Kinh tế toàn cầu được dự báo kém khởi sắc
Nhật Bản và Anh rơi vào suy thoái
Nhật Bản và Anh, hai trong số những nền kinh tế hàng đầu thế giới vừa cùng báo cáo quý thứ hai liên tiếp ghi nhận tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) âm, theo đó chính thức rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.
Số liệu mới nhất cho thấy, Vương quốc Anh đã rơi vào suy thoái kinh tế chỉ vài tháng trước cuộc tổng tuyển cử, làm chệch hướng cam kết của Thủ tướng Rishi Sunak về tạo ra tăng trưởng kinh tế. Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết tổng sản phẩm quốc nội đã giảm 0,3% trong ba tháng cuối năm 2023, sau khi giảm 0,1% trong quý trước đó. Một cuộc suy thoái thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp sụt giảm.
Theo ONS, tất cả các lĩnh vực kinh tế chính đều giảm trong quý vừa qua, trong đó sản xuất, xây dựng và bán buôn là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng. Ước tính GDP của Vương quốc Anh chỉ tăng vỏn vẹn 0,1% vào năm 2023. Đó là con số tồi tệ nhất kể từ năm 2009, khi nền kinh tế vẫn còn quay cuồng vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nếu loại trừ năm 2020, vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ông Suren Thiru, Giám đốc kinh tế tại Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales, nhận định, mặc dù cuộc suy thoái đang ở mức nhẹ, nhưng những số liệu này cho thấy nền kinh tế nước Anh vẫn bị mắc kẹt trong chu kỳ trì trệ kéo dài suốt năm 2023.
Dù vậy, giới chức Anh vẫn lạc quan về tình hình kinh tế trong năm 2024, với hy vọng lạm phát chậm lại và việc cắt giảm lãi suất dự kiến vào cuối năm nay có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế, vốn đang tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết: “Nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn hầu hết mọi người dự đoán. Lạm phát đang giảm. Tiền lương thực tế đã tăng trong 6 tháng. Và nếu chúng tôi kiên trì với chính sách của mình, các nhà dự báo độc lập nhận định rằng vào đầu mùa hè, lãi suất có thể bắt đầu giảm, và đó sẽ là sự hỗ trợ rất quan trọng đối với các gia đình có khoản vay thế chấp.”
Trong tháng 1 vừa qua, lạm phát hàng năm ở Anh không thay đổi, duy trì ở mức 4%. Con số này vẫn gấp đôi mục tiêu 2% của Ngân hàng Anh nhưng thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 11,1% ghi nhận hồi tháng 10 năm 2022. Lạm phát thực phẩm cũng giảm xuống 7%, từ mức 19,2% vào tháng 3 năm 2023. So với tháng 12 năm ngoái, giá lương thực tháng 1 giảm, lần đầu tiên trong hơn hai năm.
Dù vậy, mức lương hiện đã tăng nhanh hơn giá cả trong 7 tháng liên tiếp. Theo ONS, mức lương trung bình không bao gồm tiền thưởng tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 6,2% trong ba tháng cuối năm 2023.
Trong khi đó, Nhật Bản ghi nhận GDP giảm 0,4% trong quý 4/2023, sau khi giảm 3,3% trong quý 3, chính thức rơi vào suy thoái. Tổng GDP của nước này trong năm 2023 chỉ đạt 4.210 tỷ USD, thấp hơn so với mức 4.460 tỷ USD của Đức, khiến Nhật Bản đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay quốc gia Tây Âu. Theo các nhà phân tích, có hai lý do chính khiến kinh tế nước này tăng trưởng âm và sụt hạng.
Đầu tiên là do đồng yên liên tục mất giá trong năm 2023, làm xói mòn lợi nhuận xuất khẩu. Đồng tiền này đã giảm đến 20% giá trị so với đồng USD trong năm 2022 và 2023, trong khi đồng euro lại tăng 3,7%, giúp GDP của Đức vượt Nhật Bản.
Thứ hai, Nhật Bản tiếp tục vật lộn với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp và lạm phát tăng cao. Năm 2022, dân số Nhật Bản giảm 800.000 người, là năm giảm thứ 14 liên tiếp, trong khi tỷ lệ người già trên 65 tuổi chiếm hơn 29% dân số.
Nhà kinh tế trưởng Paul Donovan của Công ty dịch vụ tài chính UBS Global Wealth Management nhận định đây là yếu tố cản trở tăng trưởng của quốc gia châu Á, bởi dân số giảm đồng nghĩa với việc ít người hơn, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ít hơn. Tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế ở Nhật Bản, đã giảm 0,2% trong quý 4/2023. Trong khi đó, Nhật Bản không thể thúc đẩy tỷ lệ sinh, đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu lao động sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Ông Toshihiro Nagahama - Chuyên gia kinh tế, Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho hay: “Đồng yen mất giá đã đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu tăng lên, làm tăng gánh nặng. Tình trạng thiếu lao động trong nước cũng khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Dưới đòn kép như vậy, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động.”
Tình trạng kinh tế đình trệ của Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sau 2 năm nữa, Ấn Độ sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ rơi xuống vị trí thứ 5.
EU và các nước thành viên hạ dự báo tăng trưởng
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà ghi nhận nửa thập kỷ tăng trưởng tồi tệ nhất trong 30 năm. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã cố gắng vượt qua rủi ro suy thoái vào năm 2023, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn, khiến hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024 và 2025. Xét ở góc độ các khu vực, tốc độ tăng trưởng trong năm nay được dự báo sẽ yếu đi ở hầu hết các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia thành viên đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2024.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng kinh tế năm 2024 của EU được dự đoán sẽ đạt 0,9%, giảm so với dự báo 1,3% trong báo cáo mùa thu năm ngoái. Tăng trưởng của riêng khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) được điều chỉnh giảm từ mức 1,2% được dự đoán trước đó xuống còn 0,8%.
EC cho biết nền kinh tế châu Âu đã trải qua một năm 2023 cực kỳ thách thức, bao gồm sự xói mòn sức mua của hộ gia đình, chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, việc cắt giảm hỗ trợ tài chính và nhu cầu bên ngoài khối giảm. EU gần như tránh được suy thoái vào cuối năm 2023 và bắt đầu năm 2024 yếu hơn dự kiến.
Dù vậy, đà phục hồi sẽ mạnh dần lên nhờ giá cả tăng chậm lại, tiền lương thực tế tăng, và thị trường lao động khá mạnh. Trên toàn EU, lạm phát được dự báo sẽ giảm từ 6,3% vào năm 2023 xuống còn 3% vào năm 2024. Lạm phát ở Eurozone sẽ giảm một nửa còn 2,7% trong năm nay, từ mức 5,4% trong năm ngoái.
Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết nước này cũng điều chỉnh hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ 1,4% xuống 1%. Pháp sẽ phải cắt giảm chi tiêu 10 tỷ euro để đáp ứng các mục tiêu ngân sách, khi nguồn thu từ thuế thấp hơn dự kiến. Chính phủ Đức cũng sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 xuống 0,2% so với dự báo 1,3% trước đó. Theo Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, các yếu tố góp phần dẫn đến điều chỉnh giảm bao gồm mức tăng trưởng thấp của nền kinh tế toàn cầu và phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang cấm tái sử dụng quỹ kích thích COVID-19 còn sót lại đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch ngân sách của chính phủ. Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo GDP của nước này có thể sẽ giảm nhẹ trong quý đầu tiên của năm nay, khiến nền kinh tế hàng đầu châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Người dân Trung Quốc lo lắng khi tăng trưởng chậm lại
Năm ngoái, Trung Quốc gần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%, một trong những mục tiêu thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống 4,6% vào năm 2023 từ mức 4,8% của năm trước đó. Kinh tế nước này đang chững lại, khi thị trường bất động sản tiếp tục khủng hoảng, doanh thu xuất khẩu sụt giảm, các nhà đầu tư quốc tế rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc với tốc độ kỷ lục. Các nhà phân tích dự đoán trong thời gian tới, nền kinh tế số 2 thế giới sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, khiến người dân nước này không khỏi lo lắng.
Trung Quốc đang trải qua thời kỳ giảm phát dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giá tiêu dùng trong tháng 1 vừa qua giảm 0,8%, tức giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong khi chỉ số giá nhà sản xuất giảm tháng thứ 16 liên tiếp.
Theo Thomas Gatley, Chiến lược gia tại Công ty nghiên cứu độc lập Gavekal, áp lực giảm phát ở Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục, hoặc thậm chí có thể gia tăng. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
Bất chấp lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu tiêu dùng nội địa Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua đã tăng vượt mức trước đại dịch năm 2019. Theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, tổng số chuyến đi nội địa trong 8 ngày, bắt đầu từ 10/2, đã tăng 34,3% lên 474 triệu chuyến, trong khi doanh thu du lịch tăng 47,3% lên 632,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương 88 tỷ USD.
Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất của Trung Quốc và thường được coi là thước đo quan trọng để đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, tính bền vững của tăng trưởng ngành du lịch vẫn chưa chắc chắn, do mức chi tiêu du lịch trên mỗi chuyến đi vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Trở lại với công việc sau kỳ nghỉ lễ, nhiều người dân Trung Quốc không khỏi lo lắng với triển vọng kinh tế trì trệ trong năm mới.
Triển vọng việc làm không chắc chắn là một nỗi lo ngại lớn hiện nay, nhất là trong giới trẻ. Bi quan về cơ hội việc làm, nhiều người trẻ tuổi đã từ bỏ công việc văn phòng và lựa chọn những ngành nghề ít ổn định hơn. Các nghiên cứu cho thấy thế hệ Z của Trung Quốc, với khoảng 280 triệu người sinh từ năm 1995 đến năm 2010, là những người bi quan nhất trong mọi nhóm tuổi. Theo một nền tảng tuyển dụng trực tuyến, mức lương trung bình để tuyển dụng nhân viên mới vào năm 2023 đã giảm ở 38 thành phố trọng điểm, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2016.
Mặc dù không có dữ liệu về số lượng thanh niên Trung Quốc từ chối cơ hội làm việc tại công ty, song tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã tăng lên mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang vật lộn để quay trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch.
Theo các chuyên gia, làm thế nào để thế hệ trẻ hiện nay cảm thấy yên tâm là một thách thức đối với chính phủ Trung Quốc. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và thị trường lao động vẫn thắt chặt, giới trẻ sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc vượt qua hàng loạt áp lực như bất bình đẳng xã hội, định hướng tương lai và triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0