Lý do một số quân nhân Mỹ trở nên cực đoan?

Ngay trong ngày đầu năm mới nước Mỹ choáng váng bởi hai vụ khủng bố, và lý lịch của cả hai nghi can khiến người ta lo ngại hơn. Tất cả các vụ tấn công đều do các thành viên đã xuất ngũ hoặc đang tại ngũ của lực lượng vũ trang gây ra.

Khi một cựu quân nhân theo tư tưởng hồi giáo cực đoan

Cả vụ tấn công bằng xe ở New Orleans khiến 14 người thiệt mạng và vụ nổ xe Tesla Cybertruck bên ngoài khách sạn Trump ở Las Vegas khiến tài xế tử vong đều do các thành viên đã xuất ngũ hoặc đang tại ngũ của lực lượng vũ trang gây ra. Mặc dù các nhà điều tra vẫn chưa chính thức khẳng định sự liên kết giữa các sự kiện, nhưng hai vụ việc gợi nhớ đến những thảm kịch đã từng xảy ra, như cuộc bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021; một cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, Virginia, năm 2017; và vụ xả súng hàng loạt năm 2009 tại căn cứ quân đội cũ Fort Hood ở Texas khiến 13 người thiệt mạng.

Tại New Orleans, Shamsud-Din Jabbar, một cựu chiến binh của quân đội Mỹ, đã bị cảnh sát tiêu diệt sau khi lao một chiếc xe bán tải vào đám đông khiến 14 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Vụ việc đang được điều tra như một hành động khủng bố theo kiểu Nhà nước Hồi giáo.

Jabbar phục vụ trong quân đội với tư cách là chuyên gia về nguồn nhân lực và công nghệ thông tin từ năm 2007 đến năm 2015. Sau đó, người này gia nhập quân đội dự bị với tư cách là chuyên gia công nghệ thông tin cho đến năm 2020, giữ cấp bậc trung sĩ khi kết thúc thời gian phục vụ.

Trong thời gian tại ngũ, Jabbar từng được điều động đến Afghanistan từ tháng 2 năm 2009 đến tháng 1 năm 2010 làm nhiệm vụ. Rich Groen, chỉ huy của Jabbar tại Afghanistan, cho biết Jabbar "làm việc lặng lẽ và chuyên nghiệp" trong các vai trò hành chính của mình, "thể hiện tính kỷ luật và sự tận tụy".

Trong video đầu tiên trong số năm video được đăng lên Facebook trước vụ tấn công, Jabbar cho biết trước đó anh ta đã lên kế hoạch làm hại gia đình và bạn bè, nhưng lo ngại rằng điều đó sẽ phân tán sự tập trung của truyền thông.

Jabbar cũng nói trong các video rằng anh ta đã gia nhập Nhà nước Hồi giáo trước mùa hè năm ngoái. Hiện FBI vẫn đang điều tra "con đường trở nên cực đoan" của Jabbar.

Các quan chức liên bang và cơ quan thực thi pháp luật địa phương tại New Orleans cho biết Jabbar có một lá cờ Nhà nước Hồi giáo trên xe tải của mình và đã đăng một loạt video lên mạng xã hội tuyên bố lòng trung thành của mình với nhóm này ngay trước khi lao vào đám đông trên phố Bourbon vào sáng thứ Tư.

Về mốc thời gian, tại thời điểm này, các nhà điều tra tin rằng Jabbar đã nhận chiếc F-150 thuê ở Houston, Texas vào ngày 30 tháng 12. Sau đó, anh ta lái xe từ Houston đến New Orleans vào tối ngày 31 và đăng một số video lên một nền tảng trực tuyến tuyên bố ủng hộ ISIS. Có năm video được đăng trên tài khoản Facebook của Jabbar, bắt đầu từ 1 giờ 29 sáng và video cuối cùng là 3 giờ 02 sáng. Những gì tôi có thể nói với các bạn ngay bây giờ là anh ta đã bị ISIS cổ vũ 100%, vì vậy chúng tôi đang tìm hiểu thêm trên mạng xã hội, tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn hơn, làm việc với một số đối tác khác để xác định chính xác cách thức, và mối liên hệ đó.

Ông Christopher Raia - Phó trợ lý Giám đốc chống khủng bố của FBI, Mỹ.

Lời cảnh tỉnh của cựu quân nhân lực lượng tinh nhuệ

Trong khi đó, tại Las Vegas, nhà chức trách cho biết Matthew Livelsberger, một thành viên đang tại ngũ của lực lượng đặc nhiệm lục quân Mỹ, đã tự bắn vào đầu mình trong một chiếc Tesla Cybertruck chất đầy pháo hoa và bình nhiên liệu, ngay bên ngoài lối vào của khách sạn Trump International, làm bảy người bị thương. Sau đó, các nhà điều tra cho biết Livelsberger đã viết rằng vụ nổ nhằm mục đích “cảnh tỉnh" và rằng đất nước "đang trong tình trạng nguy kịch và đang tiến tới sụp đổ".

Chiếc xe tải được thuê ở Colorado và tới Las Vegas vào lúc 7h30 sáng thứ Tư (1/1). Khoảng một giờ sau đó, sau khi lái xe trên đại lộ Las Vegas, chiếc xe dừng gần khách sạn Trump và phát nổ. Một tổ hợp gồm pháo hoa, bình xăng và nhiên liệu cắm trại trong thùng xe đã phát nổ, khiến tài xế của chiếc Cybertruck thiệt mạng và 7 người khác gần đó bị thương.

Tôi muốn nêu rõ một vài thứ tìm thấy bên trong Cybertruck có ích cho cuộc điều tra, trước hết là giấy tờ tùy thân của quân nhân. Chúng tôi cũng tìm thấy một hộ chiếu. Chúng tôi tìm thấy một khẩu súng lục bán tự động Desert Eagle cỡ nòng 50. Chúng cũng gần như bị cháy đến mức không thể nhận dạng được. Có một khẩu súng bán tự động SLR model B-30. (A) Một số lượng pháo hoa vẫn còn trong xe. Đáng chú ý, chúng tôi tìm thấy một chiếc iPhone và một chiếc đồng hồ thông minh, sau đó là một số thẻ tín dụng cũng mang tên đối tượng. Đối tượng là Matthew Livelsberger, 37 tuổi, đến từ Colorado Springs, Colorado, sinh ngày 22 tháng 7 năm 1987.

Ông Kevin Mcmahill - Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát đô thị Las Vegas, Mỹ.

Hai lá thư trong ứng dụng điện thoại cho thấy một động cơ có thể dẫn đến vụ nổ. Trong một lá thư, đối tượng nói với "các đồng đội, cựu chiến binh và tất cả người Mỹ" rằng đã đến lúc "thức tỉnh" vì giới lãnh đạo của đất nước "yếu đuối" và "chỉ phục vụ cho mục đích làm giàu cho bản thân". Bức thư thứ hai khẳng định đây không phải là vụ khủng bố mà là lời cảnh tỉnh.

Spencer Evans, đặc vụ phụ trách bộ phận Las Vegas của FBI, cho biết thêm rằng cuộc điều tra cùng với cuộc tham vấn với quân đội đã xác định rằng Livelsberger có khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương và các nhà điều tra biết rằng có khả năng "các vấn đề gia đình hoặc bất bình cá nhân trong cuộc sống của chính anh ta có thể là những yếu tố góp phần gây ra vụ việc".

Livelsberger đã bày tỏ những bất bình khác, bao gồm cả về các cuộc xung đột trên thế giới và các vấn đề trong nước và xã hội. Các nhà điều tra vẫn tiếp tục xem xét các bằng chứng tìm thấy trên điện thoại di động, nhưng không thể truy cập vào chiếc điện thoại thứ hai được tìm thấy trong Cybertruck.

Đặc vụ Evans cho biết các nhà chức trách chưa xác định được bất kỳ mối liên hệ chắc chắn nào giữa vụ nổ Cybertruck và vụ tấn công khủng bố xảy ra ở New Orleans vài giờ trước đó khiến 14 người thiệt mạng trên phố Bourbon.

Những người đã phục vụ cùng Liverlsberger trong gần hai thập kỷ trong quân ngũ mô tả anh ta là một người lính tận tụy, yêu nước và là đồng đội tốt. Hai người lính đã phục vụ cùng Liverlsberger trong những năm gần đây đều tỏ ra ngạc nhiên trước hành động của anh ta, một người nói rằng anh ta "không phải là người bạo lực".

Ngoài ra, Livelsberger có sự hiện diện trực tuyến tương đối hạn chế bao gồm một trang LinkedIn và một hồ sơ Facebook.

Hồ sơ công khai cho thấy Livelsberger đã kết hôn vào năm 2012 và sau đó ly hôn vào năm 2018. Hồ sơ cũng liệt kê một đơn xin kết hôn được nộp vào năm 2022.

Anh ta có vẻ là một người đàn ông bình thường. Anh ta có một con chó. Chúng tôi có lần tình cờ gặp nhau. Tôi chào hỏi. Vâng, anh ta có vẻ bình thường. Vợ anh ta rất tốt bụng. Họ mới có một đứa con.

Chị Cindy Helwig - Hàng xóm của lái xe Cybertruck nổ ở Las Vegas.

Trung sĩ lực lượng đặc nhiệm lục quân Matthew Livelsberger có một cô con gái 8 tháng tuổi ở nhà. Anh có một nhiệm vụ mới liên quan đến máy bay không người lái.

Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ, là một lực lượng hoạt động đặc biệt, có quy mô nhỏ nhưng tinh nhuệ, được thành lập chính thức vào năm 1952. Các nhóm nhỏ được gọi là biệt đội Alphas, được đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt từ chống nổi loạn và chiến tranh phi truyền thống đến các cuộc đột kích chiến đấu và các nhiệm vụ trinh sát đặc biệt.

Theo hồ sơ LinkedIn, trong thời gian phục vụ trong quân ngũ, Livelsberger đã được điều động đến đến Cộng hòa Congo vào năm 2014, Ukraine vào năm 2016, Tajikistan vào năm 2016 và Afghanistan vào năm 2017, 2018 và 2019. Người này đã nhận được Giải thưởng danh dự của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bây giờ, bản lý lịch có vẻ đẹp đẽ này đang làm dấy lên rất nhiều câu hỏi.

Xu hướng cực đoan ở một số quân nhân Mỹ

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về người đàn ông thực hiện vụ tấn công ở New Orleans vào đêm giao thừa và một cựu quân nhân thiệt mạng trong vụ nổ ở Las Vegas cùng ngày, nhưng những vụ bạo lực này cho thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của những người có kinh nghiệm quân sự trong các vụ tấn công có động cơ tư tưởng, đặc biệt là những vụ tấn công nhằm gây thương vong hàng loạt. Những quân nhân và cựu chiến binh có tư tưởng cực đoan chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hàng triệu người tham gia quân đội Mỹ. Nhưng một cuộc điều tra của hãng tin AP được công bố vào năm ngoái đã phát hiện ra rằng tình trạng cực đoan hóa ở cả cựu chiến binh và quân nhân đang tại ngũ đang gia tăng và hàng trăm người có lý lịch quân nhân đã bị bắt vì tội cực đoan kể từ năm 2017. AP phát hiện ra rằng các âm mưu cực đoan mà họ tham gia trong thời gian đó đã khiến gần 100 người bị thương hoặc thiệt mạng.

Hãng thông tấn Mỹ AP cũng phát hiện nhiều vấn đề trong nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm giải quyết chủ nghĩa cực đoan trong hàng ngũ quân nhân, bao gồm việc vẫn chưa có hệ thống trong toàn lực lượng để theo dõi vấn đề này. Một báo cáo quan trọng về vấn đề này có chứa dữ liệu cũ, phân tích gây hiểu lầm và bỏ qua bằng chứng.

Theo dữ liệu từ Liên đoàn quốc gia nghiên cứu về khủng bố và ứng phó với khủng bố tại Đại học Maryland, kể từ năm 2017, cả cựu chiến binh và quân nhân đang tại ngũ đều trở nên cực đoan hơn những người không có lý lịch quân sự.

Quân nhân đôi khi cũng tham gia vào hoạt động khủng bố, nhưng không nhiều hơn đáng kể so với những người ngoài cộng đồng quân nhân. Vì vậy, điều đáng kinh ngạc là đây là một vụ đánh bom liều chết, và có người trong quân đội tham gia. Có một thông tin khác đang lan truyền trên Internet mà tôi muốn lưu ý, nhưng thành thật mà nói, có thể là sai hoặc bị cường điệu, đó là hai kẻ tình nghi đã có thời gian phục vụ cùng một căn cứ quân sự. Những căn cứ quân sự này rất lớn và không có gì ngạc nhiên khi hai người này có lúc ở gần nhau - các nhà điều tra sẽ xem xét kỹ lưỡng điều đó.

Ông Daniel Byman - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSISIS).

Hiện tại, chưa đến 1% dân số Mỹ trưởng thành đang phục vụ trong quân đội nước này, nhưng quân nhân đang tại ngũ chiếm tới 3,2% các trường hợp cực đoan mà các nhà nghiên cứu phát hiện ra trong giai đoạn 2017 - 2022.

Theo dữ liệu do AP và nhóm nghiên cứu Đại học Maryland thu thập và phân tích: Mặc dù số lượng người có lý lịch quân nhân tham gia vào các âm mưu cực đoan bạo lực vẫn còn ít, nhưng sự tham gia của quân nhân đang tại ngũ và cựu chiến binh khiến các âm mưu cực đoan có nhiều khả năng gây thương tích hàng loạt hoặc tử vong cao hơn.

Hơn 480 người có lý lịch quân sự đã bị buộc tội phạm tội cực đoan có động cơ tư tưởng từ năm 2017 đến năm 2023, bao gồm hơn 230 người bị bắt liên quan đến cuộc nổi loạn ngày 6 tháng 1 năm 2021 — 18% trong số những người bị bắt vì tội tấn công tính đến cuối năm ngoái. Dữ liệu cho thấy, những cá nhân có lý lịch quân sự, hầu hết là cựu chiến binh, tham gia vào các kế hoạch phạm tội giết người, làm bị thương hoặc gây thiệt hại cho các mục tiêu chính trị, xã hội, kinh tế hoặc tôn giáo.

Các nhà nghiên cứu Đại học Maryland phát hiện ra rằng chỉ có khoảng 9% những kẻ cực đoan có xuất thân là quân nhân theo hệ tư tưởng thánh chiến. Hơn 80% xác định theo hệ tư tưởng cực hữu, chống chính phủ hoặc người da trắng thượng đẳng, phần còn lại chia thành cực tả hoặc các động cơ khác.

Một số nhà phân tích lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump sắp tới, đặc biệt nếu ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Quốc phòng, Pete Hegseth, do ông Trump đề cử, được Quốc hội thông qua, sẽ tập trung vào vụ tấn công ở New Orleans và IS, mà bỏ qua sự thật rằng hầu hết các vụ tấn công gây hậu quả chết người ở Mỹ trong lịch sử gần đây đều do phe cực hữu thực hiện.

Các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng vào ngày đầu năm mới ở New Orleans và Las Vegas đã thu hút sự chú ý trở lại đối với xu hướng cực đoan trong quân đội Mỹ. Những nỗ lực giải quyết vấn đề này đã suy yếu trong những năm cuối của chính quyền Tổng thống Biden và khó có thể được khôi phục khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng này.

Các nhà phân tích nhận định, ông Trump giờ đây buộc phải nhìn nhận rằng chuyện an ninh nội địa đối với nước Mỹ hiện tại và trong thời gian tới không chỉ có liên quan tới người tị nạn và nhập cư mà còn liên quan cả tới sự cọ sát và xung đột về thế giới quan, cũng như ý thức hệ chính trị và tôn giáo.

Sự trở lại của nỗi ám ảnh và lo sợ về nguy cơ khủng bố sẽ buộc ông Trump phải có những điều chỉnh chính sách và định hướng chính sách mới về đối nội, giảm bớt can dự và chi tiêu cho đồng minh và cho chiến tranh, giảm nhẹ xung khắc của Mỹ với đối tác bên ngoài để tập trung đối phó với thách thức khủng bố ngay bên trong nước Mỹ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quân đội Iran ngày 7/1 tiến hành tập trận gần nhà máy làm giàu hạt nhân Natanz ở miền Trung nước này. Cuộc tập trận mang tên “Sức mạnh”, có sự tham gia của quân đội Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm qua đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Iwaya Takeshi ở Tokyo. Hai bên thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác song phương và các vấn đề nóng trên thế giới.

Theo hãng thông tấn nhà nước China News Service, đến nay ít nhất 106 người đã thiệt mạng và 174 người khác bị thương trong trận động đất làm rung chuyển huyện Dingri thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc vào sáng 7/1.

Tòa án quận Tây Seoul, Hàn Quốc ngày 7/1 đã ra quyết định gia hạn lệnh bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol sau khi lệnh ban đầu hết hạn vào ngày 6/1.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga đã tấn công vào cơ sở hạ tầng tại các sân bay quân sự của Ukraine. Ngoài ra, 164 điểm tập trung quân nhân, thiết bị và lính đánh thuê nước ngoài tại Ukraine cũng đã bị tấn công.

Sau nhiều tuần chịu áp lực gia tăng,Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng sau khi đảng Tự do cầm quyền bầu được lãnh đạo mới. Động thái này đánh dấu kết thúc một chương dài trong sự nghiệp chính trị của ông Trudeau sau hơn 1 thập kỷ lãnh đạo đất nước Canada.