Khoảng trời qua ô cửa
Những ngôi nhà san sát trong thành phố tạo ra hình ảnh kỳ lạ nhưng khá phổ biến: khung cửa sổ mở ra bức tường, những ô cửa sổ nhìn thẳng vào nhau. Những ô cửa chẳng mở ra đâu và vì vậy suốt tháng, suốt năm đều đóng kín. Nhưng những đứa trẻ với trí tưởng tượng của mình đã biến ô cửa sổ thành một thế giới riêng: nơi chúng đặt những đồ chơi, trang trí…cùng với một thế giới tưởng tượng xung quanh ngôi nhà vượt qua sự chật chội của một đô thị.
Những ngày cuối tuần, ở khoảng sân của khu chung cư Thanh Xuân Bắc, họa sỹ Nguyễn Việt Hòa bận rộn với lớp học vẽ. Khoảng sân nhỏ trở thành không gian cho lũ trẻ vui chơi, chạy nhảy và vẽ.
Khu tập thể cũ được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước là hình ảnh rất quen thuộc của Hà Nội. Rất nhiều những đứa trẻ đã sinh ra và lớn lên trong không gian này. Họa sỹ Nguyễn Việt Hòa đã gắn bó với khu chung cư này hơn 30 năm, anh thuộc từng ngóc ngách tòa nhà, thậm chí từng cái cây trên những góc ban công, từng khung cửa sổ. Lớn lên ở không gian này, anh Hòa trở thành một người thích và để ý đến những chi tiết, màu sắc.
Chuồng cọp, khung sắt là thứ dễ được nhìn thấy nhất, cũng là thứ minh chứng cho sự thay đổi nhanh chóng ở những khu nhà tập thể cũ. Những khoảng trời xanh bị cắt nhỏ tầm nhìn, trong sự xoay sở không gian sống có phần vất vả của cư dân. Cơi nới không gian để sử dụng, một vài thứ phải chấp nhận biến mất trước tầm nhìn, kể cả một khoảng trời thoáng đãng cũng trở nên xa xỉ.
Khoảng sân chung cũng được tận dụng để phơi đồ. Ở đó là cả một thế giới hỗn độn của nhà cửa, quần áo, dây điện, các vật dụng… Một khoảng trời với rất nhiều “bề bộn”. Những đứa trẻ vẽ những ngôi nhà, qua khung cửa sổ mà chúng nhìn thấy hay tưởng tượng ra. Dường như những đứa trẻ không thấy ở đó những điều phiền phức. Một góc sân, một khoảng trời, vài vệt nắng là đủ trong một đô thị chật chội. Những mầu sắc rực rỡ khiến một góc khu tập thể trở nên sống động lạ thường. Một chút mầu sắc, những bố cục thiên về cảm nhận thị giác hơn là sự tròn trịa cân đối giúp cho những bức vẽ mang một vẻ hồn nhiên và trong trẻo.
Quá ngột ngạt với cuộc sống ở khu chung cư, anh Hòa chuyển cả gia đình về Yên Nghĩa, Hà Đông, nơi anh và những đứa trẻ của mình có thể gần gũi hơn với những cánh đồng, vườn cây. Nhưng ngay cả ở vùng ven đô này, tốc độ xây dựng nhanh chóng tạo ra những ngôi nhà san sát. Những chiếc ban công và cửa sổ sát nhau. Một quá trình đô thị hóa lan tới những ngôi làng ven đô.
Bàn học của bé Nhã Uyên cũng có một ô cửa sổ, nhưng sát đường nên khá ồn ào, nhìn ra chỉ thấy một bức tường. Để cho bớt tẻ nhạt, khung cửa có thêm những cây xanh bé nhỏ. Với Nhã Uyên thì đó cũng đã là một điều đặc biệt. Tham gia lớp vẽ cốc cốc cốc cũng giúp Nhã Uyên cảm thấy có thêm niềm vui với màu sắc.
Trong ngôi nhà cũng là lớp học của Cốc cốc cốc, anh Hòa đã thiết kế để ngôi nhà lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng. Những tấm cửa kính lớn, những cây dây leo, và khoảng không gian giếng trời mở ra những khoảng trời qua ô cửa, thấy được mưa nắng, chuyển mùa.
Trong mỗi căn phòng, khung cửa sổ là nơi mà gió, ánh nắng tràn vào, nơi đứa trẻ có thể cảm nhận được thời tiết và những dấu hiệu của mùa. Một ô cửa sổ nhỏ cũng có thể mở ra những điều thú vị.
Khi những khu chung cư cao tầng đang dần trở trở nên phổ biến, mỗi căn hộ có thể trở thành những khối hộp được điều chỉnh nhiệt độ bằng hệ thống điều hòa. Một nền nhiệt ổn định quanh năm bất kể mùa và thời tiết. Một đời sống được bao bọc trong những bức tường và những tấm kính lớn, lọc qua đó tiếng ồn, khói bụi… nhưng cũng mất dần đi những tương tác với tự nhiên. Thế giới của những đứa trẻ có thể bị thu hẹp vào những khung cửa m, trong những chiếc tivi và thiết bị di động.
Bé An Na sống trong một căn hộ chung cư, phía đầu giường có một ô cửa nhỏ, nơi em có thể quan sát được một khoảng hồ Thanh Xuân. Góc nhỏ lấy gió và ánh sáng như một ô cửa bí mật.
Những đứa trẻ ở đô thị sinh ra và lớn lên trong những không gian khác nhau. Chúng dần học cách tiếp xúc với thế giới bên ngoài, trong đó có cả nắng mưa, tiếng ồn, được khám phá và cảm nhận sự thay đổi của bốn mùa trong thành phố.
Bố mẹ, với bản năng rất tự nhiên của mình là trở che và bao bọc nhưng có lẽ cũng cần cho đứa trẻ lớn lên cùng mưa nắng và mở ra những cửa sổ trong tâm hồn để những đứa trẻ có thể tự mình cảm nhận được cuộc sống xung quanh chúng. Và khi ấy, trí tưởng tượng vốn tiềm tàng trong mỗi đứa trẻ sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn và hình thành một tâm hồn biết rung cảm với thế giới xung quanh. Những đứa trẻ cần được hít thở một bầu không khí thanh sạch, một thế giới nhiều mầu sắc và khoảng trời qua ô cửa.
Sáng 11/12, Sở Văn hoá - Thể thao Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Thưởng thức từng hạt xôi dẻo, từng viên kem ngọt thơm trên những con phố của Hà Nội, dù là mùa đông hay hè cũng đều đem lại cảm giác thật khó quên.
Sinh ra và lớn lên ở làng rối nước truyền thống hơn 300 năm - làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đắm chìm trong không gian nghệ thuật này khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Phi có duyên với những con rối. Hiện ông là người chế tác rối nước thủ công duy nhất của phường múa rối nước này.
Tiết chào cờ đầu tuần của buổi sáng thứ hai luôn được các nhà trường duy trì với nhiều hoạt động sôi nổi để khởi động một tuần học tập đầy hứng khởi.
Có bao giờ khi bước đi trên phố và ngắm nhìn những khung cửa sổ của những ngôi nhà bên đường bạn chợt nhận ra đó chính là nơi những công dân đô thị 'kết nối' với bầu trời. Nhưng tiếc thay, những ô cửa sổ ấy, đôi khi, lại chẳng thể mở ra khoảng trời đủ rộng thỏa mãn khát khao 'bay cao' của những con người sống trong những ngôi nhà có những ô cửa sổ ấy.
Với gần 130 gian hàng ẩm thực của Việt Nam và 40 quốc gia, Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 không chỉ là nơi người dân Hà Nội và bạn bè quốc tế được trải nghiệm những hương vị độc đáo làm nên nền ẩm thực nổi tiếng của nhiều quốc gia mà còn mở ra cơ hội giao lưu văn hóa, thúc đẩy quan hệ giữa các nước thông qua ngôn ngữ chung là ẩm thực.
0