Khi trà không chỉ là trà

Trà vốn là một thức uống quen thuộc của người Việt Nam nói chung cũng như người Hà Nội nói riêng từ bao đời nay, là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống.

Trà của thế hệ Z

Không khó để tìm kiếm những quán trà hay những quán cà phê trên các con phố của Hà Nội. Tùy theo sở thích, mỗi người sẽ lựa chọn những địa điểm để uống trà và thưởng thức trà khác nhau. Khi nhìn vào menu, đủ các loại trà hiện đại như: trà vải nha đam, trà cam sả, trà gừng mật ong... Có vẻ như đây là trà nhưng cũng chưa hẳn là trà.

Anh Vũ Ngọc Hải, chủ quán Coffee & Tea, cho biết: “Nhà mình thường sử dụng loại trà nhúng vì nó không gây mất ngủ và thời gian ủ trà cũng nhanh hơn. Trà mạn nhà mình cũng có bán nhưng mình không để trong menu vì trà đấy thường các cụ sẽ uống. Các bạn trẻ đến thì hầu như không chọn loại trà mạn đó”.

Nhiều người, dù yêu thích những loại trà truyền thống, nhưng cuộc sống hiện đại khiến họ lựa chọn sử dụng các loại trà được pha chế kiểu mới vì sự tiện dụng và cũng hợp với cảnh, hợp đối tượng ngồi cùng.

Anh Lưu Văn Phong, phường Văn Quán, quận Hà Đông, chia sẻ: “Ngồi với ai thì mình sẽ lựa chọn những món đồ uống phù hợp. Ví dụ như mình về quê mình ngồi với ông bà lớn tuổi thì mình uống theo cách truyền thống, còn đi với các bạn trẻ sẽ lựa chọn những món phù hợp hơn”.

Để thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng mới, nhiều quán trà đã sáng tạo bằng cách kết hợp các nguyên liệu như trái cây, quế, kỷ tử hay sữa kem béo, tạo nên những món trà hiện đại và hấp dẫn hơn. Vì vậy, câu hỏi “Đi uống trà không?” dần trở thành lời mời đến những quán trà phong cách hiện đại này.

Thế nào mới là trà truyền thống?

Để pha một ấm trà truyền thống, trà nương Nguyễn Thùy Linh bắt đầu bày trà cụ gồm bình trà, tống rót, lọc trà, chén uống… lên trên bàn trà. Sau đó bỏ trà, pha nước sôi, làm nóng ấm chén, thong thả nhìn hơi nước bốc lên để đoán nhiệt độ nước thích hợp với loại trà khách dùng.

Trà nương Nguyễn Thùy Linh - Thưởng trà quán, cho biết: “Thứ nhất, mình nên chú ý về loại trà mình pha để chọn nhiệt độ nước phù hợp. Thứ hai, tránh rót thừa nước làm tràn ra ngoài. Thứ ba, tránh các trà cụ va chạm với nhau, cũng như khi rót tránh để tiếng nước bị to. Làm một trà nương, mình phải điều chỉnh tâm trạng trước khi pha trà cho khách để các động tác được dứt khoát, giúp người thưởng trà thưởng thức trọn vẹn”.

Người Việt uống trà như là một thói quen hàng ngày. Vào buổi sáng, nhiều người thường bắt đầu với một tách trà để đánh thức năng lượng cho ngày mới.

Ở các gia đình Hà Nội hiện nay, đãi khách nhất thiết phải có trà. Trà tạo nên mối quan hệ, tạo nên đối thoại - đối thoại với người khác, với chiều sâu nội tâm, trò truyện với chính mình. Uống trà liên kết những người đàm đạo trong không gian và thời gian. Trà, đó là sự giao tiếp giữa các nền văn hóa.

Giữ gìn văn hóa trà Việt

Không chỉ những người lớn tuổi mới ngồi thưởng trà, bạn Đỗ Ngọc Quyên - 23 tuổi là sinh viên năm cuối trường đại học Ngoại Thương, mỗi lần gặp gỡ bạn bè người nước ngoài, Quyên đều tới phòng trà quen thuộc để giới thiệu những nét đẹp văn hóa Hà Nội, trò chuyện và thư thái nhâm nhi từng ngụm trà để cảm nhận hết tinh túy hương vị thanh tao, thơm dịu của trà đem lại.

Bạn Đỗ Ngọc Quyên, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, chia sẻ: “Vị trà hôm nay mình dùng là bạch trà, đây là hương vị trà nhẹ nhất trong các loại trà vì nó có vị thanh được ướp với hoa sen. Mình thấy loại trà này chỉ có ở Hà Nội và khác với các loại trà Trung Quốc”.

Với những người phụ nữ trưởng thành, đủ độ chín và sâu sắc như chị Bùi Diệu Hương, thưởng trà cùng những người tri kỉ cũng là một cách để cân bằng cuộc sống sau những bộn bề, căng thẳng trong công việc. Tại không gian yên tĩnh của phòng trà, hơi ấm từ ấm trà trong tiết trời lành lạnh của những ngày cận Tết khiến chị cảm thấy bình yên, hạnh phúc.

Chị Bùi Diệu Hương, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, cho hay: “Mình nghĩ rằng trong cuộc sống bộn bề hàng ngày, thỉnh thoảng có một khoảng thời gian để mình tĩnh tâm lại và thưởng trà sẽ giúp bản thân thư thái hơn”.

Trà là không chỉ là văn hóa, mà còn là đồ uống không thể thiếu trong đời sống của người Hà Nội. Với nghệ nhân Nguyễn Việt Bắc, để giá trị của trà đến với mọi người quen thuộc như từng nhịp thở, trở thành lối sống lành mạnh, anh đã dày công nghiên cứu các loại trà Việt cổ trong 15 năm.

Nghệ nhân Nguyễn Việt Bắc - Thưởng trà quán, cho biết: “Ở trên đời có rất nhiều thức uống nhưng rất hiếm có thức uống mà ta có thể uống cả ngày và mang lại giá trị tốt đẹp cho thể chất như trà. Về tinh thần, trà là thức uống đã tồn tại lâu đời trong lịch sử, là một biểu tượng của những giá trị truyền thống phương Đông. Trà có khả năng xoa dịu những nỗi đau tinh thần của con người khi xã hội ngoài kia rối ren, bộn bề”.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu trà đứng thứ 5 thế giới, là cái nôi sinh ra cây chè. Nhưng với nhịp sống hiện đại, thị trường có các loại trà pha chế được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, những nét đẹp và giá trị của trà vẫn giữ nguyên tinh thần của mình. Bởi giá trị của trà bền vững cùng thời gian, gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Những ngày này, xã Hồng Vân thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, rực rỡ hơn khi các nhà vườn đồng loạt trưng bày cây cảnh nghệ thuật, thu hút rất nhiều du khách tới tham quan và mua sắm.

Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội là nơi lưu giữ những di sản vô cùng quý giá. Thủ tướng vừa quyết định công nhận 33 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024, trong đó, có ba bộ sưu tập hiện vật từ Hoàng thành Thăng Long là đầu phượng thời Lý, bình ngự dụng và gốm Trường Lạc thời Lê sơ.

Thông qua triển lãm “Bữa tiệc Ánh sáng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nữ họa sĩ Julia Oh đã có một hành trình nghệ thuật đầy xúc cảm, góp phần tăng cường quan hệ ngoại giao cũng như hiểu biết về mỹ thuật giữa hai nền văn hóa.

Hai làng nghề Hà Nội là gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc chính thức được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận, trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu.

Hà Nội đang còn lưu giữ nhiều làng cổ nổi tiếng. Trong đó, Làng Cựu ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên được biết đến với những ngôi biệt thự có kiến trúc cổ kính và độc đáo.

Đình cổ Đồng Lạc tại 38 Hàng Đào đã được xếp hạng là di sản văn hóa, một điểm đến quan trọng của những tour du lịch khám phá văn hóa lịch sử Hà Nội. Ngôi đình là một di tích quan trọng chứng minh cho các hoạt động buôn bán tơ lụa, hoạt động sản xuất thủ công truyền thống và văn hóa của người Thăng Long - Hà Nội.