Nga đạt bước tiến lớn, Ukraine trong tình thế đáng lo ngại

Tốc độ tiến công gần đây của Nga trái ngược hoàn toàn với những thành quả chậm nhưng ổn định mà Moscow đạt được từ đầu năm đến nay ở mặt trận Donetsk. Điều này đang đặt Ukraine vào tình thế đáng lo ngại.

Nga kiểm soát vùng lãnh thổ lớn nhất kể từ mùa xuân

Ukraine xác nhận Nga đang gia tăng áp lực lên Pokrovsk, trung tâm hậu cần chiến lược thuộc khu vực Donetsk ở miền Đông nước này. Những đợt bom dẫn đường và bộ binh đã giúp phía Nga tiến gần Pokrovsk, và kiểm soát được vùng lãnh thổ lớn nhất kể từ mùa xuân.

Pasi Paroinen, một nhà phân tích của Black Bird Group, nói với Reuters rằng chỉ trong vòng một tuần qua, Nga đã giành được khoảng 57 km vuông lãnh thổ Ukraine. Đây là lần giành được lãnh thổ lớn thứ ba kể từ tháng 4.

Theo người phát ngôn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, ông Ruslan Muzychuk, các lực lượng Nga đang sử dụng máy bay chiến đấu và hỏa lực pháo binh để hỗ trợ các đợt tấn công của bộ binh ở khu vực gần Pokrovsk.

Đây là mối đe dọa đáng kể vì mặt trận Pokrovsk và Toretsk đang phải gánh chịu phần lớn các cuộc không kích hàng ngày vào các vị trí của lực lượng phòng thủ Ukraine. Các lực lượng Nga đã liên tục tiến lên trên một số mặt trận ở khu vực Donetsk, phát động các cuộc tấn công đặc biệt dữ dội gần Pokrovsk, trong khi lực lượng Ukraine bị kéo mỏng trên chiến tuyến.

Ông Ruslan Muzychuk - Người phát ngôn của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine.

Trong bối cảnh chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt, số lượng yêu cầu sơ tán của người dân trong khu vực đã tăng khoảng 10 lần trong hai tuần qua. Anh Roman Buhayov, một tình nguyện viên của tổ chức nhân đạo East SOS đang hỗ trợ người dân sơ tán khỏi Novohrodivka, thị trấn gần Pokrovsk có dân số khoảng 14.000 người trước chiến tranh, cho biết: “Nga đã tăng cường tấn công. Họ đang tiến về Pokrovsk. Và mọi người đang rời khỏi những khu vực đó ngay bây giờ.”

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong tuần qua quân đội nước này đã kiểm soát năm khu định cư ở khu vực Donetsk.

Vị trí làng Yuryevka, tỉnh Donetsk. Ảnh: RYV.

Theo ông Valeriy Romanenko, một chuyên gia hàng không tại Kiev, việc Nga sử dụng máy bay chiến đấu để ném bom lượn có ý nghĩa rất quan trọng đối với chiến thuật chiến trường của Moscow.

Ông Romanenko cũng cho rằng việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 của Mỹ cho Ukraine có thể làm gián đoạn chiến dịch trên nếu các tiêm kích có thể đe dọa các máy bay chiến đấu của Nga nhưng những hoạt động như vậy khó có thể xảy ra do rủi ro mà nó gây ra cho các phi công mới điều khiển những tiêm kích đắt đỏ này.

Chiến đấu cơ F-16 không phải “viên đạn bạc”

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 4/8 cho biết, các phi công Ukraine đã bắt đầu lái F-16, xác nhận sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất tại Ukraine sau hơn 29 tháng kể từ khi xung đột nổ ra. Sự xuất hiện của F-16 là một dấu mốc quan trọng đối với Kiev sau nhiều tháng chờ đợi, sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này. Tuy nhiên, các quan chức của cả Ukraine và phương Tây đều cảnh báo rằng loại máy bay từng được Kiev coi là nhân tố thay đổi cuộc chơi sẽ khó có thể tạo ra tác động ngay lập tức trên chiến trường, nơi Nga đang giành lợi thế nhất định. Không những vậy, Nga được cho là đã có sẵn phương tiện có thể khắc chế loại chiến đấu cơ này.

Vẫn còn rất nhiều thách thức chờ đợi Ukraine, đơn giản là vì số lượng máy bay F-16 mà nước này nhận được còn quá ít ỏi, trong khi Nga có nhiều hệ thống phòng không có thể bắn hạ chúng. Phát biểu tại một căn cứ không quân, phía sau là hai chiếc F-16 và hai chiếc khác bay trên cao, Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận nước này vẫn chưa có đủ phi công được đào tạo để điều khiển F-16, cũng như chưa được nhận đủ loại máy bay này.

Số lượng máy bay phản lực, số lượng phi công được đào tạo mà chúng tôi có ở Ukraine vẫn chưa đủ. Nhưng điều tích cực là chúng tôi đang mong đợi được nhận thêm F-16 và có nhiều phi công đang được đào tạo.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine 80 chiếc F-16, nhưng hầu hết trong số đó sẽ không được chuyển giao trong nhiều năm. Mỹ, nước đã chấp thuận để các đồng minh NATO chuyển giao máy bay cho Ukraine của vào mùa hè năm ngoái sau một thời gian dài phản đối yêu cầu của Kiev, đến nay vẫn chưa cung cấp hoặc cam kết bất kỳ máy bay nào.

Các quan chức từ chối tiết lộ chính xác số lượng máy bay F-16 mà Kiev sẽ nhận được trong năm nay, nhưng sẽ không quá một phi đội, tương đương khoảng 20 chiếc. Dự kiến chỉ có sáu phi công hoàn thành khóa đào tạo vào mùa hè này, vì chương trình đào tạo có số lượng hạn chế và đã bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nói rằng Kiev cần hơn 100 máy bay F-16 để chống lại lực lượng không quân khổng lồ của Nga và cho rằng số lượng máy bay phản lực mà Ukraine đang nhận được là “không đủ”.

Máy bay chiến đấu F-16 thuộc Ukraine được nhìn thấy trên không trung tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine ngày 4/8. Ảnh: Reuters.

Điều đó có nghĩa là những chiếc F-16 đầu tiên có thể sẽ chỉ làm nhiệm vụ tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine, đó là bắn hạ các mục tiêu trên không như tên lửa, máy bay không người lái và máy bay, thay vì tấn công lực lượng mặt đất của Nga và các tài sản quân sự khác gần tiền tuyến.

Ngoài ra, việc bảo vệ các máy bay F-16 trên mặt đất cũng sẽ là một thách thức vì tất cả các sân bay của Ukraine đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Nga.

Để bảo vệ F-16, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Guardian của Anh cho biết F-16 sẽ bay cách tiền tuyến ít nhất 40 km.

Mặc dù F-16 là loại máy bay cải tiến so với các máy bay phản lực lỗi thời mà Ukraine đang có, nhưng vẫn là máy bay chiến đấu thế hệ cũ so với lực lượng không quân mới hơn và tinh vi hơn của Nga.

Một máy bay chiến đấu Su-35S của Nga đã bắn hạ một máy bay MiG-29 của Ukraine. Ảnh Pravda.

Tờ Rossiyskaya Gazeta đưa tin, máy bay Sukhoi Su-35S của Nga mới bắn hạ một máy bay Mig-29 của Ukraine bằng tên lửa không đối không R-37M độc đáo từ khoảng cách lên tới 213 km. R-37M của Nga là tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất thế giới. Theo thông số kỹ thuật được công bố, R-37 có tầm bắn 300 km và tốc độ bay tối đa gấp sáu lần tốc độ âm thanh. Điều này thực sự khiến nó trở thành một vũ khí siêu thanh. Sự kết hợp giữa tốc độ cao và tầm bắn xa này giúp tên lửa có khả năng vô hiệu hóa máy bay của đối phương trước khi chúng gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho lực lượng Nga. Theo các chuyên gia, R-37M hiện không có đối thủ trên thế giới về tầm bắn, tốc độ và độ cao của mục tiêu bị bắn trúng.

Với sức mạnh không quân của mình, Nga tin tưởng rằng máy bay của NATO sẽ không thể thay đổi cán cân sức mạnh khi chúng được chuyển giao cho Kiev. Theo đó, chiến đấu cơ Nga có khả năng mang tên lửa R-37M sẽ có thể bắn trúng tiêm kích F-16 ở tầm xa. Tầm bắn của tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 của máy bay chiến đấu Mỹ hiện chỉ đạt 120 km, trong khi tầm bắn của R-37M là 300 km. Không chỉ vậy, các chiến đấu cơ Su-30 và Su-35S của Nga còn vượt trội hơn F-16 trong không chiến tầm gần nhờ khả năng cơ động và kho tên lửa tầm ngắn lớn.

Số lượng máy bay phản lực F-16 của Ukraine sẽ giảm dần, chúng sẽ bị bắn hạ, bị phá hủy. Những nguồn cung cấp này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến động lực của các sự kiện trên chiến trường.

Ông Dmitry Peskov – Người phát ngôn Điện Kremlin.

Nhân lực - Bài toán khó với Ukraine

Một nguyên nhân khác khiến Ukraine gặp khó trên chiến trường, đó là tình trạng thiếu nhân lực. Mặc dù trong những tuần tới, một số lượng lớn lính nghĩa vụ Ukraine sẽ được bổ sung ra chiến trường, nhưng các nhà phân tích quân sự cho rằng, nhiều người trong số họ chưa được huấn luyện đầy đủ hoặc không phù hợp về thể chất. Trong bối cảnh ấy, việc tăng cường huy động lực lượng của Ukraine cho đến nay chưa thể giúp tăng cường đáng kể sức mạnh của quân đội.

Tình trạng thiếu nhân lực đã trở thành một trong những vấn đề lớn nhất của Ukraine trên chiến trường trong năm qua. Tướng Yurii Sodol, cựu chỉ huy lực lượng Ukraine hồi tháng 4/2024 từng cho biết, ở một số khu vực trên tiền tuyến, quân số của Nga áp đảo Ukraine với tỷ lệ 7:1.

Một số khu vực trên tiền tuyến, quân số của Nga áp đảo Ukraine với tỷ lệ 7:1. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hồi tháng 4 đã ký ban hành luật về động viên nhập ngũ, theo đó quyết định hạ độ tuổi nhập ngũ tối thiểu từ 27 xuống 25, đồng thời yêu cầu tất cả đàn ông dưới 60 tuổi phải cập nhật dữ liệu cá nhân trực tuyến hoặc tại các văn phòng tuyển quân.

Luật này đưa ra nhiều khuyến khích tài chính cho những người nhập ngũ song cũng áp đặt các hình phạt đối với những người trốn nghĩa vụ quân sự, chẳng hạn như đình chỉ giấy phép lái xe của những người không đăng ký.

Dù hiện nay tình hình đang cải thiện phần nào so với thời điểm năm 2023, nhưng trên thực tế, việc tuyển quân tại Ukraine vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là vì nhiều người Ukraine đã không còn hào hứng gia nhập quân đội như trước nữa.

Khi xung đột nổ ra vào năm 2022, mọi người đã chờ đợi suốt nhiều tuần để có cơ hội gia nhập quân đội. Bây giờ, theo như tôi biết, hầu hết những người xếp hàng tại các văn phòng tuyển quân là những người muốn được miễn trừ tham gia chiến đấu.

Anh Fantomas - Sĩ quan tuyển quân Ukraine.

Các báo cáo về tình trạng tham nhũng trong việc tuyển quân và các cảnh quay trên mạng xã hội về các cuộc ẩu đả giữa các sĩ quan tuyển quân và công dân đã khiến công chúng Ukraine không khỏi thất vọng.

Trong một cuộc khảo sát vào tháng 4 do đài truyền hình công cộng Suspilne ủy quyền, khoảng 50% người Ukraine cho biết họ tin rằng việc huy động lực lượng đang diễn ra không tốt và 60% nói rằng họ có nhận thức tiêu cực về các văn phòng tuyển quân.

Để bù đắp sự thiếu hụt nhân sự, ngoài lính nghĩa vụ, Ukraine đã thả khoảng 3.800 tù nhân phục vụ quân ngũ để đổi lấy khả năng được ân xá khi họ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu. Tuy nhiên, việc huy động binh lính chỉ là một phần trong nỗ lực cân bằng lớn hơn của Ukraine. Việc đảm bảo rằng quân đội được huấn luyện đầy đủ và cung cấp đủ vũ khí cũng như đạn dược có tầm quan trọng ngang nhau. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 7 từng thừa nhận rằng hiện không có đủ cơ sở để huấn luyện cho lính nghĩa vụ và ông cũng phàn nàn về việc nhiều lữ đoàn không được trang bị đầy đủ do những trì hoãn trong việc cung cấp vũ khí của phương Tây.

Các tù nhân tham gia khóa huấn luyện của quân đội Ukraine ở vùng Dnipropetrovsk, ngày 22/6. Ảnh: AP.

Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga có thể bổ sung thêm 30.000 quân cho lực lượng tiền tuyến mỗi tháng. Các cơ sở công nghiệp quân sự của nước này đang làm việc 24/7 để sản xuất mọi thứ từ xe tăng đến UAV và bom dẫn đường.

Tờ Strana.ua dẫn lời ông Aleksey Leonov, thành viên của Ủy ban Chính sách Tài chính, Thuế và Hải quan của Quốc hội Ukraine cho hay, Kiev chi khoảng 5,6 tỷ Hryvnia mỗi ngày cho mọi thứ liên quan đến cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra với Nga.

Theo ông, năm tới chi phí tương ứng sẽ tăng lên 2,227 nghìn tỷ Hryvnia. Tuy nhiên, vào năm 2026, con số này có thể giảm xuống còn 1,627 nghìn tỷ Hryvnia.

Chính quyền Ukraine đã chi một nửa ngân sách đất nước cho nhu cầu quân sự. Ảnh: AFP.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, chính quyền Ukraine đã chi một nửa ngân sách đất nước cho nhu cầu quân sự. Đây là quả thực là một gánh nặng tài chính đối với Ukraine.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết, mặc dù tổn thất nặng nề nhưng Nga đã “gần như khôi phục hoàn toàn về mặt quân sự”, và điều đó có thể cho phép Moscow tăng cường các chiến dịch tấn công.

Theo giới quan sát, việc các lực lượng Nga đạt được những bước tiến nhanh chóng ở miền Đông Ukraine thời gian gần đây là nhờ thay đổi chiến thuật hợp lý. Nga đang khai thác tốt hơn các lỗ hổng trong các phòng tuyến của Ukraine, vốn đã suy yếu do thiếu người và chịu áp lực liên tục của Nga trên toàn mặt trận dài gần 1.000 km, để mở mũi đột phá. Mặc dù cho đến nay những bước tiến ấy chưa chuyển thành những đột phá lớn, nhưng điều đó vẫn đe dọa vành đai phòng thủ cuối cùng của Ukraine tại khu vực Donetsk, đặt Kiev vào tình thế khó khăn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) diễn ra từ ngày 5 đến 9 tại Bắc Kinh. Đây là sự kiện ngoại giao quy mô lớn do Trung Quốc tổ chức với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện từ hơn 50 quốc gia châu Phi.

Trong 24 giờ qua, Kiev thiệt hại 810 binh sĩ trong các trận giao tranh với quân thuộc nhóm quân Yug (phía Nam) của Nga. Nhóm này cũng đã phá hủy một kho đạn dược và hai xe bọc thép của Ukraine.

Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng lên gần mức kỷ lục ở Đại Tây Dương và nhiều khu vực khác trên thế giới sẽ khiến mùa bão năm nay hoạt động mạnh hơn bình thường.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, ngày 6/9, quân đội Nga đã đẩy lùi hai cuộc tấn công của Ukraine vào Matveyevka và Olgovka, đồng thời ngăn chặn các nỗ lực tấn công của Ukraine vào ba khu định cư.

Theo WHO, lô vaccine đậu mùa khỉ đầu tiên được gửi tới Cộng hòa Dân chủ Congo là một nỗ lực kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 4/9 đã bắt đầu chuyến công du Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng do cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.