Năm nay thế giới có thể trải qua đợt nóng kỷ lục
Trái đất đang trải qua 10 năm nóng nhất
Báo cáo tình trạng khí hậu hàng năm của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), thuộc Liên hợp quốc, vừa công bố cho thấy nhiệt độ trung bình của Trái đất trong năm 2023 đã lên tới mức cao nhất trong 174 năm, cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các chỉ số về biến đổi khí hậu, bao gồm mức khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt Trái đất, nhiệt độ và axit hóa đại dương, mực nước biển dâng, mất băng ở biển Nam Cực và sự rút lui của sông băng, đều đạt mức kỷ lục. Các đợt nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và các cơn bão nhiệt đới gia tăng nhanh chóng đã gây ra tình trạng hỗn loạn, đảo lộn cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người và gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD.
Theo WMO, nhiệt độ đại dương cũng ở mức ấm nhất trong 65 năm. Vào một ngày trung bình trong năm 2023, gần một phần ba đại dương toàn cầu bị sóng nhiệt bao trùm, gây tổn hại cho các hệ sinh thái biển. Hơn 90% đại dương đã trải qua tình trạng sóng nhiệt vào một thời điểm nào đó trong năm ngoái.
Diện tích tối đa bề mặt băng biển xung quanh Nam Cực hiện cũng ở mức thấp nhất trong lịch sử, thấp hơn 1,03 triệu km2 so với kỷ lục trước đó. Xu hướng này kết hợp với quá trình nóng lên của đại dương làm tăng hơn gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập kỷ qua, so với giai đoạn 1993-2002.
Các chuyên gia nhận định Trái đất đang trải qua giai đoạn 10 năm nóng nhất, với nhiệt độ thậm chí còn nóng hơn dự kiến trong thời gian tới. WMO và Liên hợp quốc buộc phải đưa ra cảnh báo đỏ cho thế giới.
Trái đất đang đưa ra lời kêu gọi cấp cứu. Báo cáo tình trạng khí hậu toàn cầu mới nhất cho thấy một hành tinh đang trên bờ vực. Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang khiến khí hậu biến đổi khó lường. Còi báo động đang vang lên trên tất cả các chỉ số chính. Năm ngoái chúng ta chứng kiến nhiệt độ kỷ lục, mực nước biển dâng kỷ lục, và nhiệt độ bề mặt đại dương cao kỷ lục. Các sông băng mất nhiều băng hơn bao giờ hết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Mùa đông năm 2023-2024 đã chứng kiến các đợt không khí lạnh, tuyết và băng ít bất thường, trở thành mùa đông nóng nhất được ghi nhận. Nhiệt độ hàng tháng liên tục tăng trong vài tháng qua, đến mức giới truyền thông bắt đầu gọi đây là mùa đông “mất tích”. Theo Copernicus - Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu, tháng 2 năm 2024 là tháng 2 nóng nhất từng được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình ấm hơn 1,77 độ C so với mức trung bình của tháng 2 thời kỳ tiền công nghiệp. Tương tự, tháng 1 năm 2024 cũng là tháng 1 nóng nhất từng được ghi nhận.
Xu hướng tăng nhiệt tiếp tục diễn ra trong tháng 3, khi nhiều khu vực trải qua đợt nắng nóng chưa từng có. Tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil, nhiều ngày nhiệt độ cảm nhận lên tới 60 độ C, trong đó ngày 17/3 ghi nhận mức nhiệt cao nhất lịch sử là 62,3 độ C.
Thời tiết nóng và khô cũng khiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, mùa cháy rừng đến sớm hơn thường lệ. Trong tháng 2 năm nay, gần 3.000 đám cháy đã xảy ra tại rừng Amazon khu vực thuộc lãnh thổ Brazil, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là số vụ cháy rừng cao nhất xảy ra trong mỗi tháng 2 kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê năm 1999.
Tại Chile, các vụ cháy rừng liên tục xảy ra từ đầu năm đến nay, trong đó vụ cháy giữa tháng 2 khiến 133 người thiệt mạng được coi là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở quốc gia Nam Mỹ này trong 20 năm qua.
Mỹ cũng liên tục hứng chịu các vụ cháy rừng. Riêng bang Texas phải đối mặt với vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử vào cuối tháng 2. “Giặc" lửa đã thiêu rụi hơn 400.000 ha rừng, phá hủy nhiều ngôi nhà tại các thị trấn nhỏ, khiến ít nhất một người thiệt mạng.
Các mối nguy hiểm về thời tiết và khí hậu làm trầm trọng thêm những thách thức về an ninh lương thực, sự di dời dân cư và tác động đến những nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Số người bị mất an ninh lương thực trầm trọng trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi, từ 149 triệu người trước đại dịch COVID-19 lên 333 triệu người vào năm 2023. Trước tình hình này, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động quyết liệt hơn để giữ mức tăng nhiệt độ lâu dài của hành tinh dưới ngưỡng 1,5 độ C, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kéo dài.
Đại dương ấm bất thường, không chỉ do El Nino
Các mức nhiệt kỷ lục liên tục được ghi nhận trên đất liền và trên biển từ đầu năm tới nay đã khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi rằng liệu những bất thường này có phù hợp với các mô hình nóng lên toàn cầu đã được dự đoán hay không, hay chúng thể hiện sự gia tăng đáng lo ngại của suy thoái khí hậu? Mặc dù hiện tượng El Nino, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục trong năm qua, đang dần suy yếu, nhưng đến nay nhiệt độ các đại dương vẫn ở mức cao dai dẳng.
Các nhà khoa học bị chia rẽ về nhiệt độ bất thường của không khí biển. Một số nhấn mạnh rằng xu hướng hiện tại nằm trong dự đoán của mô hình khí hậu về việc thế giới sẽ ấm lên như thế nào do con người đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng. Những người khác bối rối và lo lắng trước tốc độ thay đổi, vì biển là yếu tố điều tiết nhiệt lớn của Trái đất và hấp thụ hơn 90% sự nóng lên do con người gây ra.
Theo WMO, El Nino, một kiểu khí hậu xuất hiện tự nhiên liên quan đến sự nóng lên của Thái Bình Dương, đã lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 2, và có 80% khả năng sẽ biến mất hoàn toàn trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 tới. Dù vậy, nhiệt độ bề mặt nước biển vào tháng 1 năm 2024 là cao kỷ lục trong các tháng 1. Nhiệt độ bề mặt nước biển trong tháng 2 cũng nóng hơn bất kỳ tháng nào trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào tháng 8 năm ngoái. Điều này thật đáng lo ngại và không thể giải thích chỉ bằng El Nino.
Trên toàn thế giới, mức nhiệt trên đất liền và trên biển rất đáng chú ý. Từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 2, nhiệt độ toàn cầu cao hơn 2 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1850-1900. Trong cả tháng 2, châu Âu đã trải qua đợt nắng nóng cao hơn 3,3 độ C so với mức chuẩn đó.
Sự bất thường về nhiệt độ mạnh nhất xảy ra ở Bắc Đại Tây Dương. Tại đây, các nhà khí hậu học đã xác định mức biến động nhiệt độ trong năm qua là sự kiện hi hữu, chỉ xảy ra một lần trong 284.000 năm.
Mỗi tháng kể từ tháng 6 năm 2023 đều lập kỷ lục nhiệt độ hàng tháng mới, và năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận cho đến nay. El Nino đã góp phần tạo ra những mức nhiệt độ này, nhưng rõ ràng các loại khí nhà kính giữ nhiệt là thủ phạm chính.
Bà Clare Nullis - Người phát ngôn của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO).
Việc những kỷ lục nhiệt độ liên tục bị phá vỡ đã không còn hiếm thấy, nhưng mức độ bất thường trên biển đã gây ra nhiều mối lo ngại. Ông Carlos Nobre, một trong những nhà khí hậu học có ảnh hưởng nhất của Brazil, cho biết không có mô hình khí hậu nào dự đoán chính xác nhiệt độ bề mặt nước biển sẽ tăng cao như thế nào trong 12 tháng qua. Với tình trạng nắng nóng tiếp diễn, ông cho rằng 2024 sẽ là một năm nóng bất thường nữa đối với toàn thế giới.
Những tác động của nhiệt độ cao lên san hô và các dạng sinh vật biển khác là không thể đo lường được. Rạn san hô Great Barrier của Australia đang trải qua đợt tẩy trắng hàng loạt lần thứ năm trong 8 năm. Nhiệt độ bề mặt đại dương cao cũng có thể báo trước một mùa bão kéo dài hơn, các cơn bão hoạt động tích cực hơn.
Theo các nhà khí hậu học, khả năng xuất hiện của hiện tượng La Nina có thể làm Trái đất mát hơn một chút trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, nhưng điều này chỉ là tạm thời. Tất cả các kỷ lục nhiệt độ gần đây sớm muộn gì cũng sẽ bị phá vỡ. Tình hình sẽ tiếp tục xấu đi, và mùa đông “mất tích” sẽ không còn là điều bất thường trong tương lai nếu con người không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Tổ mối – Giải pháp điều chỉnh nhiệt độ trong các tòa nhà
Biến đổi khí hậu đang thách thức sự sống trên Trái đất, đòi hỏi con người phải nhanh chóng tìm giải pháp thích ứng. Phát triển và áp dụng công nghệ mới để giảm phát thải carbon, cùng với việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là bước tiên quyết để đối phó với vấn đề này. David Andreen, giảng viên cao cấp về kiến trúc tại Đại học Lund, Thụy Điển, đang nghiên cứu loài mối để tìm kiếm nguồn cảm hứng cho các kỹ thuật và vật liệu xây dựng mới, với hy vọng tìm ra những cách ít tốn năng lượng hơn để điều chỉnh nhiệt độ trong các tòa nhà, nhằm thích ứng với sự thay đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Hiện có gần 2.800 loài mối trên toàn thế giới, chúng thường được tìm thấy ở những vùng có khí hậu ấm và ẩm ướt như rừng nhiệt đới, nơi chúng chủ yếu ăn cellulose có trong gỗ, lá mục và cỏ. Một số loài mối xây tổ từ đất, đất sét hoặc mạt gỗ, dường như có thể tác động đến luồng không khí và độ ẩm bên trong tổ của chúng một cách tự nhiên trong môi trường khô cằn.
Andreen đã đi nhiều nơi để nghiên cứu tổ mối ở các quốc gia Namibia và Ấn Độ, xem chúng được xây dựng và hoạt động như thế nào. Ông đã thu thập nhiều mẫu vật từ các gò mối, có thể cao tới vài mét, và kiểm tra chúng dưới máy quét CT, từ đó tạo ra các mô hình kỹ thuật số và các thiết kế in 3D có thể được tích hợp vào các tòa nhà của con người.
Một mô hình có tên gọi “Bức tường Meristem”, do Andreen và các đồng nghiệp của ông sản xuất đang được trưng bày tại Đại học Lund. Nó mô tả lại kích thước và cấu trúc mặt cắt thực tế của một tổ mối, với hệ thống các đường hầm và lỗ thông hơi phức tạp. Các nhà khoa học cho rằng các thiết kế dựa trên tổ mối có thể là hình mẫu để đặt các đường ống và dây cáp có trong tất cả các tòa nhà, nhằm tạo nên một hệ thống giúp kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm bền vững, sử dụng ít năng lượng hơn các hệ thống hiện tại.
Bên cạnh đó, mối quan hệ cộng sinh của loài mối với nấm, khi một số loài mối nuôi dưỡng nấm bên trong tổ của chúng như một nguồn thức ăn, cũng đã khơi dậy sự quan tâm của Andreen. Ông và các đồng nghiệp đã sử dụng máy in 3D để sản xuất một cây cột, sử dụng vật liệu xây dựng làm từ hỗn hợp nấm.
Dù nghiên cứu của Andreen vẫn chưa được áp dụng vào thực tế, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ in 3D, ông hy vọng các công trình kiến trúc nhà cao tầng tích hợp các thiết kế phức tạp lấy cảm hứng từ tổ mối sẽ sớm trở thành hiện thực.
Giải pháp công nghệ, phương pháp xây dựng và vật liệu mới đang thúc đẩy khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhưng chúng không thể ngăn ngừa các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa thiên tai tàn khốc. Để kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C, thế giới cần nỗ lực nhiều hơn trong giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo và tăng cường hợp tác quốc tế trong các biện pháp chống biến đổi khí hậu.
Việc kiểm soát biên giới và xử lý người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành trọng tâm trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngay sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, ông đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch. Bước đầu tiên là ông đề cử những nhân vật có quan điểm cứng rắn về nhập cư vào các vị trí chủ chốt trong nội các mới của mình.
Ngày 21/11, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã lên án quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ ông và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant với cáo buộc tội ác chiến tranh ở Gaza, cho rằng đây là quyết định "chống Do Thái".
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.
Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.
0