Israel cấm UNRWA hoạt động: Những hệ lụy nguy hiểm kèm theo

Israel tuyên bố chấm dứt hợp tác với Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA). Động thái được cho là sẽ làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã rất tồi tệ ở Dải Gaza nói riêng và nhiều khu vực khác ở Trung Đông nói chung.

Tại sao Israel cắt đứt quan hệ với UNRWA? 

UNRWA là Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine. Được thành lập năm 1948 để hỗ trợ 700.000 người Palestine phải di dời do xung đột năm 1948, cơ quan này đã cung cấp các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ, xã hội, cơ sở hạ tầng và nơi trú ẩn. Hoạt động của UNRWA trải rộng khắp Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và Dải Gaza, cũng như tại Syria, Liban và Jordan.

Theo The Guardian, hỗ trợ dành cho UNRWA phần lớn đến từ các khoản tài trợ trực tiếp của Liên hợp quốc và sự đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Với nhân lực 30.000 người Palestine, cơ quan này hỗ trợ gần 6 triệu người tị nạn, bao gồm gần 1,5 triệu người tại 8 trại tị nạn ở Dải Gaza và 800.000 người tại Bờ Tây. Trong cuộc xung đột hiện tại ở Gaza, hầu như toàn bộ dân số vùng lãnh thổ này phụ thuộc vào UNRWA về những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước và vật dụng vệ sinh. Đến nay, hơn 200 nhân viên cơ quan này được xác nhận đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đã kéo dài 1 năm giữa Israel và Hamas.

Sự coi thường trắng trợn đối với luật nhân đạo quốc tế và sự sụp đổ gần như hoàn toàn của trật tự dân sự đang làm tê liệt hoạt động ứng phó nhân đạo ở Gaza. Gaza là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhân viên cứu trợ. 226 nhân viên của UNRWA đã thiệt mạng trong 12 tháng qua.

Ông Philippe Lazzarini, Giám đốc Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

Tuy nhiên, Israel nhiều lần chỉ trích UNRWA là lỗi thời và việc cơ quan này vẫn tiếp tục hỗ trợ các thế hệ kế tiếp của những người từng phải di dời năm 1948 là trở ngại đối với tiến trình hòa bình. Trong cuộc xung đột hiện tại với Hamas, Israel cáo buộc UNRWA tuyển dụng nhân viên là các chiến binh Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng kêu gọi Mỹ, đồng minh hàng đầu của Israel và cũng là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, cắt giảm hỗ trợ với nhận định cơ quan này “bị Hamas hủy hoại”. Theo một hồ sơ do Israel cung cấp cho Mỹ, 12 nhân viên UNRWA bị cáo buộc tham gia vào vụ tấn công hồi tháng 10 năm ngoái, bao gồm 9 giáo viên tại các trường học của cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc.

Hồ sơ nêu rõ, Israel có bằng chứng cho thấy UNRWA đã tuyển dụng 190 chiến binh Hamas và Jihad Hồi giáo, chiếm 0,64% tổng số nhân viên. 

Trước đó, bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhiều quốc gia khác, ngày 28/10, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm UNRWA hoạt động trên lãnh thổ nước này. Theo đó, UNRWA sẽ không được phép cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ Israel.

Những gì chúng ta thấy ở Gaza là cách Hamas sử dụng các cơ sở của Liên hợp quốc, trường học, bệnh viện… để làm căn cứ quân sự, để cất giấu đạn dược, cất giấu tên lửa. Lực lượng này tiến hành các hoạt động khủng bố từ các cơ sở của Liên hợp quốc.

Bà Sharen Haskel, Nhà lập pháp Israel.

Trong tuyên bố mới nhất, Israel một lần nữa mô tả UNRWA là “một phần vấn đề, chứ không phải giải pháp dành cho Dải Gaza”, cáo buộc nhiều nhân viên UNRWA là thành viên Hamas và từng tham gia cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, vốn là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột hiện nay.

Trong khi đó, sau khi tiến hành điều tra, UNRWA đã sa thải những nhân viên vướng cáo buộc nhưng phủ nhận việc cố tình hỗ trợ các nhóm vũ trang này.

Quốc tế lo ngại về việc Israel “cấm cửa” UNRWA

Việc Israel tuyên bố chấm dứt hợp tác với cơ quan hỗ trợ người tị nạn của Liên hợp quốc, cùng với hai đạo luật trước đó của Tel Aviv, dù không trực tiếp cấm các hoạt động của UNRWA ở Bờ Tây và Dải Gaza, song được cho là có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này tại những khu vực vốn đang bị Israel chiếm đóng. Do đó, Liên hợp quốc và một số đồng minh phương Tây của Israel bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã rất tồi tệ ở Dải Gaza nói riêng và nhiều khu vực khác ở Trung Đông nói chung.

Theo truyền thông quốc tế, quyết định của Israel về mặt lý thuyết không tước bỏ quyền hoạt động hỗ trợ người Palestine của UNRWA ở Dải Gaza và Bờ Tây, nhưng trên thực tế nó sẽ tác động đáng kể đến dòng viện trợ, do Israel hiện kiểm soát toàn bộ cửa khẩu ra vào Dải Gaza. Trước khi xung đột nổ ra tháng 10 năm ngoái, trung bình 500 xe tải viện trợ nhân đạo và hàng hóa thương mại vào Dải Gaza mỗi ngày. Hiện nay, dù nhu cầu của người Palestine tăng cao do tác động của chiến sự, nhưng Liên hợp quốc cho biết Israel đã hạn chế 83% lượng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza bằng cách siết kiểm soát an ninh đối với xe chở đồ tiếp tế và đóng cửa khẩu. Israel bác bỏ cáo buộc của Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz khẳng định UNRWA chỉ chuyển 13% viện trợ vào Dải Gaza.

Về quyết định cấm cửa UNRWA, trong bức thư của Bộ ngoại giao Israel gửi Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang, Tel Aviv đã hứa sẽ “tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế, bao gồm các cơ quan khác của Liên hợp quốc, để đảm bảo tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza theo hướng không làm suy yếu an ninh của Israel”. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không đồng tình với lập luận trên.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có một đồng thuận hiếm hoi khi ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi Israel tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, tôn trọng các đặc quyền, quyền miễn trừ của thành viên UNRWA cũng như “thực thi trách nhiệm của mình trong việc cho phép, tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo đầy đủ, nhanh chóng, an toàn, không bị cản trở dưới mọi hình thức trên khắp Dải Gaza”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sau đó gửi thư tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bày tỏ các quyết định của Israel có thể gây “hậu quả tàn khốc” cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây vì không có giải pháp thay thế hợp lý nào cho UNRWA trong việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ.

Lập trường của Liên hợp quốc là không thay đổi. Tổng thư ký Antonio Guterres vẫn tin rằng công việc của UNRWA đang thực hiện tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là thiết yếu và không có giải pháp thay thế nào cho UNRWA. Nếu đạo luật của Israel được thực hiện đầy đủ, khiến UNRWA không thể tiếp tục hoạt động tại những khu vực đó, đây không chỉ là vấn đề nhân đạo, mà còn là giáo dục, chăm sóc sức khỏe.

Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Lãnh đạo UNRWA Philippe Lazzarini cũng mô tả hành động của Israel “tạo tiền lệ nguy hiểm”. Ông Philippe Lazzarini cho rằng, lệnh cấm đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc và vi phạm các nghĩa vụ của Israel theo luật pháp quốc tế, khiến nỗi thống khổ của người dân Palestine thêm chồng chất.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, nước này “rất lo ngại” trước lệnh cấm trên của Israel đối với hoạt động của UNRWA, đánh giá động thái này của Israel “gây rủi ro cho hàng triệu người Palestine” phụ thuộc UNRWA để được hưởng các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng lo ngại lệnh cấm của Israel có nguy cơ khiến công việc thiết yếu của UNRWA “trở nên bất khả thi”, gây nguy hiểm cho toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại Dải Gaza cũng như việc cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit nói ông coi quyết định của Tel Aviv là “phán quyết tước đoạt tương lai của hàng triệu người Palestine”.

Gaza trước nguy cơ thảm họa nhân đạo 

Việc Israel chấm dứt hợp tác với Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) dẫn đến lo ngại rằng dòng viện trợ quốc tế, vốn đang không thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân Dải Gaza, tiếp tục bế tắc khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây diễn biến xấu đi. Theo số liệu của Liên hợp quốc, lượng hàng viện trợ vào Gaza đã giảm xuống mức thấp nhất trong cả năm. Trong khi đó, cơ quan phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) cảnh báo nạn đói đang rình rập hàng triệu người dân Gaza.

Người tị nạn Palestine ở Gaza đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tương lai của các dịch vụ do Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cung cấp, vì đa số người dân nơi đây hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn viện trợ thực phẩm, y tế, giáo dục và thậm chí là cả nơi trú ẩn từ UNRWA.

Tại một khu tạm trú ở trung tâm Dải Gaza, nhiều người dân địa phương bày tỏ hy vọng rằng dịch vụ chăm sóc y tế từ UNRWA sẽ không bị gián đoạn.

Theo số liệu thống kê, có khoảng 6 triệu người tị nạn Palestine dựa vào các dịch vụ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Dải Gaza, trong đó UNRWA phục vụ khoảng 1,7 triệu người. Tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, tổ chức này giúp đỡ hơn 870.000 người tị nạn.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, động thái của Israel đối với UNRWA sẽ gây ra “hậu quả tàn khốc” vì cơ quan này là “không thể thay thế trong 7 thập kỷ vừa qua”.

Theo các chuyên gia, tình trạng suy dinh dưỡng vốn đã khiến người dân Gaza dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường nước như bại liệt. Nếu giao tranh tiếp diễn và viện trợ nhân đạo từ UNRWA bị hạn chế, nạn đói và dịch bệnh có thể xảy ra trên diện rộng vào những tháng mùa đông. Ngoài ra, quyết định “cấm cửa” UNRWA cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục cho hơn 650.000 trẻ em ở các vùng lãnh thổ Palestine, đồng nghĩa với việc gây nguy hiểm cho cả một thế hệ tương lai. Trước diễn biến này, UNRWA tuyên bố sẽ tiếp tục công việc điều phối phân phối viện trợ tại Gaza và Bờ Tây. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các nhân viên của UNRWA tại Bờ Tây có khả năng gặp phải các vấn đề về di chuyển từ nơi này sang nơi khác, cũng như tiếp cận Đông Jerusalem hoặc Israel, vì họ mất khả năng phối hợp với chính quyền Israel để vượt qua các trạm kiểm soát. Các loại thị thực và giấy phép do chính quyền Israel cấp cũng bị hạn chế theo lệnh cấm này.

Trong bối cảnh thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza và các vùng lãnh thổ Palestine ngày càng trở nên nghiêm trọng, vấn đề đặt ra là ai sẽ trợ giúp những người Palestine bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas khi ngay cả Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc (UNRWA) cũng đang bị Israel cấm cửa. Theo các nhà phân tích, câu hỏi này cho thấy lời nói không thì chưa đủ. Cộng đồng quốc tế cần hành động mạnh mẽ để giúp đỡ hàng triệu người dân Gaza.

Theo ông Abu Has-na, người phát ngôn của Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, căng thẳng giữa Israel và UNRWA đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và khả năng giải quyết của tổ chức này. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres dự kiến sẽ chuyển vấn đề này sang Đại hội đồng Liên hợp quốc, bên được ủy quyền, đồng thời cũng là bên đã trao quyền cho UNRWA. Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là những bên đã thành lập Nhà nước Israel vào năm 1948 và một năm sau đó trao UNRWA cho người Palestine. Tuy nhiên, hiện tại, Nhà nước Israel được thành lập theo quyết định cách đây 76 năm đang ngạo mạn muốn xóa bỏ một tổ chức được thành lập gần như cùng lúc với họ. Điều này cho thấy những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm giải pháp cho xung đột ở Gaza nói riêng và vấn đề Israel - Palestine nói chung vẫn còn gặp nhiều thách thức. Tương lai của người dân Gaza vẫn còn mờ mịt.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 23/11, người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo, Tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte đã gặp Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại bang Florida để thảo luận về các vấn đề an ninh toàn cầu mà liên minh phải đối mặt.

Khả năng một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) có thể sớm được ký kết đã gây ra sự hỗn loạn chính trị ở Pháp và trên khắp châu Âu. Nếu được hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất từng được EU ký kết, tuy nhiên, nó cũng châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình tại Pháp.

Theo Reuters, trong ngày đàm phán kéo dài của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các quốc gia giàu có khác đã nhất trí tăng mục tiêu tài chính toàn cầu từ 250 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035, để giúp các nước đang phát triển chống chịu với biến đổi khí hậu.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử nhà đầu tư Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ mới.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định rằng, việc Moscow sử dụng tên lửa Oreshnik sẽ làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột Ukraine.

Nếu đến thủ đô Paris của Pháp những ngày này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một “công viên kỷ Jura” thu nhỏ khi những mô hình của các loài động vật từ thời tiền sử được đem ra trưng bày và tỏa sáng lung linh trong màn đêm.