Nền kinh tế thế giới năm 2025 sẽ ra sao?

Năm 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP thế giới đạt 3,2%, tương đồng với dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Thách thức dự kiến sẽ vẫn tồn tại trong năm 2025, với hai sự kiện toàn cầu quan trọng đóng vai trò then chốt: nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Trump và quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Dự báo mức tăng trưởng của kinh tế thế giới

Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu 2025, OECD lạc quan hàng đầu với mức 3,3%, tiếp đến là IMF với 3,2%. Thận trọng hơn, Morgan Stanley và Goldman Sachs đưa ra dự báo lần lượt là 3% và 2,7% - triển vọng khác nhau đáng kể giữa các khu vực.

Goldman Sachs cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới mở rộng nhanh hơn các nước phát triển khác trong năm thứ 3 liên tiếp, đạt 2,5%. OECD cho rằng, con số này có thể đạt đến 2,4%. Theo OECD, dự báo kinh tế châu Âu chỉ tăng 1,3%, Nhật Bản 1,5%, Trung Quốc 4,7%. Tuy nhiên, "biến số" còn phụ thuộc vào Mỹ.

Theo Goldman Sachs, GDP của khu vực Eurozone có thể chỉ tăng 0,8% vào năm sau, do chính sách thuế quan và quy định mới của Mỹ - đặc biệt mạnh nếu có chiến tranh thương mại. Trung Quốc cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi thuế quan của ông Trump, nên GDP năm sau chỉ tăng 4,1%, theo S&P Global. Tại châu Âu, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức và Pháp, do khủng hoảng chính trị trong nước và nhu cầu toàn cầu suy yếu ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của hai đầu tàu kinh tế Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử bất thường ở Đức vào tháng 2/2025, sau sự sụp đổ của liên minh cầm quyền, diễn ra sớm hơn 7 tháng so với dự kiến. Mặc dù vậy, các cuộc đàm phán liên minh đảng phái có thể mất vài tháng mới giải quyết xong.

Trong khi đó, Pháp tiếp tục vật lộn với vấn đề nợ chính phủ vượt giới hạn cho phép và bế tắc chính trị về ngân sách năm 2025. Với nợ công lên tới mức tương đương 112% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra, lĩnh vực ngân hàng của Pháp phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng, trong bối cảnh lo ngại về tài chính công không được cải thiện.

Theo báo cáo cập nhật từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á trong cả hai năm 2024 và 2025 đã được điều chỉnh giảm. ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển từ 5% xuống 4,9% trong năm 2024 và từ 4,9% xuống 4,8% trong năm 2025. Nguyên nhân chính là hiệu suất kém ở một số nền kinh tế và triển vọng tiêu dùng yếu.

Với Trung Quốc, nhờ tác động của việc nới lỏng chính sách gần đây và sức mạnh xuất khẩu trong ngắn hạn, Ngân hàng thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2024 từ 4,8% đưa ra hồi tháng 6 lên 4,9%. Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" trong năm nay.

"Việc giải quyết những thách thức trong lĩnh vực bất động sản, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội và cải thiện tài chính của chính quyền địa phương sẽ là cần thiết để mở ra một quá trình phục hồi bền vững".

Bà Mara Warwick, Giám đốc quốc gia của WB tại Trung Quốc

Mặc dù tăng trưởng năm 2025 được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,5%, nhưng vẫn cao hơn mức 4,1% được WB dự báo trước đó. WB cho biết thêm, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình chậm lại và tác động tiêu cực đến tài sản từ giá nhà thấp hơn dự kiến sẽ ảnh hưởng đến mức tiêu dùng cho đến năm 2025.

Tình hình chính trị tại Hàn Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật vào đêm 3/12 và dỡ bỏ 6 giờ sau đó. Theo dự báo, kinh tế Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm bất ổn chính trị trong nước và các rào cản thuế từ Mỹ, có thể tác động đến xuất khẩu.

Trong khi đó, Ấn Độ đang tận dụng tốt các cải cách chính sách để thúc đẩy tăng trưởng, biến quốc gia này thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Những cải cách kinh tế, như thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của Ấn Độ. Với nền kinh tế năng động và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Ấn Độ có thể đạt mức tăng trưởng trên 6-7%, dẫn đầu trong nhóm các nền kinh tế mới nổi.

Dự báo về lạm phát và lãi suất

Theo Morgan Stanley, lạm phát vốn khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư lo ngại trong vài năm qua, sẽ giảm dần trong năm tới. Tuy nhiên, tiến độ có thể chậm lại và tình hình cụ thể sẽ khác nhau ở từng quốc gia. Lạm phát ở các quốc gia OECD dự kiến sẽ giảm thêm, từ 5,4% trong năm 2024 xuống 3,8% trong năm 2025 nhờ vẫn duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt.

Tại Mỹ, lạm phát có thể phục hồi vào cuối năm 2025 do giá cả và chi phí lao động tăng cao bởi chính sách thuế quan và nhập cư mới của ông Trump. Tại khu vực đồng euro và Anh, lạm phát sẽ giảm dần đều.

Ở châu Á, Nhật Bản - nơi giảm phát là vấn đề kinh tế trong nhiều thập kỷ, Ngân hàng Trung ương (BOJ) đã điều chỉnh dự báo lạm phát cho năm tài chính 2025 từ 2,1% xuống 1,9%. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến chống giảm phát. Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán lạm phát ở nước này khó phục hồi lên mức dương khi nguồn cung dư thừa tái xuất hiện do gián đoạn thương mại.

Theo nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs Research, một lý do chính khiến mọi người lạc quan về tăng trưởng toàn cầu là lạm phát giảm nhiều hai năm qua, gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên theo Morgan Stanley, các ngân hàng trung ương có thể thực hiện các hành động khác nhau do tình hình đặc thù. Việc nới lỏng của Fed sẽ bị trì hoãn vào giữa năm 2025, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh có thể tiếp tục cắt giảm. Ngân hàng Nhật Bản sẽ tăng lãi suất hai lần vào năm 2025.

Bất chấp những lo lắng về một tương lai khó đoán định của nền kinh tế thế giới, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ vẫn đang được cải thiện và thị trường lao động duy trì sức mạnh. Những yếu tố này là cơ sở để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong tháng 12/2024, đưa lãi suất về mức 4,25-4,5%. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục thận trọng trước các chính sách kinh tế tiềm năng của Tổng thống đắc cử Trump và rất có thể sẽ chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025.

Cùng thời điểm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất từ 3,25% xuống 3%. Cơ quan này đánh giá rằng, lạm phát ở Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ ổn định quanh mục tiêu 2%, nhưng không cam kết với lộ trình chính sách cụ thể trong năm 2025.

“Chúng tôi quyết tâm đảm bảo lạm phát ổn định bền vững ở mức mục tiêu trung hạn là 2%. Chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu và qua từng cuộc họp để xác định lập trường chính sách tiền tệ phù hợp. Đặc biệt, các quyết định về lãi suất của chúng tôi sẽ dựa trên đánh giá về triển vọng lạm phát theo dữ liệu kinh tế và tài chính sắp tới, động lực của lạm phát cơ bản và sức mạnh của chính sách tiền tệ. Chúng tôi không cam kết trước với một lộ trình lãi suất cụ thể nào”.

Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu

Trong tháng 12/2024, một sự kiện đáng chú ý tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là việc Trung Quốc quyết định quay lại chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” lần đầu tiên sau 14 năm.

Quyết định này đã được Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua, báo hiệu một kế hoạch kích thích tài chính mạnh mẽ, có thể bao gồm một đợt cắt giảm lãi suất lớn và mua tài sản vào năm 2025. Sau thông tin này, thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh, với chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,8%.

Tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ

Thách thức dự kiến sẽ vẫn tồn tại trong năm 2025, với hai sự kiện toàn cầu quan trọng đóng vai trò then chốt: nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ lần thứ hai của ông Donald Trump và quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong đó, các lựa chọn chính sách mà ông Trump dự kiến đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai có khả năng chi phối triển vọng kinh tế toàn cầu trong 12 tháng tới.

Trong năm 2024, chúng ta đã chứng kiến tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và EU. Căng thẳng thương mại được xem sẽ còn phức tại hơn nữa khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào đầu năm tới.

Sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2025, ông Trump có khả năng thực hiện lời đe dọa trong chiến dịch tranh cử của mình là áp thuế từ 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác và 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Nếu bất ổn thương mại tăng lên mức cao như giai đoạn 2018-2019, GDP của Mỹ có thể giảm 0,3%, trong khi Eurozone và Trung Quốc giảm đến 0,9% và 0,7%. Chúng tôi có thể hạ dự báo nhiều hơn nếu thương chiến leo thang hơn”.

Ông Jan Hatzius - Kinh tế trưởng Goldman Sachs Research Goldman Sachs

Các nhà dự báo đã đưa ra những dự đoán khác nhau về thiệt hại mà thuế quan mới của Trump sẽ gây ra cho các nền kinh tế khác, một phần tùy thuộc vào mức độ thuế. Nhưng thiệt hại chắc chắn là điều không thể tránh khỏi.

Những đề xuất thuế quan của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Canada và Mexico có thể châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại và tác động nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Trong năm 2025, các quốc gia ở Trung và Đông Âu, vốn phụ thuộc vào ngành sản xuất ô tô, sẽ đương đầu với thách thức nặng nề bởi các loại thuế này. Ngành công nghiệp ô tô Đức, hiện là nhà xuất khẩu ô tô chở khách lớn nhất của châu Âu sang Mỹ, cũng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa thuế quan của ông Trump.

Ngành công nghiệp ô tô Đức được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất trong số các nước châu Âu, từ các mức thuế quan tiềm tàng mà ông Trump đã tuyên bố sẽ áp dụng. Theo một số ước tính, các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ có thể mất tới 17% lợi nhuận hàng năm nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với châu Âu, Mexico và Canada. Viện Kinh tế Đức dự đoán rằng nếu Tổng thống đắc cử Trump áp thuế quan 20% đối với hàng hoá của EU, nền kinh tế Đức có thể thiệt hại tới 192,5 tỷ USD trong bốn năm tới. Những chi phí đó cũng sẽ có hiệu ứng lan tỏa ở các khu vực Trung và Đông Âu, vốn phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất ô tô.

Theo giới quan sát, ông Trump dường như coi thuế quan là công cụ đa năng để xử lý nhiều yếu tố gây hại từ bên ngoài, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia Mỹ.

Trong trường hợp ông Trump chỉ đe dọa như một chiến thuật đàm phán, ông có thể không tăng thuế nếu tin rằng đã "chiến thắng" trong giao dịch với các nước khác.

Ngoài lý do trên, giới quan sát cũng cho rằng mục đích cuối cùng của ông Trump là nhằm sử dụng thuế quan như một công cụ chủ chốt, giống như ông từng làm trong nhiệm kỳ đầu, để thúc đẩy sản xuất trong nước và tăng nguồn thu ngân sách nhằm bù đắp cho những khoản thâm hụt từ kế hoạch cắt giảm thuế, cũng như gây quỹ cho chính quyền liên bang.

Không chỉ tác động đến 3 quốc gia có nguy cơ bị áp thuế, xu hướng áp dụng các chính sách thương mại bảo hộ của ông Donald Trump cũng khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng tính toán này của ông Trump sẽ có tác động ngược đối với kinh tế Mỹ. Viện nghiên cứu Ifo ở Munich (Đức) cho rằng thuế quan thương mại cao hơn khó có thể có hiệu lực ngay sau khi tổng thống Mỹ mới nhậm chức, mà thay vào đó sẽ diễn ra trong suốt năm tới, củng cố các hoạt động chuyển hướng thương mại hiện có, với kết quả là thương mại toàn cầu sẽ tăng trong nửa đầu năm 2025, nhưng sau đó sẽ chậm lại dần.

2025 hứa hẹn là một năm đầy biến động nhưng cũng ẩn chứa nhiều cơ hội cho kinh tế toàn cầu, khi các sự kiện địa chính trị và những thay đổi trong cấu trúc kinh tế đang định hình bối cảnh quốc tế. Việc tận dụng công nghệ, cải thiện các chính sách kinh tế và duy trì sự linh hoạt trong các quan hệ quốc tế sẽ là chìa khóa để vượt qua các khó khăn. Chỉ khi các quốc gia có thể kết hợp một cách hiệu quả giữa đổi mới sáng tạo và sự ổn định chính trị, họ mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng được các yêu cầu khắc nghiệt của thế giới hiện đại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngăn chặn thương vụ Tập đoàn thép Nippon của Nhật Bản mua lại tập đoàn thép US Steel của Mỹ với trị giá 14,1 tỷ USD, do lo ngại về an ninh quốc gia.

Quân đội Israel ngày 3/1 đã tiếp tục tiến hành không kích vào dải Gaza. Theo giới chức y tế tại địa phương, cuộc không kích đã khiến ít nhất 42 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em.

13 người đã thiệt mạng và 29 người khác bị thương sau khi một chiếc xe buýt du lịch lao xuống vực sâu 48 mét trên con đường nối thành phố Pasto với Ipiales, miền Nam Colombia.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa ký lệnh bãi nhiệm Phó Tổng thống Sara Duterte khỏi Hội đồng An ninh quốc gia.

Một máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Ural Airlines (Nga), đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Sharm El-Sheikh tối ngày 3/1 sau khi có báo cáo về sự cố kỹ thuật.

Trục trặc kỹ thuật trong hệ thống công nghệ thông tin của Cơ quan Cảnh sát Liên bang Đức vào ngày 3/1 đã làm ảnh hưởng lớn đến thủ tục nhập cảnh của hành khách tại các sân bay lớn ở nước này.