Mỹ 'cởi trói' vũ khí cho Ukraine: Nước cờ đầy rủi ro

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Vì sao Mỹ thay đổi quan điểm?

Trong hai năm qua, Ukraine đã nhiều lần đề nghị Mỹ cho phép nước này sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa do Washington sản xuất có tên gọi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS để tấn công sâu vào lãnh thổ của Ukraine do Nga kiểm soát cũng như vào chính nước Nga.

Mỹ đã cung cấp ATACMS cho Ukraine vào năm 2023, nhưng vẫn chưa cho phép sử dụng tên lửa này vào các mục tiêu trong lãnh thổ do lo ngại nếu Ukraine sử dụng tên lửa này để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, Nga có thể đáp trả bằng cách leo thang cuộc xung đột. Một số quan chức Lầu Năm Góc cũng phản đối việc cung cấp những tên lửa này cho Ukraine do nguồn cung hạn chế.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ hạn chế đối với vũ khí tầm xa, lập luận rằng các đợt chuyển giao ATACMS sẽ là vô nghĩa nếu chúng không thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu của Nga, song khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine đã phải ra về tay trắng.

Vậy đâu là lý do khiến ông Biden thay đổi quyết định ở thời điểm này? Theo giới quan sát, sự thay đổi này diễn ra sau khi hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên được cho là đã được triển khai đến tỉnh Kursk của Nga và đang cùng Moscow chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm giành lại phần lãnh thổ mà Ukraine đã chiếm được từ hồi tháng 8. Sự tham gia của quân đội Triều Tiên trong cuộc xung đột đã khiến cả Washington và Kiev không khỏi lo ngại.

“Quân đội Triều Tiên đã được triển khai ở Nga để chống lại Ukraine, đây là một sự leo thang đáng kể và nó khiến chúng ta càng tập trung và quyết tâm hơn để đảm bảo rằng Ukraine có những gì cần thiết để chống lại Nga, bao gồm cả Triều Tiên.”

Ông Mark Rutte - Tổng thư ký NATO

Nga và Triều Tiên mới đây đã ký kết và phê chuẩn Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có điều khoản cam kết hai nước sẽ hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công. Một quan chức Mỹ đã xác nhận với báo giới rằng sự thay đổi trong chính sách của Washington nhằm mục đích ngăn chặn việc triển khai thêm quân đội Triều Tiên, bao gồm các đơn vị được mô tả là lực lượng đặc nhiệm “tinh nhuệ” của nước này.

“Tôi nghĩ rằng diễn biến này, tức việc bổ sung bộ binh nước ngoài, đòi hỏi một số phản ứng. Và tôi thấy thú vị khi ông Biden đưa ra quyết định này tại một cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tôi đoán là vì Hàn Quốc và Nhật Bản đang xem xét vấn đề này và nhận thấy một mối đe dọa thực sự lớn hơn nếu Triều Tiên gửi bộ binh, tích lũy kinh nghiệm quý báu, có thể đạt được một số công nghệ mới mang tính thay đổi cuộc chơi trong việc phát triển tên lửa đạn đạo”. 

Ông Ian Kelly - Cựu đại sứ Mỹ tại Gruzia

Ngoài ra, sự thay đổi trong quan điểm của Tổng thống Mỹ Biden còn được thúc đẩy bởi một yếu tố khác. Đó là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đang đến gần của ông Donald Trump, người từng tuyên bố rằng ông có thể “kết thúc xung đột trong vòng một ngày” và nhiều lần chỉ trích mức tài trợ mà Ukraine nhận được từ Mỹ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra vào tháng 2 năm 2022, chính quyền Mỹ đã gửi hơn 64,1 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Kiev.

“Tôi nghĩ ông Biden và các cố vấn của ông ấy đang cố gắng làm những gì có thể trước khi trao lại quyền lực cho tổng thống đắc cử Donald Trump vào tháng 1. Các chính sách của ông Biden ở Ukraine sẽ trở thành một phần di sản của ông ấy, và quyết định mới nhất nhằm củng cố điều đó”.

Ông George Barros, Nhà phân tích tại Viện nghiên cứu chiến tranh Mỹ

Từ sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử hôm 5/11, các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Biden đã nhiều lần nói rằng họ sẽ sử dụng thời gian còn lại để đảm bảo Ukraine có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ “vị thế mạnh”.

Những mục tiêu có thể bị tấn công

Tên lửa ATACMS, do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, là loại tên lửa đạn đạo có thể tấn công mục tiêu cách xa 305km với đầu đạn chứa khoảng 170kg thuốc nổ. Tên lửa này bay cao vào bầu khí quyển sau đó quay trở lại mặt đất với tốc độ cực cao do lực hấp dẫn, với vận tốc tối đa lên tới Mach 3. Tên lửa có thể tấn công vào các mục tiêu ở sâu hơn trong lãnh thổ Nga so với bất kỳ tên lửa nào khác của Ukraine, nhưng không thể bay xa như tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Cũng trong ngày 17/11, tờ Le Figaro (Pháp) cho biết, sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa của mình tấn công Liên bang Nga, Pháp và Anh cũng đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow với mục đích tương tự. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu những tên lửa này có thể tấn công những mục tiêu nào của Nga?

Các quan chức Mỹ cho biết Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS để phòng thủ trước cuộc phản công tiếp theo của quân đội Nga và Triều Tiên, có thể được bắt đầu trong vài ngày tới với mục tiêu đẩy lùi các lực lượng Kiev về bên kia biên giới.

Mặt khác, thời gian qua, bom lượn của Nga, loại đạn dược được chuyển đổi với hệ thống dẫn đường được phóng từ máy bay, đã tàn phá tiền tuyến của Ukraine. Với khả năng phòng không hạn chế, Kiev không thể ngăn chặn các cuộc tấn công bằng bom lượn, do vậy họ muốn được phép tấn công các máy bay phóng những vũ khí này khi chúng vẫn còn trên các sân bay ở Nga. Tên lửa Storm Shadows, được thiết kế để xuyên sâu vào bê tông, có thể phát huy hiệu quả khi chống lại các sở chỉ huy quân sự hoặc kho đạn dược của Nga. Còn tên lửa ATACMS với đầu đạn chùm, có thể được sử dụng để gây thiệt hại đáng kể cho các sân bay.

Tình báo Mỹ tin rằng, Nga đã chủ động di chuyển 90% máy bay mà họ sử dụng trong các cuộc tấn công bằng bom lượn ra khỏi tầm bắn của ATACMS. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những tên lửa tầm xa của Ukraine không có tác dụng. Theo Viện nghiên cứu chiến tranh, 17 căn cứ không quân và ít nhất 250 mục tiêu quân sự lớn của Nga vẫn nằm trong phạm vi của ATACMS, mặc dù không rõ có bao nhiêu máy bay còn được cất giữ tại đó.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ có trao cho Ukraine một danh sách mở để nhắm mục tiêu vào bất kỳ cơ sở hạ tầng nào của Nga hay không, hoặc liệu họ có được yêu cầu chỉ thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự cụ thể của Nga hay không. Tuy nhiên, một mục tiêu lớn hơn khi sử dụng các hệ thống tầm xa sẽ là Kiev có thể nhắm mục tiêu vào toàn bộ mạng lưới cung cấp quân sự của Nga. Những mục tiêu đó có thể là cơ sở hậu cần mà quân đội Nga sử dụng để duy trì cuộc chiến, bao gồm các tuyến tiếp tế, trung tâm hậu cần, thiết bị liên lạc và các mạng lưới khác giúp đưa thực phẩm, nhiên liệu và đạn dược đến tiền tuyến.

Quyết định muộn màng và nhiều rủi ro

Quyết định của Tổng thống Joe Biden đã khiến Mỹ can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột Ukraine. Đây có thể được coi là một bước tiến đáng kể của Washington trong việc hỗ trợ cho Kiev. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cũng giống như những loại vũ khí trước đó mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, quyết định lần này của chính quyền Biden dường như vẫn được đưa ra vào thời điểm gần như đã quá muộn. Hơn nữa, việc cung cấp tên lửa tầm xa để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga sẽ không giúp xoay chuyển cục diện xung đột, trong khi có thể kéo theo nhiều rủi ro nguy hiểm.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky đã kêu gọi phương Tây tăng cường hỗ trợ thêm cho nước này trong một bài phát biểu video được đăng trên X vào đêm ngày 17/11, giờ địa phương, trong đó ông ám chỉ đến việc Mỹ đã đồng ý cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa.

“Hôm nay, phương tiện truyền thông đưa tin rất nhiều rằng chúng tôi đã nhận được sự chấp thuận để thực hiện các hành động tương đối. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những điều này không được công bố. Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó”.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky

Trước đó cùng ngày, Ukraine đã rung chuyển khi Nga đã tiến hành một đợt không kích được đánh giá là một trong những cuộc tấn công quy mô lớn nhất kể từ khi xung đột bắt đầu. Theo Tổng thống Zelensky, Nga đã phóng 120 tên lửa và 90 máy bay không người lái vào Ukraine, trong đó 140 mục tiêu đã bị phòng không nước này bắn hạ. Cuộc tấn công đã phá hủy một nửa công suất sản xuất điện của Ukraine, xảy ra trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần, lực lượng quân đội đang dần lép vế trước Nga, và viện trợ từ phương Tây có nguy cơ bị ảnh hưởng sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tại chiến trường miền Đông Ukraine, Nga đang tiến quân với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2022. Trong khi đó tại mặt trận Kursk, do thiếu hụt nhân sự, Ukraine đã để mất một số vùng đất mà họ chiếm được trong cuộc tấn công vào tỉnh biên giới này của Nga vào tháng 8 mà ông Zelensky từng nói rằng có thể đóng vai trò là một con bài mặc cả. Trong bối cảnh ấy, quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đã được đưa ra quá muộn.

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, theo giới phân tích, không có hệ thống hoặc loại khí tài nào có thể xoay chuyển cục diện xung đột. Mặt khác, còn có những câu hỏi mà Tổng thống Biden cần cân nhắc. Thứ nhất, để sử dụng tên lửa, Ukraine cần được NATO đào tạo và hỗ trợ. Thứ hai, Mỹ cũng cần đưa ra các quy tắc nghiêm ngặt để đảm bảo Ukraine chỉ sử dụng loại vũ khí này tấn công các mục tiêu quân sự, chứ không phải cơ sở hạ tầng dân sự. Nhưng rủi ro trong cuộc xung đột này rất cao, vì thế Washington phải tìm cách đảm bảo các nguyên tắc, trong đó tính đến tương lai của châu Âu và uy tín của Mỹ. Ngoài ra, các loại tên lửa tầm xa không thể giúp Ukraine thay đổi cục diện xung đột do Kiev không có đủ số lượng vũ khí cần thiết để tạo ra sự khác biệt.

Bình luận về động thái của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh rằng Tổng thống Vladimir Putin đã nêu ý kiến của mình về vấn đề này. Vào tháng 9, ông Putin đã cảnh báo rằng Moscow sẽ coi việc phương Tây cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga là hành động chiến tranh trực tiếp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sẽ đáp trả tương ứng.

“Vì một lý do nào đó, phương Tây tin rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có học thuyết hạt nhân, hãy xem trong đó nói gì. Nếu hành động của ai đó đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng mọi biện pháp có thể.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Một nguy cơ khác cũng được đặt ra, đó là nếu binh sỹ Triều Tiên bị nhắm mục tiêu, điều này có thể khiến Bình Nhưỡng gia tăng mức độ tham gia vào cuộc xung đột.

Lâu nay, phương Tây vẫn thận trọng trong mỗi quyết định có thể khiến xung đột leo thang và thường mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine rồi sau đó từ từ thay đổi các điều khoản sử dụng. Trong khi đó, các biện pháp đáp trả của Nga cũng đã tăng dần. Mặc dù hiện nay, tình hình vẫn được kiểm soát nhưng không ai có thể đảm bảo rằng điều đó vẫn được duy trì trong tương lai.

Mặt khác, vấn đề cốt lõi hiện nay là ông Joe Biden hiện đã ở trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống. Chỉ còn hai tháng nữa, ông sẽ phải trao lại quyền lực cho người kế nhiệm Donald Trump. Chưa rõ liệu chính quyền Trump có tiếp nối chính sách vũ khí mới của ông Biden hay không, nhưng một số đồng minh thân cận nhất của ông đã lên tiếng chỉ trích về quyết định này của Nhà Trắng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Bộ Quốc phòng Philippines ngày 18/11 thông báo nước này và Mỹ đã ký Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ an ninh giữa hai đồng minh quốc phòng.

Truyền thông Mỹ và châu Âu đồng loạt đưa tin Mỹ, Pháp và Anh đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do những nước này cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Với niềm đam mê thiên văn, một nhà thiết kế quang học đầy tham vọng của Ai Cập đã thành lập nhà máy đầu tiên sản xuất kính thiên văn mang nhãn hiệu Ai cập. Ông cũng cung cấp các chương trình đào tạo và thực hành cho học viên và thành lập một bảo tàng dành cho những người yêu thích quang học.

Các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc đã phát triển một loại bánh xe biến hình, có thể thay đổi hình dạng, cho phép xe leo cầu thang hay di chuyển trên những con đường đầy đá.

Hội chợ lạc đà Pushkar là một trong những lễ hội lớn nhất và độc đáo nhất ở Ấn Độ. Nơi đây không chỉ diễn ra các hoạt động mua bán lạc đà sôi nổi mà còn là dịp để du khách được trải nghiệm văn hóa đặc sắc của bang Rajasthan.