Làn gió mới trên chính trường Pháp

Việc Thủ tướng Elisabeth Borne quyết định từ chức sau 20 tháng cầm quyền, đã mở đường cho việc cải tổ chính phủ của Tổng thống Macron. Người thay thế cho bà Borne là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Gabriel Attal, 34 tuổi. Ông đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử của Pháp từ trước đến nay và hứa hẹn sẽ mang đến một phong cách lãnh đạo hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang hy vọng tạo động lực mới cho nhiệm kỳ thứ hai trước hàng loạt các sự kiện quan trọng diễn ra trong năm nay như cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và Thế vận hội Paris vào mùa hè này. Kể từ khi chiến thắng phe cực hữu trong nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2022, Tổng thống Macron đã phải đối mặt với cuộc phản đối về chính sách cải cách lương hưu vốn không được lòng dân, mất đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội và các tranh cãi về luật nhập cư. Việc Thủ tướng Elisabeth Borne quyết định từ chức sau 20 tháng cầm quyền, đã mở đường cho việc cải tổ chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.

Khởi đầu cho cuộc cải tổ chính phủ của Tổng thống Macron

Bà Elisabeth Borne được bổ nhiệm vào vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp của nước Pháp kể từ tháng 5/2022 khi Tổng thống Macron đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Tổng thống Pháp. Bà cũng là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử nền Cộng hòa thứ 5 đảm nhận cương vị này sau bà Édith Cresson, nữ Thủ tướng Pháp từ tháng 5/1991 đến tháng 4/1992 dưới thời cố Tổng thống François Mitterrand.

Thủ tướng Elisabeth Borne quyết định từ chức sau 20 tháng cầm quyền.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dành những lời tri ân tới bà Born trên trang cá nhân X, khi nhận xét nữ chính trị gia kỳ cựu đã “thực hiện các cam kết tranh cử với lòng dũng cảm, sự cam kết và kiên định của một nữ chính khách có nhiều kinh nghiệm chính trường”.

Trong thời gian đứng đầu Chính phủ Pháp, bà Elisabeth Borne đã nỗ lực thúc đẩy và thực hiện được nhiều cải cách quan trọng, trong đó nổi bật là luật cải cách hưu trí nâng độ tuổi về hưu từ 62 lên 64 tuổi và mới đây là thông qua dự luật cải cách nhập cư. Đây là hai vấn đề nhức nhối của nước Pháp từ vài thập niên trở lại đây nhưng chưa từng có chính phủ nào dám đưa ra những giải pháp mang tính đột phá.

Tuy nhiên, việc Thủ tướng này liên tục vấp phải sự phản đối từ các đảng đối lập và phải trải qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhiều nhất. Trong quá trình điều hành, chính phủ của bà Borne đã phải đối mặt với 31 lần kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy chưa một lần nào được thông qua nhưng việc phải đối mặt liên tục với các cuộc bỏ phiếu cho thấy sự bất mãn ngày càng gia tăng của các nghị sĩ. Chính trường nước Pháp rơi vào sự chia rẽ chưa từng có.

Trong gần 20 tháng tại vị, nữ Thủ tướng đã sử dụng 23 lần điều 49 khoản 3 trong Hiến pháp để thông qua các dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội lại càng làm gia tăng sự thất vọng của các nghị sĩ. Điều này đã giúp cho chính phủ của bà Borne thông qua tổng cộng 41 dự luật và 6 gói biện pháp. Với việc đánh mất lòng tin của các nghị sĩ cũng như chính các phe phái ủng hộ mình. Thêm vào đó là nội bộ rạn nứt và không được lòng người dân, không có gì là bất ngờ khi Thủ tướng Pháp, bà Elisabeth Borne đệ đơn xin từ chức, trước thềm cuộc cải tổ nội các đã được mong đợi từ lâu.

Chân dung thủ tướng trẻ tuổi nhất của Pháp

Ông Gabriel Attal sinh ngày 16/3/1989 tại khu vực Ile-de-France, lớn lên ở Paris. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sciences Po năm 2012 với bằng thạc sĩ quan hệ công chúng, từng học luật tại Đại học Panthéon-Assas từ năm 2008 đến năm 2011.

Hoạt động chính trị của ông Attal bắt đầu khi ông tham gia các cuộc biểu tình của giới trẻ ở Pháp năm 2006. Và từ đó ông đã có sự thăng tiến vượt bậc trong sự nghiệp chính trị. Ông Attal được bầu vào Quốc hội Pháp vào tháng 6/2017, nhanh chóng trở thành một trong những tân nghị sĩ tài năng nhất. Ông trở thành thành viên của Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội. Tháng 12/2017, ông được giao làm báo cáo viên về dự luật tiếp cận giáo dục đại học.

Ông Gabriel Attal - Thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Pháp.

Tháng 10/2018, ông Attal được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh, dưới quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia và Thanh niên Jean-Michel Blanquer. Ở tuổi 29, ông là thành viên trẻ nhất của chính phủ dưới thời Cộng hòa thứ năm, đánh bại kỷ lục trước đó do Francois Baroin thiết lập vào năm 1995. Ông chịu trách nhiệm về các vấn đề thanh thiếu niên và thiết lập phổ cập giáo dục.

Ông Attal là người phát ngôn của chính phủ dưới thời Thủ tướng Jean Castex từ năm 2020 đến năm 2022, trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn này, tên tuổi của ông Attal đã trở nên quen thuộc với người dân Pháp. Ông Attal được đánh giá là một ngôi sao đang lên trong Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia và Thanh niên kể từ tháng 7/2023. Trên cương vị này, ông đã công bố lệnh cấm sử dụng khăn trùm đầu Hồi giáo tại các trường học ở Pháp.

Các nhà phê bình cho rằng, tân Thủ tướng Attal có phong cách của Tổng thống Pháp Macron. Nghị sĩ Pháp Patrick Vignal nhận định hiện tại, ông Attal có vẻ giống Tổng thống Macron của năm 2017, khi ông Macron bắt đầu lên nắm quyền và là Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại. Các nhà phân tích dự đoán rằng, việc bổ nhiệm ông Attal làm Thủ tướng Pháp khiến ông trở thành ứng cử viên kế nhiệm Tổng thống Macron vào năm 2027. Tổng thống Macron nói có thể tin tưởng vào nguồn năng lượng và cam kết của tân Thủ tướng để hồi sinh tinh thần xuất sắc và táo bạo hồi năm 2017, thời điểm ông bước vào Điện Elysee.

Ông Sebastien Maillard, chuyên gia của Viện Chatham House cho biết: “Gabriel Attal là ông Macron 2.0. Bằng việc bổ nhiệm ông Attal, Tổng thống Macron kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ sự nổi tiếng, sự mới mẻ, năng lượng, sự thông minh và sự đột phá của một chính trị gia trẻ trung, được giới truyền thông yêu thích.”

Một năng lực khác của ông Attal khiến Tổng thống Macron lựa chọn là khả năng giao tiếp tốt cũng như tư duy nhạy bén đã giúp ông Gabriel Attal luôn có những câu trả lời ấn tượng trước công chúng và trong cả nghị trường, đặc biệt là khả năng sẵn sàng lên tiếng trước công chúng về bất kỳ vấn đề nào. Trong các vị trí cấp bộ, hoặc với tư cách là người phát ngôn chính phủ, ông Attal luôn biết cách gây chú ý và khiến những cải cách của mình hoặc hoạt động của chính phủ được chấp thuận.

Ông Gabriel Attal được ví là phiên bản thứ hai của ông Macron.

Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Gabriel là người nhận được sự yêu mến của công chúng trong chính phủ đương nhiệm. Về quyết định bổ nhiệm tân Thủ tướng, trong một cuộc khảo sát mới đây cho thấy hơn 50% dân Pháp được hỏi tỏ ra hài lòng. Cũng theo thăm dò này, 47% dân Pháp cho rằng tân Thủ tướng Gabriel Attal xứng đáng trở thành ứng viên Tổng thống của liên minh cầm quyền trong cuộc tranh cử 2027, tăng 14%, đứng thứ hai sau cựu Thủ tướng Edouard Philippe.

Quyết định bổ nhiệm ông Attal làm Thủ tướng được cho là nỗ lực của Tổng thống Macron để trẻ hóa chính phủ, một phần nhằm thu hút cử tri trẻ tuổi trước cuộc bầu cử quan trọng của Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Đạt được kết quả tốt trong các cuộc bầu cử ở châu Âu là yếu tố quan trọng nếu ông Macron muốn duy trì tầm ảnh hưởng ở Liên minh châu Âu như trong sáu năm qua.

Những thách thức đang chờ đợi tân Thủ tướng

Theo tờ La Croix của Pháp, tuổi trẻ và được lòng cử tri của tân thủ tướng mang lại lợi thế, nhưng sự nghiệp thăng tiến với tốc độ chóng mặt của chính trị gia 34 tuổi cũng là hạn chế lớn. Đó là vốn liếng chính trị của ông Gabriel Attal còn rất ít, và tân Thủ tướng cũng không thực sự hiểu rõ toàn bộ sự vận hành rất phức tạp của bộ máy chính phủ. Để khắc phục được điều này, tân Thủ tướng cần được sự hỗ trợ đủ mức cần thiết. Thách thức hiện nay với tân thủ tướng là tạo lập được một thế đa số ổn định trong bối cảnh phe cầm quyền không có được đa số quá bán tại Hạ Viện sau cuộc bầu cử năm 2021.

Giới quan sát cho rằng nhiệm vụ cấp bách nhất của ông Attal sau khi nhậm chức là đảm bảo chính phủ giành lại được ủng hộ và tín nhiệm của người dân. Tổng thống Macron và các cộng sự hy vọng có thể có vị thế tốt hơn Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen, người đang giành được ủng hộ ngày càng lớn trong dư luận với quan điểm chống nhập cư và Hồi giáo.

Vốn liếng chính trị của ông Gabriel Attal còn rất ít.

Chủ nhân mới của Điện Matignon cũng sẽ phải giải quyết tất cả các vấn đề hóc búa liên quan tới luật nhập cư, tình trạng thất nghiệp gia tăng, sức mua giảm. Theo các nhà quan sát, để có cơ hội thành công, ông Attal sẽ phải đáp ứng một số điều kiện. Đầu tiên là phải thành lập được một chính phủ gắn kết, với đội ngũ lãnh đạo các siêu bộ là những người có tầm ảnh hưởng trong dư luận và được trao quyền tự chủ. Giống như những gì ông Bruno Le Maire đã đạt được cho đến nay tại Bộ Kinh tế.

Một điều kiện khác và trên hết, đó là phải tiếp tục theo đuổi chương trình cải cách, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc có thể thất bại trong các cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện.

Mặt khác, ngay cả những nhân vật đối lập cũng thừa nhận rằng ông Attal là một người ưu tú xuất sắc, ông được yêu mến trong Quốc hội. Nhưng cũng không ít người nghi ngờ rằng ông có thể tạo nên những thay đổi lớn khi ví ông như một bản sao thu nhỏ của Tổng thống Macron.

Tân thủ tướng Pháp cho biết mục tiêu của ông trong cương vị mới sẽ bao gồm đưa an ninh quốc gia thành “ưu tiên tuyệt đối” và thúc đẩy các giá trị “thẩm quyền và sự tôn trọng lẫn nhau”. Ông Attal cũng cam kết tăng cường các dịch vụ công bao gồm trường học và hệ thống y tế, đồng thời thúc đẩy “kiểm soát nhập cư tốt hơn”.

Tân Thủ tướng Attal nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ vận mệnh quốc gia, phát huy những tiềm năng của nước Pháp và cam kết sẽ tập hợp các lực lượng năng động của đất nước trong tuần này nhằm tập trung vào “ba trục chính” là việc làm, kinh tế và tuổi trẻ.

Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal phát biểu: “Đầu tiên sẽ là ưu tiên cho việc làm. Làm việc luôn tốt hơn là không làm việc, nhất là trong bối cảnh lạm phát vẫn tiếp tục đè nặng lên cuộc sống của người dân Pháp. Tiếp theo là giải phóng nền kinh tế của chúng ta, đặc biệt là việc đơn giản hóa mạnh mẽ đời sống của các doanh nghiệp và doanh nhân. Và cuối cùng, đây chính là hành động kiên quyết mà chúng ta phải thực hiện đối với tuổi trẻ, đối tượng mà tài năng chỉ chờ cơ hội để được bộc lộ".

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng nước Pháp, ông Attal hứa sẽ luôn dành sự ưu tiên cho giáo dục và nói giáo dục là mẹ của tất cả các trận chiến của chúng ta.

Tại buổi làm việc giữa Tổng thống và tân Thủ tướng Pháp, diễn ra trong ngày 10/1, tức một ngày sau khi ông Attal được bổ nhiệm, ông Attal cam kết hành động nhanh chóng để hỗ trợ tầng lớp trung lưu vượt qua cơn bão chi phí sinh hoạt và giúp Tổng thống Macron vượt qua những cải cách đang gây tranh cãi, chia rẽ trong nước Pháp, qua đó tăng cơ hội cho Đảng Trung dung của ông giành được thêm ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Hiện tại, trong bối cảnh sự bất mãn của dư luận lan rộng về chi phí sinh hoạt tăng cao và cuộc cải cách tiền lương vào cuối năm ngoái, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Macron bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động đến cơ hội đạt được phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu sắp tới. Đảng của ông Macron đang tụt xa phía sau Đảng cực hữu của bà Marine Le Pen.

Tổng thống Emmanuel Macron đang cần lấy lại vị thế và uy tín của mình trong mắt cử tri sau phản ứng dữ dội về cuộc cải cách hưu trí và chính sách nhập cư. Ông Macron đã hứa hẹn sẽ trở lại vượt trội và táo bạo, và có vẻ như chiến lược đó giờ đang được đặt lên vai vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất của nước Pháp. Cơ hội và thách thức đều đang ở phía trước và cờ đã nằm trong tay ông Attal. Giờ là lúc vị Thủ tướng thứ 26 của nền Đệ ngũ Cộng hòa bắt đầu vào cuộc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.