Kinh ngạc vùng trồng vải thiều lớn nhất thế giới

Thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, được coi là vựa vải lớn nhất Trung Quốc và cũng là lớn nhất thế giới, với sản lượng vải đạt 620.000 tấn năm 2023, chiếm 1/5 sản lượng thế giới.

Người dân và doanh nghiệp tại Mậu Danh, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã cải tiến giống vải, nâng cao chất lượng, sản lượng quả vải, mở rộng kênh tiêu thụ, phát triển chế biến, khai thác giá trị gia tăng từ quả vải, kết hợp du lịch văn hóa vải thiều, từ đó biến những quả vải nhỏ bé của Mậu Danh trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Đông và của cả nước, góp phần làm giàu cho người dân và phát triển nông thôn.

Những quả vải nhỏ bé của Mậu Danh trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Đông và của cả nước.

Sản lượng vải thiều của Trung Quốc đứng đầu thế giới

Trung Quốc là nước có diện tích trồng vải và sản lượng vải lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2023, diện tích trồng vải của Trung Quốc chiếm hơn 60% toàn thế giới, còn sản lượng vải năm 2023 của nước này chiếm 80% sản lượng thế giới.

Trung Quốc là nước có diện tích trồng vải và sản lượng vải lớn nhất thế giới.

Tại Trung Quốc, vải được trồng nhiều ở các tỉnh vùng phía Nam sông Trường Giang như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam và một số tỉnh khác. Vải được mệnh danh là “một trong bốn loại trái cây chính của miền Nam Trung Quốc” cùng với chuối, dứa và nhãn.

Mùa thu hoạch vải ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 2 đến tháng 7, sớm hơn và lâu hơn các nước khác nhờ thổ nhưỡng, khí hậu, giống vải đa dạng hơn. Từ năm 1987 đến nay, sản lượng vải Trung Quốc đã tăng gấp 20 lần.

Theo trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Quảng Đông, khối lượng xuất khẩu vải tươi của Trung Quốc trong quý II năm 2023 đạt 11.580 tấn, trong đó tỉnh Quảng Đông xuất khẩu 7.014 tấn, chiếm 60,8% cả nước.

Giá trị xuất khẩu vải tươi của Trung Quốc năm 2023 là 222 triệu nhân dân tệ, trong đó tỉnh Quảng Đông đạt 139 triệu nhân dân tệ, chiếm 62,6% tổng số cả nước Trung Quốc.

Từ trái cây đặc sản thành ngành sản xuất lớn

Quảng Đông là một trong những tỉnh trồng vải sớm nhất ở Trung Quốc, có nguồn giống vải phong phú nhất, diện tích và năng suất lớn nhất. Diện tích trồng vải ở Quảng Đông bao phủ 97 quận, huyện, thành phố. Trong đó, thành phố Mậu Danh được coi là vựa vải lớn nhất Trung Quốc và cũng là lớn nhất thế giới.

Theo số liệu từ Trung Quốc, năm 2023, sản lượng vải của Mậu Danh đạt 620.000 tấn, chiếm 1/5 sản lượng thế giới. Có nghĩa là cứ 5 quả vải trên toàn thế giới thì có một quả xuất xứ từ Mậu Danh, Quảng Đông.

Có đến 85% người dân tham gia vào chuỗi ngành vải, tạo ra giá trị 12 tỷ nhân dân tệ cho địa phương.

Vậy tỉnh Quảng Đông đã làm thế nào để những quả vải nhỏ bé của Mậu Danh trở thành thương hiệu của tỉnh và của cả nước, góp phần làm giàu cho người dân và phát triển nông thôn?

Tại thành phố Mậu Danh, có đến 85% người dân tham gia vào chuỗi ngành vải, tạo ra giá trị 12 tỷ nhân dân tệ cho địa phương. Những năm gần đây, ngành vải thiều ở Mậu Danh phát triển theo hướng sản xuất thương mại, trong đó tập trung vào xây dựng thương hiệu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật.

Khi các vùng trồng vải chuyển từ ưu tiên mở rộng quy mô sang tập trung cho chất lượng, hơn 80% vải thiều ở Mậu Danh là vải thiều chất lượng cao, trở thành thương hiệu quốc gia.

Ông Lữ Hoa Cường – Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp Cao Châu, Mậu Danh, cho biết: “Mấy năm gần đây, chúng tôi đã hợp tác với Đại học Nông nghiệp Hoa Nam và các viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp tìm hiểu các giống vải mới, du nhập các giống vải mới về và cải tiến các giống vải ở khu vực Cao Châu”.

Năm 2023, diện tích trồng vải Cao Châu, Mậu Danh đạt gần 39.000 ha, trong đó 2.000 đến 3.000 ha là giống vải đã cải tiến. Các giống vải cải tiến không chỉ cho sản lượng cao hơn mà giá trị kinh tế cũng cao hơn các giống cũ. Lợi nhuận thu được từ giống vải mới tăng 5 - 6 lần so với giống cũ.

Diện tích trồng vải Cao Châu, Mậu Danh đạt gần 39.000 ha.

Mở rộng ra cả tỉnh Quảng Đông, hiện tỉnh này có vườn ươm nguồn gen vải thiều lớn nhất thế giới, với hơn 700 giống và hơn 3.500 cây vải thiều từ 7 tỉnh trong nước và 11 quốc gia và khu vực.

Trong những năm gần đây, Quảng Đông đã tập trung điều chỉnh cơ cấu, cải tiến giống, nâng cao chất lượng, đồng thời liên tục điều chỉnh, tối ưu hóa cơ cấu sản xuất vải thiều, diện tích lai ghép đạt hơn 53.000 ha, tỷ lệ cải tiến giống vải thiều vượt 60%. Tỷ lệ giống vải có chất lượng cao ngày càng tăng và chu kỳ cung cấp quả vải tươi ngày càng kéo dài.

Ngành vải thiều của tỉnh Quảng Đông về cơ bản đã hình thành ba vùng tập trung lợi thế rõ ràng. Vùng vải chín sớm và vừa ở phía Tây Quảng Đông, vùng vải chín vừa và muộn ở phía Đông Quảng Đông và vùng vải chín muộn ở đồng bằng sông Châu Giang.

Chị Lâm Thường Trân cho biết, trước đây, chị trồng chưa đến 1 ha vải, nhưng đến nay diện tích trồng vải của gia định chị đã lên đến gần 20 ha. Chị Trân cho biết chị mạnh dạn mở rộng quy mô trồng vải vì kể từ năm 2019, chính quyền địa phương tích cực khuyến khích người dân trồng vải và hỗ trợ nhiều về kỹ thuật.

Tiêu thụ vải trở thành một khâu hết sức quan trọng đối với các hộ trồng vải.

Từ năm 2020, để phát triển thương mại điện tử, thành phố Cao Châu, Mậu Danh thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo huấn luyện tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, giúp thanh niên học cách phát triển thương mại điện tử, livestream bán hàng. Nhờ vậy đã giải quyết được những khó khăn trong việc tiêu thụ vải trước đây.

Mậu Danh thường xuyên tổ chức hội thảo huấn luyện tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.

Những năm gần đây, chiến dịch “10 vạn cửa hàng thương mại điện tử bán vải thiều” diễn ra xuyên suốt và trở thành điểm nhấn của mỗi mùa vải Quảng Đông. Tại Mậu Danh, sự kiện "Đấu trường tiếp thị quốc gia" đã được phát động. Hơn 3.600 cửa hàng thương mại điện tử vải thiều và hơn 8.000 doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia livestream để bán hàng.

Doanh số thương mại điện tử vải thiều của Mậu Danh năm 2023 đạt 2,34 tỷ nhân dân tệ, tăng 9% so với cùng kỳ. Phương thức bán hàng trực tuyến cũng đã giúp giá bán vải cao hơn 30% so với kiểu bán hàng truyền thống.

Hơn 3.600 cửa hàng thương mại điện tử vải thiều và hơn 8.000 doanh nghiệp siêu nhỏ tham gia livestream để bán hàng.

Một khâu khác cũng được chú trọng trong chuỗi giá trị vải thiều, đó là khâu bảo quản quả vải tươi. Thành phố Mậu Danh đã thành lập các viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm để tập trung giải quyết những tồn tại trong bảo quản vải thiều. Thành phố đã xây dựng 274 trạm lạnh tại vườn phù hợp cho việc bảo quản vải thiều và trang bị 30 xe dây chuyền lạnh để giải quyết vấn đề bảo quản vải ngay sau khi hái.

Không chỉ Mậu Danh, trong những năm gần đây, Quảng Đông đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở làm lạnh và bảo quản nông sản tại các vùng sản xuất. Hơn 1.700 cơ sở làm lạnh và bảo quản nông sản đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh, bổ sung thêm gần 600.000 m3 kho lạnh mới, khắc phục tồn tại trong việc bảo quản nông sản.

Nhiều nơi ở Quảng Đông không ngừng tối ưu hóa dịch vụ hậu cần chuyển phát nhanh.

Nhiều nơi ở Quảng Đông cũng không ngừng tối ưu hóa dịch vụ hậu cần chuyển phát nhanh để đảm bảo vải thiều Quảng Đông có thể được giao thẳng đến các thành phố lớn trong nước trong vòng 24 giờ.

Bên cạnh tiêu thụ vải trong nước, Quảng Đông cũng đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Quảng Đông đã tập hợp 7 doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp để thành lập Công ty TNHH Tập đoàn Nông nghiệp Zhongli Quảng Đông, hình thành chuỗi ngành vải thiều hoàn chỉnh từ trồng, chế biến, bảo quản tươi, vận chuyển dây chuyền lạnh, xuất khẩu.

Năm 2023, quả vải Mậu Danh được xuất khẩu sang 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản lượng 3.733 tấn, tăng 53,4% so cùng kỳ năm trước.

Khai thác giá trị gia tăng của quả vải

Quảng Đông đang phấn đấu xây dựng chuỗi chế biến vải thiều. Trong tỉnh hiện có hàng trăm doanh nghiệp và hợp tác xã chế biến vải thiều, đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn từ “quả thành nước”, “quả thành bột” và “quả thành quả khô”, với tỷ lệ chế biến trên 35%.

Quảng Đông đang phấn đấu xây dựng chuỗi chế biến vải thiều.

Anh Hà Đạt Vị là Chủ tịch Hợp tác xã vải và nhãn Bá Kiều, huyện Căn Tử, thành phố Cao Châu, Mậu Danh. Ngoài bán vải tươi như các hộ trồng vải khác, những năm gần đây, anh tập trung vào chế biến vải và nhãn.

Muốn chế biến sâu nông sản, yêu cầu về vốn và kỹ thuật là rất lớn. Đây là thách thức mà anh Hà Đạt Vị đang phải đối mặt. Nhưng anh cho rằng hướng đi anh chọn là đúng. Bởi vì vải tươi chỉ bán được trong hơn 3 tháng. Còn lại 8,9 tháng trong năm, cần phải nâng cao giá trị gia tăng cho quả vải.

Những năm gần đây, nhiều địa phương khác tại Quảng Đông cũng tích cực thúc đẩy khai thác giá trị gia tăng của quả vải. Chuỗi chế biến nông sản không ngừng được mở rộng. Năm 2023, riêng thành phố Mậu Danh đã chế biến 31vạn quả vải nguyên quả. Các sản phẩm chế biến từ vải phong phú đa dạng, như cà phê vải, kem vải, rượu vải, nước ép vải. Giá vải chế biến cao hơn 30% so với giá vải tươi truyền thống.

Các sản phẩm chế biến từ vải phong phú đa dạng.

Kết hợp phát triển du lịch văn hóa vải 

Không chỉ tập trung sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải, để phát huy đầy đủ giá trị của quả vải, Quảng Đông còn tập trung khai thác các giá trị xã hội, giá trị sinh thái, giá trị văn hóa của vải, xây dựng bảo tàng vải để giới thiệu lịch sử phát triển và thành tựu của nghề trồng vải của Trung Quốc.

Những cây vải cổ thụ tại Mậu Danh đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc phát triển du lịch, văn hóa vải.

Hiện nay, thành phố Mậu Danh bảo tồn rất nhiều cây vải cổ thụ, trong đó có hơn 350 cây vải trên nghìn năm tuổi, hơn 1.000 cây hơn 500 năm tuổi, 19.400 cây vải hơn 100 tuổi. Mỗi cây vải cổ thụ hơn trăm năm tuổi đều có treo mã QR cung cấp thông tin rõ ràng về giống cây, tuổi cây, đơn vị quản lý, người giám hộ của cây. Những vườn vải cổ thụ này được coi là bảo tàng sống về cây vải.

Tại Gaozhou và Dianbai (một quận ở Mậu Danh), vải thiều đặt hàng đang phát triển mạnh mẽ, với phương thức bán hàng chuyển từ "bán từng quả, từng hạt, từng chiếc lá" sang "bán quyền khai thác cây". Mỗi năm, thành phố chọn ra một cây vải cổ thụ hơn 1.300 năm tuổi trở lên để đấu giá. Mỗi cây có giá tới vài tỷ đồng. Doanh nghiệp trúng thầu được thu hoạch vải trong một năm và được dùng cây vải để quảng bá thương hiệu một năm.

Mậu Danh đã xây dựng 5 công viên cây vải cổ thụ và 20 điểm du lịch văn hóa vải.

Mậu Danh cũng đã xây dựng 5 công viên cây vải cổ thụ và 20 điểm du lịch văn hóa vải như Công viên - vườn vải cổ thụ tiến vua, Khu du lịch văn hóa vải Đại Đường, Bảo tàng vải Mậu Danh. Mô hình phát triển kết hợp “văn hóa - vải” và “du lịch - vải” dần dần hình thành, đã thu hút hơn 2 triệu khách du lịch tới tham quan mỗi năm, đem lại khoản thu khổng lồ cho địa phương.

Không chỉ Mậu Danh mà cả các khu vực trồng vải khác của tỉnh Quảng Đông cũng đang tập trung khai thác giá trị của vải thiều - đặc sản địa phương bằng cách đề cao di sản lịch sử và văn hóa của nghề trồng vải, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến hơn nữa chất lượng giống, công nghệ trồng, bảo quản, chế biến, phát triển kênh tiêu thụ và tạo dựng thương hiệu.

Với chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành vải của chính quyền địa phương, những vùng trồng vải của Quảng Đông đã đưa quả vải từ một loại trái cây đặc sản trở thành một ngành sản xuất lớn, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân và doanh nghiệp.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn trên toàn cầu.

Ngày 14/11, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghzi đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tại Tehran để thảo luận chi tiết về chương trình hạt nhân của Iran trong bối cảnh diễn biến quốc tế bị chi phối bởi việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng.

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống được dự đoán sẽ tác động đến chính trị toàn cầu, đặc biệt là đối với Trung Đông. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân khiến giá đồng Bitcoin tăng chóng mặt là do các nhà đầu tư mong đợi về một môi trường tài chính cởi mở hơn với tiền kỹ thuật số dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh dấu một chiến thắng lớn cho tỷ phú Elon Musk, người đã chi ít nhất 119 triệu đô la cho một nhóm ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.

Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ, kinh tế trì trệ, cùng với căng thẳng địa chính trị và áp lực bên ngoài có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào giai đoạn bất ổn. Nước Đức đang ở thời điểm bước ngoặt cho những cải cách và đổi mới để mạnh mẽ vươn lên.