Làn sóng bạo lực chính trị ở châu Âu

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần, làm sóng bạo lực nhằm vào các chính khách gia tăng cho thấy những chia rẽ chính trị sâu sắc trong lòng châu Âu.

Gia tăng các vụ tấn công chính trị gia châu Âu

Mối đe dọa bạo lực chính trị ở châu Âu đã ngày càng trầm trọng, khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 15/5 đã bị bắn 5 phát đạn ở cự ly gần, gây nguy hiểm đến tính mạng. Đây được xem là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào một nhà lãnh đạo châu Âu trong nhiều thập kỷ, bởi Slovakia - quốc gia thành viên của cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) hiếm khi xảy ra các vụ bạo lực chính trị.

“Hành động này có động cơ chính trị.  Ai đó đã xúi giục thủ phạm và việc này phải dừng lại. Những cuộc tấn công vào quan chức chính phủ do người dân bầu phải được dừng lại. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia thảo luận xã hội. Cho dù họ là chính trị gia, tổ chức dân sự xã hội, tổ chức phi chính phủ hay phương tiện truyền thông, hãy dừng lại các chiến dịch thù hận và góp phần giảm bớt căng thẳng.”

Ông Lubos Blaha - Phó Chủ tịch Quốc hội Slovakia

Nỗi lo sợ tình hình bạo lực đã khiến Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova, một trong những chính trị gia được yêu thích ở quốc gia Trung Âu quyết định không tái tranh cử. Bà Caputova cho biết, những lời công kích bà và gia đình bà là một trong những lý do khiến bà cảm thấy mình “không đủ sức” để phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa.

Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova (người đứng giữa ảnh)

Tại Ba Lan, Thủ tướng Donald Tusk cho biết đã nhận được những lời đe dọa tương tự sau vụ ám sát thủ tướng Slovakia Rober Fico. Bạo lực cũng đã gây bất ổn cho nền chính trị Tây Ban Nha. Tháng 11 năm ngoái, ông Alejo Vidal-Quadras, người đồng sáng lập đảng Vox cực hữu của Tây Ban Nha đã bị bắn vào mặt ở thủ đô Madrid. Sau đó, 5 người liên quan đến vụ án đã bị bắt giữ

Tại Ireland, chồng và các con nhỏ của Bộ trưởng Tư pháp Helen McEntee đã buộc phải sơ tán khỏi nhà sau một vụ dọa đánh bom. Trong khi đó, những người đeo mặt nạ đã tụ tập bên ngoài nhà của Bộ trưởng Bộ Hội nhập Roderic O'Gorman.

Tại Pháp, nhiều Thị trưởng Pháp đã từ chức vào cuối năm ngoái sau các cuộc tấn công vào nhà riêng bởi các đối tượng chống nhập cư hoặc những kẻ bạo loạn.

Nước Đức thời gian gần đây cũng ghi nhận một loạt các vụ tấn công nhằm vào các chính trị gia, thậm chí có người phải nhập viện với những vết thương nghiêm trọng. Cựu thị trưởng Berlin Franziska Giffey hôm 8/5 bị đánh giữa thư viện.

"Tôi sốc và khó chịu khi gần đây chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều cuộc tấn công kiểu này, mọi người bị tấn công vì hoạt động chính trị, lập trường và thái độ của họ. Điều đó ảnh hưởng đến nhiều người, ảnh hưởng đến các chính trị gia ở cấp địa phương, cấp bang, cấp quốc gia và cấp châu Âu."

Bà Franziska Giffey - thành viên Hội đồng thành phố Berlin, Đức

Trước đó, nghị sỹ Matthias Ecke, 41 tuổi, một Nghị sĩ nghị viện châu Âu thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức cũng bị 4 kẻ tấn công trong lúc ông đang dán áp phích bầu cử châu Âu ở thành phố Dresden.

Ông Matthias Ecke bị thương nặng và phải phẫu thuật. 

 “Những con số trong những năm gần đây cho thấy rõ tình hình. Gần 3.000 vụ tấn công chỉ riêng trong năm ngoái và năm nay thậm chí có thể còn nhiều hơn. Bằng cách nào đó người ta chấp nhận văn phòng của một đảng chính trị bị tấn công hoặc bị xúc phạm nhưng không có gì ngăn chặn điều tồi tệ xảy ra, cho đến khi một vụ bạo lực cực đoan xảy ra.”

Ông Benjamin Jenro - người phát ngôn Nghiệp đoàn Cảnh sát Berlin, Đức

Theo Văn phòng Cảnh sát hình sự liên bang Đức, tội phạm mang động cơ chính trị đã tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua và vẫn tiếp tục gia tăng với một bộ phận đang có xu hướng cực đoan hóa. Năm 2023, 2.790 tội ác đã được thực hiện chống lại các đại diện dân cử hoặc các nhà hoạt động từ 7 đảng có đại diện trong Quốc hội Đức.

Bà Angela Mass - người dân thành phố Frakfurt, Đức chia sẻ: “Bạo lực đang gia tăng trở lại, gợi nhớ đến những năm 1930. Tôi thấy thật đáng sợ. Thật khủng khiếp khi tình trạng đó lại xảy ra vào thời điểm này.”

Trước diễn biến này, Ủy ban châu Âu đã bày tỏ lo ngại về làn sóng bạo lực hiện nay, nhấn mạnh các phát ngôn thù địch góp phần cổ xúy các nhóm đối tượng muốn gây rối loạn, thay vì đối thoại và tranh luận.

Xu hướng cực hữu và bất mãn trong lòng châu Âu

Trên khắp châu Âu, bức tranh chính trị ngày càng trở nên phân cực với ranh giới giữa một bên là các đảng chính thống và một bên là những người theo chủ nghĩa dân túy và cực đoan. Thậm chí, bộ phận theo xu hướng dân túy đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở cả cấp độ quốc gia và châu lục. Nguyên nhân là sự bất mãn của một bộ phận người dân châu Âu trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu diễn biến phức tạp, từ cuộc xung đột ở Ukraine, chiến sự ở Gaza cho đến những khó khăn của nền kinh tế.

Các nhóm lợi ích khác nhau trên khắp châu Âu từ Pháp, Tây Ban Nha cho đến Slovakia đã xuống đường biểu tình phản đối các chính sách nông nghiệp, biến đổi khí hậu, vấn đề nhập cư và cả quyền tự do dân sự vì cho rằng tiếng nói của họ không được lắng nghe.

 “Những kẻ tấn công bạo lực rõ ràng là cực kỳ bất mãn về vấn đề chính trị. Có thể một chính sách nào đó không phù hợp với ý tưởng và mong muốn của họ. Ở mức độ sâu xa hơn, điều này cho thấy các nhóm đối tượng này sẵn sàng sử dụng bạo lực để khẳng định và bảo vệ lợi ích. Đây là những lợi ích xuất phát từ những bất ổn về kinh tế -văn hóa và các bất ổn này đã ngày càng gia tăng trong những năm qua.”

Bà Jasmin Riedl - nhà khoa học chính trị, Đại học Bundeswehr Munich, Đức

Trên thực tế, xu hướng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã xuất hiện từ những năm gần đây khi các đảng cực hữu lên nắm quyền tại Hungary và Italy; tham gia vào chính phủ ở Phần Lan và Slovakia; giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Hà Lan hồi tháng 11/2023. Và gần đây là thiết lập được chương trình nghị sự về dự luật nhập cư mới ở Pháp.

Nghiên cứu từ Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại dự báo, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay sẽ còn chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn sang cánh hữu ở nhiều quốc gia, với các đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy giành được lợi thế trên khắp châu Âu, còn các đảng trung tả và đảng Xanh sẽ mất nhiều ghế và phiếu bầu.

 “Trong kỳ bầu cử châu Âu sắp tới, phe cực hữu sẽ vượt qua một ngưỡng, buộc các xu hướng khác phải hợp tác. Cực hữu sẽ đủ mạnh để ngăn chặn hoặc thúc đẩy chính sách, đủ lớn để đòi những chức vụ then chốt trong Ủy ban và Nghị viện châu Âu, thậm chí cả các vị trí cao cấp tại Brussels.”

Ông Simon Hix - giáo sư Đại học Tổng hợp châu Âu tại Florence, Italy

Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, tại Italy, đảng cực hữu Anh em đang đứng đầu với 27% số ý kiến ủng hộ. Trong khi tại Đức, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức đứng thứ hai với 15% số ý kiến. Tại Áo, đảng Tự do cực hữu cũng được dự đoán sẽ giành được nhiều lợi thế.

 “Có một điều chắc chắn là trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ đóng vai trò trung tâm hơn trong các kịch bản về tương lai châu Âu so với những năm trước. Tôi cho rằng các ý tưởng và quan điểm của chúng tôi đang có chỗ đứng trên khắp châu Âu, không chỉ ở Italy.”

Ông Nicola Procaccini - nghị sỹ châu Âu thuộc đảng Anh em Italy

Một nguyên nhân khác khiến làn sóng cực hữu và chủ nghĩa cực đoan lan rộng và thu hút sự chú ý của cử tri đó là nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Theo các nhà quan sát, mọi người ngày càng nhận được nhiều thông tin hơn qua mạng xã hội, trong đó có rất nhiều thông tin sai lệch và gây hiểu lầm, kích động hành vi cực đoan. Các thông tin loại này không chỉ được phản ánh, mà còn được nó thúc đẩy và khuếch đại nhờ những thuật toán tinh vi.

Trước nguy cơ xu hướng cực hữu dân tộc chủ nghĩa mở rộng ảnh hưởng trên chính trường, các nhà lãnh đạo Đức, Italia và Áo đã lên tiếng kêu gọi xây dựng một châu Âu đoàn kết và hùng mạnh.

 “Cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu cần nêu cao quan điểm chống lại những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu – những người muốn phá hủy sự chung sống hòa bình của chúng ta. Chúng ta cần phản đối suy nghĩ của một số người cho rằng họ có thể giành được tương lai bằng cách quay trở lại quá khứ. Họ muốn làm cho mọi người chống lại nhau, thay vì tập hợp và đoàn kết. Đó là lý do tại sao chúng ta cần củng cố các nền dân chủ. Chúng ta cần một châu Âu đồng lòng và vì tập thể.”

Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu cần chuẩn bị các đề xuất và giải pháp thay đổi tình hình, đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về nhu cầu kinh tế và giải quyết các thách thức an ninh, xoa dịu những bất bình của cử tri, qua đó đảo ngược cục diện và ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Bài toán bảo vệ các chính trị gia châu Âu

Theo hãng tin CNN, chính trường châu Âu không phải là lần đầu tiên đối mặt với tình trạng chia rẽ gay gắt, vì quan điểm đối lập giữa các chính trị gia vốn đã tồn tại nhiều năm. Chính sự đối lập này khiến các chính trị gia đặc biệt dễ bị tấn công bạo lực. Mặt khác, tiếp xúc với người dân là việc làm cần thiết với các chính trị gia để tăng cường kết nối và gia tăng sự ủng hộ. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với đám đông đồng nghĩa với việc các chính trị gia phải chấp nhận rủi ro có thể bị tấn công bất ngờ.

Để giảm thiểu rủi ro này, các chuyên gia cho rằng thông thường sẽ có hai cách. Một là các chính trị gia nên hạn chế tiếp xúc với người dân. Hai là các nhân viên tình báo cần làm việc tốt hơn để thu thập thông tin và ngăn các trường hợp như vụ Thủ tướng Slovakia bị ám sát vừa qua.

Tuy nhiên, cả hai cách đều có nhược điểm. Cách thứ nhất có nguy cơ khiến người dân xa lánh các nhà lãnh đạo. Cách thứ hai đòi hỏi phải tăng cường đầu tư vào các hoạt động tình báo, an ninh và kết quả thì không chắc sẽ thành công. Trong khi đó, CNN đã chỉ ra cách thứ ba, đó là giảm sự chia rẽ chính trị trong nước. Tuy nhiên, quá trình này chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.

Việc tiếp xúc với đám đông đồng nghĩa với việc các chính trị gia phải chấp nhận rủi ro có thể bị tấn công bất ngờ.

Làn sóng bạo lực nhằm vào các chính trị gia ở châu Âu thời gian qua, với đỉnh điểm là vụ ám sát Thủ tướng Slovakia-ông Robert Fico một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về sự phân cực nguy hiểm đang rình rập châu Âu. Hơn lúc nào hết, Liên minh châu Âu cần một giải pháp kịp thời và hiệu quả để đảm bảo môi trường chính trị lành mạnh vì một tương lai bền vững.

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa, cả châu Âu sẽ bước vào cuộc bầu cử Nghị viện, sự đoàn kết của “mái nhà chung” cần được nhìn nhận như một giải pháp hữu hiệu nhằm chống lại chủ nghĩa dân túy đang gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, người dân châu Âu cần nhận thức được lợi ích lâu dài và cốt lõi của liên minh khi cầm trên tay lá phiếu cho cuộc bầu cử vào tháng 6 tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.