Israel dưới sức ép ngừng bắn với Hamas, giải cứu con tin
Làn sóng phẫn nộ dâng cao
Đã gần một năm các con tin Israel bị Hamas bắt giữ kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Tính đến nay, Israel đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào Dải Gaza để gây sức ép với Hamas, nhằm giải cứu con tin. Tuy nhiên, các nỗ lực giải cứu con tin của Israel được cho là không hiệu quả, gây nhiều thương vong cho dân thường Palestine. Đến nay, vẫn còn hơn 100 con tin bị giam giữ và chưa rõ sống chết ra sao.
Mới đây nhất, sau khi thi thể 6 con tin Israel được tìm thấy trong đường hầm ở Gaza, các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột đã bùng phát tại nhiều thành phố ở Israel, gây áp lực yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hành động nhiều hơn nữa để giải cứu các con tin còn lại.
Nguyên nhân làm bùng phát cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có là do hôm 31/8, quân đội Israel cho biết đã tìm thấy 6 thi thể con tin thiệt mạng trong đường hầm ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza.
Diễn đàn Con tin và Gia đình có người mất tích của Israel cho biết, hôm 1/9 khoảng 700.000 người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp Israel. Đám đông biểu tình mang theo ảnh của các con tin thiệt mạng, chặn nhiều đường phố và tập trung bên ngoài dinh thự của Thủ tướng Netanyahu ở Jerusalem.
Chúng tôi đang yêu cầu một thỏa thuận, một thỏa thuận con tin để đưa mọi người trở về. Chúng tôi đang yêu cầu chính phủ ngừng đưa bất cứ thứ gì cản trở việc đạt được thỏa thuận. Chúng tôi không muốn theo bất kỳ cách nào khác, bởi vì như vậy các con tin sẽ mất mạng.
Chị Mor - Người biểu tình.
Trong đêm biểu tình thứ ba liên tiếp, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát trên đường phố Tel Aviv.
Khi sự phẫn nộ của công chúng đang tăng lên, công đoàn lớn nhất của Israel đã phát động một cuộc tổng đình công vào ngày 2/9. Đây là cuộc tổng đình công đầu tiên kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái. Cuộc tổng đình công nhằm mục đích làm tê liệt các lĩnh vực chính của nền kinh tế như ngân hàng, hệ thống y tế, hệ thống giao thông.
Làn sóng biểu tình cũng đã lan tới Mỹ. Hàng trăm người đã xuống đường ở thành phố New York để thể hiện sự ủng hộ người dân Palestine và yêu cầu một thỏa thuận về con tin giữa Chính phủ Israel và lực lượng Hamas.
Trước khi cuộc biểu tình quy mô lớn này diễn ra, trong hơn 11 tháng qua đã có nhiều cuộc biểu tình quy mô nhỏ tại Israel yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Netanyahu hành động nhanh chóng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.
Sau cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hồi tháng 10/2023, Hamas đã bắt 251 con tin đưa về Dải Gaza. Sau đợt trao trả con tin giữa hai bên vào tháng 11 năm ngoái, vẫn còn khoảng 100 người chưa được trả tự do, trong đó có 1/3 được quân đội Israel xác nhận đã chết.
Lực lượng Hamas hôm 2/9 thông báo đã công bố hướng dẫn mới từ tháng 6 về việc canh gác tù nhân cũng như các con tin đang bị giam giữ nhằm ứng phó trường hợp bị quân đội Israel tiếp cận địa điểm.
Hiện cả Hamas và Israel đều đổ lỗi cho nhau về cái chết của 6 con tin ở Gaza. Theo truyền thông Israel, Cơ quan pháp y nước này cho biết 6 con tin đã bị bắn ở cự ly gần, khoảng 2,3 ngày trước khi được tìm thấy, trong khi phía Hamas cho rằng các con tin thiệt mạng do các cuộc không kích của quân đội Israel.
Thủ tướng Netanyahu đối mặt nhiều chỉ trích
Hiện chưa rõ nguyên nhân cái chết của 6 con tin, nhưng các cuộc biểu tình quy mô lớn rõ ràng đã làm gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Netanyahu về việc phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để cứu số con tin còn lại.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ và các nước láng giềng Qatar, Ai Cập đã nỗ lực làm trung gian cho cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas, nhưng vẫn chưa đem lại kết quả. Các nhà phân tích cho rằng trở ngại lớn nhất là do Thủ tướng Netanyahu chưa đủ nỗ lực để đạt được thỏa thuận này.
Ngay sau vụ 6 con tin thiệt mạng trong đường hầm ở Dải Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cáo buộc Hamas sát hại con tin và đổ lỗi cho Hamas "không muốn thỏa thuận nào" về đình chiến. Ông tuyên bố Israel sẽ không ngừng truy lùng các thủ lĩnh Hamas và “xóa sổ” tổ chức này.
Trong những ngày gần đây, khi Israel đang đàm phán tích cực với bên trung gian trong mọi nỗ lực để đạt được thỏa thuận, Hamas vẫn tiếp tục kiên quyết từ chối mọi đề xuất. Tệ hơn nữa, cùng lúc đó, họ đã sát hại sáu con tin của chúng tôi. Bất kỳ ai sát hại con tin đều không muốn có thỏa thuận.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tuy nhiên, theo tờ Al-Jazeera, trưởng đoàn đàm phán Khalil al-Hayya của Hamas tố cáo chính những yêu cầu cứng rắn của Thủ tướng Israel là lý do khiến các con tin thiệt mạng. Ông cho biết Hamas đã chấp nhận đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng sau đó Israel bất ngờ thay đổi điều kiện của thỏa thuận, gồm việc tiếp tục đóng quân tại Philadelphi.
Thủ tướng Israel Netanyahu đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong nước trước việc phải đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với phía Hamas. Hiện đang có một luồng ý kiến cho rằng Thủ tướng Netanyahu có thẩm quyền đảm bảo việc cứu các con tin nhưng ông đã từ chối làm như vậy.
Trong một cuộc thăm dò do Viện Dân chủ Israel có trụ sở tại Jerusalem tiến hành vào tháng 5 cho thấy 56% người Israel cho rằng việc đạt thỏa thuận thả con tin bị giam giữ ở Gaza nên là ưu tiên cao hơn so với việc thúc đẩy các hoạt động quân sự mở rộng ở miền Nam Gaza.
Bất chấp áp lực từ công chúng và những nỗ lực đàm phán trong những tuần gần đây để đạt được thỏa thuận giữa Israel và Hamas, vẫn chưa có bước đột phá nào.
Kể từ tháng 12/2023, đã có một đề xuất về việc trao đổi con tin với các tù nhân Palestine đang bị Israel giam giữ. Đề xuất này dựa trên lệnh ngừng bắn và giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến. Đây được cho là công thức duy nhất có thể đảm bảo việc trả tự do cho tất cả các con tin đang bị giam giữ ở Gaza.
Hamas tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel nếu Tel Aviv rút quân hoàn toàn khỏi Dải Gaza.
Trong khi đó, ông Netanyahu đã liên tục đưa ra các yêu cầu mới khiến cho các cuộc đàm phán luôn đi vào bế tắc. Mới nhất là việc ông nhất quyết duy trì quyền kiểm soát của Israel đối với biên giới giữa Gaza và Ai Cập, mà Israel gọi là hành lang Philadelphi. Ông cho biết việc giữ hành lang này là cần thiết để ngăn Hamas tái vũ trang. Israel đã thiết lập quyền kiểm soát hành lang Philadelphi từ ngày 29/5.
Thủ tướng Netanyahu đã bị phản đối ngay trong nội các của ông về điều này. Truyền thông Israel mới đây tiết lộ, tranh cãi nảy lửa đã nổ ra tại cuộc họp nội các an ninh Israel hồi giữa tuần trước, khi Thủ tướng Netanyahu nhất quyết giữ nguyên quan điểm về việc kiểm soát hành lang Philadenphi trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant phản đối và chỉ trích lãnh đạo chính phủ không thỏa hiệp để cứu con tin.
Đã quá muộn đối với những người bị bắt cóc và bị sát hại. Những người bị bắt cóc vẫn bị Hamas giam giữ phải được đưa về nhà.
Ông Yoav Gallant - Bộ trưởng Quốc phòng Israel.
Trước đó, Thủ tướng Netanyahu cũng đã ra lệnh thực hiện các hành động quân sự tại một số thời điểm khi có vẻ như các cuộc đàm phán có thể đang tiến triển.
Vào đầu tháng 1, khi thỏa thuận con tin ba giai đoạn đang diễn ra, Israel đã ám sát phó lãnh đạo Hamas Saleh al-Arouri tại Beirut, khiến các cuộc đàm phán phải tạm dừng.
Vào đầu tháng 4, ngay khi các nước trung gian Mỹ, Ai Cập và Qatar đạt được bước đột phá trong thỏa thuận con tin, một cuộc tấn công của Israel vào phía Bắc Gaza đã giết chết ba người con trai và bốn người cháu của thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh. Các cuộc đàm phán bị đình trệ.
Gần đây, hồi cuối tháng 7, Israel đã ra lệnh ám sát thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah. Sau đó, thủ lĩnh tinh thần của Hamas Ismail Hanyeh cũng bị ám sát tại Teheran, nghi là do Israel.
Tất cả những hành động này đã làm khoảng cách giữa Israel và Hamas ngày càng xa trên bàn đàm phán.
Giới phân tích cho rằng Thủ tướng Netanyahu không thực sự quan tâm đến thỏa thuận con tin, vì nó gây nguy hiểm cho sự sống còn chính trị của ông.
Ông Nimrod Goren, thành viên cấp cao viện nghiên cứu các vấn đề Trung Đông tại Mỹ đưa ra lời cảnh báo rằng nếu Thủ tướng Netanyahu vẫn giữ nguyên quan điểm trong các cuộc đàm phán, thì “triển vọng đạt được thỏa thuận trong tương lai gần như không tồn tại” và những con tin vẫn bị giam giữ trong vùng đất này có thể sẽ chịu chung số phận với 6 con tin vừa thiệt mạng.
Phản ứng của Mỹ
Mỹ là đồng minh của Israel, đồng thời cũng có công dân bị Hamas bắt làm con tin trong cuộc tấn công hôm 7/10, chính vì vậy ngay từ đầu Mỹ đã tham gia vào các nỗ lực đàm phán để đạt được thỏa thuận giải cứu con tin.
Hồi tháng 5, Mỹ đã đưa ra đề xuất hòa bình ba giai đoạn, sau đó cũng có những đề xuất sửa đổi để tiếp cận với yêu cầu của phía Hamas. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký. Vụ việc 6 con tin, trong đó có một người Mỹ gốc Israel thiệt mạng tại Gaza đã làm dấy lên câu hỏi về hướng đi tiếp theo của Mỹ trong việc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng các lãnh đạo Hamas phải trả giá cho cái chết của các con tin, trong đó có một người quốc tịch Mỹ, và đề nghị các bên nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận để giải cứu những con tin còn lại.
Tổng thống Biden cũng cho rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa hành động đủ quyết liệt để đạt được thỏa thuận thả các con tin bị phong trào Hamas bắt giữ ở Dải Gaza.
Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã gặp nhóm đàm phán thỏa thuận con tin của Mỹ hôm 2/9. Nhà Trắng cho biết họ đã thảo luận về các bước tiếp theo trong nỗ lực đang diễn ra để đảm bảo việc thả con tin, bao gồm cả việc tiếp tục tham vấn với các bên đồng hòa giải là Qatar và Ai Cập.
Khi ngày bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, bà Kamala Harris với tư cách là ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ đang phải chịu áp lực trước việc xử lý cuộc xung đột tại Dải Gaza trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden đã chịu nhiều chỉ trích về việc Mỹ ủng hộ đồng minh Israel. Bà Harris có giọng điệu mạnh mẽ hơn Tổng thống Biden về việc chấm dứt ngừng bắn ở Gaza.
Bà Kamla Harris đã có bài đăng trên X cho biết: “Đã đến lúc ngừng bắn và đạt thỏa thuận về con tin. Chúng ta cần đưa các con tin về nhà và chấm dứt đau khổ ở Gaza".
Tờ The Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao tiết lộ nước này cũng đang bàn bạc với Ai Cập và Qatar về một đề xuất cuối cùng, trong đó bao gồm đề xuất về hành lang Philadenphi. Nếu Hamas và Israel không chấp nhận đề xuất này thì nỗ lực đàm phán do Washington dẫn đầu sẽ chính thức chấm dứt.
Theo nguồn tin của trang Axios, Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc đưa đề xuất cuối cùng này tới Israel và Hamas vào cuối tuần này.
Israel và Hamas sẽ có một tuần để phản hồi về đề nghị của Mỹ. Sau cái chết của 6 con tin tại Dải Gaza và những phản ứng từ trong nước cũng như từ phía Mỹ, hiện quốc tế đang chờ xem Israel sẽ có hành động như thế nào để đưa các con tin còn lại trở về nhà.
Vào ngày 2/11, nhiều người dân London đã có phản ứng trái chiều trước việc bà Kemi Badenoch trở thành lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ, đánh dấu lần đầu tiên một phụ nữ da màu nắm giữ vị trí này trong lịch sử chính trị Anh.
Những người ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Donald Trump lên đường tham gia một cuộc diễu hành bằng ô tô ở Arizona. Trong khi đó, hàng nghìn phụ nữ Mỹ đã diễu hành ở Thủ đô và trên khắp nước Mỹ để ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trước cuộc bầu cử tổng thống và để nhắc nhở những cử tri chưa quyết định về lợi ích của cuộc bầu cử.
Quân đội Israel cho biết họ đã chặn năm máy bay không người lái từ Liban sau khi có còi báo động vang lên ở phía Bắc và phía Đông Israel.
Các chủ doanh nghiệp và người dân ở thị trấn Paiporta của Tây Ban Nha vẫn đang nỗ lực dọn sạch bùn và nước trong các tòa nhà, vài ngày sau khi lũ quét tàn phá khu vực và khiến 213 người thiệt mạng.
Bà Kemi Badenoch vừa được bầu làm lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ Anh với hơn 56% số phiếu ủng hộ. Với chiến thắng này, bà Badenoch trở thành nhà lãnh đạo da màu đầu tiên của một đảng lớn tại Anh và là nữ lãnh đạo thứ tư của đảng Bảo thủ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ukraine đang phá hoại việc trao đổi tù binh với Nga nhằm đạt được lợi ích chính trị.
0