Mỹ nối lại viện trợ, xung đột Nga - Ukraine kéo dài
Ukraine nhận được gì từ gói viện trợ mới của Mỹ?
Do vấp phải sự phản đối của một số thành viên Đảng Cộng hòa trong Hạ viện nên chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không gửi gói viện trợ nào cho Kiev kể từ tháng 12 năm ngoái, khiến nguồn đạn dược và trang thiết bị của Ukraine dần cạn kiệt.
Theo dự luật vừa được Quốc hội Mỹ thông qua, hơn 1/3 gói viện trợ, tương đương 23,2 tỷ USD, sẽ được Mỹ dùng để bổ sung kho dự trữ quân sự của mình, mở đường cho việc chuyển giao viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong tương lai. 14 tỷ USD khác sẽ dành cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, để Lầu Năm Góc mua các hệ thống vũ khí mới tiên tiến cho quân đội Ukraine trực tiếp từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Hơn 11 tỷ USD tài trợ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington. Đạo luật này cũng bao gồm việc chuyển giao hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) nhằm hỗ trợ tăng cường khả năng chiến đấu tầm xa của Ukraine.
Chúng tôi thà gửi đạn đến cuộc xung đột ở nước ngoài hơn là gửi những chàng trai của chúng tôi, quân đội của chúng tôi. Và tôi nghĩ đây là một thời điểm quan trọng, một cơ hội quan trọng để đưa ra quyết định đó.
Ông Mike Johnson - Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Gói viện trợ từ Mỹ đã mở ra tia hy vọng mới cho Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm với Nga, trong khi Kiev đang kiệt quệ về cả nhân lực lẫn vật lực trên chiến trường.
Cảm ơn nước Mỹ. Chúng tôi trân trọng tất cả những sự ủng hộ cho Ukraine. Chúng tôi sẽ sử dụng sự hỗ trợ của Mỹ để củng cố sức mạnh của mình.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Các quan chức quốc phòng Mỹ tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sẵn các thùng vũ khí, thiết bị quân sự để có thể cung cấp cho Ukraine ngay sau khi gói viện trợ được thông qua. Một số thiết bị đã được cất sẵn ở các nước châu Âu và có thể tới tay Ukraine chỉ trong vài ngày. Trong số các loại vũ khí có thể di chuyển nhanh chóng có đạn 155mm và các loại đạn pháo khác, cùng với một số loại đạn phòng không.
Ukraine tổn thất khi Mỹ trì hoãn viện trợ
Theo báo chí Mỹ, đây là gói viện trợ quân sự lớn đầu tiên của Mỹ dành cho Ukraine trong 16 tháng. Giới quan sát nhận định, trong suốt nhiều tháng, việc Mỹ trì hoãn viện trợ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Ukraine khi Kiev bị thua thiệt về mặt vũ khí so với Moscow với tỷ lệ 1/10.
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine và các khí tài Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với nỗ lực duy trì xung đột của Kiev vì chúng chuyên dụng hơn các thiết bị từ châu Âu. Vậy nên việc viện trợ cho Ukraine trong suốt nhiều tháng bị mắc kẹt tại Hạ viện Mỹ đã khiến Kiev phải gánh chịu tổn thất cả về người và lãnh thổ.
Bà Kateryna Stepanenko, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến tranh, cho hay: “viện trợ đến quá muộn, tình trạng thiếu trang thiết bị khiến Ukraine mất thế chủ động từ tháng 10 năm 2023. Từ đó đến nay, Ukraine đã mất 583 km2 lãnh thổ vào tay lực lượng Nga, phần lớn là do thiếu đạn pháo, trong khi Nga đã có thời gian chuẩn bị cho các hoạt động tấn công dự kiến vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè này”.
Trong nửa năm, kể từ khi Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ lần đầu tiên trì hoãn gói viện trợ cho Ukraine, thế chủ động trên chiến trường đã nghiêng hẳn về phía Nga. Moscow đã tận dụng sự chậm trễ tại Quốc hội Mỹ để làm cạn kiệt kho vũ khí phòng không của Kiev, đồng thời đẩy mạnh tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng cũng như các thành phố lớn của nước này.
Trên chiến trường, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrsky từng cảnh báo rằng tình hình đã “xấu đi đáng kể”. Các lực lượng Nga, với ưu thế vượt trội Ukraine về quân số và đạn pháo, đã tăng cường các hoạt động tấn công dọc theo một số điểm trên chiến tuyến dài 1.000km và giành quyền kiểm soát nhiều cứ điểm. Hiện Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine.
Trong khi đó, binh sỹ Ukraine chia sẻ rằng họ hầu như không thể trụ vững trước các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga.
Tình hình rất tệ, trước đây chúng tôi có rất ít đạn pháo, còn bây giờ gần như không có gì. Những gì chúng tôi được giao chỉ đủ cho nửa giờ chiến đấu, chỉ cho một nhiệm vụ mà thôi.
Anh Oleksandr - Lữ đoàn cơ giới riêng biệt số 93 của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky, vào tuần trước, cho biết Nga hiện có thể bắn số đạn pháo nhiều gấp 10 lần so với quân đội Ukraine.
Ukraine: khó khăn vẫn còn chồng chất
Theo các nhà phân tích, gói viện trợ mới của Mỹ sẽ là liều thuốc tinh thần cần thiết cho quân đội Ukraine sau nhiều tháng thất bại trên chiến trường. Thiết bị phòng không cùng đạn dược từ Mỹ cũng sẽ giúp Ukraine bổ sung phần nào nguồn cung vũ khí đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, qua đó làm chậm bước tiến của các lực lượng Nga. Tuy nhiên, để giành được ưu thế trên chiến trường thì Kiev sẽ cần nhiều hơn thế. Không có gì đảm bảo rằng họ sẽ được nhận thêm viện trợ, và vẫn còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi trong thời gian sắp tới.
Một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên nói với tờ Financial Times rằng dòng vũ khí sắp được chuyển giao, đặc biệt là đạn pháo và đạn dược cho các hệ thống phòng không “sẽ chỉ giúp làm chậm chứ không thể ngăn cản được bước tiến của Nga”.
Theo ông Rob Lee, nhà phân tích quân sự và thành viên cấp cao trong Chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại, ngay cả với sự hỗ trợ mới của Mỹ, “Nga vẫn sẽ có lợi thế về pháo binh”.
Còn ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ, một tổ chức nghiên cứu quốc phòng ở Moscow, cho rằng lợi ích mà Ukraine nhận được từ vũ khí tiên tiến của Mỹ còn phụ thuộc vào số lượng được cung cấp. Hiện dự luật của Mỹ mới chỉ liệt kê nguồn tài chính để mua vũ khí chứ không liệt kê số lượng mỗi hệ thống mà Washington sẽ cung cấp cho Kiev.
Trong khi đó, Nga cảnh báo sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào vũ khí phương Tây tại Ukraine.
Chúng tôi sẽ tăng cường sản xuất các loại vũ khí và thiết bị quân sự phổ biến nhất, tăng cường độ tấn công vào các trung tâm hậu cần và kho chứa vũ khí của phương Tây. Lực lượng vũ trang Nga sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao cho đến khi hoàn thành đầy đủ các mục tiêu của chiến dịch đặc biệt.
Ông Sergei Shoigu – Bộ trưởng Quốc phòng Nga.
Theo giới quan sát, viện trợ của Mỹ không phải là “viên đạn bạc”. Bởi không chỉ thiếu vũ khí, đạn dược, Ukraine còn đang phải đối mặt với một thách thức khác nữa, đó là thiếu nhân lực.
Ukraine đang gặp khó khăn trong công tác tuyển tân binh do nhiều người đủ điều kiện tìm cách né tránh quân dịch, hậu quả là khoảng một triệu đàn ông phục vụ trong quân đội Ukraine đã trở nên mệt mỏi và kiệt sức vì phải chiến đấu suốt hơn 2 năm qua nhưng không được giải ngũ.
Các nhà phân tích cho rằng gói viện trợ của Mỹ sẽ giúp Kiev có thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực. Tuy vậy, chính các chuyên gia quân sự Ukraine cũng không hề ảo tưởng rằng sự trợ giúp của Mỹ sẽ giúp đất nước họ vượt qua cuộc chiến hiện nay. Một cựu sĩ quan Ukraine điều hành nhóm phân tích Frontelligence Insight cho rằng gói viện trợ lớn của Mỹ có thể là gói viện trợ cuối cùng trong năm nay.
Không chỉ vậy, hiện chưa thể nói trước điều gì nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà trắng. Cựu tổng thống Mỹ và những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội trước đây từng phản đối việc viện trợ thêm cho Ukraine, cho rằng viện trợ nên được thiết lập như một khoản cho vay chứ không phải một món quà tặng.
Cục diện chiến trường và hệ luỵ toàn cầu
Đến nay, Ukraine đã trở thành quốc gia châu Âu nhận viện trợ nước ngoài nhiều nhất từ Mỹ kể từ sau Thế chiến 2. Theo Hội đồng Quan hệ đối ngoại, chưa tính gói viện trợ mới được thông qua, trong hơn 2 năm nổ ra xung đột với Nga, Kiev đã nhận hơn 74 tỷ USD viện trợ từ Washington, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đã viện trợ cho Ukraine hơn 106 tỷ USD. Bất chấp thực tế đó, trong hơn 2 năm xung đột vừa qua, Ukraine vẫn không thể giành được ưu thế trước Nga. Theo giới quan sát, gói viện trợ mới cũng không thể giúp Kiev thay đổi cục diện trên chiến trường mà chỉ khiến xung đột tiếp tục kéo dài, dẫn tới những hệ luỵ đối với kinh tế toàn cầu.
Trước tình hình Ukraine đang phải vừa đánh vừa lùi, gói viện trợ mới của Mỹ chủ yếu sẽ hỗ trợ Kiev trong công tác phòng thủ. Giới quan sát cho rằng ổn định và giữ vững mặt trận hiện là mục tiêu và điều có thể hy vọng nhất của Ukraine. Không ai ảo tưởng rằng khoản viện trợ mới đủ sức để Ukraine nhanh chóng tấn công đáp trả Nga hoặc cho phép Kiev xoay chiều cục diện trên chiến trường trong năm 2024.
Ông Matthew Savill - chuyên gia nghiên cứu quân sự nhận định: “các nguồn tài trợ chỉ giúp kéo dài thêm thời gian cho Ukraine chứ chưa thể lật ngược cán cân quân sự trên chiến trường trong thời điểm này”.
Theo ước tính, ngân sách quân sự của Nga hiện đã chạm mốc 7,5% GDP. Bên cạnh việc sử dụng máy bay không người lái (UAV), chiến thuật hiện tại của Moscow ưu tiên những loại bom lượn phóng từ những khoảng cách mà Kiev không thể chống trả, nhằm thực hiện những cuộc tấn công tầm xa. Nga cũng có lợi thế về nhân lực so với Ukraine và đang tận dụng những lợi thế này để đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi những cứ điểm chiến lược.
Trong bối cảnh Nga vẫn quyết tâm đạt được các mục tiêu đặt ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine vẫn kiên quyết từ chối đàm phán với Tổng thống Nga Putin và quyết tâm lấy lại toàn bộ lãnh thổ, trong đó có Crimea, còn các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ tiếp tục đổ vũ khí vào chiến trường, cuộc xung đột được dự báo sẽ còn kéo dài.
Về nguyên tắc, gói viện trợ mới của Mỹ dành cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường, mà chỉ khiến thêm nhiều người Ukraine thiệt mạng và Ukraine sẽ chịu nhiều tổn thất hơn.
Ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn Điện Kremlin.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài khốc liệt không chỉ gây tổn thất cả về người và của cho cả hai bên tham chiến, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường địa chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva mới đây cảnh báo cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm giữa Nga và Ukraine đang làm tổn hại đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Trong đó đặc biệt phải kể tới tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng, đẩy giá năng lượng tăng, và kéo theo chi phí logistic cao hơn.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu lửa toàn cầu - đã tăng từ mức dưới 76 USD/thùng vào thời điểm đầu năm nay lên mức hơn 90 USD/thùng hiện nay, tương đương tăng hơn 18%. Tình trạng này đã dẫn tới chi phí hàng hoá tăng và kéo áp lực lạm phát toàn cầu tăng theo.
Bên cạnh đó, xung đột cũng gây gián đoạn chuỗi cung ứng và các hoạt động thương mại, từ đó đặt ra rào cản đối với tăng trưởng kinh tế giữa lúc sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 còn chậm chạp.
Thị trường năng lượng, tài chính, tiền tệ chao đảo, lạm phát tăng vọt, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do xung đột Nga – Ukraine cũng là những nguyên nhân khiến Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế thế giới có thể sẽ bước vào thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1929-1933.
Dù nhìn dưới góc độ nào thì cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2 năm 2022 đến nay vẫn là sự kiện chấn động nhất, tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất đến toàn bộ đời sống quốc tế đương đại, gây ra những tổn thất nặng nề không chỉ đối với hai quốc gia tham chiến mà còn đối với toàn thế giới. Để giải quyết xung đột, thay vì đổ vũ khí vào chiến trường, cần phải đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Bởi chỉ có giải pháp ngoại giao với những lợi ích chính đáng của hai phía đều được tính đến mới giúp chấm dứt những mất mát, đau thương đã kéo dài suốt hơn 2 năm qua.
Khả năng một thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) có thể sớm được ký kết đã gây ra sự hỗn loạn chính trị ở Pháp và trên khắp châu Âu. Nếu được hoàn tất, đây sẽ là thỏa thuận thương mại tự do quan trọng nhất từng được EU ký kết, tuy nhiên, nó cũng châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình tại Pháp.
Thủ tướng Hungary ông Viktor Orban ngày 22/11 cho biết ông sẽ mời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm đất nước mình và sẽ đảm bảo rằng lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế đối với Thủ tướng Israel sẽ "không được thực hiện".
Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.
Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
0