Mặt Trăng, tâm điểm cuộc đua chinh phục không gian

Hơn 50 năm sau khi con người đặt chân lên Mặt Trăng, vệ tinh duy nhất của Trái đất lại trở thành tâm điểm của một cuộc chạy đua không gian mới giữa các cường quốc.

Kỳ tích đầu tiên của nhân loại trên Mặt Trăng

Trung Quốc đang có những bước tiến mạnh mẽ nhằm thực hiện mục tiêu đưa người lên Mặt Trăng trước năm 2030. Đến nay, Trung Quốc đã khởi động việc phát triển và sản xuất tên lửa đẩy, tàu vũ trụ có người lái, các module hạ cánh, xe tự hành Mặt Trăng thế hệ mới có thể chở phi hành đoàn cùng nhiều kế hoạch tham vọng khác.

Đặc biệt, sáng 4/6, tàu vũ trụ Thường Nga-6 của Trung Quốc đã rời bề mặt Mặt Trăng, mang theo các mẫu vật thu thập được từ phần tối của hành tinh này. Đây là một thành tựu chưa từng có trong lịch sử khám phá Mặt Trăng của nhân loại.

Ngày 2/6, với sự hỗ trợ của vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều-2, tổ hợp tàu đổ bộ và cất cánh của Thường Nga-6 đã hạ thành công xuống điểm đáp đúng như tính toán ở bồn địa Nam Cực - Aitken thuộc vùng khuất của Mặt Trăng, đánh dấu một bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong cuộc chạy đua vào không gian. Bởi cho đến nay, ngoại trừ Trung Quốc, chưa có quốc gia nào khác đến được cực Nam, tức nửa không nhìn thấy, còn gọi là vùng tối của Mặt Trăng.

Rất khó để có thể hạ cánh xuống một hành tinh, đặc biệt là trên Mặt Trăng. Và những gì tôi thấy hôm nay dường như đã diễn ra một cách hoàn hảo. Họ đã hạ cánh đúng nơi họ muốn. Và hãy nhớ rằng, đó là ở phía bên kia của Mặt Trăng, chứ không phải là Mặt Trăng mà chúng ta có thể nhìn thấy.

Giáo sư Sylvestre Maurice - Viện nghiên cứu vật lý thiên văn và hành tinh học.

Tàu thăm dò Thường Nga-6 được phóng lên quỹ đạo vào ngày 3/5 trên tên lửa Trường Chinh từ bệ phóng tại địa điểm phóng Văn Xương, thuộc tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.

Tổ hợp Thường Nga-6 có tổng cộng 4 mô đun, gồm một tàu quỹ đạo, một tàu đổ bộ mang theo các dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật, một tàu lấy mẫu vật và một tàu chứa nhỏ để mang các mẫu vật thu được về Trái đất an toàn, còn gọi là tàu quay trở về. Thường Nga-6 được xem là sứ mệnh Mặt Trăng bằng robot phức tạp nhất của Trung Quốc cho đến nay.

Tàu Thường Nga-6 là một thành tựu chưa từng có trong lịch sử khám phá Mặt Trăng của nhân loại.

Tính đến nay, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đã có hai cuộc hạ cánh tàu thăm dò ở vùng tối của Mặt Trăng gồm Thường Nga-4, vào năm 2019 và Thường Nga-6. Đối với sứ mệnh Thường Nga-6, đây còn được đánh giá là bước ngoặt trong hành trình khám phá không gian của nhân loại, khi tàu được thiết kế để thu thập 2 kg mẫu vật tại khu vực, rồi gửi chúng trở lại Trái đất, dự kiến vào cuối tháng 6.

Nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch, lượng mẫu vật kể trên sẽ cung cấp cho Trung Quốc thông tin về lịch sử 4,5 tỷ năm của Mặt Trăng và manh mối mới về quá trình hình thành của hệ Mặt Trời. Chúng còn cho phép so sánh giữa vùng tối và vùng sáng của Mặt Trăng, điều chưa từng thực hiện.

Sau hai ngày thực hiện nhiệm vụ, sáng 4/6, tàu lấy mẫu vật mang theo những mẫu vật quý đã rời khỏi bề mặt Mặt Trăng, đi vào quỹ đạo đã định sẵn và ghép nối thành công với tổ hợp tàu quỹ đạo và tàu trở về. Theo kế hoạch, sau khi tách khỏi tàu quỹ đạo, tàu trở về sẽ hạ cánh cùng với các mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng tại bãi đáp Siziwang Banner ở khu tự trị Nội Mông phía Bắc Trung Quốc sau hành trình kéo dài 53 ngày.

Cuộc đua xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng

Trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trụ ngày càng khốc liệt, Mặt Trăng đang dần trở thành “vùng đất mới” để cạnh tranh giữa các quốc gia. Từ sứ mệnh Artemis của Mỹ đến dự án Thường Nga của Trung Quốc, hay các chương trình thám hiểm Mặt Trăng của châu Âu, Nga và Ấn Độ, ý nghĩa chiến lược và giá trị khoa học của Mặt Trăng đang được xem xét lại trên toàn cầu. Vậy tại sao nhiều quốc gia đua nhau xây căn cứ trên Mặt Trăng? Tầm quan trọng của căn cứ Mặt Trăng là gì?

Trạm không gian "Lunar Gateway" (Cổng Mặt Trăng).

Các chuyên gia nhận định Mỹ và Trung Quốc đang trong một cuộc chạy đua không gian mới, nhưng không chỉ đơn giản đặt chân lên Mặt Trăng như thời Chiến tranh lạnh, mà là tìm kiếm và kiểm soát các nguồn tài nguyên. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang phát triển chương trình trạm vũ trụ riêng biệt cho Mặt Trăng.

Chương trình Artemis do Mỹ dẫn đầu bao gồm kế hoạch về trạm không gian "Lunar Gateway" (Cổng Mặt Trăng). Quay quanh Mặt Trăng, trạm không gian này đóng vai trò là trung tâm liên lạc, nơi lưu trú cho phi hành gia và phòng thí nghiệm khoa học.

Mỹ không quan tâm đến việc sở hữu Mặt Trăng vì họ đã từng đặt chân lên đó. Mỹ biết rõ Mặt Trăng không phải là nơi có thể sinh sống được và quan tâm đến sao Hỏa hơn.

Giáo sư Kazuto Suzuki - Đại học Tokyo, Nhật Bản.

Một nghiên cứu vào năm 2018 đưa ra các bằng chứng cho thấy có băng ở cực Bắc và cực Nam Mặt Trăng. Có băng tức là có nước và có thể bị phân huỷ thành khí oxy và hydro có thể được dùng làm nhiên liệu để phóng tên lửa. Do đó, Mỹ có thể xem Lunar Gateway giống như một trạm tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ tiến tới sao Hỏa.

Trạm không gian này đóng vai trò là trung tâm liên lạc, nơi lưu trú cho phi hành gia và phòng thí nghiệm khoa học.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học cũng cho rằng, Mặt Trăng là một tiền đồn và căn cứ tiềm năng để mở rộng hoạt động khám phá không gian sâu. Sau Thường Nga-4, Thường Nga-6 là sứ mệnh thứ hai trong số bốn sứ mệnh được lên kế hoạch trong giai đoạn thứ tư của dự án thám hiểm Mặt Trăng đầy tham vọng của Trung Quốc, trong đó các sứ mệnh của Thường Nga-7 và 8 trong tương lai sẽ mở đường để Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch thành lập trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng. Từ năm 2021, Trung Quốc và Nga đã công bố kế hoạch hợp tác xây dựng một trạm nghiên cứu chung trên Mặt Trăng.

Sứ mệnh của Thường Nga-7 và 8 trong tương lai sẽ mở đường để Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch thành lập trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt Trăng.

Xây dựng những ngôi nhà ổn định và kiên cố trên bề mặt Mặt Trăng từng là một vấn đề nan giải khiến các nhà khoa học trên toàn thế giới khá hoang mang trong nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, hiện các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển các kỹ thuật xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng.

Trạm Mặt Trăng với những ngôi nhà trông giống như vỏ trứng có cấu trúc hình bầu dục đang được trưng bày.

Tại Trung tâm đổi mới công nghệ quốc gia về xây dựng kỹ thuật số có trụ sở tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, một trạm Mặt Trăng với những ngôi nhà trông giống như vỏ trứng có cấu trúc hình bầu dục đang được trưng bày, với tên gọi “Tàu Mặt Trăng”. Để giải quyết những thách thức đặt ra do môi trường chân không cực cao trên bề mặt Mặt Trăng, bên trong mỗi tàu Mặt Trăng đều có một túi khí vừa có thể chống lại động đất Mặt Trăng, vừa có hiệu suất cách nhiệt cao để có thể dùng làm không gian làm việc và sinh hoạt tốt cho các phi hành gia.

Tốc độ phát triển công nghệ không gian và tham vọng của Trung Quốc khiến Mỹ không khỏi lo ngại và người đứng đầu NASA Bill Nelson đã gọi đây là một cuộc chạy đua không gian mới.

Boeing và sứ mệnh không gian lịch sử

Cuộc đua vào không gian diễn ra sôi động không chỉ giữa chính phủ các quốc gia mà còn có sự góp mặt của các công ty tư nhân. Sau thành công của các công ty tiêu biểu như SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk, Blue Origin của doanh nhân Jeff Bezos và Virgin Galactic của tỷ phú Anh Richard với tham vọng đưa con người vào vũ trụ, mới đây một dấu mốc mới đã được thiết lập khi sau nhiều lần trì hoãn do vấn đề kỹ thuật, Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ đã phóng thành công tàu vũ trụ Starliner có người lái lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Chuyến bay này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng sau gần hai thập kỷ kể từ khi Mỹ thiết lập các chuyến bay thương mại lên vũ trụ có phi hành đoàn.

Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ đã phóng thành công tàu vũ trụ Starliner có người lái lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Sáng 5/6, theo giờ Mỹ, tàu Starliner chở theo hai phi hành gia NASA gồm Suni Williams (58 tuổi) và Butch Wilmore (61 tuổi) đã rời khỏi bệ phóng nhờ tên lửa Atlas V, từ bãi phóng ở mũi Canaveral, bang Florida.

Chúng ta đã nói về hàng chục nghìn bộ phận phải hoạt động trên tàu vũ trụ, trên phương tiện phóng và trên mặt đất và thậm chí cả thời tiết cũng phải phù hợp. Và hôm nay chúng ta đã có một màn đếm ngược và vụ phóng thực sự hoàn hảo.

Ông Mark Nappi - Giám đốc chương trình Starliner của Boeing.

Ngày 6/6, theo giờ Mỹ, một thành công nữa được ghi nhận khi tàu vũ trụ Starliner kết nối thành công với Trạm vũ trụ quốc tế, sau khi vượt qua một số thách thức ảnh hưởng đến hệ thống động cơ đẩy của tàu. Theo kế hoạch, tàu sẽ lưu lại ISS trong khoảng hơn một tuần. Trong thời gian này, hai nhà du hành sẽ tiến hành các thử nghiệm để kiểm tra hoạt động của con tàu, rồi sau đó sẽ lên lại tàu và trở về Trái đất.

Trước vụ phóng này, giới lãnh đạo NASA nhận định chuyến bay chở người đầu tiên của một tàu không gian mới là cột mốc quan trọng và là sứ mệnh lịch sử. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Starliner có thể được phê chuẩn để bay lên không gian thường xuyên hơn trong Chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA.

Sau vụ tai nạn tàu con thoi Columbia năm 2003, NASA đã cho tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011. Trong bối cảnh không có nhiều lựa chọn để đưa các phi hành gia đến và rời khỏi vũ trụ, NASA đã hỗ trợ phát triển một thế hệ tàu vũ trụ mới của tư nhân. Vào năm 2014, NASA đã ký hợp đồng trị giá 4,2 tỷ USD với Boeing để phát triển và vận hành tàu không gian mới nhằm phục vụ hoạt động của ISS, trong khi hợp đồng tương tự giữa NASA và SpaceX trị giá 2,6 tỷ USD.

Trong cuộc cạnh tranh này, SpaceX đã vượt lên và đi vào lịch sử hồi tháng 5/2020 với chuyến bay thử nghiệm của tàu Crew Dragon, đưa hai phi hành gia lên ISS trong sứ mệnh kéo dài hai tháng. Đến nay, tàu này đã có 13 chuyến bay đưa phi hành gia, khách hàng và du khách lên quỹ đạo.

SpaceX đã vượt lên và đi vào lịch sử hồi tháng 5/2020 với chuyến bay thử nghiệm của tàu Crew Dragon, đưa hai phi hành gia lên ISS trong sứ mệnh kéo dài hai tháng.

Trong khi đó, quá trình phát triển và thử nghiệm Starliner lại gặp không ít trục trặc. Theo tờ Los Angeles Times, việc vụ phóng ngày 5/6 diễn ra thành công đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ đối tác giữa Boeing và NASA. Việc có thêm một nhà cung cấp phương tiện phi hành đoàn thương mại có nghĩa là NASA sẽ không phải phụ thuộc vào một công ty hoặc phương tiện để phóng vào không gian như trước đây. Không dừng lại ở đó, thế hệ tàu này còn được kỳ vọng đưa người lên Mặt Trăng và cuối cùng là sao Hỏa trong chương trình Artemis đầy tham vọng.

Quan trọng hơn, cuộc phóng thành công đồng nghĩa với việc Starliner có thể cạnh tranh với SpaceX. Mặc dù hiện tại nhu cầu du lịch vũ trụ còn chưa lớn và Boeing cũng không có kế hoạch sớm tiếp thị Starliner cho lĩnh vực du lịch, nhưng cạnh tranh là điều quan trọng ở bất kỳ thị trường nào để giảm chi phí và tăng cường đổi mới. Theo ước tính của NASA, chi phí cho mỗi vị trí trên tàu Crew Dragon là khoảng 55 triệu USD, trong khi của Starliner là 90 triệu USD.

Trong năm 2024, ngoài Trung Quốc và Mỹ, các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, hay Cơ quan Vũ trụ châu Âu đều có kế hoạch chinh phục vũ trụ. Hoạt động khám phá không gian đem lại nhiều lợi ích và cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của nhiều công nghệ vào đời sống hằng ngày như hệ thống liên lạc vệ tinh, pin mặt trời, từ đó góp phần tạo thêm việc làm, tăng hiệu suất làm việc và phát triển nhiều lĩnh vực mới. Việc làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ sẽ mang lại những hiểu biết có giá trị về nguồn gốc của vũ trụ, tiềm năng của sự sống ngoài Trái đất và sự phát triển của các công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, cuộc đua vũ trụ cũng có thể khiến mối quan hệ giữa các quốc gia trở nên căng thẳng. Hậu quả khôn lường sẽ xảy ra nếu các quốc gia và thực thể tư nhân vượt qua "lằn ranh đỏ" về thăm dò và thương mại hóa. Tuy giới phân tích đánh giá hiện chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh không gian, song điều quan trọng là chính phủ các nước phải hợp tác chặt chẽ để thiết lập những chuẩn mực quốc tế, khuôn khổ pháp lý và thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo không gian vẫn là một miền hòa bình và bền vững, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Từ trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine diễn ra tại Thuỵ Sĩ, các nhà phân tích đã dự đoán rằng hội nghị này dường như không đạt được các mục tiêu đã nêu, cả về mặt đại diện tham dự và việc phát triển chương trình nghị sự thống nhất mà Kiev muốn thúc đẩy, khi không có sự tham gia của Nga.

Sau gần 25 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thấy tài năng của một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất lịch sử nước Nga. Ông đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới ở Nga, đưa đất nước từ chỗ đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã, trở lại thành cường quốc hàng đầu thế giới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiều khả năng năm 2024 sẽ là một năm nắng nóng kỷ lục tiếp theo, phá vỡ kỷ lục về nắng nóng của năm 2023.

Tình trạng đầu cơ bất động sản đã và đang diễn ra ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, không chỉ gây ảnh hưởng đến giá bất động sản trên thị trường mà còn khiến người thu nhập thấp không thể mua nổi nhà.

Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Ukraine tổ chức tại Thụy Sỹ đang có nguy cơ thất bại khi không có sự tham gia của nguyên thủ một số nước quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt là Nga.

Sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử sớm, gây choáng váng cho cả chính trường Pháp và châu Âu.