mokhber là người thứ 7 đảm nhiệm vai trò đó kể từ khi Iran sửa đổi hiến pháp.
Trước khi được bổ nhiệm làm phó tổng thống, ông Mokhber đã có 14 năm làm Giám đốc Setad - một tập đoàn kinh tế hùng mạnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực từ thiện. Theo Reuters, Setad nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của nhà lãnh tụ tối cao Iran, có trị giá ước tính hàng chục tỷ USD. Dưới sự lãnh đạo của ông Mokhber, Setad đã phát triển vaccine Covid-19 của Iran có tên Coviran Barekat vào giai đoạn đỉnh điểm đại dịch.
Marwan Bishara, nhà phân tích chính trị cấp cao của Al Jazeera, nói rằng Iran có bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ và hệ thống chính trị có năng lực và cân bằng. Lãnh tụ Khamenei khẳng định với người Iran rằng vụ tai nạn sẽ không làm gián đoạn hoạt động của đất nước.
Vụ tai nạn đã cướp đi của Iran những nhà lãnh đạo tài giỏi, nhưng chắc chắn Iran sẽ vượt qua được mất mát to lớn này và sẽ tiếp tục vững bước trên con đường phát triển của mình.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0