Năm 2024, thế giới 'vật lộn' với thời tiết cực đoan
Năm nóng kỷ lục
Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu khẳng định, năm 2024 chắc chắn là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đồng thời là lần đầu tiên thế giới vượt qua "lằn ranh đỏ" trong nỗ lực bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm.
Theo báo cáo, nắng nóng bất thường chưa từng có đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ trước đó, bao gồm cả năm 2023.
Tháng 11/2024 được xếp hạng là tháng ấm thứ hai được ghi nhận sau tháng 11/2023. Ngày 5/12, Cơ quan khí tượng của Bồ Đào Nha cho biết, nước này đã trải qua tháng 11 nóng nhất từ trước đến nay, với nhiệt độ không khí trung bình cao hơn 2,69 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai đoạn 1981 - 2010.
Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đã xảy ra trên khắp thế giới vào năm 2024, với hạn hán nghiêm trọng tấn công Italy và Nam Mỹ, lũ lụt chết người ở Nepal, Sudan và châu Âu, nắng nóng bất thường ở Mexico, Mali và Ả rập Xê út khiến hàng nghìn người thiệt mạng, cùng những cơn bão thảm khốc ở Mỹ và Philippines. Các nghiên cứu khoa học mới đã xác nhận, các hành vi của con người gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và có liên quan tới tất cả các thảm họa này.
Hoạt động của con người dẫn đến việc tăng phát thải khí nhà kính, càng làm tăng nhiệt độ toàn cầu. El Nino là một hiện tượng tự nhiên. Nhưng các đợt El Nino và cả La Nina, đều diễn ra trong bối cảnh khí hậu đã bị thay đổi hoàn toàn do các hoạt động của con người.
Bà Clare Nullis, người phát ngôn Tổ chức khí tượng thế giới.
Khí thải carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Việc cắt giảm lượng khí thải xuống mức bằng 0 như nhiều chính phủ đã cam kết thực hiện sẽ giúp kìm hãm hiện tượng nóng lên của Trái Đất. Tuy nhiên, bất chấp những cam kết xanh, lượng khí thải CO₂ toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Giới khoa học cho biết, việc nhiệt độ trung bình năm 2024 vượt mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp không đồng nghĩa thế giới đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015, bởi các mục tiêu này được tính trong vòng 20 hoặc 30 năm chứ không phải chỉ trong một năm cụ thể. Tuy nhiên, đây cũng cũng là dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp đối với khí hậu toàn cầu.
Các nhà khoa học cảnh báo, năm 2025 có thể bắt đầu với nhiệt độ toàn cầu ở mức gần kỷ lục và xu hướng này dự kiến kéo dài trong những tháng tới.
Theo dự báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn từ 1,29 đến 1,53 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp hóa. Mặc dù thấp hơn so với hai năm kỷ lục 2023 và 2024, nhưng con số này vẫn cho thấy xu hướng nóng lên toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại.
Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) dự báo, năm 2025 có khả năng lọt vào top 3 năm nóng nhất toàn cầu. Dự báo này càng làm dấy lên lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Thực trạng này đã làm nổi bật những thách thức nghiêm trọng mà cả các quốc gia giàu và nghèo phải đối mặt, khi thiên tai do biến đổi khí hậu, bắt nguồn từ các hoạt động của con người, liên tục xảy ra.
Bão mạnh và dồn dập
Mùa bão năm 2024 đáng chú ý với những cơn bão mạnh bất thường, gây thiệt hại cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm, theo báo cáo cuối năm của Công ty tái bảo hiểm Đức Munich Re. Năm 2024 ghi nhận 18 cơn bão nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương. 11 cơn bão đạt tốc độ gió hơn 119 km/h, trong đó 5 cơn trở thành siêu bão với tốc độ gió hơn 177 km/h. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn là 12 cơn bão nhiệt đới và 2,8 siêu bão, đồng thời cao hơn mức trung bình của giai đoạn ấm gần đây ở Bắc Đại Tây Dương kể từ năm 1995.
Tây Bắc Thái Bình Dương hứng chịu 25 cơn bão trong năm nay. 15 cơn bão nhiệt đới đạt tốc độ gió hơn 119 km/h, trong đó 9 cơn bão đạt cấp 3 - 5, những cấp mạnh nhất của thang bão Saffir-Simpson. Tổng cộng có 18 cơn bão đổ bộ vào đất liền.
Bão Beryl lập nhiều kỷ lục khí tượng, chủ yếu về sự hình thành và cường độ, là một trong những cơn bão mạnh nhất phát triển trong Vùng Phát triển Chính (MDR) của Đại Tây Dương trước tháng 7 và là cơn bão đạt cấp 5 sớm nhất theo thang Saffir-Simpson. Beryl gây hậu quả thảm khốc khi đổ bộ vào đất liền đến ba lần trong một tuần, đầu tiên là quốc đảo Grenada ngày 1/7, tiếp theo là bán đảo Yucatan, Mexico, ngày 5/7 và cuối cùng là Texas, Mỹ, ngày 8/7.
Helene là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trong năm. Cơn bão đổ bộ vào vùng "Big Bend" thưa dân của Florida cuối tháng 9 với sức gió lên tới 225 km/h. Nhưng Helene sẽ được nhớ đến nhiều vì lượng mưa kỷ lục mà nó mang đến các bang Bắc Carolina và Georgia thay vì tác động của gió ở xa hơn về phía Nam. Mưa lớn trên diện rộng đã gây ra lũ lụt chưa từng có, cướp đi mạng sống của hơn 200 người. Tổng thiệt hại do Helene gây ra ước tính khoảng 56 tỷ USD.
Chỉ hai tuần sau Helene, bão Milton tiếp tục đổ bộ gần Sarasota, bang Florida. Tốc độ mạnh lên quá nhanh của bão Milton khiến nhiều người bất ngờ. Chỉ trong khoảng một ngày, nó mạnh lên thành bão cấp 5, cấp mạnh nhất theo thang Saffir - Simpson, với sức gió lên tới 290 km/h khi di chuyển qua Vịnh Mexico, hướng về phía trung tâm Florida. Đây là cơn bão mạnh lên nhanh thứ ba từng ghi nhận ở Đại Tây Dương, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ.
Milton tấn công bờ biển phía Tây Nam đông dân của Florida với tốc độ gió hơn 200 km/h, đạt cấp 3. Dù đã suy yếu trước khi đổ bộ, sức gió của bão vẫn khiến nước dâng cao bất thường, nhấn chìm hơn 200 km bờ biển với những đợt sóng cao tới 2 m. Với tổng thiệt hại khoảng 38 tỷ USD và thiệt hại được bảo hiểm khoảng 25 tỷ USD, đây là cơn bão tốn kém nhất trong năm với các công ty bảo hiểm.
Cơn bão gây thiệt hại nặng nhất ở châu Á và đứng thứ ba trên thế giới trong năm nay là Yagi. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị phá hủy và hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi siêu bão này. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 14 tỷ USD.
Tôi tin rằng Yagi là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực này trong những thập kỷ gần đây. Nó đã đi qua Philippines như một áp thấp nhiệt đới. Khi đó, nó tương đối yếu, nhưng đã nhanh chóng mạnh lên thành bão khi đi qua Philippines. Thật bất ngờ khi cơn bão này tăng tốc nhanh đến vậy.
Cô Nadia Bloemendall, nhà khoa học về khí hậu.
Siêu bão Yagi tấn công Philippines, đảo Hải Nam và mũi phía Nam của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc trước khi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam ngày 7/9. Nó cũng gây mưa lớn, khiến lũ lụt bắt đầu tấn công Myanmar từ ngày 9/9. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, đây là đợt lũ tồi tệ nhất trong lịch sử Myanmar hiện đại. Nước này ghi nhận tới hơn 400 trường hợp tử vong do ảnh hưởng của cơn bão.
Cuối tháng 10, Tây Ban Nha trải qua những trận lũ quét khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại nước này, khiến ít nhất 217 người tử vong. Giới khoa học đánh giá nhiệt độ tăng mạnh ở Địa Trung Hải và điều kiện không khí ấm hơn, góp phần làm cho các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn. Theo chuyên gia Hannah Cloke, Giáo sư thủy văn tại Đại học Reading (Anh), con người sẽ chứng kiến nhiều trận lũ quét như thế này trong tương lai, khi những trận mưa quá lớn và những trận lũ tàn phá như vậy mang dấu ấn của biến đổi khí hậu.
Trung tuần tháng 12, bão Chido, cơn bão mạnh nhất trong gần một thế kỷ qua đổ bộ vào quần đảo Mayotte, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Ấn Độ Dương, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Giới nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến xu hướng bão mạnh lên nhanh chóng của những cơn bão. Nhiệt độ mặt biển cực cao góp phần gia tăng cường độ của các cơn bão - một lời cảnh tỉnh về tác động của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, theo đó bão có thể trút nhiều nước hơn vào một chỗ. Biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng lượng mưa do cơn bão mang lại, gây ra hiện tượng lũ lụt.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra lũ lụt. Các yếu tố khác như quy hoạch đô thị, hệ thống thoát nước, và công tác cảnh báo sớm cũng đóng vai trò quan trọng.
Để ứng phó với tình trạng này, các chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, như xây dựng hệ thống phòng chống lũ, nâng cao nhận thức của cộng đồng về rủi ro thiên tai, và cải thiện hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ các cộng đồng trong tương lai.
Thiệt hại kinh tế nghiêm trọng
Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Các ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề, mùa màng thất bát, cùng với hoạt động du lịch suy giảm, khiến hàng triệu người mất việc làm hoặc giảm thu nhập, làm gia tăng tình trạng nghèo đói và bất ổn xã hội.
Ước tính, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 310 tỷ USD trên thế giới trong năm nay, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí hậu tác động tiêu cực. Theo đánh giá của Tập đoàn tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ, tổng thiệt hại được bảo hiểm tăng 17% so với năm ngoái. Như vậy, năm 2024 là năm thứ năm liên tiếp thiệt hại được bảo hiểm vượt 100 tỷ USD. Tình trạng lũ lụt nặng nề tại châu Âu và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng khiến các công ty bảo hiểm chi trả tới 13 tỷ USD. Các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu cũng đóng vai trò gia tăng trong thiệt hại kinh tế do thiên tai.
Theo ước tính sơ bộ Công ty tái bảo hiểm Đức Munich Re, bão ở Bắc Đại Tây Dương và Tây Bắc Thái Bình Dương gây tổng thiệt hại khoảng 133 tỷ USD. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình 89,2 tỷ USD trong 10 năm qua và mức trung bình 62,6 tỷ USD trong 30 năm qua. Tổn thất do bão năm nay lớn thứ hai trong thập kỷ qua, chỉ sau năm 2017.
Các thảm họa khí hậu gây ra những thiệt hại lớn đối với cơ sở hạ tầng quốc gia. Hệ thống giao thông, lưới điện và các cơ sở y tế bị tàn phá nghiêm trọng trong các trận bão và lũ lụt, làm tăng chi phí tái thiết và phục hồi. Những khoản chi phí này đẩy các quốc gia nghèo vào tình trạng nợ nần, đồng thời tạo ra một chuỗi phản ứng tiêu cực trong nền kinh tế.
Vào tháng 10, Liên hợp quốc cho biết các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và đến năm 2035 sẽ cần 1.300 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ từ bên ngoài cho quá trình chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vào tháng 11 năm nay ở Azerbaijan, các quốc gia gây ô nhiễm lớn đã cam kết huy động ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm kể từ nay đến năm 2035 để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng khoản tiền này chỉ như “muối bỏ bể”.
Dù không phải tất cả các hiện tượng thời tiết cực đoan đều có thể được quy cho biến đổi khí hậu, nhưng theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu rõ ràng đang làm gia tăng tần suất và mức độ của các hiện tượng này. Các nhà khoa học cảnh báo thế giới có thể sẽ phải đối mặt với những tác động tồi tệ hơn trong tương lai nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn.
Những vùng đất trũng ven biển có thể bị nhấn chìm, nhiều quốc gia nghèo sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư khí hậu, và cuộc sống của hàng triệu người sẽ bị thay đổi vĩnh viễn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tục năm 2024 là lời cảnh tỉnh rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề và nhấn mạnh sự cấp thiết phải hành động. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 22/12 tuyên bố, chính quyền mới của ông sẽ cố gắng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama. Bình luận của ông đã bị Tổng thống Panama José Raul Mulino lên án.
Hai gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô Nhật Bản, Honda và Nissan đã chính thức đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán trong 6 tháng tới về khả năng sáp nhập - một bước ngoặt lịch sử đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản. Việc sáp nhập này sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới và cung cấp cho họ nhiều nguồn lực hơn để cạnh tranh với mối đe dọa ngày càng tăng từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Tesla của Mỹ.
Bộ Giao thông vận tải Kazakhstan tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra đặc biệt về vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines tại sân bay Aktau ở phía tây Kazakhstan.
Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Vladikavkaz, miền Nam nước Nga, sau khi khu vực này ghi nhận một vụ nổ lớn xảy ra bên trong, làm rung chuyển toàn bộ tòa nhà.
Đài RT đưa tin, giới chức Nga đã bắt giữ 7 người, bao gồm ba trẻ vị thành niên, với cáo buộc tham gia vào âm mưu ám sát giám đốc điều hành của một công ty quốc phòng có trụ sở tại thủ đô Moscow.
Sáng nay (25/12), một vụ nổ đã xảy ra tại Trung tâm thương mại Alania ở thành phố Vladikavkaz của Nga. Chính quyền dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết sự cố khiến một người thiệt mạng, có thể do máy bay không người lái gây ra.
0