Nắng nóng gay gắt nhiều nơi trên thế giới

Sau khi trải qua tháng 6 nóng kỷ lục từ trước đến nay, nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, lại tiếp tục trải qua những ngày tháng 7 nóng nhất từng được ghi nhận.

Những ngày nóng kỷ lục

Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu vào ngày 21/7 đã đạt 17,09 độ C, mức cao kỷ lục trong lịch sử.

Nhà khoa học Carlo Buontempo, Giám đốc dịch vụ Copernicus, cho biết có khả năng nhiệt độ những ngày trong tuần này có thể vượt qua kỷ lục hôm 21/7 khi các đợt nắng nóng tiếp tục lan rộng khắp thế giới.

Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu vào ngày 21/7 đã đạt 17,09 độ C, mức cao kỷ lục trong lịch sử

Năm ngoái, có bốn ngày liên tiếp phá vỡ kỷ lục, từ ngày 3 tháng 7 đến ngày 6 tháng 7, khi tình trạng biến đổi khí hậu (do đốt nhiên liệu hóa thạch) gia tăng, đã gây ra tình trạng nhiệt độ cực độ trên khắp Bắc bán cầu.

Năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi có kỷ lục.

Mặc dù nhiệt độ ngày nóng kỷ lục chỉ cao hơn một chút so với số liệu của năm ngoái, nhưng các nhà khoa học cho biết 13 tháng qua, từ tháng 6 năm 2023 đến nay, mỗi tháng đều được đánh giá là tháng nóng nhất hành tinh, so với tháng tương ứng trong những năm trước.

Năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất kể từ khi có kỷ lục, vì biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết tự nhiên El Nino (kết thúc vào tháng 4) đã đẩy nhiệt độ lên cao hơn bao giờ hết trong năm nay.

Sáu tháng đầu năm nay là những tháng nóng nhất. Mỗi tháng trong số đó lại đều là những tháng nóng nhất được ghi nhận. Những tháng cuối năm 2023 cũng ấm áp một cách bất thường. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, chúng ta vừa trải qua một năm rất nóng.

Ông Carlo Buontempo - Giám đốc Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu.

Các nhà khoa học cho rằng những kỷ lục về nắng nóng sẽ không kéo dài lâu, bởi sẽ có những kỷ lục mới được thiết lập, và con người cần phải thích nghi với hình thái khí hậu mới này.

Thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây ra tình trạng cháy rừng ở Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu.

Trong những ngày giữa tháng 7, hàng loạt các quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Serbia, các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, các nước vùng Bắc Mỹ như Mỹ và Canada đã trải qua thời tiết nắng nóng, với nhiệt độ cao kỷ lục, phổ biến từ 38 đến hơn 40 độ C. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã gây ra tình trạng cháy rừng ở Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và du lịch, phá hủy hệ sinh thái trong khu vực.

Hồ muối ở Serbia khô cạn

Các nước vùng Balkan và hầu hết các vùng trung, Nam Âu cũng chịu ảnh hưởng của đợt sóng nhiệt kéo dài, với nhiệt độ cao nhất lên tới 40°C ở Thủ đô Balgrade của Serbia, phá vỡ kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Nắng nóng đã khiến hồ muối Rusanda ở Melenci, tỉnh Vojvodina của Serbia trở nên khô cạn.

Nắng nóng đã khiến hồ muối Rusanda ở Melenci, tỉnh Vojvodina của Serbia trở nên khô cạn, trong khi hồ tự nhiên duy nhất trên đảo Sicily của Italia cũng cạn nước do hạn hán kéo dài.

Hồ Rusanda là hồ nước mặn tự nhiên lớn nhất ở Serbia,với diện tích khoảng 3,9 km2 khi đầy nước. Từ thế kỷ XIX, bùn từ hồ Rusanda đã được sử dụng để điều trị các tình trạng như viêm cơ, thấp khớp và chấn thương do tai nạn. Tuy nhiên, vài tuần qua là một thử thách rất lớn đối với nơi này. Do đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày, "hồ nước kỳ diệu" đã cạn kiệt lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận. Mặt đất khô, nứt nẻ, không có dấu hiệu của bùn hoặc sinh vật sống.

Đợt nắng nóng này đã làm cạn nước trong hồ. Trước đây, nước đã rút đi. Nơi này từng là vùng đất ngập nước, nhưng giờ không còn đầm lầy nữa. Đây là nơi thấp nhất của thành phố, và tình trạng này đã kéo dài trong một thời gian dài, giờ đây còn có thêm ảnh hưởng bởi hạn hán. Nước đang rút dần.

Ông Sava Jovcic - Người dân địa phương.

Nhiều người lo ngại hạn hán sẽ phá vỡ hệ sinh thái của lưu vực độc đáo này. Tuy nhiên, các nhà thủy văn trấn an rằng hồ này đã từng bị khô hạn trong mùa hè năm 2017, khi mùa mưa đến, hồ sẽ đầy nước trở lại vào mùa thu. Tuy nhiên, thực tế là bùn trong hồ sẽ giảm tác dụng chữa bệnh khi nước cạn.

Ngoài hồ Rusanda, nhiều hồ nước khác cũng khô cạn, gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng đến nông nghiệp và cuộc sống của người dân.

Hồ tự nhiên duy nhất trên đảo Sicily sắp biến mất

Nắng nóng kéo dài và lượng mưa thấp nghiêm trọng ở Sicily của Italia đã khiến cho hồ Pergusa, hồ nước tự nhiên duy nhất của hòn đảo Địa Trung Hải này ngày càng thu hẹp.

Hồ Pergusa ngày càng thu hẹp do nắng nóng kéo dài.

Hồ Pergusa, một phần của khu bảo tồn thiên nhiên gần thị trấn Enna ở trung tâm đảo Sicily từng là nơi dừng chân quan trọng cho các loài chim di cư giữa châu Phi và châu Âu. Bề mặt của hồ thường bao phủ 1,8 km2 và không có con sông nào chảy vào hoặc ra khỏi hồ.

Hồ không còn nữa. Phần nước nhìn thấy được đã biến mất hoàn toàn; ngoại trừ vũng nước mà chúng ta có ở đây, có kích thước bằng khoảng 1% hồ, mọi thứ khác đều nằm dưới lòng đất, phần còn lại ít ỏi trong mực nước ngầm. Vì vậy, hồ thực tế không còn là hồ nữa.

Bà Giuseppe Maria Amato - Đại diện quản lý tài nguyên nước của Hiệp hội môi trường 'Legambiente'.

Đảo Sicily của Italy, nơi nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế từ lâu đã phải vật lộn với nhiệt độ cao liên quan đến biến đổi khí hậu. Chuyên gia khí hậu Luigi Pasotti cho biết chỉ có 250 mm mưa rơi trong 12 tháng qua ở Sicily. Các nhà khoa học cho rằng hạn hán có nguy cơ gây tổn hại vĩnh viễn đến đa dạng sinh học xung quanh hồ, bao gồm các loài chim di cư, các loài cá, động vật thân mềm và động vật không xương sống nhỏ.

Chuyên gia khí hậu cảnh báo, tình trạng khô hạn của hồ Pergusa một chỉ báo rõ ràng về những gì Sicily đang phải chịu đựng do biến đổi khí hậu.

Nắng nóng ảnh hưởng công việc ngoài trời 

Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ dao động từ 40 đến hơn 43 độ C ở một số khu vực. Cái nóng thiêu đốt đã làm giảm đáng kể các hoạt động ngoài trời. Những con phố thương mại, nhà hàng quán ăn gần các di tích khảo cổ vốn đông đúc giờ đây thưa thớt bóng người. Thay vào đó, các dịch vụ giao đồ ăn trở nên đắt khách. Tuy nhiên, đây lại là thách thức đối với những người giao hàng vì họ phải đi lại cường độ cao trong điều kiện khắc nghiệt và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về sức khỏe.

Khách du lịch xếp hàng để rời khỏi Acropolis trong đợt nắng nóng ở Athens, Hy Lạp vào ngày 11/6. Ảnh: Shutterstock.

Nhiều nhà hàng tại các khu di tích ở Hy Lạp trước đây vốn đông đảo khách du lịch lui tới, giờ đây đóng cửa im ắng trong cái nóng oi ả. Chính quyền địa phương tại Athens đã thông báo tạm thời đóng cửa tất cả các di tích từ 12h đến 17h hàng ngày do lo ngại tình trạng nắng nóng ảnh hưởng đến các di tích và khách du lịch.

Anh Yannis Asimakopoulos - tài xế giao đồ ăn.

Khi các nhà hàng vắng khách thì dịch vụ giao đồ ăn lại được ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng thì đây là một công việc vô cùng vất vả. Người giao hàng Yannis Asimakopoulos hầu như ngày nào cũng trở về nhà trong tình trạng kiệt sức khi phải lái xe máy liên tục dưới thời tiết oi bức ở Athens để giao đồ ăn cho khách. Anh Yannis cho biết, việc giao hàng bằng xe máy càng ngày càng khó khăn trong điều kiện thời tiết mỗi năm lại nóng hơn.

Tôi đã làm tài xế giao hàng trong 17 năm. Mỗi năm tôi thấy nhiệt độ thay đổi rất lớn, nhiệt độ tăng và kéo dài hơn. Trước đây là hai hoặc ba ngày, giờ là hai tuần hoặc 20 ngày với nhiệt độ cao.

Anh Yannis Asimakopoulos - Tài xế giao đồ ăn.

Chính quyền Hy Lạp đã ban hành khuyến cáo những công nhân tham gia các hoạt động ngoài trời, bao gồm cả tài xế giao hàng và công nhân xây dựng, phải tạm dừng làm việc trong thời gian từ 12h trưa đến 5h chiều hàng ngày nếu nhiệt độ vượt quá 40 độ C. Nhân viên văn phòng được yêu cầu làm việc tại nhà.

Chính quyền Hy Lạp đã ban hành khuyến cáo những công nhân tham gia các hoạt động ngoài trời.

Chính quyền địa phương đã mở các không gian công cộng trong nhà để cung cấp cho người dân và khách du lịch các biện pháp giải tỏa cái nóng. Nhiều thành phố ở Hy Lạp đã phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt trong mười một ngày liên tiếp giữa tháng 7, với nhiệt độ ban đêm ở một số khu vực của Athens vượt quá 30 độ C.

Nhật Bản cung cấp nơi tránh nóng cho người dân

Tại châu Á, Nhật Bản cũng đang trong đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của nhiều người. Chính quyền Nhật Bản đã kêu gọi người dân tránh hoạt động thể chất và ra ngoài trong những ngày nắng nóng, đồng thời cung cấp cho người dân những nơi tránh nóng trong thành phố, trong bối cảnh các bệnh viện quá tải bệnh nhân cấp cứu vì sốc nhiệt.

Chính quyền Nhật Bản đã ban hành cảnh báo sốc nhiệt tại 40 trong số 47 tỉnh của đất nước vào hôm 23 tháng 7, khi nhiệt độ tăng lên hơn 37 độ C.

Theo Sở cứu hỏa Tokyo, các cuộc gọi xe cứu thương tăng đáng kể khi nhiệt độ trong khoảng 25 độ C đến 35 độ C. Theo các báo cáo, tính đến ngày 15/7, có hơn 9.000 người đã tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp vì nghi ngờ sốc nhiệt trên khắp Nhật Bản, gấp đôi số người cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại Tokyo, 80 người đã được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng sốc nhiệt vào ngày 22 tháng 7.

Chính quyền Nhật Bản đã ban hành cảnh báo sốc nhiệt tại 40 trong số 47 tỉnh của đất nước vào hôm 23/7, khi nhiệt độ tăng lên hơn 37 độ C. Ảnh: JP Times.

Để hạn chế tình trạng sốc nhiệt cho người dân, chính quyền Nhật Bản đã cung cấp những "nơi tránh nóng" mới được thiết lập khắp Thủ đô Tokyo, bao gồm cả tại điểm du lịch nổi tiếng Tháp Tokyo.

Những cơ sở điển hình như trung tâm cộng đồng hoặc thư viện sẽ được trang bị máy điều hòa không khí. Tại đây, những người cảm thấy không khỏe sẽ được cung cấp bộ dụng cụ khẩn cấp có chứa các thiết bị hỗ trợ làm mát và nước uống. Những nơi tránh nóng này là một phần của chương trình được thông qua trong năm nay, yêu cầu chính quyền địa phương phải cung cấp cho người dân nơi tránh nóng sau khi cảnh báo được đưa ra. Các địa điểm này sẽ mở cửa từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

Những cơ sở điển hình như trung tâm cộng đồng hoặc thư viện sẽ được trang bị máy điều hòa không khí. Ảnh: Kokoro.

Ngoài cung cấp nơi tránh nóng cho người dân, Hiệp hội Y học Cấp tính Nhật Bản cho biết sẽ xem xét bổ sung thêm cấp độ thứ 4, là cấp độ "nghiêm trọng nhất" vào chỉ số sốc nhiệt gồm ba cấp độ hiện hành, nhằm cảnh báo mọi người về tình trạng sốc nhiệt.

Các nhà khoa học cho rằng nắng nóng đang dần trở thành hình thái thời tiết bình thường, con người nên thích nghi với điều đó. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những người ủng hộ môi trường cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu và các quốc gia giàu có loại bỏ dần và chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, từ đó ngăn ngừa những tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm cả các đợt nắng nóng, đối với môi trường tự nhiên, kinh tế và sức khỏe của con người.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo WHO, lô vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên được gửi tới Cộng hòa Dân chủ Congo là một nỗ lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 4/9 đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng do cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 9 là sự kiện tạo nền tảng quan trọng để Nga thúc đẩy chính sách hướng Đông được Nga đề ra từ hơn một thập kỷ trước, trên cơ sở xác định thế kỷ XXI là “thế kỷ của châu Á”.

Các cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ đầu cuộc xung đột đã bùng phát tại nhiều thành phố ở Israel, nhằm gây sức ép yêu cầu Thủ tướng Benjamin Netanyahu hành động để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, giải cứu các con tin còn lại.

Hãng thông tấn Nga TASS trích dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga đưa tin: Lực lượng vũ trang Ukraine đã mất tới 400 người và 12 xe bọc thép trong ngày qua tại Khu vực Kursk. Tổng số quân Ukraine thiệt mạng kể từ khi giao tranh bắt đầu ở khu vực này là hơn 9.300. Không quân Nga đã tấn công lực lượng dự bị của Ukraine tại 15 địa phương ở Khu vực Sumy trong ngày.

Chiến sự leo thang ở Trung Đông đã kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng với nền kinh tế của tất cả quốc gia trong khu vực.