Kamala Harris - người phá bỏ các rào cản về giới tính

Kamala Harris được dự đoán trở thành người kế nhiệm của đảng Dân chủ sau tuyên bố rút lui của ông Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Bà là người phụ nữ da màu gốc Á đầu tiên lên làm Phó Tổng thống. Với sự ủng hộ của ông Biden hiện tại, bất chấp những rào cản vô hình, Harris có tiềm năng trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Luôn tự hào vì di sản da màu

Kamala Harris sinh năm 1964 tại California, trong gia đình một đôi vợ chồng nhập cư. Cha bà là ông Donald J. Harris, giáo sư danh dự ngành Kinh tế tại Đại học Stanford, một người da màu nhập cư từ Jamaica. Còn mẹ bà là bà Shyamala Gopalan, đã di cư từ miền Nam Ấn Độ đến Mỹ vào cuối những năm 1950. Bà Gopalan có bằng Tiến sĩ về Dinh dưỡng và Nội tiết tại Đại học California, Berkley và là nhà nghiên cứu ung thư vú nổi tiếng.

Từ nhỏ đến khi trưởng thành, bà Harris chưa bao giờ để xuất thân nhập cư và màu da trở thành chướng ngại trong cuộc sống. Ngược lại, chính nguồn gốc và quá trình tiếp xúc với hai chủng tộc đã tạo nên một Kamala Harris mang nhiều bản sắc và tràn đầy khát vọng.

Trong cuốn hồi ký “The Truths We Hold” xuất bản năm 2019, bà giải thích rằng tên Kamala có nghĩa là “hoa sen” trong tiếng Ấn Độ, như để tôn vinh một biểu tượng văn hóa quan trọng của đất nước Nam Á. Bên cạnh đó, bà luôn được dạy để trân trọng cội nguồn của bản thân và di sản văn hóa da màu.

Trong hành trình trưởng thành, bà Harris coi mẹ mình là hình mẫu lý tưởng để noi theo và luôn ghi nhớ một điều: “Mẹ quyết tâm dạy tôi và em gái trở thành những người phụ nữ da màu tự tin và đáng tự hào khi lớn lên”.

Trên Instagram, bà Kamala Harris từng ca ngợi mẹ mình vì đã dạy bà tầm quan trọng của việc phấn đấu để trở nên tốt hơn. “Mẹ đã dạy chúng tôi giá trị cổ xưa của sự chăm chỉ…Bà ấy dạy chúng tôi không chỉ ước mơ mà còn phải hành động”, bà Harris viết.

Sau khi cha mẹ ly hôn vào năm 1972, bà Harris chuyển đến Canada cùng mẹ và chỉ quay lại Mỹ sau khi học xong trung học. Bà Harris lựa chọn theo học chuyên ngành Khoa học Chính trị và Kinh tế tại Đại học Howard, một trường học có lịch sử truyền thống dành cho người da màu ở Washington, DC. Bà Harris đã viết trong hồi ký của mình rằng, chính tại Howard đã giúp bà nhận thấy rõ cơ hội phát triển của những người da màu ở nước Mỹ. “Chúng ta có thể trở thành bất cứ ai vì còn trẻ, tài năng và là người da màu. Chúng ta không nên để bất cứ điều gì cản trở thành công của mình”, bà khẳng định.

Sau khi tốt nghiệp trường Howard, bà Kamala Harris học thêm ngành luật tại trường Luật Hastings, Đại học California. Bà ấp ủ trở thành công tố viên vì muốn thay đổi hệ thống tư pháp để bảo vệ nhóm thiểu số trong xã hội. Năm 1990, bà gia nhập văn phòng công tố viên Quận Alameda ở Oakland với tư cách là trợ lý công tố viên quận, chuyên truy tố các vụ xâm hại trẻ em.

Người phá bỏ các rào cản về giới tính 

Con đường sự nghiệp của bà Kamala Harris từ công tố viên đến chính trị gia như hiện tại đã được ghi dấu bởi nhiều lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Năm 2010, bà trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên được bầu làm Tổng chưởng lý bang California. Năm 2016, bà được bầu vào Thượng viện Mỹ, là phụ nữ da màu thứ hai và là phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên trở thành Thượng nghị sĩ Mỹ. Năm 2020, bà trở thành ứng cử viên Phó tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.

Năm 2024, bà Harris trở thành người phụ nữ gốc Á đầu tiên, phụ nữ da màu đầu tiên được đảng Dân chủ, một đảng lớn của Mỹ chọn làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng và hiện bà đang đứng trước cơ hội lớn trở thành nữ tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Theo giới quan sát, suốt hành trình từ một người nhập cư đến khi hoạt động chính trị, những thành công của bà Harris đã mang lại nguồn cảm hứng cho nữ giới thuộc mọi sắc tộc, rằng phụ nữ có thể vượt qua mọi rào cản để đạt được thành công.

“Mặc dù tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên làm việc tại văn phòng này, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng. Bởi vì mọi cô bé đang theo dõi đêm nay đều thấy rằng đây là một đất nước của những điều có thể”.

Bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ

Phát biểu của bà Kamala Harris, người phụ nữ đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên đắc cử Phó Tổng thống Mỹ vào năm 2020 khi đó đã mang lại hy vọng và sự tự tin cho hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái. Nhưng câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ của bà vẫn chưa dừng lại khi bà đang đứng trước cơ hội lịch sử để trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng.

Một thống kê cho thấy, 40% các quốc gia đã từng có một nhà lãnh đạo là phụ nữ. Nhưng năm nay nếu bà Harris đắc cử tổng thống Mỹ và điều hành một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, điều đó sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.

Theo Chỉ số chuẩn mực xã hội về giới năm 2023, một dự án của Liên hợp quốc biên soạn dữ liệu khảo sát từ hơn 90 quốc gia, 49% người dân trên toàn thế giới vẫn nghĩ rằng nam giới là những nhà lãnh đạo chính trị tốt hơn phụ nữ. Một nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris sẽ là cơ hội để xóa bỏ định kiến dai dẳng này và mang lại cho phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi niềm tin rằng, họ cũng có thể vượt qua mọi rào cản để đạt được thành công.

“Tôi thấy việc tôi có mặt ở đây và ủng hộ bà Harris là việc làm vì con gái tôi. Đó là những gì tôi có thể làm cho con bé. Tôi muốn mọi phụ nữ, mọi cô gái biết rằng mọi điều đều có thể”.

Cô Ayana Loyd - người dân bang Georgia, Mỹ

Trong sự nghiệp chính trị của mình, Phó Tổng thống Mỹ là người tích cực tham gia các phong trào nữ quyền. Nhắc đến bản sắc chính trị của bà Harris không thể không nhắc đến những đóng góp của bà trong việc bác bỏ đạo luật cấm phá thai ở Mỹ.

Bà Harris đã nhiều lần lên tiếng về những hạn chế của đạo luật này và bảo vệ sức khỏe người mẹ, hay rộng hơn là “đấu tranh vì quyền tự do sinh sản”. Bà gọi lệnh cấm phá thai hiện đang bao trùm miền Nam nước Mỹ là “một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe” và coi quyền bỏ thai là vấn đề tự do cá nhân.

Trên cương vị thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bà Harris cũng từng tranh biện với thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ để chỉ ra sự bất công bằng về giới, rằng “liệu có bất kỳ luật nào yêu cầu một người đàn ông phải làm gì với cơ thể của mình, như luật cấm bỏ thai như đối với phụ nữ hay không?”.

Quan điểm này một lần nữa được bà tái khẳng định khi vận động tranh cử tại Atlanta, bang Georgia hôm 2/11.

“Nhiệm vụ của chúng ta là đấu tranh cho tự do. Giống như quyền tự do cơ bản của một người phụ nữ trong việc đưa ra quyết định về cơ thể của chính mình và không để chính phủ ra lệnh cho cô ấy phải làm gì”.

Bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ

Đặc biệt, trong cuộc bầu cử năm nay, thông điệp chiến thắng của bà Harris gửi đi sẽ còn vang dội hơn nữa khi đối thủ của bà Harris là cựu Tổng thống Donald Trump. Bà Harris, một cựu công tố viên đã nhấn mạnh rằng, toàn bộ sự nghiệp của bà đều dành cho việc bảo vệ luật pháp Mỹ, còn ông Trump đã trắng trợn coi thường Hiến pháp, luật pháp và các chuẩn mực xã hội vốn từ lâu đã định nghĩa nên nền dân chủ Mỹ.

Không chỉ vậy, với tư cách nguyên thủ của một siêu cường, bà Harris cũng có thể xoá bỏ những nghi ngờ lâu nay về khả năng của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định về chiến tranh và hòa bình.

Trong một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew được tiến hành vào năm 2018, 35% người Mỹ cho rằng nam giới xử lý danh mục an ninh và quốc phòng tốt hơn phụ nữ, so với 6% cho rằng phụ nữ có đủ khả năng hơn nam giới. Tuy nhiên, có những cơ sở để tin rằng bà Harris có thể phá vỡ định kiến phân biệt giới tính đó.

Từ Ủy ban Tình báo Thượng viện đến Phòng Tình hình Nhà Trắng, bà Harris đã rất quen thuộc với các chi tiết tuyệt mật về các mối đe dọa an ninh quốc gia và các chương trình được thiết kế để giải quyết chúng.

Với tư cách là phó tổng thống, bà Harris từng phụ trách chính sách không gian, trí tuệ nhân tạo và các thách thức khu vực ở châu Phi, châu Á, Cchâu Âu và châu Mỹ Latinh. Nói cách khác, bốn năm qua đã giúp bà Harris hiểu hơn về các mối quan tâm toàn cầu so với hầu hết các tổng thống mới nhậm chức.

Ngoài sự am hiểu các vấn đề của thời đại, bà Harris đã chứng minh được những phẩm chất thiết yếu để đưa ra quyết định hiệu quả trong khủng hoảng, bao gồm tính cách thận trọng và cách tiếp cận có phương pháp để tìm kiếm bằng chứng, thách thức các lập luận, xem xét rủi ro và cân nhắc các lựa chọn.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden mới đây đã dành cho bà Harris những lời khen ngợi nồng nhiệt.

“Tôi đã chọn Kamala làm bạn đồng hành tranh cử của mình vì nhiều lý do. Cô ấy thông minh, cô ấy cứng rắn. Cô ấy được tin tưởng khi từng là luật sư quận, tổng chưởng lý và thượng nghị sĩ của bang California. Bây giờ, trên cương vị phó tổng thống Mỹ, cô ấy có nhiều kinh nghiệm hơn tất cả những người đang tranh cử cùng cô ấy. Nhưng quan trọng nhất và tôi nói điều này một cách chân thành từ tận đáy lòng, cô ấy là người có nhân cách”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nước Mỹ dưới thời bà Harris sẽ như thế nào?

Theo giới quan sát, nếu bà Kamala Harris đắc cử, nước Mỹ có thể kỳ vọng vào một chính quyền thiên về các chính sách xã hội tiến bộ, nhằm mục đích thúc đẩy công bằng xã hội, bình đẳng, và bảo vệ môi trường. Bà Harris có thể tiếp tục hoặc mở rộng một số chính sách mà chính quyền Biden - Harris đã thực hiện, đồng thời tập trung hơn vào các vấn đề được cử tri Dân chủ quan tâm.

Trong quá trình vận động tranh cử, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bà là đại diện cho tương lai của nước Mỹ còn cựu Tổng thống Trump sẽ đưa đất nước quay trở lại đường lối chính sách nguy hiểm nếu ông được bầu vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Theo đài CNN, trong các đề xuất chính sách, các bài phát biểu và các cuộc vận động tranh cử, Phó Tổng thống Harris khẳng định sẽ tiếp tục nhiều chính sách của Tổng thống Biden như cung cấp tín dụng thuế cho các gia đình trung lưu và thu nhập thấp, giảm chi phí thuốc men. Bà Harris mô tả tầm nhìn mà bà gọi là “một nền kinh tế cơ hội” tập trung vào việc củng cố tầng lớp trung lưu và loại bỏ những yếu tố làm tăng chi phí một cách không công bằng.

“Các bạn sẽ là mối quan tâm của tôi trong mỗi ngày làm tổng thống. Tôi sẽ giảm thuế cho hơn 100 triệu người Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu. Tôi sẽ ban hành lệnh cấm đầu tiên của Liên bang đối với việc các công ty tăng giá hàng tạp hóa, đấu tranh để những người Mỹ chăm chỉ thực sự có thể mua được một nơi để sống”.

Bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Mỹ, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ

Về chính sách đối ngoại, Phó Tổng thống Mỹ Harris cam kết sát cánh cùng với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến của nước này với Nga.

Về cuộc xung đột Israel - Hamas, bà Harris khẳng định “sự ủng hộ tuyệt đối” và “cam kết không lay chuyển” đối với Israel, cũng như nhấn mạnh việc đưa các con tin Israel trở về.

Tuy nhiên, sự đồng cảm mà bà Harris bày tỏ liên quan đến hoàn cảnh và nỗi đau khổ của người Palestine ở Gaza mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì ông Biden thể hiện. Bà là một trong những tiếng nói cấp cao đầu tiên trong chính quyền kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza hồi tháng 3 và mô tả số người dân thường thiệt mạng ở Gaza là một ‘thảm họa nhân đạo”.

Về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giới quan sát nhận định mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và châu Âu có thể sẽ tiếp tục dưới thời bà Harris, đặc biệt là khi nói đến các lĩnh vực như thương mại, trí tuệ nhân tạo, khí hậu,... Ngoài ra, bà Harris dự kiến sẽ tiếp tục nhất quán với chính sách của ông Biden về Trung Quốc, trong đó tập trung vào việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 không chỉ quyết định tương lai và con đường nước Mỹ sẽ đi trong 4 năm tới, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến nền chính trị và kinh tế toàn cầu. Một nhiệm kỳ tổng thống sẽ là cơ hội để bà Harris ghi dấu ấn của riêng mình trong cả chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới, đồng thời truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ thuộc mọi sắc tộc rằng không có giới hạn nào là không thể vượt qua.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Công ty quản lý tháp Eiffel SETE đã bác thông tin có hỏa hoạn tại tòa tháp này, đồng thời cho biết, chuông báo cháy đã vang lên do chập mạch điện, làm lan truyền thông tin có hỏa hoạn tại công trình.

Bộ GD&ĐT chính thức ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. So với trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới căn bản.

Các hãng hàng không quốc tế đang ghi nhận mùa Giáng sinh bận rộn nhất, chủ yếu do người tiêu dùng tại Mỹ và Anh vẫn ưu tiên các kỳ nghỉ và hoạt động du lịch hơn so với các khoản chi tiêu khác.

Phiên tòa xét xử nghi phạm trong vụ ám sát lần thứ hai nhằm vào Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã được hoãn lại đến tháng 9/2025.

Xung đột tiếp tục leo thang tại miền đông Ukraine, khi Nga tuyên bố giành thêm thắng lợi ở chiến trường Donetsk, trong khi Ukraine ghi nhận hàng trăm trận giao tranh ác liệt tại các khu vực tiền tuyến.

Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay trong ngày đầu tiên chính quyền mới chính thức hoạt động. Các chuyên gia nhận định, nếu điều này xảy ra, ngành Y tế toàn cầu có thể đối mặt với những thảm họa lớn.