Mừng, lo sau lệnh ngừng bắn tạm thời tại Dải Gaza
Bước đột phá ngoại giao
Qatar, quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải giữa Israel và Hamas cho biết, hai bên sẽ tạm dừng giao tranh trong 4 ngày, bắt đầu từ 7h sáng nay, theo giờ địa phương, để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo tại dải Gaza. Trong thời gian ngừng bắn, phía Hamas sẽ trả tự do cho ít nhất 50 trong khoảng 240 con tin mà lực lượng này giam giữ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột. Trong khi đó, Israel cũng sẽ phóng thích 150 tù nhân người Palestine, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Qatar Majed Al-Ansari, nhóm con tin đầu tiên gồm 13 phụ nữ và trẻ em, bắt đầu được thả vào 16 giờ chiều cùng ngày. Một số tù nhân Palestine cũng được thả vào khoảng giờ này sau khi các con tin đã rời khỏi dải Gaza an toàn.
Việc Israel và Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn tạm thời đã được cả người dân Israel, Palestine và cộng đồng quốc tế hoan nghênh.
Một số nhà quan sát cho rằng, thoả thuận đột phá này sẽ kịp thời cứu sống nhiều sinh mạng trong bối cảnh các cuộc tấn công và lệnh bao vây phong toả của Israel đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, khiến nguồn sống tại dải Gaza dần cạn kiệt.
Trên thế giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh thỏa thuận và cảm ơn Qatar và Ai Cập vì những nỗ lực trung gian hoà giải.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho rằng, lệnh ngừng bắn tạm thời là một “bước quan trọng hướng tới gia đình các con tin và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza. Ông cũng kêu gọi việc thực thi thoả thuận một cách đầy đủ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ca ngợi thỏa thuận này là “tin tốt lành đầu tiên sau một thời gian dài”, cho rằng đó chính là cơ sở cho một giải pháp bền vững trong tương lai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cũng hoan nghênh lệnh ngừng bắn mà Israel và Hamas vừa đạt được và hy vọng rằng thoả thuận này sẽ giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo, thúc đẩy việc giảm leo thang xung đột và giảm bớt căng thẳng.
Theo giới quan sát, có một số yếu tố đã giúp hai bên đạt được thỏa thuận ở thời điểm hiện nay, trong đó có vai trò trung gian hoà giải của các quốc gia gồm Mỹ, Ai Cập và Qatar; áp lực chính trị nội bộ của Israel đối với Thủ tướng Netanyahu và cam kết của Hamas để đổi lấy tự do cho các tù nhân Palestine.
Vì sao thỏa thuận đạt được ở thời điểm này?
Lệnh ngừng bắn tạm thời vừa đạt được giữa Israel và Hamas ghi dấu ấn của Qatar. Trước đó, nhiều quốc gia ở Trung Đông đã mong muốn đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, nhưng Qatar nổi lên là nhân tố nắm giữ “chìa khoá” của cuộc khủng hoảng con tin ở Trung Đông và ủng hộ đối thoại ở khu vực này. Các nhà quan sát cho rằng, quốc gia nhỏ bé Qatar có thể đảm nhận vai trò trung gian trong xung đột được coi là khó giải quyết nhất thế giới, bởi đây là đất nước vô cùng giàu có, với nguồn cung khí đốt khổng lồ và đang định vị mình trở thành một phần không thể thiếu trong cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, quan điểm cân bằng của Qatar về cuộc xung đột hiện nay ở dải Gaza đã góp phần đưa đến thành công của thoả thuận ngừng bắn tạm thời.
Từ giai đoạn hai con tin người Mỹ được thả ngày 20/10 cho tới thỏa thuận thả 50 con tin ngày 22/11, các bên gồm Israel, Mỹ, Qatar và Hamas đã trải qua quá trình đàm phán khó khăn, tưởng như có lúc bế tắc. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Netanyahu đã ủng hộ lệnh ngừng bắn với Hamas và thuyết phục các bộ trưởng trong chính phủ của ông chấp nhận.
Một lý do khiến Israel đồng ý với lệnh ngừng bắn hiện nay là vì một thoả thuận như vậy ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều gia đình các con tin. Ngay trước khi Israel và Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn, gia đình của các con tin và hàng nghìn người ủng hộ họ đã tuần hành từ Tel Aviv đến Jerusalem đòi chính phủ phải hành động để các con tin được phóng thích.
Mặt khác, Israel có lẽ cũng đã tính toán chiến lược rằng chiến dịch quân sự kéo dài gần 7 tuần qua cho thấy họ đã thực hiện mục tiêu loại bỏ Hamas. Các chuyên gia cho rằng, việc tiêu diệt một nhóm chiến binh là một phần của một tổ chức chính trị và xã hội rộng lớn hơn có thể là điều bất khả thi và Israel dường như không muốn cho thấy họ đang thỏa hiệp ở thế yếu.
Trong khi đó, về mặt quân sự, việc tạm dừng xung đột có thể có lợi cho Israel sau khi cỗ máy chiến tranh của nước này đã hoạt động tối đa công suất trong sáu tuần trên không và ba tuần trên bộ ở Dải Gaza. Trên một số diễn đàn trực tuyến chuyên ngành, có thông tin rằng không quân Israel, sau khi sử dụng hơn 2.500 Đạn Tấn công Trực tiếp Kết hợp tại Gaza, thì hiện chỉ còn số lượng bom thông minh dự trữ đủ sử dụng cho 10 ngày.
Theo nhận định của giới quan sát, lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas rất mong manh và có thể bị phá vỡ bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nó cũng có thể sẽ thay đổi tình hình trên thực địa và khiến việc Israel tiếp tục chiến sự trở nên phức tạp hơn nhiều.
Tác động của lệnh ngừng bắn đến tình hình chiến trường
Lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas đạt được vào một thời điểm mong manh. Quân đội Israel đã kiểm soát phần lớn miền Bắc Gaza cho biết, họ đã dỡ bỏ các đường hầm và phần lớn cơ sở hạ tầng của Hamas ở đó. Nhưng các quan chức Israel cũng thừa nhận cơ sở hạ tầng của Hamas vẫn còn nguyên vẹn ở những nơi khác. Trong những ngày gần đây trước khi đạt được lệnh ngừng bắn, Israel tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào cả miền Nam Gaza.
Đối với Israel, việc kết thúc cuộc chiến vào lúc này sẽ khiến nước này không đạt được mục tiêu tiêu diệt Hamas. Không chỉ vậy, với lệnh ngừng bắn, Hamas sẽ có cơ hội tập hợp lại. Lãnh đạo Hamas có thể sẽ coi việc thả tù nhân như một thành tựu lớn và tuyên bố chiến thắng nếu chiến tranh kết thúc.
Israel đã nói rất rõ ràng rằng, một khi lệnh ngừng bắn kết thúc, cuộc giao tranh sẽ tiếp tục nhằm loại bỏ Hamas và giải phóng thêm những con tin không được thả theo thỏa thuận, chẳng hạn như các binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ Israel.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, lệnh ngừng bắn tạm thời này có thể khiến việc tiếp tục chiến sự trở nên phức tạp hơn. Israel tin rằng có khoảng 90 phụ nữ và trẻ em cùng nhiều công dân nước ngoài đang bị Hamas giam giữ. Họ đã đề nghị Hamas gia hạn ngừng bắn thêm 24 giờ cho mỗi 10 con tin mà họ thả ra. Sau hơn sáu tuần bị oanh tạc dữ dội từ trên không và trên bộ, rất có thể Hamas sẽ cố gắng tạm dừng giao tranh càng lâu càng tốt.
Thỏa thuận này cũng sẽ mở đường để viện trợ nhân đạo vào Gaza nhiều hơn. Nếu miền Nam Gaza trở thành một khu vực nhân đạo rộng lớn, thì Israel sẽ khó tấn công hơn nhiều do nguy cơ gây thương vong cho nhân viên cứu trợ quốc tế sẽ gia tăng.
Không chỉ vậy, áp lực quốc tế yêu cầu ngừng bắn đã gia tăng trong những tuần gần đây và dự kiến sẽ càng nhiều hơn sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Hiện tại, Mỹ vẫn ủng hộ Israel tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được mục tiêu, nhưng sự phản đối của công chúng Mỹ đối với cuộc xung đột ở Gaza đang ngày càng tăng có thể sẽ khiến Tổng thống Joe Biden phải thay đổi quan điểm của mình.
Lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas có thể sẽ mở đường cho thêm những khoảng dừng nhân đạo tại dải Gaza. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, dường như những khổ đau đối với người dân Gaza vẫn chưa kết thúc. Thủ tướng Israel Netanyahu đã cam kết sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự ở Gaza sau thời gian tạm ngừng giao tranh. Cũng không có lệnh ngừng bắn hay tạm ngừng bắn nào được đàm phán ở biên giới phía Bắc của Israel với Liban, nơi các cuộc đụng độ giữa lực lượng Hezbollah và Israel vẫn xảy ra hàng ngày. Còn về lâu dài, tương lai của dải Gaza vẫn mờ mịt khi đến nay vẫn chưa có một giải pháp chính trị khả thi nào cho một trong những cuộc xung đột phức tạp nhất thế giới.
Tương lai bất định cho Dải Gaza
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không giải thích cụ thể khi ông phát biểu gần đây rằng Israel sẽ phụ trách bảo đảm “an ninh tổng thể” vô thời hạn ở Dải Gaza sau khi nước này loại bỏ lực lượng Hamas.
Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những gì diễn ra trước đây cho thấy, bất kỳ vai trò an ninh nào của Israel ở Dải Gaza cũng sẽ bị người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế coi là một hình thức chiếm đóng quân sự. Điều này có thể làm phức tạp thêm bất kỳ kế hoạch nào nhằm trao trách nhiệm quản lý cho Chính quyền Palestine hoặc các quốc gia Ả-rập thân thiện, đồng thời có nguy cơ khiến Israel sa lầy vào một cuộc chiến tiêu hao nguồn lực.Lâu nay, giải pháp “hai nhà nước” vẫn được nhắc đến cho xung đột Israel – Palestine.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sẽ cần phải có một thỏa thuận chính trị lớn hơn cho cuộc xung đột hiện nay, bởi những vấn đề cốt lõi khiến hai bên quan ngại sẽ không thể được giải quyết bằng biện pháp quân sự.
Theo các chuyên gia, tương lai của dải Gaza và người Palestine vẫn sẽ đòi hỏi phải có sự tham gia gián tiếp với Hamas. Ngoài ra, điều đó còn phụ thuộc vào việc liệu sẽ có thêm nhiều quốc gia phương Tây kêu gọi ngừng bắn hay không? Bởi những lời kêu gọi như vậy có thể gây áp lực để Mỹ cùng các quốc gia khác tìm kiếm một giải pháp thay thế cho cuộc xung đột đẫm máu hiện nay.
Lệnh ngừng bắn tạm thời là một bước đột phá lớn sau gần 7 tuần xung đột giữa Israel và Hamas, nhưng một kết quả lớn hơn đã rõ ràng. Đó là cần phải có thêm nhiều biện pháp ngoại giao hơn nữa. Con số 4 ngày ngừng bắn là không đủ. Theo giới quan sát, mặc dù Israel vẫn coi đàm phán là một thất bại hay nhượng bộ, nhưng đó thực sự là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình và an ninh cho khu vực trong tương lai. /.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.
Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.
Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.
0