Hậu quả của bão lũ: Bão Yagi 'thổi bay' 40.000 tỷ đồng

Tính đến ngày 15/9, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu của nó đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương, gây thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng, ước giảm khoảng 0,15% GDP năm nay.
  • Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngày 14/9, đợt mưa lũ kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây ra 305 sự cố đê điều trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và nhiều tuyến sông khác tại khu vực Bắc Bộ.
  • Bộ Giao thông Vận tải ước tính cần khoảng 2.900 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra cho các tuyến đường quốc lộ từ Thanh Hóa ra các tỉnh miền Bắc.
  • Gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng, ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến Thanh Hóa. Tính đến ngày hôm nay, bão số 3 đã khiến hơn 2.000 người thương vong, trong đó có 348 người chết và mất tích, hơn 1.900 người bị thương, thiệt hại 40.000 tỷ đồng.

NGÀY 15/9: THIỆT HẠI DO BÃO SỐ 3 GÂY RA ƯỚC TÍNH KHOÀNG 40.000 TỶ, GIẢM 0,15% GDP

● 19:00: MTTQ VIỆT NAM TIẾP TỤC CÔNG BỐ THÊM 9.194 TRANG SAO KÊ

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa đăng tải thêm 9.194 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong ngày 11/9. Tính đến 17h ngày 15/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.094 tỉ đồng.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa công khai thêm 9.194 trang sao kê chi tiết về số tiền ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào ngày 11-9. Đến chiều 15-9, số liệu tiếp tục được cập nhật, cho thấy có 294.553 giao dịch từ nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước gửi tiền đến tài khoản của Ngân hàng Vietcombank, tài khoản số 0011001932418.

Số tiền quyên góp có sự đa dạng, từ những khoản nhỏ như 2.000 đồng, 10.000 đồng đến những khoản lớn hàng triệu đồng. Đáng chú ý, có 81 cá nhân, tổ chức đóng góp 100 triệu đồng, cùng 231 tổ chức, cá nhân ủng hộ 50 triệu đồng.

Ban Vận động cứu trợ Trung ương hiện đang khẩn trương rà soát và phân bổ nguồn viện trợ đến các địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão. Đồng thời, danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp sẽ được cập nhật công khai để đảm bảo minh bạch và tạo sự yên tâm cho những người đã đóng góp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cam kết việc sao kê và công bố thông tin thực hiện đúng quy định, nhằm bảo đảm nguồn lực sẽ sớm được phân phát đến người dân gặp khó khăn.

● 17:00: NƯỚC SÔNG HỒNG RÚT,  HƠN 40.000 NGƯỜI DÂN TRỞ VỀ NHÀ

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, tính đến sáng 15/9, đã có 40.809 trong tổng số 68.604 người dân phải sơ tán do lũ quay trở về nơi ở cũ sau khi mực nước sông Hồng giảm xuống dưới mức báo động 1.

Tuy nhiên, khoảng 31.362 người vẫn phải tạm cư tại các khu vực do chính quyền địa phương bố trí, đặc biệt là ở các huyện Chương Mỹ (8.778 người), Ứng Hòa (4.672 người), và Mỹ Đức (7.804 người), nơi mực nước sông Đáy và sông Bùi vẫn ở mức cao, biến đổi chậm.

Tại Chương Mỹ vẫn còn nhiều khu vực ngập sâu trong nước. Ảnh: TTXVN

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện và thị xã tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, thực hiện nghiêm túc công tác trực ban và chuẩn bị các biện pháp ứng phó, tăng cường kiểm tra hiện trường, tuần tra bảo vệ đê điều và xử lý kịp thời các sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Hiện tại, mực nước sông Tích và sông Bùi vẫn đang ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Các quận, huyện liên quan được chỉ đạo dừng bơm nước ra hệ thống sông Tích, sông Bùi để tránh tình trạng lũ lụt kéo dài.

● 16:00: THÊM 18 NGƯỜI AN TOÀN TẠI LÀNG NỦ

Theo Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu hộ tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai), đến đầu giờ chiều ngày 15/9, đã xác minh thêm 18 người trước đó được cho là mất tích. Cùng với 11 người đã khai báo vào ngày 13 và 14/9, tổng cộng 29 người được cho là mất tích đã được xác minh là còn sống.

Công tác cứu hộ tại Làng Nủ vẫn đang được thực hiện

Như vậy, tại Làng Nủ hiện ghi nhận 52 người thiệt mạng và 14 người vẫn đang mất tích.

Công tác tìm kiếm những người mất tích còn lại đang được tăng cường với sự hỗ trợ của máy móc và chó nghiệp vụ, nhằm đẩy nhanh quá trình cứu hộ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến sáng ngày 15/9, toàn tỉnh Lào Cai đã ghi nhận 252 người chết, bị thương và mất tích do ảnh hưởng của bão số 3. Thiệt hại về nhà cửa cũng rất nghiêm trọng với 13.547 ngôi nhà bị hư hại, trong đó có 912 ngôi nhà bị sập gần như hoàn toàn. Ngoài ra, hơn 3.000 ha cây lương thực bị vùi lấp, gây tổn thất nặng nề cho người dân địa phương.

Công tác khắc phục hậu quả và cứu trợ đang được các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai nhằm ổn định tình hình và hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng.

● 15:00: THỦ TƯỚNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI 6 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO LŨ

Ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ nhằm bàn về các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, và phục hồi sản xuất.

Nêu một số tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm cần lưu ý trong công tác phòng, chống, ứng phó với bão lũ vừa qua; nhất trí với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, nhất là các cơ chế, chính sách nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương về khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, cảm ơn các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng và nhân dân đã nỗ lực phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; đồng thời nghiêm khắc phê bình những tổ chức, cá nhân có lúc, có nơi còn chủ quan, lơ là, thiếu tinh thần, trách nhiệm trong phòng, chống, ứng phó thiên tai.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ quán triệt mục tiêu: không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói rét, thiếu nước uống, không có chỗ ở; khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát, phấn đấu vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 7%; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giữ môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển.

● 14:30: LÀO CAI GHI NHẬN 125 NGƯỜI CHẾT, THIỆT HẠI TRÊN 3.235 TỶ ĐỒNG

Sáng 15/9, thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, đội tìm kiếm cứu nạn đã phát hiện thêm 2 thi thể trong vụ sạt lở sập Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á tại xã Nậm Lúc, nâng tổng số thi thể tìm được tại điểm sạt lở này lên 5. Hiện còn 11 người vẫn đang mất tích tại huyện Bắc Hà, trong đó xã Nậm Lúc còn 8 nạn nhân, thôn Kho Vàng xã Cốc Lầu còn 2 nạn nhân và xã Bản Liền còn 1 nạn nhân.

Tính đến 11 giờ sáng 15/9, huyện Bắc Hà ghi nhận tổng cộng 23 người thiệt mạng, 11 người mất tích và 17 người bị thương do bão lũ và sạt lở đất đá. Để khắc phục hậu quả, huyện Bắc Hà đang tập trung nhân lực khôi phục hệ thống điện, với mục tiêu đóng điện tại xã Nậm Khánh trong ngày 15/9, nâng tổng số xã có điện lên 18/18. Hiện đã có 66/78 trạm biến áp và 7.409/8.882 hộ dân được cấp điện trở lại.

Cũng trong lúc này, công tác thông tuyến giao thông đang được đẩy nhanh, đặc biệt là tuyến đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Nậm Khánh, xã Bản Cái và 30 thôn trên địa bàn. Các lực lượng cũng đang nỗ lực khôi phục sóng phát tại Trạm BTS Thôn Đội 3, xã Bản Liền, với 85/86 trạm BTS đã hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, trạm phát sóng tạm thời đã được dựng để hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân tại thôn Nậm Tông.

Tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, số nạn nhân tử vong đã lên 52 người sau khi thêm 1 trường hợp tử vong được ghi nhận. Hiện còn 14 người mất tích và 15 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Tổng số người bị ảnh hưởng tại thôn Làng Nủ đã đạt 66 trường hợp.

Tính đến trưa 15/9, toàn tỉnh Lào Cai ghi nhận 125 người chết, 43 người mất tích và 84 người bị thương do hoàn lưu bão số 3. Các tuyến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với 480 vị trí sạt lở ta luy dương và 43 vị trí sạt lở ta luy âm trên các quốc lộ như QL 4, 4D, 4E, 279, gây ách tắc 71 điểm. Đến nay, đã khắc phục 68 vị trí, còn lại 3 điểm đang tiếp tục xử lý.

Các tỉnh lộ 151-162 ghi nhận 624 vị trí sạt lở ta luy dương và 77 vị trí sạt lở ta luy âm, cùng với 926 tuyến đường huyện xã bị hư hỏng, hiện còn 65 điểm ách tắc.

Ngoài ra, Lào Cai còn ghi nhận nhiều thiệt hại nghiêm trọng về sản xuất nông nghiệp, viễn thông, điện... đang được các địa phương tiếp tục khắc phục.

Theo ước tính, thiệt hại ban đầu của tỉnh trên 3.235 tỷ đồng.

● 14:00: TÌM THẤY THÊM 2 NẠN NHÂN VỤ SẠT LỞ TẠI CAO BẰNG

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn vừa phát hiện thêm 2 thi thể nạn nhân tại khu vực Khuổi Ngọa huyện Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng. Tổng cộng, đến nay, đã tìm thấy 53 thi thể tại các điểm sạt lở ở xã Ca Thành và Yên Lạc, còn 3 nạn nhân vẫn đang mất tích tại điểm sạt lở Khuổi Ngọa.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 575, Quân khu 1 tìm kiếm nạn nhân gặp nạn tại khu vực Khuổi Ngọa. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Nguyên Bình, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề. Mưa to và gió lốc làm gãy đổ và ngập úng 50,871 ha cây hoa màu; 137,975 ha lúa; 5 ha mía; 7,18 ha cây lâm nghiệp; 1,77 ha dong riềng; 714 cây ăn quả; 32 ao cá. Bên cạnh đó, 21 con trâu, 99 con lợn, 427 con gia cầm đã chết; 10 vị trí cột điện 35KV và 38 vị trí cột đường dây hạ thế bị hư hỏng; 3 điểm trường bị sạt lở gây thiệt hại.

Ngoài công tác tìm kiếm nạn nhân, các lực lượng vũ trang và Lữ đoàn công binh 575 cũng đã triển khai dựng gần 200 nhà bạt cho người dân huyện Nguyên Bình, giúp ổn định cuộc sống sau thiên tai. Đồng thời, các đơn vị đang tích cực phun thuốc ngăn ngừa dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

● 13:00: BÃO SỐ 3 THỔI BAY HƠN 40.000 TỶ ĐỒNG, HƠN 2.000 NGƯỜI THƯƠNG VONG

Sáng 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ nhằm bàn về các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 3, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, và phục hồi sản xuất. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua, duy trì cấp siêu bão (cấp 16, giật cấp 17) trong thời gian dài và vẫn giữ cường độ khi đổ bộ vào phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng, ảnh hưởng đến 26 tỉnh, thành phố từ miền Bắc đến Thanh Hóa, chiếm hơn 41% GDP và 40% dân số cả nước. Mưa lớn kéo dài kết hợp với xả lũ từ thượng nguồn một số con sông lớn đã gây ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng. Đến nay, bão đã khiến 353 người chết và mất tích, khoảng 1.900 người bị thương, đồng thời gây ra tác động tâm lý nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi.

Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hỏng; hơn 262.000 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị thiệt hại; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm chết; và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thiệt hại do bão số 3 có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do cơn bão có cường độ và phạm vi rất lớn. Nguyên nhân chủ quan là do một bộ phận người dân, doanh nghiệp tại một số nơi còn chủ quan, lơ là, chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, hướng dẫn, cảnh báo của các cơ quan chức năng; kỹ năng ứng phó với thiên tai, bão lũ còn hạn chế; một số chính quyền cấp cơ sở còn thiếu trang thiết bị, triển khai chậm, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó trong các tình huống khẩn cấp; phối hợp thông tin trong một số thời điểm bị gián đoạn....

● 12:00: BẢO YÊN ƯỚC THIỆT HẠI TRÊN 640 TỶ ĐỒNG

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn huyện Bảo Yên đã có mưa to đến rất to, kết hợp với nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng hầu hết các địa phương. Thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Đến hết ngày 14/9, đã có 62 người chết, 30 người bị thương và 30 người chưa xác định (mất tích); trên 4.100 ngôi nhà sập đổ và ảnh hưởng; trên 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, cây cối, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp và 111 công trình hạ tầng bị tàn phá, ước thiệt hại trên 640 tỷ đồng, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Tính đến hết ngày 14/9, đã có 212 tổ chức, cá nhân, đoàn thiện nguyện ủng hộ Bảo Yên khắc phục hậu quả thiên tai, với trên 5,5 tỷ đồng tiền mặt cùng các hiện vật khác như: lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, phương tiện, dụng cụ hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn...

11:30: CẦN 2.900 TỶ ĐỒNG ĐỂ KHẮC PHỤC CÁC TUYẾN QUỐC LỘ BỊ HƯ HỎNG DO MƯA LŨ

Bộ Giao thông Vận tải ước tính cần khoảng 2.900 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra cho các tuyến đường quốc lộ từ Thanh Hóa ra các tỉnh miền Bắc. Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, các tuyến quốc lộ trong khu vực này đã xuất hiện tổng cộng 4.177 vị trí hư hỏng, trong đó 3.924 vị trí bị sạt lở, sụt nền, đứt đường và hư hỏng cầu, cống.

Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng, phá hòng và chia cắt nhiều tuyến đường quốc lộ

Hiện ngành giao thông đã khắc phục 555/567 vị trí sạt lở đất đá để thông xe, nhưng vẫn còn 12 vị trí chưa thể tiếp cận do địa hình phức tạp. Ngoài ra, 246/253 vị trí ngập nước đã được khôi phục giao thông. Đáng chú ý, trong tổng thiệt hại, chi phí dự kiến để xây dựng lại cầu Phong Châu mới là khoảng 800 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng phối hợp với chính quyền địa phương để nhanh chóng khôi phục hạ tầng đường bộ, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, 753/763 cảng bến đường thủy tại các tỉnh phía Bắc vẫn chưa thể hoạt động do mực nước cao và thiệt hại hạ tầng, dự kiến sẽ khôi phục sau khi điều kiện an toàn được đảm bảo.

● 10:30: HỖ TRỢ KHẨN CẤP 150 TỶ ĐỒNG CHO TỈNH LÀO CAI

Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân.

Ngày 15/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định 984/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho tỉnh Lào Cai.

Cụ thể, hỗ trợ 150 tỷ đồng cho tỉnh Lào Cai từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và ổn định đời sống người dân.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai có trách nhiệm phân bổ cụ thể, sử dụng số kinh phí được bổ sung nêu trên bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đúng mục đích sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực; sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cùng với ngân sách địa phương, các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

● 08:30: TÌM THẤY NẠN NHÂN ĐẦU TIÊN VỤ SẬP CẦU PHONG CHÂU

Chiều 14/9, tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ, đã phát hiện 1 thi thể nữ trôi dạt trên sông Hồng, đoạn thuộc xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao). Ngay sau đó, tổ tuần tra đã nhanh chóng tiếp cận, đưa thi thể vào ven bờ trái sông Hồng thuộc xã Vĩnh Lại, đồng thời thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Nạn nhân được xác định bà N.T.H (sinh năm 1976, trú xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Nạn nhân đi cùng xe máy mang biển kiểm soát 19L-10749 với chồng là ông L.X.T (sinh năm 1968). Nạn nhân N.T.H được phát hiện cách cầu Phong Châu bị sập khoảng 10km về phía hạ lưu sông Hồng.

Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể bà N.T.H cho người nhà để tiến hành các thủ tục an táng.

Trước đó, do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10 giờ ngày 9/9, cầu Phong Châu tại km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc huyện Tam Nông).

● 06:30: 77 TRƯỜNG TẠI LÀO CAI CHƯA THỂ DẠY HỌC TRỞ LẠI

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, ngày 16/9 sẽ có 521 trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học trở lại, trong khi 77 trường còn lại (chiếm 12,87%) vẫn chưa thể hoạt động do ảnh hưởng của bão lũ.

Cụ thể, huyện Si Ma Cai có 36/37 trường, huyện Bát Xát 45/56 trường, huyện Bắc Hà 45/55 trường, và huyện Bảo Yên chỉ có 13/68 trường có thể dạy học bình thường. Ở các địa phương khác như thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, huyện Bảo Thắng, và huyện Mường Khương, 100% các trường đã sẵn sàng đón học sinh trở lại. Đối với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, tất cả các đơn vị đã tổ chức dạy học bình thường.

Trường học trên địa bàn huyện Bảo Yên đang tích cực dọn dẹp để đón học sinh quay trở lại.

Ngành giáo dục tỉnh Lào Cai hiện đang chỉ đạo các trường học tích cực dọn dẹp vệ sinh, khắc phục thiệt hại để đảm bảo điều kiện dạy học, đồng thời động viên cán bộ, giáo viên sớm ổn định cuộc sống sau bão.

Tính đến ngày 14/9, toàn tỉnh có 35 học sinh tử vong hoặc mất tích, 15 em bị thương do bão lũ; hơn 600 gia đình giáo viên, nhân viên ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Riêng tại huyện Bảo Yên, 25 học sinh tử nạn, trong đó 23 em thuộc thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, và 410 gia đình giáo viên tại huyện này cũng chịu thiệt hại lớn.

● 06:00: ĐÃ CÓ 305 SỰ CỐ ĐÊ ĐIỀU TRONG ĐỢT LŨ VỪA QUA

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngày 14/9, đợt mưa lũ kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 đã gây ra 305 sự cố đê điều trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình và nhiều tuyến sông khác tại khu vực Bắc Bộ. Các sự cố bao gồm sạt lở đê, kè bảo vệ đê, sạt lở bờ và bãi sông, làm tăng nguy cơ mất an toàn đối với hệ thống phòng chống lũ lụt.

Báo cáo cho biết, đỉnh lũ trên các tuyến sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy và sông Hoàng Long đều vượt mức báo động 3, trong đó nhiều tuyến sông đã vượt mức lũ lịch sử từng ghi nhận năm 1971. Đặc biệt, sông Cầu tại các địa điểm như Thái Nguyên và Bắc Ninh đã vượt qua mức lũ lịch sử từ năm 1959.

Mặc dù mực nước trên các sông đang giảm, nhưng vẫn ở mức cao, khiến nguy cơ xảy ra các sự cố đê điều tiếp tục gia tăng. Cục Quản lý đê điều đã chỉ đạo các địa phương chịu ảnh hưởng, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, duy trì lực lượng ứng trực, vật tư và phương tiện để xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trước khi mùa mưa lũ kết thúc.

Cục cũng nhấn mạnh việc kiểm tra, rà soát các vị trí đã xảy ra sự cố, cũng như các khu vực có nguy cơ cao, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống phòng chống lũ và người dân sinh sống dọc các tuyến đê.

● 05:45: HẢI PHÒNG THIỆT HẠI HƠN 10.000 TỶ ĐỒNG VÌ BÃO YAGI

Bão Yagi đổ bộ vào Hải Phòng với sức gió cấp 12, gây thiệt hại lên đến 10.820 tỷ đồng, tương đương 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố trong năm 2023.

Theo thống kê từ UBND TP Hải Phòng, cơn bão đã làm 2 người thiệt mạng, 65 người bị thương, hư hại hơn 100.000 ngôi nhà và gần 100 công trình quốc phòng. Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất với gần 6.000 tỷ đồng, chủ yếu do diện tích cây trồng, rừng, chăn nuôi và thủy sản bị tàn phá.

Chính quyền địa phương đang tập trung khắc phục thiệt hại, đồng thời kêu gọi các cấp thực hiện nghiêm túc công tác thống kê và tuân thủ quy định trong việc tái thiết. Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu, yêu cầu cầu các cấp các ngành kiểm soát chặt chẽ quy trình khắc phục hậu quả sau bão, đồng thời cảnh báo nghiêm cấm hành vi trục lợi từ thiên tai. Thành phố đã dành 100 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ các khu vực khó khăn hơn.

● 05:30: HÀ NỘI SẼ GIẢM THUẾ CHO NGƯỜI GẶP KHÓ KHĂN SAU BÃO

Cục Thuế Hà Nội vừa có thư ngỏ gửi các doanh nghiệp, người nộp thuế về các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế trong trường hợp gặp thiên tai nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân chịu thiệt hại do bão Yagi.

Theo đó, người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế sẽ được xét giảm thuế thu nhập cá nhân tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Người sản xuất hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sẽ được giảm thuế trên cơ sở tổn thất thực tế nhưng không quá 30% số thuế phải nộp.

Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ.

Miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng.

Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn do thiên tai sẽ được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Thời gian gia hạn nộp thuế không quá hai năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.

● 05:15: HÀ NỘI TẬP TRUNG THU DỌN CÂY XANH GẪY ĐỔ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công điện về việc tập trung đẩy mạnh công tác thu dọn cây xanh gãy, đổ sau bão số 3 trên địa bàn các quận nội thành.

Công điện nêu rõ: Cơn bão số 3 ngày 7/9/2024 đi qua địa bàn thành phố làm cho rất nhiều cây xanh bị đổ, gãy. UBND thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền các quận, huyện, thị xã và nhân dân Thủ đô tham gia giải tỏa, thu dọn cây xanh bị bão quật đổ, gãy, đảm bảo yêu cầu giao thông. Tuy nhiên, khối lượng cây xanh bị gãy, đổ phải thu dọn rất lớn, số lượng phương tiện thu gom, vận chuyển còn thiếu, địa điểm tập kết xử lý gặp nhiều khó khăn, sự phối hợp giữa các quận với các Sở, ngành thành phố và các đơn vị chưa chặt chẽ, kịp thời. Do vậy, đến nay công tác thu dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh môi trường chưa hoàn thành theo tiến độ được UBND thành phố giao.

Để khẩn trương hoàn thành việc thu dọn, vệ sinh môi trường đối với các cây xanh đô thị bị gãy, đổ do cơn bão số 3 gây ra (trước mắt là trên địa bàn các quận nội thành), Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các quận chỉ đạo UBND các phường, các lực lượng chức năng, huy động phương tiện vận chuyển, nhân lực của các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, sinh viên các trường đại học trên địa bàn tham gia thu dọn, vận chuyển toàn bộ cành cây bị gãy đổ, lá cây rụng do cơn bão số 3 gây ra về các điểm tập kết xử lý của thành phố (vận chuyển xử lý rác và tập kết củi, gỗ riêng).

Trường hợp các điểm xử lý không đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch UBND các quận chủ động, quyết định bố trí tạm thời điểm tập kết trung chuyển trên địa bàn quận để thực hiện thu dọn sạch sẽ các tuyến phố thuộc địa bàn và vận chuyển về địa điểm xử lý sau; yêu cầu quận Ba Đình thu dọn về điểm tập kết, tẩy rửa vệ sinh môi trường xong trong ngày 14/9/2024; các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ hoàn thành việc thu dọn vận chuyển về điểm tập kết, điểm xử lý và tẩy rửa vệ sinh môi trường trong ngày 15/9/2024 (Chủ nhật).

2. Chủ tịch UBND các quận chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, thực hiện cấp phép hoạt động đối với các phương tiện vận tải làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển cây xanh gãy, đổ đến các điểm trung chuyển, tập kết trên địa bàn các quận.

Các Sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp với UBND các quận để thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 3036/UBND-ĐT ngày 13/9/2024.

3. Giao Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chỉ đạo UBND các quận, các Sở, ngành thành phố phối hợp, thực hiện, đảm bảo mục tiêu hoàn thành thu dọn, cây xanh gãy, đổ trên địa bàn các quận xong trước ngày 20/9/2024.

● 05:00: LŨ XUỐNG, TIẾP TỤC NGẬP LỤT Ở NHIỀU NƠI

Lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh), sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương), sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) và sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) đang xuống chậm.

Diễn biến mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội. Dữ liệu cập nhật của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

Mực nước lúc 01h/15/9, trên các sông như sau:

  • Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 6,42m, trên BĐ3 0,12m;
  • Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 5,94m, dưới BĐ3 0,36m;
  • Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 5,09m, dưới BĐ2 0,21m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 4,88m, dưới BĐ2 0,12m;
  • Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,05m, trên BĐ3 0,05m.
  • Mực nước trên sông Thao (tại Yên Bái, Phú Thọ); trên sông Lô (tại Tuyên Quang, Vụ Quang), trên sông Hồng (tại Việt Trì, Sơn Tây, Hà Nội) đã xuống dưới mức BĐ1.

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống ở mức trên BĐ2 dưới BĐ3.
  • Lũ trên sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống và ở trên mức BĐ1.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo:

  • Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục xuống và ở trên mức BĐ2; sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Thái Bình tại Phả Lại, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống và ở mức BĐ1-BĐ2.
  • Lũ trên sông Lục Nam tại Lục Nam tiếp tục xuống và ở mức BĐ1.

Cảnh báo tình trạng ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới thì tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện:

  • Thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 9-10 ngày, ven sông Tích khoảng 6-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2-3 ngày, sông Nhuệ từ 1-2 ngày.
  • Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3-5 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ dù mưa đã giảm

NGÀY 14/9: LŨ XUỐNG, SẠT LỞ VẪN TIẾP DIỄN, 352 NGƯỜI ĐÃ CHẾT VÀ MẤT TÍCH

● 18:00: 352 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH DO BÃO LŨ

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ ngày 14/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 352 người chết, mất tích (276 người chết, 76 người mất tích). Số người chết tăng thêm 14 người so với thống kê lúc 8 giờ cùng ngày.

Tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ thời tiết đang dần tốt lên; mưa đã giảm cả về lượng và tần suất, một số địa phương đã có nắng. Công tác khắc phục hậu quả mưa bão tiếp tục được chính quyền các cấp triển khai khẩn trương.

● 17:00: ĐÃ CÓ TRÊN 1.000 TỶ ĐỒNG ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO BỊ THIỆT HẠI DO BÃO SỐ 3

Tính đến 17 giờ ngày 14/9, số tiền các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ bằng tiền mặt và chuyển khoản về tài khoản của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương ủng hộ đồng bào bị thiệt hại của bão số 3 là 1.001 tỷ đồng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những ngày qua đã có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã ủng hộ thông qua Ban Vận động Cứu trợ Trung ương.

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bước đầu công bố danh sách và số tiền các tập thể, cá nhân ủng hộ qua hình thức chuyển khoản và tiền mặt với mong muốn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ và đăng ký ủng hộ có thể thấy được sự công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí; yên tâm khi sự đóng góp của mình đã được gửi gắm đúng địa chỉ và các nguồn lực ủng hộ được sử dụng đúng mục đích, đến được với đúng đối tượng là những người dân bị thiệt hại; đặc biệt là để lan tỏa, tôn vinh những nghĩa cử, hành động đẹp.

● 14:00: SẠT LỞ ĐẤT SAU LŨ DIỄN RA LIÊN TIẾP TẠI YÊN BÁI

Mặc dù trời đã ngừng mưa từ hai ngày trước, nhưng tỉnh Yên Bái vẫn tiếp tục hứng chịu nhiều vụ lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao đang được các địa phương khẩn trương di dời người dân và khắc phục hậu quả.

Rạng sáng 14/9, tại tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (đoạn km 8, đường Đinh Tiên Hoàng), xảy ra một vụ sạt lở lớn. Hơn 20.000m3 đất từ độ cao hơn 100m đã trượt xuống, vùi lấp hoàn toàn ba ngôi nhà. May mắn, người dân trong ba hộ này đã kịp chạy thoát sau khi nghe thấy tiếng động lớn và hô hoán. Tuy nhiên, toàn bộ tài sản của họ đã bị vùi lấp trong đống đất đá khổng lồ.

Trước đó, vào khoảng 2 giờ sáng 13/9, tại thôn Bản Tát, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, một vụ sạt lở đồi đã xảy ra, làm sập ngôi nhà của gia đình ông Hoàng Nguyên Lâm. Vụ việc khiến cháu trai sinh năm 2012 của ông Lâm thiệt mạng và cháu gái sinh năm 2011 bị thương, hiện đang được cấp cứu. Khu vực này đã được cơ quan chức năng cảnh báo có nguy cơ sạt lở diện rộng, buộc địa phương phải di dời 120 hộ với hơn 400 người dân ra Nhà văn hóa thôn để đảm bảo an toàn.

Sạt lở đêm 13/9 làm trôi 5 nhà dân cùng nhiều tài sản xuống sông Chảy tại thị trấn Thác Bà.

Tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, vào khoảng 23 giờ ngày 13/9, do ảnh hưởng của mực nước sông Chảy rút mạnh, dòng nước chảy xiết đã cuốn trôi 5 ngôi nhà gần bờ sông xuống dòng sông trong đêm. Trong đó, hai ngôi nhà đã được di tản trước đó do ảnh hưởng của đợt xả lũ thủy điện Thác Bà. Rất may, không có thiệt hại về người do các hộ gia đình đã kịp thời sơ tán. Tuy nhiên, một số tài sản của ba hộ gia đình không kịp di chuyển đã bị nước cuốn trôi.

Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục triển khai các biện pháp cứu trợ và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, đồng thời cảnh báo và di dời những hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

● 13:00: CAO BẰNG: TÌM THẤY 30 NẠN NHÂN CÙNG XE KHÁCH BỊ VÒ NÁT

Đến 10h30 sáng 13/9, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 30 thi thể nạn nhân trong vụ lũ cuốn trôi xe khách, ôtô và xe máy tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Theo ông Đàm Hải Triều, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, các nạn nhân bao gồm hành khách và tài xế của ôtô khách cùng khoảng 10 xe máy bị lũ vùi lấp sáng 9/9. Các thi thể được tìm thấy dọc bờ suối, trong đống đổ nát và trong xác xe khách, một số bị cuốn trôi xa tới 20 km về phía huyện Bảo Lạc.

Chiếc xe khách bị vò nát lẫn cùng đất đá được tìm thấy tại hiện trường xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng

Khoảng 5 nạn nhân vẫn còn mất tích tại vị trí sạt lở này và các đội cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm. Dù thời tiết đã tạnh ráo, nhưng việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do đất đá và cây cối vùi lấp tại hiện trường. Lực lượng cứu hộ, bao gồm quân đội và công an, đã huy động chó nghiệp vụ và các thiết bị chuyên dụng để mở rộng phạm vi tìm kiếm dọc các con suối về hạ lưu.

Sáng sớm 9/9, chiếc ôtô khách 29 chỗ của nhà xe Việt Trang chở khoảng 15 người bị đất đá từ trên đồi sạt lở tràn xuống vùi lấp khi di chuyển trên quốc lộ 34 qua xã Ca Thành. Xe khách sau đó bị cuốn trôi theo dòng suối và chỉ được tìm thấy cách hiện trường 2 km, trong tình trạng bị vò nát và chìm trong đất đá. Ngoài xe khách, hai ôtô 5 chỗ và khoảng 10 xe máy cũng bị vùi lấp và cuốn trôi theo.

Chính quyền tỉnh Cao Bằng đã điều động hơn 500 nhân sự thuộc nhiều lựng lượng chức năng để tham gia công tác tìm kiếm và khắc phục hậu quả. Ngoài Ca Thành, huyện Nguyên Bình còn chịu thiệt hại tại ba điểm sạt lở khác ở các xã Yên Lạc, Vũ Minh và Vũ Nông. Đến sáng 13/9, lực lượng chức năng đã tìm thấy tổng cộng 52 thi thể nạn nhân, trong khi 5 người vẫn còn mất tích.

Chủ tịch UBND xã Ca Thành, ông Hoàng Tòn Sao, cho biết ngoài công tác tìm kiếm, chính quyền đang tập trung cứu trợ và hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

● 13:00: 345 NGƯỜI ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ ĐÃ CHẾT VÀ MẤT TÍCH

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đến 8h ngày 14/9, bão số 3 và mưa lũ đã làm 345 người chết, mất tích. Bên cạnh đó, bão và mưa lũ cũng làm 168.253 nhà bị hư hỏng và 73.248 nhà bị ngập.

Về thiệt hại nông nghiệp, mưa lũ làm cho 183.394ha lúa bị ngập úng, thiệt hại, tập trung tại các địa phương: Hải Phòng 23.873ha; Nam Định 18.102ha; Bắc Giang 18.779ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 27.318ha; Hải Dương 7.755ha; Hà Nam 7.928ha; Bắc Ninh 9.981ha; Vĩnh Phúc 9.830ha.

Về nuôi trồng thủy sản, mưa lũ đã cuốn trôi, hư hỏng 2.250 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Về chăn nuôi đã có 9.079 con gia súc, 1.956.449 con gia cầm bị chết.

● 11:00: HƠN 45 ĐIỂM SẠT LỞ KHIẾN TUYẾN ĐƯỜNG SẮT HÀ NỘI - LÀO CAI TÊ LIỆT

Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết đợt mưa lũ do bão số 3 gây ra khiến tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hư hại nặng nề. Ngoài 15 vị trí bị cây đổ, tuyến đường sắt này có 20 điểm ngập sâu và hơn 45 điểm sạt lở, xói trôi nền đường do nước chảy xiết. Trên tuyến có 12 tủ thiết bị giám sát đường ngang có người gác bị hư hỏng. Tại ga Yên Bái nước dâng nhanh nên một số thiết bị như thông tin liên lạc bị ngập.

Một đoạn đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã bị vùi lấp hoàn toàn

Sáng 14/9 các đơn vị đường sắt đang tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị, khẩn trương sửa chữa để sớm thông tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai trong thời gian sớm nhất. Với các tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng… bão số 3 làm đổ nhiều cây, cột điện, cột thông tin vào đường sắt, làm gãy cần chắn, hư hỏng thiết bị giám sát. Các đơn vị đường sắt đã dọn dẹp, khôi phục thiệt hại để chạy tàu.

Do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ sau bão từ ngày 7 đến 12-9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bãi bỏ 41 chuyến tàu khách: tuyến Hà Nội - Hải Phòng 16 chuyến, tuyến Hà Nội - Vinh 4 chuyến, tuyến Hà Nội - Lào Cai 18 chuyến tàu, Hà Nội - Đà Nẵng 2 chuyến, Hà Nội - TP.HCM 1 chuyến. Đã có 18.120 hành khách trả vé (khoảng 4,02 tỉ đồng).

● 10:00: 5 NHÀ DÂN BỊ SẠT LỞ XUỐNG SÔNG CHẢY

Rạng sáng nay, 5 ngôi nhà ở kết hợp kinh doanh ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái sạt lở xuống sông Chảy, may mắn người dân đã kịp di tản.

5 ngôi nhà bị đổ sập xuống sông Chảy ở thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. Ảnh : Yên Bái

Các ngôi nhà nằm ven quốc lộ 37, phía sau là sông Chảy, cách thủy điện Thác Bà khoảng một km. Tại hiện trường, cấu kiện của 5 ngôi nhà bị phá vỡ, phần mái tôn, bê tông đổ sập, sạt xuống sườn đê và xuống dòng sông Chảy. Một số ngôi nhà gần đó cũng bị xói lở vào chân móng.

● 09:30: TÌM THẤY THÊM THI THỂ 3 NẠN NHÂN MẤT TÍCH TẠI LÀNG NỦ

Ngay từ sáng sớm ngày 14/9, các lực lượng đã triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn, tập trung dò trên bề mặt và thăm dò sâu. Một số phương tiện hiện đại đã tiếp cận được hiện trường khu vực thượng lưu cung sạt lở tham gia khắc phục hậu quả và phục vụ công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Máy xúc tiếp cận khu vực thượng lưu cung sạt lở. Ảnh : Báo Lào Cai

Đến 9 giờ sáng cùng ngày, thông tin từ Sở Chỉ huy tiền phương cho biết, các lực lượng đã tìm thấy thêm thi thể 3 nạn nhân mất tích, nâng tổng số người chết là 51 người. Hiện còn 33 người mất tích trong vụ sạt lở xảy ra ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).

● 06:30: HÀ NỘI ĐỒNG LOẠT RA QUÂN TỔNG VỆ SINH MÔI TRƯỜNG SAU BÃO SỐ 3

Sáng 14/9, tại Vườn hoa Vạn Xuân, quận Ba Đình, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Dự lễ phát động có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn. 

Phát biểu tại Lễ phát động toàn quân ra quân vệ sinh môi trường khắc phục hậu quả bão số 3, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Thời điểm bão tan, nước rút cũng chính là lúc người dân Thủ đô phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải còn tồn đọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài động viên người dân tổng vệ sinh môi trường.

Để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tổ chức Lễ phát động ra quân vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3; kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các tổ chức thành viên, các hộ gia đình và người dân cùng tham gia dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, thu dọn cây gãy, đổ; khơi thông cống, rãnh, kênh mương; thu gom rác thải, phun khử trùng phòng, chống dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài tham gia dọn cành cây cùng người dân tại Vườn hoa Vạn Xuân

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường; đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường tại cơ quan, đơn vị, trường học, các địa bàn dân cư trên địa bàn thành phố trong hai ngày 14 và 15-9.

Đề nghị các tổ chức tôn giáo Thủ đô phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên truyền, vận động tín đồ, tín hữu, phật tử, đồng bào có đạo tham gia dọn dẹp các nơi thờ tự, nơi ở, cùng nhân dân địa phương vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư, khu phố.

● 06:00: MẶT TRẬN TỔ QUỐC ĐÃ TIẾP NHẬN 775,5 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ BÃO LŨ, TIẾP TỤC CÔNG KHAI SAO KÊ

Tối 13/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã công khai 2.009 trang sao kê tài khoản ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi). Các trang sao kê này được thống kê từ tài khoản ngân hàng Vietinbank, tính từ ngày 10/9 đến ngày 12/9.

Theo MTTQ Việt Nam, tính đến 17h ngày 13/9, tổng số tiền ủng hộ qua tài khoản của Ban Vận động Cứu trợ Trung ương là 775,5 tỷ đồng. Trong đó, đợt phân bổ đầu tiên đã chuyển 388,5 tỷ đồng đến các Ban Cứu trợ địa phương. Số tiền còn lại sẽ tiếp tục được rà soát và phân bổ nhanh chóng đến các vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng, khẳng định toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chuyển đến đúng đối tượng, đảm bảo tính công khai và minh bạch. Ông cũng bày tỏ hy vọng tinh thần tương thân tương ái sẽ tiếp tục lan tỏa, giúp đỡ bà con vùng lũ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trước đó, MTTQ Việt Nam cũng đã công khai 12.028 trang sao kê từ tài khoản Vietcombank, ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân từ ngày 1/9 đến ngày 10/9. Nhiều trường hợp khoe ủng hộ số tiền lớn trên mạng xã hội nhưng thực tế lại đóng góp rất ít đã bị cộng đồng mạng phát hiện và chỉ trích.

● 05:30: TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT TIẾP TỤC DUY TRÌ TẠI CÁC VÙNG TRUNG THẤP

Quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Nước lũ xuống chậm, nhiều nhà dân vẫn chìm trong biển nước. Gần 30 hecta đất trồng đào, quất tại Phú Thượng, Tây Hòo, Hà Nội đều đã ngập trong nước.

Với diễn biến mưa giảm được dự báo trong những ngày tới thì tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ dần được cải thiện.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vùng trũng thấp ở Chương Mỹ ven sông Bùi sẽ rút nước sau 6-8 ngày tới, sông Tích khoảng 5-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ và sông Nhuệ từ 1-2 ngày. Khu vực ven sông hạ lưu sông Hồng - Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài hơn từ 1-2 ngày.

Nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ dù mưa đã giảm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 3.

Cảnh báo tác động của lũ: Mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang ở mức cao (BĐ3-trên BĐ3) nên vẫn còn nguy cơ ảnh hưởng đến đê bối ven sông, sạt lở đê, kè tại các vị trí xung yếu thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp, các bãi nổi trên diện rộng còn kéo dài ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội vùng hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.

● 05:00: LŨ XUỐNG CHẬM TRÊN TẤT CẢ CÁC SÔNG TẠI MIỀN BẮC

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, mực nước lúc 01h hôm nay, trên các sông như sau:

  • Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,20m, trên BĐ3 0,90m;
  • Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,53m, trên BĐ3 0,23m;
  • Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 5,80m, trên BĐ2 0,50m;
  • Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,53m, trên BĐ3 0,53m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,74m, dưới BĐ3 0,26m (lúc 21h ngày 13/9).

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Lục Nam, sông Thương và sông Thái Bình xuống dưới mức BĐ3 và trên mức BĐ2; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ3. Trong 12-24 giờ tiếp theo
  • Lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống dưới mức BĐ3 và trên mức BĐ2; sông Lục Nam và sông Thái Bình sẽ xuống dưới mức BĐ2.

NGÀY 13/9: RÚT LỆNH BÁO ĐỘNG LŨ TRÊN CÁC SÔNG, 336 NGƯỜI ĐÃ CHẾT VÀ MẤT TÍCH

● 21:00: ĐÃ CÓ 336 CHẾT VÀ MẤT TÍCH DO BÃO LŨ

Đến 17 giờ ngày 13/9, bão số 3 cùng hoàn lưu và mưa lũ trên diện rộng đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng với các tỉnh phía Bắc, khiến 336 người chết và mất tích, trong đó 254 người thiệt mạng và 82 người vẫn chưa được tìm thấy. Con số này tăng thêm 21 người so với thống kê vào sáng cùng ngày.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, đặc biệt tập trung vào công tác tìm kiếm người mất tích và ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Tại Lào Cai, đến 16 giờ 15 phút ngày 13/9, đã có thêm 3 người dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên) được xác nhận an toàn sau khi đi làm ăn xa, nâng tổng số người trở về trong ngày lên 11 người. Tổng số người an toàn sau tai hoạ lũ quét và sạt lở đất kinh hoàng tại Làng Nủ là 54 người.

Đôi chân trần của các chiến sĩ Sư đoàn 316, vẫn từng ngày hối hả, lội bùn sâu phủ trên nền thôn Làng Nủ, cố gắng tìm được những đôi chân trần giá lạnh như thế này. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

● 20:00: LŨ DƯỚI BÁO ĐỘNG 1, PHÚ THỌ TRIỂN KHAI TÌM KIẾM CỨU HỘ VỤ SẬP CẦU PHONG CHÂU

Ngày 13-9, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản gửi các Sở, ban ngành liên quan về việc thực hiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sự cố sập cầu Phong Châu.

Hình ảnh toàn cảnh vụ sập cầu Phong Châu

Văn bản nêu rõ, hiện nay mực nước trên sông Hồng (sông Thao) tại khu vực cầu Phong Châu đã rút xuống mức dưới báo động 1. Để chủ động tổ chức tìm kiếm người và trục vớt các phương tiện gặp nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh - Cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh làm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể, huy động lực lượng, phương tiện và tổ chức thực hiện việc tìm kiếm người, trục vớt phương tiện đảm bảo nhanh chóng, an toàn; báo cáo Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện để thực hiện công tác tìm kiếm người và trục vớt các phương tiện gặp nạn.

Lực lượng Công an tỉnh đảm bảo an ninh, an toàn, phân luồng giao thông cho các lực lượng đến tăng cường thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người và trục vớt phương tiện; phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm người và trục vớt phương tiện đảm bảo an toàn. Đồng thời, xác định danh tính người bị mất tích sau khi tìm thấy để thông báo cho gia đình và địa phương đến tiếp nhận; báo cáo Bộ Công an quá trình tìm kiếm người, trục vớt các phương tiện gặp nạn và đề nghị Bộ Công an hỗ trợ đối với những nội dung vượt quá khả năng của Công an tỉnh.

UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn; huy động phương tiện để trục vớt các phương tiện gặp nạn; phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 tổ chức lắp đặt cầu phao khi điều kiện cho phép.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát về thời tiết và lũ trên sông Hồng, kịp thời phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các lực lượng tổ chức tìm kiếm cứu nạn.

● 19:00: BẮC GIANG XUẤT HIỆN VẾT NỨT DÀI, NGUY CƠ SẠT LỞ CAO

Do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa kéo dài, Quốc lộ 279 đoạn qua xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) xuất hiện một vết nứt lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở.

Theo đó, vết nứt nằm tại Km 38+750 trên đèo Hạ My, có chiều dài khoảng 30m, sâu 30-40cm và rộng 8-10cm. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo căng dây, đặt biển cảnh báo và bố trí người trực để đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, Sở cũng đề xuất với Cục Đường bộ Việt Nam phương án khắc phục khẩn cấp để bảo đảm lưu thông trên tuyến đường quan trọng này giữa Bắc Giang và Quảng Ninh.

Ngoài ra, toàn tỉnh Bắc Giang hiện còn 5 điểm ngập sâu trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh, khiến giao thông tạm thời bị chia cắt; trong đó, điểm ngập sâu nhất là 1,5m thuộc ĐT 296 đoạn qua xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa). Lực lượng chức năng đã đặt biển cảnh báo, cấm đường và phân luồng giao thông tại các điểm ngập.

Các khu vực bị ngập khác bao gồm ĐT 299C, ĐT 299B qua xã Trí Yên (Yên Dũng), ĐT 295 tại xã Ngọc Châu, và ĐT 298 tại xã Ngọc Lý (Tân Yên), mực nước tại các điểm này sâu từ 0,4-1,1m và rút rất chậm.

● 18:00: LÀO CAI KHẢO SÁT XÂY DỰNG KHU TÁI ĐỊNH CƯ LÀNG NỦ, HOÀN THÀNH TRƯỚC 31/12

Chính quyền huyện Bảo Yên đang tiến hành khảo sát và xác định vị trí xây dựng khu tái định cư cho 37 hộ dân mất nhà ở Làng Nủ sau trận lũ quét ngày 10/9. Vị trí mới dự kiến nằm cách khu vực cũ khoảng 3 km, là đất bằng phẳng và thuận tiện cho sản xuất. Khu tái định cư sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối, đầy đủ cơ sở hạ tầng như điện, nước, và không gian sống thoáng đãng.

Hiện tại, các hộ dân bị mất nhà đang được bố trí nơi ở tạm, chủ yếu là tại nhà người thân hoặc điểm trường mầm non. Việc xây dựng khu tái định cư sẽ được tài trợ từ nguồn xã hội hóa, với mục tiêu nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân. Chủ tịch huyện Bảo Yên, ông Trần Trọng Thông cho biết: "Chọn khu tái định cư này để gần đất sản xuất, nếu đi xa quá việc ổn định đời sống của bà con sẽ gặp khó khăn".

Ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đến hiện trường Làng Nủ. Thủ tướng nhấn mạnh: "Chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành. Thiếu gì, cần gì thì báo cáo Chính phủ". Ông cũng yêu cầu các cấp chính quyền đảm bảo tất cả các hộ dân còn sống phải có nơi an cư ổn định, được cung cấp đầy đủ điện nước, cây xanh, và một môi trường sống lành mạnh.

Trận lũ quét tại thôn Làng Nủ đã gây ra hậu quả nặng nề, với 48 người thiệt mạng, 39 người mất tích, và nhiều tài sản bị cuốn trôi. Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích.

● 17:00: 'PHÉP MÀU' TRONG VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG TẠI LÀNG NỦ: 54 NGƯỜI ĐÃ AN TOÀN

Chiều nay (13/9), chị Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1991 đã trở về trình báo với chính quyền địa phương, xác nhận 3 mẹ con không bị ảnh hưởng bởi đợt lũ quét sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ, nâng tổng số người an toàn sau tai họa lên con số 54

Theo đó, chị Nguyễn Thị Hồng cho biết, chị và hai con gồm: Hoàng Thị Hiểm, sinh năm 2008 và Hoàng Trung Huyên, sinh năm 2010 hiện sinh sống và làm việc tại Yên Bái.

Chị Hồng kể, không hề hay biết gì về vụ sạt lở đất xảy ra tại quê nhà Làng Nủ mấy ngày trước do ở Yên Bái cũng xảy ra ngập lụt, bị cô lập 5 ngày, mất điện, không có sóng điện thoại nên không liên lạc được với người thân. Sáng nay nước rút, chị Hồng mới liên lạc được với một đoàn từ thiện và theo xe về quê để trình báo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh hỏi thăm tình hình mẹ con chị Hồng.

Như vậy, số nạn nhân trong danh sách được cho là mất tích trong trận lũ quét ở thôn Làng Nủ hiện nay giảm xuống còn 36 người. Số người đã chết là 48 người. Tin vui liên tiếp từ trường hợp của gia đình anh Hoàng Văn Tiện, Hoàng Văn Duân và chị Nguyễn Thị Hồng, hy vọng sẽ còn có thêm nhiều "phép màu" đến với thôn Làng Nủ.

Theo thông tin chính thức từ Trung tâm chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên, đến 16h30' chiều 13/9 thiệt hại được nhật như sau:

Tổng số hộ trong khu vực bị lũ quét là 37 hộ, 158 người.

  • Người trên 70 tuổi: 03 người.
  • Trẻ dưới 6 tuổi: 18 ngươi.
  • Trẻ dưới 14 tuổi: 14 người.

Thông tin về số lượng bị ảnh hưởng:

  • Số người bị thương: 17 người, trong đó đang điều trị tại bệnh viện 17 người.
  • Số người chết: 48 người.
  • Chưa xác định (mất tích): 36 người
  • Số người an toàn đến thời điểm hiện tại: 54 người.

Hiện nay, lực lượng chức năng đang mở rộng khu vực tìm kiếm ở khu vực ven suối, vùng nước sâu và mở rộng lên phía đầu thôn. Có chỗ lực lượng tìm kiếm phải sử dụng bè tự chế để di chuyển.

Trước đó, vào đầu giờ chiều, khi lực lượng chức năng đang tìm kiếm thì bất ngờ lũ từ thượng nguồn đổ về, khiến Trung tâm chỉ huy phải báo động.

● 16:30: BẮC NINH RÚT LỆNH BÁO ĐỘNG 3 TRÊN SÔNG THÁI BÌNH VÀ BÁO ĐỘNG 2 TRÊN SÔNG ĐUỐNG

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Ninh, tính đến trưa 13/9, mực nước lũ sông Thái Bình đã xuống dưới mức báo động 3, sông Đuống đã xuống dưới mức báo động 2.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đã rút lệnh báo động 3 trên triền sông Thái Bình và rút lệnh báo động 2 trên sông Đuống.

Đồng thời yêu cầu các ngành liên quan, Ban Chỉ huy các huyện, thị xã: Gia Bình, Lương Tài, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, các Hạt Quản lý đê, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống, Bắc Đuống tổ chức thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động trên các triền sông theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê.

Người dân tích cực đắp cát, bạt qua đê để ngăn lũ. Ảnh: TTXVN.

● 16:00: LŨ ĐANG XUỐNG, NINH BÌNH DỪNG THỰC HIỆN LỆNH DI DỜI DÂN

Ngày 13/9, căn cứ vào diễn biến lũ trên sông Hoàng Long và điều kiện thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã có thông báo về việc dừng thực hiện lệnh di dời dân.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thống nhất dừng thực hiện lệnh di dời dân số 56/L-BCH ngày 12/9 từ 14 giờ ngày 13/9.

Hiện nay, lũ trên sông Hoàng Long đang xuống. Ảnh: Trường Giang

Theo bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, hiện nay lũ trên sông Hoàng Long và lũ sông Đáy tại Ninh Bình đang xuống. Vào lúc 11 giờ ngày 13/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt 4,78m (trên báo động 3 là 0,79m), dự báo mực nước sông Hoàng Long trong các ngày tới sẽ tiếp tục giảm.

● 15:30: SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH 433 TẠI HÒA BÌNH

Do ảnh hưởng bão số 3 gây mưa lớn đã làm sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường tỉnh 433 nối thành phố Hòa Bình với huyện vùng cao Đà Bắc gây khó khăn trong việc lưu thông của người và phương tiện.

Hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình vẫn đang tích cực chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu khẩn trương khắc phục sửa chữa dọn dẹp đất đá thông tuyến, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.

Sạt lở nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường tỉnh 433 tại Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

● 15:15: HÀ NỘI DỠ LỆNH CẤM NGƯỜI VÀ XE QUA CẦU LONG BIÊN VÀ CẦU ĐUỐNG

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có thông báo về việc khôi phục phương án tổ chức giao thông trên cầu Long Biên, cầu Đuống trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Long Biên (Km3+056) tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng cho người đi bộ, xe thô sơ, xe 2 bánh qua cầu Long Biên cả 2 hướng. Khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Đuống (Km9+667) tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng cho người đi bộ và các loại phương tiện qua cầu Đuống cả 2 hướng (cấm xe tải có tải trọng trên 13 tấn qua cầu).

“Thời gian thực hiện bắt đầu từ 15h hôm nay (ngày 13/9),” ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết.

● 15:00: HÀ NỘI RÚT LỆNH BÁO ĐỘNG 1 TRÊN SÔNG HỒNG

Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 14h40 ngày 13/9 là 9,45m, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hà Nội lệnh:

  • Rút báo động 1 trên sông Hồng vào hồi 14h40 ngày 13/9/2024 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
  • Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 1.

● 14:00: HÀ NỘI BÁC BỎ THÔNG TIN VỠ ĐÊ TẠI HUYỆN ỨNG HÒA

Thông tin vỡ đê tại huyện Ứng Hòa được lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác. Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa cho biết tất cả hệ thống đê, đập tràn trên địa bàn vẫn đảm bảo an toàn.

Trước thông tin lan truyền mạng xã hội cho rằng "vỡ đê ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội," sáng 13/9, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Ứng Hòa cho biết huyện vừa cho kiểm tra tất cả hệ thống đê, đập tràn trên địa bàn và hệ thống này đang đảm bảo an toàn.

Hình ảnh và thông tin lan truyền là tại đập Dốc Bồ, xã Lưu Hoàng. Vị trí này nước đang tràn qua đập trên dốc nối trục đường 21B đi xã Hồng Quang.

Lực lượng chức năng đang tập trung ứng phó, đắp tải cát để bảo vệ những điểm xung yếu do nước dâng từ hệ thống sông Đáy.

Lực lượng Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ứng Hòa đang ứng trực 24/24 giờ và đã trực tiếp tham gia khắc phục ngay các sự cố và đề phòng tại các điểm đê, kè, đập xung yếu, đồng thời chỉ đạo lực lượng công an, dân quân tự vệ các xã, thị trấn xử lý các sự cố gây mất an toàn trên các tuyến đường giúp người dân vùng bị ngập úng di dời phương tiện, tài sản đến nơi an toàn.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tính đến sáng 13/9, các công ty thủy lợi đã vận hành cửa phải của hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối… và các trạm bơm đầu mối Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế…; vận hành điều tiết đóng, mở đập Thanh Liệt hỗ trợ tiêu úng cho khu vực ngoại thành. Các đơn vị đang vận hành 94 trạm bơm tiêu với 408 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.529.000 m3/h.

Thống kê sơ bộ trong đợt thiên tai này, 66.608 người và 4.845 lượt phương tiện đã được huy động để ứng phó.

● 13:45: SẢN PHỤ ĐI BỘ 40KM ĐƯỜNG RỪNG ĐỂ ĐẾN VIỆN SINH CON

Sau 14 giờ đồng hồ băng qua 40 km đường rừng hiểm trở, sản phụ S.T.S. đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai) và sinh con an toàn.

Vào sáng 12/9, khi cơn đau chuyển dạ bắt đầu, chị S. từ thôn Nậm Dìn, xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã đến trạm y tế xã để khám và tư vấn. Tuy nhiên, do có sẹo mổ cũ và tình trạng mưa lũ làm giao thông chia cắt, việc chuyển chị đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên trở nên không khả thi.

Quyết không bỏ cuộc, chị S. cùng chồng đã mạo hiểm băng rừng và vượt suối để đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. Dù đường đi đầy thử thách với sạt lở và trơn trượt, ý chí kiên cường của chị đã giúp hai vợ chồng vượt qua mọi khó khăn. Sau 14 giờ đồng hồ (từ 6 giờ đến 20h ngày 12/9) và vượt qua 40 km đường rừng hiểm trở, trơn trượt, chị S. đã đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà. Đến nơi trong tình trạng mệt mỏi và đầy vết thương, chị S. được các bác sĩ ngay lập tức thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu.

Sau 30 phút căng thẳng, tiếng khóc của bé gái nặng 3 kg vang lên, đánh dấu khoảnh khắc hạnh phúc không thể nào quên. Những giọt nước mắt vui sướng lăn dài trên má chị S., ghi dấu một hành trình vượt qua mọi trở ngại vì tình yêu và trách nhiệm của một người mẹ.

Bé gái ra đời an toàn sau khi sản phụ quyết đi bộ 40km đường rừng đến bệnh viện để sinh con

● 13:30: ‘PHÉP MÀU’ VỚI 142 GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH Ở BÁT XÁT

Đêm 12/9, sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng Cảnh sát giao thông Lào Cao và các đơn vị liên quan, một số tuyến đường từ trung tâm huyện Bát Xát đến các xã, bao gồm Mường Hum, đã được thông tuyến. Đây là nơi 142 giáo viên và học sinh Trường THCS và THPT số 3 xã Mường Hum đã thoát nạn sập nhà bán trú và đang trú ẩn. Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận khu vực này, cung cấp lương thực, thực phẩm, và đưa người bị nạn đi điều trị sau bốn ngày liên tục bị cô lập.

Bát Xát là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ quét và sạt lở tại tỉnh Lào Cai. Ngay từ khi hoàn lưu bão số 3 xuất hiện, Công an huyện Bát Xát đã thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Trường THCS và THPT số 3 xã Mường Hum nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở từ quả đồi phía sau.

Dãy nhà bán trú sập hoàn toàn.

Ngày 8/9, bất chấp mưa gió và ngập lụt, Công an xã Mường Hum đã nhanh chóng di dời 11 giáo viên và 131 học sinh khỏi dãy nhà bán trú nguy hiểm, đưa họ đến Trường Mầm non và nhà văn hóa thôn Piềng Láo để lánh nạn. Đêm 8/9, rạng sáng 9/9, quả đồi phía sau trường bất ngờ sạt lở, khiến dãy nhà bán trú gồm 16 phòng bị đổ sập hoàn toàn. Nhờ sự cảnh giác và hành động kịp thời, toàn bộ 142 giáo viên và học sinh đã được bảo toàn tính mạng.

Lực lượng Công an xã Mường Hum và các xã lân cận đã phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", kịp thời hỗ trợ lương thực, đồ dùng thiết yếu cho người dân, giáo viên và học sinh tại các điểm lánh nạn. Hiện tại, đường lên xã Mường Hum và các xã khác đã được thông tuyến. Công an tỉnh Lào Cai cũng đã cử nhiều tổ công tác vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm và thuốc men để hỗ trợ người dân và các trường học trong khu vực.

● 13:00: CẬP NHẬT THIỆT HẠI VỤ LŨ QUÉT KINH HOÀNG TẠI LÀNG NỦ

Thông tin chính thức đến 11h15’ ngày 13/9 về thiệt hại tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên:

Tổng số hộ trong khu vực bị lũ quét là 37 hộ; là nơi sinh sống của 158 người.

  • Người trên 70 tuổi: 03 người.
  • Trẻ dưới 6 tuổi: 18 người.
  • Trẻ dưới 14 tuổi: 14 người.

Thông tin về số lượng bị ảnh hưởng:

  • Số người bị thương: 17 người, trong đó đang điều trị tại bệnh viện 17 người.
  • Số người chết: 48 người.
  • Chưa xác định (mất tích): 39 người.
  • Số người an toàn đến thời điểm hiện tại: 54 người.

● 12:00: TÀU HỎA SẼ ĐƯỢC LƯU THÔNG QUA CẦU LONG BIÊN VÀ CẦU ĐUỐNG TỪ 13H CHIỀU NAY

Theo thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tàu hỏa sẽ hoạt động chạy cầu Long Biên và cầu Đuống từ 13h chiều nay (ngày 13/9).

Chuyến tàu khách đầu tiên từ Ga Hà Nội đi Hải Phòng qua cầu Long Biên sẽ là tàu LP5, xuất phát lúc 15h15. Chiều ngược lại tàu LP6 sẽ về Ga Hà Nội. Các mác tàu LP8, LP7 kết thúc và xuất phát tại Ga Long Biên.

Từ ngày 14/9, tuyến Hà Nội-Hải Phòng hoạt động trở lại bình thường. Hàng ngày sẽ có 4 đôi tàu chạy từ Ga Hà Nội (hoặc Ga Long Biên) đến Ga Hải Phòng và ngược lại.

Trước đó, vào lúc 15h ngày 10/9, lo ngại nước lũ sông Hồng dâng cao và chảy xiết, uy hiếp an toàn, Sở Giao thông Vận tải đã cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.

Từ 22h đêm ngày 10/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống.

● 11:00: NINH BÌNH ĐÃ QUA ĐỈNH LŨ

Theo bản tin lúc 7 giờ sáng ngày 13/9 của Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Bình, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đã giảm xuống còn 4,82 m, và dự báo trong 12 giờ tới sẽ biến đổi chậm theo xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao.

Vào tối ngày 12/9, mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93 m, vượt báo động 3 là 0,93 m. Tại Gián Khẩu, mực nước đạt 4,53 m, trên báo động 3 là 0,83 m, cao hơn mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017 là 0,03 m. Trên sông Đáy tại Ninh Bình, mực nước cũng đạt đỉnh thứ nhất ở mức 4,21 m, vượt báo động 3 là 0,71 m và cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2017 là 0,27 m.

Nước trên sông Hoàng Long tại bến Đồng Chưa (xã Gia Thịnh, Gia Viễn). Ảnh: Ngọc Linh - Báo Ninh Bình

Trước đó, vào chiều 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc, đã phát lệnh di dời dân cư khỏi vùng phân lũ sông Hoàng Long khi mực nước tại đây vượt mức 4,9 m, ngưỡng báo động phải triển khai sơ tán. Theo chỉ đạo, công tác di dời phải hoàn thành trước 18h cùng ngày. Chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán khoảng 12.600 hộ dân, tương đương 55.000 người, từ 12 xã nằm trong vùng nguy hiểm.

Dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế và Gián Khẩu sẽ tiếp tục biến đổi chậm theo xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Mực nước trên sông Đáy tại Ninh Bình cũng sẽ biến đổi chậm và chịu ảnh hưởng của thủy triều, dao động ở mức cao.

Sự kết hợp giữa mực nước sông cao và mưa lớn đang gây ngập lụt diện rộng tại các vùng trũng thấp ven sông, các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh, Gia Phong, Gia Hòa của huyện Gia Viễn; hai điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (ngoài đê) cũng bị ngập nặng. Các khu vực dân cư trên địa bàn các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Lạc Vân, Gia Lâm, Đồng Phong, Gia Sơn, Thượng Hòa, Sơn Thành (huyện Nho Quan); xã Trường Yên (Hoa Lư); xã Yên Lâm, Yên Thái, Khánh Dương, thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô); và xã Khánh Vân (Yên Khánh) đều bị ảnh hưởng. Đặc biệt, tại xã Hùng Tiến (Kim Sơn), đã xuất hiện tình trạng sạt lở chân mái đê Hữu Đáy.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc tại các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, Yên Mô, Gia Viễn, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của các tuyến đê, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều hoạt động kinh tế-xã hội khác,

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ đã được nâng lên cấp 3, với cảnh báo rằng lũ sông lên cao có thể gây nguy hiểm lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, cũng như đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng chịu ảnh hưởng.

● 10:00: TÌM THẤY 6/7 NẠN NHÂN VỤ SẠT LỞ TẠI BÁT XÁT LÀO CAI

Tính đến 6 giờ sáng ngày 13/9, lực lượng chức năng tại huyện Bát Xát đã tìm thấy 6 trong số 7 người mất tích do sạt lở đất ở thôn Phìn Chải 2, xã A Lù. Thông tin từ UBND huyện Bát Xát cho biết, công tác tìm kiếm gặp nhiều trở ngại do liên lạc chưa được thiết lập, nên danh tính của những người đã tìm thấy vẫn chưa thể xác định.

Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình các nạn nhân trong việc tổ chức mai táng theo phong tục. Hiện tại, vẫn còn 3 người mất tích do sạt lở và lũ cuốn tại địa phương, chưa được tìm thấy.

Các lực lượng"chạy đua" với thời gian, nỗ lực tìm kiếm 3 nạn nhân mất tích còn lại tại xã A Lù, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Bát Xát, từ ngày 1 đến 10/9, mưa lũ và sạt lở đất đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng với 14 người chết, 3 người mất tích, và 8 người bị thương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, các lực lượng chức năng đang tập trung nỗ lực để tìm kiếm những nạn nhân còn lại.

● 09:30: SỐ NGƯỜI THIỆT MẠNG DO MƯA LŨ TẠI MIỀN BẮC TĂNG LÊN 336

Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 7h ngày 13/9/2024, số người chết và mất tích do bão số 3, mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc tăng lên 336 người, 823 người bị thương. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

Thống kê thiệt hại tính đến 7h sáng ngày 13/9. Đồ họa: TTXVN

● 09:00: HÀ NỘI RÚT LỆNH BÁO ĐỘNG 2 TRÊN SÔNG HỒNG

Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 01 giờ 00 phút ngày 13 tháng 9 năm 2024 là 10,39 m (mực nước báo động II là 10,50 m), Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội lệnh:

- Rút báo động 2 trên sông Hồng vào hồi 01 giờ 00 phút ngày 13 tháng 9 năm 2024 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 2.

● 07:00: LÀNG NỦ: 7 TRONG SỐ 49 NGƯỜI ĐƯỢC CHO LÀ MẤT TÍCH ĐÃ THOÁT NẠN

Thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng: Trong số 49 người được xác định là mất tích ở Làng Nủ thì có 2 hộ với 7 nhân khẩu đã chạy thoát. Ngoài ra có thể còn một số người khác được cho là đang đi làm ăn ở xa.

Ngay từ sáng sớm, gần 700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã tỏa đi nhiều hướng khác nhau, mở rộng phạm vi tìm kiếm, đặc biệt là vùng hạ lưu cung sạt lở. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm nạn nhân, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã tăng cường cán bộ cùng 5 chó nghiệp vụ.

Thời tiết nắng sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tìm kiếm, cứu nạn do nhiệt độ cao, nước bốc hơi sẽ gia tăng nhiệt.

7h00, các lực lượng chức năng ra quân tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Báo Lào Cai

Tính đến 18 giờ ngày 12/9, tổng số tử vong là 45 người, có 17 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện và còn 50 người mất tích. Chính vì vậy, hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ sẽ tiếp tục diễn ra. Chỉ huy các lực lượng quán triệt cán bộ, chiến sĩ giữ vững tinh thần, khắc phục khó khăn về sinh hoạt, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trong những ngày tới. Trong những ngày tới, công tác tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, chạy đua với thời gian.

● 06:15: LŨ TRÊN SÔNG HỒNG TẠI HÀ NỘI ĐANG XUỐNG

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) đã đạt đỉnh ở mức 7,79m (trên BĐ3 1,49m) lúc 20h/12/9, dưới mức lũ lịch sử năm 1971 (7,84m) 0,05m và đang xuống chậm. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang xuống

Mực nước lúc 01h/13/9, trên các sông như sau:

  • Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,74m, trên BĐ3 1,48m; dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 (7,84m) 0,06m
  • Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,06m, trên BĐ3 0,76m;
  • Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,32m, trên BĐ3 0,02m;
  • Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,88m, trên BĐ3 0,88m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,17m, trên BĐ3 0,17m;
  • Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,50m, ở mức BĐ2. 2.

Dự báo trong 12 giờ tới: Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức BĐ2; trên sông Lục Nam xuống dưới mức BĐ3; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ3.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo: Lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ3; sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ2; sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức BĐ1.

NGÀY 12/9: LŨ ĐANG XUỐNG CHẬM TẠI NHIỀU NƠI

● 19:00: BỨC THƯ TAY XUYÊN RỪNG BÁO TIN VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG TẠI LÀO CAI

Sáng 10/9, tai họa ập đến thôn Làng Nủ khi những đứa trẻ nhỏ ngủ chưa tròn giấc, những người lớn chưa kịp ra đồng, những người già đang mong trời tạnh ráo để giúp con cháu dọn dẹp nhà cửa...

Khi trận lũ quét kinh hoàng xảy ra, giao thông bị chia cắt, thôn Làng Nủ hoàn toàn mất điện, mất liên lạc.

Để báo cáo nhanh tình hình về tỉnh và thông báo cho các cơ quan liên quan chi viện, ứng cứu, Bí thư huyện Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo đã phải viết thư tay và giao cho một cán bộ băng rừng truyền tin ra bên ngoài.

Bức thư tay của Bí thư Huyện uỷ Bảo Yên xuyên rừng báo tin về sự cố sạt lở thôn Làng Nủ

● 18:00: NINH BÌNH PHÁT LỆNH DI DÂN DO LŨ

Chiều 12/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Bình ký ban hành Lệnh số 56/L-BCH về Lệnh di dân do lũ trên các sông dâng cao.

Khoảng 55.000 người dân tại các vùng trũng thấp ở huyện Gia Viễn và Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã phải sơ tán khẩn cấp do nguy cơ ngập lụt khi xả tràn sông Hoàng Long vào tối nay.

Chiều 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Phạm Quang Ngọc, đã phát lệnh di dời dân cư khỏi vùng phân lũ sông Hoàng Long khi mực nước tại đây vượt mức 4,9 m, ngưỡng báo động phải triển khai sơ tán. Theo chỉ đạo, công tác di dời phải hoàn thành trước 18h cùng ngày. Chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán khoảng 12.600 hộ dân, tương đương 55.000 người, từ 12 xã nằm trong vùng nguy hiểm.

Đến 16h chiều, mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế, huyện Gia Viễn, đã đạt 5 m, vượt báo động ba một mét và chỉ còn cách ngưỡng xả tràn 0,3 m. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã sẵn sàng triển khai phương án xả tràn khi cần thiết.

Mực nước trên sông Hoàng Long dâng cao. Ảnh Ngọc Linh - Báo Ninh Bình

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, những ngày qua đã có khoảng 1.000 hộ dân ở Ninh Bình bị ngập lụt, nặng nhất là thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, nơi 600 hộ dân bị ngập sâu từ 1 đến 2 mét. Các trường học trong khu vực đã phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sông Hoàng Long, bắt nguồn từ vùng núi của tỉnh Hòa Bình, chảy qua ba huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư trước khi đổ vào sông Đáy, là hợp lưu của sông Bôi, sông Đập và sông Lạng.

● 18:00: HOÀ BÌNH XUẤT HIỆN VẾT NỨT LỚN, SƠ TÁN DÂN KHẨN CẤP

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, vào lúc 8 giờ 30 phút sáng ngày 12/9, chính quyền xã đã nhận được tin báo về hiện tượng bất thường tại khu vực mái đồi ao ếch, xóm Rằng, xã Cao Sơn. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy nguy cơ cao xảy ra sạt trượt tại khu vực này.

Sau khi tiến hành kiểm tra và đánh giá thực địa, vào khoảng 9 giờ cùng ngày, chính quyền xã xác nhận tại mái đồi ao ếch xuất hiện một vết nứt lớn, với chiều rộng khoảng 20 cm và chiều dài lên tới 100 m. Vị trí vết nứt nằm trên độ dốc 85 độ, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với cụm dân cư phía dưới.

Biển cảnh báo người và phương tiện qua lại khu vực xã Cao Sơn. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hiện tại, có 13 hộ gia đình với tổng cộng 35 nhân khẩu đang sinh sống trong phạm vi khoảng 300 m dưới vết nứt. Chính quyền địa phương đã tiến hành cảnh báo, sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm, đồng thời lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

● 17:30: TỔNG BÍ THƯ CHỦ TỊCH NƯỚC TÔ LÂM KIỂM TRA CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO TẠI TUYÊN QUANG 

Chiều 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi nhân dân, động viên các lực lượng khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Tuyên Quang.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở tỉnh Tuyên Quang

Trước đó, ngay sau khi cơn bão số 3 quét qua, để lại nhiều hậu quả nặng nề tại các địa phương phía bắc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư gửi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong thư, thay mặt Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời cảm thông và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, đặc biệt đối với những người có thân nhân mất trong bão lũ.

"Tôi ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, nhất là những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" - sức mạnh to lớn đưa nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi khó khăn, thử thách", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng sâu sắc rằng, toàn dân, toàn quân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" nhất định sẽ sớm khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân.

● 17:00: THỦ TƯỚNG THỊ SÁT HIỆN TRƯỜNG VỤ SẠT LỞ TẠI THÔN LÀNG NỦ LÀO CAI

Chiều 12/9, ngay sau khi kết thúc chương trình làm việc tại Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Lào Cai để thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.

Thủ tướng thị sát hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ khiến gần 100 người tử vong và mất tích

Điểm đầu tiên Thủ tướng tới thị sát là hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đã khiến gần 100 người tử vong và mất tích.

Lào Cai là địa phương thiệt hại nhân mạng nặng nề nhất tới thời điểm hiện nay, với nhiều vụ sạt lở rất nghiêm trọng.

Theo báo cáo của các địa phương, đến 7h ngày 12/9, toàn tỉnh Lào Cai có 246 người chết, mất tích, bị thương. Trong đó 82 người chết, 95 người bị mất tích và 69 người bị thương. Tổng số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi trên toàn tỉnh là 9.172 nhà. Hiện nay còn 97 thôn/25 xã bị cô lập, người dân chưa đi lại được do ngập lụt, sạt lở đường giao thông. Tổng thiệt hại tài sản ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tỉnh Lào Cai và các huyện đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; đồng thời hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình có người thiệt mạng 25 triệu đồng/người, người bị thương 5 triệu đồng/người.

● 16:30: THÊM HAI VỤ SẠT LỞ TẠI YÊN BÁI, 5 NGƯỜI TỬ VONG

Vào khoảng 9h30 sáng ngày 12/9, tại Tỉnh lộ 166, đoạn qua xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái), đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng, khiến 3 người tử vong và 1 người mất tích. Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Châu Quế Hạ, cho biết nhóm 4 người di chuyển trên Tỉnh lộ 166 đã bất ngờ bị đất đá sạt lở vùi lấp, khiến người và phương tiện bị chôn vùi.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động gần 100 người gồm công an, quân sự xã và người dân đến hiện trường để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Đến khoảng 11h cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân. Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm trường hợp mất tích còn lại.

Trước đó, vào khoảng 4h30 sáng cùng ngày, tại Km305 Quốc lộ 37, thôn Yên Phú, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), cũng xảy ra một vụ sạt lở đất khác. Khoảng 6.000-7.000 m³ đất từ đồi sau nhà dân sạt xuống, gây sập hoàn toàn 1 ngôi nhà và làm hư hỏng 2 ngôi nhà khác, với 8 người trong 3 gia đình. Vụ sạt lở đã khiến hai người tử vong; 4 người khác bị thương.

Chính quyền xã Hưng Thịnh đã huy động 6 máy xúc và 300 người dân tham gia cứu hộ. 4 người bị thương nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Đến 9h50 cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của hai nạn nhân.

Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo các địa phương đã có mặt kịp thời để chỉ huy công tác cứu hộ, đồng thời chỉ đạo các xã chăm lo cho các gia đình nạn nhân, đặc biệt là những gia đình có người tử vong trong các vụ sạt lở đất.

Như Đài Hà Nội đã đưa tin, Yên Bái cũng là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa lũ trong những ngày qua. Vào ngày 10/9, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình vùi lấp nhiều người và phương tiện đang lưu thông trên đường.

Sáng 12/9, thông tin từ Bộ Công an cho biết tính đến 18h ngày 11/9, trong vụ sạt lở tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, lực lượng chức năng đã tìm thấy 38 thi thể.

Với sự cố này, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 31/38 người thiệt mạng. Tổng số người mất tích hiện tại còn khoảng 15 người. Trong đó có nạn nhân được tìm thấy khi bị cuốn trôi đến tận xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (là địa bàn giáp ranh xã Ca Thành). Trong chiều hôm qua (11/9), để đưa thi thể các nạn nhân về huyện Nguyên Bình, bàn giao an toàn cho gia đình, các cán bộ Công an huyện Bảo Lạc đã phải trực tiếp khiêng thi thể các nạn nhân đi bộ hơn 20km, vượt qua nhiều tuyến đường nguy hiểm.

Theo báo cáo của BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 6h ngày 12/9, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã làm chết 42 người, mất tích 2 người và làm 24 người bị thương. Các tuyến đường tỉnh Yên Bái - Khe Sang, An Bình - Lâm Giang, Mậu A - Tân Nguyên, Yên Thế - Vĩnh Kiên, Khánh Hoà - Minh Xuân, Hợp Minh - Mỵ, Đại Lịch - Minh An, Văn Chấn - Trạm Tấu, Mường La – MCC, Âu Cơ… sạt lở taluy với khối lượng 53.595 m3. 25 công trình thủy lợi bị sạt lở; nhiều tuyến đê bị vỡ; nhiều trường học, các công trình công cộng bị thiệt hại nặng… Ước thiệt hại khoảng 916 tỷ đồng.

● 16:00: 88 NGƯỜI CHẾT, HƠN 100 NGƯỜI MẤT TÍCH VÀ BỊ THƯƠNG

Tính đến 15h00 ngày 12/9, theo báo cáo, tỉnh Lào Cai thiệt hại về người 243 trường hợp, trong đó có 88 người chết, 85 người mất tích, 70 người bị thương trong và sau cơn bão Yagi (bão số 3).

Số người chết tập trung ở thị xã Sa Pa; các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Bảo Yên

Riêng vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đã tìm thấy 44 người tử vong, hiện mất tích 51 người. 17 người đang điều trị ở bệnh viện, trong đó có 3 ca nặng đã được chuyển tới Bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. 43 người đã thoát nạn khi vụ lũ quét xảy ra.

Vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đã tìm thấy 44 người tử vong, hiện mất tích 51 người.

Hiện tại lực lượng tìm kiếm các nạn nhân mất tích với số lượng khoảng 650 người (gồm: Sư đoàn 316 Quân khu 2: 300 người, lực lượng công an: 100 người, các lực lượng tỉnh, huyện, xã: 250 người).

Có 7.438 căn nhà bị hư hỏng. Thiệt hại lớn về diện tích trồng lúa, ngô, hoa màu, thủy sản, cây ăn quả và trâu, bò, lợn, vật nuôi.

Hiện nay ở tỉnh Lào Cai có 12 xã đang bị cô lập hoàn toàn do các tuyến đường kết nối bị ngập nước hoặc bị sạt lở, đường giao thông không thể kết nối được.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên, Mường Khương bị ngập nước do lũ trên sông Hồng, sông Chảy.

Đến ngày 12/9, còn 119/938 tuyến truyền dẫn viễn thông chưa khắc phục xong. Tổng số trạm điện chưa phục hồi là 208 trạm.

Lực lượng chức năng cùng chó nghiệp vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích thôn Làng Nủ.

Tỉnh Lào Cai ước tính thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra là hàng nghìn tỷ đồng. UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước mắt hỗ trợ 500 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai.

● 15:00: LŨ TRÊN SÔNG HỒNG ĐANG XUỐNG

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đã đạt đỉnh ở mức 11,30m lúc 2h ngày 12/9 và đang xuống. Theo dữ liệu cập nhật của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nội, mực nước sông Hồng đo được tại Long Biên vào 16h trưa nay là 10,87m. Lũ trên các sông tại hạ nguồn vẫn đang biến đổi chậm. Lũ tại thường nguồn các sông đã qua đỉnh và đang xuống.

Đồ thị diễn biến mực nước sông Hồng tại Long Biên. Dữ liệu cập nhật của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hà Nộ

Mực nước lúc 13h ngày12/9 theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cụ thể như sau: 

  • Trên sông Thao tại Yên Bái 31,21m, trên BĐ2 0,21m;
  • Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,72m, trên BĐ3 1,42m;
  • Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,21m, trên BĐ3 0,91m;
  • Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,34m, trên BĐ3 0,04m;
  • Trên sông Lô tại Tuyên Quang 23,80m, dưới BĐ2 0,20m; tại Vụ Quang 19,83m, trên BĐ2 0,33m.
  • Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,88m, trên BĐ3 0,88m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,22m, trên BĐ3 0,22m;

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức BĐ2.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống mức BĐ1 và Vụ Quang sẽ xuống trên mức BĐ1.
  • Lũ trên sông Cầu tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thương tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hoàng Long đang lên chậm trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục xuống mức BĐ2.

Cảnh báo: Trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình

● 14:30: THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH TỚI YÊN BÁI, CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Yên Bái, thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP. Yên Bái - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Yên Bái là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ, thiên tai hiện nay. Đặc biệt, Yên Bái có hồ thủy điện Thác Bà - một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm ở 2 huyện Lục Yên và Yên Bình.

Tính tới chiều tối 11/9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Yên Bái đã có 44 người thiệt mạng và mất tích, 23 người bị thương. Tỉnh ước giá trị thiệt hại tài sản khoảng 820 tỷ đồng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình, tổ chức, địa phương tỉnh Yên Bái có người thiệt mạng, mất tích, bị thương và bị thiệt hại do bão lũ, sạt lở đất; đồng thời biểu dương cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, người dân và các lực lượng đã triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

Thủ tướng lội bùn động viên cán bộ chiến sĩ tham gia dọn dẹp ở khu vực phường Hồng Hà. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhắc lại chỉ đạo trong công tác phòng, chống bão lũ, ngập lụt, trong đó có việc chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, trong đó có bảo đảm an toàn hồ Thác Bà, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ cùng tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động tối đa các lực lượng, huy động máy móc, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước, không có nhà ở.

Tập trung vào việc cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích; chăm sóc y tế cho người bị thương; lo hậu sự cho người thiệt mạng; đảm bảo cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là tại các nơi đang bị cô lập và người dân đang phải sơ tán; thu dọn sụt sạt, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sinh hoạt…; khôi phục hoạt động của các trường học, trạm y tế để đảm bảo không người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, sớm đón học sinh trở lại trường học.

Tiếp tục chống sạt lở, di dời người dân khỏi nơi nguy hiểm; tổ chức khắc phục các công trình giao thông, công trình thủy lợi; khắc phục sản xuất các diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng; triển khai ngay chính sách hỗ trợ nhà ở, đất tái định cư cho người dân bị mất nhà cửa; kiểm tra hiện trạng các ngôi nhà bị sụt sạt để đảm bảo an toàn cho người dân trước khi quay trở lại nhà; khôi phục lại cơ sở hạ tầng, nhất là những nơi bị ngập lụt, hạ tầng đô thị. Cùng với đó tập trung đảm bảo an ninh, an toàn, an dân, hỗ trợ an sinh xã hội; sớm đưa cuộc sống, sản xuất trở lại bình thường. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành trong việc hỗ trợ tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả bão lũ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định chi 50 tỷ đồng từ nguồn Trung ương hỗ trợ Yên Bái khắc phục hậu quả bão lũ.

● 14:00: 350 NGƯỜI THAM GIA TÌM KIẾM CỨU NẠN TẠI NẬM LÚC (BẮC HÀ)

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho biết, Bộ Công an đã tăng cường 80 cán bộ, chiến sĩ lên 2 điểm xảy ra sạt lở đất tại xã Nậm Lúc cùng với các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, xã và người dân địa phương gấp rút thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn.

Hiện 2 điểm sạt lở đất gây chết người tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông và khu Nhà điều hành Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (Bắc Hà) có 350 người trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, trong đó xóm Bản Cái có 250 người.

Do đường giao thông bị chia cắt nên chưa thể huy động thiết bị máy móc vào cứu nạn. Các lực lượng chia làm nhiều mũi, nhóm để tiếp cận địa bàn thực hiện công tác cứu nạn, tìm kiếm người bị mất tích. Đơn vị quản lý giao thông tỉnh đã huy động 4 máy xúc lật thực hiện khắc phục tuyến đường vào Trung tâm xã, thôn để sớm có thể đưa thiết bị, máy móc vào khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn.

Lực lượng chức năng đang tiến hành các hoạt động cứu hộ nạn nhân vụ sạt lở.

Theo ghi nhận, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và các lực lượng khác tại địa phương đã được huy động chia làm nhiều mũi trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất. Các lực lượng chức năng đã không quản ngại khó khăn, vất vả vượt sông suối, vượt dốc men theo đường rừng để trực tiếp tiếp cận các địa bàn xảy ra sạt lở đất, nơi người dân bị cô lập, cần sự giúp đỡ.

● 13:30: LÀO CAI: 17 HỘ DÂN CHẠY LÊN ĐỒI LÁNH NẠN

Theo thông tin từ UBND xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, trưa nay (11/9), 17 hộ dân thôn Kho Vàng đang cắm trại tại một khu đất gần địa bàn thôn.

Vào ngày 9/9, khi phát hiện nguy cơ sạt lở trên địa bàn thôn nhưng do không có sóng điện thoại để thông tin với chính quyền xã nên 17 hộ dân (trên 70 khẩu), thôn Khe Vàng, xã Cốc Lầu đã chủ động di chuyển lên một khu đất gần đó để dựng lán trú ngụ tạm thời.

Ông Nguyễn Quốc Nghi, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu cho biết: Do từ sáng 10/9, tuyến đường từ trung tâm xã lên thôn Kho Vàng bị sạt lở, chia cắt giao thông nên lực lượng chức năng không tiếp cận được. Đến sáng 11/9, lực lượng Công an xã phải đi bộ 15 km mới tiếp cận được địa bàn thôn và tìm đến nơi người dân lánh nạn.

“Ngay sau khi nhận được thông tin, trưa nay (11/9), chính quyền xã đã cử lực lượng chức năng vận chuyển lương thực lên hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và hướng dẫn Nhân dân phương án phòng, chống thiên tai. Hiện tại, thôn Kho Vàng đang nằm ở khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao nên cần khảo sát kỹ rồi mới để người dân trở về nhà…”, ông Nghi cho biết thêm.

Sáng 11/9, lực lượng chức năng mới tiếp cận được nơi các hộ dân dựng lều lánh nạn. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo thống kê, xã Cốc Lầu hiện đang có 3 người nghi mất tích, chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng để tìm kiếm, cứu nạn.

● 13:00: LŨ TẠI BẮC GIANG ĐÃ ĐẠT ĐỈNH, ĐANG XUỐNG CHẬM

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) đang dao động ở mức đỉnh lũ 7,63m, trên báo động 3 1,33m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 (7,84m) 0,21m. Lũ trên sông Thương (tỉnh Bắc Giang) đang dao động ở mức đỉnh lũ 7,23m, trên báo động 3 0,93m, dưới mức nước lũ lịch sử năm 1986 (7,53m) 0,30m.

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ1.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang xuống dưới mức BĐ2 và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ2.
  • Lũ trên sông Cầu tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thương tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hoàng Long đang lên chậm trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên BĐ2.

Dự báo trong 12- 24 giờ tiếp theo:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức BĐ1.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ1.
  • Lũ trên sông Cầu sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thương sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm dưới mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức BĐ2 và ở trên BĐ1

Cảnh báo: Trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình

● 12:00: THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH ĐANG TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN LÀNG NỦ

Sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã lên đường đến thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi vừa xảy ra vụ lũ quét nghiêm trọng khiến hơn 100 người thiệt mạng và mất tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú cũng đã có mặt tại hiện trường để thăm hỏi, động viên người dân chịu thiệt hại vào sáng nay.

10:15 sáng nay, lực lượng cứu hộ tìm kiếm ở khu vực hạ nguồn tạm nghỉ. Theo quan sát của phóng viên, lúc này trời nắng to, nhiệt độ khoảng 30 độ C. Công việc tìm kiếm tại khu vực này sẽ bắt đầu trở lại vào lúc 13h30.

Cũng trong sán nay, Bí thư tỉnh Lào Cai, ông Đặng Xuân Phong cho biết ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, với 89 người chết, 83 người mất tích và 70 người bị thương tại 6 trong tổng số 9 huyện, thị xã, thành phố. Thiệt hại về nông nghiệp ước tính khoảng 2.800 ha lúa, 700 ha hoa màu, và hơn 7.500 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, trong đó hơn một nửa bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng thiệt hại ban đầu của tỉnh ước tính gần 3.000 tỷ đồng, riêng huyện Bảo Yên chịu thiệt hại gần 400 tỷ đồng.

● 11:00: ĐÃ TÌM THẤY 38 NẠN NHÂN VỤ SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG TẠI CAO BẰNG

Sáng 12/9, thông tin từ Bộ Công an cho biết tính đến 18h ngày 11/9, trong vụ sạt lở tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, lực lượng chức năng đã tìm thấy 38 thi thể.

Do thi thể các nạn nhân bị cuốn trôi sang huyện Bảo Lạc, các chiến sĩ công an đã phải trực tiếp khiêng thi thể nạn nhân đi bộ hơn 20km về huyện Nguyên Bình để bàn giao cho gia đình. Trong số các nạn nhân có 21 nam, 15 nữ đã vớt được thi thể; còn 2 nạn nhân mới xác định được vị trí, lực lượng chức năng đang tiếp cận để trục vớt.

Do thi thể các nạn nhân bị cuốn trôi sang huyện Bảo Lạc, các chiến sĩ công an đã phải trực tiếp khiêng thi thể nạn nhân đi bộ hơn 20km về huyện Nguyên Bình để bàn giao cho gia đình.

Cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 31/38 người thiệt mạng. Tổng số người mất tích hiện tại còn khoảng 15 người. Trong đó có nạn nhân được tìm thấy khi bị cuốn trôi đến tận xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (là địa bàn giáp ranh xã Ca Thành). Trong chiều hôm qua (11/9), để đưa thi thể các nạn nhân về huyện Nguyên Bình, bàn giao an toàn cho gia đình, các cán bộ Công an huyện Bảo Lạc đã phải trực tiếp khiêng thi thể các nạn nhân đi bộ hơn 20km, vượt qua nhiều tuyến đường nguy hiểm. Hiện tại quãng đường di chuyển từ Bảo Lạc sang Nguyên Bình đang bị ách tắc nghiêm trọng do đất đá sạt lở và mưa lũ.

Như Đài Hà Nội đã đưa tin, rạng sáng 9/9, tại Km180+680 Quốc lộ, xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng. Xác minh ban đầu, thời điểm này có 1 xe khách 29 chỗ, 2-3 ô tô cùng 5-6 xe máy dừng chờ do tắc đường, bất ngờ phần đồi cao sạt xuống, vùi lấp và đẩy những người có mặt xuống suối đang có lũ chảy xiết. Công tác tiếp cận hiện trường, tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do giao thông trên tuyến quốc lộ 34 bị sạt lở, ách tắc.

● 10:00: XÁC ĐỊNH 41 NGƯỜI THIỆT MẠNG TRONG VỤ SẠT LỞ ĐẤT KINH HOÀNG TẠI LÀO CAI

Thông tin chính thức đến 9h ngày 12/9 về thiệt hại tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên:

1. Tổng số hộ trong khu vực bị lũ quét là 37 hộ; là nơi sinh sống của 158 người.

  • Người trên 70 tuổi: 03 người.
  • Trẻ dưới 6 tuổi: 18 người.
  • Trẻ dưới 14 tuổi: 14 người.

2. Thông tin về số lượng bị ảnh hưởng:

  • Số người chết: 41 người.
  • Số người bị thương đang điều trị: 17 người.
  • Chưa xác định (mất tích): 54 người.
  • Còn lại 46 người xác định an toàn.

Các lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm nạn nhân. Tổng số lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn là 650 người (địa phương 350; quân khu 2 là 300). Theo ghi nhận của phóng viên Đài Hà Nội có mặt tại hiện trường, trong sáng nay, lực lượng bộ đội biên phòng cùng 5 chó nghiệp vụ đã được tăng cường cho công tác tìm kiếm cứu hộ. Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 88 người thiệt mạng do bão lũ, mất tích 85 người; bị thương 70 người.

● 09:30: BẮT ĐẦU SỬ DỤNG TRỰC THĂNG THAM GIA CỨU HỘ VÙNG LŨ

9 giờ 30 phút sáng 12/9, chiếc trực thăng Mi-171 số hiệu 03 thực hiện chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn Trực thăng 916 thuộc Sư đoàn quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào vùng lũ ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Chuyến bay cứu hộ đầu tiên của Trung đoàn Trực thăng 916 xuát phát từ sân bay Hòa Lạc vào 9h30 sáng 12/9

Thượng tá Hà Xuân Ngọc - Chủ nhiệm dẫn đường của Trung đoàn không quân 916 cho biết, hai phi công lái chính trên chuyến bay này là Thượng tá phi công cấp 1 Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chính ủy Trung đoàn 916 và Thiếu tá phi công cấp 1 - Phi đội trưởng Phi đội 2.

Sau khi cất cánh, tổ bay tới sân bay Gia Lâm bốc xếp nhu yếu phẩm cứu trợ và cơ động tới Cao Bằng. Hàng hóa cứu trợ và nhu yếu phẩm sẽ được bàn giao cho lực lượng quân sự của địa phương để cấp phát cho bà con.

Theo Thượng tá Ngọc, dự kiến hôm nay, Trung đoàn 916 sẽ thực hiện 3-4 chuyến bay cứu trợ tới Cao Bằng. Mỗi chuyến bay chuyên chở 2 tấn hàng cứu trợ, gồm thực phẩm thiết yếu như mì tôm, lương khô, nước uống và gần 100 áo phao, phao cứu sinh.

Ngoài nhiệm vụ chở hàng cứu trợ, nếu phát hiện người dân bị nạn cần cứu giúp, tổ bay sẽ thực hiện phương án cứu hộ theo kế hoạch.

Trước đó, vào lúc 7 giờ 10 phút sáng nay, tổ bay trinh sát khí tượng của Trung đoàn Trực thăng 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc.

Ngoài việc vận chuyển nhu yếu phẩm, Trung đoàn Trực thăng 916 cũng sẽ thực hiện các phương án cứu hộ bằng trực thăng theo kế hoạch

Trực tiếp chỉ huy tổ bay trên chiếc trực thăng Mi-17 trong nhiệm vụ bay trinh sát khí tượng, Đại tá phi công cấp 1 Tạ Mộng Vũ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 916 cho biết, điều kiện khí tượng sáng nay tốt và bảo đảm cho các tổ bay của Trung đoàn cất cánh đi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào ở tỉnh Cao Bằng.

● 09:15: CAO TỐC PHÁP VÂN CẦU GIẼ VẪN NGẬP 2 CHIỀU, CẤM XE DƯỚI 16 CHỖ

Sáng 12/9, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn ngập nặng ở khu vực huyện Thường Tín. Làn số 3 và làn khẩn cấp bị ngập sâu tới 0,7-0,8m. Cảnh sát giao thông tiếp tục phân luồng, hạn chế các phương tiện gầm thấp đi vào cao tốc để tránh tình trạng xe chết máy và ùn tắc giao thông.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết ngày hôm qua đã có một số xe khách 16 chỗ bị chết máy khi đi qua đoạn đường ngập. Để giảm ngập cho cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Khu Quản lý đường bộ I đã đề nghị huyện Thường Tín cho trạm bơm hoạt động hết công suất, đồng thời tăng cường các biện pháp tiêu thoát nước và khơi thông hệ thống thủy lợi thuộc xã Văn Bình và xã Liên Phương.

● 09:00: LŨ DÂNG CAO CUỐN ĐỨT CẦU PHAO NINH CƯỜNG Ở NAM ĐỊNH

Nước lũ dâng cao trên sông Ninh Cơ vượt mức báo động 3 đã gây đứt cầu phao Ninh Cường nối liền hai huyện Nghĩa Hưng và Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Theo thông tin từ Ban quản lý bến cầu phao Ninh Cường, tối 11/9, áp lực từ dòng nước lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đã làm hỏng hệ thống liên kết giữa các phao và dầm của cầu, khiến toàn bộ hệ thống neo cầu bị dịch chuyển về phía hạ lưu.

Trước đó, do diễn biến phức tạp của mưa lũ, cầu phao Ninh Cường đã ngừng hoạt động từ 14h ngày 10/9 và sẽ chỉ mở lại khi các điều kiện an toàn được đảm bảo.

Mưa lũ khiến cầu phao Ninh Cường vào tối 11/9

Cầu phao Ninh Cường có chiều dài 297m, rộng 8,4m và lòng dầm 3,5m. Mỗi ngày, có khoảng 9.000 lượt phương tiện qua lại cầu, với trọng tải tối đa cho phép là 10 tấn và chiều cao dưới 3,5m.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Nam Định, chiều 11/9, mực nước trên sông Ninh Cơ tại trạm Trực Phương đã đạt 3,7m, vượt mức báo động 3 tới 1,1m, gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng trong khu vực.

● 08:00: TIẾP TỤC TÌM KIẾM NẠN NHÂN VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG TẠI LÀO CAI

Sáng 12/9, lực lượng chức năng tiếp tục nối lại việc tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở kinh hoàng tại Lào Cai khiến một ngôi làng bị cuốn trôi.

Sáng nay, việc cứu hộ tại thôn Làng Nủ, Bảo Yên, Lào Cai tiếp tục được thực hiện sau khi chiều tối qua phải tạm dừng do sạt núi

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 11/9, công tác tìm kiếm nạn nhân tại thôn Làng Nủ đã phải tạm dừng do nguy cơ sạt lở từ trên núi Con Voi có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Hơn 300 chiến sỹ của Quân khu 2 cùng hơn 300 người thuộc lực lượng công an, quân đội, dân quân huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai cùng tham gia tìm kiếm nạn nhân bị sạt lở đất tại làng Nủ. Toàn bộ các lực lượng chức năng của địa phương đã được huy động để phục vụ công tác khắc phục, hỗ trợ người dân gặp nạn và tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích.

Chó nghiệp vụ cũng đã được huy động để tìm kiếm những nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở kinh hoàng diễn ra vào ngày 10/9

Theo ghi nhận của phóng viên Đài Hà Nội có mặt tại hiện trường, trong sáng nay, lực lượng bộ đội biên phòng cùng 5 chó nghiệp vụ đã được tăng cường cho công tác tìm kiếm cứu hộ. Cũng trong sáng nay, đã tìm thêm được 2 thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở kinh hoàng ngày 10/9 tại thôn Làng Nủ.

● 06:00: LŨ TRÊN SÔNG LÔ VÀ SÔNG THAO ĐANG XUỐNG

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, lũ trên sông Lô và sông Thao đang xuống, lũ trên sông Hồng đang biến đổi chậm sau khi đã đạt đỉnh.

Mực nước vào lúc 1h sáng nay trên các sông cụ thể như sau:

  • Trên sông Thao tại Yên Bái 31,79m, dưới BĐ3 0,21m; tại Phú Thọ 17,42m, dưới BĐ1 0,08m;
  • Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,62m, trên BĐ3 1,32m;
  • Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,23m, trên BĐ3 0,93m;
  • Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,28m, dưới BĐ3 0,02m;
  • Trên sông Lô tại Tuyên Quang 26,14m, trên BĐ3 0,14m; tại Vụ Quang 20,94m, trên BĐ3 0,44m.
  • Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,50m, trên mức BĐ3 0,5m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,16m, trên BĐ3 0,16m;
  • Trên sông Hồng tại Hà Nội 11,26m, dưới BĐ3 0,24m.

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ2.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống dưới mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ2 và dưới BĐ3.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ1.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống dưới mức BĐ2.
  • Lũ trên sông Cầu sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ2.

Cảnh báo:

Trong 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

NGÀY 11/9: LŨ DÂNG CAO, ĐẠT ĐỈNH TẠI NHIỀU NƠI

● 21:00: SẠT LỞ Ở BẮC HÀ: 5 NGƯỜI CHẾT, 13 NGƯỜI MẤT TÍCH

Chiều 11/9, ông Vũ Xuân Cường, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai, thông báo về vụ sạt lở nghiêm trọng tại xóm Bản Cái, thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Vụ việc xảy ra vào 13h30 ngày 10/9, nhưng do mất liên lạc hoàn toàn với khu vực, thông tin mới được xác nhận vào chiều nay.

Sạt lở đã vùi lấp hoàn toàn 15 hộ dân với 80 nhân khẩu. Xã Nậm Lúc đã huy động lực lượng tại chỗ để tìm kiếm và cứu nạn, nhưng điều kiện khó khăn vì địa hình núi cao và tỉnh lộ 160 bị sạt lở, chia cắt nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Đến chiều nay, lực lượng cứu nạn đã tìm thấy 5 thi thể, xác định 13 người mất tích và 11 người bị thương, trong đó 5 người bị thương nặng đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà.

Cũng tại thôn Nậm Tông vào ngày hôm qua, đất đá sạt lở đã làm sập nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, khiến một người thiệt mạng và 5 người khác mất tích.

Lào Cai hiện là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão Yagi, với tổng số 72 người chết và 111 người mất tích. Đặc biệt, lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã khiến 35 người thiệt mạng, 60 người mất tích, 17 người bị thương, và 46 người may mắn thoát nạn.

● 20:00: HÀ NỘI CỨU CHỮA MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI BỊ THƯƠNG DO BÃO LŨ

Trong công điện ban hành vào ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Thành phố tập trung mọi nguồn lực cho công tác tìm kiếm, cứu nạn, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng làm nhiệm vụ. Theo công điện, tất cả các trường hợp bị thương do bão, lũ sẽ được cứu chữa miễn phí, và các nạn nhân thiệt mạng sẽ được lo hậu sự chu đáo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện tập trung cứu trợ, cung cấp lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho những hộ dân có nguy cơ thiếu đói, đặc biệt là tại các khu vực bị cô lập. Đối với những người mất nhà cửa, chính quyền phải bố trí chỗ ở tạm, đảm bảo không ai bị đói, rét hay không có nơi trú ngụ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành tiến hành rà soát và thống kê chính xác thiệt hại về sản xuất và tài sản của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương cần chủ động sử dụng nguồn lực sẵn có và huy động các nguồn lực khác để khắc phục hậu quả của bão và mưa lũ, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh.

● 19:30: 324 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH DO BÃO LŨ

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, tính đến 17h30, ngày 11/9, đã có 324 người chết, mất tích (gồm 179 người chết và 145 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.

Trong đó, Lào Cai thiệt hại nặng nhất khi có đến 72 người chết và 111 người mất tích. Riêng vụ lũ quét, sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đến nay, cơ quan chức năng đã tìm thấy 26 người chết, và hiện còn 73 người mất tích.

Trước đó, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khiến toàn bộ ngôi làng bị vùi lấp và hơn 100 người mất tích, sáng 10/9. Trận lũ quét gây sạt lở đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi sinh sống của 37 hộ dân với 128 nhân khẩu. Đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng đã lên đến 30, còn 65 người vẫn đang mất tích, và 17 người bị thương đang được điều trị. Khu vực xảy ra trận lũ quét nằm cách xa trung tâm, giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc nên việc cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

● 17:00: THỦY ĐIỆN THÁC BÀ AN TOÀN, NƯỚC VỀ HỒ ĐANG GIẢM DẦN

Mức nước hồ Thác Bồ hiện tại là 59,84m, tổng lưu lượng xả qua công trình thủy điện Thác Bà là 3.201 m3/s, dự kiến sẽ không tăng nữa; công trình, nhà máy và hồ chứa vẫn an toàn.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, cho biết đến 13h ngày 11/9, lưu lượng nước đổ về hồ Thác Bà đạt 2.992 m³/s, trong khi lưu lượng xả ra là 3.005 m³/s, đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện.

Trước đó, Văn phòng Bộ Công Thương đã thông báo rằng vào lúc 9h sáng cùng ngày, Công ty Thủy điện Tuyên Quang vẫn còn mở 5 cửa xả đáy (đã đóng 3 cửa), và lưu lượng nước đổ về hồ đang giảm nhanh chóng.

Hiện tại, Thủy điện Thác Bà vẫn duy trì việc xả tối đa qua 3 cửa, với lưu lượng nước đổ về giảm mạnh so với ngày hôm trước, đạt mức 3.100 m³/s, tương đương với lượng nước xả ra. "Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 trên thượng nguồn đã giảm đáng kể, và dự kiến sẽ không gia tăng thêm. Công trình và hồ chứa thủy điện đang an toàn, nhưng không thể chủ quan," đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Hình ảnh thủy điện Thác Bà vào 17:00 ngày 11/9

Theo Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà, lưu lượng nước đổ về hồ hiện đã giảm xuống mức 3.180 m³/s, giảm hơn 1.000 m³/s so với chiều hôm qua. Mực nước hồ hiện tại là 59,84m, với tổng lưu lượng xả qua thủy điện Thác Bà là 3.201 m³/s, và dự kiến không tăng thêm nữa. Công trình, nhà máy và hồ chứa vẫn trong tình trạng an toàn.

● 16:30: TRUNG QUỐC XẢ LŨ KHÔNG TÁC ĐỘNG NHIỀU TỚI HẠ NGUỒN VIỆT NAM

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ 14 giờ chiều nay (11/9), phía Trung Quốc xả lũ thủy điện phía thượng nguồn sông Lô. Song lưu lượng xả nhỏ, chỉ 250 m3/s, không gây tác động nhiều tới hạ nguồn Việt Nam.

Thứ trưởng cũng cho biết, Trung Quốc cũng đã có văn bản thông báo cho phía Việt Nam từ sớm để lên các phương án chuẩn bị. Lưu lượng xả cũng nhỏ, chỉ 250 m3/s nên có tác động, nhưng không gây ảnh hưởng quá lớn tới lũ hạ du Việt Nam. Hồ Thủy điện hòa bình xả 1 cửa là 1800m3/s. Như vậy lượng xả của Trung Quốc là thấp.

Trong sáng nay, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã có công điện chủ động ứng phó khi Trung Quốc xả lũ thủy điện.

● 16:00: MỰC NƯỚC SÔNG HỒNG TẠI HÀ NỘI CÁCH BÁO ĐỘNG 3 36CM

Theo Trung tâm Dự báo KTTVQG, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đo được vào 13h chiều nay là 11,14m, dưới BĐ3 0,36m. Lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh), sông Thương (tỉnh Bắc Giang), sông Thái Bình (Thành phố Hải Dương), sông Hồng (Thành phố Hà Nội) đang lên. Lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống; tại Phú Thọ đã đạt đỉnh ở mức 18,34m, trên BĐ2 0,14m và đang xuống. Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang đang xuống; tại Vụ Quang (tỉnh Phú Thọ) đang biến đổi chậm ở mức đỉnh lũ. Lũ trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình), sông Lục Nam (Bắc Giang) đang biến đổi chậm.

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức BĐ3; tại Phú Thọ sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ1.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức BĐ3 - Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3
  • Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ2 và dưới BĐ3

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức BĐ2; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức BĐ1.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống dưới mức BĐ3.
  • Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên mức BĐ3 - Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ3
  • Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên trên mức BĐ3 - Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ2.

● 15:45: NƯỚC LŨ DÂNG CAO, CẢ NGHÌN HỘ DÂN Ở NINH BÌNH NGẬP NẶNG

Tính đến 11h ngày 11/9, nước trên hàng loạt sông tại Ninh Bình như sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Bôi dâng cao... khiến nhiều khu vực của tỉnh Ninh Bình bị ngập lụt.

Trong đó có gần 1.000 hộ dân ở hai huyện Gia Viễn và Nho Quan (Ninh Bình) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng ngàn người dân phải sơ tán người và tài sản lên cao hoặc di chuyển đi đến nơi an toàn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công điện nghiêm cấm tàu thuyền neo đậu vào mái đê, kè mái đê, cột điện trên bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê và lưới điện; tạm dừng hoạt động các bến đò ngang, bến phà trên sông cho đến khi lũ rút; nghiêm cấm xe có tải trọng lớn chạy trên đê.

Thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đang ngập nặng

● 15:30: PHÁT HIỆN THÊM 5 NẠN NHÂN VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG TẠI LÀO CAI

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316, Quân khu 2 tổ chức tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Hiện tại, đã tìm được một số nạn nhân trong vụ sạt lở đất.

Tính đến 13h ngày 11/9, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 30 thi thể bị vùi lấp trong trận lũ quét tàn khốc tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Số người thiệt mạng trong thảm kịch này dự kiến còn tiếp tục tăng khi công tác tìm kiếm vẫn đang diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316, Quân khu 2 tổ chức khắc phục hậu quả lũ quét ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Ông Trịnh Xuân Trường - chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết tỉnh đã huy động 500 người tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét kinh hoàng vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với nòng cốt là Sư đoàn 316, Quân khu 2.

● 15:00: HÀ NỘI MƯA TO DIỆN RỘNG, KÉO DÀI NHIỀU GIỜ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh vệ tinh và radar thời tiết cho thấy một vùng mây đối lưu mạnh đang tiến về Hà Nội từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh. Vùng mây này dự kiến tiếp tục gây ra mưa lớn diện rộng và kéo dài kèm dông lốc cho khu vực trung tâm và phía Bắc của Hà Nội vào chiều nay.

Mưa lớn trên diện rộng kéo dài diễn ra trong bối cảnh lũ trên các sông tại Hà Nội đang lên cao. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội lúc 13h ngày 11/9 là 11,14m. Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội vào trưa nay đã vượt qua mức lũ lịch sử 11,04m của năm 2004, đánh dấu một đợt lũ nghiêm trọng chưa từng thấy trong 20 năm qua.

● 14:30: HÀ NỘI NGỪNG CẤP ĐIỆN MỘT SỐ ĐIỂM NGẬP ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN

Một số khu vực tại Hà Nội ngập sâu trong nước dẫn đến nguy cơ mất an toàn, buộc EVNHANOI phải ngừng cung cấp điện.

Sáng nay (11-9), hoàn lưu bão số 3 gây mưa kết hợp lũ lớn từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước các sông lên cao, gây ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn…

Một số khu vực tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm… nước sông Hồng cũng lên nhanh, gây mất an toàn cung cấp điện.

Trước tình hình đó, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đã triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, tạm ngừng cấp điện để đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống lưới điện trong khu vực bị ngập.

Cùng với đó, cán bộ, công nhân của EVNHANOI đã phối hợp với các lực lượng chức năng, ứng trực, sẵn sàng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn điện bất kể ngày đêm. Ngoài ra, công nhân điện Thủ đô cũng đang nỗ lực hỗ trợ người dân sơ tán, kiểm tra an toàn điện trong từng hộ gia đình, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. EVNHANOI cam kết khôi phục nguồn điện nhanh nhất theo phương châm “Nước rút đến đâu, cấp điện đến đó”.

● 14:00: MỰC NƯỚC SÔNG HỒNG TẠI HÀ NỘI VƯỢT MỐC LỊCH SỬ 20 NĂM

Mực nước sông Hồng tại Hà Nội đo được lúc 13h ngày 11/9 là 11,14m. Như vậy, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội vào trưa nay đã vượt qua mức lũ lịch sử 11,04m của năm 2004, đánh dấu một đợt lũ nghiêm trọng chưa từng thấy trong 20 năm qua. Hiện tại, mực nước sông đang tiếp tục có xu hướng tăng chậm, đặc biệt ở thượng nguồn, dự báo sẽ tiếp tục gây áp lực lớn cho các khu vực hạ du.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết vào trưa ngày 11/9 rằng, lượng mưa trong khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã giảm so với hai ngày trước, nhưng lượng mưa tập trung nhiều hơn ở đồng bằng Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Điều này làm gia tăng nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng thấp ven sông, khi mực nước ở các con sông hạ du đều vượt mức báo động 3.

Theo ông Khiêm, đợt lũ này được xem là hiếm gặp, với mực nước ở nhiều sông tại miền Bắc như sông Thao tại Lào Cai và Yên Bái đã vượt qua giá trị lịch sử, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong vùng. Chính quyền và người dân ở các khu vực hạ du cần phải đặc biệt cảnh giác và chủ động đối phó với tình hình ngập úng có thể xảy ra trong những giờ tới.

● 13:30: THÔNG TIN CẬP NHẬT TỪ HIỆN TRƯỜNG VỤ SẠT LỞ VÙI LẤP LÀNG NỦ (LÀO CAI)

Ông Dương Đức Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai vừa cung cấp thông tin chính thức đến 11 giờ ngày 11/9 về thiệt hại tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

  • Thiệt hại về người: Tổng số hộ: 37 hộ. Tổng số khẩu: 158 khẩu
  • Trong đó: Người trên 70 tuổi: 3 người; trẻ dưới 6 tuổi: 18 người; trẻ dưới 14 tuổi: 14 người.
  • Tử vong: 25 người; đang điều trị: 17 người; đã an toàn: 46 người.
  • Chưa xác định (mất tích): 70 người.
Hình ảnh tang thương tại thôn Làng Nủ - nơi vụ sạt lở đất vào đêm qua đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và mất tích. Ảnh: VOV

● 13:00: QUÂN KHU 2 MỞ ĐƯỜNG ĐỘC ĐẠO VÀO ỨNG CỨU VỤ SẠT LỞ ĐẤT TẠI LÀO CAI

Rạng sáng nay, Quân khu 2 và chính quyền tỉnh Lào Cai đã quyết định mở đường độc đạo để tiếp cận hiện trường, đưa bộ đội và phương tiện vào cứu hộ vào hỗ trợ người dân trong vụ sạt lở đất khiên hơn 100 người thiệt mạng và mất tích.

Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 cùng Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đã trực tiếp chỉ huy tại Sở Chỉ huy tiền phương được thiết lập ngay tại xã Phúc Khánh.

Tư lệnh Quân khu 2 cùng các lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu địa hình, mở đường độc đạo vào ứng cứu và hỗ trợ người dân. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân

Trận lũ quét kinh hoàng vào ngày 10/9 đã xóa sổ toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi sinh sống của 37 hộ dân với 128 nhân khẩu. Đến thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng đã lên đến 25, còn 70 người vẫn đang mất tích, và 17 người bị thương đang được điều trị. Đường vào thôn bị tắc nghẽn nghiêm trọng do lũ quét, khiến công tác cứu hộ gặp vô vàn khó khăn.

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sĩ vào khu vực Phúc Khánh. Lực lượng này được chia thành hai mũi: một mũi gồm 100 chiến sĩ sẽ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào, và mũi thứ hai với 200 chiến sĩ sẽ trực tiếp tìm kiếm tại khu vực sạt lở. Ngoài ra, hơn 300 nhân viên công an, quân đội và dân quân địa phương cũng đã được huy động để hỗ trợ mở đường, tìm kiếm nạn nhân và khắc phục hậu quả.

Việc mở đường độc đạo để đưa lực lượng và phương tiện cứu hộ vào thôn Làng Nủ là nhiệm vụ hàng đầu, được sự thống nhất chỉ đạo của Quân khu 2 và chính quyền tỉnh Lào Cai. Mục tiêu là nhanh chóng tiếp cận hiện trường, giải cứu những người còn mắc kẹt và khắc phục hậu quả của thảm họa thiên tai.

● 13:00: HÀ NỘI: MỘT SỐ KHU VỰC DÂN CƯ VEN SÔNG HỒNG BỊ NGẬP

Mực nước sông Hồng tại Hà Nội và sông Đuống tại Thượng Cát vượt báo động hai khoảng 10-30 cm, trong khi đó mực nước nội đồng, các hồ điều hòa ở nội thành đều đã tràn bờ. Việc tiêu thoát nước ra sông, hồ ở nội thành và rút nước ở vùng ven sông vì thế rất chậm.

Trong báo cáo sáng nay, UBND Hà Nội đánh giá các quận huyện sau đối diện với ngập lụt ven sông Hồng: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh. Trên lưu vực sông Nhuệ, một số khu vực của Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông sẽ bị ngập. Trên lưu vực sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, các huyện sau sẽ bị ảnh hưởng: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì.

Chương Mỹ lại ngập nước chỉ sau khi nước rút 1 tháng. Ảnh: TTXVN

● 12:45: PHÓ THỦ TƯỚNG THỊ SÁT TÌNH HÌNH HỒ THỦY ĐIỆN

Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái) và kiểm tra công tác vận hành công trình này.

Thời điểm đến kiểm tra, trời đã bớt mưa; hồ thủy điện đang vận hành ổn định, lưu lượng nước về hồ ở mức hơn 3.100 m3/giây.

Trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Yên Bái, Giám đốc Thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đến thời điểm này, nhưng với lưu lượng nước về và lưu lượng xả, hồ thủy điện Thác Bà bảo đảm an toàn.

Sẽ mất khoảng 1-2 ngày nữa thì hồ sẽ về mực nước cho phép và bà con nhân dân trong khu vực vẫn phải ở nơi tránh trú để đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Với dự báo tình hình thời tiết, vấn đề Thủy điện Thác Bà sẽ được giải quyết tốt, mực nước sẽ xuống dưới ngưỡng cho phép. Dự báo lượng mưa ở khu vực này trong 48 giờ tới khoảng 40-50 mm và trong 24 giờ tới thì lượng mưa khoảng 15-20 mm. Hiện nay, các lực lượng chức năng đã tính toán mọi phương án và chủ động sẵn sàng lực lượng để ứng phó với tinh thần là giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu, trong đó, tính mạng của người dân là trên hết.

● 12:30: 392 NGƯỜI ĐÃ CHẾT VÀ MẤT TÍCH DO BÃO LŨ

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, đến 11 giờ ngày 11/9 có 292 người chết, mất tích (152 người chết, 140 người mất tích) do bão số 3 và hoàn lưu sau bão.

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão, phạm vi ảnh hưởng đã trải rộng khắp khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, bao gồm 26 tỉnh, thành phố. Hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại khu vực Bắc Bộ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 11 giờ ngày 11/9, số người tử vong và mất tích đã lên tới 292, trong đó có 152 người chết và 140 người mất tích. Cụ thể:

  • Lào Cai: 155 người (53 người chết, 102 người mất tích)
  • Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích)
  • Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích)
  • Quảng Ninh: 13 người chết (12 người do bão, 1 người do lũ cuốn)
  • Hải Phòng: 2 người chết do bão
  • Hải Dương: 1 người chết do bão
  • Hà Nội: 1 người chết do bão
  • Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất
  • Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn và sạt lở đất
  • Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn
  • Tuyên Quang: 3 người (2 người chết, 1 người mất tích do lũ)
  • Hà Giang: 2 người (1 người chết, 1 người mất tích)
  • Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất
  • Vĩnh Phúc: 2 người (1 người chết, 1 người mất tích do lật thuyền)
  • Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích do sự cố sập cầu Phong Châu, 1 người mất tích do lũ, 1 người chết do sạt lở đất)

Về thiệt hại nông nghiệp, hiện đã có 160.851 ha lúa bị ngập úng, với các khu vực thiệt hại tập trung tại Hải Phòng (25.780 ha), Thái Bình (11.000 ha), Hà Nội (27.318 ha), Bắc Giang (17.138 ha), Hưng Yên (12.119 ha), Hải Dương (18.500 ha), và các địa phương khác.

Ngoài ra, khoảng 30.700 ha hoa màu bị ngập úng, với thiệt hại chủ yếu tại Hải Phòng (2.614 ha), Nam Định (509 ha), Thái Bình (3.345 ha), Hà Nội (4.046 ha), Hải Dương (3.000 ha), Hòa Bình (6.728 ha), và Lạng Sơn (1.393 ha).

Cây ăn quả cũng bị hư hại nặng nề với 16.243 ha, đặc biệt tại Hải Phòng (2.550 ha), Hà Nội (3.924 ha), Bắc Giang (1.927 ha), Thái Bình (1.385 ha), Hưng Yên (1.841 ha), và Hải Dương (3.000 ha).

Ngành thủy sản chịu thiệt hại lớn với 1.610 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng hoặc cuốn trôi, tập trung tại Quảng Ninh (1.000 lồng bè) và Hải Dương (300 lồng bè). Số lượng gia súc bị chết là 1.313 con, trong khi gia cầm bị thiệt hại lên tới 793.755 con, với các thiệt hại tập trung tại Hải Dương (320.000 con) và Hải Phòng (345.610 con).

Do thời gian bão kéo dài và cường độ gió mạnh, khoảng 101.344 nhà ở đã bị hư hỏng, tập trung tại Quảng Ninh (70.584 nhà), Hải Phòng (13.927 nhà), Bắc Ninh (3.450 nhà), Lạng Sơn (2.972 nhà), Bắc Giang (2.560 nhà), và Yên Bái (1.754 nhà). Thêm vào đó, 40.125 nhà bị ngập, bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Nội, và Thanh Hóa.

Ngoài thiệt hại về nhà cửa, nhiều cơ sở hạ tầng như cửa hàng, trụ sở, trường học đã bị hư hỏng. Biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ, và cây xanh đô thị bị bật gốc tại nhiều khu vực, đặc biệt là ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, và Hà Nội.

Các bộ, ngành, và địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả, thực hiện công tác cứu nạn, hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại, và khôi phục các hoạt động thiết yếu để ổn định đời sống người dân.

● 12:15: HÀ NỘI ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI DÂN NGOÀI ĐÊ SÔNG HỒNG

Sáng 11/9, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay nước dâng ngập khu vực bờ sông bãi giữa, sát mép đường ven bờ phường Phúc Tân; Bến tàu cuối đường Chương Dương Độ đã ngập lên mép đường.

Đoàn kiểm tra của Thành ủy, Quận ủy và UBND quận Hoàn Kiếm vừa trực tiếp kiểm tra các khu vực nhà ở ven sông, bến tàu… và có chỉ đạo các đơn vị, phường và nhân dân không được chủ quan, tập trung toàn lực lượng vào công tác phòng, chống lũ, cụ thể hóa phương án di dân theo cấp báo động 1,2,3… đối với hai phường nước sông Hồng lên cao là Chương Dương, Phúc Tân.

Thường trực Quận ủy vừa ban hành Thông báo về việc tập trung ứng phó lũ lớn, nước sông Hồng dâng nhanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; giao UBND quận chỉ đạo UBND phường Chương Dương, Phúc Tân và các đơn vị liên quan chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó, di dời người dân, tài sản cao hơn 1 mức so với hiện tại, xác định các khu vực nguy hiểm, có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng.

Hiện, UBND hai phường Chương Dương và Phúc Tân phối hợp với các phòng, ban, đơn vị tổ chức rà soát, thực hiện di dân theo phương án chỉ đạo của Thường trực Quận ủy và lãnh đạo UBND quận.

Quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thông báo, vận động sơ tán 379 hộ dân tại hai phường Chương Dương và Phúc Tân.

● 12:00: LŨ TRÊN SÔNG HỒNG CÓ THỂ ĐẠT ĐỈNH VÀO TRƯA NAY

Vào lúc 10h35 sáng nay, mực nước sông Hồng tại trạm Sơn Tây đã đạt mức báo động 2. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã phát lệnh báo động lũ cấp 2 cho các khu vực hạ lưu sông Hồng, bao gồm thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, và Mê Linh.

Tại huyện Ba Vì, mực nước sông Hồng tại trạm Trung Hà cũng đã vượt mức báo động 1, gây lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Hiện tại, một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ để kiểm soát tình hình. Hồ Hòa Bình đã mở một cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở ba cửa xả mặt, và hồ Tuyên Quang mở sáu cửa xả đáy. Mực nước trên sông Hồng hiện đang ở mức trên báo động hai và có xu hướng tiếp tục tăng.

Theo báo cáo của TP Hà Nội lúc 11h40, lượng mưa đo được tại các điểm trên địa bàn dao động từ 7,5 mm đến 27,3 mm, với mức cao nhất ghi nhận tại trạm Khí tượng Sơn Tây là 27,3 mm. Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội hiện là 10,76 m, vượt mức báo động hai 0,26 m. Tương tự, mực nước sông Đuống tại Thượng Cát là 10,11 m, trên báo động hai 0,11 m.

Sự gia tăng mực nước đã dẫn đến tình trạng ngập lụt sâu tại các khu vực dân cư ven sông. Các khu vực được cảnh báo nguy hiểm bao gồm các quận và huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, và Đông Anh.

● 11:30: HÀ NỘI MƯA ĐANG TRÚT XUỐNG, NƯỚC ĐANG DÂNG LÊN

Từ sáng nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn có mưa vừa và mưa to diện rộng, một số khu vực trên các tuyến phố, khu đô thị ngập sâu trong nước như Mỹ Đình 2 (phía trước cổng làng Phú Mỹ), Kẻ Vẽ (đoạn ngã ba chợ Vẽ), Triều Khúc (ngõ 97 đến Ao Đình), Cầu Bươu (Từ Bệnh viện K-Mương Yên Xá), Đại lộ Thăng Long (Ngã ba giao Lê Trọng Tấn) và khu vực hầm chui (số 3, số 5, số 6, Km9+656), Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa tới ngã ba Ba La). Mưa lớn cũng làm nhiều điểm trên các tuyến phố nội đô ngập úng cục bộ, giao thông khó khăn, thậm chí một số điểm xuất hiện ùn tắc kéo dài.

Mưa lớn tại Hà Nội đang diễn ra đồng thời với quá trình lũ trên sông Hồng đoạn qua Hà Nội tiếp tục dâng cao. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đang ở mức 10,86 m, vượt báo động hai 0,36 m. Dự báo lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9 với mức lũ trên báo động hai và dưới báo động ba. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức báo động hai tại khu vực Long Biên, Hà Nội.

Trong khi đó, lũ trên sông Nhuệ đã vượt mức báo động 3. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quốc Oai và Thạch Thất, mực nước sông Tích đã vượt mức báo động ba tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất. Tình trạng tràn đê bao và đê bối đã được ghi nhận tại nhiều khu vực như Khoang Ông, Đồng Mạ và các xã Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Minh Khai thuộc huyện Quốc Oai.

Tràn đê cũng xảy ra tại các bờ bao ở các đoạn Gò Sui - Bồ Nành (xã Cần Kiệm), Cửa Đình (xã Yên Lạc), và Cần Kiệm (xã Phú Lễ) thuộc huyện Thạch Thất. Công ty Phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ cho biết mực nước trên sông Nhuệ đã vượt mức báo động ba và tiếp tục dâng cao, làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho kênh và trục chính hệ thống thủy lợi sông Nhuệ.

Để đảm bảo an toàn, công ty đã chỉ đạo giảm công suất vận hành các trạm bơm tiêu ra sông Nhuệ xuống không quá 50%. Đồng thời, các khu vực Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai và Ứng Hòa đang được giám sát chặt chẽ nhằm ứng phó kịp thời với tình trạng lũ lụt.

● 11:15: VỤ LŨ QUÉT KINH HOÀNG Ở LÀO CAI: ĐÃ XÁC ĐỊNH 22 NGƯỜI TỬ VONG, 73 NGƯỜI MẤT TÍCH

Sáng 11/9, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, vụ lũ quét kinh hoàng ngay hôm qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Toàn thôn Làng Nủ, với tổng cộng 167 hộ dân và 760 người bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó 37 hộ với 154 người bị vùi lấp bởi đất đá.

Một số nhà ở thôn Làng Nủ còn sót lại sau lũ quét. Ảnh: Báo Lào Cai

Tính đến sáng nay, cơ quan chức năng đã xác định 22 người tử vong và 73 người mất tích. 17 người bị thương đã được đưa đến các cơ sở y tế, trong đó 5 trường hợp nặng được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai và một người được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức. Các lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người còn lại và đã xác nhận 46 người an toàn.

Lực lượng cứu hộ, bao gồm 200 chiến sĩ từ Sư đoàn 316, Quân khu 2 và 80 chiến sĩ từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động tại Lào Cai, đang tập trung tại hiện trường. Sở Chỉ huy tiền phương đã được thiết lập để chỉ đạo công tác khắc phục và cứu nạn.

Vụ sạt lở đã vùi lấp toàn bộ ngôi làng khiến hơn 100 người tử vong và mát tích

Trước đó, khoảng 6h ngày 10/9, đất đá đã tràn từ ngọn núi gần làng Nủ đã bị sạt lở, vùi lấp 37 hộ dân và gần như san phẳng khu dân cư. Lực lượng ứng cứu tại chỗ đã kịp thời đưa 17 người đến bệnh viện cấp cứu.

Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do khu vực xảy ra lũ quét nằm xa trung tâm, giao thông bị chia cắt và mất hoàn toàn thông tin liên lạc. Quá trình di chuyển từ thành phố Lào Cai đến huyện Bảo Yên, và tiếp tục từ huyện Bảo Yên đến xã Phúc Khánh gặp nhiều trở ngại do mưa lũ và điều kiện thời tiết.

Ngay trong lúc này, các tỉnh thành phía Bắc vẫn đang chịu tác động nặng nề từ bão Yagi và hoàn lưu bão, với tổng số 143 người chết, 58 người mất tích và hàng chục triệu người bị ảnh hưởng.

● 11:00: CHƯA THỂ KHẮC PHỤC SỰ CỐ VỠ ĐÊ TẠI TUYÊN QUANG

Vị trí vỡ đê trên sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hiện vẫn chưa được vá, mực nước trong và ngoài đê đã cân bằng. Ông Âu Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương cho biết, vị trí vỡ đê trên sông Lô đoạn qua địa bàn vẫn chưa thể khắc phục, các lực lượng tiếp tục tập kết vật liệu về hiện trường.

Chiều dài đoạn đê vỡ khoảng trên 10 mét. Hiện tại mực nước trong và ngoài đê đã cân bằng nhau, ước tính diện tích bị chìm trong nước khoảng hơn 20ha, hiện không có thiệt hại về người. UBND xã đang tiếp tục thống kê các thiệt hại tài sản.

Đoạn đê bị vỡ tại Tuyên Quang  vào tối 10/9. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ngay trong đêm 10/9, hàng trăm người được huy động ứng phó vỡ đê tại Tuyên Quang. Đến sáng 11/9, công tác khắc phục đang phải tạm dừng, UBND huyện Sơn Dương đang xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phương án xử lý cũng như khảo sát, đánh giá lại hiện trạng vị trí vỡ đê.

● 10:15: NƯỚC NGẬP TOÀN BỘ THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

Sáng 11/9, nước lũ đã tràn ngập toàn thành phố Tuyên Quang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Từ chiều tối 10/9, toàn bộ hoạt động di chuyển tại thành phố đã phải dừng lại hoàn toàn do mực nước lũ dâng nhanh, ngập sâu vào các tuyến đường và khu vực dân cư. Trong khi đó, thời tiết tại đây vẫn đang diễn biến phức tạp với mưa lớn kéo dài trên diện rộng, mực nước trên các sông, suối tiếp tục tăng cao. Theo thông tin từ UBND thành phố Tuyên Quang, nhiều xã, phường trong thành phố đã bị ngập sâu. Người dân buộc phải di chuyển lên các tầng cao hoặc rời xa khu vực nguy hiểm để tránh lũ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn đã khiến mực nước trên các con sông dâng cao, đe dọa an toàn của nhiều khu vực. Đặc biệt, mực nước sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang đã vượt qua mức báo động 3, mức cực kỳ nguy hiểm. Vào tối qua 10/9, một đoạn đê sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10m, vị trí đê vỡ giáp ranh với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Đài Khí tượng và Thủy văn cho biết, vào lúc 6h sáng 11/9, mực nước sông Lô đã đứng ở mức 27,72m, báo hiệu tình hình lũ lụt vẫn rất nghiêm trọng.

Các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai công tác kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá. Họ đã chủ động di dời người dân đến nơi an toàn, đảm bảo không để bất kỳ ai thiếu chỗ ở hoặc thiếu đói trong quá trình sơ tán. Những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và việc Thủy điện Tuyên Quang mở toàn bộ 8 cửa xả đáy, lũ trên sông Lô đã lên cao, gây ngập úng diện rộng tại nhiều khu vực. Đợt mưa này đã khiến mực nước sông Lô và sông Gâm đạt mức báo động 3, buộc chính quyền và các lực lượng chức năng phải hành động khẩn cấp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

● 10:00: NGHỆ AN: SẠT LỞ NGHIÊM TRỌNG CÔ LẬP 93 HỘ DÂN

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua, xã biên giới Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn đã hứng chịu mưa lớn kéo dài, khiến nước sông Nậm Nơn dâng cao và gây sạt lở đất đá trên nhiều trục đường. Đặc biệt, tuyến đường bộ dài hơn 20km nối trung tâm xã Mỹ Lý với bản Cha Nga, nơi sinh sống của 93 hộ dân với 400 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái, đã xuất hiện trên 50 điểm sạt lở nghiêm trọng. Ngoài đường bộ, bản Cha Nga còn có thể tiếp cận qua đường thủy, nhưng do mưa lớn, nước sông Nậm Nơn dâng cao và chảy xiết, việc di chuyển cũng trở nên bất khả thi. Hiện tại, người dân trong bản Cha Nga đã bị cô lập hoàn toàn, không thể ra khỏi bản từ ngày 27/8 đến nay.

Đoạn đường từ bản Xằng Trên vào bản Cha Nga hơn 20km nhưng có hơn 50 điểm sạt lở, không thể lưu thông bằng xe máy.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Mỹ Lý, mưa lớn không chỉ gây sạt lở đường mà còn làm hư hỏng nhiều công trình, trường học, và nhà dân trong khu vực. Đặc biệt, trường mầm non 1 tại bản Xốp Tụ bị đất đá tràn vào, lấp kín toàn bộ sân vườn, sân chơi, nhà học, bếp, và hệ thống vệ sinh. Đồ dùng của học sinh và giáo viên trong trường cũng bị vùi lấp nghiêm trọng.

Mưa lớn nhiều ngày đã khiến tuyến đường độc đạo nối vào bản Cha Nga, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bị sạt lở nghiêm trọng.

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, ông Vi Văn Sơn, cho biết bản Cha Nga trong điều kiện bình thường đã thiếu điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, và đường bộ chỉ có thể đi lại bằng xe máy. Phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là xuồng máy, xuôi ngược theo dòng Nậm Nơn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, việc di chuyển trở nên vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

● 09:45: VỠ ĐÊ SÔNG LÔ TẠI TUYÊN QUANG

Tại Tuyên Quang, một đoạn đê sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao. Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10m, vị trí đê vỡ giáp ranh với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Trước đó, tại vị trí này đã có dấu hiệu của rò rỉ nước nên công tác di dời người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đã được triển khai nên không có thiệt hại về người. Công tác ứng phó đang được các lực lượng và nhân dân tích cực triển khai. Hiện công tác vá đê đang được khẩn trương triển khai.

Sự cố vỡ đê sông Lô đoạn qua tỉnh Tuyên Quang diễn ra vào đêm 10/9. Ảnh: Báo Nhân Dân

Tối và đêm 10/9, trước tình trạng nước sông vẫn tiếp tục dâng cao, hơn 100 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ do Ban Chỉ huy quân sự huyện Đoan Hùng điều động, tăng cường đến, lực lượng tại chỗ của xã Hợp Nhất đã tập trung hỗ trợ người dân di dời tài sản , đắp đất ngăn nước, cắt cử lực lượng ứng trực, kiểm tra các vị trí xung yếu khác trên toàn tuyến đê. 

Lực lượng chức năng và người dân địa phương đang khẩn trương vá đê khắc phục sự cố.

● 09:30: LŨ TRÊN SÔNG LÔ ĐẠT ĐỈNH 27,73M, TRÊN BÁO ĐỘNG 3

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia vừa phát đi thông báo cho biết lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú THọ) đã đạt đỉnh ở mức 27,73m, trên báo động 3 1,73m. Lũ trên sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên.

Mực nước lúc 07h/11/9, trên các sông như sau:

  • Trên sông Thao tại Yên Bái 34,51m, trên BĐ3 2,51m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,09m; tại Phú Thọ 18,33m, trên BĐ2 0,13m;
  • Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,20m, trên BĐ3 0,90m;
  • Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,09m, trên BĐ3 0,79m; - Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,04m, dưới BĐ3 0,26m;
  • Trên sông Lô tại Tuyên Quang 27,72m, trên BĐ3 1,72m; tại Vụ Quang 21,01m, trên BĐ3 0,51m.
  • Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,47m, trên mức BĐ3 0,47m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,83m, dưới mức BĐ3 0,17m;
  • Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,86m, trên BĐ2 0,36m.

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ sẽ xuống dưới mức BĐ2.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ3. - Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ2
  • Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9, trên mức BĐ2 và dưới BĐ3
  • Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo:
  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức BĐ2; tại Phú Thọ xuống mức BĐ1
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức BĐ2
  • Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức BĐ3 - Lũ trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở trên mức BĐ2
  • Lũ trên sông Thái Bình biế đổi chậm ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ xuống chậm ở mức BĐ3 - Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức BĐ2

Cảnh báo:

Trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

● 09:00: CẤM XE DƯỚI 10 CHỖ LƯU THÔNG VÀO CAO TỐC PHÁP VÂN - CẦU GIẼ

Sáng 11/9, Cảnh sát giao thông đã cấm ô tô dưới 10 chỗ lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đoạn qua huyện Thường Tín do ngập sâu 30-40 cm.

Đoạn cao tốc này bị ngập nặng trên cả hai chiều đường, kéo dài khoảng 300 m, khiến các phương tiện di chuyển chậm. Nhiều xe bị chết máy, dẫn đến ùn tắc kéo dài 2-3 km.

Lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng, yêu cầu các xe dưới 10 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn quay đầu trước trạm thu phí Pháp Vân. Chỉ có xe hợp đồng, xe khách, và xe tải trên 2,5 tấn được phép lưu thông qua đoạn đường này.

Các phương tiện nhỏ dưới 10 chỗ được khuyến cáo lựa chọn lộ trình khác, như quốc lộ 1A, để tránh bị ùn tắc. Từ hôm qua, Cảnh sát giao thông đã bố trí phân luồng các phương tiện vào  quốc lộ 1A thay vì đi đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Xe từ Hà Nội có thể vào quốc lộ 1A và trở lại cao tốc tại nút giao Thường Tín. Xe đi từ Hà Nam về Hà Nội có thể ra cao tốc ở nút giao Vạn Điểm hoặc nút giao Thường Tín.

Pháp Vân Cầu - Giẽ là tuyến cao tốc huyết mạch phía nam Hà Nội, với lưu lượng trung bình khoảng 70.000-80.000 phương tiện mỗi ngày đêm.

● 08:00: LŨ QUÉT KINH HOÀNG TẠI LÀO CAI, NHIỀU NẠN NHÂN SANG CHẤN TÂM LÝ

Ngày 10/9, Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên đã tiếp nhận 18 bệnh nhân từ vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Trong số đó, hai bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, còn lại nhiều người bị gãy xương, chấn thương nội tạng và tổn thương da nghiêm trọng. Đáng lo ngại, phần lớn bệnh nhân đều rơi vào trạng thái sang chấn tâm lý do thiên tai.

Bệnh nhân điều trị ở Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bệnh nhân được điều trị tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực và Chống độc của bệnh viện, trong tình trạng đa chấn thương, toàn thân xây xát, đau đớn, khó cử động. Bên cạnh việc điều trị thể chất, các bác sĩ cũng đang nỗ lực trấn an tâm lý cho những người bị ảnh hưởng, nhằm ngăn chặn nguy cơ rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), một hệ quả phổ biến sau khi trải qua các sự kiện thiên tai nghiêm trọng.

Sự việc đau thương này xảy ra khi trận lũ quét và sạt lở đã gần như san phẳng toàn bộ thôn Làng Nủ, nơi có 35 hộ dân sinh sống. Tính đến thời điểm hiện tại, 16 người đã được xác nhận thiệt mạng, khoảng 40 người vẫn đang mất tích, và số người bị thương có thể còn tăng thêm. Giao thông bị chia cắt nghiêm trọng, làm cho việc tiếp cận và cứu hộ tại hiện trường gặp nhiều khó khăn. Đến chiều 10/9, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được hiện trường và tìm thấy 16 thi thể.

Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên đã kích hoạt báo động đỏ ngay khi nhận được thông tin về vụ sạt lở, huy động toàn thể y bác sĩ tham gia công tác ứng cứu. Ngoài đội ngũ trực tại bệnh viện, một kíp cấp cứu lưu động gồm hai bác sĩ và bốn nhân viên y tế đã được gửi đến hiện trường để hỗ trợ tại chỗ. Với tình hình giao thông từ vùng lũ bị hư hỏng nặng và sạt lở, bệnh viện đã lên phương án vận chuyển nạn nhân bằng xe tải từ hiện trường về viện để đảm bảo công tác cứu hộ được thực hiện nhanh chóng nhất có thể.

Một nạn nhân được hỗ trợ lên xe tải chuyển về bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Hiện tại, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực hết mình trong công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

07:00: NGẬP LỤT LỊCH SỬ TẠI THÁI NGUYÊN

Thành phố Thái Nguyên đang trải qua trận ngập lụt lịch sử do mưa lớn kéo dài và nước sông Cầu dâng lên quá nhanh. 81 xóm, tổ dân phố ven sông Cầu bị ngập.

Hàng chục năm kinh doanh cửa hàng quần áo ở vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, chị Ngô Hoài Linh chưa từng nghĩ cửa hàng của mình sẽ phải tạm dừng hoạt động vì ngập lụt. Sau một đêm, nước dâng cao, trước cửa hàng là biển nước.

Thành phố Thái Nguyên đang trải qua trận ngập lụt lịch sử do mưa lớn kéo dài và nước sông Cầu dâng lên quá nhanh.

“Từ trước đến giờ, người dân Thái Nguyên chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ nghiêm trọng như thế này. Gần như mọi người dân không kịp trở tay. Nếu cứ tiếp tục mưa kéo dài như này thì chúng tôi cảm thấy rất lo lắng bởi vì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các hộ kinh doanh”, chị Ngô Hoài Linh nói.

Người dân đã phải tìm mọi cách để chống đỡ với ngập lụt. Nước chia cách mọi con đường và thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính trên đường bộ.

Nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn. Đó cũng là lúc người dân thành phố Thái Nguyên đoàn kết với nhau hơn. Trong thời điểm chưa thể mở lại cửa hàng ăn uống vì ngập lụt, chị Hoàng Thị Hoa đã quyết định tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để chuẩn bị những suất cơm miễn phí, gửi cho người dân trong vùng bị nước lũ cô lập.

Chị Hoàng Thị Hoa (phường Hoàng Văn Thụ) cho hay: “Mình đóng cửa hàng ăn để chuyển sang nấu cơm cho mọi người ở những nơi mất điện hay ở vùng sâu, vùng xa”.

Thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính trên đường bộ.

Mực nước sông Cầu đoạn qua thành phố Thái Nguyên đang giảm dần, nhưng đời sống của người dân ở nhiều khu vực vẫn bị ảnh hưởng và cần nhiều thời gian để khắc phục.

Dự báo trong 24 giờ tới, lũ tại thành phố Thái Nguyên tiếp tục có xu hướng giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Hiện, thành phố đang có 81 xóm, tổ dân phố của 22 xã, phường nằm ven sông Cầu bị ngập.

● 06:00: 181 NGƯỜI CHẾT VÀ MẤT TÍCH VÌ MƯA LŨ

Theo Cục quản lý đề điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 18 giờ ngày 10/9, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã làm 181 người chết, mất tích.

Trong đó tỉnh Cao Bằng có 55 người (19 người chết, 36 người mất tích), tỉnh Lào Cai là 51 người (38 người chết, 13 người mất tích), tỉnh Yên Bái có 40 người (37 người chết, 3 người mất tích), tỉnh Quảng Ninh có 9 người chết do bão, lũ. Tỉnh Phú Thọ hiện vẫn còn 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu.

Mưa bão cũng làm 764 người bị thương, trong đó Quảng Ninh 536 người, Hải Phòng 81 người, Bắc Ninh 52 người, Lạng Sơn 10 người, Lào Cai 21 người, Yên Bái 10 người.

Ngoài ra, có gần 163.000 ha lúa bị ngập úng và hơn 48.000 nhà ở bị hư hỏng, tập trung Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh.

● 05:45: HÀ NỘI GẤP RÚT VẬN ĐỘNG NGƯỜI DÂN PHÚC XÁ DI DỜI CHỖ Ở

Để đảm bảo an toàn cho người dân hiện đang sinh sống tại khu vực ven sông thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều phương án vận động và di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt để tránh trú bão, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

Tối 10/9, dự báo nước sông Hồng sẽ nâng lên báo động 2, chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng đã trực tiếp đến vận động, hỗ trợ bà con phường Phúc Xá di dời chỗ ở để đảm bảo an toàn.

Cán bộ y tế hỗ trợ người cao tuổi

Phường Phúc Xá là địa bàn tập trung đông dân cư, chủ yếu là người lao động nghèo, không có nhiều điều kiện về kinh tế, mưa lũ đã khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ, do vậy việc đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như điều kiện sinh hoạt cho người dân trong thời gian này là nhiệm vụ được cả hệ thống chính trị quận Ba Đình ưu tiên thực hiện.

Nhiều người già gặp khó khăn trong quá trình di dời chỗ ở. Chính quyền quận Ba Đình đã ngay lập tức có mặt để hỗ trợ người dân đến nơi trú bão an toàn, đảm bảo điều kiện an toàn, sạch sẽ.

Hiện nay lũ trên sông Hồng và các sông ở miền Bắc đang ở mức báo động vô cùng nguy hiểm, đây là mức lũ nguy hiểm nhất trong 56 năm qua. Ghi nhận của phóng viên tại thời điểm trưa ngày 10/9, mực nước tại khu vực ven sông đã dâng cao cách mái nhà chỉ khoảng hơn 1m, làm hư hỏng nhiều tài sản của nhân dân, việc di dời vẫn đang được thực hiện khẩn trương, liên tục.

Để giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống trong thời gian tránh lũ, UBND quận Ba Đình sẽ tiếp tục hỗ trợ mọi điều kiện cần thiết với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

● 05:30: LŨ TRÊN SÔNG HỒNG TẠI HÀ NỘI VƯỢT BÁO ĐỘNG 2

Theo tin cảnh báo lũ khẩn cấp của Trung tâm KTTV Quốc gia phát lúc 5:30 sáng nay, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội đã vượt mức mức báo động 2, lũ trên các sông khác tại miền Bắc vẫn duy trì ở mức cao và diễn biến phức tạp.

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, 5h30 sáng 11/9/2024

Cảnh báo: Trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức BĐ3 và trên BĐ3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Hiện trạng lũ trên các sông ở miền Bắc (ghi nhận vào 5h sáng nay) cụ thể như sau:

  • Trên sông Thao tại Yên Bái 34,79m, trên BĐ3 2,79m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,37m; tại Phú Thọ 18,27m, trên BĐ2 0,07m;
  • Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,14m, trên BĐ3 0,84m;
  • Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,05m, trên BĐ3 0,75m; -
  • Trên sông Lô tại Tuyên Quang 27,73m, trên BĐ3 1,73m; tại Vụ Quang 20,89m, trên BĐ3 0,39m.
  • Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,46m, trên mức BĐ3 0,46m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 5,77m, dưới mức BĐ3 0,23m;
  • Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,76m, trên BĐ2 0,26m.

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức BĐ2.
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,80m, trên BĐ3 1,80m vào sáng sớm nay (11/9) sau đó xuống chậm; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21,00m, trên mức BĐ3 0,50m vào trưa nay (11/9) sau đó xuống;
  • Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ2
  • Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9 và trên mức BĐ2

Dự báo trong 12- 24 giờ tiếp theo:

  • Lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3; tại Phú Thọ xuống chậm dưới mức BĐ2
  • Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức BĐ3; tại Vụ Quang sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức BĐ2
  • Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu tiếp tục lên chậm ở trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Thương biến đổi chậm ở trên mức BĐ3 - Lũ trên sông Lục Nam biến đổi chậm ở trên mức BĐ2
  • Lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên chậm trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hoàng Long sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức BĐ3
  • Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm và ở dưới mức BĐ2

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.

NGÀY 10/9: LŨ TIẾP TỤC LÊN CAO, SẠT LỞ ĐẤT Ở NHIỀU TỈNH MIỀN BẮC

● 22:30: MỰC NƯỚC SÔNG HỒNG TẠI LONG BIÊN LÊN MỨC BÁO ĐỘNG 2 

Vào lúc 22h22’ ngày 10/9, mực nước trên sông Hồng đã đạt mức báo động 2 tại Long Biên, thông tin từ Đài KTTV khu vực đồng bằng, trung du bắc bộ.

Tính từ năm 2008 đến nay, qua 16 năm, sông Hồng mới lên cao ở mức này. Chiều nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phát lệnh báo động ba trên sông Nhuệ, trước đó các sông Bùi, sông Tích cũng vượt báo động 3, cảnh báo ngập lụt mở rộng.

Tại Yên Bái, cập nhật đến 21h hôm nay, lũ trên sông Thao đạt đỉnh ở mức 35,73m,  trên báo động 3 là 3,73cm, trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m và đang xuống chậm. Nước lũ dâng cao khiến 12.000 hộ dân ở thành phố Yên bái phải di dời. Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức lũ lịch sử. Thống kê đến thời điểm chiều nay, mưa lũ tại Yên Bái đã làm 20 người chết, 4 người bị thương do sạt lở đất; trên 300 nhà ở bị thiệt hại, sập, hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, còn gây ngập úng trên diện rộng, chiếm 50% diện tích toàn thành phố, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình.

Tại Phú Thọ, lũ trên sông Lô đang lên nhanh. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Thái Nguyên có mưa lớn cùng với việc các hồ thủy điện thượng lưu xả lũ khiến nước sông Lô ở mức báo động và đang tiếp tục dâng cao. Biên độ lũ lớn đã gây ngập lụt, đe doạ đến hàng chục hộ dân đang sinh sống ven sông thuộc khu 1, xã Sông Lô.

Tại Thái Nguyên, Do ảnh hưởng của mưa bão, nhiều người dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên nằm trong vùng ngập sâu, bị cô lập. Những ngày qua, lực lượng chức năng của tỉnh, TP. Thái Nguyên và các nhà hảo tâm đã nỗ lực hỗ trợ di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời cung cấp đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 10-9, toàn tỉnh có trên 5.000 hộ phải di dời đến nơi an toàn; trên 200 ngôi nhà bị tốc mái; 44 điểm trường bị ngập, tốc mái; trên 3.000ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập; nhiều trang trại bị ngập, thiệt hại; 31 điểm bị sạt lở… Ước sơ bộ tổng giá trị tài sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Tại Tuyên Quang, đến 21h lũ sông Lô đang lên, có khả năng đạt đỉnh 27,70m, trên báo động 3 là 1,70m vào đêm nay (10/9) sau đó xuống chậm. Trong chiều nay, tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đã làm việc với lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện Yên Sơn và các xã Mỹ Bằng, Nhữ Khê, Nhữ Hán về công tác chuẩn bị các phương án ứng phó với lũ do Thủy điện Thác Bà xả nước. Trong ngày hôm nay xuất hiện tình huống mới là nước từ Thủy điện Thác Bà có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới nhân dân. Hiện nước lũ sông Chảy đang ở cos 28,6, dự kiến nếu nước lũ đạt đến cos 31,5 là nguy hiểm. Trước nguy cơ ảnh hưởng đến người dân khi Thủy điện Thác Bà xả nước rất cao, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các cấp, các ngành phải đảm bảo các yếu tố không để dân nguy hiểm, không để dân đói khát và không thiếu chỗ ở.

Tại Cao Bằng, chiều 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Cao Bằng. Cùng đi có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương. Theo báo cáo của tỉnh, do ảnh hưởng bão số 3-Yagi, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to kéo dài, xảy ra ngập lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về người, nhà ở, công trình cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân ở nhiều huyện, Thành phố. Huyện Nguyên Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, tính đến 17 giờ 30 phút hôm nay, mưa lũ làm 29 người chết, 15 người bị thương, 23 người mất tích. Tỉnh đang tiếp tục thống kê và tìm kiếm nạn nhân.

● 21:30: SẬP NHÀ ĐIỀU HÀNH THUỶ ĐIỆN TẠI LÀO CAI, 5 NGƯỜI MẤT TÍCH

Chiều tối 10/9, ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, tỉnh Lào Cai xác nhận thông tin về việc mưa lũ đã làm sập nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc trên địa bàn.

Lực lượng chức năng tổ chức cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân tại Bắc Hà, Lào Cai.

Thông tin ban đầu, do mưa lớn nhiều ngày trên địa bàn đã dẫn tới sạt lở đất đá từ trên sườn núi xuống nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc gây sập, làm một số công nhân của nhà máy bị thương và 5 người mất tích.

Ngay sau khi nhận thông tin, chính quyền xã Bản Cái đã huy động lực lượng tại chỗ khoảng 50 người để tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, do không có sự hỗ trợ của phương tiện, máy móc chuyên dụng mà hoàn toàn thủ công nên việc cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Huyện Bắc Hà cũng đã cử một đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường để hỗ trợ và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, nhưng do đường bị sạt lở đất nhiều khu vực, nên vẫn chưa thể tiếp cận được hiện trường.

Trước đó, khoảng 11 giờ ngày 10/9, một cán bộ công an xã Bản Cái, huyện Bắc Hà trong khi đi công tác qua Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc thì phát hiện một số người bị thương đang dìu nhau đi ra từ điểm sạt lở và thông báo vụ việc (do khu vực này đang bị mất sóng điện thoại nên không thể gọi lực lượng cứu hộ).

Ngay sau đó, cán bộ Công an này đã chạy bộ 10 km ra khu vực có sóng điện thoại để gọi điện về Công an huyện thông báo sự việc. Đến 12 giờ trưa 10/9 những người thoát nạn đã di chuyển về bệnh xá xã Bản Cái để được chăm sóc và điều trị vết thương. Hiện còn 5 người nghi mất tích và 1 người bị thương nặng tại vị trí sạt lở.

Cũng trong chiều 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ đưa 1 xuồng hơi đến để vận chuyển nhân lực và người bị nạn đi theo sông Chảy và 1 máy điện thoại vệ tinh phục vụ liên lạc.

21:00: LŨ QUÉT KINH HOÀNG Ở LÀO CAI, HƠN 100 NGƯỜI MẤT TÍCH

Sáng ngày 10/9, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai khiến toàn bộ ngôi làng bị vùi lấp và hơn 100 người mất tích.

Lũ quét tràn vào nhà dân, bùn ngập hết đồ đạc. Ảnh: Báo Lào Cai

Theo thông tin ban đầu, trận lũ quét đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với 35 hộ dân, 128 khẩu. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu nạn cứu hộ của huyện Bảo Yên và lực lượng tại chỗ đã ứng cứu được 10 nạn nhân, tìm thấy thi thể 15 nạn nhân, còn lại hơn 100 nạn nhân vẫn đang mất tích.

Người dân địa phương cho biết, khu vực này chưa bao giờ xảy ra thiên tai nên khi vụ sạt lở núi xảy ra tất cả đều hoàn toàn bất ngờ. Hiện huyện Bảo Yên đang tranh thủ thời gian, gấp rút huy động lực lượng tiếp cận khu vực sạt lở, tìm kiếm người mất tích.

● 19:30: CẤM LƯU THÔNG QUA CẦU ĐUỐNG

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo cấm người đi bộ và phương tiện đi lại trên cầu Đuống, nối quận Long Biên với Gia Lâm, từ 22h. Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng đi qua cầu này tạm dừng.

Phương tiện có nhu cầu lưu thông qua cầu Đuống đi theo các hướng Hà Huy Tập - Đặng Phúc Thông - tỉnh lộ 179 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cầu Phù Đổng - cầu Thanh Trì và ngược lại; hoặc Hà Huy Tập - Đặng Phúc Thông - tỉnh lộ 295 - quốc lộ 18 - Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại.

Ngoài ra, các phương tiện có thể chọn hướng Ngô Gia Tự - quốc lộ 5 - Lý Sơn - cầu Đông Trù - Trường Sa - quốc lộ 3 hoặc Trường Sa - Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại, hoặc Ngô Gia Tự - quốc lộ - vành đai 3 - đi cầu Thanh Trì hoặc cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

● 19:00: LIÊN TIẾP XUẤT HIỆN THÔNG TIN THẤT THIỆT VỠ ĐÊ

Trên mạng xã hội những ngày qua liên tục xuất hiện thông tin thất thiệt trên mạng xã hội về việc vỡ để ở nhiều tỉnh thành phía Bắc. Cơ quan chức năng đã triệu tập và xử phạt các đối tượng tung tin đồn gây hoang mang dư luận.

Chiều nay, 10/9, UBND huyện Sóc Sơn khẳng định thông tin vỡ đê tại xã Bắc Sơn trên địa bàn huyện được đăng tải trên mạng xã hội là không chính xác. Thực tế, đây chỉ là một đoạn đường liên thôn bao Đầm Khoai bị sạt trôi, nước tràn vào cánh đồng, hoàn toàn không phải là vỡ đê như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Cũng trong ngày hôm nay, Công an tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt H.V.T, 32 tuổi, ở xã Đồng Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang 7,5 triệu đồng vì đăng tải bài viết có nội dung sai sự thật về việc vỡ đê tại huyện Yên Phong. Bài viết thu hút nhiều lượt quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng, gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận nhân dân.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Ninh) phối hợp với Công an huyện Gia Bình phát hiện, xử lý đối tượng P.T.T trú tại huyện Gia Bình đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về tình hình mưa bão, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Công an tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt H.V.T, 32 tuổi vì đăng tải bài viết có nội dung sai sự thật về việc vỡ đê tại huyện Yên Phong (Ảnh: Công an nhân dân).

Chiều cùng ngày, UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng khẳng định, thông tin vỡ một số tuyến đê trên địa bàn huyện là sai sự thật. UBND huyện Tiên Lãng khuyến cáo nhân dân theo dõi tin tức trên các kênh chính thống để cập nhật đầy đủ, chuẩn xác các thông tin chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng về công tác khắc phục hậu quả sau bão.

Hôm qua, một số trang mạng xã hội đăng thông tin trên địa bàn huyện Bát Xát xảy ra vỡ đập thủy điện, sạt lở đập thủy điện trên địa bàn xã Nậm Pung.Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Bát Xát khẳng định, thông tin này là sai sự thật. Các thông tin này sẽ gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Bộ Công An đã có chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức đưa tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão, mưa lũ.

● 18:15: HÀ NỘI LỆNH BÁO ĐỘNG 3 TRÊN SÔNG NHUỆ

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã phát lệnh báo động ba trên sông Nhuệ, áp dụng cho các phường, xã thuộc quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa. Báo động ba là mức cảnh báo nghiêm trọng, cho thấy lũ trên sông đã lên cao, gây ngập lụt nặng và có thể đe dọa đến sinh mạng và tài sản của người dân.

Hiện tại, mực nước sông Nhuệ đã đạt mức báo động hai (4,4 m), khiến một số khu dân cư ven sông bị ngập. Tại phường Phú Diễn, quận Nam Từ Liêm, có ba điểm ngập tại ngõ 394, ngõ 418 và nhà số 644, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ gia đình với 100 người dân. Do tình hình ngập lụt nghiêm trọng, điện ở khu vực này đã bị cắt để đảm bảo an toàn, và người dân đã được hỗ trợ sơ tán đến nơi an toàn.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi và triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.

● 18:00: TIN VỠ ĐÊ Ở SÓC SƠN LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC

Trước thông tin vỡ đê đăng tải trên mạng xã hội, UBND huyện Sóc Sơn khẳng định đây là thông tin không chính xác.

Thực tế đây chỉ là một đoạn đường liên thôn ngăn suối Lai Sơn và một với cánh đồng bị sạt trôi, nước tràn đồng. Hiện nay, huyện đang huy động lực lượng sửa chữa hàn lại đường liên thôn này trong tối nay. Một vài hộ dân bị ảnh hưởng đã được chính quyền di dời đến nơi an toàn.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những thông tin trên mạng xã hội; truy cập vào những trang Web, cơ quan báo chí chính thống để theo dõi thông tin; không chia sẻ những thông tin trên mạng khi chưa được kiểm chứng.

Đây chỉ là một đoạn đường liên thôn ngăn suối Lai Sơn và một với cánh đồng bị sạt trôi, nước tràn đồng.

● 17:30: HÀ NỘI CẤM CÁC PHƯƠNG TIỆN ĐI ĐƯỜNG GOM ĐẠI LỘ THĂNG LONG DO NGẬP ÚNG

Chiều nay 10-9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thông báo phân luồng giao thông trên đường gom Đại lộ Thăng Long do mưa kéo dài gây ngập sau bão số 3. Thời gian thực hiện từ hôm nay đến khi có thông báo thay thế.

Cụ thể, cấm phương tiện lưu thông trên tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long theo các lý trình cụ thể như sau: Bên phải tuyến, từ Km 7+00 (lối vào nút giao hầm chui đường sắt) đến Km 10+350 (lối ra nút giao Khu đô thị An Khánh); từ Km 20+00 (lối vào nút giao tỉnh lộ 80) đến Km 28+300 (lối ra nút giao Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc). Bên trái tuyến từ Km 16+500 (lối vào nút giao cầu vượt Sài Sơn) đến Km 7+00 (lối ra nút giao hầm chui đường sắt); từ Km 28+300 (lối vào nút giao Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc) đến Km 20+00 (lối ra nút giao tỉnh lộ 80).

Cùng với đó, hạn chế tốc độ tối đa cho phép 60km/h đối với tất cả phương tiện ô tô lưu thông trên đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long tại các lý trình (phải tuyến: Km 7+00 - Km 10+350, Km 20+00 - Km 28+300; trái tuyến: Km 16+500 - Km 7+00, Km 28+300 - Km 20+00).

Xe buýt được phép lưu thông trên đường cao tốc của Đại lộ Thăng Long, tốc độ tối đa cho phép 60km/h.

Xe máy, xe thô sơ được phép lưu thông trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, tốc độ tối đa cho phép 40km/h.

Phạm vi áp dụng trên các đoạn tuyến sau: Phải tuyến từ Km 7+00 (lối vào nút giao hầm chui đường sắt) đến Km 10+350 (lối ra nút giao Khu đô thị An Khánh); từ Km 20+00 (lối vào nút giao tỉnh lộ 80) đến Km 28+300 (lối ra nút giao Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc).

Trái tuyến từ Km 16+500 (lối vào nút giao cầu vượt Sài Sơn) đến Km 7+00 (lối ra nút giao hầm chui đường sắt); từ Km 28+300 (lối vào nút giao Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc) đến Km 20+00 (lối ra nút giao tỉnh lộ 80).

● 17:00: LŨ TRÊN SÔNG LÔ TẠI TUYÊN QUANG VƯỢT BÁO ĐỘNG 3

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia, đến 15h30 ngày 10/9, mực nước trên sông Lô tại thành phố Tuyên Quang đã đạt mức 26,90m, vượt báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm) 0,90m. Tại Vụ Quang, mực nước đạt 19,62m, vượt báo động 2 0,12m. Đây là trận lũ lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây tại khu vực này.

Dự báo tối nay, lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,3m, cao hơn báo động 3 1,3m, trong khi tại Vụ Quang, mực nước dự kiến sẽ đạt đỉnh ở mức 20,4m, chỉ dưới báo động 3 0,1m. Các lực lượng quân đội, công an, và chính quyền địa phương tại Tuyên Quang đã khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ, di dời người dân ra khỏi khu vực bị ngập.

Dù nước lũ dự báo sẽ chững lại, nhưng tình hình thời tiết vẫn diễn biến bất thường với mưa diện rộng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân di chuyển đến nơi an toàn, tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản trước những nguy cơ do lũ lụt gây ra.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Thủy điện Tuyên Quang đóng một cửa xả đáy vào lúc 8h sáng nhằm kiểm soát tình hình lũ. Tuy nhiên, với mưa lớn vẫn tiếp diễn, việc ứng phó và đảm bảo an toàn cho người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Dự báo lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh vào tối nay. Ảnh: TTXVN

● 16:45: CAO BẰNG: ĐỘNG ĐẤT TẠI KHU VỰC SẠT LỞ NGẬP ÚNG

Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), một trận động đất vừa xảy ra vào 12:42:59 trưa nay tại huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng. Trận động đất có độ lớn 2,5 với tâm chấn nằm ở tọa độ 22,895 độ vĩ Bắc, 105,831 độ kinh Đông, với độ sâu khoảng 10km. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 0.

Đáng chú ý, vị trí mà trận động đất xảy ra vào trưa nay - huyện Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng là nơi đang chịu thiệt hại nặng do lũ dâng cao với 329 hộ bị sạt lở và ngập úng.

Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Vị trí tâm chấn trận động đất tại Cao Bằng

● 16:30: QUẬN HAI BÀ TRƯNG (HÀ NỘI) SẴN SÀNG DI RỜI 4.000 DÂN NGOÀI BỜ ĐÊ SÔNG HỒNG

UBND Q.Hai Bà Trưng đã ban hành công điện về việc chủ động ứng phó khi có mưa, lũ, nước sông Hồng lên cao. Theo đó, Chủ tịch UBND Q.Hai Bà Trưng yêu cầu các phường ven đê Bạch Đằng, Thanh Lương chủ động phối hợp các phòng, ban, ngành kích hoạt phương án di dân khi nước sông Hồng lên cao, đảm bảo đời sống cho nhân dân; tập trung tuyên truyền cảnh báo lũ, không cần đợi báo động mà phải chủ động các phướng án khi xảy ra sạt lở khi nước sông Hồng dâng cao; tiếp tục kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở tại chân đê và ứng trực 24/24 để không bị động.

Trên địa bàn quận có hơn 4.000 dân sống ngoài khu vực đê phía bờ sông Hồng, Q.Hai Bà Trưng đang chủ động các phương án "4 tại chỗ", sẵn sàng di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Q.Hai Bà Trưng cũng bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống. Chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của phường để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Quận đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND P.Bạch Đằng; đồng thời bảo đảm sẵn sàng kích hoạt các kịch bản ứng phó với mưa lũ khi nước sông Hồng tiếp tục dâng cao những ngày tới.

● 16:15: YÊN BÁI ĐANG CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ ĐẤT RẤT CAO

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lượng mưa từ 14h hôm qua đến 14h hôm nay ở Minh Bảo (Yên Bái) hơn 400 mm, Đồng Tâm (Hòa Bình) gần 300 mm, Cao Đường (Lào Cai), Đầm Hà (Quảng Ninh), Đại Phạm (Phụ Thọ) đều trên 200 mm.

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa, nguy cơ sạt lở.

Dự báo trong 3-6 giờ tới mưa phổ biến 30-60 mm, có nơi trên 100 m ở Đông Bắc Bộ; 10-30 mm, có nơi trên 50 mm ở những khu vực còn lại của miền Bắc, dẫn tới nguy cơ sạt lở đất ở 15 tỉnh, trong đó Yên Bái ở mức cao nhất.

Bản đồ cảnh báo mức độ lũ quét, sạt lở

● 16:00: TẠM DỪNG NHIỀU TUYẾN XE KHÁCH HÀ NỘI ĐI CÁC TỈNH

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Hà Lan thông tin, toàn bộ các chuyến xe của đơn vị từ Thái Nguyên đi Hà Nội và ngược lại, cùng tất cả các tuyến xe buýt do đơn vị khai thác trên địa bàn Thái Nguyên đã dừng hoạt động, do tình hình ngập lụt quá lớn.

Hãng xe Sao Việt (chuyên tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa) cũng thông báo tạm dừng hoạt động các xe di chuyển lên Sa Pa. Đối với tuyến Hà Nội - Lào Cai, xe vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên việc trung chuyển hành khách gặp nhiều khó khăn.

Đại diện hãng xe du lịch G8 Sapa Open Tour cũng thông báo tạm dừng vận chuyển khách du lịch đi Sa Pa.

Tuyến Hà Nội - Yên Bái, nút giao IC11 cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng đã đóng. Với tình hình ngập lụt ở tỉnh Yên Bái như hiện nay, rất có thể nút giao IC12 Văn Phú (vào thành phố Yên Bái) cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, một số nhà xe đã dừng hoạt động vận tải hành khách trên tuyến này.

Một số tuyến khác hoạt động vận tải tuy không bị đứt đoạn nhưng cũng chỉ cầm chừng. Trong đó với tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đại diện nhà xe Sơn Hải cho biết, sau khi bão số 3 suy yếu, từ ngày 8-9, đơn vị bắt đầu hoạt động trở lại nhưng công suất chỉ đạt 30%, chưa kể, nhiều phương tiện đã bị hư hỏng do di chuyển vào vùng bão, ngập nước.

Tương tự, đại diện hãng xe Hải Vân chuyên tuyến Hà Nội - Sơn La - Điện Biên cũng phục vụ hành khách từ chiều 8-9 sau hai ngày phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của bão số 3. Tuy nhiên, các tuyến đường di chuyển khó khăn, nhiều hành khách hủy vé để bảo đảm an toàn, nên mỗi ngày đơn vị chỉ duy trì 1-2 chuyến từ Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên và ngược lại.

● 15:30: YÊN BÁI NGẬP DIỆN RỘNG, VƯỢT MỐC LỊCH SỬ 1968

Trên địa bàn thành phố Yên Bái, tối và đêm qua có mưa lớn kéo dài. Mực nước vào sáng nay 10/9 đang dâng cao gần 2m so với chiều hôm qua. Cả thành phố Yên Bái ngập chìm trong nước.

Ông Nguyễn Văn Tiến, tổ 9, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái xót xa: "Khu Km6 nhà tôi dù mưa to thế nào cũng chưa bao giờ bị ngập nhưng đến 22h đêm qua, do mưa lớn kéo dài liên tục, khu sau suối nhà tôi nước dâng cao và lên rất nhanh, chỉ một tiếng sau là nước phía sau suối và trên đường đều dồn vào nhà. Ngay cả cơn lũ lịch sử năm 2008 nước dâng nhưng còn thấp hơn vỉa hè nhà tôi khoảng 30cm. Thế nhưng trận mưa lũ đêm qua đã ngập vào nhà tôi khoảng 60 cm, tức là cao hơn năm 2008 và trở thành lũ lịch sử”.

Với chị Phạm Ngọc Châu, đường Cao Thắng, phường Yên Ninh thì: "Mưa to, đường ngập, khu đồi bên cạnh nhà sạt lở, tiếng người, xe cứu hộ, cấp cứu liên tục. Tôi chưa bao giờ có cảm giác sợ tiếng mưa đến thế. Chỉ cầu mong ông trời tạnh mưa để người dân bớt khổ”.

"Trận mưa đêm qua quá khủng khiếp, tôi đứng ngồi không yên vì bố mẹ tôi sinh sống ở khu đường thanh niên, nước ngập cao và chảy xiết nên chưa đón được ông bà ra. Tuy nhiên hiện ông bà tôi đang ở nơi an toàn” - chị Mỹ Hà, thành phố Yên Bái cho biết.

Chưa bao giờ toàn thành phố Yên Bái lại ngập sâu trong biển nước như thế. Nhiều nơi mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở khiến nhiều người thương vong. Sáng nay - 10/9, thành phố vẫn có mưa to, mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn, giao thông gần như tê liệt, khiến công tác hỗ trợ, khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

Sáng 10/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục phát bản tin đặc biệt cảnh báo lũ trên sông Hồng và tin lũ khẩn cấp trên sông Cầu, sông Lô, sông Thương và sông Lục Nam.

Theo đó, đêm qua đến rạng sáng nay, lũ trên sông Hồng tại Lào Cai đang xuống chậm, tại Bảo Hà và Yên Bái đang lên. Lúc 5h sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại Lào Cai đang trên báo động (BĐ) 3 là 2,68m; tại Bảo Hà (Lào Cai) trên mức lũ lịch sử năm 2008 là 0,88m, còn tại Yên Bái trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,8m.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà biến đổi chậm; tại Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử; tại Phú Thọ đạt mức trên BĐ1. Dự báo trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà sẽ xuống chậm; tại Yên Bái biến đổi chậm và duy trì trên mức lũ lịch sử.

Người dân sinh sống khu vực đường Thanh Niên đã mắc kẹt nhiều ngày nay do nước sông dâng cao cộng mưa to đã làm ngập toàn bộ tầng 1. Ảnh: Báo Yên Bái.
Mưa to kéo dài khiến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Yên Bái ngập sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại về người. Ảnh: Báo Yên Bái
Yên Bái đang ngập diện rộng. Ảnh: Báo Yên Bái

● 15:00: HÀ NỘI CẤM LƯU THÔNG QUA CẦU LONG BIÊN

Dừng lưu thông qua cầu Long Biên từ 15h chiều nay.

Do nước sông Hồng lên báo động một, UBND TP Hà Nội quyết định cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên từ 15h hôm nay đến khi đảm bảo an toàn.

Người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ba bánh sẽ không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên. 9h cùng ngày, ngành đường sắt dừng tàu hỏa chạy qua cầu Long Biên, đồng nghĩa 5-6 đôi tàu sẽ phải dừng lại. Hiện để di chuyển qua sông Hồng, phương tiện chỉ có thể qua cầu Chương Dương, Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.

● 14:30: CAO BẰNG: ĐÃ TÌM THẤY 22 THI THỂ NẠN NHÂN SẠT LỞ ĐẤT

Sáng nay, các lực lượng cứu hộ cứu nạn nỗ lực đã tiếp cận hiện trường, tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại các điểm sạt lở xảy ra tại xã Ca Thành và Yên Lạc, huyện Nguyên Bình.

Đến thời điểm ngày 9/9, lực lượng chức năng đã tìm được 7 thi thể nạn nhân, vẫn còn 26 người mất tích tại địa điểm xã Ca Thành; tìm được 7 thi thể, còn 4 người mất tích tại xã Yên Lạc.

Một phần quả đồi ở xã Ca Thành sạt lở vùi lấp, cuốn trôi ba ôtô và nhiều xe máy

Chiếc xe khách bị đất đá cuốn trôi, chỉ còn lại một phần khung khi lực lượng chức năng tiếp cận.

Lực lượng chức năng đã triển khai tìm cách tiếp cận đưa các nạn nhân ra khỏi khu vực gặp nạn để xác định danh tính nạn nhân. Đồng thời cố gắng tiếp cận vị trí xe khách 29 chỗ bị mắc lại và các khu vực xung quanh để nỗ lực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân khác. Tuy nhiên, hiện nay các điểm sạt lờ còn khối lượng đất đá lớn, nước vẫn chảy siết nên việc triển khai tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn, các phương tiện hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn chưa tiếp cận được các điểm Lũng Lỳ ở xã Ca Thành, Lũng Súng ở xã Yên Lạc).

Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường sạt lở, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch đề nghị huy động lực lượng đưa các thi thể ra ngoài, khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Tăng cường huy động các phương tiện, máy móc để thông tuyển để tiếp cận hiện trường sạt lở, túc trực đảm bảo thông suốt và thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn tại các điểm sạt lở.

Đối với các hộ dân có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tại xóm Lũng Lý, xã Ca Thành chủ động cử lực lượng đến huy động, thực hiện sơ tán ngay người dân đến nơi an toàn. Đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo của Ban chỉ huy tiền phương.

● 14:30: BẮT ĐẦU NGẬP NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã bị lũ lụt gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất, cây trồng, vật nuôi. Lực lượng quân đội và lực lượng công an tỉnh Tuyên Quang đã huy động tối đa lực lượng cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng cứu, giúp dân khắc phục mưa lũ.

Tính đến 7 giờ sáng nay, các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và nhiều tuyến đường trên địa bàn bàn thành phố Tuyên Quang bị mưa lũ gây ngập lụt đường, nhà cửa, hoa màu… ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, tài sản, giao thông.  

Để kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão số 3, Bộ Chỉ huy Quân sự  tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các đơn vị huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trên toàn tỉnh giúp nhân dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Lực lượng cán bộ chiến sĩ, lực lượng dân quân, tự vệ tại các địa bàn xung yếu đã kịp thời tổ chức giúp nhân dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn; tổ chức phát dọn cây ven đường do bão quật đổ.

Tại địa bàn thành phố Tuyên Quang, đến sáng nay bắt đầu xuất hiện ngập tại nhiều tuyến đường. Để đảm bảo an toàn cho người dân, cán bộ chiến sĩ công an phường, công an thành phố lập chốt, cảnh báo và hướng dẫn người dân lưu thông trên đường, hỗ trợ di dời tài sản, vật nuôi của các hộ dân bị ngập.

● 14:15: YÊN BÁI: ĐÃ CÓ 13.560 NGÔI NHÀ BỊ THIỆT HẠI

Sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng đoàn công tác đã đến làm việc với tình Yên Bái và chỉ đạo việc khắc phục những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Cùng đi có Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Theo báo cáo nhanh của tỉnh, trong 2 ngày qua, mưa lũ đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Tính đến sáng nay, đã có có gần 13.560 nhà bị thiệt hại, hơn 2.300 hộ dân phải di dời cùng tài sản. Đặc biệt, mưa lớn đã làm gần 10.400 nhà bị ngập nước; 28 người chết và mất tích, trong đó 22 người thiệt mạng do sạt lở đất. Nhiều địa phương hiện đang bị cô lập, chia cắt do nước sông dâng cao và sạt lở đất; nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ cũng bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông. 

Nước lũ dâng cao gây ngập lụt nhiều khu dân cư tại Yên Bái

Tỉnh cũng đã tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ.  Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp.

 Lũ trên sông Thao tại Yên Bái vẫn đang tiếp tục lên, ở mức 35,15m (trên báo động 3 là 3,15m). Dự báo trong 06-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Quân khu II, Bộ Quốc phòng hỗ trợ các địa phương của Yên Bái; giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách địa bàn thành phố Yên Bái, cần thiết cứu hộ 3 công nhân đang mắc kẹt giữa sông Chảy trên địa bàn huyện Lục Yên; Giao Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách huyện Yên Bình, hỗ trợ việc di dời các hộ dân những vùng xung yếu.

● 14:00: PHÚ THỌ: NƯỚC SÔNG LÔ LÊN CAO TRÀN VÀO NHÀ DÂN

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn thành phố Việt Trì có mưa lớn cùng với việc các hồ thủy điện thượng lưu xả lũ khiến nước sông Lô ở mức báo động và đang tiếp tục dâng cao. Biên độ lũ lớn đã gây ngập lụt, đe doạ đến hàng chục hộ dân đang sinh sống ven sông thuộc khu 1, xã Sông Lô.

Sáng nay, nước sông Lô dâng cao và nhanh, tràn vào vườn của các hộ dân, một số trang trại và hoa màu do người dân chăn nuôi, canh tác cũng bị ngập nước. Chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra, nắm bắt tình hình, chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ khẩn trương hỗ trợ các gia đình sống ven sông kê kích tài sản lên cao, di dời tài sản có giá trị và vận chuyển vật nuôi tại các trang trại của người dân ra khỏi khu vực ngập lụt. Khuyến cáo người dân không ra thu hoạch rau màu do nước sông lên nhanh và chảy xiết.

Mưa bão đã khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng, nhà cửa có nguy cơ bị chìm trong nước, gần 300 hộ dân tại khu Long Châu, xã Bình Phú phải sơ tán khẩn cấp.

● 13:30: LŨ TRÊN SÔNG HỒNG TẠI HÀ NỘI VƯỢT MỨC BÁO ĐỘNG 1

Theo kết quả đo tính, đến 12 giờ ngày 10/9, mực nước lũ sông Hồng vẫn tiếp tục lên cao với cường suất 10 cm/giờ, vượt mức báo động 1 là 4 cm. Đến 13 giờ ngày 10/9, mực nước lũ sông Hồng vẫn tiếp tục lên cao với cường suất 8 cm/giờ, vượt mức báo động 1 là 12 cm.

Các chuyên gia cảnh báo, người dân khu vực ven sông Hồng tại Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Gia Lâm, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm... cần có phương án phòng, khẩn trương di dời, để tránh việc nước lên cao tràn vào sâu trong nhà dân.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện nay trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu từ phía khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía Hà Nội. Ngoài ra, vùng mây đối lưu từ phía huyện Thạch Thất, Quốc Oai cũng có xu hướng di chuyển về phía thành phố.

Trong chiều 10/9, những ổ mây đối lưu này trước tiên gây mưa rào và dông cho khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông,  sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của thành phố. Trong mưa dông, có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Dự báo, mực nước lũ sông Hồng còn tiếp tục dâng cao với biên độ 10-20cm/giờ, hoàn toàn có thể đạt mức báo động 2 (10,5m) và không loại trừ khả năng lên báo động 3 (12m) trong những ngày tới.

● 13:15: SẠT LỞ ĐẤT TẠI YÊN BÁI, 9 NGƯỜI TỬ VONG

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 10/9, tại Thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên đã xảy ra vụ sạt lở đất làm 5 ngôi nhà vùi lấp. Trong đó có 12 người, 9 người bị vùi đất đá vùi lấp thiệt mạng và 3 người bị thương thoát nạn được dân cứu hộ kịp thời. Nhận được tin báo của chính quyền địa phương, ngay sau sự việc xảy ra, đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các ngành và huyện Lục Yên đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu qủa và tìm kiếm người đang bị vùi lấp. Với sự huy động của gần 200 lực lượng cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, dân quân tự vệ và người dân đã nỗ lực tìm kiếm người đang bị mất tích. Đến 11 giờ 30  trưa nay, các lực lượng chức năng đã tìm thấy 3 thi thể bị vùi lấp; hiện vẫn còn 6 nạn nhân đang bị khối lượng đất đá vùi lấp sâu đến vài mét.

Trong đêm qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra sạt lở ở nhiều vị trí tại các mái ta luy, kể cả các bãi đồi tự nhiên cũng sạt. Sáng nay, Yên Bái vẫn có mưa to; mất điện, nước, giao thông gần như tê liệt, khiến công tác hỗ trợ, khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.

Đông đảo lực lượng tham gia cứu hộ tại hiện trường.

● 13:00: CAO BẰNG LẬP SỞ CHỈ HUY TÌM KIẾM NGƯỜI MẤT TÍCH

UBND tỉnh Cao Bằng đã thiết lập Sở chỉ huy chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ người bị nạn tại các điểm sạt lở ở huyện Nguyên Bình. Chiến dịch này có sự tham gia của khoảng 500 người từ các lực lượng như bộ đội, công an, và dân quân.

Sở chỉ huy được đặt tại trụ sở UBND xã Vũ Nông và do ông Hoàng Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm tổng chỉ huy. Mưa lũ kéo dài ba ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Cao Bằng, với 19 người chết và 36 người mất tích, trở thành tỉnh chịu thiệt hại lớn nhất về người trong đợt thiên tai này. Lực lượng chức năng đã tìm thấy 18 thi thể trên các sông suối.

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, UBND tỉnh Cao Bằng đã quyết định tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định, taxi, và xe hợp đồng trên địa bàn tỉnh từ tối 9/9 để đảm bảo an toàn cho người dân.

● 12:45: YÊN BÁI CÔNG BỐ TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP VỀ THIÊN TAI

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh sau khi ghi nhận 28 người chết và mất tích do mưa lũ.

Theo báo cáo ngày 10/9 của UBND tỉnh Yên Bái, tổng cộng 22 người đã thiệt mạng do sạt lở đất, trong đó huyện Văn Chấn có 1 người, huyện Lục Yên 11 người, và TP Yên Bái 10 người. Ngoài ra, 6 người vẫn đang mất tích, bao gồm 2 người ở huyện Lục Yên và 4 người ở TP Yên Bái.

Tình hình lũ lụt đang diễn biến phức tạp, khiến TP Yên Bái và nhiều khu vực khác của tỉnh vẫn chìm trong biển nước, giao thông bị chia cắt và nhiều phường, xã bị cô lập hoàn toàn. Theo thống kê ban đầu, khoảng 13.558 ngôi nhà đã bị thiệt hại, trong đó 40 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn, 2.337 ngôi nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn, và nhiều ngôi nhà khác bị tốc mái hoặc ngập nước, đặc biệt là 7.934 ngôi nhà ở thành phố Yên Bái. Thiệt hại về nông nghiệp cũng ở mức nghiêm trọng, với hơn 4.017 ha cây trồng bị ảnh hưởng.

Trước tình hình khẩn cấp này, tỉnh Yên Bái đã huy động hơn 10.850 người để tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Với 40 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, tỉnh đã tổ chức di dời và bố trí chỗ ở tạm thời cho các gia đình này tại nhà người thân. Đối với các hộ gia đình phải di dời người và tài sản, tỉnh đã bố trí chỗ ở tạm thời tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã, và tại một số hộ gia đình khác không bị ảnh hưởng.

● 12:30: TUYÊN QUANG CÔNG BỐ TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP VỀ THIÊN TAI

Mưa lũ những ngày qua do hoàn lưu bão số 3, cộng với việc Thuỷ điện Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, UBND tỉnh Tuyên Quang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để có kế hoạch và biện pháp ứng phó phù hợp, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đồng thời cảnh báo các khu vực có ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét; tăng cường công tác thông tin, cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó, sẵn sàng sơ tán khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; chủ động thực hiện việc sơ tán, di chuyển người dân đến nơi an toàn; tập trung huy động mọi nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại Tuyên Quang, mưa lũ những ngày qua đã làm 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi từ ngày 8/9, đến nay vẫn chưa tìm thấy; 751 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 360 hộ phải di dời; hơn 1.720 ha lúa bị ngập, hơn 431 ha hoa màu bị ảnh hưởng; hư hỏng các tuyến quốc lộ 2C, 279, 280, đường tỉnh lộ ĐT 188, ĐT 185 và nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã bị sạt lở, ngập úng, ách tắc giao thông; gần 160 cột điện bị gãy, đổ và 3 tuyến đường điện bị hư hỏng; hơn 3.200 cây xanh bị gãy, đổ.

● 12:15: NƯỚC LŨ DÂNG CAO, CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN VEN SÔNG HỒNG BỊ ĐẢO LỘN

Mưa lớn ở thượng nguồn sông Hồng đổ về khiến mực nước sông Hồng liên tục dâng cao. Trong đêm qua, cuộc sống của người dân ven sông Hồng trên địa bàn các quận Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên… bị đảo lộn khi nước tràn vào bên trong nhà.

Tại khu vực bãi xe Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, người dân đã phải di tản đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn ngay trong đêm. Tại phường Phúc Xá, quận Hoàn Kiếm, chính quyền đã chủ động huy động lực lượng chức năng tổ chức di dời toàn bộ người dân ở bãi giữa sông Hồng để bảo đảm an toàn.

Sáng nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra thông báo hạn chế một số loại xe qua cầu Chương Dương từ 8h30 cùng ngày nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh mực nước sông Hồng dâng cao do ảnh hưởng từ bão Yagi, kết hợp với việc các nhà máy thủy điện xả lũ, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu cầu. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng tạm dừng chạy tàu qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng đã vượt ngưỡng an toàn cho phép, uy hiếp an toàn chạy tàu.

Do mực nước chạm và vượt mức báo động 3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã phát lệnh báo động 3 trên sông Bùi, sông Tích trong đêm khuya 9/9, rạng sáng 10/9. Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra,Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có công điện yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

● 12:15: THỦ TƯỚNG TRỰC TIẾP CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ LŨ LỤT TẠI BẮC GIANG

Trước tình trạng mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, sáng 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định hoãn họp Thường trực Chính phủ để đi chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Bắc Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi động viên nhân dân xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Thị sát tình hình lũ lụt và công tác ứng phó lũ lụt tại xã Tiên Sơn và xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ của tỉnh Bắc Giang nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện các biện pháp để thoát lũ nhanh; kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn; rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động; tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn người dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão, đồng thời cảnh giác trước các thông tin sai sự thật, xấu độc gây hoang mang.

Cùng với ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, Thủ tướng chỉ đạo phải nỗ lực, đảm bảo các điều kiện duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất tại các khu công nghiệp. Theo đó, phải đảm bảo đủ và ổn định về điện, sóng internet, nước và các dịch vụ khác… phục vụ sản xuất kinh doanh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã xuống tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng; đồng thời cử các Phó Thủ tướng Chính phủ xuống các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả Bão số 3, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu Bão số 3 gây ra.

● 12:00: PHÚ THỌ: NƯỚC TRÀN ĐÊ, SƠ TÁN DÂN Ở THỊ TRẤN HẠ HÒA

Nước lũ từ các sông dâng cao gây tràn đê khiến nhiều xã vùng trũng, ven sông tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) ngập nặng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, sáng 10/9, tại xã Tứ Hiệp đã xảy ra sạt lở đất nhiều nơi khiến bà Vũ Thị Khánh (78 tuổi) tử vong và hàng chục hộ dân ở khu 1 chịu ảnh hưởng. Mưa lũ cũng khiến toàn bộ 6,7 km của Quốc lộ 2D (đoạn qua xã Tứ Hiệp) bị nước sông Thao tràn qua đê gây nguy hiểm cho các hộ dân trong khu vực; 215 hộ trong đê bị ngập úng phải di rời đến nơi tránh trú an toàn. Nước lũ dâng cao cũng làm tràn đê hữu Thao (đoạn qua xã Xuân Áng).

Tại xã Ấm Thượng, nước sông Thao đã vượt mức báo động III, cao hơn mức lũ lịch sử. Pause Unmute Remaining Time -7:45 Unibots.com Lực lượng quân đội, người dân đã xuyên đêm đắp con trạch dài hơn 300 m để ngăn nước tràn.

Sáng 10/9, Sư đoàn 316 của Quân khu 2 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ đã tăng cường hơn 400 cán bộ, chiến sỹ để hỗ trợ huyện Hạ Hòa triển khai đắp trạch ngăn nước tại các xã: Hậu Bổng, Ấm Hạ, Xuân Áng, Đan Thượng. Hiện, nước bắt đầu tràn vào thị trấn Hạ Hòa qua Quốc lộ 2B, gây ngập một số khu dân cư.

Nước lũ dâng cao tràn qua đường quốc lộ ở Thị trấn Hạ Hòa

Trước tình hình nước dâng quá nhanh, phương án chống tràn toàn tuyến không còn khả thi, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng quân đội, Công an ưu tiên lực lượng triển khai phương án sơ tán dân ở khu vực ven sông, vùng thấp, trũng, nhà cấp 4... của thị trấn Hạ Hòa.

● 11:45: CẢNH BÁO MƯA LỚN CỤC BỘ TRÊN PHẠM VI KHU VỰC NỘI THÀNH HÀ NỘI

Theo trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện nay: trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu từ phía khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía thành phố Hà Nội. Ngoài ra, vùng mây đối lưu từ phía huyện Thạnh Thất, Quốc Oai có xu hướng di chuyển về phía thành phố Hà Nội.

Bản đồ cảnh báo mưa lớn cục bộ trên phạm vi khu vực nội thành Hà Nội

Cảnh báo: trong khoảng 20 phút đến 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu này trước tiên gây mưa rào và dông cho khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Hà Đông,  sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

● 11:40: HÀ NỘI HỌP KHẨN, CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ LŨ LỚN

Sáng 10/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì cuộc họp với các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với lũ lớn trên các tuyến sông.

Thông tin tại cuộc họp Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, hiện nay mực nước trên các tuyến sông đều đang ở mức báo động. Cụ thể, mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Cầu, sông Đáy đã vượt báo động III; mực nước các sông Nhuệ, sông Cà Lồ đang ở mức báo động II.

Về mực nước sông Hồng, hồi 9 giờ sáng 10/9, tại trạm thủy văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên) đang ở khoảng 9,2m và còn 30cm nữa thì đạt báo động 1. Với tốc độ hiện nay, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội có thể đạt báo động 1 vào trưa nay.

Hiện nay, thủy điện Tuyên Quang đang mở 7 cửa xả, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả, hồ Hòa Bình mở 2 cửa xả. Đêm qua, có quận Ba Đình đã sơ tán 35 hộ với 55 nhân khẩu ở khu vực chợ Long Biên đến nơi an toàn. Các địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến mực nước sông để sẵn sàng sơ tán người dân.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, vấn đề mưa lũ sau bão số 3 được Thành ủy đặc biệt quan tâm. Chiều qua (9/9), Ban Thường vụ đã họp để chỉ đạo. Căn cứ tình hình mưa lũ, đêm qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có công điện để ứng phó lũ lớn trên các sông.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay, các hệ thống thủy điện đang tăng cường xả lũ, nguồn nước về hạ lưu lớn, diễn biến lũ trên sông Hồng và các sông khác rất phức tạp. Tại Hà Nội, một số địa phương đã có thông tin về hiện tượng tràn hệ thống đê bao cấp 2, nguy cơ ngập lụt.

Nhấn mạnh nguy cơ mất an toàn lớn từ mực nước sông lên cao, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở ngành, quận, huyện, thị xã tuyệt đối không chủ quan, ứng phó mưa lũ theo tinh thần từ sớm từ xa và sẵn sàng các phương án theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các địa phương tiếp tục tổ chức ứng trực, nắm bắt tình hình xả lũ để thông tin kịp thời đến người dân tại các địa phương ven sông biết, chủ động phòng tránh. Duy trì cơ chế thông tin, liên lạc và các điều kiện ứng phó với mưa lũ trên các sông.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ các điểm dân cư ven các tuyến sông, khu vực bãi giữa. Lên phương án và biện pháp để kiên quyết di dời, tuyệt đối không để thiệt hại về người. Đồng thời, phân công nhiệm vụ các cấp hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản.

● 11:30: NƯỚC SÔNG LÔ LÊN CAO, NHIỀU SÀ LAN MẮC KẸT Ở CẦU VĨNH PHÚ

Hiện lực lượng Công an, Quân đội đã có mặt tại hiện trường để cứu hộ, cứu nạn. Các lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc đã tạm cấm phương tiện di chuyển qua cầu từ cả hai hướng để thực hiện công tác cứu hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường trực tiếp chỉ đạo phương án cho công binh xuống phương tiện mắc kẹt khảo sát, cần đánh chìm mấy khoang và khoan, tháo dỡ đánh sập trôi tàu với phương châm đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ và an toàn cầu Vĩnh Phú, giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Cầu Vĩnh Phú là cây cầu mới được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023. Đây là cây cầu bắc qua sông Lô, nối liền hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng.

● 11:15: LỆNH BÁO ĐỘNG LŨ TRÊN SÔNG HỒNG

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Hà Nội lệnh báo động 1 trên sông Hồng vào hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên), hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 là 9,50m (mực nước báo động 1 là 9,50m). Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP. Hà Nội lệnh báo động 1 trên sông Hồng vào hồi 11 giờ 10 phút ngày 10/9 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động 1.

Trưa nay, tại một số khu vực dân cư ven sông Hồng đã xuất hiện hiện tượng nước ngập như Chương Dương Độ, Phúc Tân...

● 11:00: TP. HỒ CHÍ MINH HỖ TRỢ CÁC TỈNH PHÍA BẮC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO SỐ 3

UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có chỉ đạo chấp thuận chủ trương cho phép các lực lượng chuyên môn về dịch vụ công chính tham gia hỗ trợ các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi).

Theo đó, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chuyên môn, kỹ thuật của Thành phố thuộc các doanh nghiệp, đơn vị có chuyên môn về hạ tầng công chính đến hỗ trợ các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Các lực lượng thực hiện trên tinh thần hỗ trợ kịp thời, thiết thực, tự đảm bảo hậu cần và phương tiện, không gây phiên hà cho các địa phương nơi đến, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hỗ trợ.

Tổng Công ty Điện lực Thành phố, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chiếu sáng công cộng Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương bố trí lực lượng có chuyên môn, kỹ thuật nhanh chóng đến các tỉnh, thành phố phía Bắc, kịp thời hỗ trợ các địa phương, người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3, bảo đảm theo tinh thần hỗ trợ và chấp hành theo sự điều động của lãnh đạo các địa phương.

Trong ngày 9/9, Công ty Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh đã cử lực lượng ra hỗ trợ các tỉnh phía Bắc với 48 người cùng các trang thiết bị, dụng cụ, công cụ hỗ trợ công tác cắt, tỉa cây xanh, dọn dẹp đường phố.

Theo ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng này gồm 46 công nhân leo và 2 cán bộ được chia làm hai nhóm để hỗ trợ Hà Nội và Hải Phòng khắc phục hậu quả sau bão. Ngay khi đến các địa phương, lực lượng của Công ty Công viên cây xanh Thành phố đã tham gia hỗ trợ, giải tỏa cây xanh bị ngã, đổ tại Hà Nội, Hải Phòng. Các nhóm này sẽ hỗ trợ các địa phương đến khi cơ bản hoàn thành công việc cũng như thống nhất theo kế hoạch với lãnh đạo các địa phương..

● 10:45: CẤM ĐƯỜNG Ở CAO TỐC PHÁP VÂN - CẦU GIẼ

Cục Cảnh sát giao thông sáng nay cho biết khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp vân - Cầu Giẽ ngập cả 2 chiều, không đảm bảo cho các xe di chuyển. Do vậy , Đội tuần tra kiểm soát giao thông cao tốc số 3 tổ chức cấm đường, không cho xe đi cả 2 chiều.

Lực lượng chức năng cho biết, căn cứ tình hình thực tế, khi đảm bảo an toàn cả 2 chiều mới cho xe cộ di chuyển. Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu Đội Cảnh sát giao thông số 14 Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội phối hợp, tổ chức cấm đường ngay đầu vào cao tốc. Xe cộ được hướng dẫn đi theo tuyến quốc lộ 1 về phía nam.

Đội Cảnh sát giao thông số 8 và Công an huyện Thường tín, Thanh Trì, Phú Xuyên phối hợp phân luồng các điểm ra cao tốc theo cả chiều Cầu Giẽ - Hà Nội và ngược lại. Công an tỉnh Hà Nam, Ninh Bình hỗ trợ phân luồng, giảm bớt các xe đi vào cao tốc theo chiều về Hà Nội.

● 10:30: CAO BẰNG: TÌM THẤY THI THỂ 17 NẠN NHÂN THIỆT MẠNG DO SẠT LỞ ĐẤT

Tính đến 20 giờ ngày 9/9, lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng đã tìm thấy 17 nạn nhân thiệt mạng do bão lũ, sạt lở đất tại huyện Nguyên Bình. Lực lượng cứu hộ cũng đưa được 8 người bị thương đến cơ sở y tế điều trị, đang tích cực tìm kiếm 16 người còn mất tích.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, tính đến 20 giờ ngày 9/9, tỉnh Cao Bằng đã có 22 người chết, 12 người bị thương và 16 người mất tích do mưa lũ, sạt lở đất.

Sạt lở đất ở Cao Bằng

● 10:30: HÀ NỘI TẠM DỪNG CHẠY TÀU QUA CẦU LONG BIÊN

Ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết từ 9h sáng nay, đơn vị quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên do mực nước sông Hồng đã vượt ngưỡng an toàn cho phép, uy hiếp an toàn chạy tàu.

Sau khi nước sông rút, ngành đường sắt sẽ đánh giá lại mức độ an toàn để khai thác trở lại. Toàn bộ tàu khách trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng sẽ đón và trả khách tại ga đầu/cuối Gia Lâm thay vì ga Long Biên hoặc Hà Nội như trước.

Từ ngày mai, phụ thuộc nhu cầu hành khách, ngành đường sắt có thể giảm tàu, duy trì tối thiểu đôi tàu Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày. Long Biên vốn là cầu yếu, tàu lưu thông tốc độ khoảng 15 km/h.

Mực nước hiện cách mặt cầu vài mét, nhưng do nước chảy xiết, dễ ảnh hưởng đến trụ cầu. Ngành đường sắt vẫn dừng chạy tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai từ ngày 7/9 do ảnh hưởng bão.

10:00: HÀ NỘI LỆNH BÁO ĐỘNG CẤP MỘT TRÊN SÔNG HỒNG

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết mực nước sông Hồng tại An Cảnh, huyện Thường Tín lúc 9h là 7,23 m, vượt nước báo động một 3 cm. Vì vậy, Ban Chỉ huy lệnh báo động một trên sông Hồng tại xã ven đê thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, từ sáng 10/9 đến 12/9, TP Hà Nội sẽ mưa 80-150 mm, có nơi trên 250 mm. Các quận, huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Thị xã Sơn Tây và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phương, Hoài Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên mưa 80-150 mm, có nơi trên 250 mm.

● 07:00: LÀO CAI THÔNG TIN CHÍNH THỨC VỀ 2 TÀU HÚT TRÔI TRÊN SÔNG HỒNG

Ngày 10/10, thông tin từ Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai, liên quan đến 2 tàu hút, loại tầu vậnt ải khoảng 100 tấn chưa xác định nguồn gốc trôi dạt từ thượng nguồn sông Hồng qua cầu Cốc Lếu thuộc địa bàn TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai), lúc 20h50 phút tàu ngày 9/9, tiếp tục trôi dạt qua cầu Phố Lu huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai).

Hai chiếc tàu không có người, trôi tự do từ thượng nguồn sông Hồng vào Lào Cai có khả năng gây nguy hiểm cho hệ thống cầu và phương tiện lưu thông trên sông khi nước lũ dâng cao.

Theo đó, Công an tỉnh Lào Cai đã lập phương án xử lý, đồng thời thông báo với các đơn vị địa phương cảnh báo chốt chặn hai đầu khi tàu trôi qua cầu ngăn không người và phương tiện đi qua cầu, Liên tục cập nhật thông tin cho các địa phương khác như Phòng CSGT Công an tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và các địa phương khác để có biện pháp phòng ngừa giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, tránh ảnh hưởng tới kết cấu đường bộ, đường sắt.

Đến 22h ngày 9/9, Công an huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) phối hợp với nhân dân đã lai dắt thành công 2 con tàu vào bờ tại đại phận thôn An Thắng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành làm các thủ tục neo giữ theo qui định.

Các lực lượng chức năng Lào Cai đã lai dắt thành công 2 chiếc tàu trôi tự do trên sông Hồng vào bờ.

● 07:00: CẤM NHIỀU LOẠI PHƯƠNG TIỆN QUA CẦU CHƯƠNG DƯƠNG

Sáng 10/9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ra thông báo hạn chế một số loại xe qua cầu Chương Dương từ 8h30 cùng ngày nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Cụ thể, xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên 9 chỗ và ôtô tải trên 0,5 tấn bị cấm lưu thông qua cầu theo cả hai hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên và ngược lại, trong khi xe buýt vẫn được phép qua cầu bình thường. Các loại xe bị cấm sẽ phải di chuyển qua các cầu khác như Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, hoặc Thăng Long. Biện pháp này được áp dụng từ 8h30 ngày 10/9 và sẽ kéo dài cho đến khi có thông báo mới.

Cầu Chương Dương sáng 10/9

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh mực nước sông Hồng dâng cao do ảnh hưởng từ bão Yagi, kết hợp với việc các nhà máy thủy điện xả lũ, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu cầu. Cầu Chương Dương, được xây dựng từ năm 1983 và đưa vào sử dụng từ tháng 6/1985, đã trải qua 39 năm hoạt động và hiện đang chịu áp lực giao thông lớn, với khoảng 95.000 lượt xe qua lại mỗi ngày, vượt xa so với thiết kế ban đầu.

● 06:45: CÔNG ĐIỆN KHẨN ỨNG PHÓ LŨ LỚN TRÊN CÁC SÔNG HÀ NỘI

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các sông.

Hiện nay mực nước sông Hồng (sông Thao) tại Lào Cai, Yên Bái đang vượt trên báo động 3; mực nước sông Lô đang tiếp tục lên nhanh (hồ Tuyên Quang mở 08 cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 03 cửa xả mặt). Trên lưu vực sông Đà, lưu lượng nước đến hồ Hòa Bình đang tăng nhanh, hồ đang mở 02 cửa xả đáy và sẽ tiếp tục mở thêm. Mực nước sông Đà, sông Hồng, sông Đuống đang lên nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn. Mực nước các sông trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang ở mức cao: sông Tích, sông Bùi trên báo động 3; sông Cầu, sông Cà Lồ trên báo động 2; sông Đáy trên báo động 1 và đang xu hướng tiếp tục lên; sông Hồng tại trạm thủy văn Long Biên: 7,81m (dưới báo động 1 là 1,69m, dự báo sẽ lên báo động 1 vào đêm 10/9).

Để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

● 06:45: CAO BẰNG: 45 NGƯỜI THƯƠNG VONG, MẤT TÍCH DO SẠT LỞ

Hàng loạt các vụ sạt lở, lũ dâng xảy ra đã cướp đi sinh mạng của 17 người dân tỉnh Cao Bằng tính đến thời điểm này.

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, mưa lũ, sạt lở đất tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã gây ra thiệt hại nặng về người và tài sản.

Toàn tỉnh có 17 người thiệt mạng, 12 người bị thương, 16 người mất tích; 663 nhà bị thiệt hại, trong đó có 15 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Trạm y tế xã Tam Kim (Nguyên Bình), 10 điểm trường ở các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Nguyên Bình bị đất sạt lở taluy dương vùi lấp nền, sân xung quanh nhà trạm hoặc bị nước ngập.

Gần 530 ha lúa, hoa màu, rau màu bị ngập nước; các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều đường giao thông nông thôn sạt lở đất khối lượng lớn gây tắc đường đi các xã thuộc các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương huy động các lực lượng, vận động nhân dân hỗ trợ nhau chủ động khắc phục nhà ở bị thiệt hại. Người dân sống tại các khu vực bị sạt lở đang có nguy cơ bị sạt tiếp đã sơ tán đến nơi an toàn. Các đơn vị quản lý đường bộ đang khẩn trương xử lý, khắc phục các điểm tắc đường lớn; cắm biển cảnh báo, hướng dẫn, phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn, tránh thiệt hại có thể xảy ra.

● 06:30: LŨ ĐẶC BIỆT LỚN TRÊN CÁC SÔNG TẠI MIỀN BẮC

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn, hiện trạng lũ đang có những diễn biến phức tạp.

Lũ trên sông Thao tại Lào Cai đang xuống chậm; tại Bảo Hà, Yên Bái đang lên. Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Vụ Quang), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.

Mực nước lúc 01h ngày 10/9, trên các sông như sau:

  • Trên sông Thao tại Lào Cai 86,60m, trên báo động 3: 3,1m; tại Bảo Hà 61,62m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 0,69m; tại Yên Bái 34,79m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,37m;
  • Trên sông Cầu tại Cầu Gia Bảy 28,81m, trên mức lũ lịch sử năm 1959 (28,14m) 0,67m; tại Đáp Cầu 5,92m, dưới báo động 3: 0,38m; - Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 6,41m, trên báo động 3: 0,11m;
  • Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,62m, trên báo động 3: 0,32m;
  • Trên sông Lô tại Tuyên Quang 24,87m, trên báo động 2: 0,87m;
  • Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 4,80m, dưới báo động 2: 0,2m; - Trên sông Hồng tại Hà Nội 8,26m, dưới báo động 1: 1,24m.

Dự báo trong 12 giờ tới:

  • Lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống và duy trì trên mức báo động 3; tại Bảo Hà, Yên Bái tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử.
  • Lũ trên sông Cầu, sông Thương, sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục lên.
  • Lũ trên sông Lô có khả năng đạt đỉnh.
  • Lũ sông Lục Nam xuống chậm. Trong 12- 24 giờ tiếp theo:
  • Lũ trên sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống; tại Bảo Hà biến đổi chậm, tại Yên Bái tiếp tục lên và duy trì trên mức lũ lịch sử.
  • Lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục lên, lũ trên sông Cầu, Thương có khả năng đạt đỉnh.
  • Lũ sông Lô, sông Lục Nam tiếp tục xuống. Cảnh báo: Từ nay đến 11/9, lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục xuống dưới mức báo động 1; trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3.

Cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ.

● 06:15: THÁI NGUYÊN XUYÊN ĐÊM HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN VÙNG NGẬP LỤT

Thái Nguyên xuyên đêm hỗ trợ người dân vùng ngập lụt. Trong đêm 9/9, một số khu vực tại thành phố Thái Nguyên tiếp tục bị chia cắt vì ngập lụt, nhiều người mất liên lạc với người thân.

12 giờ đêm, chị Nguyễn Thị Luyện mặc sẵn áo phao trên người, đứng chờ lực lượng cứu hộ để được đưa vào căn nhà của người thân đang bị chìm sâu trong nước lũ trên đường Dương Tự Minh. Căn nhà nằm tại khu vực nước xiết và ngập sâu, khiến lực lượng chức năng mất phương hướng, chưa thể tìm được trong buổi sáng. Ở đó, còn 7 người thân của chị Luyện bị mắc kẹt. Chị Nguyễn Thị Luyện cho biết: "Bây giờ không biết bên trong họ thế nào, mất liên lạc từ sáng đến giờ. Chỉ mong lực lượng cứu hộ có thể giải cứu bà con an toàn".

Không chỉ riêng chị Luyện, đêm qua, hàng trăm người dân đổ về các khu vực ngập lụt tại thành phố Thái Nguyên để ngóng chờ tin tức từ người thân và tiếp tế các nhu yếu phẩm. Tất cả cùng chung tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Chị Lý Thị Chiến, thành phố Thái Nguyên, cho biết: "Tôi đã chờ ở đây từ sáng. Hiện tôi mới đón được con trai bé, chị dâu với cháu. Bên trong còn bố mẹ chồng, con trai lớn, chồng và anh trai chồng. Bây giờ không thể liên lạc được vì điện thoại đã hết pin".

Nhiều người từ các khu vực lân cận, sau khi nghe được thông tin về tình trạng khó khăn của người dân vùng ngập lụt đã tự nguyện quyên góp, vận động các nhu yếu phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân vùng ngập. Chị Ma Thị Pha, thành phố Thái Nguyên, cho biết: "Rất nhiều người già, trẻ nhỏ đang cần sự hỗ trợ hơn chúng tôi.

Tôi chỉ mong nước rút, toàn thể người dân thành phố Thái Nguyên được an toàn thôi". Dự báo trong ngày hôm nay, tình trạng ngập lụt sẽ vẫn nghiêm trọng do mực nước sông Cầu đang dâng lên.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trong 24 giờ tới, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to.

06:00: HÀ NỘI PHÁT LỆNH BÁO ĐỘNG 3 TRÊN SÔNG BÙI, SÔNG TÍCH

Do mực nước chạm và vượt mức báo động 3, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã phát lệnh báo động 3 trên sông Bùi, sông Tích trong đêm khuya 9/9, rạng sáng 10/9.

Đêm 9/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ban bố lệnh báo động lũ trên sông Cầu tại các xã ven đê thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Tại thời điểm này, mực nước ghi nhận tại sông Cầu là 8,02m (mức báo động 3 là 8m).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn, các đơn vị thuộc địa phận cùng các ngành, cán bộ đã được giao thi hành nhiệm vụ nghiêm chỉnh thực hiện những quy định khi có lệnh báo động 3.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội cũng lệnh báo động 3 trên sông Bùi tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức vào khuya 9/9. Mực nước trên sông Bùi tại trạm thủy văn Yên Duyệt lúc 17 giờ ngày 9.9 là 7m (mực nước báo động 3 là 7m).

Nhiều khu vực các huyện ngoại thành đã bị ngập nặng.

Trước đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đã phát lệnh báo động lũ cấp 1 trên sông Đáy hồi 20 giờ 40 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức và quận Hà Đông. Đồng thời phát lệnh báo động lũ cấp 3 trên sông Tích vào hồi 23 giờ 20 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Quốc Oai và Chương Mỹ; lệnh báo động lũ cấp 1 trên sông Cầu vào hồi 23 giờ 40 phút ngày 8/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Sóc Sơn.

LŨ DÂNG NHIỀU NƠI GÂY THIỆT HẠI NẶNG TRONG NGÀY 9/9

● 22:00: CẢNH BÁO LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT, SỤT LÚN TẠI CÁC TỈNH MIỀN BẮC

Trong 24 giờ qua (từ 20 giờ ngày 08/9 đến 20 giờ ngày 09/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Sơn Bình2 172,2mm (Lai Châu); Xín Chải 191,8mm (Điện Biên); Trung Lèng Hồ 329,2mm (Lào Cai); Tân Phượng1 492,8mm (Yên Bái); Nấm Dẩn2 476,2mm (Hà Giang); Trung Minh 235,4mm (Tuyên Quang); Lương Bằng 231,8mm (Bắc Kạn); Yên Đổ 303,2mm (Thái Nguyên); Xuân Trường2 197,6mm (Cao Bằng); Đầm Hà 168,8mm (Quảng Ninh)...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh Bắc Bộ đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Dự báo trong 3-6 giờ tới, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo trong những giờ tới có nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều khu vực. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1; riêng Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang: Cấp 2; đặc biệt Yên Bái, Lào Cai: Cấp 3.

Bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá trên các khu vực

21:00: CẢNH BÁO LŨ ĐẶC BIỆT LỚN TRÊN SÔNG THAO

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia vừa phát thông báo cho biết, mực nước trên sông Thao vào lúc 19h tối nay tại Lào Cai là 87,12m, trên báo động 3 là 3,62m, trên mức lũ lịch sử năm 1971 (86,85m) 0,27m; tại Bảo Hà 60,98m, trên báo động 3 là 3,98m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 0,05m; tại Yên Bái 34,28m, trên báo động 3 là 2,28m, dưới mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,14m.

Dự báo trong vòng 6-12 tiếng nữa, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái tiếp tục lên và duy trì ở trên mức báo động 3, trên mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 3

● 19:30: PHÚ THỌ CÔNG BỐ NGUYÊN NHÂN SẬP CẦU PHONG CHÂU

Tối ngày 9/9, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Văn bản số 156/BC-UBND, báo cáo về sự cố sập và trôi cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông lên rất cao, tại Ấm Thượng là +27,25m (trên báo động 3 là 1,25 m). Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10h2' phút ngày 9.9, cầu Phong Châu tại km18+300 quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).

Ngay sau sự cố, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khẩn cấp, huy động các lực lượng chức năng bao gồm công an, quân đội, y tế và người dân địa phương tham gia cứu hộ, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Hiện tại, tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu. Công tác rà soát và xác định chính xác số lượng người và phương tiện gặp nạn đang được tiến hành nghiêm túc, với sự phối hợp chặt chẽ cùng Quân khu 2, thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.

Các lực lượng chức năng đang tiến hành rà soát các tuyến sông phía hạ lưu để tiếp tục tìm kiếm những người mất tích. Đặc biệt, phương án tìm kiếm cứu nạn khu vực chân cầu đang được chuẩn bị, chờ điều kiện an toàn hơn khi mực nước sông Thao hiện đang rất cao, vượt báo động 3 là 1,44 m. N

goài ra, tỉnh cũng đã triển khai các phương án phân luồng giao thông từ xa, hướng dẫn các phương tiện di chuyển theo các tuyến đường khác như cầu Ngọc Tháp, cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cầu Đồng Quang. Đồng thời, việc lắp đặt cầu phao tạm thời cũng đang được thực hiện nhằm đảm bảo giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

● 19:00: BÁO CÁO NHANH VỀ THIỆT HẠI DO BÃO LŨ TẠI YÊN BÁI

Hoàn lưu cơn bão số 3 đang tiếp tục gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân tỉnh Yên Bái. Tính đến 17 h ngày 9/9, Yên Bái ước thiệt hại 36 tỉ đồng.

Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 17h00 ngày 9/9, hoàn lưu bão số 3 đã làm 3 người chết do sạt lở đất, 4 người bị thương.

Số thiệt hại về nhà ở tiếp tục tăng lên với 6.074 nhà. (trong đó: Trạm Tấu 348; Văn Chấn 242; Yên Bình 64 ; Lục Yên 353; Mù Cang Chải 46; Văn Yên 156;Trấn Yên  930; thành phố Yên Bái 3786; thị xã Nghĩa Lộ 195).

Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng là 2.724,71 ha, trong đó lúa 2.011,5 ha ngô, rau màu 307,21 ha; cây công nghiệp (cây dâu) 376,6 ha; cây lâm nghiệp 29,4 ha. Gàn 300 con gia cầm, gia súc bị chết. 26,7 ha thủy sản bị vỡ bờ.

Thiệt hại về cơ sở hạ tầng cũng tăng lên như quốc lộ 32 sạt lở taluy dương tăng lên 93 vị trí; quốc lộ 37 và quốc lộ 2D sạt lở ta luy, nước dâng gây tắc đường kéo dài. Các tuyến đường tỉnh 174 đã thông, giao thông đi lại bình thường; đường tỉnh 175B còn 02 điểm tắc đường (dự kiến thông xe trước 12h00 ngày 09/9/2024); đường tỉnh 174 đã thông, giao thông đi lại bình thường; đường tỉnh 164 còn 01 điểm sạt taluy dương đã tắc đường từ nhiều ngày trước; đường tỉnh 163 đã thông, giao thông đi lại bình thường; đường tỉnh 170 còn 02 vị trí tắc đường và 04 vị trí ngập úng từ 70-100cm; đường tỉnh 172 còn 02 vị trí ngập úng từ 50 - 100cm; đường Sơn Thịnh - Suối Giàng: Đã thông đường, giao thông đi lại bình thường. Ở các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, Lục Yên sạt lở nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã; sập và cuốn trôi một số cây cầu,sạt lở ta luy và ngập khiến giao thông đi lại khó khăn hoặc bị tê liệt vì nước sâu và chảy siết.

Ngoài ra, một số công trình công cộng bị phá hủy. Nhiều công trình thủy lợi và điện lưới bị ảnh hưởng; thông tin liên lạc bị sét đánh đang khắc phục hậu quả. Ước thiệt hại khoảng 36 tỷ đồng

● 18:30: YÊN BÁI: SẠT NÚI, VÙI LẤP 4 NHÀ DÂN

Mưa lớn tại tỉnh Yên Bái đã gây ra hiện tượng sạt lở đất nghiêm trọng. Một vạt núi bị lở vùi lấp 4 ngôi nhà khiến hai người mất tích. Vụ việc xảy ra vào 13h30 chiều nay 9/9 tại  thôn Khe Bín, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên

Hiện tại, thôn Khe Bín đã bị cô lập hoàn toàn do đất đá chắn lối vào. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích và hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng.

Hình ảnh vụ sạt núi vùi lấp nhà dân ở Yên Bái

● 18:00: PHÚ THỌ CẤM LƯU THÔNG QUA CẦU TRUNG HÀ VÀ TỨ MỸ

Theo thông báo từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn, từ 16h30 ngày 9/9, toàn bộ các phương tiện xe cơ giới sẽ bị cấm lưu thông qua cầu Tứ Mỹ và cầu Trung Hà.

Cầu Trung Hà, nằm trên Quốc lộ 32, nối xã Thái Hòa, huyện Ba Vì với xã Dân Quyền, huyện Tam Nông và Cầu Tứ Mỹ tại km 26+500, Quốc lộ 32C đang trong quá trình sửa chữa và có dấu hiệu xói lở trụ cầu.

Căn cứ vào tình hình diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), mực nước sông dâng cao và lưu tốc dòng chảy xiết, việc cấm lưu thông qua các cầu này nhằm đảm bảo giao thông và an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh. Các phương tiện sẽ phải tạm dừng lưu thông cho đến khi công tác khắc phục và sửa chữa hoàn tất.

● 17:45: CẢNH BÁO NGẬP LỤT KHU VỰC NỘI THÀNH HÀ NỘI

Trong 3-6h giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 20-50mm, có nơi trên 70mm, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn.

Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 10-20cm; Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu 25-30cm bao gồm:

  • Thụy Khuê, Dương Quảng Hàm, Phú Xá... (quận Tây Hồ).
  • Thành Công, Huỳnh Thúc Kháng, La Thành, Liễu Giai, Điện Biên Phủ, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Nguyễn Trường Tộ... (quận Ba Đình).
  • Phùng Hưng, Liên Trì-Nguyễn Gia Thiều, ngã tư Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, phố Đinh Liệt, phố Nguyễn Siêu-ngõ Gạch, Tông Đản, ngã tư Quang Trung – Trần Quốc Toản, Thợ Nhuộm, Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Quán Thánh, ngã ba Đường Thành – Hàng Nón (quận Hoàn Kiếm).
  • Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Kim Liên... (quận Đống Đa).
  • Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, Quan Nhân – Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Khoang, đường Tố Hữu (đoạn từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn)… (quận Thanh Xuân).
  • Nguyễn Khoái, Lạc Trung, Mạc Thị Bưởi, Hàng Chuối, Trần Xuân Soạn, Thanh Nhàn, Yec-xanh (quận Hai Bà Trưng).
  • Ngã tư Dương Đình Nghệ-Nam Trung Yên (phía sau tòa nhà Keangnam), Hoàng Quốc Việt (gần Đại học Điện Lực), Phan Văn Trường, Phùng Chí Kiên, Trần Bình, phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy).
  • Thịnh Liệt, Đường Đền Lừ, Đường Hoàng Mai, phố Vĩnh hưng, Trương Định, Lĩnh Nam, Định Công (quận Hoàng Mai).
  • Phố Đỗ Đức Dục, phố Phùng Khoang, hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm).
  • Phố Triều Khúc, đường Quyết Thắng, Tô Hiệu, Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

● 17:30: LŨ DÂNG CAO, CHÍNH THỨC CẤM LƯU THÔNG QUA CẦU YÊN BÁI

Chính thức cấm tất cả người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông không qua cầu Yên Bái, lý trình Km280+500, quốc lộ 37 kể từ 18 giờ ngày 09/9/2024 đến khi có Thông báo của cơ quan có thẩm quyền (trừ các lực lượng tham gia đảm bảo giao thông, cứu hộ, cứu nạn). Thông tin này vừa được Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái công bố theo Công văn số 1576/SGTVT-QLCCHTGT.

Cầu Yên Bái là một cây cầu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 37 tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Cầu nằm ở trung tâm thành phố Yên Bái, nối liền hai phường Hồng Hà và Hợp Minh. Đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Mực nước đã dâng lên gần sát mặt cầu Yên Bái

Theo thông báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái, trong 06-12 giờ tới, lũ trên sông Thao (sông Hồng) tiếp tục lên, khả năng lên mức 34,30m (trên BĐ3: 2,30m). Hiện tại, mực nước sông Hồng chảy qua cầu Yên Bái, lý trình Km280+500, quốc lộ 37 đã gần sát xe kiểm tra cầu (phía dưới hệ giàn thép cầu) và trên sông có nhiều rác, cây trôi.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cấm tất cả người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông không qua cầu Yên Bái, lý trình Km280+500, quốc lộ 37 kể từ 18 giờ ngày 09/9/2024 đến khi có Thông báo của cơ quan có thẩm quyền (trừ các lực lượng tham gia đảm bảo giao thông, cứu hộ, cứu nạn).

Các phương tiện khi di chuyển vào các huyện, thị phía Tây của tỉnh và các xã, phường phía Tây của thành phố  Yên Bái đi qua cầu Tuần Quán, Bách Lẫm, Giới Phiên hoặc cầu Văn Phú và ngược lại.

● 17:00: THÁI NGUYÊN: LŨ TRÊN SÔNG CẦU VƯỢT MỐC LỊCH SỬ NĂM 1959

Dự báo từ chiều tối nay (9-9) đến chiều tối 11-9, khu vực tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 300mm.

Khu vực phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) lúc 12h30 hôm nay. Ánh: Báo Thái Nguyên.

Hiện nay, trên sông Cầu, lũ đang lên nhanh, diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và vận hành một số hồ chứa ở phía thượng lưu. Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy và Trạm thủy văn Chã, lũ đang tiếp tục có xu thế tăng. Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy, mực nước lũ lúc 13 giờ ngày 9-9 là 2.850cm, cao hơn 150cm so với báo động cấp 3, cao hơn 36cm so với trận lũ lịch sử ngày 2/7/1959 và tiếp tục có xu thế tăng chậm. Tại trạm thủy văn Chã lúc 13 giờ ngày 9-9 là 854cm, cao hơn 54cm so với báo động cấp 1 và tiếp tục xu thế tăng.

Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Cầu sẽ tiếp tục dâng lên chậm và có khả năng đạt đỉnh. Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy, đỉnh lũ dự kiến xuất hiện vào tối và đêm nay (9/9), đạt khoảng 2.890 cm, cao hơn 190 cm so với báo động cấp 3. Tại Trạm thủy văn Chã, đỉnh lũ dự kiến sẽ vượt báo động cấp 3 vào đêm mai (10/9).

Tại khu vực đường bến Oánh, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên, nước ngập sâu trên 1m. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Mực nước lũ cao đã gây ngập úng sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và đời sống của cư dân sống dọc hai bờ sông Cầu. Cụ thể, ngập úng diễn ra tại các vùng trũng thấp, khu vực ven sông Cầu ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP Phổ Yên và TP Thái Nguyên. Nhiều tuyến đường và khu dân cư trung tâm thành phố Thái Nguyên, như phường Quang Vinh, Đồng Bẩm, Trưng Vương, Túc Duyên, Cao Ngạn, Cam Giá, cũng bị ngập lụt. Nguy cơ cao đối với các khu vực ngầm tràn, đập tràn, cầu phao và các tuyến đê xung yếu dọc hai bờ sông Cầu có thể đe dọa tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

● 16:30: YÊN BÁI CHÌM TRONG LŨ, DI DỜI HÀNG NGHÌN HỘ DÂN

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến trưa nay (9/9), toàn tỉnh Yên Bái đã ghi nhận 3 người chết và 4 người bị thương do sạt lở đất ở huyện Lục Yên và Văn Chấn.

Tổng số hộ dân bị thiệt hại lên tới gần 6.000, trong đó có 12 nhà bị sập hoàn toàn và hơn 4.500 nhà bị ngập nước, 659 nhà phải di dời khẩn cấp. Ngập úng cũng gây thiệt hại lớn về nông nghiệp, với 1.914,71 ha cây trồng bị ảnh hưởng, 375 gia súc, gia cầm bị chết, và nhiều ao cá bị ngập.

Hạ tầng giao thông cũng chịu thiệt hại nặng nề, với 64 vị trí taluy trên Quốc lộ 32 bị sạt lở, trong đó có 5 vị trí gây tắc đường nhưng đã được thông xe. Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra đến thời điểm hiện tại là khoảng 26 tỷ đồng.

Nhiều khu dân cư của Yên Bái chìm trong biển nước
Nước lũ chia cắt giao thông tại Yên Bái. Người dân di chuyển trên phố bằng thuyền.
Nhiều ngôi nhà bị nước ngập gần đến nóc

Đến chiều 9/9/2024, nước lũ trên sông Hồng qua tỉnh Yên Bái tiếp tục dâng và gây ngập sâu nhiều khu vực ven sông. Trước đó, vào lúc 13h30, các khu vực thuộc TP Yên Bái như phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, xã Tuy Lộc, và Giới Phiên vẫn chìm trong nước lũ, gây tắc nghẽn giao thông trên nhiều tuyến đường. Chính quyền thành phố đã tạm thời di dời 3.500 hộ gia đình đến nơi an toàn, và đang tích cực hỗ trợ người dân đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

● 16:00: LŨ DÂNG CAO TRÊN SÔNG TÍCH, HUYỆN QUỐC OAI NGẬP SÂU

Do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), hôm nay (9/9), nước trên  sông Tích, sông Bùi tiếp tục dâng cao. Lúc 7h sáng nay, mực nước sông Tích tại huyện Quốc Oai là 8,06m, trên báo động lũ cấp 3 là 0,06m; mực nước sông Bùi tại huyện Chương Mỹ 6,95m, dưới báo động lũ cấp 3 là 0,05m.

Tại một số khu vực huyện Quốc Oai, do nước trên sông Tích dâng cao, nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập sâu, điển hình tại xã Cấn Hữu, nhiều nơi ngập đến 2 mét, người dân phải dùng thuyền để di chuyển.

Toàn cảnh xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai). Do nước lũ dâng cao, xóm này đã bị cô lập giữa mênh mông biển nước. Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ đêm nay (9/9) đến sáng 11/9, Hà Nội tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Mực nước sông Bùi, sông Tích tiếp tục lên.

● 15:45: NHIỀU CẦU Ở TUYÊN QUANG BỊ CUỐN TRÔI

Từ ngày 8/9 đến ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mưa lớn khiến 2 người bị nước cuốn trôi, hiện vẫn đang mất tích. Mưa lớn cùng gió mạnh đã làm 145 ngôi nhà bị tốc mái, bị đất taluy sạt lở vào nhà. Hơn 1.484 ha lúa, hơn 300 ha rau màu bị ảnh hưởng; hơn 165 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ…

Mưa lớn cũng làm cầu Bình Thể - Tông Trang, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa bị cuốn trôi. Sạt lở đất, đá và ngập úng gây ách tắc đường tại nhiều vị trí ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình, Sơn Dương, Yên Sơn. Mực nước trên hệ thống sông Gâm, sông Lô đã lên trên mức báo động 1.

Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất cấp độ 2. Dự báo nước lũ sẽ tiếp tục dâng cao trong những giờ tới. Để đảm bảo an toàn người và tài sản cho người dân, chính quyền các địa phương thông báo khẩn cấp đến các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công chủ động các biện pháp ứng phó bảo đảm an toàn về người và tài sản. Người dân tuyệt đối không ra sông vớt củi, đánh bắt cá khi nước lũ trên sông dâng cao.

Với lượng mưa lớn đổ dồn về sông Gâm và sông Lô, cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác bảo vệ người và tài sản trước dòng nước lũ

● 15:45: LŨ TRÊN SÔNG CẦU (THÁI NGUYÊN) VƯỢT BÁO ĐỘNG 3 HƠN 1 MÉT

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Thái Nguyên, thời điểm hiện tại, 22 xã, phường của thành phố bị ngập úng; trong đó có 116 xóm, tổ dân phố bị ngập và 15 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 850 ha lúa và hoa màu bị đổ rạp; gần 10 ha trồng keo bị gẫy; 200 nghìn con gia cầm bị chết và 0,4 ha ao cá bị lũ cuốn trôi; nhiều trường học trên địa bàn bị tốc mái, sập trần…

Lực lượng chức năng đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực nước dâng cao. Tại một số địa phương khác như: Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, thành phố Sông Công…, nước lũ cũng dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, chia cắt, một số điểm đã xảy ra sạt lở... Lực lượng chức năng đã kịp thời di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn; đồng thời, tích cực khắc phục hậu quả và tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại trên địa bàn, có phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”...

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, nước lũ trên sông Cầu vẫn đang lên chậm, tại trạm thủy văn Gia Bẩy, nước lũ đã vượt báo động cấp III hơn 115 cm và xấp xỉ với trận lũ lịch sử xảy ra ngày 2/7/1959. Mực nước hồ Núi Cốc đang có chiều hướng tăng nhanh cùng với mưa to đến rất to đang tiếp tục xảy ra tại các huyện Định Hóa, Phú Lương…

Nhiều khu vực thuộc thành phố Thái Nguyên, nhất là khu vực giáp sông Cầu bị ngập nặng do lũ đã vượt báo động 3 tại khu vực cầu Gia Bảy. Các xã, phường bị ngập sâu gồm: Quang Vinh, Sơn Cẩm, Tân Long, Phúc Hà, Quan Triều, Chùa Hang, Cam Giá, Linh Sơn, Huống Thượng, Túc Duyên, Gia Sàng, Hương Sơn, Hoàng Văn Thụ…

Để chủ động ứng phó với mưa lũ và hạ dần mực nước trong hồ đón lũ, tạo dung tích phòng lũ, 14 giờ ngày 9/9, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã vận hành xả nước qua tràn hồ Núi Cốc với lưu lượng xả từ 60 - 300 m3/giây. Công ty khuyến cáo, người dân phía hạ du sau tràn có biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn trong thời gian xả lũ.

● 15:30: SẠT LỞ ĐẤT LÀM 5 NGƯỜI TỬ VONG Ở BẮC HÀ (LÀO CAI)

Vụ việc xảy ra vào 9h sáng nay. Sạt lở đất đã làm đổ sập hoàn toàn ngôi nhà của gia đình ông Vàng Seo Khoa, tại thôn Hấu Dào, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và vùi lấp 5 người, 1 người bị thương.

Ngay khi xảy ra sạt lở đất, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Hà đã đến hiện trường phối hợp cùng xã Bản Phố, huy động lực lượng trên 140 người để tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Đến 13h cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cả 5 nạn nhân. Như vậy đến nay, tại tỉnh Lào Cai, hoàn lưu bão số 3 đã làm 18 người chết, 2 người mất tích và nhiều người bị thương.

● 15:15: NHIỀU NGƯỜI TRÌNH BÁO NGƯỜI NHÀ MẤT TÍCH TẠI HIỆN TRƯỜNG VỤ SẬP CẦU PHONG CHÂU

Gần 20 người dân đã có mặt tại hiện trường, trình báo về người thân mất tích và chờ đợi kết quả tìm kiếm. Tại đây, họ được cảnh sát cho nhận diện hình ảnh các phương tiện tại thời điểm cầu sập. Nhiều người không kìm được nước mắt khi nhận ra xe của người thân trong những hình ảnh đó.

Tại hiện trường, hai đầu cầu Phong Châu đã được phong tỏa trong phạm vi khoảng một km, cấm toàn bộ phương tiện lưu thông qua lại. Trên bờ, gần 100 chiến sĩ đã sẵn sàng tham gia công tác cứu nạn. Tuy nhiên, do nước sông Hồng chảy xiết, các đội cứu hộ đã cố gắng thả dây xuống sông nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được các phương tiện dưới lòng sông.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, mực nước sông Hồng tại Ấm Thượng hiện đạt 27,25 mét, cao hơn báo động ba 1,25 mét, khiến công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

Rất nhiều người dân có mặt tại hiện trường, trong đó có cả những người tới trình báo về việc người nhà mất tích. Lực lượng chức năng đang triển khai công tác bảo đảm an toàn tại hiện trường vụ cầu sập. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

● 15:00: SẠT LỞ ĐẤT TẠI BÁT XÁT (LÀO CAI), 7 NGƯỜI MẤT TÍCH

Rạng sáng nay (9/9), một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, khiến 4 hộ dân bị đất đá vùi lấp. Vụ việc xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng tại thôn Phìn Chải 2. Sạt lở đất nghiêm trọng đã làm 4 ngôi nhà bị vùi lấp và khiến 7 người mất tích.

Ông Sùng A Khứ, Chủ tịch UBND xã A Lù, cho biết ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND xã đã chỉ đạo thôn khẩn trương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Đến thời điểm hiện tại, 12 người còn lại thuộc 4 hộ dân bị sạt lở và toàn bộ người dân thôn Phìn Chải 2 đã được di dời đến nhà văn hóa thôn để tránh trú an toàn.

Xã A Lù cũng đã huy động các lực lượng tiếp cận hiện trường để tiến hành tìm kiếm những người mất tích. Hiện danh tính của các nạn nhân đang được xác định.

Lực lượng chức năng và người dân huyện Bát Xát (Lào Cai) đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích

● 14:45: QUÂN KHU 2 LÀM CẦU PHAO TẠM THỜI THAY THẾ CẦU PHONG CHÂU

Tại cuộc họp khẩn ngay tại Sở Chỉ huy chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu. Ông yêu cầu nhanh chóng rà soát số lượng phương tiện và nạn nhân để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Về giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu cần lập tức chặn đường bằng rào cứng tại cầu Phong Châu, đặt biển báo và bố trí lực lượng trực để ngăn không cho các phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.

Ông cũng chỉ đạo cần có biển cảnh báo và hướng dẫn đường tránh để các phương tiện lưu thông biết và đi theo lộ trình an toàn. Về công tác cứu hộ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên tìm kiếm nạn nhân ven bờ trước, sau đó sẽ triển khai tìm kiếm khi điều kiện thời tiết cho phép.

Ông cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ và Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung cứu chữa, động viên người bị nạn và gia đình, đồng thời tổ chức di dời dân cư khi lũ lụt dâng cao để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, cụ thể là Quân khu 2, nhanh chóng làm cầu phao tốt nhất để bảo đảm lưu thông cho người dân, đồng thời chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ khi thời tiết thuận lợi.

Cầu Phong Châu bị sập 2 nhịp vào sáng nay 9/9

● 14:30: NGUYÊN NHÂN BAN ĐẦU VỀ VIỆC SẬP CẦU PHONG CHÂU

Theo báo cáo nhanh từ Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ, vào lúc 10h02 ngày 9/9, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ đã làm nước sông Hồng dâng cao, kéo đổ trụ T7 và gây sập hai nhịp chính (nhịp 6 và 7) của cầu Phong Châu. Trụ T7, trụ đã từng được gia cố bằng 8 cọc bê tông và mở rộng bệ trụ để xử lý xói mòn.

Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ cũng cho biết, theo kết quả kiểm định năm 2019, cầu Phong Châu có thể khai thác với tải trọng HL93 và không cần cắm biển hạn chế tải trọng xe qua cầu.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông tỉnh Phú Thọ. Cầu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành tháng 7/1995.

Tháng 6 năm 2022, tại cuộc tiếp xúc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri các huyện Tam Nông đã kiến nghị tu sửa, nâng cấp hoặc xây dựng hai cầu mới thay thế cầu Phong Châu cùng cầu Tứ Mỹ đã xuống cấp.

Trả lời kiến nghị này hai tháng sau đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết “sẽ quân tâm ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực”. Trong điều kiện chưa thực hiện ngay việc đầu tư dự án, trước mắt Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ từ nguồn bảo trì đường bộ để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông.

● 14:15: TÌM THẤY 4 THI THỂ VỤ XE KHÁCH BỊ LŨ, ĐẤT ĐÁ TRÔI LẤP Ở CAO BẰNG

Vụ việc xảy ra tại đoạn gần cầu Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đất đá sạt lở đẩy 1 xe khách, 2 xe con và nhiều xe máy xuống dòng nước và bị cuốn đi.

Lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường.

Lực lượng chức năng cho biết, hiện đã vớt được 5 người, trong đó 4 người tử vong, 1 người bị thương. Ông Phạm Xuân Tùng, Bí thư huyện ủy huyện Nguyên Bình cho biết, trên xe khách có khoảng 20 người, đến nay lực lượng chức năng vẫn rất khó khăn để tiếp cận hiện trường vì đường sạt lở gây ách tắc. Số người mất tích chưa có thống kê cụ thể.

● 14:00: LẠNG SƠN NHIỀU NƠI CHÌM TRONG BIỂN NƯỚC

Mưa lớn kéo dài cộng với việc xả nước hồ chứa Bản Lải (huyện Lộc Bình) khiến mực nước sông Thương, sông Kỳ Cùng đi qua các huyện Văn Lãng, Chi Lăng và TP Lạng Sơn dâng cao. Nhiều nơi ở Lạng Sơn như thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, thị trấn Đồng Mỏ huyện Chi Lăng và TP Lạng Sơn đang chìm trong nước.

Thống kê sơ bộ, có hơn 100 hộ dân ở TP Lạng Sơn bị ảnh hưởng, phải di dời đến nơi an toàn hoặc chuyển lên tầng nhà cao hơn cho đến khi nước rút.

Lũ dâng nhấn chìm nhiều ngôi nhà tại Lạng Sơn

Dự báo tình trạng ngập úng ở thành phố Lạng Sơn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, nhất là các hộ sinh sống gần sông, suối, nơi trũng thấp chủ động theo dõi diễn biến mưa lũ, từ đó chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.

● 13:30: THỦY ĐIỆN TUYÊN QUANG MỞ TẤT CẢ 8 CỬA XẢ ĐÁY

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy thứ 7 hồ thủy điện Tuyên Quang vào 14h ngày 9/9 và mở cửa xả đáy thứ 8 của hồ thủy điện Tuyên Quang vào 15h ngày 9/9.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.

15 giờ chiều nay 9.9, Thủy điện Tuyên Quang mở hết 8 cửa xả lũ

● 13:15: YÊN BÁI: NƯỚC DÂNG CAO GẦN MÁI NHÀ, ĐÃ CÓ 3 NGƯỜI THIỆT MẠNG

Do ảnh hưởng từ bão Yagi, chiều qua và sáng nay (9/9), TP Yên Bái đã trải qua tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, buộc chính quyền phải sơ tán 3.500 hộ dân. Nhiều đoạn đường chìm sâu trong nước, có nơi ngập đến 4 mét.

Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái, tính đến 9h sáng nay, đã có 3 người thiệt mạng do sạt lở đất tại tỉnh này.

Sáng 9/9 tại TP Yên Bái, nước lũ dâng cao đã làm ngập nhiều khu vực, có những địa điểm, nước ngập gần đến mái.

Các nạn nhân gồm cháu S.T.T. (10 tuổi, ở Văn Chấn), ông N.V.K. (sinh năm 1955, ở Lục Yên) và cháu N.V.A. (7 tuổi, ở Lục Yên). Mưa lũ còn làm 4 người khác bị thương tại xã Liễu Đô và xã Động Quan, huyện Lục Yên.

Sáng 9/9, nhiều tuyến phố tại các phường, xã ven sông Hồng ở TP Yên Bái bị ngập sâu, tạo nên khung cảnh "biển nước". Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Yên Bái, mực nước trên sông Hồng vào lúc 9h sáng nay đã lên đến 33,77 mét, vượt báo động 3 là 1,77 mét. Dự kiến trong 6-12 giờ tới, mực nước tiếp tục dâng cao, có thể đạt đỉnh 34 mét, vượt báo động 3 là 2 mét vào chiều tối nay.

Mức độ rủi ro thiên tai do lũ đã được đánh giá ở cấp 3.

Nhiều xã, phường tại TP Yên Bái như Âu Lâu, Hợp Minh, Giới Phiên, Văn Phú, Hồng Hà, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Tuy Lộc và Nam Cường đang chịu ngập nặng. Đặc biệt, các tuyến đường ở phường Hồng Hà và xã Tuy Lộc bị ngập sâu tới 4 mét.

● 13:00: 10 Ô TÔ, 2 XE MÁY RƠI XUỐNG SÔNG,  13 NGƯỜI MẤT TÍCH KHI CẦU PHONG CHÂU BỊ SẬP

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ sau vụ việc

Tại hiện trường, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết bước đầu cơ quan chức năng xác định có khoảng 10 ôtô, 2 xe máy và khoảng 13 người dân mất tích. "Số người chết và mất tích hiện nay chưa thống kê được do trích xuất camera không xác định rõ trong mỗi ôtô có bao nhiêu người", trung tướng Phạm Đức Duyên, Chính ủy Quân khu 2 tướng Duyên cho biết. Con số thương vong sẽ tiếp tục được Đài Hà Nội cập nhật.

Ba nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu được đưa vào Trung tâm Y tế Tam Nông cấp cứu, chẩn đoán ban đầu chấn thương phần mềm. Hai người khác đang được chụp chiếu, xét nghiệm, hiện chưa xác định mức độ và tình trạng chấn thương.

● 12:45: XE KHÁCH BỊ VÙI LẤP Ở CAO BẰNG, HÀNG CHỤC NGƯỜI MẤT TÍCH

Xe khách của nhà xe Việt Trang lưu thông trên quốc lộ 34 hướng từ huyện Bảo Lâm đi TP Cao Bằng, khi đến xã Ca Thành đã bị khối đất đá lớn từ taluy dương sạt lở vùi lấp.

Thời điểm bị nạn, trên xe có 20 người gồm hành khách và lái xe (11 người quê xã Yên Lạc và 9 người xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình).

Hiện các cơ quan chức năng đang huy động công an, quân đội khẩn trương tiếp cận, tìm kiếm ô tô và nạn nhân. Sạt lở khiến lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận được với hiện trường chiếc xe khách gặp nạn Phương tiện chính di chuyển vào hiện trường ở xã Ca Thành chủ yếu là xe máy tăng bo qua các vị trí sạt lở hoặc đi bộ.

Do khối lượng đất đá vùi lấp rất lớn nên hiện tại lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận hiện trường.

● 12:30: KHẨN TRƯƠNG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỤ SẬP CẦU PHONG CHÂU

Lực lượng chức năng đã vớt được 3 người trong vụ sập cầu Phong Châu và đưa đi cấp cứu, thông tin từ ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông. "Những người này, có người tự bơi sau khi rơi xuống sông và được lực lượng chức năng cứu vớt đưa lên", ông Hùng cho biết.

Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đóng chân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã huy động lực lượng tìm kiếm trục vớt các nạn nhân. Có mặt chỉ huy ứng cứu tại cầu Phong Châu, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 cho biết hiện đã tìm được 3 nạn nhân và người đưa vào bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cấp cứu.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Chương, hai mố cầu của cầu Phong Châu đã sập, đáng lo ngại là khi cầu sập có một số phương tiện đã bị rơi xuống sông trong khi nước chảy xiết. Hiện chưa rõ số người và phương tiện mất tích do sập cầu, địa phương và lực lượng chức năng đang tiến hành làm rõ.

Cũng theo Trung tướng Phạm Hồng Chương, hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn tại 9 tỉnh thuộc địa bàn quân khu 2, hiện Bộ Tư lệnh quân khu 2 đã cử lực lượng nhất là lực lượng 4 tại chỗ của dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên của các huyện nơi xảy ra sự cố để giúp di dời tài sản và người dân. Đồng thời huy động lực lượng cơ động của quân khu, của Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh của các sư đoàn để ứng cứu cứu hộ, cứu nạn trên các khu vực.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ sau vụ việc

● 12:30: THỦ TƯỚNG: HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG CỨU HỘ VỤ SẬP NHỊP CẦU PHONG CHÂU

Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.

Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh: Lào Cai, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông.

Công điện nêu rõ bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa từ 200-350 mm (nhiều nơi 400-500mm, có nơi gần 600mm), lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Hòa Bình và Lào Cai. Bão, mưa lũ làm ít nhất 26 người chết và mất tích (17 người do lũ, sạt lở đất; 09 người do bão), 247 người bị thương, nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng bị hư hại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Cầu Phong Châu bị sập vào khoảng 10h sáng nay.

Đặc biệt, sáng 9/9 đã xảy ra sự cố sập nhịp cầu Phong Châu qua sông Thao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo thông tin ban đầu có một số phương tiện giao thông và người bị rơi xuống sông.

Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.

● 12:00: PHÂN LUỒNG GIAO THÔNG SAU SỰ CỐ SẬP CẦU PHONG CHÂU

Do cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C) bị sập, phương tiện từ cầu Đồng Quang, cầu Trung Hà, các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Các phương tiện từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn, cầu Đồng Quang, cầu Trung Hà theo chiều ngược lại. Phương tiện từ các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi huyện Ba Vì, Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện từ Lâm Thao, Việt Trì đi Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn theo chiều ngược lại. Các phương tiện từ các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc → đi Tỉnh lộ 317G → đi Tỉnh lộ 317E → đi cầu Đồng Quang → đi huyện Ba Vì, Hà Nội → cầu Vĩnh Thịnh → đi Vĩnh Phúc. Các phương tiện từ Hà Nội, Vĩnh Phúc đi các huyện Thanh Thuỷ, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Sơn theo chiều ngược lại.

● 11:30: 14 NGƯỜI CHẾT DO MƯA LŨ Ở LÀO CAI

Lào Cai có 14 người chết, 1 người mất tích, 12 người bị thương Ước thiệt hại ban đầu trên 40 tỷ đồng, theo báo cáo nhanh của tình này về tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 từ đêm 7/9 đến sáng 9/9.

Theo thông tin ban đầu của các địa phương, từ đêm ngày 7/9 đến ngày 9/9 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong 12h qua, lũ trên sông Hồng tại Lào Cai, Bảo Hà, suối Nhù tại Văn Bàn đang lên nhanh do ảnh hưởng mưa lớn trên lưu vực kết hợp với điều tiết xả lũ của các hồ chứa phía thượng nguồn.

Lũ dâng cao trên sông Hồng

Mưa lũ đã làm 14 người chết, trong đó thị xã Sa Pa 5 người; huyện Văn Bàn 1 người; huyện Bắc Hà 1 người; huyện Bát Xát 7 người; 1 người tại xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa mất tích; 12 người bị thương (thị xã Sa Pa 10 người, huyện Bát Xát 02 người). Có tổng số 444 nhà ở bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó 4 nhà tại thị xã Sa Pa bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn.

mưa lũ khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở tại Lào Cai

Khoảng 15h30' ngày 8/9, tại Khu dân cư tổ dân phố Phố Thầu, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai đã sạt lở 200 m3 đất đá, cung sạt dài khoảng 100 m, nguy cơ tiếp tục sạt lở khoảng 1.000 m3, gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của người dân 20 hộ dân phía dưới với 77 khẩu. Các huyện còn lại chưa xác định được mức độ thiệt hại. Về sản xuất nông nghiệp có 453 ha lúa; 226 ha ngô, hoa màu; 9,8 ha sắn; 2,5 ha chuối; 13,4 ha thủy sản tại các huyện Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát, Bảo Yên, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai bị thiệt hại; nhiều gia súc bị lũ cuốn trôi ở huyện Văn Bàn và thị xã Sa Pa.

Lào Cai, nước sông Hồng dâng ngang mặt đường

● 11:20: CẢNH BÁO LŨ QUÉT TẠI PHÚ THỌ

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, trong thời gian 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều nơi trong tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt tại các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hoà, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy…

Trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Bằng Luân 55,8mm (huyện Đoan Hùng); Đại Phạm 85,8mm, Hiền Lương 71,8mm (huyện Hạ Hoà); Mỹ Lương 87mm, Trung Sơn 52,4mm (huyện Yên Lập)…

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các huyện đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.

Cơ quan chức năng của tỉnh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện, phá hủy các công trình dân sinh, gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế xã hội.

11:15: BẮC GIANG SƠ TẢN KHẨN CẤP HÀNG TRĂM HỘ DÂN BỊ NGẬP LỤT

Do ảnh hưởng của bão số 3, phần lớn địa bàn huyện Sơn Động và Lục Ngạn (Bắc Giang) bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Tại địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), các ao, hồ, sông, suối, ngầm, kè tràn nước lên nhanh, nhiều khu vực bị chia cắt cục bộ.

Tính đến trưa nay, có 10 xã của huyện Lục Ngạn bị cô lập; trong đó có 6 xã bị chia cắt cục bộ như: Giáp Sơn, Đèo Gia, Phong Minh, Sa Lý, Cấm Sơn, Hộ Đáp. Tuyến QL31 thuộc địa phận thôn Cầu Chét, xã Phì Điền, khu vực thôn Đồng Man, xã Biển Động bị ngập sâu gây chia cắt. Riêng huyện Sơn Động, mưa lũ dâng rất cao nên hầu như cả huyện bị ngập lụt, cô lập.

Lũ dâng cao tại Băc Giang. Ảnh: Hải Huyền

11:00: NƯỚC DÂNG CAO VƯỢT ĐẬP TRÀN TẠI TIÊN YÊN (QUẢNG NINH) GÂY NGẬP 4 THÔN

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, khoảng 9h15 sáng 9/9, do mưa lũ lớn, việc xả tràn đập Đông Hải (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) không kịp xả đã gây ngập 4 thôn ở xã Đông Hải. Theo lãnh đạo huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), hiện không có thiệt hại về người, chỉ thiệt hại về tài sản.

Ông Lục Văn Long, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết: "Nước sông ồ ạt tràn vào 4 thôn của xã Đông Hải gây ngập úng từ 30 cm đến một m, không có thiệt hại về người". Hiện chính quyền, người dân đã sơ tán tài sản và khắc phục sự cố. Theo ông Long, khu vực Bình Liêu cũng đang có lũ lớn.

Nước tràn vào khu vực dân cư tại 4 thôn xã Đông Hải

10:00: SẬP CẦU PHONG CHÂU - PHÚ THỌ

Khoảng 10h, cây cầu Phong Châu, bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C bị sập, trôi toàn bộ hai nhịp thép. Đây là cây cầu nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông, khả năng cao có nhiều người và phương tiện gặp nạn.

Giao thông bị chia cắt khi cầu Phong Châu bị sập

Anh Triệu Ngọc Thư (nhân chứng) cho biết: "Khoảng 10h sáng nay, tôi có việc đi qua cầu Phong Châu. Lúc đến gần cầu, trước xe tôi có khoảng 3 ô tô nữa. Lúc này, cầu rung lắc và gãy đổ xuống sông. Sự việc diễn ra rất nhanh, chỉ trong khoảng 1 phút cầu đã sập xuống và nước sông cuốn trôi đi".

Một đoạn cầu Phong Châu bị sập

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin vụ việc, đã yêu cầu sở báo cáo gấp. Hiện các đơn vị chức năng đang xử lý khẩn cấp.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995.

Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa. Đến tháng 9/2019, Phú Thọ ra lệnh cấm các phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên qua cầu này.

09:00: LŨ DÂNG CAO Ở THÁI NGUYÊN

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, tính đến 7h ngày 9/9, nước lũ sông Cầu cao hơn 80cm so với báo động 3 đã khiến 17 xã, phường của thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) nằm ven sông Cầu bị ngập sâu.

Trong đó có 81 xóm, tổ dân phố bị ngập (20 xóm, tổ dân phố bị cô lập). Nước lũ dâng bất ngờ, nhiều người dân không kịp sơ tán tài sản lên cao. Hiện lực lượng chức năng của thành phố Thái Nguyên cùng các địa phương đã và đang khẩn trương hỗ trợ di dời gần 1.200 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo dự báo, hiện mực nước sông Cầu vẫn đang tiếp tục lên, nguy cơ ngập lụt diện rộng tại Thái Nguyên vẫn hiện hữu.

Nước dâng cao tại Thái Nguyên khiến nhiều ô tô bị ngập
Người dân di chuyển trên phố bằng thuyền tại Thái Nguyên

● 08:30: BẮC KẠN: GIAO THÔNG CHIA CẮT DO LŨ

 Từ đêm ngày 8 đến sáng 9/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa tiếp tục kéo dài tại tỉnh Bắc Kạn. Gần như toàn bộ các tuyến đường trọng yếu tại địa phương này phải hứng chịu các điểm sạt lở, gây ách tắc, khối lượng sạt lở nhiều, thiệt hại lớn.

Nước các sông lên cao gây ngập úng nhiều nơi. Từ đêm hôm qua, tuyến quốc lộ 3B đoạn qua địa phận huyện Na Rì bị sạt lở tại khu vực đèo Áng Toòng. Khối lượng sạt lở đất đá rất lớn gây tắc đường trong nhiều giờ.

Do trong đêm tiếp tục có mưa lớn nên việc khắc phục rất khó khăn. Trên tuyến quốc lộ 3B từ thành phố Bắc Kạn đi huyện Chợ Đồn sạt lở nhiều nhất, trên tuyến này có khoảng 6 điểm sạt lở. Do khối lượng sạt lở lớn nên đến 7 giờ sáng nay lực lượng chức năng chưa thể thông đường. Dọc tuyến sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, người dân cần lưu ý, hạn chế di chuyển.

Quốc lộ 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng thường xuyên sạt lở ở đèo Gió (huyện Ngân Sơn), tại vị trí này cứ mưa lớn là sạt lở, phải mất nhiều giờ mới có thể thông đường.

Ngoài ra, trên các tuyến quốc lộ 279, một số tuyến tỉnh lộ, hệ thống đường giao thông nông thôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều đập tràn trên tỉnh 256 và 257B bị ngập cục bộ các phương tiện không thể đi qua.

Đến sáng 9/9, mực nước trên hệ thống sông của Bắc Kạn đang dâng cao, sông Cầu đoạn qua thành phố Bắc Kạn nước đã tràn vào đường giao thông nội thị, trên sông Năng, sông Bắc Giang nước cũng đã tràn vào một số khu dân cư.

08:00: CAO BẰNG: NHIỀU NƠI CHÌM TRONG BIỂN LŨ

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến mực nước ở các sông, suối tại Cao Bằng dâng cao, một số diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng, nhiều tuyến giao thông bị ngập sâu, sạt lở.

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 145 ha lúa và hoa màu bị ngập úng do không kịp tiêu thoát lũ. Các huyện bị ngập nhiều nhất là Hà Quảng hơn 100ha, Trùng Khánh hơn 38 ha. Về giao thông, đường Hồ Chí Minh từ Hà Quảng đi thành phố Cao Bằng nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,5 – 1 m như thị trấn Xuân Hòa, xóm Nà Rị (xã Nam Tuấn, huyện Hà Quảng), thị trấn Nước Hai (huyện Hòa An).

Sáng 9/9, Đại tá Vũ Hồng Quang - Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, Công an tỉnh đang huy động trên 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ người dân sơ tán khỏi điểm ngập lụt. Đồng thời, lực lượng công an đang đến các huyện xảy ra sạt lở để triển khai công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho người dân trước diễn biến phức tạp của thiên tai.

Hiện tại, thành phố Cao Bằng đang xảy ra ngập lụt trên diện rộng. Rốn ngập của thành phố tại phường Hợp Giang và khu vực lân cận. "Lực lượng công an gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an phường, xã và các lực lượng tại chỗ được huy động để giúp người dân sơ tán trong đêm", Đại tá Vũ Hồng Quang thông tin thêm. Vào đêm 9/9, các khu dân cư thuộc phường Hợp Giang bị ngập sâu. Các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng, phương tiện giúp dân di dời đến nơi an toàn.

Khoảng 1h sáng 9/9, mực nước sông Hiến chảy qua địa phận TP Cao Bằng tiếp tục dâng cao, khiến hơn 800 hộ bị ảnh hưởng, nhiều hộ bị cô lập. Trong bối cảnh đó, lực lượng công an huy động xuồng cứu hộ tiếp cận hiện trường, sơ tán kịp thời. Đến 3h, tại các khu dân cư Nước Giáp (phường Hợp Giang), nước sông dâng cao, tràn kè khiến hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng. Các hộ ở nhà cao tầng đã kịp thời di dời tài sản lên cao, những hộ bị ngập được lực lượng chức năng giúp di dời tài sản và vật nuôi đến nơi an toàn.

● 07:30: LŨ LÊN CAO, LÀO CAI BAN BỐ TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP

Trước tình hình thiên tai nghiêm trọng, sáng nay (9/9), UBND tỉnh Lào Cai đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trên địa bàn.

Hiện tại Lào Cai đang có rất nhiều nơi bị chia cắt do ngập nước, sạt lở. Mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến Lũ sông Hồng đang dâng rất cao, tại thành phố Lào Cai đã vượt ngưỡng báo động III hồi 6h sáng ngày 9/9. Một số thủy điện cũng đã ra thông báo xả lũ.

Theo thống kê mới nhất thì tại Lào Cai đã có 6 người chết, 2 người mất tích và 10 người bị thương do mưa lũ. 50 nhà dân bị thiệt hại, hơn 248 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều vị trí thuộc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở. Ước thiệt hại sơ bộ ban đầu gần 10 tỷ đồng.

Tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ dự báo thời tiết, để có kế hoạch và biện pháp phù hợp ứng phó với các loại thiên tai, nhằm giảm thấp nhất thiệt hại; huy động mọi nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên ta

● 07:00: THÀNH PHỐ YÊN BÁI NGẬP NẶNG

Nước sông Hồng dâng nhanh trên báo động 3 khiến nhiều khu vực phường Hồng Hà, Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) ngập sâu, có đoạn tới ngang bụng. Các tuyến đường lớn như Thanh Niên, Trần Hưng Đạo ngập sâu 1-2 mét, đường nhánh nước tràn vào nhà sâu gần một mét. Khoảng 2.400 hộ dân phải di dời

Mực nước sông Hồng trên cầu tuyến huyện Văn Yên, Yên Bái.

06:00: HÀ NỘI BÁO ĐỘNG LŨ TRÊN SÔNG ĐÁY

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành lệnh báo động lũ trên sông Đáy.

Vào hồi 20 giờ 40 phút ngày 8/9/2024, mực nước sông Đáy tại trạm thuỷ văn Ba Thá là 5,50 m (mực nước báo động I là 5,50 m). Căn cứ vào mực nước, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn lệnh báo động I trên sông Đáy vào hồi 20 giờ 40 phút ngày 8/9/2024 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức và quận Hà Đông.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện: Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức và quận Hà Đông, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động I.

Hà Nội cảnh báo lũ trên sông Đáy

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong chương trình dự Hội nghị G20 và hoạt động song phương tại Brazil, sáng 17/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành đặt biển kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu phố Santa Teresa, thành phố Rio de Janeiro - nơi Người làm việc khi dừng chân trên hành trình tìm đường cứu nước vào năm 1912.

Hồi 07 giờ ngày 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc, 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103 - 117 km/h), giật cấp 14. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/h.

Trong chương trình dự Hội nghị G20 và hoạt động song phương tại Brazil, chiều 17/11 theo giờ địa phương, tại thành phố Rio de Janeiro, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã dự Chương trình “Ngày Việt Nam tại Brazil”.

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ ngày 14/01/2025 đến hết ngày 12/02/2025, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu triển khai phương án khai thác bay đêm từ 0 - 24 giờ hàng ngày (giờ địa phương) tại các Cảng hàng không Thọ Xuân, Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku và Tuy Hòa.

Với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn,” tối 17/11, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 tại chùa Bái Đính. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hồng Hà tham dự.

Công tác quản lý đô thị tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã có nhiều chuyển biến, một phần nhờ sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng chức năng trong việc triển khai nhiều giải pháp hữu ích, sáng tạo.